sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 23 phần 2

Tôi đã nghĩ đến việc lực lượng dân quân cố gắng gây ảnh hưởng đến số phiếu bằng cả các hình thức công bằng lẫn gian lận. Nhưng tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng họ sẽ tàn phá cả đất nước một cách có hệ thống chỉ vòng trong hai tuần lễ giữa thời điểm thông báo các kết quả trưng cầu dân ý và lúc lực lượng InterFET đến. Việc TNI để cho họ làm điều này thật phi lý nhưng cho tới lúc đó, nhiều thứ phi lý đã xảy ra, vốn là lý do tại sao Singapore, giống như các nước khác trong khối Asean, vẫn đứng ngoài vấn đề Đông Timor.

Khi Abdurrahman Wahid còn là một ứng cử viên Tổng thống, ông nói vào ngày 13/10 rằng Úc đã “làm bẽ mặt chúng ta” và đề nghị ngưng các quan hệ. Mười ngày sau khi đắc cử Tổng thống, ông nói: “Nếu Úc cần một đất nước có 210 triệu dân chấp nhận, chúng ta sẽ rộng lòng đón họ. Nếu họ muốn không dính với chúng ta, cũng được”. Đại sứ Úc đã làm việc cật lực để giảm bớt lời hùng hổ này, nhưng phải mất một khoảng thời gian thì mối quan hệ mới trở lại như trước khi khủng hoảng.

Người Úc đã có cuộc thử lửa đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng ở châu Á. Thủ tướng John Howard có thể đã không hiểu được mối nguy hiểm của việc quan hệ với một Tổng thống tạm thời như Habibie, nhưng khi việc quan trọng rõ ràng diễn ra, Howard đã làm những gì mà một vị Thủ tướng Úc nên làm. Với sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng và giới truyền thông Úc, ông đã gửi quân đội Úc để lãnh đạo lực lượng InterFET vào Đông Timor, bất chấp lời đe dọa của lực lượng dân quân sẽ gây thương vong cho những người Úc. Những sự kiện này càng củng cố một điều rõ ràng là số phận của Úc gắn bó với châu Á hơn là với Anh hay châu Âu.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với Gough Whitlam sau khi ông trở thành Thủ tướng là tại hội nghị thượng đỉnh Khối Thịnh vượng chung ở Ottawa vào năm 1973. Whitlam là một người điển trai và ý thức rõ vẻ dễ nhìn của mình. Ông là người nhanh trí nhưng cũng nóng tính và bốc đồng trong các cuộc nói chuyện. Ông tự hào nói với các nhà lãnh đạo có mặt rằng ông đã thay đổi chính sách di dân nghiêm ngặt của Úc và sẽ không yêu cầu những người châu Á đã theo học ở các trường Đại học của Úc ra đi sau khi tốt nghiệp. Tôi chỉ trích ông về “chính sách cái nhìn mới” này, chỉ ra rằng ông chỉ chấp nhận những người châu Á lành nghề, có chuyên môn và rằng điều này đã tạo ra tình trạng chảy máu chất xám nghiêm trọng cho Singapore và các nước châu Á nghèo lân cận. Ông rất giận dữ.

Ông cũng thông báo với vẻ kịch tính về hướng thay đổi của ông là sẽ trở thành một nước “láng giềng tốt” trong khu vực và là một “người bạn tốt” của các nước Á, Phi. Tôi đã thách thức lời tuyên bố của ông và đã chỉ ra một số ví dụ như những giới hạn bằng hạn ngạch của ông về việc nhập khẩu áo sơ mi vào Úc và quyền giao thông cho hãng hàng không Singapore. Ông xem điều này như chuyện chỉ trích cá nhân và cuộc trao đổi của ông trở nên gay gắt. Ông ta chỉ là một cậu bé mới toanh trong khi tôi đã có các bạn bè cũ trong các chính phủ Ted Heath ở Anh, Pierre Trudeau ở Canada, Norman Kirk ở New Zealand, Julius Nyerere của Tanzania và Errol Barrow của Barbados. Họ lên tiếng ủng hộ quan điểm của tôi. Kết quả là Thủ tướng Norman Kirk của New Zealand nổi lên với cương vị là tiếng nói đại diện cho Nam Thái Bình Dương và được Tây Samoa, Tonga và Fiji ủng hộ.

Khi đó Whitlam công khai tấn công tôi, nói rằng Singapore có lượng lớn dân Trung Quốc và do đó các tàu Xô Viết không ghé lại Singapore. Liên Xô lập tức đưa 4 con tàu tiếp tế đến Singapore để sửa chữa nhằm kiểm tra xem chúng tôi là người Trung Quốc hay người Singapore. Tôi đáp lại rằng Whitlam không nên kích động Xô Viết lần nữa, vì lần tới họ có thể sẽ gởi đến tàu khu trục tên lửa hủy diệt hay một tàu ngầm hạt nhân.

Ngay cả đối với người Úc, Malcolm Fraser vẫn là một người cao lớn. Tôi bắt đầu biết rõ về ông khi ông còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Gorton. Khi chúng tôi gặp nhau ở Kuala Lumpur tại lễ tang của Tun Razak vào giữa tháng 1/1976, tôi nắm được cơ hội để bàn luận với ông về việc triển khai các lực lượng Úc ở bán đảo Malaysia và Singapore. Ông nói không có vấn đề rút quân. Ông quyết định để lại phi đội Mirage và máy bay Orion ở Butterworth. Cách tiếp cận thiết thực đối với an ninh và sự ổn định cùng với quyết tâm không từ bỏ việc gì của ông khiến tôi cảm thấy an lòng.

Với sự khích lệ của tôi, Fraser đã gặp Thủ tướng Mahathir vào năm 1982. Mahathir nói rằng Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch, đã tuyên bố rộng rãi rằng ông sẽ cung cấp căn cứ cho quân đội Liên Xô ở Việt Nam nếu cần thiết, và thật là ngốc nghếch cho Malaysia trong việc tháo dỡ các căn cứ nước ngoài. Malaysia hoàn toàn có thể chấp nhận nếu Úc muốn ở lại, nhưng nếu họ muốn ra đi thì Malaysia cũng không thể làm gì hơn. Fraser thấy hài lòng và đã để lại căn cứ của ông ở Butterworth.

Fraser có những quan điểm bảo thủ nhưng vẫn không bao giờ có thể loại bỏ được tác hại mà Whitlam đã gây ra trong gần ba năm qua do hấp tấp đưa vào hệ thống phúc lợi xã hội đã khiến từ đó ngân khố quốc gia Úc phải mang gánh nặng. Chúng tôi trở thành bạn bè và giữ mãi tình bạn ấy dù tôi không đồng ý với các chính sách kinh tế bảo hộ mậu dịch của ông. Ông miễn cưỡng phải mở cửa một nền kinh tế vốn nâng niu cưng chiều các công nhân trong khi người tiêu thụ chịu thiệt thòi. Rốt cuộc, vào cuối những năm 80 và 90, các chính phủ của đảng Lao động đã phải đương đầu với nhiệm vụ khó khăn của việc dần mở cửa đất nước cho hàng nhập khẩu và bỏ rơi các ngành công nghiệp không mang lại hiệu quả kinh tế.

Khi đảng Lao động Úc thắng cuộc tổng tuyển cử vào tháng 5/1983, tôi đã e rằng các phiền phức mà tôi đã có với Whitlam sẽ lại xuất hiện. Nhưng Bob Hawke lại có tính cách hoàn toàn khác biệt với Whitlam, và những nhà lãnh đạo của đảng Lao động đã học được từ sự thái quá trong những năm Whitlam đương chức. Hawke biết đặt tình cảm vào đúng chỗ và muốn làm những điều đúng đắn, nhưng mỗi khi ông lấy cái gì đó đi của công nhân ở một lĩnh vực nào đó thì ông lại trả nó về dưới dạng trợ cấp ở các lĩnh vực khác. Ông là Thủ tướng có thời gian phục vụ lâu thứ nhì của Úc. Ông thể hiện bản thân và các lý lẽ của mình tốt và luôn ý thức được mình sẽ xuất hiện trên truyền hình như thế nào.

Ông đã rút một trong hai phi đội Mirage, nhưng lại hoãn quyết định đối với phi đội kia. Vào tháng 3/1984, ông quyết định giảm dần quân số của đội Mirage còn lại vào giữa năm 1986 và 1988. Tôi có thể thuyết phục được ông luân phiên triển khai lực lượng F18 từ Darwin, tổng cộng 16 tuần mỗi năm. Sự sắp đặt này vẫn còn duy trì cho đến nay. Bằng việc vẫn ở lại Butterworth cho đến năm 1988, người Úc đã góp phần vào sự an ninh của Malaysia và Singapore, cho chúng tôi hơn 30 năm ổn định và phát triển. Sau các cuộc bạo động chủng tộc ở Singapore vào năm 1964 và ở Kuala Lumpur vào năm 1969, người Úc đã lo sợ về việc dính líu đến những mâu thuẫn giữa Singapore và Malaysia hay các va chạm giữa Indonesia với Malaysia hay Singapore. Đến năm 1988, người Úc đã xem xét lại những đánh giá về quốc phòng của họ; giờ đây họ không quá đề cao các mối nguy về những thảm họa như thế và nhận ra giá trị chính trị và chiến lược ở việc tham gia vào khu vực thông qua hiệp định phòng thủ năm nước.

Tóm lại, vị Thủ tướng của họ gây ấn tượng nhất với tôi là Bob Menzies. Có lẽ là vì khi đó tôi trẻ hơn và dễ bị ảnh hưởng hơn. Tôi quan sát diễn xuất bậc thầy của ông tại cuộc họp các Thủ tướng của Khối Thịnh vượng chung vào tháng 9/1962 ở London. Ông có vóc dáng uy nghi, cao lớn, giọng nói oang oang mạnh mẽ, tóc muối tiêu, lông mày rậm và gương mặt hồng hào đầy xúc cảm. Ông toát lên vẻ tự tin và quyền lực của một thế hệ trung thành với vua và đế chế. Dù ông đã nỗ lực hết mình khuyên can, nhưng khi Anh quyết định gia nhập vào thị trường chung, ông hiểu rằng thế giới đã thay đổi không gì cưỡng lại được, rằng những tình cảm và mối quan hệ họ hàng không thể thay thế được những thực tiễn địa lý chính trị và địa lý kinh tế trong thế giới hậu đế quốc.

Một nhà lãnh đạo Úc ấn tượng khác là Paul Hasluck, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao (1964–1969), người sau này đã trở thành toàn quyền (1969–1974). Ông trầm tĩnh, đọc nhiều, nói năng nhỏ nhẹ, tinh ý và gãy gọn súc tích. Tôi gặp ông trong chuyến thăm Úc lần đầu tiên vào năm 1963 khi ông đang ở trong nội các của Menzies. Khi Singapore đang đối đầu với Indonesia và sau đó Anh rút quân, tôi gặp ông thường xuyên. Ông lèo lái các chính sách ngoại giao của Úc bằng đôi tay vững chắc và động tác khéo léo. Ông không muốn bỏ rơi Malaysia và Singapore, nhưng thận trọng để không gây khó chịu cho người Indonesia, hay khiến cho họ cảm thấy rằng “họ đang bị bè đảng chống đối”, như ông đã thẳng thắn nói với tôi. Các giá trị của ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của gia đình, học thức và chăm chỉ, đều là các giá trị của thế hệ tiền chiến trước khi Úc tự xem mình là “đất nước may mắn”.

Giống như Úc, những mối liên hệ của New Zealand với Singapore cũng thông qua Anh. Vì ở xa châu Á, nên người New Zealand không cảm thấy quá bị đe dọa bởi khả năng bị Nhật xâm lấn trong suốt Thế chiến thứ hai và ít nghi ngờ về châu Á hơn. Đến những năm 90, thái độ này đã thay đổi sau khi họ đã có nhiều người nhập cư châu Á.

Trong chuyến viếng thăm New Zealand lần đầu tiên của tôi vào tháng 4/1965, tôi ngạc nhiên khi biết những thói quen và tính cách kiểu Anh của họ. Tôi ở trong các khách sạn nhỏ nơi các cô hầu vẫn còn đeo tạp dề như các cô hầu người Anh vẫn đeo sau chiến tranh, và mang “trà sáng” đến trước bữa điểm tâm. Giọng của họ gần với giọng người Anh, quá lịch sự và lạnh nhạt, ít mang vẻ hồ hởi, thân thiết như giọng Úc. Đất nước xanh tươi, đối lập với nước Úc nâu đen và bụi bặm. Nhiều năm trước kia, con trai út của các quý tộc nhỏ không được thừa hưởng tài sản của cha ở Anh đã phải đến những nông trại rộng lớn ở New Zealand để nuôi cừu, gia súc và trồng lúa mạch cho quê mẹ. Đó là một cách sống đáng yêu mang lại cho họ một mức sống cao. New Zealand đã phát triển một hệ thống phúc lợi xã hội tiến bộ, mang lại cho người dân mức sống thuộc vào loại cao nhất và chất lượng cuộc sống cao từ trước Thế chiến Thứ hai. Sau chiến tranh, họ trở nên giàu có.

Họ duy trì xã hội dựa trên nông nghiệp này lâu hơn mức nên có. Úc đã công nghiệp hóa, còn họ lại không. Vì thế, rất đông những người trẻ tuổi sáng dạ và nhiều tham vọng đã rời bỏ quê hương để đến Úc, Anh và Mỹ. Vào những năm 80, New Zealand bắt đầu một hướng đi khác nhằm phát triển nền kinh tế để tạo ra nhiều cơ hội cho người tài để họ không phải di cư nữa. Họ cũng đón nhận những người nhập cư châu Á có trình độ và họ bắt đầu kinh doanh vẻ đẹp thiên nhiên của đất nước, đẩy mạnh ngành du lịch trên quy mô rộng lớn. Đó là nỗ lực cạnh tranh muộn màng.

Một trong những vị thủ tướng có thời gian phục vụ lâu của họ là Keith Holyoake. Tôi gặp ông ta lần đầu tiên lúc ông ta đến phi trường Singapore vào năm 1964, khi đó chúng tôi còn ở trong Liên bang Malaysia. Ông là người to lớn, giọng nói sâu, mạnh, âm vang từ trong lồng ngực. Ông không chút khoe khoang. Ông là một nông dân và ông tự hào về điều đó. Ông không làm ra vẻ hiểu biết, mà lại rất gần gũi. Đây ắt là một lý do tại sao ông lại đắc cử liên tiếp 4 nhiệm kỳ và là Thủ tướng từ năm 1960 đến 1972. Tôi thích ông ta và kính trọng tính trung thực của ông. Tôi phát hiện rằng ông ta rất vững vàng và điềm tĩnh dưới mọi áp lực.

Sau khi viên chức cao cấp Khối Thịnh vượng chung của Anh, George Thomson, gặp tôi ở Singapore năm 1967 để nói với tôi về quyết định rút quân của Wilson, tôi liền gọi điện cho Holyoake. Đó là vào tháng 11, New Zealand đang là mùa hè. Ông ta nói ông ta không nghĩ rằng người Anh sẽ đổi ý: ông ta đã thử. Ông ta chúc tôi may mắn trong việc nỗ lực để có nhiều thời gian hơn. Kết thúc cuộc nói chuyện, ông nói: “Tôi đang ở nhà nghỉ bên hồ Taupo. Hôm nay trời nắng, đẹp và thanh bình. Ông hãy đến và nghỉ ở đây. Đó sẽ là một khoảng thời gian thư giãn”, ở mãi Nam Thái Bình Dương, ông ta có một cảm nhận khác về nguy hiểm. Nhiều năm sau, tôi nhận lời mời của ông. Huka Lodge gần hồ Taupo thật sự là yên tĩnh.

Khi Norman Kirk trở thành Thủ tướng đảng Lao động của New Zealand, chúng tôi gặp nhau tại Hội nghị Khối Thịnh vượng chung ở Ottawa năm 1973. Ông nổi bật vì sự chân thành, nói thẳng, không chút bỡn cợt. Trên đường về New Zealand vào tháng 12/1973, ông ghé thăm tôi. Chúng tôi ngồi ở bãi cỏ phía trước Sri Temasek một buổi chiều trước lúc trời nhá nhem, trao đổi nhũng suy nghĩ về tương lai. Cuộc chiến Việt Nam có vẻ sẽ mang lại kết thúc không tốt đẹp. Tôi hỏi ông, với tư cách là một người ngoài cuộc, ông thấy Singapore và triển vọng về sự ổn định và phát triển như thế nào và nguy hiểm sẽ phát xuất từ đâu. Ông ta trả lời thẳng và súc tích. New Zealand thì thuần khiết, giàu có, da trắng và dân chủ. Singapore thì “lai căng”, một thành phố hoàn toàn theo phong cách Tây phương, dân chủ ở trung tâm Đông Nam Á, song khác biệt và duy nhất. Thành công cũng chính là mối nguy; Singapore đã để lộ mình.

Quan hệ của chúng tôi rất tốt. Tôi rất buồn khi ông qua đời vài tháng sau đó, tháng 8/1974. Hơn 20 năm sau khi ông ta nói điều này, khi Úc và New Zealand muốn gia nhập vào khối châu Á trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo chính phủ các nước Á, Âu tại Bangkok năm 1996, thì Thủ tướng Mahathir phản đối, cho rằng họ không phải là một phần của châu Á. Đây là phản ứng thiên về bản năng của ông ta, không được các nhà lãnh đạo khác đồng tình. Tôi tin là không bao lâu sau, logic về địa lý và kinh tế sẽ đánh bại các thành kiến cũ, và Úc cùng New Zealand sẽ gia nhập vào trong ASEM.

Robert Muldoon đã thắng trong cuộc bầu cử tháng 12/1975 và tiếp tục là Thủ tướng đến năm 1984. Ông cao lớn, đầu to và hói, gương mặt thiếu hòa khí và rất hiếu chiến, ông dũng cảm đương đầu và tự do nói thẳng vào mặt các vị đương nhiệm người Úc như Malcolm Fraser và Bob Hawke, để nhắc với họ rằng Úc không thể coi New Zealand như là mặc nhiên không cần tính đến.

Ông muốn tách thể thao ra khỏi chính trị và ra sức bảo vệ đội bóng bầu dục All Blacks của New Zealand chơi ở Nam Phi và tiếp đón một đội bóng bầu dục Nam Phi ở New Zealand. Trước sự ngạc nhiên của ông, vẫn có sự chống đối họ bằng bạo lực ở New Zealand. Qua vài năm sau, tôi thấy ông phát hiện ra tại các cuộc họp của Khối Thịnh vượng chung là New Zealand sẽ bị cô lập nếu ông cứ tiếp tục các chính sách của mình. Vì thế, sau các vất vả để bảo vệ vị trí của mình, tại CHOGM ở London vào năm 1977, ông đã đồng ý tuyên bố tẩy chay thể thao Nam Phi vì sự phân biệt chủng tộc. Nó không đáng để đấu tranh, ông không giấu tình cảm của mình. Vào năm 1979, ông là một trong số ít người tại CHOGM ở Lusaka cảm thông với Thatcher về việc bà đứng về phía Rhodesia và Nam Phi. Nhưng so với Thacher, ông sớm nhận ra rằng làn sóng lịch sử sẽ chống đối địa vị thống trị của người da trắng ở châu Phi. Không giống Whitlam, Muldoon không bao giờ làm ra vẻ là một người Á Phi da trắng. Thay vào đó, ông tập trung thời gian và tiềm lực vào các đảo Nam Thái Bình Dương. Ông là một kế toán có năng lực, với một đầu óc có thể làm chủ các chi tiết và nghiền nhuyễn các con số. Những phân tích của ông về các vấn đề kinh tế nghe có vẻ sâu sắc và cứng cỏi nhưng ông thật mềm mỏng với việc thi hành chính sách. Khi giá cả nông sản hạ, ông vẫn giữ giá để trợ giúp cho nông dân. Khi ngành chế biến gặp khó khăn, ông bảo vệ họ hơn nữa.

Khó khăn được giao cho người kế nhiệm đảng Lao động của ông, David Lange, bắt đầu tiến trình cắt giảm bao cấp, gây ra đau đớn lớn cho những người vốn đã được nuông chiều. Lange là một nhân vật khác thường, cao vừa tầm nhưng to bề ngang, tính cách dễ chịu, đầu óc nhanh nhạy và một trí nhớ tốt. Ngay sau khi thắng cử năm 1984, ông có ghé thăm tôi ở Singapore trên đường đến châu Phi để phát triển thương mại với họ. Tôi bày tỏ nghi ngờ việc này có khả thi hay không. Ông trách tôi hoài nghi, nhưng về sau phải thừa nhận là tôi đúng. Ông là người có óc hài hước và tiếng cười dễ lan truyền đến người khác.

Vào năm 1972, khi người Úc công bố là họ sẽ rút quân khỏi Malaysia vào năm 1973, New Zealand quyết trụ lại và họ đã làm như thế suốt 17 năm. Bản chất mạnh mẽ hơn khiến họ có biệt hiệu là “những binh sĩ Nê–pan trong quân đội Anh ở Nam Thái Bình Dương”. Tuy nhiên, người New Zealand cũng đã trải qua một biến đổi lớn lao vào tháng 7/1984 khi họ bỏ phiếu cho Lange và đảng Lao động của ông. Đảng của ông quyết định họ không muốn một Thái Bình Dương sử dụng năng lượng hạt nhân và đứng về phía chống đối mạnh mẽ việc sử dụng năng lượng hạt nhân. Họ sắp sửa gây nguy hại đến hiệp ước ANZUS của họ với Hoa Kỳ bằng cách từ chối cho phép bất kỳ tàu năng lượng hạt nhân hay bất kỳ tàu chở vũ khí hạt nhân nào đi qua hoặc cập bến New Zealand, dẫn đến kết quả là hải quân Hoa Kỳ bị khóa chặt. Đây là sự đảo ngược thái độ truyền thống đáng kinh ngạc của họ. Vào tháng 10 năm ấy, khi tôi gặp Lange ở Singapore, tôi nói với ông rằng các chiến thuyền hạt nhân thường xuyên qua eo biển Malacca và eo biển Singapore, rằng chúng tôi nhận ra mối nguy hiểm của sự cố hạt nhân nhưng sự hiện diện của hải quân Mỹ trong khu vực đã mang lại cho chúng tôi 30 năm ổn định, ông vẫn không bị thuyết phục. Đối với ông và Đảng của ông, một thế giới không có vũ khí hạt nhân là cách duy nhất để có một tương lai an toàn.

Vào năm 1986, ở Canberra, Bob Hawke yêu cầu tôi thuyết phục Lange rằng ANZUS là tốt nhất cho lợi ích lâu dài của họ. Khi tôi đến Wellington, tôi lại tranh luận với Lange rằng chính sách chống hạt nhân của ông là quá cẩn trọng, nhưng vẫn không lay chuyển được ông. Tuy nhiên, Jim Bolger, nhà lãnh đạo đảng đối lập đồng ý với tôi rằng các nước nhỏ như Singapore và New Zealand sẽ chỉ có chỗ để thao diễn và tiến bộ nếu Hoa Kỳ tiếp tục duy trì cân bằng thế giới. Ông nói thêm rằng: “Lập trường chống sử dụng năng lượng hạt nhân của New Zealand chỉ càng thúc đẩy thêm sự chia rẽ của nó mà thôi.” Nhưng khi ông trở thành Thủ tướng vào tháng 11/1990, ý kiến của công chúng khiến cho ông không thể đi ngược lại chính sách này. New Zealand đã quyết định không dính đến những phiền toái của thế giới cho đến khi có một sự sắp đặt khác.

Với tư cách là một Thủ tướng đảng Lao động, Lange hiển nhiên cảm thấy ông phải bênh vực cho người bị ức hiếp. Nhưng về các cải tổ kinh tế và mở cửa nền kinh tế do động lực của thị trường thì ông có thể bị thuyết phục. Đó là bởi vì Bộ trưởng Bộ Tài chính của ông, Roger Douglas, là một người tâm đắc với thị trường tự do và đã lôi kéo Thủ tướng về cùng một ý với mình trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ thứ hai, Lange, dưới sức ép của nội các và những người cùng Đảng, đã rút khỏi các cải cách không được ưa chuộng. Điều này kéo dài thêm tình trạng khó chịu cho các nông dân New Zealand, các nhà sản xuất và người tiêu thụ.

Vào tháng 12/1984, Lange ra thông báo, mà không hội thảo trước, về việc hủy bỏ tình trạng ưu tiên chung cho Singapore (General Scheme Preferences – GSP)[29] dành cho hàng xuất khẩu của chúng tôi. Làm như thế, New Zealand đã chuyển biến sớm hơn Mỹ và cộng đồng châu Âu. Khi Bộ trưởng Ngoại giao của chúng tôi giải thích với ông ta rằng tổn thất do tình trạng hủy bỏ tình trạng GSP của New Zealand là không đáng kể, nhưng chúng tôi sẽ phải chịu mất mát lớn nếu người Mỹ và người châu Âu cũng làm theo họ. Lange đã chấp nhận lời trình bày và phục hồi tình trạng GSP cho chúng tôi.

[29] Quen thuộc hơn với thuật ngữ “chế độ thuế quan ưu đãi phổ cập”, thường được ký kết giữa hai nước quy định những ưu đãi về thuế quan do các nước công nghiệp phát triển dành cho một số sản phẩm nhất định mà họ nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Điểm đặc biệt là GSP không mang tính “có đi có lại” mà chỉ là những thỏa thuận ưu đãi mang tính một chiều, nước cấp GSP không đòi hỏi ở nước nhận GSP những ưu đãi tương tự. GSP có thể là chữ viết tắt của Generalized System of Preferences (theo wikipedia.org) hoặc Generalised Scheme of Preferences (theo website của EU ec.europa.eu).

Không có lượng dự trữ lớn vàng, kim cương, than đá, uranium và các khoáng sản khác để mang đến một cuộc sống sung sướng như Úc, nên New Zealand không mang tư tưởng là “một đất nước may mắn”. Khi giá thực phẩm xuất khẩu của họ giảm vào những năm 80, Lange và Douglas giảm mức trợ giá cho nông dân và khiến cho New Zealand tích cực cạnh tranh hơn. Đó chính là công trạng lớn lao của Thủ tướng Jim Bolger. Khi Đảng Quốc gia của ông trở lại nắm quyền vào năm 1990, ông ta đã tiếp tục các chính sách tự do này.

Tôi chưa bao giờ có sự bất đồng nào với các nhà lãnh đạo New Zealand, ngay cả với Bob Muldoon, người có thể gay gắt và nóng tính trong các cuộc tranh cãi. Theo như tôi biết thì người New Zealand tôn trọng các cam kết của họ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx