sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 30 phần 3

Ông ta không có những cách hạ mình khiêm nhượng của hầu hết các nhà lãnh đạo Nhật. Khi tôi đến thăm vào tháng 3/1983, ông ta đã tiếp tôi và nói rằng thật hạnh phúc khi niềm hy vọng được tiếp tôi tại văn phòng Thủ tướng của ông ta đã trở thành hiện thực. Ông ta quan tâm đến phản ứng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á về điều mà ông ta gọi là ”việc gia tăng không đáng kể kinh phí quốc phòng của Nhật”. Khi ông ta phụ trách về lĩnh vực quốc phòng, ông ta đã tỏ các quan điểm hiếu chiến là Nhật phải tự phòng thủ. Bây giờ, ông ta bào chữa rằng Thượng nghị viện Mỹ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi Nhật gia tăng chi phí quốc phòng. Ông ta muốn trấn an các nước láng giềng rằng Nhật không trở thành một quốc gia quân phiệt bởi vì họ cải tiến lực lượng phòng thủ để có thể, trong tình trạng khẩn cấp, phòng thủ ba eo biển là Soya, Tsugaru và Tsushima ở quanh các quần đảo của Nhật. Ông ta cho rằng đó cũng là chính sách của các nội các trước đây mặc dầu nó không được công khai tuyên bố.

Khi ông ta viếng thăm Singapore vào năm 1983, tôi đã kể lại rằng: mười năm trước đây, cũng trong cùng văn phòng nội các đó, tướng Ichiji Sugita (nay đã nghỉ hưu), khi còn là trung tá đã vạch kế hoạch cho tướng Tomoyuki Yamashita xâm lược Malaya, đã xin lỗi tôi về vai trò của họ. Ông ta quay trở lại vào năm 1974 và 1975 cùng với các sĩ quan đồng ngũ còn sống sót của ông ấy để chỉ dẫn tường tận cho Lực lượng vũ trang Singapore những kinh nghiệm của họ trong suốt thời gian ở Malaya và cuộc tấn công cuối cùng của họ để giành được Singapore. Nhiều việc đã xảy ra ở Istana kể từ khi tướng Yamashita ở lại đó sau khi ông ta chiếm giữ nó. Chúng tôi không được phép tự làm ngơ trước quá khứ mà hãy làm việc để tiến đến một tương lai không có sự ngờ vực. Ông ta đã diễn tả bằng tiếng Anh “một lòng biết ơn chân thành” về thái độ của tôi.

Nỗi sợ hãi sâu xa nhất của dân chúng Nhật về việc vướng vào một cuộc chiến gây xung đột vốn không thể chiến thắng mà còn bị trừng trị đã làm chậm lại chính sách quốc phòng vững mạnh của chính phủ Nakasone. Các cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy dân chúng ủng hộ thái độ phòng thủ vừa phải. Vì tính cách thẳng thắn của ông ta nên chúng tôi trò chuyện rất thoải mái khi chúng tôi gặp gỡ nhau trong các bữa ăn trưa và tối tại Tokyo một thời gian lâu sau khi ông ta không còn làm Thủ tướng.

Quyền hành của đảng Dân chủ Tự do bắt đầu bị tuột dốc vào những năm cuối thập niên 1980. Hệ thống đã làm việc tốt trong 35 năm cũng không thể đương đầu lâu hơn nữa với các tình huống đã thay đổi trong nước và quốc tế. Đảng Tự do Dân chủ liên tục bị công kích bởi các phương tiện truyền thông về những xì căng đan tham nhũng nối tiếp nhau. Các phương tiện thông tin đại chúng của người Nhật đã quyết định đưa ra công chúng mối quan hệ mật thiết giữa các nhà chính trị của Đảng Tự do Dân chủ với các thương gia lớn, đặt biệt là các nhà thầu xây dựng cùng các viên chức hàng đầu.

Ông Noboru Takeshita, người kế vị ông Nakasone làm Thủ tướng vào năm 1987 là một người đàn ông nhỏ nhắn nhưng sang trọng, đã tốt nghiệp trường Đại học Waseda chứ không phải Todai. Ông ta luôn luôn nói năng nhỏ nhẹ và trang trọng trong giao tiếp xã hội. Khuôn mặt hay cười của ông ta che giấu việc ông là một người đấu tranh chính trị khôn ngoan, sắc sảo. Cách lãnh đạo của ông cẩn trọng hơn so với ông Nakasone, nhưng có thể giữ được lời hứa.

Ông Takeshita là Thủ tướng trong thời kỳ người Nhật đang dấy lên hy vọng sẽ lấy lại được các đảo ở Kurile từ phía Liên Xô. Ông Gorbachev (Tổng thống Liên Xô) cần một sự trợ giúp tài chính quốc tế. Người Nhật sẵn sàng hào phóng để miễn là được giao lại bốn hòn đảo của họ hoặc ít nhất có một sự cam đoan mạnh mẽ là sẽ giao trả lại chúng. Tại Tokyo, vào thời gian tang lễ của Hoàng đế Hirohito tháng 2/1989, ông Takeshita đã bảo với tôi rằng Liên Xô đã không nhân nhượng trong vấn đề chiếm giữ bốn hòn đảo này. Sau này, ông ta đã gởi cho tôi một bức điện báo yêu cầu tôi đưa ra một sự ủng hộ việc trả lại các hòn đảo đó cho Nhật khi Thủ tướng Liên Xô là ông Ryzhkov viếng thăm Singapore vào đầu năm 1990. Một lần tôi đã hỏi Thủ tướng Takeo Miki rằng tại sao Liên Xô, một nước đã có nhiều lãnh thổ ở châu Âu và châu Á lại muốn 4 hòn đảo ngoài khơi bán đảo Kamchatka. Khuôn mặt của ông Miki tối sầm lại và nói một cách giận dữ rằng người Nga quá tham lam về lãnh thổ. Điều gì đã xảy ra cho dân cư Nhật sống tại các hòn đảo ở Kurile? Ông ta trả lời với một sự phẫn nộ: ”Mỗi công dân Nhật độc thân sẽ bị dời đi và gởi trả về nước Nhật”. Ông Takeshita chia sẻ mong muốn thiết tha lấy lại 4 hòn đảo. Khi ông Ryzhkov thăm Singapore, tôi đã đưa ra vấn đề về 4 hòn đảo đó. Câu trả lời của ông ta hoàn toàn có thể tiên đoán được: “Không có sự tranh chấp về 4 hòn đảo đó. Chúng là của Liên Xô”.

Trong nhiệm kỳ hai năm nhiệm chức của Takeshita, một vụ xì căng đan có liên quan tới một công ty dịch vụ việc làm tên là Recruit đã nổ ra. Một người – được coi là cánh tay phải của ông ta – bị cho là đã nhận một khoản tiền vì mục đích chính trị và đã tự sát. Điều này khiến ông Takeshita rất buồn phiền và từ chức Thủ tướng.

Sau một loạt các xì căng đan xảy ra, quần chúng cần một “gương mặt trong sạch” để làm Thủ tướng. Mặc dù lãnh đạo nhóm thiểu số trong Đảng Dân chủ Tự do, Toshiki Kaifu vẫn trở thành Thủ tướng vào năm 1989. Ông ta là một người vui vẻ, thích giao tiếp, và được biết đến là một “ông thanh liêm”. Trong khi ông ta không được thông thái như ông Miyazawa, hoặc kiên quyết như ông Nakasone, hay đấu tranh quyết liệt như ông Takeshita, thì ông ta lại có được khả năng tiếp xúc với mọi người một cách chan hòa.

Trong suốt nhiệm kỳ hai năm tròn của ông ta, ông ta phải đối diện với các vấn đề mà ông Nakasone hẳn sẽ rất thích thú giải quyết do tính cách quyết liệt của ông ấy. Người Mỹ muốn nước Nhật gởi quân đội đến vùng Vịnh để chống I–rắc. Ông Kaifu đã hỏi ý kiến các vị lãnh đạo của các phe phái và cuối cùng quyết định không gởi quân, thay vào đó, họ đã góp 13 tỷ đôla Mỹ như một sự đóng góp của Nhật cho cuộc hành quân này.

Phương Tây đã nhận thức được sức mạnh kinh tế của Nhật, bắt đầu từ năm 1975, họ đã mời các lãnh tụ của Nhật đến tham dự hội nghị thượng đỉnh G–5. Nhưng nước Nhật đã phải đương đầu với các trở ngại trong việc tìm kiếm một vai trò như là một cường quốc kinh tế chính; điều nghiêm trọng nhất là thái độ của các lãnh tụ Nhật về các tội ác chiến tranh. Họ tệ hơn so với Tây Đức, những người đã công khai thú nhận và xin lỗi về tội ác của họ trong thời chiến, cũng như đã bồi thường cho các nạn nhân, đồng thời giáo dục lớp người Đức trẻ tuổi hơn về lịch sử tội ác chiến tranh của họ để họ có thể tránh gây ra những lỗi tương tự. Trái lại, các lãnh tụ Nhật vẫn còn giữ thái độ mập mờ và lẩn tránh. Có lẽ họ không muốn làm nản lòng dân chúng hoặc sỉ nhục tổ tiên và Nhật hoàng của họ. Dù lý do thế nào đi chăng nữa thì các Thủ tướng kế tiếp của Đảng Dân chủ Tự do cũng không đối diện với quá khứ của họ.

Ông Kaifu lần đầu tiên đề cập đến quá khứ trong một bài diễn văn đáng nhớ vào tháng 5/1990 tại Singapore. Ông ta đã bày tỏ:”Sự hối lỗi chân thành về các hành động trong quá khứ của người Nhật đã gây ra đau khổ không thể chịu đựng được và những nỗi bất hạnh cho các dân tộc ở vùng châu Á Thái Bình Dương… Dân chúng Nhật kiên quyết không bao giờ lặp lại những hành động này, những hành động đã gây ra những hậu quả thảm thương…” Đó là một lời xin lỗi ngắn gọn. Ông ta đã nói với thái độ chân thật và chấp nhận thực tế.

Tôi đã nêu lên cho ông Kaifu thấy sự khác biệt giữa thái độ của người Đức và người Nhật đối với các việc làm trong chiến tranh. Khi các kỹ nghệ gia và các chủ ngân hàng người Đức đưa cho tôi các bản sơ yếu lý lịch của họ, họ liệt kê trung thực các kinh nghiệm của họ trong suốt thời kỳ chiến tranh – như chiến đấu trong các chiến dịch ở Stalingrat hay ở Bỉ, nơi họ đã bị người Liên Xô, người Mỹ hay người Anh bắt làm tù binh, cùng cấp bậc của họ cũng như các huy chương mà họ đạt được. Nhưng các sơ yếu lý lịch của người Nhật lại để trống không khai gì trong khoảng thời gian từ năm 1937 đến 1945; cứ như những năm tháng này không tồn tại vậy. Đó là dấu hiệu chứng tỏ rằng họ không muốn nói về chúng. Không ngạc nhiên gì nữa, một bức màn ngăn cách giữa người Nhật và những người mà họ có quan hệ làm ăn, đang tạo nên một sự ngờ vực và không tin tưởng. Tôi đề nghị người Nhật phải học hỏi phương cách người Đức giáo dục thế hệ tiếp theo về lịch sử của họ để không lặp lại các lỗi lầm tương tự. Ông Kaifu nói rằng ông ta được khuyến khích bởi những ý kiến tôi đưa ra và nhấn mạnh rằng nước Nhật đang thay đổi. Ông ta nói rằng: ông ta là Thủ tướng đầu tiên sau chiến tranh không xuất thân từ nền tảng quân đội. Vào năm 1945, ông ta vẫn còn là một sinh viên trẻ; trong những năm 1960, ông tham gia vào quá trình dân chủ hóa đất nước. Ông ta muốn xem xét đến nhiệm vụ giáo dục lớp trẻ về sự thật của Thế chiến thứ hai và sẽ duyệt lại các sách giáo khoa ở trường học. Ông ta không tại vị đủ lâu để theo đuổi việc này trước khi ông Kiichi Miyazawa lên kế vị.

Thấp và có vẻ hoạt bát, với một vẻ dò hỏi biểu lộ trên khuôn mặt tròn, cặp lông mày rậm của ông Miyazawa nhăn lại mỗi khi ông ta suy nghĩ về một vấn đề. Ông ta mím môi trước khi phát biểu các suy nghĩ một cách dè chừng và cẩn thận. Ông ta đập vào mắt tôi như là một học giả hơn là một chính trị gia và lẽ ra ông đã có thể dễ dàng ở lại làm một giáo sư ở Đại học Todai, nơi ông đã tốt nghiệp nếu ông chọn một nghề trong giới học sĩ. Thay vào đó, ông ta trở thành một quan chức trong Bộ Tài chính.

Năm 1991, các phương tiện thông tin đại chúng đã trích dẫn lời tôi rằng: Việc để người Nhật tái trang bị vũ khí cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Campuchia giống như “đưa nước sôcôla pha rượu mùi cho một gã nghiện”. Tại một buổi ăn trưa với các lãnh tụ khác của Đảng Dân chủ Tự do ở Tokyo không lâu trước khi ông ta tiếp nhận chức vụ Thủ tướng, ông Miyazawa đã hỏi tôi rằng tôi nói như vậy là có ý nghĩa gì. Tôi đã đáp lại rằng rất khó thay đổi văn hóa của người Nhật. Người Nhật đã có một tập quán ăn sâu vào tâm thức là phải hoàn thành và đi tới đỉnh cao bất cứ việc gì họ làm, dù là việc cắm hoa, làm kiếm hay chiến tranh. Tôi không tin rằng Nhật có thể lặp lại được các hành động mà họ đã làm trong khoảng từ 1931 đến 1945 bởi vì bây giờ Trung Quốc đã có bom nguyên tử. Nhưng nếu Nhật muốn đóng vai trò như một hội viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thì các nước láng giềng cần phải cảm thấy Nhật đáng tin cậy và xứng đáng là một lực lượng hòa bình. Ông Miyazawa đã hỏi liệu các diễn tả của ông Kaifu về sự ăn năn, hối hận tự nó là một cảm xúc chân thành không. Tôi đã nói rằng đó là một khởi đầu tốt đẹp nhưng đó không phải là một lời xin lỗi. Khi là Thủ tướng, trong lời tuyên bố đầu tiên của ông Miyazawa ở Quốc hội vào tháng 1/1992 đã diễn tả sự ăn năn và thương tiếc thật lòng về những đau khổ không thể chịu được và những nỗi bất hạnh mà dân chúng ở vùng châu Á Thái Bình Dương đã phải chịu đựng. Không như ông Nakasone là một người hiếu chiến, ông Miyazawa là một người yêu hòa bình. Ông ta đã luôn luôn ủng hộ cho sự liên minh Nhật – Mỹ và chống lại việc tái trang bị vũ khí. Vốn tiếng Anh của ông ta rất lưu loát với sự phong phú về từ vựng đã giúp cho việc trao đổi quan điểm một cách bộc trực và dễ dàng. Ông ta nhanh chóng đề cập đến các quan điểm và chống lại bất cứ quan điểm nào mà ông ta không chấp nhận – nhưng rất lịch sự. Chúng tôi đã là những người bạn tốt trong nhiều năm trước khi ông ta trở thành Thủ tướng.

Ông Miyazawa quan ngại về việc Trung Quốc sẽ trở thành một nước như thế nào với tốc độ phát triển cao của họ. Cũng như ông Sato vào năm 1968, ông Miki năm 1975, và ông Fukuda vào năm 1977, ông Miyazawa đã thảo luận chi tiết về Trung Quốc. Ngay cả khi Trung Quốc bị cô lập với thế giới và đình đốn kinh tế thì các lãnh tụ Nhật cũng chú ý đến họ một cách cẩn trọng. Sau chính sách mở cửa của ông Đặng Tiểu Bình, người Nhật đã tăng cường tập trung vào nước láng giềng có mức tăng trưởng từ 8 % đến 10 % hằng năm và có thể thách thức tính ưu việt của Nhật tại Đông Á. Điều quan ngại của ông Miyazawa là nước Trung Quốc mạnh, không có sự kiểm tra và cân bằng của một hệ thống dân chủ và một nền báo chí tự do, sẽ ảnh hưởng đến an ninh của Nhật và Đông Á. Phần lớn các lãnh tụ của Nhật tin rằng thỏa thuận của họ với Hoa Kỳ sẽ bảo đảm an ninh trong 20 năm. Miyazawa và các nhà lãnh đạo Nhật Bản lo lắng về một tương lai xa. Sự lo sợ không thể nói lên được của họ là: một ngày nào đó người Mỹ sẽ không thể duy trì sự hiện diện có ưu thế hơn về quân sự của họ và sẽ không bằng lòng phòng thủ Nhật Bản. Họ không chắc chắn rằng liệu Trung Quốc sẽ là một lực lượng giữ ổn định hay gây căng thẳng.

Tôi chỉ rõ rằng cách tốt nhất là kéo Trung Quốc tham gia và trở thành một phần của thế giới hiện đại. Nhật nên đưa các sinh viên thông minh của Trung Quốc đến học ở Nhật và phát triển mối giao hảo gần gũi với thanh niên Nhật. Cơ hội cho những phần tử tốt nhất và sáng chói nhất của Trung Quốc tiếp xúc với Hoa Kỳ, Nhật và châu Âu sẽ làm cho họ ít hướng nội hơn và sẽ làm cho họ hiểu được rằng Trung Quốc muốn phát triển và phồn vinh thì phải là một thành viên biết tôn trọng luật pháp của cộng đồng quốc tế. Nếu người Trung Quốc bị cô lập và cản trở về những nỗ lực của họ trong các cải cách và tiến bộ kinh tế thì họ sẽ trở nên thù địch với các nước tiên tiến.

Hầu hết các lãnh tụ Nhật tin tưởng rằng trong trường hợp có xung đột, các quốc gia Asean sẽ về phe Nhật nhưng không biết Singapore sẽ phản ứng như thế nào. Họ chấp nhận rằng, mặc dù là một cộng đồng người Hoa nhưng quan điểm và chính sách của tôi đối với Trung Quốc là quan điểm của một người Singapore quan tâm đến Đông Nam Á, và tôi sẽ không nhất thiết hỗ trợ Trung Quốc trong bất cứ cuộc xung đột nào. Tuy nhiên, họ không chắc rằng đa số dân chúng người Hoa ở Singapore và các nhà lãnh đạo tương lai của Singapore sẽ phản ứng dưới áp lực của người Hoa như thế nào. Tôi không nghĩ mình thành công trong việc xóa bỏ những hồ nghi này.

Trong thời kỳ ông Miyazawa làm Thủ tướng, một phe phái đầy quyền lực được dẫn đầu bởi ông Ichiro Ozawa, người được ông Tanaka bảo hộ, đã hạ bệ chính phủ trong một cuộc bầu cử bị chỉ trích. Không như các lãnh tụ phe phái khác của đảng Dân chủ Tự do, ông Miyazawa không phải là người cứng rắn, đấu tranh quyết liệt. Trong cuộc bầu cử sau đó, đảng Dân chủ Tự do đã mất quyền lực. Kết quả của sự sụp đổ này trong đảng Dân chủ Tự do là việc ông Morihiro Hosokawa trở thành Thủ tướng đầu tiên thừa nhận sự xâm lược của Nhật ở Thế chiến thứ hai và xin lỗi về những khổ đau đã gây ra. Ông ta không có thái độ cố hữu của đảng Dân chủ Tự do và cảm thấy khó nuốt trôi khi nói về tội ác chiến tranh của họ. Lời xin lỗi chính thức này chỉ đến sau khi lãnh tụ một đảng thứ yếu trở thành Thủ tướng.

Năm sau, Thủ tướng Tomiichi Murayama của đảng Dân chủ Xã hội của Nhật cũng đã xin lỗi và cũng đã làm như vậy trong các chuyến viếng thăm của ông ta lần lượt đến các quốc gia thuộc Asean. Ông ta đã công khai nói tại Singapore rằng Nhật cần phải thành thật đối diện với các hành động trong quá khứ về việc xâm chiếm và chính sách xâm chiếm thuộc địa. Vào dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày chấm dứt chiến tranh (năm 1995) ông ta đã một lần nữa biểu lộ tình cảm hối hận sâu xa và xin lỗi chân tình. Ông ta đã nói: nước Nhật sẽ suy nghĩ sâu sắc về những khổ đau mà họ đã giáng cho châu Á. Ông ta là Thủ tướng Nhật đầu tiên đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm các thường dân chiến tranh ở Singapore. Chúng tôi không đòi hỏi ông ta phải làm như vậy. Ông ta nói rằng làm như vậy để duy trì một tương lai hòa bình và bền vững ở khu vực. Ông ta dè chừng các tình cảm ngấm ngầm chống đối lại người Nhật trong khu vực và nhận thấy nhu cầu cần phải tăng cường thêm mối giao hảo về chính trị, kinh tế và văn hóa. Những lời xin lỗi của hai Thủ tướng không thuộc đảng Dân chủ Tự do, ông Hosokawa và ông Murayama, đã bẻ gãy lập trường không hối lỗi của các chính phủ Nhật trước đây. Mặc dù đảng Dân chủ Tự do đã không xin lỗi như vậy nhưng một bộ phận của họ trong chính phủ liên minh đoàn kết Murayama đã làm điều đó.

Khi ông Ryutaro Hashimoto của đảng Dân chủ Tự do trở thành Thủ tướng năm 1996, ông ta đã viếng thăm thánh địa Yasukumi vào tháng 7 năm đó với tư cách cá nhân nhân lễ sinh nhật của ông ta chứ không phải chính thức. Ông ta đã tỏ lòng thành kính đối với linh hồn của những người bị chết trong chiến tranh gồm cả Tướng Hideki Tojo, Thủ tướng trong thời chiến tranh và cả một vài tội phạm chiến tranh đã bị treo cổ vì tội ác thời chiến. Sự mâu thuẫn giữa các thái độ này đã để lại một câu hỏi lớn không thể nào giải đáp được. Không như người Đức, người Nhật không có được niềm cảm xúc để họ tự thoát khỏi mầm độc trong chế độ của mình. Họ đã không giáo dục lớp trẻ của họ về những sai trái mà họ đã làm. Ông Hashimoto đã giãi bày “sự hối tiếc sâu sắc” của ông ta nhân lễ kỷ niệm lần thứ 52 ngày chấm dứt Thế chiến thứ hai (1997) và sự ân hận sâu xa trong suốt thời gian viếng thăm Bắc Kinh vào tháng 9/1997. Tuy nhiên, ông ta đã không xin lỗi trong khi dân Trung Quốc và Hàn Quốc muốn lãnh đạo của Nhật phải làm điều đó.

Tôi không hiểu được tại sao người Nhật lại không muốn thú nhận quá khứ, xin lỗi và tiếp tục đi tới. Có vài lý do mà họ không muốn xin lỗi. Xin lỗi là thú nhận đã làm những điều sai trái. Diễn tả sự hối tiếc hay ăn năn chỉ là diễn đạt các tình cảm chủ quan hiện nay của họ. Họ phủ nhận cuộc tàn sát đã xảy ra tại Nam Kinh và việc các phụ nữ Hàn Quốc, Philippine, Hà Lan và các phụ nữ khác bị bắt các hoặc cưỡng bức, nói cách khác là “các phụ nữ để thỏa mãn” (một lời nói trại ra của nô lệ tình dục) cho lính Nhật tại mặt trận thời chiến; cũng như họ đã thực hiện các thử nghiệm sinh học một cách tàn bạo trực tiếp trên những người Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông cổ, Nga và các tù nhân khác ở Mãn Châu. Trong mỗi trường hợp, chỉ sau khi đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi từ bản báo cáo của chính họ thì họ mới miễn cưỡng thú nhận. Điều này tạo ra những nghi ngờ về các ý định tương lai của họ.

Thái độ của người Nhật hiện giờ là sự biểu lộ về cách cư xử trong tương lai của họ. Nếu họ hổ thẹn về quá khứ thì có lẽ họ sẽ ít tái diễn các hành động đó trong tương lai. Tướng Tojo, người đã bị quân đồng minh xử tử vì các tội ác chiến tranh, đã nói trong di chúc của ông ta rằng người Nhật bị đánh bại chỉ vì các lực lượng lớn mạnh áp đảo họ. Với một quốc gia có diện tích và dân số như vậy, nước Nhật có thể trở thành một quốc gia hùng mạnh trong cuộc chiến tranh kỹ thuật cao. Đó là sự thật, chúng ta sẽ phải chịu đựng nhiều bất lợi dữ dội nếu sự xung đột giữa Nhật và Trung Quốc vượt quá các vũ khí thông thường. Điều này ít có khả năng, nhưng nếu nó xảy ra thì không nên đánh giá thấp các khả năng của Nhật. Nếu người Nhật cảm thấy bị đe dọa, bị cướp đoạt các phương tiện sinh sống, bị cắt giảm dầu mỏ hay các tài nguyên then chốt khác, hoặc bị cô lập khỏi thị trường xuất khẩu, tôi tin rằng họ sẽ lại chiến đấu một cách tàn bạo như họ đã từng làm từ năm 1942 đến năm 1945.

Dù tương lai của Nhật và châu Á sẽ như thế nào đi nữa thì trong vai trò là một quốc gia hiện đại hóa về kinh tế và là người giữ gìn hòa bình cho Liên hiệp Quốc, người Nhật trước hết phải đưa ra lời xin lỗi để từ đó giải quyết các vấn đề còn lại. Châu Á và Nhật Bản phải tiếp tục vươn lên. Chúng ta cần phải có trách nhiệm và lòng tin cậy lẫn nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx