sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 21 phần 1

21

TRONG KHỐl THỊNH VƯỢNG CHUNG

Khi chúng tôi độc lập, tôi cho rằng Singapore nên là một thành viên của Khối Thịnh vượng chung[22]. Chính phủ Anh giúp đỡ và Tunku nhiệt tình bảo trợ cho chúng tôi. Tôi không biết là ban đầu Pakistan đã phản đối việc kết nạp của Singapore để đáp lại việc Malaysia ủng hộ Ấn Độ trong cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan ở Kashmir. Trong hồi ký của ông Arnold Smith, Tổng thư ký Khối Thịnh vượng chung có viết: Sự thù địch của Pakistan đối với Malaysia đã chĩa mũi sang chính phủ Singapore vì chính quyền này đã biểu lộ sự đồng tình đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, Smith đã thuyết phục được Pakistan bỏ phiếu trắng và không phản đối sự gia nhập của Singapore. Tháng 10/1965, Singapore đã được công nhận là thành viên thứ 22 của Khối Thịnh vượng chung. Tư cách thành viên này rất có giá trị. Đối với một quốc gia vừa mới độc lập, vị trí này tạo mối liên kết với một mạng lưới chính phủ mà các thể chế của nó là tương đồng và các viên chức, lãnh tụ cũng cùng có chung một nền tảng. Họ đều là những chính quyền sử dụng ngôn ngữ Anh, với các cơ quan hành chính và hệ thống giáo dục, tòa án, luật pháp theo khuôn mẫu của người Anh.

[22] Commonwealth: Hiệp hội bao gồm Vương quốc Anh và một số quốc gia độc lập từ thuộc địa Anh và các nước phụ thuộc Anh. (ND)

Không lâu sau khi chúng tôi gia nhập, Thủ tướng Nigeria, ông Abubakar Tafawa Balewa, triệu tập một cuộc hội nghị các Thủ tướng Khối Thịnh vượng chung vào ngày 11/1/1966 ở Lagos để thảo luận về vấn đề đơn phương tuyên bố độc lập của Rhodesia. Khi đó Rhodesia là một thuộc địa tự trị với thiểu số 225.000 người da trắng cai quản 4 triệu người châu Phi da đen. Tôi quyết định tham dự cuộc hội nghị.

Trên chuyến bay 7 giờ từ London đến Lagos của hãng hàng không BOAC (Tập đoàn hàng không hải ngoại Anh) có mặt một số thủ tướng và tổng thống của những quốc gia nhỏ thuộc Khối Thịnh vượng chung. Chúng tôi đã cùng nhau trò chuyện. Một người đồng hành đáng nhớ là Tổng giám mục Makarios, Tổng thống của Cyprus. Ông mặc chiếc áo choàng bằng lụa đen, đội chiếc mũ cao màu đen của Tổng giám mục của Chính thống giáo Hy Lạp. Khi đã lên máy bay, ông cởi mũ và áo choàng, lúc đó trông ông hoàn toàn khác – một người đàn ông thấp bé, hói đầu với râu cằm, ria mép rậm rạp. Ông ngồi ở phía bên kia lối đi cùng hàng ghế với tôi vì thế tôi có thể quan sát ông rất rõ. Tôi cảm thấy thích thú khi nhìn ông sửa soạn lại lễ phục lúc máy bay chạy vào bãi đỗ. Ông cẩn thận vuốt lại râu cằm và ria mép, đứng lên khoác lại áo choàng đen bên ngoài bộ quần áo trắng, đeo sợi dây vàng với mặt mề đay to, sau đó cẩn thận đội mũ. Người phụ tá phủi nhẹ những vết lốm đốm màu trắng trên áo choàng đen của ông, trao cho ông chiếc gậy Tổng giám mục; cuối cùng chỉ khi đó Đức ngài Tổng giám mục Makarios mới sẵn sàng bước xuống cầu thang trong phong thái chỉnh tề trước các ống kính camera đang chờ đợi. Không có chính trị gia nào có ý thức về giao tế hơn thế. Những thủ tướng khác lùi lại để cho ông đi trước – Ông không chỉ là tổng thống mà còn là Tổng giám mục.

Chúng tôi lần lượt được một đội quân danh dự chào đón và sau đó cùng tiến vào Lagos. Nơi này giống như một thành phố bị bao vây. Cảnh sát và binh lính xếp thành hàng, dọc theo lối vào khách sạn Federal Palace. Dây thép gai và những đội quân bảo vệ bao quanh khách sạn. Trong thời gian hai ngày của cuộc hội nghị, không có vị lãnh tụ nào rời khỏi khách sạn.

Đêm trước buổi họp, ông Abubakar Tafawa Balewa, người mà tôi đã đến thăm cách đây hai năm, tổ chức một bữa tiệc lớn tại khách sạn. Raja và tôi ngồi đối diện với một người Nigeria cao lớn, Tù trưởng Festus, Bộ trưởng Tài chính của Nigeria. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ về buổi trò chuyện. Ông nói ông dự định về hưu sớm. Ông đã cống hiến đủ cho quốc gia và bây giờ ông phải coi sóc công việc kinh doanh của mình, một nhà máy sản xuất giày. Với tư cách là Bộ trưởng Tài chính, ông đã đánh thuế việc nhập khẩu giày để Nigeria có thể sản xuất mặt hàng này. Raja và tôi cảm thấy hoài nghi. Tù trưởng Festus là người háu ăn, đặc điểm đó bộc lộ qua thân hình mập mạp của ông, được ngụy trang quý phái trong chiếc áo choàng đầy màu sắc của người Nigeria với những trang trí bằng vàng và chiếc mũ tuyệt đẹp. Đêm đó, tôi đi ngủ với ý nghĩ họ là một dân tộc khác đang vận hành theo một quy luật khác.

Thủ tướng Abubakar đã phát biểu trong buổi lễ khai mạc của cuộc hội nghị ngày 11/1. Ông có thân hình cao, gầy, phong thái đĩnh đạc, cách phát biểu chậm rãi, có hệ thống. Trông ông rõ ra dáng một tù trưởng, một nhân vật quyền lực, trầm lặng, trong chiếc áo choàng của người Hausas vùng Bắc Nigeria. Ông triệu tập khẩn cuộc hội nghị này để thảo luận về sự tuyên bố độc lập không hợp pháp của Rhodesia, sự kiện đang cần hành động can thiệp của người Anh. Phó Tổng thống của Zambia, Reuben Kamanga phát biểu kế tiếp và sau đó là Harold Wilson. Rõ ràng là Wilson không thể và cũng không có ý định sử dụng vũ lực chống lại chế độ độc lập không hợp pháp của Ian Smith. Hành động đó sẽ phương hại về mặt chính trị trong lòng công chúng Anh đồng thời cũng sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của Rhodesia và các quốc gia châu Phi lân cận.

Tôi phát biểu vào ngày thứ hai của cuộc hội nghị. Tôi không có văn bản chuẩn bị sẵn, chỉ có một vài đề mục nhỏ và những ghi chú mà tôi đã ghi nhanh khi Thủ tướng Abubakar và những lãnh tụ khác phát biểu. Tôi đưa ra những lập luận rõ ràng. 300 năm trước, người Anh đã bắt đầu đánh chiếm Bắc Mỹ, Úc, New Zealand và lập nhiều thuộc địa ở châu Á và châu Phi. Họ định cư tại nhiều vùng đất mơ ước ở châu Á và châu Phi với tư thế của kẻ chinh phục chiến thắng và là những người chủ cai quản. Tuy nhiên vào năm 1966, một Thủ tướng Anh đã phát biểu trên tư thế bình đẳng với những người cầm quyền của những lãnh thổ từng là thuộc địa của họ trước kia. Đó chính là một mối liên hệ không ngừng tiến triển. Ông Albert Margai, Thủ tướng Sierra Leone cho rằng chỉ có người châu Phi mới thật sự quan tâm đến Rhodesia. Tôi không đồng ý với ông rằng chỉ có người châu Phi mới quan tâm đến vấn đề này. Tất cả những người tham dự liên quan đều quan tâm vấn đề này. Singapore kết hợp chặt chẽ với Anh về quốc phòng. Nếu Anh bị quy cho là người hỗ trợ Ian Smith chiếm lấy chính quyền bất hợp pháp thì tình thế của tôi cũng sẽ trở nên khó khăn.

Tôi không đồng ý với Tiến sĩ Milton Obote, Thủ tướng Uganda khi ông cho rằng Anh không muốn buộc những người châu Âu ở Rhodesia chịu sự kiểm soát hoặc nhờ Liên Hiệp Quốc áp đặt luật trừng phạt vì chủ ý quỷ quyệt của người Anh là để Ian Smith có thời gian củng cố chế độ của ông ta. Không ích lợi gì khi nói theo quan điểm phân chia chủng tộc giữa những người định cư da trắng và dân nhập cư. Giống như những dân tộc ở Canada, Australia và New Zealand, tôi là dân định cư. Nếu tất cả dân nhập cư đều là người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thì thế giới lâm vào thời kỳ khó khăn. Chúng ta có hai giải pháp lựa chọn cho những vấn đề phát sinh từ việc di dân xảy ra trên khắp thế giới; hoặc chấp thuận mọi người đều có quyền bình đẳng hoặc trở về quy luật mạnh được yếu thua. Đối với các dân tộc da màu trên thế giới, yêu cầu sự trừng phạt cho những sai lầm trong quá khứ không phải là giải pháp để tồn tại. Ở châu Phi, cốt lõi của vấn đề không phải là Rhodesia mà là những mối quan hệ chủng tộc ở Nam Phi.

Tôi không tin là Anh không muốn kết thúc chế độ Smith bởi vì sự tồn tại của chế độ đó sẽ đe dọa vị thế của phương Tây đối với tất cả các dân tộc không phải người châu Âu. Nếu Wilson sử dụng vũ lực để tiêu diệt một dân tộc thiểu số kém phát triển, ông sẽ phải đối đầu lại với quan điểm trong nước. Tôi tin tưởng chính phủ Anh nghiêm chỉnh trong vấn đề này và không muốn trình vấn đề lên Liên Hiệp Quốc là vì Anh không muốn 130 thành viên của Liên Hiệp Quốc quyết định tình hình Rhodesia sau khi ông Smith bị cách chức. Anh phải trì hoãn thời gian vì những lợi ích kinh tế của mình ở Nam Phi và Rhodesia, và có nhu cầu bảo vệ nền kinh tế Rhodesia vì quyền lợi của người châu Phi cũng như của người châu Âu. Khi vấn đề Nam Phi được giải quyết, vấn đề lớn còn lại là những chủng tộc khác nhau làm thế nào để sống thuận hòa với nhau trong một thế giới đã trở nên nhỏ bé bởi những thay đổi về khoa học kỹ thuật.

Tôi đồng tình với người dân châu Phi, song tôi cũng nhìn thấy những khó khăn mà thủ tướng Anh phải đối mặt nếu như ông đưa quân Anh dập tắt cuộc nổi dậy của dân định cư Anh đã tự trị trong nhiều thập niên từ năm 1923. Vấn đề hiện tại là cần triển khai phương pháp và thời gian để đạt được sự cai trị bởi đa số cho Rhodesia.

Một lợi điểm trong cuộc họp các lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung là cho dù quốc gia của bạn lớn hay bé, khi bạn đã tham dự, bạn sẽ được đánh giá dựa trên công lao của chính bạn. Nhiều người đã đọc các bài diễn văn được chuẩn bị sẵn. Tôi chỉ phản hồi lại những gì vừa được nghe và ghi chú. Tôi nói một cách chân thành và diễn đạt những suy nghĩ của mình mà không cần sử dụng uyển ngữ của một văn bản được chuẩn bị sẵn. Đây là bài phát biểu đầu tiên của tôi tại hội nghị các Thủ tướng thuộc Khối Thịnh vượng chung và tôi cảm nhận được sự tán thành nồng nhiệt của các đồng sự xung quanh tôi.

Sau này trong hồi ký của Wilson có viết “mặc dù chỉ là sự lặp lại, nhưng thật chẳng kiêng dè gì khi một nhà lãnh đạo châu Phi, sau một người khác, cố chứng minh rằng ông ta quan tâm đến châu Phi nhiều hơn các láng giềng của ông như thế nào. Từ châu Á, Cyprus và Caribbe, thông điệp chỉ trích cũng tương tự như thế. Sau đó, Lý Quang Diệu của Singapore đã phát biểu – chỉ là một bài ứng khẩu không chuẩn bị trong khoảng 40 phút song đã đạt được một mức độ tinh tế hiếm thấy trong bất kỳ cuộc hội nghị nào của Khối Thịnh vượng chung mà tôi từng tham dự.”

Sự hiện diện của tôi tại Lagos đã củng cố mối quan hệ hữu nghị giữa tôi với Harold Wilson. Tôi hữu ích đối với người dân châu Phi và không vô ích đối với người Anh. Wilson chức mừng tôi bên ngoài phòng hội nghị và nói rằng ông hy vọng tôi sẽ có mặt ở các cuộc hội nghị khác của Khối Thịnh vượng chung. Ông cần một người làm nền tương phản với những lãnh tụ khó tính có những bài diễn văn cay cú và dài thườn thượt. Hai ngày sau, hội nghị kết thúc sau khi đã bổ nhiệm hai hội đồng để xem xét lại những tác động của sự trừng phạt và những nhu cầu đặc biệt mà Zambia cần đến sự hỗ trợ của Khối Thịnh vượng chung.

Địa điểm kế tiếp mà chúng tôi đến là Accra, thủ đô của Ghana. Có nhiều đội bảo vệ hơn dọc đường đến sân bay vì tình hình căng thẳng ở Lagos đã tăng lên trong bốn ngày từ khi chúng tôi đến.

Sau khi đến Accra ba ngày, chúng tôi được biết là đã xảy ra một cuộc đảo chính đẫm máu ở Lagos. Thủ tướng Abubakar và ông Festus bị ám sát. Thủ lĩnh quân đội Ibo phía Đông Nigeria, nơi mỏ dầu đang được phát hiện, đã dẫn đầu cuộc đảo chính giết hại nhiều người Hồi giáo Hausa vùng Bắc Nigeria. Viên thủ lĩnh nói ông ta muốn tống khứ các đảng phái chính trị và các bộ trưởng tham nhũng, đồi bại. Cuộc đảo chính này đưa Thiếu tướng J.T.U. Aguiyi Irons lên nắm quyền lực, nhưng theo sau đó chắc chắn sẽ còn nhiều cuộc đảo chính khác.

Kwame Nkrumah, Tổng thống Ghana, không vui trước tin này. Hai năm trước, ông đã may mắn thoát được, chỉ trước khi tôi đến thăm ông vào tháng 1/1964. Vào năm 1966, “Osagyefo” (Chúa cứu thế), như Nkrumah được gọi, đã khôi phục lại vị trí của ông và ông mời tôi dự bữa ăn tối cùng với một số bộ trưởng thâm niên của ông và một hiệu trưởng trẻ tuổi, tài giỏi, Abraham. Vị hiệu trưởng này khoảng ba mươi tuổi, đã đoạt giải nhất về văn học cổ điển tại Oxford và là một thành viên ban giám hiệu của trường đại học All Souls. Nkrumah rất hãnh diện về Abraham. Tôi cũng có ấn tượng với ông, song tôi ngạc nhiên tại sao một quốc gia phụ thuộc vào nông nghiệp như thế lại có người tài giỏi nhất và ưu tú nhất hoạt động trong lĩnh vực văn học cổ điển Latinh và Hy Lạp.

Khi chúng tôi đến Accra, người đến gần máy bay để đón tôi là Krobo Edusei, Quốc vụ khanh. Ông ta bị tai tiếng là một bộ trưởng tham ô khi tự mua cho mình một khung giường bằng vàng, chuyện này đã được công bố trên báo chí thế giới. Nkrumah làm giảm căng thẳng vụ tai tiếng bằng cách hạn chế chức vụ bộ trưởng của Krobo, chỉ cho ông tiếp đón khách của chính phủ. Vào đêm thứ hai của tôi ở Accra, Krobo đưa tôi đến một hộp đêm. Ông tự hào tuyên bố rằng hộp đêm này do ông sở hữu và tất cả những VIP[23] đều thích có những buổi tối ở nơi này.

[23] Very Important Person: người đặc biệt quan trọng.

Chúng tôi đi bằng xe hơi mất 3 giờ để đến đập High Volta. Trên đường đi, đoàn xe hộ tống dẫn đầu là một xe hơi với những chiếc loa phóng thanh phát ra điệu nhạc của người châu Phi; những bài tình ca có điệp khúc bằng tiếng Anh “work is beautiful”. Vài đứa trẻ xuất hiện từ những túp lều bên đường, lắc lư tự nhiên theo điệu nhạc khi chúng tránh vào lề đường để vẫy chào chúng tôi. Tôi bị mê hoặc trước những điệu lắc mềm mại của chúng.

Tôi là người khách thứ hai được giải trí trên du thuyền tuyệt đẹp được nhập khẩu và được lắp ráp toàn bộ từ Miami. Họ cho tôi biết nó được vận chuyển bằng đường sắt và trôi bồng bềnh trên hồ. Đi cùng với chúng tôi là Krobo Edusei và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ghana, Alex Quaison Sackey, một trí thức có tài hùng biện. Khi chúng tôi đang du ngoạn trên hồ, có rượu cốc–tai và bánh trên boong, Raja hỏi Krobo rằng ai đã may bộ trang phục đi đường tuyệt đẹp của ông. Krobo đáp: “Tiệm may của tôi ở Kumasi. Ông phải đến thăm nơi đó một ngày nào đấy và tôi sẽ may cho ông một bộ giống như của tôi”. Sau đó, ông nói về những hoạt động khác của mình. Ông đã từng là thư ký bưu điện với mức lương 30 si–linh (4 đôla Mỹ) một tuần; hiện tại ông có hai cậu con trai học ở Geneva, Thụy Sĩ. Ông nói một người đàn ông là phải có hoài bão. Ngoại trưởng Quaison Sackey, một người nhạy bén, từng là chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trông không được vui vẻ và thoải mái. Ông cố gắng lái câu chuyện của Krobo sang hướng khác nhưng Krobo vẫn cứ tiếp tục đề tài của mình và chúng tôi được thết đãi bằng một loạt những câu chuyện buồn cười. Tôi tự hỏi điều gì sẽ xảy ra cho hai quốc gia này. Họ là những niềm hy vọng tươi sáng nhất của châu Phi, hai quốc gia đầu tiên giành được độc lập, Ghana vào năm 1957 và một thời gian ngắn sau đó là Nigieria.

Một tháng sau, vào ngày 24/2, trong khi Nkrumah đang được đón tiếp bằng 21 phát súng bắn chào mừng ở Bắc Kinh, Trung Quốc, thì ở Accra xảy ra một cuộc đảo chính quân sự. Người dân nhảy múa trên đường phố khi các thủ lĩnh quân đội bắt giữ những thành viên đứng đầu của chính phủ Nkrumah. Alex Quaison Sackey và Krobo Edusei đang có mặt ở Bắc Kinh cùng với Nkrumah. Khi trở về Accra, họ bị giám sát chặt chẽ. Những lo lắng của tôi đối với nhân dân Ghana đã không đặt nhầm chỗ. Mặc dù những đồn điền ca cao trù phú, những mỏ vàng và hồ High Volta có thể tạo ra nguồn điện lực khổng lồ nhưng nền kinh tế của Ghana vẫn chìm trong đổ nát và không hồi phục như sự hứa hẹn buổi đầu mà nó đã đưa ra khi độc lập năm 1957.

Tin tức tôi đọc được làm tôi cảm thấy buồn. Tôi không bao giờ thăm lại Ghana. Hai thập niên sau, vào thập niên 80, Quaison Sackey gặp tôi tại Singapore. Trong một cuộc đảo chính, ông bị bắt giam và được phóng thích. Ông muốn mua chịu dầu cọ từ Singapore, nhân danh chính quyền Nigeria, hứa hẹn chi trả sau khi họ tổ chức cuộc bầu cử. Tôi nói rằng đó là một thỏa thuận trong công việc mua bán riêng tư mà ông phải giải quyết. Ông kiếm sống nhờ vào sự giao thiệp với các lãnh đạo các nước láng giềng châu Phi. Ông nói Ghana đang chìm trong sự hỗn loạn. Sau đó, tôi đã hỏi thăm về Abraham, vị hiệu trưởng trẻ tuổi tài cao. Quaison Sackey cho biết ông ta đã vào một tu viện ở California. Tôi cảm thấy buồn. Nếu những người tài giỏi nhất và ưu tú nhất từ bỏ cuộc chiến và tìm nơi ẩn náu ở một tu viện, không phải ở châu Phi mà là ở California, thì con đường khôi phục sẽ còn dài và gian khó.

Tôi không lạc quan về châu Phi. Chưa đầy 10 năm sau khi độc lập vào năm 1957, Nigeria đã xảy ra cuộc đảo chính và ở Ghana là một cuộc đảo chính thất bại. Tôi nghĩ lòng trung thành với bộ tộc của họ mạnh hơn ý thức về tình quốc gia dân tộc. Đây là một vấn đề đặc biệt ở Nigeria, nơi có sự phân chia sâu sắc giữa những người miền Bắc Hồi giáo Hausa, và những người miền Nam theo công giáo hoặc vô thần. Cũng như ở Malaysia, người Anh đã chuyển giao quyền lực, đặc biệt về quân đội và cảnh sát, cho người Hồi giáo. Ở Ghana, không có sự phân chia nam bắc, vấn đề sẽ bớt nghiêm trọng hơn, nhưng thực tế vẫn có những phân chia bộ lạc rõ rệt. Không giống như Ấn Độ, Ghana không có một thời gian dài được đào tạo và giám hộ theo những phương pháp và kỷ luật của một chính phủ hiện đại.

Kỳ hội nghị kế tiếp diễn ra ở London vào tháng 9/1966, khi đó tôi được gặp nhiều vị thủ tướng không có mặt trong cuộc hội nghị đặc biệt ở Lagos. Suốt hai tuần ở đó, tôi đã củng cố vị trí của Singapore trong lòng công chúng Anh và duy trì mối quan hệ tốt đẹp sẵn có với Wilson, với những bộ trưởng quan trọng của ông ấy, và với các lãnh đạo của đảng Bảo thủ.

Một lần nữa, vấn đề về Rhodesia lại chi phối toàn cuộc hội nghị (như nó tiếp tục chi phối trong mỗi cuộc hội nghị cho đến khi có một sự dàn xếp ổn thỏa tại cuộc họp ở Lusaka vào năm 1979). Các lãnh tụ châu Phi cảm thông sâu sắc đối với đồng bào châu Phi của họ ở Rhodesia. Họ còn muốn lập sự tín nhiệm trong chính dân tộc mình. Hơn nữa, việc tập trung chú ý vào vấn đề đơn phương tuyên bố độc lập (UDI) của Rhodesia đã xóa khỏi tâm trí của người dân châu Phi những khó khăn cấp bách về kinh tế và xã hội. Trong số những lãnh đạo da trắng, Lester Pearson của Canada rõ ràng là người có thiên hướng tự do nhất ủng hộ sự nghiệp của người châu Phi và những người bị thiệt thòi về quyền lợi.

Tôi nêu những vấn đề ở Đông Nam Á. Tôi nói rằng Việt Nam là sự xung đột về hai hệ tư tưởng đối lập, mỗi bên đều quyết tâm không nhượng bộ vì biết rằng toàn bộ khu vực sẽ bị mất nếu bên này chịu khuất phục bên kia. Thủ tướng Úc Harold Holt tỏ vẻ khó chịu khi tôi nói rằng quân đội Úc và New Zealand ở Nam Việt Nam không chỉ đơn thuần bảo vệ cho nền dân chủ và tự do của Việt Nam mà họ đang bảo vệ cho những lợi ích chiến lược của riêng họ. Ông nhanh chóng lấy lại thăng bằng và chấp nhận quan điểm của tôi khi tôi nói thêm rằng trong lợi ích của họ có cả sự tồn tại của tôi. Tôi giữ cho mình một quan điểm độc lập nhằm củng cố phẩm chất của mình để không bị xem là con rối của người Anh, Úc hay New Zealand, những quốc gia có quân đội đang bảo vệ Singapore. Tôi thẳng thắn nói rằng sự rút lui của Mỹ sẽ là thảm họa cho tất cả các quốc gia trong khu vực, kể cả Singapore. Lời nói đó làm cho quan điểm của tôi được chấp nhận mặc dù quan điểm thông thường của những lãnh đạo người châu Phi là chống lại sự can thiệp của Mỹ. Vị trí của Singapore với các lãnh đạo người châu Phi và châu Á cũng được cải thiện.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx