sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 27 - Phần 2

Anh ta đã đưa ra một bản tóm tắt về Johnson, đấy là tài liệu tốt nhất mà tôi đã đọc trước khi gặp tổng thống. “Một con người kỳ lạ, đầy thủ đoạn, nhiều mánh khóe thao túng và đôi khi nhẫn tâm. Sau khi nói điều đó, tôi phải thừa nhận mình là một trong số ít những người thán phục ông ta nếu được coi là như vậy. Ông ta có lửa trong bụng – nói theo nghĩa cổ kinh thánh. Ông ta muốn làm điều tốt lành cho người dân trong nước, đặc biệt là người nghèo và người da đen… Rusk và McNamara có thể tin cậy. Cả hai đều trung thực và khá lịch thiệp, tốt bụng – dùng theo nghĩa cổ của từ này.”

Tháng 10/1967, tôi bay tới sân bay Kennedy, New York, và sau đó tiếp tục bay đi Williamsburg và ở lại trong một ngôi nhà cổ phục chế với trang trí nội thất thời Williamsburg còn là thủ phủ bang Virginia. Choo và tôi được đưa đi tham quan Williamsburg trên một chiếc xe ngựa; lái xe là người da đen bận y phục thời kỳ đó. Đấy là vùng Disneyland lịch sử. Ngày hôm sau chúng tôi đáp máy bay lên thẳng tới Nhà Trắng. Nhân viên lễ tân yêu cầu tôi bắt tay Tổng thống bằng tay trái vì tay phải ông ta bị băng bó. Khi tôi xuống máy bay trên thảm cỏ trước Nhà Trắng để được nghênh đón với đầy đủ nghi lễ nhà nước cùng đội danh dự, tôi bắt tay trái Johnson như một hướng đạo sinh xuất sắc.

Johnson dùng tính từ so sánh bậc nhất để mô tả tôi như “một nhà ái quốc, một nhà lãnh đạo chính trị lỗi lạc và một chính khách của châu Á mới”, và ông ta mô tả Singapore “là một tấm gương sáng chói về những gì có thể thực hiện chẳng những ở châu Á mà cả ở châu Phi và Mỹ Latinh – ở bất cứ nơi nào mà con người đang hoạt động vì một cuộc sống tự do và có nhân phẩm.” Tôi cảm thấy ngượng trước những lời ca tụng quá mức, rất không Anh tí nào. Để đáp lại, tôi gián tiếp tán thành những gì ông ta đang làm ở Việt Nam nhưng đặt câu hỏi phải chăng người Mỹ tin rằng con cháu họ sẽ thừa kế cái thế giới mới dũng cảm đó nếu họ không kiên trì (ở Việt Nam).

Ngay sau lễ đón tiếp, Johnson đã có cuộc bàn luận tay đôi với tôi. Ông ta là người bang Texas, cao to, giọng nói oang oang. Đứng bên cạnh ông ta tôi có cảm giác mình như chú lùn. Ông ta buồn rầu, lo lắng nhưng muốn nghe tôi phát biểu quan điểm của mình. Ông ta cảm thấy nhẹ nhõm khi có được một người từ Đông Nam Á, gần Việt Nam, hiểu, thông cảm và lặng lẽ ủng hộ những gì ông ta đang làm.

Johnson rất thẳng. Cuộc chiến này có thể thắng không? Việc ông ta đang làm có đúng không? Tôi nói với ông ta rằng ông ta đang làm đúng nhưng cuộc chiến này không thể thắng theo nghĩa quân sự. Ông ta có thể ngăn chặn những người cộng sản chiến thắng. Điều này tạo điều kiện làm xuất hiện một ban lãnh đạo Việt Nam (Ngụy quyền – ND) có khả năng tập hợp quần chúng xung quanh họ. Như vậy chính là thắng lợi vì chính phủ đó sẽ được sự ủng hộ của dân và là chính phủ không cộng sản. Tôi tin khi bỏ phiếu tự do, kết quả sẽ khả quan. Ông ta vui sướng, dù chỉ là thoáng qua.

Trong bữa tiệc tại Nhà Trắng vào đêm đó, Johnson trả lời câu hỏi của tôi về khả năng tiếp tục ở lại của Mỹ: “Có, Hoa Kỳ có quyết tâm và kiên nhẫn thực hiện đến cùng cuộc đấu tranh này ở Việt Nam… Tôi không thể nói rõ hơn hay với sự tin tưởng chắc chắn hơn. Ông biết một ngạn ngữ phổ biến tại khu vực mà các ông có thể dùng để mô tả đúng quyết tâm của chúng tôi. Các ông nói, cưỡi lưng hổ. Các ông đã cưỡi lưng hổ. Chúng tôi cũng sẽ cưỡi lưng hổ”.

Sau bữa tiệc, một vài thượng nghị sĩ dẫn tôi lên hành lang đầu cầu thang nhìn ra thảm cỏ Nhà Trắng. Một Mike Mansfield cao, gầy, tái nhợt, một nhà dân chủ từ Montana, lãnh tụ phe đa số thượng viện, hỏi tôi một câu hỏi trực tiếp: “Ông nghĩ việc ám sát Diệm là tốt hay có hại?” “Có hại,” tôi nói, “ông ta là người có khả năng lãnh đạo. Không ai thay được ông ta. Có thể có những cách khác để bắt Diệm thay đổi chính sách hay phương pháp cai trị của ông ta. Việc vứt bỏ ông ta đã gây nên mất ổn định và tệ hại hơn là tâm trạng bất an về việc hiện có một nhà lãnh đạo nào đó đứng lên vì Việt Nam và không chịu làm theo lời khuyên của Mỹ mà có thể đứng vững. Ông ta mím môi và nói: “Phải, thật tệ”. Ông ta hỏi đâu là giải pháp. Tôi bảo với ông ta rằng có, nhưng không dễ, không có giải pháp dứt điểm ngay mà sẽ là phương pháp đấm mạnh lâu dài, và không hấp dẫn: phải cứng rắn và ngăn không cho cộng sản chiến thắng, cho đến khi một ban lãnh đạo Nam Việt Nam xuất hiện – và thế là đủ thắng lợi. Điều đó có nghĩa là kiên trì lâu dài. Qua nét mặt của ông ta, tôi có thể hiểu rằng người Mỹ khó mà làm được như vậy.

Dean Rusk, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, là một người trầm lặng, chín chắn, trông có dáng một học giả hơn là một nhà hoạt động chính trị. Tôi bảo với ông ta rằng tôi hy vọng phương sách thắng cử của tổng thống mới của Hoa Kỳ sẽ khiến Hà Nội nhận thức được rằng nhân dân Mỹ có đủ kiên nhẫn và quyết tâm chiến thắng. Nếu Mỹ triệt thoái thì triều dâng sẽ tràn khắp các nước không cộng sản. Thái Lan sẽ đứng về phía phe khác và Malaysia sẽ bị nghiền nát bởi chiếc máy xay thịt của những cuộc nổi dậy của du kích. Sau đó, khi các đảng cộng sản anh em đã nắm quyền, những người cộng sản sẽ loại bỏ chúng tôi ở Singapore. Quân đội Trung Quốc không cần phải tiến vào Đông Nam Á.

Phó tổng thống Hubert Humphrey phát biểu không mấy dè dặt. Ông ta tin rằng ngoài thiểu số hoặc là diều hâu hoặc là bồ câu, 70 đến 80 % thượng nghị sĩ ủng hộ chính sách của tổng thống về Việt Nam. Phe đối lập bao gồm những người từ thế hệ người Mỹ lớn lên trong khoảng thời gian 22 năm sau Thế chiến thứ hai. Họ không hề biết chiến tranh và những khó khăn thực sự về kinh tế. Họ là nòng cốt của phe đối lập tại các trường đại học. Điều quan trọng là những người như tôi – không liên kết và được biết đến là những kẻ độc lập về chính trị phải lên tiếng phát biểu và ngăn chặn sự xói mòn của công luận tại Hoa Kỳ. Nỗi lo sợ của ông ta là ở chỗ Johnson sẽ bị đánh bại ở Mỹ chứ không phải ở Việt Nam trừ phi những người như tôi có thể giúp giữ nguyên tấm thảm dưới chân Johnson. Humphrey là người đáng mến và giảo hoạt về chính trị nhưng tôi nghi ngờ ông ta không đủ cứng rắn.

Robert McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, có đôi mắt rạng rỡ, thiết tha và đầy nghị lực. Ông ta nghĩ rằng Mỹ và Singapore có cùng những mục tiêu như nhau; cả hai chúng tôi đều muốn người Anh ở lại Singapore. Nhân dân Mỹ không muốn nhìn thấy Hoa Kỳ đứng một mình. Ông ta nói việc Anh quốc mua máy bay F–111 cho thấy các mối quan hệ rất khắng khít của nước này với Hoa Kỳ và ý định của họ muốn hoàn thành các cam kết của Anh ở Đông Nam Á. Việc này xảy ra vào tháng 10/1967, một tháng trước khi Anh phá giá đồng bảng và quyết định từ bỏ khu đông kênh đào Suez.

Đối với cả hai ủy ban, ủy ban các vấn đề đối ngoại hạ viện và ủy ban đối ngoại thượng viện, chủ đề chính trị là Việt Nam. Tôi cho họ những đáp án ít làm giảm bớt các mối lo ngại của họ. Họ muốn nghe những đáp án có thể thực hiện được trong vòng một năm hoặc ít hơn, trước cuộc bầu cử tổng thống sau đó. Tôi không đưa ra những giải pháp như vậy.

Ở Harvard tôi nói chuyện với một số sinh viên. Tôi cũng gặp giáo sư Richard Neustadt, giám đốc Học viện chính trị ở Harvard, và một chuyên gia về chức Tổng thống Mỹ. Tôi hỏi Bill Bundy liệu có khả năng cho phép tôi có mấy ngày nghỉ để tìm hiểu về người Mỹ và hệ thống của họ. Tôi cảm thấy mình phải hiểu họ. Họ có những điểm mạnh và những điểm yếu khác với người Anh. Đất nước họ là một lục địa rộng lớn. Họ không hề có một nhóm người ra quyết định thuần nhất, gắn bó chặt chẽ với nhau mà tất cả đều cụm lại hoặc ở Washington hoặc ở New York như người Anh ở London. Những người ra quyết định của Hoa Kỳ ở rải rác khắp 50 bang, mỗi bang có những lợi ích khác biệt và những thế lực khác nhau. Bundy thu xếp cho tôi gặp Neustadt, ông này hứa mở một khóa học cho tôi ở Học viện chính trị kéo dài một học kỳ vào mùa thu 1968.

Ngày nào tôi cũng đi, nói chuyện liên tu bất tận với giới truyền thông và các nhóm người khác nhau như Hội châu Á, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, các sinh viên ở Harvard và ở St. Louis, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở Chicago, và giới báo chí và truyền hình ở Los Angeles. Thậm chí ở Honolulu, nơi tôi ở lại với tư cách là khách nhà của vị tổng chỉ huy, giữa Thái Bình Dương, tôi cũng phải nói chuyện. Chỉ có ở khu nghỉ dưỡng Mauna Kea trên hòn đảo lớn Hawaii là tôi có thể xả hơi, chơi gôn cả ngày và ban đêm, sau bữa ăn tối, thì xem cá đuối.

Báo cáo của các phái bộ của chúng tôi ở Washington, Canberra và Wellington đều tốt, nhưng Keng Swee và Raja lo rằng tôi có vẻ như quá thân Mỹ khi tôi bảo vệ sự can thiệp của Johnson ở Việt Nam. Điều này có thể làm cho đám đông dân thường nói tiếng Hoa của chúng tôi bất bình. Họ khuyên tôi quay về một lập trường trung lập hơn. Khi tôi trở về Singapore, tôi bàn luận với họ về vấn đề này và đã thay đổi cách phát ngôn của mình theo hướng phê phán nhiều hơn nhưng vẫn bày tỏ sự ủng hộ rõ ràng đối với sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam. Tôi tin rằng chỉ trích gay gắt chính sách của Mỹ ở Việt Nam sẽ đụng đến Tổng thống Johnson và phương hại vị thế của ông ta ở Mỹ. Tôi không hề muốn làm những gì chống lại lợi ích của Singapore.

Chuyến thăm 10 ngày đó đã gây cho tôi một số ấn tượng mạnh. Như tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình trong nội các rằng quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ chỉ mang tính chất ngoại giao, khác với quan hệ của chúng tôi với Anh. Người Mỹ tư duy bằng con số và kích cỡ. Ở Đông Nam Á, người Malaysia và Singapore không là cái gì so với người Indonesia.

Các sự kiện chuyển động một cách không ngờ, và có tính chất quyết định sau khi tôi trở về. Người Anh phá giá đồng bảng và đến tháng 1/1968 thì tuyên bố rút sớm – trước năm 1971. Hai tuần sau đó là cuộc tấn công dịp Tết ở Việt Nam (Tết Mậu Thân – ND). Họ nổi dậy ở hơn một trăm đô thị và thị trấn, kể cả Sài Gòn. Công chúng Mỹ rúng động bởi những tin tức tường trình cuộc tấn công này. Giới truyền thông đã làm cho người Mỹ tin rằng đây là tai họa khủng khiếp đối với họ và trong cuộc chiến tranh này, họ đã thua. Hai tháng sau, vào ngày 31/3, Johnson thông báo: ”Tôi sẽ không tranh cử và sẽ không nhận đề cử của đảng tôi để ra tranh cử tổng thống.” Từ đó trở đi một không khí chán nản bao trùm lên nước Mỹ; họ trông ngóng chờ đợi vị Tổng thống mới tìm kiếm một sự rút lui không nhục nhã ra khỏi Việt Nam.

Từ tháng 10 đến tháng 12/1968, đúng theo kế hoạch, tôi được rảnh rỗi một thời gian ngắn ở trường đại học Columbia Anh quốc (University British Columbia – UBC) và Harvard. Tôi để lại công việc cho Goh Keng Swee phụ trách. Tôi lưu lại mấy tuần ở UBC. Từ câu lạc bộ khoa – tôi lúc này là khách – tôi xem vận động bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ trên màn hình tivi. Sau khi Nixon thắng, từ Vancouver tôi bay đi Ottawa để gặp Pierre Trudeau. Ông này đã trở thành Thủ tướng vào đầu năm đó. Từ đây tôi tiếp tục bay đi Boston và Harvard. Ở Harvard tôi là nghiên cứu sinh của Viện Chính trị, viện này có quan hệ gắn bó với Trường John F. Kennedy của chính phủ.

Tại tòa nhà Eliot của đại học Harvard tôi ở cùng 200 sinh viên và 10 nghiên cứu sinh; tôi dự một khóa học ngập đầu bài vở về nền văn hóa Mỹ. Neustadt đã thu xếp cho tôi được tiếp xúc rộng rãi với các học giả Hoa Kỳ thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu là về quản lý nhà nước của Mỹ và chính trị, kinh tế học phát triển, động cơ thúc đẩy và năng suất. Đấy là một chương trình đầy ắp; buổi sáng thảo luận với một nhóm, một bữa trưa làm việc với nhóm khác, một cuộc hội thảo buổi chiều, những bữa ăn tối giao lưu với các học giả nổi tiếng. Tại buổi đấu bóng đá giao lưu thường niên giữa đội Harvard và đội Yale, tôi có dịp cảm nhận được sức sống mãnh liệt của thanh niên Mỹ trong tiếng reo hò cổ vũ cùng với những lớp sóng tay vẫy chào. Hiệu quả của sự thu xếp, bố trí ở đây thật là ấn tượng. Một sinh viên tốt nghiệp thường xuyên gắn bó với tôi, thu thập tài liệu, hay thu xếp những cuộc gặp ngoài chương trình mà tôi cần. Cơ quan mật vụ gây ra không ít những gián đoạn trong sinh hoạt bình thường ở tòa nhà Eliot vì họ bố trí trung tâm hoạt động của mình trong hội trường dành cho sinh viên các năm trên để đảm bảo an toàn cho tôi 24/24 giờ. Tôi ăn cơm trong phòng lớn, cùng với sinh viên, nghiên cứu sinh và thầy hiệu trưởng Alan Heimert. Tôi ngạc nhiên trước quan hệ thoải mái không quan cách giữa thầy và trò. Sinh viên thì cực kỳ thông minh; một thầy giáo thú nhận rằng tranh luận với một số sinh viên có thể làm mình khá mất bình tĩnh.

Các cán bộ giảng dạy ở đại học Cambridge bang Massachusetts khác với đồng nghiệp của họ ở đại học Cambridge bên Anh. Cán bộ giảng dạy ở Anh trong các thập kỷ 40–50–60 cảm thấy sung sướng khi ở trong tháp ngà, tách biệt với không khí náo nhiệt, ồn ào của London và Westminster. Ngược lại, các giáo sư Hoa Kỳ nâng cao tầm vóc của mình bằng cách giao kết với chính phủ. Thời chính phủ Kennedy, nhiều giáo sư thường qua lại như con thoi giữa các thành phố Boston – New York – Washington. Sở trường của cán bộ giảng dạy Anh quốc thời bấy giờ là nghiên cứu nghiêm ngặt quá khứ, chứ không phải hiện tại và tương lai, cả hai thời buộc họ phải phỏng đoán. Họ không có tác động qua lại trực tiếp với kinh doanh và công nghiệp như Trường doanh nghiệp Harvard. Người Mỹ không giống như người Anh. Họ không tự hạn chế mình trong phạm vi nghiên cứu có phê phán quá khứ. Nghiên cứu hiện tại để tiên đoán tương lai là thế mạnh của giới học giả Hoa Kỳ. Đội ngũ chuyên viên của họ đã làm cho môn tương lai học trở thành một môn học đang được coi trọng dưới danh nghĩa “nghiên cứu vị lai”.

Mối lợi to lớn nhất đối với tôi không phải kiến thức mà là các cuộc tiếp xúc và gặp gỡ thân thiện với các học giả là những người không chỉ uyên bác về các vấn đề đương thời mà còn gắn bó với các trung tâm thần kinh của chính phủ và doanh nghiệp. Ở Harvard tôi là đối tượng của sự tò mò; một nhà hoạt động chính trị châu Á dành thời gian để làm việc “sạc lại bình điện”, tìm kiếm kiến thức trong học thuật khi đã bước vào tuổi bốn mươi lăm, sau 10 năm ở nhiệm sở. Họ vui vẻ tạo điều kiện cho tôi gặp gỡ những nhân vật lý thú, trong đó có nhà kinh tế John Kenneth Galbraith, chuyên gia về Nhật Bản và cựu đại sứ Mỹ ở Nhật Bản Edwin Reischauer, chuyên gia về Trung Quốc John Fairbank, giảng viên khoa học chính trị đại học MIT Lucien Pye, người đã thực hiện công trình nghiên cứu về du kích cộng sản ở Malaysia trong thập kỷ 50 và Paul Samuelson giảng viên đại học MIT, người nổi danh nhờ quyển sách giáo khoa về kinh tế do ông soạn và là người đã giải thích cho tôi tại sao người Mỹ cần duy trì các ngành công nghiệp giá trị gia tăng thấp như ngành dệt chẳng hạn. Cuộc thảo luận có giá trị nhất của tôi là với Ray Vernon, giảng viên Trường Doanh nghiệp Harvard. Ông ta cho tôi những hiểu biết thực tế về hoạt động của các loại hình kinh tế đương thời ở Hồng Kông và Đài Loan (đã được mô tả ở phần trước) sâu sắc đến nỗi cứ bốn năm tôi lại trở lại học thêm ở ông ta.

Tôi tìm thấy nhiều ý tưởng mới mẻ và lượm lặt được tri thức của những người có hiểu biết sâu rộng mặc dù không phải lúc nào họ cũng đúng. Họ quá đúng đắn về mặt chính trị. Harvard quả là không có sự thành kiến. Không một học giả nào sẵn sàng nói hay thừa nhận rằng có những khác biệt cố hữu giữa các chủng tộc, các nền văn hóa hay tôn giáo. Họ cho rằng con người là bình đẳng. Và để thành công mỗi xã hội chỉ cần có những chính sách kinh tế và những thiết chế quản lý đúng đắn. Họ sáng suốt đến nỗi tôi thấy khó tin được rằng họ chân thành giữ những quan điểm này mà họ cảm thấy buộc phải tán thành.

Các cán bộ giảng dạy ở đại học Harvard mà tôi gặp ở bàn tiệc đều sắc sảo, hóm hỉnh và biết gợi chuyện, mặc dù không phải lúc nào tôi cũng đồng ý với họ. Galbraith có giọng lưỡi gay gắt nhất trong bọn. Một hôm vào bữa ăn tối tôi gặp Henry Kissinger. Một điều may mắn hoàn toàn ngẫu nhiên làm ông ta phấn khởi là tại bữa ăn, trong khi nhiều người Mỹ có tư tưởng tự do đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ thì tôi lại nêu quan điểm trái ngược. Tôi giải thích rằng chỗ đứng của Mỹ có tầm quan trọng quyết định đối với các nước Đông Nam Á không cộng sản. Kissinger đã thận trọng chọn từ ngữ bào chữa cho sự can thiệp của Mỹ. Vây quanh là những người thuộc phái bồ câu nên ông ta đã cẩn thận, không tỏ vẻ diều hâu. Kissinger nói chậm rãi bằng thứ tiếng Anh giọng Đức nặng nề, gây cho tôi cảm giác ông ta không phải là người dễ dàng bị cuốn hút bởi tình cảm trong phút chốc. Chẳng bao lâu sau đó văn phòng Nixon thông báo Kissinger sẽ là cố vấn an ninh quốc gia. Đến lúc đó ông ta đã rời Harvard. Trước khi tôi bay về nước vào tháng 12 năm đó, tôi gặp ông ta ở New York để cổ vũ ông ta giữ vững tiến trình ở Việt Nam và người Mỹ có đủ khả năng để ngăn ngừa những người cộng sản chiến thắng.

Tôi muốn đến thăm Tổng thống Johnson. Bill Bundy ngạc nhiên khi thấy tôi muốn thăm một tổng thống thất sủng chứ không phải tổng thống đắc cử. Tôi nói Nixon cần có thời gian để lựa chọn nhân sự và nghị trình, hơn nữa tôi có thể trở lại sau khi ông ta đã ổn định công việc. Người tôi gặp lúc này là một Johnson đau khổ, u sầu. Ông ta nói ông ta đã dốc hết mọi thứ vào Việt Nam. Hai đứa con rể của ông ta đều ở trong lực lượng vũ trang và cả hai đều phục vụ tại Việt Nam. Không ai có thể làm hơn nữa. Tôi ra về, để lại phía sau một Johnson phiền muộn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx