sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 27 phần 3

Lần tiếp theo tôi thăm nước Mỹ là vào năm 1969. Tôi đến chào Tổng thống Nixon vào ngày 12/5. Trước đó ông ta đã gặp tôi ở Singapore hồi tháng 4/1967, trên chặng đường đi tham quan các nước Đông Nam Á để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống trong năm sau. Ông ta là người suy nghĩ nghiêm túc, am hiểu châu Á và thế giới. Ông ta lúc nào cũng thích nhìn toàn cảnh. Hơn một giờ đồng hồ ngồi trong văn phòng của tôi, ông ta nêu câu hỏi và tôi trả lời. Cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đang trong giai đoạn cao trào. Ông ta hỏi tôi nghĩ gì về những chuyện đang xảy ra. Tôi nói sự hiểu biết duy nhất mà tôi có được là từ việc hỏi dò những người già cả của chúng tôi được chúng tôi cho phép về thăm thân nhân hai tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến thuộc vùng duyên hải Đông Nam Trung Quốc. Theo chỗ chúng tôi hiểu thì ông Mao muốn làm lại nước Trung Hoa. Giống như Tần Thủy Hoàng, hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc, người đã đốt hết sách đương thời để xóa sạch dấu vết của những gì đã xảy ra trước đó; Mao muốn xóa sạch nước Trung Hoa cũ và vẽ nên một nước Trung Hoa mới. Nhưng Mao đang phết sơn lên một bức tranh khảm Trung Hoa cổ; khi trời mưa nước mưa sẽ gội sạch lớp sơn và bức tranh lại tái hiện. Mao chỉ sống hết đời mình nên không có đủ thời gian hay sức mạnh để xóa đi trên 4.000 năm lịch sử, truyền thống văn hóa và văn học Trung Quốc. Dù là đốt hết sách thì tục ngữ, ngạn ngữ vẫn sống mãi trong ký ức của dân gian. Mao chắc chắn sẽ thất bại. (Sau đó mấy năm, khi Nixon về hưu, ông ta đã trích dẫn điều tôi nói, đưa vào hồi ký của mình. Ông ta còn trích dẫn lời tôi nhận xét về người Nhật: họ có nghị lực và tài năng để làm nhiều hơn chứ không phải chỉ sản xuất và bán radio bán dẫn. Chỉ lúc đó tôi mới biết: cũng như tôi, Nixon có thói quen ghi chép sau những cuộc bàn luận nghiêm túc).

Được hỏi ý kiến về sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc, tôi nói sự thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc không có nguồn gốc tự nhiên hay trường cửu. Kẻ thù tự nhiên của Trung Quốc là Liên Xô, nước có chung với Trung Quốc 4.000 dặm biên giới mà đoạn biên giới này lại chuyển sang thế bất lợi cho Trung Quốc chỉ mới 100 năm nay. Có những chuyện cũ cần thanh toán. Còn ranh giới giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là nhân tạo do người ta vạch ra trên mặt nước băng qua eo biển Đài Loan. Như vậy nó sẽ chóng bị xóa nhòa và sẽ mất đi với thời gian.

Khi chúng tôi gặp nhau ở Washington năm 1969, Nixon lại hỏi tôi về Trung Quốc. Tôi dành cho ông ta những câu trả lời về cơ bản cũng như vậy. Lúc đó tôi không biết ông ta đã tập trung tâm trí vào Trung Quốc nhằm cải thiện vị trí của nước Mỹ đối địch với Liên Xô.

Chủ đề chiếm nhiều thời gian nhất là Việt Nam. Hoa Kỳ – ông ta nói – là một quốc gia rộng lớn, giàu có và hùng mạnh, đánh nhau trong một cuộc chiến tranh du kích với Việt Nam, một nước nghèo, chưa phát triển và hầu như không có công nghệ. Hàng tỷ đôla Mỹ đã được chi tiêu vào cuộc chiến tranh với thiệt hại 32.600 người Mỹ chết và 200.000 người Mỹ khác bị thương. Điều này hầu như đã làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của nhân dân và các đại biểu Quốc hội Mỹ. Sức ép gia tăng hàng ngày đòi Mỹ rút càng sớm càng tốt. Nhưng ông ta phải xem xét tác động của việc Mỹ rút quân đối với nhân dân, chính phủ và giới quân sự Nam Việt Nam cũng như đối với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, các đồng minh của Mỹ, kể cả Australia, New Zealand, Philippin, Nam Triều Tiên, Thái Lan, và cả thế giới nói chung. Vấn đề là độ tin cậy trong những lời hứa của Mỹ. Bất chấp sức ép của dư luận chung trong Quốc hội Mỹ, ông ta buộc phải đảm bảo giải pháp tốt đẹp nhất cho vấn đề này. Tôi có cảm giác rằng ông ta muốn chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam do có sự chống đối trong nước, nhưng không sẵn sàng làm vị Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên chiến bại. Ông ta muốn một lối ra trong danh dự.

Lần sau, khi tôi gặp Nixon vào ngày 5/12/1970, ông ta có vẻ mệt mỏi sau cuộc vận động căng thẳng cho bầu cử giữa kỳ. Ông ta điểm qua các phương án về Việt Nam. Sau đó ông ta quay sang Trung Quốc. Tôi gợi ý rằng đối với Trung Quốc ông ta nên mở cả cửa đi và cửa sổ và bắt đầu buôn bán các mặt hàng phi chiến lược. Khi 2/3 thành viên Liên Hiệp Quốc ủng hộ việc kết nạp Trung Quốc, không nên để Hoa Kỳ bị xem là kẻ cản trở. Hoa Kỳ không nên nản lòng trước thái độ tiêu cực của Mao. Tôi nhắc lại rằng Hoa Kỳ không có biên giới chung với Trung Quốc như nước Nga.

Tại một cuộc gặp riêng ở phòng cánh gà của Nhà Trắng, Henry Kissinger hỏi tôi về việc cho người Nga sử dụng xưởng đóng tàu tại căn cứ hải quân ở Singapore. Tôi cũng đã nghĩ làqua Ted Heath, ông ta đã nghe tin Kosygin quan tâm đến việc sử dụng căn cứ hải quân này sau khi người Anh rút. Việc này tôi đã nói với Heath từ trước để khuyến khích ông ta không rời khỏi căn cứ hải quân này một cách vội vàng. Tôi đảm bảo với Kissinger rằng tôi sẽ thông báo cho phía Anh và ông ta biết trước khi có quyết định. Động thái đó của người Nga đã cho tôi một con bài để chơi. Tôi hy vọng rằng người Mỹ sẽ khuyến khích Australia ở lại Singapore. Tôi rất an tâm với Anh, Australia, New Zealand và Malaysia trong Hiệp ước phòng thủ Năm Nước (Five–Power Defence Arrangement). Tôi theo quỹ đạo quanh Australia và New Zealand, và họ quanh Hoa Kỳ – một tình hình phấn khởi cho Singapore. “Cả cho Hoa Kỳ nữa,”Kissinger nói thêm. Tôi nói vì Singapore không nhận viện trợ Mỹ nên tôi có thể nói tiếng nói khách quan, không liên kết, từ Đông Nam Á. Kissinger đồng ý rằng như vậy là tốt nhất cho cả hai chúng ta.

Trong khi đó Kissinger đã liên hệ với các nhà lãnh đạo ở Bắc Kinh, thông qua Pakistan. Ông ta bí mật thăm Bắc Kinh trong năm 1971 để chuẩn bị cho chuyến thăm của Nixon vào tháng 2/1972. Khi Nixon thông báo điều đó vào tháng 1/1972, cả thế giới sửng sốt. Tôi khó chịu vì ông ta làm như vậy mà không thông báo trước cho bất cứ đồng minh nào ở châu Á, chẳng báo cho Nhật Bản, cũng chẳng báo cho chính phủ Trung Hoa, một đồng minh khác của họ ở Đài Loan. Như Nixon nói, chuyến thăm này quả là “một tuần làm thay đổi thế giới”.

Tình hình chiến tranh ở Việt Nam có vẻ không có triển vọng khi tôi thăm Mỹ lần tiếp theo vào tháng 4/1973. Thương vong tiếp tục mà không thấy có triển vọng chiến thắng và Quốc hội Mỹ đang gây sức ép bắt chính phủ triệt thoái hoàn toàn khỏi Đông Nam Á. Choo và tôi ăn trưa cùng Robert McNamara, lúc đó là Chủ tịch Ngân hàng thế giới, cùng vợ ông ta tại nhà riêng của họ ở Georgetown. Với vẻ mặt ảm đạm, McNamara nói rằng có những tin báo đáng lo ngại rằng Nixon dính líu vào việc che dấu vụ Watergate và tình hình có thể sẽ rất khó khăn. Tôi linh cảm thấy phía trước là một tình hình gay go, cả cho Nixon và Đông Nam Á.

Khi tôi đến Nhà Trắng vào sáng ngày 10/4, Tổng thống đứng ở cửa vòm trước nhà để chào đón tôi. Ông ta nhiệt tình, thân mật và cố hết sức biểu lộ cho tôi thấy ông ta rất cảm kích về sự ủng hộ công khai kiên định của tôi đối với lập trường đơn độc của ông ta về Việt Nam và Campuchia. Để phóng viên có dịp chụp ảnh, ông ta tản bộ cùng tôi trong vườn hồng Nhà Trắng, tán chuyện về giống hồng và cây đại táo đang mùa nở hoa rực rỡ. Ngồi trong Nhà Trắng, Nixon nói ông ta không thấy Trung Quốc là nguy cơ trực tiếp, và chỉ trở thành lực lượng phải tính đến trong 10 hay 15 năm tới khi chương trình hạt nhân của họ đã chín muồi. Ông ta hỏi về Việt Nam và những điều kiện ngừng bắn theo đó Hoa Kỳ hứa sẽ giúp tái thiết Bắc Việt Nam. Tôi trả lời rằng trong hoàn cảnh hiện nay thì đây là sự thu xếp tốt nhất có thể có. Lôi kéo Việt Nam ra khỏi sự phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc là đúng. Nếu Mỹ không viện trợ tí nào cho tái thiết, Bắc Việt Nam sẽ lệ thuộc nhiều hơn vào Nga và Trung Quốc.

Mặc dù có nhiều mối bận tâm trong thời gian rất ngắn sau khi được tái cử Tổng thống cùng với việc trù tính vụ Watergate, Nixon đã tổ chức bữa tiệc ở Nhà Trắng để chào mừng tôi. Có một nghi lễ trong các bữa tiệc ở Nhà Trắng làm tăng thêm uy phong của Tổng thống. Choo và tôi cùng Tổng thống và phu nhân bước xuống cầu thang Nhà Trắng, theo sau là các sĩ quan phụ tá lộng lẫy trong những bộ quân phục gắn đầy mề đay và cân đai màu vàng. Chúng tôi dừng lại ở đầu cầu thang trong khi đội kèn nổi binh nhạc thu hút sự chú ý của mọi người. Một sự im ắng tràn ngập trong khi chúng tôi bước xuống những bậc thang cuối cùng và đám đông quan khách cùng ngước mắt nhìn chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đứng thành hàng – Tổng thống, bà Nixon, tôi và Choo – để đón khách. Khi Lyndon Johnson mở tiệc đón mừng tôi năm 1967 cũng có nghi lễ giống hệt. Nhưng phong cách của Nixon thì rất khác. Ông ta bắt tay mọi người rất nhiệt tình và chào đón đâu ra đấy: “Rất vui mừng được gặp Ngài.” “Thật vui mừng được gặp lại Ngài.” “Ngài thật quý hóa.” Gặp những khách đặc biệt, trong khi tôi bắt tay họ, ông ta còn xen vào mấy lời ca ngợi hay bình phẩm. Giữa chừng câu chuyện ông ta nói nhỏ: “Đừng bao giờ dùng những câu chào không hay như Xin kính chào Ngài/Ồng/Bà vì biết đâu mình đã gặp người ta từ trước. Chào như vậy hóa ra mình không nhận ra người ta và người ta sẽ tự ái. Hãy luôn dùng những câu chào chung chung mà đẹp như Được gặp Ông/Bà, mừng quá; Được gặp Ông/Bà, quý quá. Và nếu ta nhận ra khách thì vui vẻ chào:Trời ơi, đã lâu lắm rồi mới được gặp lại Ông/Bà, hay quá!”Ông ta con nhà nghề nhưng ít nói chuyện vụn vặt và không bao giờ đùa, không giống như Ronald Reagan là người nói chuyện rôm rả và hay điểm xuyết những câu chuyện xã hội.

Marshall Green, Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề Đông Á – Thái Bình Dương, hỏi tôi thấy sáng kiến của Mỹ về Trung Quốc như thế nào; ông ta có ý đề cập đến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon vào tháng 2/1972. Tôi nói đấy là những sáng kiến không thể chê trách ngoại trừ mỗi yếu tố bất ngờ. Có thể làm sao đó để bớt gây ngạc nhiên và như vậy những kết quả có lợi sẽ lợi hơn. Nhân tố bất ngờ đã gieo mối lo sợ trong suy nghĩ của người Nhật và Đông Nam Á cho rằng các nước lớn có thiên hướng đột nhiên xoay chuyển chính sách và như vậy có thể làm cho họ hụt hẫng.

Green giải thích rằng người Nhật khó giữ bí mật; tự họ thừa nhận như vậy. Ông ta nhấn mạnh rằng quan hệ mới với Trung Quốc không làm thay đổi chính sách của Mỹ đối với bất kỳ quốc gia nào trong vùng. Đài Loan lúc đầu tỏ ra lo ngại. Nhưng bây giờ rõ ràng là Hoa Kỳ đang duy trì những cam kết hiệp ước của mình. Hàn Quốc cũng lo lắng nhưng bây giờ cảm thấy rằng quan hệ của họ với Mỹ không hề thay đổi. Nói tóm lại, bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã không gây tác hại cho ai cả. Kết quả cuối cùng là ổn định nhiều hơn cho tất cả mọi đối tượng ở châu Á.

Sự tiếp xúc ngày càng tăng với văn minh và công nghệ phương Tây – tôi nói – nhất định có tác động đến Trung Quốc. Không thể duy trì sự cô lập hiện nay của họ. Ví dụ, bởi vì nhân dân Trung Quốc bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài mà đội bóng bàn Trung Quốc khi thăm Singapore không vui lòng nói chuyện về bất cứ cái gì trừ mỗi bóng bàn. Tôi tin rằng một khi nền kinh tế Trung Quốc vượt qua “mức nghèo túng” thì họ sẽ gặp phải những vấn đề như Liên Xô hiện nay. Nhân dân Trung Quốc sẽ muốn có những sự lựa chọn về những sản phẩm tiêu dùng, và với những sự lựa chọn đó họ sẽ mất đi sự nhiệt thành theo chủ nghĩa quân bình.

Green cam đoan với tôi rằng Hoa Kỳ hoàn toàn có ý định tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc ổn định châu Á. “Chúng tôi sẽ duy trì các lực lượng của mình ở khu vực này và chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết hiệp ước của mình”. Ông ta làm tôi nhớ lại những lời đảm bảo trước đây của Harold Wilson và Denis Healey nói rằng người Anh sẽ ở lại Singapore. Tôi tự an ủi mình với ý nghĩ: bởi vì không như nước Anh, nước Mỹ chưa bao giờ dựa vào một đế chế thuộc địa để trở thành cường quốc cho nên không phải vì bị những áp lực kinh tế giống hệt như Anh mà họ rút khỏi châu Á.

Khi Nixon từ chức ngày 9/8/1974, để tránh bị luận tội về vụ Watergate thì tôi sợ thay cho Nam Việt Nam. Một trong những hành động cuối cùng trong cương vị tổng thống của mình, Nixon đã ký thông qua một dự luật áp đặt một khoản viện trợ quân sự tối đa mà Mỹ dành cho Nam Việt Nam là 1 tỷ đôla Mỹ để sử dụng cho 11 tháng sau đó. Trong vòng mấy ngày sau khi ông ta từ chức, Hạ viện đã biểu quyết cắt xuống còn 700 triệu đôla Mỹ. Lưỡi dao đang rơi xuống và người nằm trên thớt chém là tổng thống Thiệu.

Ngày 25/4/1975, Thiệu bỏ chạy khỏi Sài Gòn. Ngày 30/4, một chiếc máy bay lên thẳng của Mỹ cất cánh từ trên mái bằng đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn bị chụp ảnh trong cảnh nhục nhã. Nó bị níu lại trong phút chốc bởi những người Nam Việt Nam hoảng loạn đang bám chặt lấy càng máy bay. Sau đó, cùng trong ngày, những chiếc xe tăng Bắc Việt Nam tiến sát Dinh tổng thống và ung dung húc đổ cổng dinh.

Mặc dù sự can thiệp của Mỹ không thành công ở Việt Nam, nhưng nó cho phép các nước khác ở Đông Nam Á tranh thủ được thời gian. Năm 1965 khi lực lượng quân sự Mỹ ồ ạt đổ vào Nam Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Philipin đang đứng trước những mối đe dọa từ các cuộc nổi dậy của những người cộng sản có vũ trang và ở Singapore những người cộng sản đang tích cực hoạt động bí mật. Indonesia trong cơn đau quằn quại sau cuộc đảo chính hụt của những người cộng sản, đang tiến hành một cuộc đối đầu, một cuộc chiến tranh không tuyên bốchống Malaysia và Singapore. Philipin đòi chủ quyền đối với đảo Sabad thuộc Đông Malaysia. Mức sống thấp và tăng trưởng kinh tế chậm. Hành động của Mỹ đã giúp các nước Đông Nam Á không cộng sản có khả năng sắp xếp lại trật tự trong nhà mình. Các nền kinh tế thị trường thịnh vượng mới xuất hiện của Asean đều được nuôi dưỡng trong những năm chiến tranh Việt Nam.

Trong những tuần trước khi Sài Gòn sụp đổ, một hạm thuyền đồ sộ gồm những tàu, thuyền nhỏ, chật ních người di tản đã rời bến băng qua biển Nam Hải; nhiều thuyền chạy theo hướng tới Singapore. Chỉ một số ít trong bọn họ là có vũ trang. Keng Swee, lúc đó là Quyền Thủ tướng, gửi tôi một báo cáo khẩn cấp – lúc đó tôi còn ở Washington – nói rằng số người di tản lên tới mấy nghìn, đi trên gần 100 thuyền. Ông ta muốn có một quyết sách ngay. Tôi đánh điện rằng nên từ chối; không cho họ đổ bộ mà đưa họ đi tiếp đến các nước lớn hơn, có đủ chỗ tiếp nhận họ. Một hoạt động ồ ạt bắt đầu vào ngày 6/5. Các lực lượng vũ trang Singapore đã sửa chữa, trang bị lại, tiếp thêm nhiên liệu, cung cấp thêm lương thực, thực phẩm, và cho ra khơi tất cả 64 tàu thuyền chở trên 8.000 người di tản. Nhiều thuyền trưởng trên những chiếc thuyền này đã cố ý làm cho động cơ không hoạt động được để tránh phải ra đi.

Trong khi hoạt động này đang diễn ra, tôi đã đến thăm Tổng thống Gerald Ford vào trưa ngày 6/5/1975, tám ngày sau khi Sài Gòn sụp đổ. Kissinger với tư cách Bộ trưởng Ngoại giao cũng có mặt. Ford có vẻ lo lắng nhưng không chán nản. Ông ta hỏi về phản ứng của khu vực trước sự thất thủ của Nam Việt Nam. Tôi đã ở Bangkok hồi tháng 4, ngay trước khi Sài Gòn sụp đổ. Người Thái hốt hoảng, giống như dân chúng ở Indonesia. Suharto lặng lẽ nhưng kiên quyết kiểm soát tình hình.

Ford hỏi tôi từ đây nước Mỹ nên đi về đâu. Tôi nói tốt nhất là hãy chờ bụi bặm lắng xuống đã và theo dõi xem các sự kiện ở Lào, Campuchia và Việt Nam sẽ mở ra như thế nào. Tôi tin rằng Pathet Lao sẽ chiếm lấy nước Lào và chịu ảnh hưởng của Việt Nam. Ở Campuchia, Khơme Đỏ đang tiến hành giết hại hàng nghìn người không cộng sản. (Lúc bấy giờ tôi không biết họ chém giết bừa bãi, sát hại tất cả những người có học hoặc không phải là một bộ phận trong cuộc cách mạng nông dân của họ). Thái Lan sẽ kéo nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về phía mình như một sự bảo hiểm. Kissinger hỏi liệu Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có giúp người Thái không. Tôi nghĩ họ sẽ giúp. Tôi gợi ý rằng tốt nhất là bình tĩnh quan sát sự diễn biến của các sự kiện. Nếu như trong cuộc bầu cử sắp tới một người như McGovern được bầu làm tổng thống và sẽ nhượng bộ cộng sản thì tình hình có thể trở nên tuyệt vọng.

Ford được mô tả như một công chức vênh váo và phạm lỗi lầm, một cầu thủ bóng đá Mỹ đã quá nhiều lần dập đầu vỡ trán. Tôi thấy ông ta là một người giảo hoạt nhưng biết lẽ phải trái, biết cách đánh giá những người mình đã giao dịch. Ông ta thực sự thân mật, thoải mái không quan cách. Sau bữa tối, khi tôi xin miễn vào phòng nghỉ, ông ta cứ năn nỉ mời tôi qua khu nhà riêng của ông ta nghỉ. Thế là chúng tôi vào thang máy lên lầu, theo sau là các vệ sĩ mật vụ. Ở đó, trong một phòng tắm riêng rộng rãi có cả một loạt các thiết bị tập thể dục, rèn luyện thể hình và chăm sóc sức khỏe tối tân nhất, các thứ linh tinh đủ loại phục vụ vệ sinh cá nhân và đồ dùng cạo râu nằm ngổn ngang trên bồn rửa mặt. Tôi không thể tưởng tượng nổi có một nhà lãnh đạo châu Âu, Nhật Bản hay Thế giới thứ Ba nào lại đưa tôi vào phòng tắm riêng của mình để tắm rửa thoải mái. Ông ta đúng là một con người hữu hảo, vui mừng đón tôi như khách đến chơi nhà và hàm ơn vì có được một người từ Đông Nam Á lên tiếng ủng hộ Mỹ trong khi uy tín của nó giảm sút do sự di tản vội vã khỏi Sài Gòn. Ông ta không cố gây ấn tượng nhưng quả là ông ta đã cho tôi cảm giác về một con người kiên định có thể tin cậy được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx