sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 23 phần 1

23

CÁC QUAN HỆ VỚI ÚC VÀ NEW ZEALAND

Cuộc xâm lược bất ngờ của Nhật vào tháng 12/1941 đã thay đổi đột ngột ký ức của nước Úc về đất nước Singapore. Khoảng 18.000 tân binh, cùng 70.000 quân Anh và Ấn, đã phải chiến đấu chống lại lực lượng quân đội đế quốc Nhật mà không được không quân yểm trợ. Vào thời điểm Singapore thất thủ vào tháng 2/1942, khoảng 2.000 người Úc bị giết, hơn 1.000 người bị thương và khoảng 15.000 bị bắt làm tù binh.

Hơn 1/3 tù binh chết vì thiếu ăn, bệnh tật và bị đối xử tàn bạo, đặc biệt dọc tuyến đường sắt Miến Điện tai tiếng. Rất nhiều bia mộ dựng trong nghĩa trang chiến tranh Kranji của Khối Thịnh vượng chung ở Singapore, bằng chứng thầm lặng về sự hy sinh của họ cho nhà vua, cho đất nước. Việc quân đội đế quốc Nhật bắt giữ hàng nghìn chiến sĩ của họ ở Singapore sẽ mãi mãi hằn sâu trong tâm trí người dân Úc, một thảm họa chỉ sau vụ Gallipoli. Nhưng Singapore là một quốc gia gần họ hơn và xét về mặt chiến lược thì thích hợp hơn đối với nước Úc. Vì lẽ đó, sau Thế chiến thứ hai, Úc tiếp tục những mối liên hệ cũ với Anh và quân đội của họ quay lại Singapore để giúp đàn áp cuộc nổi dậy của cộng sản ở Malay.

Một đội quân Úc đóng tại Malaya cho đến khi Anh tuyên bố rút quân khỏi Đông Suez. Tôi khẩn cầu Thủ tướng Úc, John Gorton, lưu lại Malaya thêm một thời gian nữa. Trong khi đó vào tháng 1/1969, ở London để chuẩn bị cho hội nghị các thủ tướng Khối Thịnh vượng chung, Gorton tổ chức một cuộc gặp sơ bộ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh Denis Healey, Thủ tướng New Zealand Keith Holyoake, Tunku và tôi để thảo luận những kế hoạch phòng thủ mới cho Singapore và Malaysia. Gorton bị căng thẳng cao độ. Cử chỉ bồn chồn và giọng nói của ông ta chứng tỏ ông không thiết tha đảm nhận trách nhiệm này, trách nhiệm mà ông biết chủ yếu sẽ rơi vào vai người Úc vì người Anh sẽ dần dần rút khỏi vùng này.

Chúng tôi đồng ý tạm hoãn việc quyết định đến cuộc họp tới ở Canberra vào tháng 6. Nhưng vào tháng 5, nhiều cuộc bạo động dữ dội đã nổ ra ở Kuala Lumpur, đe dọa đến việc Úc tiếp tục tham dự vào kế hoạch phòng thủ với Malaysia và Singapore. Tôi đã phác họa trong phần trước vấn đề này được giải quyết thế nào. Chúng tôi đồng ý kế hoạch phòng thủ năm nước (FPDA) qua trao đổi thư từ vào tháng 12/1971 dù có nhiều nghi ngờ từ phía Gorton. Bộ trưởng Quốc phòng Malcolm Fraser tính cương quyết hơn, phản đối bất kỳ sự lùi bước nào do hậu quả của các cuộc bạo động ở Kuala Lumpur. Cuối cùng, Gorton quyết định rút lực lượng Úc khỏi Malaya trước năm 1971 và dời về Singapore. Người Úc lo sợ khả năng của họ không đảm đương nổi những trách nhiệm đó. Họ biết rằng chỉ có một đạo quân nhỏ của New Zealand sẽ cùng ở lại Singapore với họ. Nguồn an ủi duy nhất đối với họ trong trường hợp khủng hoảng là Mỹ, thông qua ANZUS, hiệp ước Úc – New Zealand – Mỹ.

Ngay từ đầu, chúng tôi đã có quan hệ mật thiết với chính phủ Úc và New Zealand vì có sự hội tụ các quan điểm về an ninh khu vực; chiến tranh Việt Nam đang trở nên khó khăn. Tôi có mối quan hệ thoải mái với Harold Holt và những người kế nhiệm của ông, John Gorton và William McMahon. Năm 1972, đảng Lao động lên cầm quyền ở cả Úc và New Zealand. Thủ tướng Norman Kirk có một phương pháp kiên quyết với các vấn đề an ninh và không thay đổi vị trí phòng thủ của New Zealand. Nhưng Thủ tướng Úc Gough Whitlam lại khó chịu về những cam kết phòng thủ của Úc ở cả Việt Nam và Malaya/ Singapore. Sau khi đắc cử năm 1972, ông ta sớm quyết định rút quân đội ở Singapore ra khỏi FPDA.

Trong những năm 70, khi lần đầu tiên chúng tôi yêu cầu nước Úc cho phép sử dụng những khu vực huấn luyện của họ để huấn luyện quân sự, họ không sẵn lòng. New Zealand, trái lại, sẵn sàng đồng ý. Năm 1980, Úc thay đổi chính sách, cho phép chúng tôi mượn đất tập luyện, và năm 1981, tập huấn không lực tại một căn cứ RAAF. Khi Paul Keating làm Thủ tướng của đảng Lao động Úc đầu thập niên 90, ông tiến xa hơn và cho phép mở rộng việc huấn luyện Lực lượng vũ trang Singapore ở Úc. Chính phủ Liên hiệp Quốc gia tự do của John Howard tiếp tục cách này. Các mục tiêu mang tính chiến lược toàn cầu của Úc tương tự như của Singapore. Chúng tôi có cùng suy nghĩ về sự có mặt của quân đội Mỹ trong khu vực như vấn đề sống còn cho việc gìn giữ cán cân quyền lực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và tốt cho an ninh, ổn định. Nếu không có an ninh, ổn định thì sẽ không có sự phát triển kinh tế nhanh chóng của khu vực. Sự khác nhau của chúng tôi về thương mại và các vấn đề khác không còn quan trọng nữa nếu xét trên nền tảng lớn hơn này.

Tôi đã phải mất nhiều năm cố gắng thuyết phục Malcolm Fraser mở cửa nền kinh tế Úc để cạnh tranh và trở thành một bộ phận của khu vực. Tôi đã giải thích cho ông và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Andrew Peacock rằng họ đã làm cho nước Úc thành một đối tác quan trọng trong khu vực nhờ tích cực tham gia phòng thủ an ninh và các chương trình viện trợ của họ. Nhưng các chính sách kinh tế bảo hộ sản xuất nội địa của Úc đã tách họ ra khỏi các nền kinh tế đang phát triển, những nền kinh tế này không thể xuất khẩu các sản phẩm đơn giản qua Úc do hạn ngạch và thuế quan cao. Về tư tưởng, họ chấp nhận lý lẽ của tôi; về chính trị, Fraser không có sức mạnh để chống đối lại nghiệp đoàn và các nhà sản xuất, cả hai đều muốn bảo hộ hàng nội địa.

Tại hội nghị các nguyên thủ quốc gia Khối Thịnh vượng chung Khu vực châu Á Thái Bình Dương (Commonwealth Heads of Government Regional Asia/ Pacific Meeting – CHOGRM) năm 1980 ở New Delhi, Fraser tham gia vào cuộc vận động chống lại các chính sách bảo hộ của EEC, những chính sách đóng cửa đối với hàng nông sản xuất khẩu của Úc. Tôi đã lưu ý ông rằng ông sẽ giành được ít sự ủng hộ từ các nước đang phát triển bởi họ thấy nước Úc đang dùng đến các chính sách tương tự để bảo vệ những ngành công nghiệp đã mất tính cạnh tranh của chính họ. Hơn nữa, Úc càng lúc càng trở nên không quan trọng với các nước Asean bởi khi họ quyết định về các chính sách chủ đạo, nước Úc không xuất hiện trên các bảng cân đối của họ.

Các chính phủ Úc kế nhiệm đã đưa đất nước đến gần gũi hơn với châu Á. Paul Keating, người đã trở thành Thủ tướng sau Bob Hawke, đã được thuyết phục rằng về mặt kinh tế, nước Úc cần phải gắn chặt với châu Á và đích thân ông đã đẩy mạnh chính sách gần gũi hơn với châu Á. Với một đầu óc sáng suốt, một tầm hiểu biết rộng rãi về kinh tế học và giác quan về địa lý chính trị, ông ta đã làm Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiều năm dưới quyền Bob Hawke. Nhưng những gì ông có thể làm với cương vị Thủ tướng của đảng Lao động đã bị giới hạn bởi ảnh hưởng quyền lực của các nghiệp đoàn Úc đối với đảng của ông.

Một vị Bộ trưởng khác đã có nỗ lực đặc biệt để tiếp cận với châu Á hơn, Gareth Evans. Ông có tư duy nhạy bén và khi tranh luận thì miệng lưỡi sắc bén, nhưng trái tim nhân hậu. Là Ngoại trưởng dưới thời Hawke và Keating, Evans tiến hành thay đổi triệt để trong chính sách đối ngoại. Ông bắt đầu biến Úc thành một phần của châu Á và vì thế góp phần vào sự phát triển kinh tế của châu Á. Ông không muốn Úc vẫn chỉ là một nước xuất nguyên liệu thô cho Nhật trong khi người Nhật sản xuất xe hơi và các sản phẩm điện tử ở Úc với công nghệ Nhật. Evans đã phát triển các mối quan hệ cá nhân mật thiết với các ngoại trưởng Asean. Điều này chắc hẳn đã là một sự cố gắng bởi vì giữa họ có các thói quen hoàn toàn khác nhau. Trong khối Asean, các khác biệt nghiêm trọng thường được giải quyết không phải ở bàn đàm phán mà là trong lúc đánh gôn. Vì thế, ông đã chơi gôn cùng họ.

Trong những năm đầu của chính phủ Lao động của Hawke, tôi nghĩ rằng chính sách châu Á của ông ta chỉ là một nỗ lực trong mối quan hệ với quần chúng nhưng khi Keating cũng tiếp tục chính sách này thì tôi mới kết luận rằng đây là một thay đổi lớn về chính sách. Người Úc đã sửa lại các giả định và đánh giá của mình. Họ có thể đã là một nhánh của Anh và châu Âu, nhưng tương lai của họ lại gắn với châu Á hơn. Họ thấy rằng các nền kinh tế bổ sung tốt nhất cho nền kinh tế của họ là những nền kinh tế ở Đông Á. Những nước này – Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan và Asean – sẽ cần nông sản và khoáng chất của Úc và cũng sẽ tìm thấy ở Úc những khoảng không gian rộng mở, những sân gôn, những nhà nghỉ và những bãi biển tuyệt vời để nghỉ mát. Nước Mỹ, dẫu là một đồng minh hùng mạnh vì lý do an ninh và chính trị, vẫn sẽ cạnh tranh với Úc trong việc xuất khẩu nông sản.

Tại một hội nghị ở Sydney do báo Tài chính Úc (Australian Financial Review) tổ chức vào tháng 4/1994, Gareth Evans, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mời tôi phát biểu thẳng thắn về nước Úc. Tôi lấy ngay lời của ông. Tôi nói, nước Úc là “một nước may mắn với quá nhiều thứ tốt để lựa chọn”. Nước Úc có mức tiêu thụ cao, tiết kiệm thấp, ít cạnh tranh, thiếu hụt tài khoản vãng lai cao và nợ nhiều, với hầu hết hàng xuất khẩu là khoáng sản và nông sản. Tôi tin việc cải cách nhiều hơn là không thể tránh khỏi nếu họ muốn cạnh tranh và hoàn chỉnh việc tái xây dựng nền kinh tế.

Các biên tập viên báo Tài chính đã hoan nghênh những nhận định thẳng thắn của tôi. Nhưng các tờ báo nhỏ đã phẫn nộ. Họ là một phần của vấn đề. Phương tiện thông tin đại chúng phổ biến của đất nước, bao gồm cả một chương trình truyền hình nhiều kỳ do Tập đoàn Truyền hình Úc sản xuất năm 1991, đã miêu tả các thành tựu kinh tế của Đông Á là “một tầng địa ngục Thế giới thứ Ba với những xí nghiệp bóc lột công nhân tàn tệ, du lịch sex và những chế độ hà khắc”. Họ hoàn toàn lờ đi sự thật rằng con số người Đài Loan sau khi học và làm việc ở Mỹ trở về mang theo kiến thức và công nghệ Mỹ để xây dựng Thung lũng Silicon của riêng họ đang tăng lên.

Tôi đã đáp lời với giới truyền thông tại câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Úc ở Canberra. Họ đã quên thông báo với dân chúng Úc về việc chuyển đổi một khu vực gần 2 tỷ người từ nền nông nghiệp lạc hậu thành những xã hội công nghiệp kỹ thuật cao. Những đất nước này, gồm cả Trung Quốc, đã sản sinh ra hàng triệu nhà khoa học, kỹ sư. Các chương trình nghiên cứu phát triển ở Nhật đã làm cho người Nhật có thể phóng vệ tinh vào không gian và khảo sát những bí ẩn của công nghệ cấy ghép gen. Những tiến bộ này không hề được truyền thông ở Úc. Trái lại, các phương tiện truyền thông Mỹ đã quảng bá sự công nghiệp hóa và phát triển cao của Đông Á. Mặc dù giới học giả Úc được thông báo đầy đủ, nhưng dân chúng vẫn không hay biết. Sự thiếu hiểu biết của dân chúng gây khó khăn cho bất kỳ chính phủ Úc nào trong việc giành được sự ủng hộ của quần chúng đối với những thay đổi trong chính sách về di dân và định hướng kinh tế.

Định mệnh của nước Úc có ràng buộc với định mệnh của châu Á hay không đột nhiên trở nên nổi cộm với cuộc khủng hoảng ở Đông Timor. Cuộc khủng hoảng được châm ngòi vào ngày 27/1/1999 khi Ngoại trưởng Indonesia, Ali Alatas sau cuộc họp nội các do Tổng thống Habibie làm chủ tọa đưa ra một tuyên bố đầy kịch tính rằng: sẽ có một “cuộc thăm dò dư luận” dành cho quần chúng ở Đông Timor để quyết định họ chấp nhận việc tự trị đặc biệt hay trở thành độc lập. Phát ngôn công khai này đã làm thay đổi số phận của Đông Timor, gây hậu quả lâu dài cho Indonesia và Úc. Cả Ngoại trưởng Úc Alexander Downer và Thủ tướng John Howard đều được biết là có mối quan hệ cởi mở với Tổng thống Habibie. Không như Suharto, Habibie nói tiếng Anh và sẵn sàng tiếp nhận sự thuyết phục, đặc biệt là về Đông Timor.

Các nhà lãnh đạo của nước Úc muốn rũ bỏ cái gai Đông Timor vốn làm hỏng mối quan hệ Indonesia – Úc. Họ đề nghị “giải pháp Tân Caledonia” với Habibie (ở giải pháp Caledonia, người Pháp đã đưa ra một cuộc trưng cầu dân ý năm 1998 về việc tiếp tục gắn bó liên kết với Pháp hay độc lập sau thời gian 15 năm chuẩn bị). Tổng thống kể lại cho Mah Bow Tan (xem chương 16) về việc Đại sứ Úc, John McCarthy, đã thảo luận với ông ra sao về giải pháp Tân Caledonia. Habibie nói với McCarthy rằng ông sẽ không đồng ý để Đông Timor có 15 năm chuyển tiếp để đi đến độc lập, với sự trợ giúp kinh tế của Indonesia trong suốt thời gian này. Nếu họ từ chối quyền tự trị, họ sẽ phải tự lo chuyện độc lập. Indonesia sẽ không đóng vai “ông chú giàu có”. Habibie nói Howard sau đó đã gởi cho ông một lá thư chứa đựng các ý tưởng của Habibie và thế là ông ta viết nguệch ngoạc một bản thông báo nội bộ cho các bộ trưởng chủ chốt vào ngày 21/1/1999, yêu cầu họ nghiên cứu xem liệu để cho MPR (Hội đồng Tư vấn Dân tộc) quyết định cho Đông Timor tự tách khỏi Cộng hòa Indonesia có khôn ngoan không. Ông đính kèm lá thư của Howard, lá thư nhấn mạnh rằng ý kiến của người Đông Timor là khăng khăng đòi một đạo luật về quyền tự quyết. Habibie mất gần một tuần lễ để quyết định đối với việc chọn lựa tự trị hay độc lập cho Đông Timor. Tháng 5, một hiệp định được ký kết tại New York giữa Indonesia, Bồ Đào Nha và Liên Hiệp Quốc để chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu kín vào ngày 8/8/1999. Tháng 6, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp nhận giải pháp thành lập UNAMET (U.N Assitance Mission to East Timor – Phái đoàn trợ giúp Đông Timor của Liên Hiệp Quốc).

Nhưng vào tháng 2/1999, ngay sau thông báo gây sửng sốt của Ali Alatas, những người Indonesia bắt đầu trang bị vũ khí cho lực lượng dân quân ủng hộ sự hợp nhất. Việc tàn sát và đe dọa của những người ủng hộ độc lập trở thành chuyện thường ngày. Mặc cho tất cả các khó khăn này, UNAMET vẫn tiến hành việc bỏ phiếu kín vào ngày 30/8, hầu hết mọi người đều đi bầu. Khi kết quả được công bố ngày 4/9 với gần 80 % bỏ phiếu cho độc lập, thì tình hình trở nên lộn xộn. Đất nước bị phá hủy, tiêu diệt một cách có hệ thống và dân chúng bị buộc phải di tản: 250.000 người phải dời sang Tây Timor, số còn lại chạy lên các ngọn đồi.

Trong suốt một tuần dưới áp lực mạnh mẽ của quốc tế, Habibie cuối cùng đã mời các lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế vãn hồi trật tự. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chấp nhận giải pháp cho phép triển khai lực lượng đa quốc gia đối với Đông Timor (InterFET). Lẽ dĩ nhiên, InterFET phải được Úc chỉ đạo; căn cứ gần nhất cho InterFET là Darwin. Thế nhưng người Úc một lần nữa hiểu được láng giềng Indone­sia của họ dễ xúc động như thế nào.

Về mặt công khai, người Indonesia tuyên bố dành ưu ái cho quân đội ASEAN. Nói riêng thì là các cấp Lực lượng vũ trang (TNI) thấp hơn không đồng ý, ám chỉ có thể có nhiều thương vong. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng ông sẽ chỉ gửi một nhóm hỗ trợ hậu cần và thông tin liên lạc chứ không phải là các đội quân chiến đấu. Úc phải dẫn đầu đội quân. Lo sợ bị xem như đội quân 4.000 lính da trắng được hỗ trợ chủ yếu của 1.000 lính người New Zealand da trắng, Úc đã tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước châu Á, trước hết là các nước trong khối Asean. Tại hội nghị APEC ở Aukland vào tháng 9, Thủ tướng John Howard yêu cầu Singapore tham gia và Thủ tướng Goh đồng ý. Vì thế, Singapore cam kết sẽ cung cấp một đội quân y, các quan sát viên quân sự, các sĩ quan thông tin liên lạc, hỗ trợ hậu cần và hai hạm đội hải quân LST (Landing Ship Tanks) – gồm 270 người so với dân số 3 triệu người.

Một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ủy quyền cho InterFET, đội quân thuộc Lực lượng Vũ trang Singapore (SAF) đã tới Darwin. Chỉ huy chiến dịch SAF của chúng tôi, đại tá Neo Kian Hong, bay đến Dili cùng với chỉ huy InterFET, đại tướng Peter Cosgrove, để gặp gỡ với Quyền chỉ huy Tác chiến Tái lập của Indonesia ở Đông Timor. Và khi đợt đầu tiên của lực lượng InterFET đến Dili vào ngày 20/9, trong đội ngũ của Cosgrove đã có sự góp mặt của Singapore.

Tờ Bulletin (tuần báo của Úc) ngày 28/9/1999 tường thuật: “Học thuyết Howard, được chính vị Thủ tướng ôm ấp suốt nhiệm kỳ, đã cho thấy rõ nước Úc đóng vai trò kiểu ‘đại diện’ giữ gìn hòa bình khu vực thay cho vai trò cảnh sát quốc tế của Mỹ.” Bài tường thuật này của tờ Bulletin đã dẫn đến sự trả miếng ngay lập tức từ Phó Thủ tướng người Malaysia Abdulla Badawi: “Không nhất thiết bất cứ quốc gia nào phải đóng vai trò là thủ lĩnh, chỉ huy hay đại diện. Họ (tức người Úc) không đồng điệu với chúng ta.” Một quan chức Bộ ngoại giao Thái Lan bộc lộ suy nghĩ về vấn đề này khéo léo hơn, rằng việc người Úc tự bầu chọn mình là đại diện của người Mỹ trong việc bảo vệ an ninh khu vực là không thích hợp. Sau khi Howard tuyên bố ở Quốc hội (ngày 27/9) rằng nước Úc không hề đóng vai trò đại diện của Mỹ hay bất kỳ nước nào, rằng từ “đại diện” là do phóng viên tờ Bulletin đặt ra, thì tình hình mới lắng dịu bớt.

Trong khi tham dự một buổi họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Thủ tướng Malaysia Mahathir phê phán quân đội Úc “khá nặng tay” trong cách họ chĩa súng vào đầu những người bị nghi ngờ là dân quân, việc này đã đổ thêm lửa vào cuộc tranh cãi. Ông thêm vào: “Indonesia đã rót rất nhiều tiền vào Đông Timor; và cộng đồng quốc tế nên cho phép Indonesia thực thi dân chủ và cho người dân Đông Timor thấy họ có thể đạt được điều đó từ việc hợp nhất với Indonesia”. Thủ lĩnh người Đông Timor, Jose Ramos–Horta, người đồng nhận giải Nobel với Giám mục Carlos Belo[28], đáp lại rằng: “Malaysia có một bản thành tích cực kỳ tồi tệ trong việc gìn giữ nhân quyền ở Đông Timor. Không một ai sẽ cộng tác với chỉ huy người Malaysia. Thậm chí còn có thể có sự bất tuân toàn diện trong thường dân.”

Ramos–Horta muốn xóa bỏ đề nghị trước đây của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để đặt một người Malaysia vào vị trí chỉ huy Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, lực lượng này sẽ thay thế InterFET vào tháng 1/2000. Ông tiếp lời: “Đông Timor không muốn là một phần của Asean. Chúng tôi muốn là bộ phận của Diễn đàn Nam Thái Bình Dương.” Các thủ lĩnh Đông Timor kết luận rằng Úc là nước láng giềng đáng tin cậy nhất của họ.

[28] Ở đây là giải Nobel hòa bình năm 1996.

Úc bị kéo vào cuộc xung đột Đông Timor. Trong Thế chiến thứ hai, quân đội Úc đánh nhau với người Nhật đã được người địa phương ở đó giúp đỡ. Dân chúng địa phương sau đó đã bị quân Nhật trừng phạt tàn bạo. Cộng thêm vào cảm giác tội lỗi của nước Úc, Thủ tướng Gough Whitlam, trong suốt một loạt buổi hội đàm với Suharto, đã đồng ý với dự định của Suharto trong việc chiếm đóng và thôn tính Đông Timor. (Người Indonesia nói rằng Whitlam đã khuyến khích Suharto). Tại Liên Hiệp Quốc năm 1976, Úc đã bỏ phiếu cho Indonesia về giải pháp đối với Đông Timor. Singapore bỏ phiếu trắng. Khi sự đàn áp đi theo sự chiếm đóng năm 1975, quân kháng chiến Đông Timor dựa vào Úc. Suốt 24 năm, vấn đề này vẫn âm ỉ sôi.

Khi Paul Keating gặp tôi vào tháng 9/1999, ông tiên đoán rằng Úc sẽ bị kéo vào cuộc xung đột kéo dài với Indonesia, ông nói thêm rằng lá thư của Howard gửi cho Habibie sẽ phá hủy các mối quan hệ tốt đẹp với Indonesia mà ông đã cẩn thận xây dựng, đã đi đến kết quả là hiệp ước an ninh ký kết với Suharto năm 1995. Như ông đã tiên đoán, người Indonesia xé bỏ nó vào ngày 16/9/1999, một ngày sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tán thành InterFET.

Diễn biến ở Đông Timor bị lèo lái bởi giới truyền thông Úc và tình cảm quần chúng, bởi việc chính phủ Bồ Đào Nha làm cho Liên minh châu Âu (EU) gây áp lực với Indonesia ở mỗi cuộc họp quốc tế, và bởi giới truyền thông Mỹ và các tổ chức phi chính phủ. Họ thường theo dõi từng động tĩnh của Indonesia, làm nó trở thành một vấn đề đeo đẳng Indonesia ở mọi diễn đàn quốc tế. Habibie nghĩ ông có thể tống khứ gánh nặng này bằng kế hoạch đề xuất của mình. Nhưng cả Úc, EU hay Mỹ đều không đòi hỏi hay mong muốn một Đông Timor độc lập. Habibie không nhận thức được rằng ông sẽ không bao giờ được các nhà dân tộc chủ nghĩa Indonesia tha thứ về việc cho phép một cuộc bầu cử mà tất yếu là dẫn đến độc lập.

Dù việc đề nghị tự quyết cho Đông Timor có khôn ngoan hay không, nước Úc đã làm đúng khi lãnh đạo InterFET vào Đông Timor để chấm dứt hành động vô nhân đạo đang xảy ra. Dù không có một thủ lĩnh châu Á nào lên tiếng ủng hộ nước Úc khi Úc dẫn quân InterFET vào Đông Timor, nhưng tất cả đều biết rằng nước Úc đang cứu một tình hình tồi tệ khỏi tồi tệ thêm. Đó là một chiến dịch tốn kém về cả mặt kinh tế lẫn chính trị đối với Úc, một nhiệm vụ không quốc gia nào trong khu vực dám đảm trách. Nếu Úc không hành động sau khi đã đóng vai trò trong việc đưa đến bỏ phiếu cho nền độc lập, thì ắt hẳn họ sẽ bị các nước láng giềng khinh thường. Hóa ra, phong cách cứng rắn không ồn ào mà đại tướng Cosgrove đã chỉ huy quân đội InterFET đã được nhiều lãnh đạo trong khu vực thầm kính trọng. Như đã chờ đợi, những đám đông người Indonesia biểu tình hàng ngày bên ngoài Đại sứ quán Úc ở Jakarta. Những người mang quốc tịch Úc làm việc trong các vùng khác nhau của Indonesia đều phải sơ tán.

Tôi chăm chú quan sát cuộc khủng hoảng Đông Timor tăng cao. Howard và Downer đặt chính sách của họ dựa trên phản ứng của Habibie. Habibie muốn thuyết phục dân Indonesia tái bầu ông ta làm Tổng thống bằng cách chứng tỏ rằng các nhà lãnh đạo quốc tế như John Howard nghĩ tốt về ông như một người dân chủ và cải cách. Các nhà lãnh đạo Úc đã bỏ qua những lực lượng đầy quyền lực mà Habibie đã phải đấu tranh: hơn 5.000 nấm mồ của lính Indonesia ở Đông Timor; các đồn điền cà phê rộng lớn và các đồn điền khác đã bị chia ra thành từng phần cho các quan chức trước đây phục vụ cho quân đội Indonesia (TNI); nỗi lo sợ của các quan chức cao cấp của TNI rằng sự độc lập của Đông Timor có thể làm trầm trọng thêm các phong trào của những người thuộc chủ nghĩa ly khai ở Aceh và các tỉnh khác. Habibie không ở trong tình thế có thể từ bỏ Đông Timor mà không để lại các hậu quả nghiêm trọng.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx