sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 25 phần 2

Tôi trích dẫn lời của vị cựu Tổng Giám đốc GATT Arthur Dunkel với tư cách là một nhân chứng tinh thông rằng Pháp là quốc gia bảo hộ mậu dịch. Vị Tổng giám đốc đương thời, Peter Sutherland, cũng nói như vậy. Chirac xen vào nói rằng ông ta không tin Sutherland. Tôi nói Chủ tịch EEC, Jacques Delors, rất tin cậy Sutherland thì Chirac trả lời ngay rằng ông ta cũng không tin Delors!

Chirac nói rằng chúng ta không thể thuyết phục lẫn nhau, vì vậy tốt nhất là chúng ta đồng ý gác lại các bất đồng. Cuối cùng, ông ta đã thay đổi lập trường của chính phủ Balladur để đạt được sự thỏa thuận về Vòng đàm phán Uruguay. Kể từ lần đầu tiên chúng tôi gặp nhau vào năm 1974, Chirac và tôi đã thành bạn và đã có thể nói chuyện một cách thoải mái và thẳng thắn với nhau mà không gây xúc phạm hay bị xúc phạm.

Tôi bị ấn tượng bởi sự quan tâm sâu sắc của cả Chirac và Thủ tướng Đức Helmut Kohl đối với Trung Quốc và Đông Á. Tôi đã thảo luận vấn đề này với Thủ tướng Goh Chok Tong và đề nghị rằng ông ta khởi xướng các cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Đông Á. Người Mỹ đã có những cuộc gặp gỡ thường xuyên với Đông Á thông qua APEC và với EU thông qua nhiều tổ chức. Nhưng EU và Đông Á không có những cuộc họp chính thức vốn có thể thuận lợi cho thương mại, đầu tư và trao đổi văn hóa. Goh đã bắt tay thực hiện cùng với Thủ tướng Pháp Edouard Balladur, và cuộc họp Âu – Á đầu tiên của các nhà lãnh đạo đã được tổ chức ở Bangkok vào tháng 2/1996. Viếng thăm các quốc gia châu Á nhân dịp đó hoặc sau cuộc gặp gỡ đó, nhiều nhà lãnh đạo châu Âu đã khám phá ra mức độ biến đổi công nghiệp ở châu Á, và quyết định việc gặp gỡ giữa các nhà lãnh đạo EU và Đông Á cứ 2 năm một lần.

Lần giáp mặt đầu tiên của tôi với người Đức là ở sân bay Frankfurt vào tháng 4/1956. Công ty hàng không hải ngoại Anh “Argonaut” đã dừng lại ở Rome nơi tôi nghe những thông báo ngọt ngào nhưng uể oải qua loa phát thanh trong khi những phu khuân vác người Ý đẩy hành lý một cách thong thả. Vài giờ sau, khi đến Frankfurt, tôi cảm nhận được bầu không khí mát mẻ hơn và sinh động hơn, như thể để phù hợp với vẻ cấp bách trên loa phóng thanh, tiếp theo sau là các hướng dẫn thuyết phục và quả quyết trong khi những phu khuân vác người Đức xúc tiến công việc một cách nhanh nhẹn. Hình ảnh ấy làm tôi nhớ đến sự khác biệt giữa quân đội Đức và Ý được mô tả trong các bản thông báo chính thức từ mặt trận của Thế chiến Thứ hai. Tôi đã đọc được chúng trong các bản báo cáo do các hãng thông tấn của đồng minh truyền đi khi tôi chỉnh sửa điện báo cho họ trong suốt thời gian Nhật chiếm đóng.

Tôi đã đi thăm Willy Brandt ở Bonn vào tháng 9/1970 khi ông ta còn là Thủ tướng Đức. Trước đó, chúng tôi đã gặp nhau ở Brussels vào năm 1964, trong lễ kỷ niệm 100 năm Quốc tế Xã hội chủ nghĩa. Sau bài diễn văn của tôi tại buổi gặp gỡ ấy, ông ấy đã đến và bày tỏ thông cảm với tôi về các cuộc bạo động cộng đồng ở Singapore do những người ủng hộ chính quyền trung ương tổ chức để đe dọa người Hoa. Ông ta đã mời tôi thăm ông ta. Tôi đã so sánh Singapore với một Tây Berlin không có ưu thế được Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ. Với tư cách là một cựu Thị trưởng Tây Berlin, ông ta thấu hiểu tình thế khó khăn của tôi. Trong số các nhà lãnh đạo châu Âu, ông ấy là người cảm thông nhất cho hoàn cảnh bi đát của Singapore. Tôi cố gắng thuyết phục ông ấy đừng loại bỏ Đông Nam Á bởi vì tôi tin chúng tôi sẽ khắc phục được sự nổi dậy của cộng sản đe dọa nhiều nước trong khu vực. Brandt trông quyến rũ – cao và to lớn, với khuôn mặt điển trai, thân thiện và một giọng nói hay. Ông ấy phản ứng theo bản năng hơn là lý trí. Có lẽ ông ta cho phép trái tim điều khiển khối óc của mình, ông ta là một người xã hội chủ nghĩa kiểu cũ, luôn ủng hộ việc san bằng các cơ hội và phần thưởng.

Helmut Schmidt, người kế nhiệm Brandt vào năm 1974, là người rất sáng suốt và cứng cỏi với những quan điểm rõ ràng về tất cả những vấn đề then chốt. Ông coi thường kiểu nói nước đôi về những vấn đề Đông – Tây của các nhà lãnh đạo các nước đang phát triển, những người không dám chỉ trích Liên bang Xô Viết. Từng là Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Bộ trưởng Tài chính, với tư cách là một vị Thủ tướng, ông ta nắm vững các vấn đề về kinh tế, quốc phòng và chiến lược.

Ông ta và vợ, Loki, đã viếng thăm Singapore vào tháng 10/1978. Trong ba ngày lưu lại đây, chúng tôi thăm dò lẫn nhau và nhận thấy có rất nhiều điểm chung. Khi chúng tôi thu hình một cuộc phỏng vấn cho một đài truyền hình Đức, người dẫn chuyện rất ngạc nhiên vì dường như chúng tôi có cùng suy nghĩ và nói rất giống nhau về nhiều vấn đề.

Tôi đề nghị Schmidt rằng ông ta nên thành lập một Viện Đức – Sing để tổ chức những khóa đào tạo về sản xuất kỹ thuật cao và công nghệ thông tin, để giúp các doanh nghiệp Đức gầy dựng trong khu vực. Ông ta đồng ý. Việc đó hóa ra mang lại rất nhiều lợi ích cho các nhà đầu tư Đức vì họ có thể tuyển chọn những kỹ thuật viên được đào tạo theo các tiêu chuẩn Đức. Sau này, Singapore trở thành nước chủ nhà đào tạo các công nhân thuộc các nước thế giới thứ ba khác tại viện này.

Sau chuyến thăm của tôi đến Bonn và Berlin vào mùa thu năm sau, tôi đã ghi lại cảm tưởng của mình cho nội các:

So với lần thăm gần đây nhất của tôi vào năm 1970 thì Berlin trông thịnh vượng hơn nhiều. Nhưng lại không có tinh thần tự do và thoải mái như ở Bonn.[32] Những người theo chủ nghĩa cộng sản không mấy thiện cảm với những người Tây Berlin. Họ làm cho cuộc sống căng thẳng, điều này không đủ để gây ra sự chống đối cũng chẳng có gì đáng để được đưa lên báo, nhưng đủ là một áp lực thường xuyên và dai dẳng để nhắc cho người Đức nói chung rằng họ có những con tin ở Tây Berlin. Hệ thống của họ rất thiếu hiệu quả trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ mà người dân cần. Việc đưa vào khuôn phép càng khiến cho tinh thần của người dân nước họ mòn mỏi hơn và họ càng trở nên nghèo túng hơn về tất cả mọi mặt. Sự kém cỏi này, qua thời gian, sẽ ngày càng trở nên rõ rệt đối với hết thảy mọi người trên thế giới kể cả người dân của chính nước họ. Nếu như phía Tây không tạo cơ hội cho Liên bang Xô Viết khai thác tính ưu việt về quân sự của họ, thì vào thập niên 90 hệ thống của Liên bang Xô Viết sẽ bị khủng hoảng trầm trọng.

Và sự việc đã diễn ra đúng như thế.

[32] Nói thêm cho rõ, Bonn là thủ đô của Tây Đức trong khi Berlin là thủ đô của Đông Đức thời nước Đức bị chia cắt.

Lần kế tiếp tôi gặp Schmidt ở Bonn vào tháng 1/1980, sau khi Liên bang Xô Viết xâm lược Afghanistan. Tôi cùng một nhóm các nhà lãnh đạo, gồm Henry Kissinger, Ted Heath và George Shultz, có một cuộc thảo luận không được xếp đặt trước. Chúng tôi nhất trí rằng bằng mọi giá, chúng tôi phải chống lại Liên bang Xô Viết và người dân Afghan phải được ủng hộ.

Schmidt từ chức vào năm 1982 vì Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông không ủng hộ các chính sách khôi phục nguyên tắc tài chính mà ông nghĩ là cần thiết. Ông vẫn tích cực hoạt động, viết bài cho tờ báo Die Zeit và chủ trì các cuộc họp của Ủy ban hoạt động quốc tế (một nhóm các cựu lãnh đạo gặp nhau hằng năm để thảo luận những vấn đề lâu dài của thế giới theo một phong cách hoàn toàn khách quan và không đảng phái). Tôi cũng trở thành một thành viên trong nhóm họ sau khi tôi từ chức năm 1990.

Người kế nhiệm Schmidt, Helmut Kohl là một người khổng lồ, có lẽ là nhà lãnh đạo cao nhất và to nhất trên thế giới lúc bấy giờ. Trong chuyến viếng thăm Bonn của tôi vào tháng 5/1990, ông tỏ ra rất có sức thuyết phục trong việc hợp nhất Đức, vào lúc đó sắp sửa xảy ra. Ông nói, điều đó phải xảy ra và xảy ra trong bối cảnh sự hợp nhất châu Âu. Ông tự tin và lạc quan cho rằng ông ta có thể xoay xở với cái giá và các vấn đề của sự hợp nhất. Ông bác bỏ bất kỳ lời đề nghị nào về một “Pháo đài châu Âu”. Nước Đức sẽ không chấp nhận bảo hộ mậu dịch và ông tin là công nghiệp Đức sẽ có thể cạnh tranh được với Nhật Bản.

Tôi bày tỏ mối lo ngại là sự thống nhất Đức sẽ tiêu tốn rất nhiều nguồn tài nguyên, năng lượng và sức người và sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cho khu vực châu Á Thái Bình Dương. Ông cam đoan với tôi rằng ông sẽ vẫn tiếp tục lưu tâm đến Đông Á. Ông ta là người nhận thức sâu sắc nhất rằng một nước Đức thống nhất, với khoảng 20 triệu dân Đông Đức cộng thêm 60 triệu dân Tây Đức, sẽ phải khiến cho các nước láng giềng kiêng nể. Ông nói rằng mọi người đều muốn một nước Đức thống nhất duy trì chỗ đứng trong NATO, và mặc dù động cơ của việc mong muốn điều này của họ không phải luôn luôn mang tính “thân thiện”, nhưng kết quả cuối cùng là khả quan: “Châu Âu hợp nhất và nước Đức thống nhất là hai mặt của một tấm huân chương.”

Ông cũng có những quan điểm mạnh mẽ tương đương về Trung Quốc. Có rất nhiều kẻ ngốc nghếch ở Cộng hòa Liên bang Đức muốn cô lập Trung Quốc vì vụ Thiên An Môn. Đó là một phương án sai lầm. Ông nhất trí với các chính sách của Singapore trong việc quan hệ với Trung Quốc. Trung Quốc muốn có một chỗ đứng ở châu Âu, đặc biệt là ở Đức, nơi có số sinh viên Trung Quốc đông nhất so với các nước khác ở châu Âu và họ sẽ là những nhân vật hiện đại hóa tương lai của Trung Quốc.

Không giống Pháp, các ngành công nghiệp và ngân hàng Đức tích cực hoạt động với Singapore và khu vực từ những năm đầu thập niên 70, rất lâu trước thời gian Thủ tướng Kohl tăng cường mối quan tâm cá nhân của mình. Sau người Hà Lan, người Đức là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất ở Singapore và là đối tác thương mại châu Âu lớn nhất của chúng tôi. Kohl thăm Singapore vào tháng 2/1993, 30 tháng sau khi nước Đức hợp nhất, ông ta thừa nhận cái giá của việc hợp nhất Đông Đức lớn hơn ông tưởng. Tuy vậy, ông vẫn được 40 nhà công nghiệp hàng đầu Đức hỗ trợ. Tôi nài nỉ ông ta đừng bỏ thị trường Đông Á cho Mỹ và Nhật Bản. Kohl nói nước Đức nhất thiết phải nhìn xa trông rộng. Ông ta muốn liên kết kinh tế và văn hóa nhiều hơn với khu vực. Ông ta cũng mời tôi sang thăm Đức để giữ liên lạc. Ông muốn các doanh nghiệp Singapore và Đức cùng nhau đầu tư vào thị trường Trung Quốc, Việt Nam và thị trường các nước Đông Á khác. Tôi đã viếng thăm ông vào tháng 5/1994 để thông báo cho ông ta tình hình mới nhất. Ông ta cũng nói về Nga, rằng Liên hiệp châu Âu đang đối xử với các nhà lãnh đạo ở Moscow không đủ kính trọng. Người Nga có tinh thần tự hào dân tộc và họ cảm thấy bị coi thường và bị xem nhẹ khi bị đối xử như thế này. Nếu một phương án đúng đắn không được duy trì, thì ông ta tin chắc những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc và những nhà quân sự sẽ lên nắm quyền trở lại và “toàn bộ vòng quay sẽ lại bắt đầu”.

Tháng 11/1995, Kohl đến thăm Singapore một lần nữa và nhắc lại mối bận tâm của ông ta về vấn đề Nga. Các đối tác châu Âu của ông không hiểu rằng Nga rất quan trọng đối với nền hòa bình ở châu Âu. Họ phải giúp đỡ Nga trở nên mạnh hơn và dân chủ hơn chứ không phải quay lại chế độ độc tài và chủ nghĩa bành trướng. Châu Âu sẽ cần đến Nga để tạo thế cân bằng với Trung Quốc. Vì những lý do này, Đức đã trở thành nhà viện trợ hàng đầu cho Nga với 52 tỷ đôla Mỹ năm 1989, chiếm hơn một nửa những sự giúp đỡ của quốc tế. Ông ta thất vọng về người Mỹ. Họ đang trở nên hướng nội. Phe cộng hòa thì vẫn “dở nếu không muốn nói là tệ hơn”. Không có ứng cử viên đảng Cộng hòa nào đến châu Âu trong suốt thời gian bầu cử tổng thống như họ đã từng làm trong những năm chiến tranh lạnh.

Ông muốn sự nhận xét đánh giá của riêng cá nhân tôi để đối chiếu với những báo cáo chính thức của ông về Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh và Philippines, và tôi đã thẳng thắn trả lời mà chẳng cần giấu giếm gì. Khi tôi nói rằng một đất nước nào đó là một trường hợp vô vọng thì ông tán thành và ông nói là sẽ không đầu tư vào đó. Ông ta là một con người thực tế và những đánh giá của chúng tôi thường rất trùng hợp.

Tháng 6/1996, Kohl đưa Choo và tôi băng qua sông Ranh trên một chiếc trực thăng để đi thăm Speyer với ngôi thánh đường lộng lẫy xây dựng từ thế kỷ 11 tại quê nhà của ông, Rhineland – Palatinate, ở trung tâm châu Âu. Ông cũng dẫn Mitterrand, Govbachev, Thatcher và những vị khác trong chuyến đi thân mật này đến quận sản xuất rượu vang vùng Rhineland. Vợ ông cũng tham gia với chúng tôi ở nhà hàng mà ông ưa thích, Deidesheim Hof. Chúng tôi dùng thử một số món ăn ưa thích của ông. Trong suốt bữa tối, ông làm tôi thích thú với những câu chuyện kể về những cuộc gặp gỡ của ông với các nhà lãnh đạo Đông Á, một vài người ông thích, còn số khác ông lại cảm thấy không ưa lắm. Ông nhận thấy Suharto là một người đàn ông khiêm tốn và họ trở thành bạn thân của nhau. Trước khi ông trở thành Thủ tướng, ông đã đến Indonesia thăm Suharto tại tư dinh của ông ta. Trong lúc đợi ở tiền sảnh, ngắm cá bơi lội trong hồ thì một người đàn ông mặc áo len, quấn xà rông bước ra; họ cùng nhau ngắm cá và bắt đầu đi vào câu chuyện. Vị đại sứ Đức tháp tùng Kohl chẳng hề để ý gì đến ông ta. Chỉ sau đó một lúc, Kohl mới nhận ra đó chính là Tổng thống Suharto. Suharto mời ông ở lại dùng bữa trưa và họ cùng nhau trò chuyện suốt 4 giờ đồng hồ. Vào một dịp khác, Suharto dẫn ông đến trang trại của ông ta để ngắm nhìn đàn gia súc. Sau dịp đó, Kohl gửi hẳn một con bò đực giống cho Suharto. Lần gặp Suharto kế tiếp, Suharto bắt tay ông và thông báo rằng chú bò đó cừ lắm.

Khi đi tham quan vòng quanh Speyer, Kohl tỏ ra không chú trọng đến hình thức bằng nội dung. Sáu người chúng tôi đi trong chiếc xe Volkswagen mà người dân thường đi, chứ không phải là chiếc Mercedes limousine[33] sang trọng. Khi tôi mời ông dùng bữa trưa ở Singapore, ông ta đến trên một chiếc xe buýt để, như ông nói, tiện lợi hơn khi chiêm ngưỡng thành phố.

Helmut Schmidt và Helmut Kohl không phải là những người bạn thân nhất, vậy mà giới truyền thông Đức tọc mạch cho là tôi rất thân với cả hai ông. Khi họ hỏi tôi, tôi trả lời rằng công việc của tôi là tiếp xúc với bất kỳ ai là lãnh đạo của nước Đức, rằng tôi chẳng theo phe cánh nào cả. So với người tiền nhiệm Schmidt thì Kohl không bằng. Schmidt là người tài trí, luôn luôn đưa ra những ý tưởng thú vị và trình bày rất sắc bén, mạch lạc trên báo Die Zeit sau khi ông thôi không làm Thủ tướng nữa. Mặt khác, giới truyền thông miêu tả Kohl là một người ù lì và chẳng gây được bất cứ cảm hứng nào. Điều này khiến nhiều người đánh giá ông thấp. Lúc đầu khi mới lên cầm quyền, không ai nghĩ rằng ông sẽ là Thủ tướng nắm quyền lâu nhất kể từ thời Bismarck. Khi tôi hiểu ông hơn, tôi khám phá ra bên trong thân hình to lớn và dáng vẻ bề ngoài vụng về là một khối óc nhạy bén với thiên khiếu chính trị sắc sảo. Ông là người có cá tính mạnh mẽ, quyết đoán và kiên định trong việc theo đuổi những mục tiêu của mình. Tầm nhìn sắc bén khôn ngoan về chính trị đã khiến ông có thể chấp nhận được quá khứ nước Đức và cương quyết rằng quá khứ sẽ không bao giờ lặp lại. Vì thế, ông ta chuyên tâm đeo đuổi Liên minh tiền tệ châu Âu (European Monetary Union – EMU), mà ông ta ám chỉ đến nó như là một vấn đề chiến tranh và hòa bình. Ông ta tin đồng Euro sẽ khiến cho tiến trình sáp nhập châu Âu không thể đảo ngược.

[33] Limousine: Loại xe hơi to sang trọng đặc biệt có tấm kính ngăn cách người lái xe và hành khách. (ND)

Kohl thất bại trong cuộc bầu cử tháng 9/1998. Ông sẽ đi vào lịch sử như là một người Đức vĩ đại, người đã hợp nhất đất nước và là một người châu Âu khổng lồ mong muốn nước Đức trở thành một phần của một siêu quốc gia châu Âu để tránh những thảm họa chiến tranh châu Âu của thế kỷ trước. Ông củng cố mối quan hệ Pháp – Đức và thành công trong việc tung ra đồng Euro vào tháng 1/1999, mặc cho nhiều thái độ hoài nghi và chống đối. Trong năm đầu tiên, đồng Euro suy yếu so với đồng đôla Mỹ. Nếu cuối cùng đồng tiền chung Euro thành công thì sự đóng góp của Kohl cho sự hợp nhất châu Âu sẽ mang tầm cỡ lịch sử. Sự thừa nhận của ông rằng đã sử dụng các nguồn quyên góp bí mật cho đảng của mình mà lẽ ra ông phải công bố vẫn không thể nào làm suy yếu được công lao đóng góp của ông đối với nước Đức và Liên minh châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Pháp gây ấn tượng với tôi bằng sự uyên bác và khả năng phân tích chính trị của họ. Họ có khả năng tham gia vào chính trường thế giới mạnh hơn người Đức, tận dụng nguồn lực của Đức trong cộng đồng châu Âu. Một nước Đức thống nhất sẽ thách thức sự an bài này. Nhưng Thủ tướng Kohl biết rất rõ rằng những nỗi lo sợ có thể xảy ra nếu Đức có vẻ như muốn sử dụng sức mạnh.

Một khó khăn nghiêm trọng đối với sự đoàn kết và hợp nhất châu Âu là việc thiếu một ngôn ngữ chung. Schmidt nói chuyện với Giscard bằng tiếng Anh và cho tôi biết họ có thể thiết lập một mối quan hệ thân thiện, gần gũi. Mitterand và Chirac giao tiếp với Kohl qua người phiên dịch. Tôi luôn cảm thấy rằng để cảm nhận được ý tưởng của người khác qua người thông dịch thì thật khó khăn. Schmidt, Giscard và Chirac đều nói chuyện với tôi bằng tiếng Anh và tôi có thể cảm nhận được từng dòng ý tưởng của họ tốt hơn là của Mitterand và Kohl, những người nói chuyện với tôi qua thông dịch viên. Trong lúc chờ đợi thông dịch viên dịch lại những gì họ nói, tôi lại càng cảm thấy khó khăn hơn khi phải đoán ý qua ngôn ngữ cử chỉ của họ. Khi một người nói bằng tiếng Anh, cho dù không đúng ngữ pháp hay thành ngữ, tôi vẫn cảm nhận được ý tưởng của anh ta. Sự ngắt câu hoặc chần chừ ở giữa câu đôi khi làm thay đổi tính tinh tế của câu nói; một phiên dịch viên có thể sẽ làm mất đi những lần ngắt câu này và cho tôi biết nội dung mà không có những cái nhăn mặt ám chỉ sự dè dặt của người đó. Cho đến khi có một ngôn ngữ chung thì người dân châu Âu chưa thể sánh kịp tính đồng nhất và những lợi thế mà Mỹ có được. Từng nước thành viên Liên minh châu Âu đều dạy tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai. Chẳng nước nào sẵn sàng dẹp bỏ ngôn ngữ của mình để sử dụng tiếng Anh hay bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Các kỹ sư của Liên minh châu Âu và các giám đốc vì thế sẽ không dễ dàng hoán đổi với nhau giống như người Mỹ khi thực hiện những dự án quan trọng.

Tham vọng của Pháp mong muốn ngôn ngữ của mình sẽ là một trong những ngôn ngữ hàng đầu trong ngoại giao quốc tế đã phải nhường chỗ cho chủ nghĩa thực dụng. Đến những năm cuối thập niên 80, những người sử dụng tiếng Pháp tại các cuộc hội họp quốc tế bắt đầu sử dụng tiếng Anh để gây được ấn tượng sâu sắc hơn với thính giả quốc tế. Với Internet, ưu thế của tiếng Anh là không thể phủ nhận. Trong thập niên 90, nghe các tổng giám đốc điều hành người Pháp và Đức thảo luận bằng tiếng Anh là chuyện rất bình thường.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx