sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 27 phần 1

27

HOA KỲ: NGƯỜI CHỐNG CỘNG CHỦ CHỐT

Cuối tháng 8/1965, trong vòng mấy ngày sau cú sốc do tách khỏi Malaysia, bất ngờ tôi phải đối mặt với một vấn đề cá nhân. Choo trong tình trạng sức khỏe đáng lo ngại, đòi hỏi phải qua phẫu thuật. Dr. Benjamin Sheares, bác sĩ phụ sản của cô ấy, khuyên tôi nên mời một chuyên gia người Mỹ, ông này là bác sĩ giỏi nhất trong ngành. Tôi cố mời ông ta nhưng không thuyết phục được, ông ta muốn Choo sang Thụy Sĩ. Ông ta có một số việc sắp phải sang đó. Tôi tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng lãnh sự Hoa Kỳ và qua ông ta tranh thủ sự giúp đỡ của chính phủ Hoa Kỳ. Nhưng họ chẳng giúp ích được gì; hoặc là họ không thể giúp hoặc là họ không giúp. Tôi quay sang nhờ người Anh tìm hộ vị chuyên gia hàng đầu của họ do Sheares đề nghị. Ông ta đồng ý và lập tức bay sang Singapore, bày tỏ sự thông cảm với việc tôi không muốn vợ mình đi nước ngoài trong khi tôi không thể rời Singapore. Sự cố này củng cố thêm cảm giác cố hữu của tôi là tôi sẽ thấy khó làm việc được với người Mỹ; tôi không biết họ bằng người Anh.

Tôi tức giận và bị căng thẳng. Mấy ngày sau đó, trong khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên nước ngoài trên đài truyền hình, tôi đã công kích người Mỹ hết lời. Tôi bày tỏ nỗi buồn bực của mình trước việc chính phủ Mỹ không thể giúp thuyết phục một chuyên gia y tế Hoa Kỳ sang Singapore chữa trị cho một người mà tôi yêu quý. Rồi lần đầu tiên tôi để lộ cho công chúng biết câu chuyện: trước đó bốn năm, một nhân viên CIA đã cố hối lộ một viên chức trong Cơ quan Đặc vụ của chúng tôi (cơ quan tình báo nội bộ Singapore).

Năm 1961, CIA hứa trả cho viên chức này một khoản lương cực kỳ lớn và đảm bảo nếu hoạt động của anh ta bị phát hiện hay anh ta gặp rắc rối thì họ sẽ đưa anh ta và gia đình anh ta sang Mỹ; tương lai của anh ta được đảm bảo. Đề nghị của họ hấp dẫn đến mức viên chức kia đã mất ba ngày tính toán trước khi quyết định phải báo cho Richard Corridon, thủ trưởng của anh ta biết về việc này. Corridon lập tức báo cáo với tôi và tôi bảo ông ta hãy cài bẫy. Ông ta tiến hành cài bẫy và đã bắt quả tang ba người Mỹ trong một căn hộ ở đường Orange Grove trong khi họ sửa soạn tiến hành một cuộc kiểm tra bằng máy dò nói dối đa ký đối với viên chức Cơ quan Đặc vụ của chúng tôi để kiểm chứng sự trung thực của anh ta. Một trong ba người Mỹ đó là nhân viên lãnh sự Hoa Ký ở Singapore. Ông ta nói rằng ông ta được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao; hai người kia là viên chức CIA, một người có cơ quan ở Bangkok và người kia ở Kuala Lumpur. Họ bị bắt với các chứng cứ đầy đủ để bỏ tù họ 12 năm. Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tuy không biết gì về chuyện này nhưng đã phải từ chức.

Sau khi trao đổi về vấn đề này với Keng Swee, Chin Chye, Raja và Pang Boon, tôi thông báo với Toàn quyền Anh, Ngài Selkirk, rằng chúng tôi sẽ thả ba người này và sẽ không công bố công khai hành động ngu xuẩn này của họ nếu Hoa Kỳ cho chính phủ Singapore 100 triệu đôla Mỹ để phát triển kinh tế. Họ đưa giá 1 triệu đôla Mỹ nhưng không trao cho chính phủ Singapore mà trao cho PAP – một sự xúc phạm quá thể. Người Mỹ đã mua chuộc rất nhiều nhà lãnh đạo ở Nam Việt Nam (ý nói Ngụy quyền Sài Gòn – ND) và nhiều nơi khác, đến nỗi họ tin rằng họ có thể mua chuộc các nhà lãnh đạo ở mọi nơi. Chúng tôi buộc phải thả vị người Mỹ có quyền miễn trừ ngoại giao nhưng chúng tôi bắt giam hai viên chức CIA theo lệnh giam giữ một năm của Quy chế về tình trạng khẩn cấp. Sau mấy lần Toàn quyền Selkirk thôi thúc, một tháng sau đó chúng tôi đã thả họ và cảnh cáo họ không bao giờ được lặp lại một hành động tương tự. Chúng tôi hy vọng lời cảnh cáo đó sẽ được người ta lưu ý nhưng e rằng họ sẽ không nghe.

Phản ứng trước sự tiết lộ công khai này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phủ nhận rằng không hề có việc đưa hối lộ và lấy làm tiếc rằng tuyên bố của tôi là ”điều đáng buồn, không mang lại lợi ích gì mà chỉ là tiếp tay cho Indonesia.” “Người Mỹ đã phủ nhận một cách ngu xuẩn những điều không thể phủ nhận,” tôi nói khi tiết lộ các chi tiết và một lá thư đề ngày 15/4/1964 do Dean Rusk ký tên:

Thưa Thủ tướng,

Tôi cảm thấy đau buồn sâu sắc khi nghe tin một số quan chức của chính phủ Hoa Kỳ bị chính phủ của Ngài phát hiện đã tham gia những hoạt động không đúng mực ở Singapore. Tôi muốn Ngài biết rằng tôi rất lấy làm tiếc là sự cố đáng buồn này xảy ra gây tác hại cho các quan hệ thân thiện đang tồn tại giữa hai chính phủ chúng ta. Chính phủ mới (của Mỹ –ND) đang xem xét vấn đề này một cách rất nghiêm túc và dự kiến sẽ kiểm điểm các hoạt động của những quan chức này để có hình thức có kỷ luật.

Chân thành kính chào Ngài,

(Ký tên: Dean Rush)

Thái độ của tôi trong năm 1961 đối với nước Mỹ và người Mỹ được tóm tắt trong các chỉ thị của tôi gửi Corridon: ”Điều tra vấn đề này một cách thấu đáo, về mọi khía cạnh của nó. Không bỏ sót một tí gì chừng nào chưa tìm ra cốt lõi của vấn đề. Nhưng phải luôn luôn nhớ rằng không phải chúng ta đang xử lý vấn đề với một kẻ thù mà với sự ngu xuẩn tệ hại của một người bạn.”

Ngoài việc trút giận lên người Mỹ vì lý do họ không giúp mình, tôi tiết lộ sự việc này vào đúng tháng 8/1965 với ý đồ phát tín hiệu cho phương Tây hiểu rằng nếu người Anh rút khỏi Singapore thì sẽ không có các căn cứ của Mỹ ở đất nước này, mà chúng tôi “sẽ đi với Australia và New Zealand”. Tôi muốn người Anh ở lại. Tôi sợ rằng sau sự phân ly đột ngột của chúng tôi với Malaysia, Anh quốc sẽ muốn rút lui chừng nào sự đối đầu của Indonesia chấm dứt.

Tôi nhìn người Mỹ với những cảm giác lẫn lộn. Tôi phục cái quan điểm can–do (có thể làm) của họ nhưng lại chia sẻ quan điểm của người Anh, lúc bấy giờ, cho rằng người Mỹ sáng ý nhưng xấc xược; họ có một khối của cải khổng lồ nhưng thường lạm dụng nó. Để giải quyết một vấn đề không phải chỉ cần đưa của ra là được, điều đó không đúng. Nhiều nhà lãnh đạo Hoa Kỳ tin rằng có thể giải quyết được tình trạng thù ghét do ngôn ngữ, tôn giáo, chủng tộc, sự tranh giành, thù địch, cừu hận cố hữu hàng nghìn năm nay, nếu có đủ của cải, tiền bạc. (Một số vẫn tin như vậy. Các cố gắng của họ nhằm xây dựng các xã hội đa tôn giáo, đa chủng tộc ở Bosnia và Kosovo thành những xã hội hòa bình xuất phát từ quan điểm này).

Các biện pháp của họ chống lại chủ nghĩa cộng sản ở châu Á không gây cho tôi một ấn tượng nào. Họ vô nguyên tắc trong việc xử lý với Ngô Đình Diệm, một nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc của Nam Việt Nam. Họ chỉ ủng hộ ông ta chừng nào ông ta còn thực hiện mệnh lệnh của Mỹ; một khi ông ta từ chối làm theo họ là họ hết ủng hộ, và khi ông ta bị các tướng lĩnh ám hại thì họ quay ngoắt làm ngơ. Họ có ý định nhưng độc đoán và thiếu ý thức lịch sử. Tôi cũng sợ họ cho rằng có khả năng tất cả người Hoa đều là những người ủng hộ cộng sản bởi vì Trung Quốc là cộng sản.

Nhưng Mỹ là đất nước duy nhất có sức mạnh và quyết tâm ngăn chặn trào lưu hung hãn này của lịch sử và đảo ngược sự xói mòn ý chí của quần chúng để chống lại những người cộng sản. Vậy nên tôi muốn người Anh, người Australia và người New Zealand làm chỗ đệm. Cuộc sống sẽ khó khăn nếu như Singapore trở nên giống như Sài Gòn hay Manila. Người Anh ở Malaysia và Singapore tự mình không thể ngăn cản bước tiến của cộng sản vào Đông Nam Á. Chính người Mỹ đã ngăn chặn những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam, không cho họ mở rộng sự nổi loạn của du kích sang Campuchia và Thái Lan. Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Tổng thống Sukarno ở Indonesia cho đến khi những người cộng sản làm đảo chính hụt vào tháng 9/1965. Đó là vai trò tiền vệ không ai có thể thay thế.

Tôi an tâm khi thấy người Mỹ sẵn sàng chống lại những người cộng sản ở bất cứ nơi nào có sự đe dọa của họ và với bất cứ giá nào. Bởi vì người Mỹ kiên quyết chống cộng và sẵn sàng đương đầu với họ nên Nehru, Nasser và Sukarno mới có thể chọn lập trường không liên kết. Đây là thế đứng thuận lợi và là thế đứng mà tôi lựa chọn lúc đầu chứ chưa nhận ra rằng nó được người Mỹ trả tiền một cách hậu hĩnh. Không có họ ở phía trước, cùng với người Anh, người châu Âu, người Australia và người New Zealand, để ngăn cản những người cộng sản Nga và Trung Quốc thì Singapore đã không thể có thái độ phê phán đối với Trung Quốc hay nước Nga.

Tôi nói rõ là tôi ủng hộ sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam. Tháng 5/1965 khi Singapore còn thuộc Malaysia, tôi phát biểu trước một cử tọa cánh tả tại Hội nghị các nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa châu Á ở Bombay. Vào thời điểm người Ấn Độ giữ lập trường trung lập và đang chỉ trích hành động của Mỹ ở Việt Nam, tôi bảo với họ rằng: ”Là người châu Á chúng ta phải đề cao quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam (ý nói: Nam Việt Nam – ND) và phải thoát khỏi mọi ý đồ thống trị của châu Âu. Là những người xã hội chủ nghĩa dân chủ chúng ta phải đòi cho người Nam Việt Nam có quyền không bị ép buộc thông qua sức mạnh vũ trang, khủng bố có tổ chức và cuối cùng bị chủ nghĩa cộng sản áp đảo. Vì vậy chúng ta phải tìm một công thức mà trước tiên tạo được khả năng cho người Nam Việt Nam phục hồi quyền tự do lựa chọn, mặc dù vào lúc này quyền đó bị giới hạn trong phạm vi giữa một bên là sự xâm chiếm của cộng sản và một bên là những hoạt động quân sự không ngừng của Mỹ”.

Trong nhiều bài phát biểu tôi đã nhấn mạnh rằng các chính phủ Đông Nam Á phải sử dụng thời gian mà người Mỹ mua cho chúng ta bằng sự can thiệp của họ ở Việt Nam để giải quyết vấn đề đói nghèo, thất nghiệp và tình trạng mất công bằng trong xã hội của chúng ta. William Bundy, Thứ trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á đã đọc các bài diễn văn của tôi mà tôi không biết. Chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên tại văn phòng của tôi vào tháng 3/1966. Ông ta cam đoan với tôi rằng Mỹ dự định sẽ đóng một vai trò thầm lặng và không muốn duy trì một sự có mặt quân sự ở Malaysia. Họ đã bị lôi kéo vào Việt Nam sâu hơn dự định và không thiết tha dính líu vào một nơi nào khác ở Đông Á.

Vì những lý do lịch sử, người Mỹ muốn người Anh ở lại Malaysia và cũng là vì “một sự phân công lao động”. Họ sẽ chừa lại cho người Anh một phần lớn công việc quản lý chính sách vì nước Anh là cường quốc châu Âu có khả năng làm điều đó. Nếu Malaysia quay sang yêu cầu họ giúp đỡ kinh tế thì họ sẽ vui lòng giúp nhưng ở mức thấp.

Tôi hỏi Mỹ sẽ phản ứng như thế nào nếu xảy ra xung đột sắc tộc do cộng sản xúi giục giữa Singapore và Malaysia. Bundy khẳng định họ (người Mỹ – ND) không thích bị dính líu. Tôi nhấn mạnh rằng họ không nên xem toàn bộ cộng đồng người Hoa tha phương như một nhóm đồng nhất bị những người cộng sản Trung Hoa đại lục chi phối. Nếu Mỹ có chính sách đối xử với mọi người Hoa ở Đông Nam Á như tay sai tiềm ẩn của Trung Hoa đại lục thì họ chỉ có cách trở thành những kẻ sô–vanh Trung Hoa đại lục.

Vào đầu năm 1966 chúng tôi thỏa thuận rằng lính Mỹ phục vụ ở Việt Nam (Nam Việt Nam – ND) có thể đến Singapore nghỉ ngơi, giải trí. Nhóm đầu tiên gồm 100 lính đến Singapore vào tháng 3/1966 và lưu lại 5 ngày tại một khu căn hộ cho thuê ở vùng ngoại ô. Mỗi tuần ba lần họ bay từ Sài Gòn sang Singapore trên một chiếc máy bay dân dụng của hãng hàng không Pan American. Trong một năm có khoảng 20.000 lính Mỹ, chiếm tới 7 % tổng số khách du lịch lúc đó, đến Singapore. Lợi ích về tài chính thì nhỏ thôi nhưng đây là cách bày tỏ thầm lặng sự ủng hộ của Singapore đối với cố gắng của Mỹ ở Việt Nam.

Bundy lại gặp tôi vào tháng 3/1967. Tôi cảm thấy mình có thể tin ông ta; ông ta cởi mở và nói thẳng. Ông ta không cố gây ấn tượng với bất kỳ ai và không chú ý đến cách ăn mặc – tôi nhận thấy ông ta đi những chiếc vớ bị sờn rách. Những ông ta có vẻ điềm tĩnh tự tin. Ông ta biết tôi đang ép người Anh ở lại. Đó cũng là chính sách của Mỹ. Ông ta cam đoan với tôi rằng Mỹ sẽ tiếp tục đánh mạnh ở Việt Nam. Ông ta tin chắc đảng Cộng hòa, lúc đó nằm ngoài chính phủ, không có phương sách nào khác. Các vấn đề có thể trở nên rối rắm nhưng Tổng thống Johnson rất quyết tâm và sẽ không bỏ cuộc bởi vì Mỹ tin rằng hành động của họ ở Việt Nam là một sự đóng góp lớn vào sự ổn định ở Đông Nam Á.

Bundy mời tôi đi thăm không chính thức Washington vàocuối mùa thu, vì tránh được tình trạng khách thăm chen chúc vào khoảng thời gian khai mạc phiên họp thường niên của Liên Hiệp Quốc. Tôi sẽ có cơ hội gặp trao đổi và thảo luận với những người làm chính sách và những người trong các giới rộng lớn hơn nhưng là một bộ phận của cơ quan vạch chính sách. Tôi nói rằng trong khi người Anh đang giảm dần các căn cứ của họ ở Singapore mà tôi đi thăm Mỹ thì xem ra có vẻ như tôi lo sợ.

Tháng 7/1967 ông ta viết thư cho tôi, đề cập đến các tin tức từ London, nói rằng có thể tôi đã gây nên ”một sự rạn nứt thực sự trong hàng ngũ các nghị sĩ Công đảng, những người không có được một sự hiểu biết đúng mức về thực tế cuộc sống ở Đông Nam Á.” Ông ta còn khen tôi phát biểu ngắn gọn và đề cập thẳng trong một cuộc phỏng vấn của BBC trên vô tuyến truyền hình về tầm quan trọng có tính quyết định của những việc Mỹ đang làm ở Việt Nam. Nước Mỹ đang bị báo chí phê phán đến nỗi hễ có một ai đó không phải là quốc gia đồng minh bày tỏ sự ủng hộ cho chính sách không được lòng dân của họ là họ cảm thấy nhẹ nhõm. Ông ta đề nghị một chuyến thăm chính thức. Raja khó chịu vì phải thông báo quá sớm chuyến thăm Washington của tôi sau khi Sách trắng Quốc phòng của Anh mới được phát hành. Việc làm này chứng tỏ chúng tôi hoang mang. Nhưng tôi quyết định đi. Việc Bill Bundy muốn tôi đi Washington năm đó hẳn phải có nguyên nhân nào đó.

Tôi chưa hề đến nước Mỹ, trừ lần năm 1962; khi đó tôi đến để ra mặt trước ủy ban phi thực dân hóa của Liên Hiệp Quốc ở New York. Trước năm 1967, Singapore chưa có phái bộ ở Washington. Thế là tôi ngó qua ngó lại tìm kiếm nguồn thông tin gấp về tư duy và bầu không khí ở Washington và những nhân vật chủ chốt. Tôi tiếp cận các cao ủy Anh quốc, Australia và New Zealand. Tôi viết thư cho một người bạn tốt từ thập kỷ 50 tên là Louis Heren. Lúc đó anh ta là phóng viên báo London Times ở Washington. Trong tất cả các tóm lược thông tin thì các thông tin của anh bạn tôi là có giá trị nhất. Anh ta viết: “Đối với một siêu cường như Hoa Kỳ thì mọi quốc gia, trừ Liên Xô và Trung Quốc, đều là nước nhỏ. Nếu so sánh – xin các bạn đừng lấy làm khó chịu – Singapore chỉ là con tép. Ngoài Cơ quan các vấn đề cháu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao ra thì ít ai để ý tới nó.” Nhưng anh cam đoan rằng tôi “đã có tiếng là ôn hòa, vừa phải nhưng là loại người kiên định”, chủ yếu vì lập trường của tôi trong vấn đề Việt Nam. Chuyện ồn ào về sự cố CIA phần lớn đã bị lãng quên. “Vấn đề ở Mỹ chính là cái thế chân vạc: Chính phủ, Quốc hội và báo chí. Quốc hội và báo chí có xu hướng phản ứng bằng thứ ngôn ngữ đơn giản: Đông – Tây. Anh là cộng sản hay anh đứng về phía Mỹ? Chính phủ thì rất khác. Trời biết, người ngốc trên đời này thì có đủ, nhưng cũng có những con người thuộc loại hảo hạng. Rõ ràng dưới cấp nội các thì có William Bundy và Robert Barnett, một trong các phó của Bundy, một chuyên gia uyên bác về Trung Quốc, và Walt Rostow, trợ lý đặc biệt của tổng thống về các vấn đề an ninh quốc gia.” Những người khác mà tôi nên tìm đến là Averell Harriman, lãnh đạo phái đa số trong thượng viện, một con người “thức thời và có thế lực một cách thầm lặng.”


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx