sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 21 phần 2

Tại kỳ họp kế tiếp vào tháng Giêng năm 1969 cũng ở London, với tư cách là chủ tọa, Wilson yêu cầu tôi khai mạc cuộc hội thảo về sự hợp tác của Khối Thịnh vượng chung. Tôi mở đầu bằng những nhận xét chỉ trích sự hỗ trợ nhỏ giọt của phương Tây đối với các quốc gia đang phát triển, sau đó tiếp tục giải thích những nguyên nhân sâu xa về sự thất bại của họ. Để tập hợp quần chúng trong cuộc tìm kiếm tự do, thế hệ đầu tiên của các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc chống thực dân đã xây đắp những ảo tưởng về sự phồn vinh mà họ không thể thực hiện. Sự bùng nổ dân số làm tăng thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Hòa bình giữa các dân tộc, vốn từng được các lãnh chúa thuộc địa dùng uy lực duy trì, khó có thể giữ vững sau khi độc lập, khi quyền lực nằm trong tay của một sắc tộc chiếm đa số. Các thế lực, từng được sự ủng hộ của công chúng trước khi độc lập, phải chứng minh sự chính đáng liên tục của họ, và trong cuộc cạnh tranh với các đảng phái khác, họ đã không thể chống lại sức cám dỗ của những lời kêu gọi lòng trung thành đối với sắc tộc, ngôn ngữ và tôn giáo. Những quốc gia bị thiệt hại khi những nhóm thiểu số của họ hầu hết là người Ấn Độ ở châu Phi, bị loại ra ngoài bởi bạo động hay bởi pháp luật. Thường họ là những chủ cửa hiệu hoạt động như những chủ ngân hàng nông thôn vì họ biết ai là người có khả năng chi trả. Vai trò chủ ngân hàng nông thôn này không ai thay thế được ngay cả chính quyền bản xứ, Tổ chức Hòa bình Mỹ hay các viên chức Cơ quan tình nguyện Anh. Lớp người được đào tạo quá ít và chính quyền mới lại quay về mô típ xã hội nhu nhược mà không có được bàn tay dẫn dắt cứng rắn của một nhà lãnh đạo giỏi và một cơ chế quản lý hiệu lực. Nạn tham nhũng bắt đầu và trở thành lối sống. Các cuộc đảo chính quân sự làm cho tình hình tồi tệ hơn. Nhưng trên hết là các chính phủ đều ủng hộ kiểm soát và kế hoạch hóa kinh tế, bóp chết các doanh nghiệp tự do. May mắn thay, Singapore và Malaysia đã không làm như thế và chúng tôi vẫn tiếp tục phát triển. Trong quyển “The Labour Government 1964–1970”, Harold Wilson viết rằng tôi đã mô tả “những vấn đề kinh tế của các quốc gia mới giải phóng bằng cái nhìn của chủ nghĩa hiện thực tàn nhẫn… Phải công nhận rằng đây là một trong những bài tiểu luận xuất sắc nhất giải thích về thế giới hậu đế chế mà bất kỳ ai trong chúng ta đã từng nghe”.

Wilson đề nghị luân phiên các kỳ hội nghị hai năm một lần giữa London và một quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung, ông muốn tổ chức kỳ hội nghị tiếp theo ở Singapore. Các nhà lãnh đạo khác đã đồng ý. Tôi lấy làm vui mừng được làm chủ cuộc hội nghị. Sự kiện này sẽ thu hút sự chú ý của thế giới đối với Singapore. Với hai năm chuẩn bị, đây có thể là cơ hội để Singapore đạt được sự thừa nhận nó như một ốc đảo năng lực và hợp lý trong Thế giới thứ Ba.

Vào tháng Giêng năm 1971, các vị khách Khối Thịnh vượng chung đã đến Singapore sạch và xanh với cách phục vụ thân thiện, nồng hậu, hiệu quả và lịch sự. Các khách sạn, cửa hiệu, taxi, nhà hàng hết lòng phục vụ. Tất cả đều gọn gàng và trật tự. Gia đình của những người bị quản thúc về chính trị do ủng hộ cộng sản đã tổ chức cuộc biểu tình chống chính phủ bên ngoài Tòa đại sảnh NUTC, nơi hội nghị đang diễn ra. Khi cảnh sát lặng lẽ giải tán họ, có những lời thì thầm phản đối từ giới báo chí Anh rằng chúng tôi nên cho phép họ tiếp tục. Song các viên chức chịu trách nhiệm bảo vệ an ninh cho đoàn đại biểu thì không nghĩ thế.

Ngay sau khi trở thành Thủ tướng, Ted Heath tuyên bố rằng nước Anh sẽ bắt đầu lại việc buôn bán vũ khí với Nam Phi vốn đã bị đình chỉ bởi chính quyền đảng Lao động. Điều này đã kích động một sự phản kháng mạnh mẽ từ những nhà lãnh đạo da đen người châu Phi, nhiều người trong số họ đe dọa giải tán Khối Thịnh vượng chung nếu Anh ngoan cố. Ngay sau khi Heath đến Singapore, ông đồng ý với tôi và tuyên bố rằng Anh sẽ vui lòng xem xét vấn đề vũ khí đối với Nam Phi như một mục riêng biệt trong chương trình nghị sự. Sau hai cuộc họp chỉ dành cho những nhà lãnh đạo, chúng tôi tán thành việc cử ra một nhóm các nhà điều tra để xem xét tình hình cung cấp vũ khí hải quân và báo cáo những vấn đề phát hiện được lên tổng thư ký.

Heath không thoải mái trong khung cảnh đa chủng tộc của Thế giới thứ Ba. Đây là lần đầu tiên ông có mặt trong một cuộc tập hợp như thế. Các lãnh đạo châu Phi quyết tâm làm ông cảm thấy bị cô lập. Một chút dè dặt và đề phòng, ông khác xa với Harold Wilson vốn đầy sự thân thiện. Heath có vẻ cứng nhắc và không thoải mái, nói bằng giọng Oxford khỏe mạnh và nổi giận khi bị khiêu khích. May mắn là ông ấy hiểu rõ tôi và tin rằng tôi nghiêm túc lắng nghe ông ấy.

Tôi mời Ngài Seretse Khama, Tổng thống của Botswana phát biểu đầu tiên. Tôi biết ông ta là người ôn hòa, điềm đạm và thận trọng. Ông là con trai của người đứng đầu Botswana và đã kết hôn với một phụ nữ người Anh khi ông ở Oxford. Chính quyền Nam Phi đã gây áp lực một cách thành công với chính phủ Anh nhằm cản trở ông kế vị chức vụ thủ lĩnh trong nhiều năm vì cuộc hôn nhân khác màu da của ông là sự nhạo báng luật cấm của họ trong quan hệ giới tính giữa người da đen và da trắng. Ông nói Anh có toàn quyền quyết định lợi ích quốc gia của họ, nhưng quyết định bán vũ khí có thể chỉ gây tổn hại cho Khối Thịnh vượng chung. Đây là một bài diễn văn không ồn ào nhưng lại có sức thuyết phục.

Julius Nyerere, Tổng thống của Tanzania, trình bày những lý lẽ của ông ta trên nền tảng luân lý, rằng Nam Phi nằm ngoài Khối Thịnh vượng chung bởi vì hệ tư tưởng của nó mâu thuẫn với Khối Thịnh vượng chung đa chủng tộc. Ông yêu cầu “một cách nghiêm chỉnh” rằng Anh không nên giúp đỡ Nam Phi và buộc các quốc gia châu Phi phải phản ứng lại. Ông nói ngắn gọn bất ngờ. Ông ta đánh giá Heath và quyết định tốt nhất là đừng thuyết giáo với Heath. Nyerere là lãnh tụ người châu Phi mà tôi tôn trọng nhất. Ông gây ấn tượng với tôi là một người trung thực và chân thành. Ông trao quyền lực cho người kế vị theo quy định của hiến pháp và Tanzania chưa bao giờ rơi vào tình trạng hỗn loạn như Uganda.

Tổng thống Hasting Banda của Malawi nói rằng không có vị lãnh đạo người châu Phi nào có ý định bỏ mặc và làm sụp đổ Khối Thịnh vượng chung. Dùng vũ lực sẽ không đem lại thành công; những người đấu tranh cho tự do đã thử từ năm 1964 và không đạt được kết quả gì. Thay vì dùng vũ lực, cô lập và tẩy chay, ông kêu gọi sự hợp tác và đối thoại giữa người da trắng và người da đen. Các lãnh đạo người châu Phi biểu lộ công khai sự khinh thường đối với ông nhưng ông có vẻ hoàn toàn thản nhiên. Tôi cố gắng ngăn tính hoa mỹ hùng biện của ông nhưng một khi đang tuôn trào thì ông không thể dừng lại. Ông là người có cá tính, luôn đeo kính râm thậm chí lúc ở trong nhà và vào ban đêm, đồng hành với ông là một phụ nữ trẻ người châu Phi có thân hình tròn trĩnh. Trông ông già nhưng nói năng rất mạnh mẽ, vẫy cái cây xua ruồi để nhấn mạnh quan điểm của mình. Nhưng có lẽ ông giống hệt như người đang vẫy một lá cờ đỏ trước những con bò hung dữ[24]. Tôi không chắc là Heath đang lúng túng hay đang thích thú.

[24] Giống đấu sĩ bò tót, Tây Ban Nha. Ý nói như người chọc giận và biểu diễn. (ND)

Heath đã đáp trả hợp lý. Việc bán thiết bị hải quân cho Nam Phi chủ yếu là vấn đề về chính sách quốc phòng, không liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Người Anh trông cậy vào việc vận chuyển tự do hàng hóa và quyền tự do đi lại trên vùng biển. Một nửa nguồn cung cấp dầu và một phần tư việc mua bán của Anh đi ngang qua tuyến đường biển vòng quanh mũi Hảo Vọng. Liên Xô đã tạo ra mối đe dọa về đường biển. (Vào ngày 16 tháng Giêng, bốn ngày trước khi Heath nói về vấn đề bán vũ khí cho Nam Phi, hai tàu chiến của Xô Viết, một chiến hạm và một tàu hộ tống đã đi công khai qua Singapore vào khoảng hai chiều từ vùng biển Đông hướng sang Ấn Độ Dương).

Tổng thống Keneth Kaunda của Zambia đã xen vào một phát biểu gây cảm xúc mạnh mẽ. Ông cảnh báo rằng lợi ích quốc gia của Anh không chỉ nằm ở Nam Phi hay Ấn Độ Dương mà còn ở nhiều vùng của châu Phi. Khi kể lại những hành vi độc ác mà người dân châu Phi đã chịu đựng dưới bàn tay của dân định cư da trắng, đột nhiên ông nức nở và lau nước mắt bằng một chiếc khăn tay trắng. Những người chứng kiến cảnh tượng này lần đầu tiên đã thực sự cảm động. Song ông lặp y hành động đó thường xuyên, hầu như tại mỗi kỳ họp của Khối Thịnh vượng chung bất cứ khi nào chủ đề về sự thống trị của người da trắng đối với người châu Phi được đưa ra. Nó đã trở thành một hồi kịch.

Tổng thống của Uganda, Milton Obote, khác biệt với Kaunda hay Nyerere. Ông nói về Rhodesia, Namibia và Nam Phi với sự thù hằn và căm ghét sâu sắc. Tôi cảm thấy có điều gì đó nham hiểm trong cử chỉ và ánh mắt ông. Vào thời gian tạm nghỉ của cuộc hội nghị, Obote được thông báo rằng Tướng Idi Amin đã lên nắm quyền đất nước ông sau một cuộc đảo chính. Trông ông thất vọng và chán nản. Tình thế khó khăn của ông cho thấy rõ sự bất ổn của nhiều chính quyền châu Phi.

Người phát biểu sau cùng về Nam Phi là Thủ tướng của Fiji, Ratu Sir Kamisese Mara. To con, đẹp trai, cao hơn 2 mét, trông ông còn nguyên dáng vẻ của một cựu cầu thủ bóng bầu dục. Thật hão huyền để kỳ vọng Thủ tướng Anh tuyên bố rằng chính quyền của ông ta bây giờ sẽ không bán vũ khí cho Nam Phi. Ngưng việc buôn bán vũ khí này cũng giống như hành động bóc đi lớp vỏ ngoài của một củ hành. Lớp vỏ kế tiếp sẽ là việc bán vũ khí của Pháp, kế đến là Ý. Sau lập luận hợp lý đó, chúng tôi đã hoãn cuộc họp vào lúc 4 giờ sáng.

Tôi nhớ lại cảnh những người cộng sản trong liên minh đã giữ tôi ngồi nhiều giờ liền như thế nào trên một chiếc ghế dài bằng gỗ cứng không có chỗ dựa. Rồi sau khi những người ủng hộ của tôi, không thuộc phe cộng sản, đã mệt mỏi bỏ đi và chúng tôi chỉ còn lại là thiểu số, khi đó họ sẽ chiếm được số phiếu bầu. Các lãnh đạo Khối Thịnh vượng chung được ngồi thoải mái trên những chiếc ghế bành, nhưng bộ điều chỉnh nhiệt bị trục trặc và máy điều hòa làm cho không khí trở nên quá lạnh vào buổi sáng. Tạm ngừng buổi họp sẽ có nghĩa là mọi người sẽ khôi phục năng lượng và lấy lại sức để chuẩn bị cho những bài diễn thuyết dài bất tận. Tôi quyết định phải tiếp tục cuộc hội nghị và mọi người đã ở lại. Tất cả các nhà diễn thuyết từ châu Phi cảm thấy thỏa mãn vì họ được mọi người lắng nghe; không có nhà lãnh đạo nào bị cắt ngang khi họ trình bày những phần mà họ muốn thỏa mãn nhu cầu người nghe trong nước họ.

Vài giờ sau, khi cuộc thảo luận “về vấn đề an ninh của Ấn Độ Dương” bắt đầu lại, tất cả các lãnh đạo người châu Phi đều vắng mặt, và cuộc họp cũng sớm kết thúc. Ngoại trừ thời gian ngắn khi tôi sắp xếp nhờ một số vị thủ tướng khác ngồi ghế chủ tọa, tôi phải ngồi suốt 13 kỳ họp từ ngày 14 tháng Giêng đến 22 tháng Giêng. Quả là một hình phạt khi phải lắng nghe những bài thuyết trình lặp đi lặp lại nối tiếp nhau. Cũng từ đó, tôi có sự cảm thông với những vị chủ tọa của các cuộc hội nghị quốc tế nơi những vị đại biểu đến với những bài thuyết trình được chuẩn bị sẵn, cứ nhất định trình bày cho được phần chuẩn bị của mình bất kể những gì đã được nói trước đó.

Mặc dù hội nghị thảo luận về rất nhiều vấn đề trong chương trình nghị sự nhưng báo chí tập trung chủ yếu vào cuộc tranh luận vấn đề vũ khí đối với Nam Phi.

Nói chuyện riêng trong tiệc rượu, Heath biểu lộ thất vọng đối với sự phô bày công khai các cuộc trao đổi riêng giữa những người đứng đầu chính phủ. Thủ tướng người Canada, Pierre Trudeau, đồng ý và lấy làm tiếc rằng những nhà lãnh đạo châu Phi có xu hướng rập khuôn phong cách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc. Tôi nói rằng điều này là không thể tránh khỏi khi các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba đều ảnh hưởng lẫn nhau ở quá nhiều cuộc hội nghị quốc tế, nơi thuật hùng biện và lối nói ngoa dụ là món ăn tiêu chuẩn. Tôi nói thêm rằng tất cả các nhà lãnh đạo thế hệ đầu tiên của các quốc gia độc lập đều là những nhà hùng biện lôi cuốn, nhưng sự cai quản của họ ít khi theo lời họ nói.

Với tư cách là chủ tọa, tôi biết rõ những hoạt động hậu trường của một cuộc hội nghị Khối Thịnh vượng chung. Đó là những kỳ họp kín, nhỏ, song phương, bất thường giữa các lãnh đạo chủ chốt, những cuộc họp này quyết định kết quả của hội nghị. Arnald Smith là tổng thư ký của Khối Thịnh vượng chung hơn 5 năm, năm 1962 khi còn là đại sứ của Canada, đã chiêu đãi tôi bữa tối ở Moscow. Ông biết rõ tính cách và lập trường của những lãnh đạo đang có mặt. Chúng tôi nói riêng với những lãnh đạo châu Phi rằng họ đừng bao giờ mong đợi Ted Heath công khai nhượng bộ. Chúng tôi triệu tập hai kỳ họp, chỉ dành cho những vị lãnh đạo, để đi đến tán thành những thỏa hiệp mà Smith khởi xướng. Giải pháp chính thức của toàn cuộc hội nghị được dàn xếp tại các cuộc họp nhỏ này. Cuối buổi họp, sau tất cả những trò làm bộ làm tịch, tổng thư ký cho những nhà lãnh đạo quốc gia thuộc Thế giới thứ Ba hiểu rằng những vấn đề chính của Khối Thịnh vượng chung nằm trong sự hợp tác về kinh tế, xã hội, văn hóa và phụ thuộc vào sự tài trợ chủ yếu từ những quốc gia đã phát triển thuộc Khối Thịnh vượng chung gồm Anh, Canada, Úc và New Zealand. Sự hợp tác của Khối Thịnh vượng chung sẽ kết thúc nếu những quốc gia tài trợ thấy không có lợi khi so sánh giữa phí tổn và lợi ích. Với sự tế nhị và khéo léo, Smith đã thuyết phục những nhà lãnh đạo châu Phi và châu Á không đẩy vấn đề đến sự đổ vỡ. Sonny Ramphal, Bộ trưởng Ngoại giao Guyana, người kế nhiệm Smith vào năm 1975, tỏ ra khéo léo hơn khi để cho các nhà lãnh đạo Thế giới thứ Ba sử dụng thuật hùng biện của họ trong khi ông vẫn tiếp tục giữ đường lối bằng cách đảm bảo sự cân bằng giữa phí tổn và lợi ích nhằm giữ lại những người tài trợ đã tham gia.

Rhodesia và nạn phân biệt chủng tộc chiếm nhiều thời gian tại mọi hội nghị. Đối với hầu hết các hội nghị, nếu không xem các biên bản, tôi sẽ không nhớ những vấn đề thời sự đã gây lo lắng cho các nhà lãnh đạo vào thời gian đó. Song tôi cũng có những đoản văn không thể quên về những cuộc gặp gỡ và các cuộc trao đổi của mỗi hội nghị. Tại Ottawa vào năm 1973, tôi nhớ ngài chủ tọa, Thủ tướng Pierre Trudeau, một người Canada gốc Pháp, đã sử dụng song ngữ thành thạo và truyền cảm. Ông nói với tôi rằng mẹ của ông là người Ai–len và cha ông là người Pháp. Trudeau có đầu óc thông minh cùng với ngôn ngữ sắc bén. Tôi đã quan sát cuộc họp báo của ông với sự khâm phục. Khi ông chuyển từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, nét mặt và cử chỉ của ông trở thành người Pháp. Ông thực sự là một người Canada thông thạo hai ngoại ngữ và hai nền văn hóa. Ông rất thương cảm những nạn nhân của sự bất công và luôn sẵn sàng giúp đỡ họ, nhưng có thể hoàn toàn cứng rắn trong việc cắt học bổng của Canada dành cho sinh viên Singapore khi ông quyết định rằng chúng tôi có đủ khả năng để trả.

Một nhân vật đáng nhớ khác từ hội nghị Ottawa là Thủ tướng Sheikh Mujibur Rahman, người anh hùng đã chống lại Pakistan và đã lãnh đạo miền Đông Pakistan đi đến độc lập với tư cách là nước Bangladesh. Ông đã đến Ottawa bằng máy bay riêng. Khi tôi xuống máy bay, tôi thấy một chiếc Boeing 707 đã được đỗ ở sân bay với dòng chữ “Bangladesh” trang trí trên thân máy bay. Đến khi tôi rời khỏi, nó vẫn đứng cùng vị trí đó, không dùng đến trong tám ngày, đang để không chẳng đem lại ích lợi gì. Lúc rời khách sạn để đến sân bay, tôi thấy hai chiếc xe tải lớn đang được chất đầy những kiện hàng của phi hành đoàn Bangladesh. Tại cuộc hội nghị, Mujibur Rahman đã kêu gọi viện trợ cho đất nước của ông. Bất kỳ cơ quan dân vận nào hẳn cũng sẽ khuyên ông không nên để máy bay đặc biệt của ông đứng yên suốt tám ngày trên thềm đậu máy bay. Vào thời gian đó, mốt dành cho những nhà lãnh đạo các nước lớn thuộc Thế giới thứ Ba là đi công cán trên phi cơ riêng của họ. Tất cả các nhà lãnh đạo đều bình đẳng tại bàn hội nghị, nhưng những người từ những quốc gia có ảnh hưởng lớn đã tỏ ra rằng họ có khả năng hơn bằng cách đến tham dự trong những chiếc máy bay phản lực riêng lớn, người Anh dùng chiếc VC 10s và Comet, người Canada dùng máy bay Boeing. Người Úc gia nhập vào nhóm đặc biệt này năm 1979, sau khi chính phủ của Malcolm Fraser mua chiếc Boeing 707 cho Không lực Hoàng gia Úc. Những vị tổng thống người châu Phi mà quốc gia của họ sau này khấm khá hơn, như Kenya và Nigeria, cũng đã có những chuyên cơ đặc biệt. Tôi tự hỏi tại sao họ không phô bày thực trạng rằng họ đang nghèo nàn và rất cần sự trợ giúp để gây cảm động cho thế giới. Đại diện thường trực của chúng tôi tại Liên Hiệp Quốc ở New York giải thích rằng những quốc gia càng nghèo, họ lại thuê những chiếc Cadillacs càng lớn cho các nhà lãnh đạo của họ. Thế là tôi thực hiện một thói quen tốt trong việc đi lại là dùng máy bay thương mại bình thường, và nhờ thế đã giúp giữ được vị trí thuộc Thế giới thứ Ba của Singapore trong nhiều năm. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1990, Ngân hàng Thế giới từ chối các yêu cầu của chúng tôi xin đừng xếp loại chúng tôi như một “quốc gia đang phát triển có thu nhập cao”, không cho điểm Brownie[25] cho thói quen đi lại tiết kiệm của tôi. Chúng tôi đã mất tất cả các quyền ưu đãi của một quốc gia đang phát triển.

[25] Không có thang điểm chính thức nào được gọi là Brownie ở Ngân hàng Thế giới. Đây là một lối nói trong tiếng Anh, với ý bằng cách tích tụ những việc làm tốt, dù có nhỏ nhặt, bạn sẽ được đánh giá tốt (tích lũy điểm brownie). Xem từ điển Oxford hoặc wikipedia.org.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx