sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 33 phần 1

33

SỰ QUÁ ĐỘ CỦA HONG KONG

Năm 1954, lần đầu tiên tôi đến thăm Hong Kong trên con tàu của Ý mang tên “Á Châu”. Tàu ở lại Hong Kong ba đêm, thế là tôi và Choo được dịp thả bộ vòng quanh thuộc địa này. Hong Kong là một thành phố đẹp nằm trên hòn đảo chắn phía trước vịnh cùng với một khu ngoại ô đang phát triển ở bên bán đảo Cửu Long. Thành phố này hấp dẫn vì phía sau lưng trung tâm thành phố là đồi Peak cao chừng 300 mét với những con đường và nhà cửa rải rác trên sườn đồi.

Người dân ở đây làm việc chăm chỉ, hàng hóa rẻ, dịch vụ thật tuyệt vời. Vào buổi sáng nọ, tôi được đưa đến một cửa hiệu để đo may hai bộ com–lê. Đến chiều tôi trở lại mặc thử và tối hôm đó hai bộ com–lê được giao đến tận buồng tôi ở trên tàu, một dịch vụ mà thợ may ở Singapore không thể làm được. Lúc bấy giờ tôi không hiểu được rằng khi cộng sản “giải phóng” Trung Hoa đại lục vào năm 1949, thì trong dòng người chừng 1 đến 2 triệu tị nạn từ đại lục sang đó có một số nhà doanh nghiệp cự phách, giới chuyên môn và trí thức từ Thượng Hải và các tỉnh Triết Giang, Giang Tô và Quảng Đông. Họ hình thành nên lớp dày những nhân tài đã biến đổi Hong Kong thành một trong những thành phố năng động nhất thế giới với sự hỗ trợ của những người công nhân người Hoa tháo vát, có đầu óc kinh doanh, những người đã quyết bỏ Trung Quốc ra đi hơn là sống dưới chế độ cộng sản.

Đối với thế giới nói chung, Hong Kong và Singapore là hai thành phố tương tự của người Hoa, tương đương nhau về mặt tầm cỡ. Đối với tôi, chúng có nhiều điểm tương phản cũng như nhiều điểm tương đồng nhau. Hong Kong có diện tích đất gấp hai diện tích Singapore, với dân số gấp hai dân số nước chúng tôi sống chen chúc trên hòn đảo, bán đảo Cửu Long và Lãnh thổ Mới. Vào năm 1949, Hong Kong có môi trường chính trị và kinh tế ảm đạm, hoàn toàn phụ thuộc vào sự kiềm chế của Trung Hoa đại lục. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa có thể tiến vào bất cứ lúc nào một khi được lệnh. Song, bất chấp tình trạng không ổn định cũng như nỗi lo sợ về một tương lai đầy thảm họa, Hong Kong vẫn phát triển thịnh vượng.

Singapore hồi đó không đứng trước một viễn cảnh thảm khốc như vậy. Tôi cảm thấy yên tâm vì chúng tôi không sống bấp bênh như vậy dưới những sức ép dữ dội như Hong Kong đã phải gánh chịu. Thậm chí sau khi Malaya độc lập vào năm 1957, Singapore vẫn còn gắn liền với bán đảo này về mặt kinh tế và địa lý, dân chúng hai bên vẫn qua lại buôn bán làm ăn. Chỉ vào năm 1965, sau khi chúng tôi bị yêu cầu tách khỏi Malaysia, chúng tôi mới thật sự đứng trước một tương lai ảm đạm. Nhưng không giống như Hong Kong, chúng tôi không có một triệu rưỡi dân tị nạn từ đại lục đến. Nếu chúng tôi có được dòng người trong đó có những nhà doanh nghiệp cự phách cùng những con người đầy nghị lực, tháo vát, cần cù thì chúng tôi đã có thêm nhiều thuận lợi. Quả thật, một dòng người tị nạn tương tự từ Trung Hoa đại lục đến Đài Loan năm 1949 cũng đã giúp ích cho Đài Loan. Không có dòng người tị nạn này, Đài Loan chưa chắc đã có được những nhân tài hàng đầu từng thống trị nước Trung Hoa trước năm 1949. Với sự viện trợ của Hoa Kỳ, bộ máy chính quyền của họ đã chuyển hóa Đài Loan. Khi tất cả những sự kiện này xảy ra vào năm 1949, tôi chưa hiểu được tầm quan trọng của nhân tài, nhất là tài kinh doanh, cũng như chưa hiểu được rằng nhân tài được đào tạo chính là chất men làm thay đổi xã hội và thúc đẩy xã hội đi lên.

Lần kế đó tôi đến thăm Hong Kong vào tháng 5/1962. Trong vòng tám năm, Hong Kong đã tiến xa lên phía trước so với Singapore nếu xét qua những tòa nhà, cửa hiệu mà tôi đã nhìn thấy. Sau khi độc lập vào năm 1965, tôi quyết định hầu như năm nào cũng đến thăm Hong Kong để xem họ giải quyết những khó khăn của họ như thế nào và liệu có thể học hỏi ở họ những kinh nghiệm gì. Tôi xem Hong Kong là nguồn cảm hứng, nguồn ý tưởng về những gì có thể đạt được nếu là một xã hội năng nổ. Tôi cũng có ý định thu hút một số nhà doanh nghiệp, nhất là các nhà sản xuất nhằm thiết lập các nhà máy dệt cũng như các nhà máy khác ở Singapore. Giới truyền thông Hong Kong nhìn những nỗ lực của tôi với con mắt không mấy thiện chí nên họ viết những bài tường thuật chỉ trích Singapore gay gắt nhằm can ngăn người của họ ra đi.

Tháng 2/1970, trường Đại học Hong Kong trao tặng tôi bằng tiến sĩ luật danh dự. Trong bài diễn văn của mình, tôi phát biểu: “Là những người tiên phong trong công cuộc hiện đại hóa, Hong Kong và Singapore có thể đóng vai trò làm chất xúc tác để đẩy nhanh sự thay đổi của những xã hội nông nghiệp lâu đời xung quanh họ…” Tôi hy vọng rằng: “Họ có thể trở thành những mũi nhọn để truyền bá không chỉ những kỹ thuật chế tạo tinh vi của thế giới phát triển mà quan trọng hơn là các giá trị và kỷ cương, cũng như kỹ năng và bí quyết công nghệ. Một thập niên sau đó, cả hai nước đều thực hiện được điều này.

Sau chuyến thăm này, tôi viết cho Ủy ban Phát triển Kinh tế của chúng tôi rằng với tình hình chính trị không ổn định ở Hong Kong do tình hình Trung Quốc gây nên và việc chấm dứt vào năm 1997 hợp đồng cho Anh thuê 99 năm Lãnh thổ Mới, Singapore có thể thu hút được một số chất xám và công nhân lành nghề của họ. Chúng tôi cũng có thể cung cấp cho Hong Kong tay nghề và tín dụng khi họ thiếu.

Sự ngưỡng mộ của tôi đối với nhân dân Hong Kong và khả năng bật dậy của họ mỗi khi thất bại chưa bao giờ giảm sút. Trong thập kỷ 70, Hong Kong cũng như Singapore gánh chịu hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng dầu mỏ, song họ đã điều chỉnh nhanh chóng hơn. Các cửa hàng hạ giá bán, công nhân chấp nhận cắt giảm lương. Số ít công đoàn mà họ có đã không đấu tranh chống các thế lực thị trường. Ở Singapore, chúng tôi phải làm dịu bớt tác động của lạm phát, tình trạng suy thoái, và giúp giảm bớt khó khăn của công nhân do mức sống đột ngột giảm xuống bằng cách dàn xếp các vấn đề giữa giới quản trị và các nghiệp đoàn.

Người Hong Kong không phụ thuộc vào chính quyền mà phụ thuộc vào bản thân và gia đình họ. Họ tích cực làm việc và thử vận may trong kinh doanh bằng cách bán hàng rong, sản xuất vật dụng hoặc mua đi bán lại. Nỗ lực đạt đến thành công của họ rất mãnh liệt. Quan hệ gia đình và dòng họ rất gắn bó. Rất lâu trước khi Milton Friedman chọn Hong Kong như một mô hình kinh tế tự do kinh doanh, tôi đã nhìn thấy lợi thế của việc có ít hoặc không có hệ thống bảo hiểm an toàn về mặt xã hội. Điều này đã thôi thúc người Hong Kong phấn đấu nỗ lực để thành công. Không có một khế ước nào về bảo hiểm xã hội giữa chínhquyền thuộc địa và họ. Không giống như người Singapore, họ không có khả năng bảo vệ và không bảo vệ bản thân hay các lợi ích tập thể. Họ không phải là một quốc gia, quả vậy, họ không được phép trở thành một quốc gia. Trung Quốc sẽ không cho phép họ làm điều đó và người Anh thì chưa bao giờ thử làm điều đó. Đó là sự khác biệt lớn giữa Hong Kong và Singapore.

Chúng tôi buộc phải trở thành một quốc gia, nếu không sẽ phải ngừng tồn tại. Chúng tôi phải bù lỗ cho giáo dục, y tế và nhà ở, dù rằng tôi đã cố tránh những ảnh hưởng tai hại của chủ nghĩa phúc lợi. Tuy nhiên, người Singapore không sánh bằng người Hong Kong về mặt nỗ lực và động cơ. Ở Hong Kong, khi người ta thất bại, họ tự trách mình hoặc đổ cho vận rủi của họ, rồi tự đứng lên và làm lại từ đầu với hy vọng vận may sẽ đến. Đối với chính phủ và cuộc sống, người Singapore có thái độ khác. Họ thích có việc làm ổn định, không phải lo âu. Khi họ không thành công, họ đổ lỗi cho chính phủ vì họ cho rằng bổn phận của chính phủ là phải đảm bảo đời sống của họ ngày càng tốt hơn. Họ mong đợi chính phủ không những dàn xếp được một sân chơi công bằng mà còn phải tưởng thưởng thậm chí cho những người chơi tồi khi kết thúc cuộc đua. Người Singapore bỏ phiếu cho các nghị sĩ, bộ trưởng và trông chờ họ phân phát mọi phần thưởng có thể có.

Một nhà doanh nghiệp Hong Kong định cư ở Singapore đã tóm tắt súc tích điều đó cho tôi nghe. Vào đầu thập niên 70, khi ông ta xây dựng các nhà máy dệt và may mặc ở Singapore, ông ta mang theo những quản lý người Hong Kong và thuê thêm một số người Singapore. Đến năm 1994, những nhà quản lý người Singapore vẫn tiếp tục làm việc cho ông ta trong khi các quản lý người Hong Kong đã thành lập doanh nghiệp riêng và cạnh tranh với ông ta. Họ thấy chẳng có lý do gì họ phải làm việc cho ông ta trong khi họ am hiểu về công việc kinh doanh không kém ông ta. Tất cả những gì họ cần là có một ít vốn, và khi họ có vốn rồi thì họ đi luôn. Người Singapore thiếu nỗ lực kinh doanh, và không sẵn lòng chấp nhận rủi ro để đi đến thành công và trở thành ông trùm. Trong những năm gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi đáng khích lệ. Khi trong khu vực có được sự tăng trưởng nhanh chóng, các chuyên gia và nhà điều hành trẻ mới dám ra làm ăn riêng; ban đầu chỉ là những nhà quản lý ăn lương, được khuyến khích góp cổ phần, rồi sau đó khi đã biết được những rủi ro, tự tin trong công việc thì họ kinh doanh riêng.

Chúng tôi đã thu hút được một số nhà doanh nghiệp về ngành dệt, may mặc, nhựa, đồ kim hoàn, một ít thợ khắc ngà voi và mài kim cương và một số người làm đồ gỗ từ Hong Kong. Trong những năm 60 và đầu những năm 70, hầu hết những người này được hoan nghênh nhất do họ đã tạo ra nhiều việc làm và mang lại tinh thần lạc quan. Những người giỏi nhất vẫn ở lại Hong Kong, vì ở đó họ có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn ở Singapore. Tuy nhiên, họ đã lập ra các chi nhánh, như chúng tôi hy vọng, và cho những cậu con trai của họ trông coi chi nhánh ở Singapore.

Sau khi tuyên bố chung năm 1984 giữa Liên hiệp Vương quốc Anh và Trung Quốc về việc giải quyết tương lai của thuộc địa này được công bố, tôi mời một nhóm doanh nhân và chuyên gia hàng đầu sang thăm Singapore trong tuần lễ kỷ niệm Quốc khánh của chúng tôi vào tháng 8 đó. Kết quả là một nhóm trùm tư bản Hong Kong đã cùng nhau đầu tư trên 2 tỷ đôla Singapore để xây dựng khu liên hợp văn phòng, hội trường và nhà triển lãm lớn nhất Singapore mang tên Suntec City, là nơi mà chúng tôi đã tổ chức hội nghị các bộ trưởng của Tổ chức Thương Mại thế giới (WTO) đầu tiên vào tháng 12/1996, một năm sau khi tòa nhà hoàn thành. Đó là một trong những khoản tiền dành cho tương lai mà họ rải khắp các thành phố duyên hải Thái Bình Dương, chủ yếu là ở Bắc Mỹ và Úc. Giới truyền thông Hong Kong cho rằng Singapore muốn gạn lấy nhân tài của họ, song chính vì lợi ích của chúng tôi mà chúng tôi muốn có một Hong Kong thành công sau khi chủ quyền của nó được trả về cho Trung Quốc. Cướp bóc và bòn rút nhân tài của Hong Kong chỉ là việc làm nhất thời. Một Hong Kong thịnh vượng sẽ là nguồn kinh doanh và mối lợi lâu dài.

Người Anh cai trị Hong Kong theo truyền thống đế chế xưa – kiêu căng, khinh khỉnh, trịch thượng đối với dân địa phương và cả đối với tôi, bởi vì tôi là người Hoa. Các toàn quyền Hong Kong trước đây đều được đề bạt từ hàng ngũ quân chủng thuộc địa của Anh. Sau năm 1971, việc đề bạt này thay đổi. Murray MacLehose vốn là người của Bộ Ngoại giao Anh, một bộ cao cấp. Ông ta quyết định đến thăm Singapore trước khi nhậm chức. Hong Kong bị nạn tham nhũng tràn lan, ông ta muốn biết chúng tôi đã chế ngự chúng bằng cách nào. Ông ta còn muốn biết chúng tôi đã làm gì cho nền giáo dục, nhất là các trường bách khoa của chúng tôi. Hong Kong không có trường nào; hầu như họ chẳng đầu tư gì cho giáo dục kỹ thuật. Ông ta muốn xem khu nhà ở công cộng của chúng tôi; ông ta muốn cải thiện nhà ở của họ trước khi tình trạng này trở nên nguy ngập.

Người Anh đã cung cấp một nền hành chính trung thực, ngoại trừ khoảng 10 năm trước khi MacLehose trở thành toàn quyền Hong Kong. Lúc bấy giờ nạn tham nhũng trầm trọng đến nỗi ông ta phải áp dụng những biện pháp mạnh dựa vào những luật và thực tiễn chống tham nhũng của Singapore. Đương nhiên là những luật chơi kiểu thuộc địa này có lợi cho cộng đồng kinh doanh người Anh. Ngân hàng Hong Kong & Thượng Hải và Ngân hàng Chatered là những ngân hàng phát hành tiền. Các hãng buôn lớn của người Anh (hình thành do sáp nhập nhiều công ty thương mại với nhau và về sau trở thành tập đoàn kinh doanh đa dạng) có vị trí đặc quyền, song những đặc quyền của họ giảm dần đi khi sự thống trị của người Anh đã bước vào thập niên cuối cùng với nhiều hãng buôn lớn của Anh bị người Hoa ở Hong Kong mua lại.

Trước khi toàn quyền kế tiếp David Wilson nhậm chức vào năm 1987, ông ta cũng đến thăm Singapore để tìm hiểu cách thức cộng đồng đa số người Hoa tự tổ chức và tìm cách giải quyết những vấn đề của họ. Ông ta cũng là một quan chức Bộ ngoại giao và là một chuyên gia về Trung Quốc. Wilson muốn biết kinh nghiệm giành độc lập của Singapore. Tôi nói với ông ta rằng hoàn cảnh của chúng tôi khác với Hong Kong. Chúng tôi là một phần của Malaysia, khi đó chúng tôi không có ý định tách ra độc lập nhưng bị buộc phải nắm lấy vận mệnh của mình. Còn Đặc khu Hành chính Hong Kong (Special Administrative Region – SAR) sẽ là một phần của Trung Quốc. Bất kỳ vị quản trị trưởng nào của Hong Kong cũng phải hiểu Trung Quốc và học cách sống cùng những người lãnh đạo của nó trong khi bảo vệ các lợi ích của Hong Kong. Ông ta sẽ không có quyền tự do hoàn toàn để hành động.

Cho đến năm 1992, chính sách của Anh là tham khảo và thương lượng với Trung Quốc về bất cứ thay đổi cơ bản nào mà họ định đưa ra trong chính sách trước khi công bố. Điều này nhằm đạt được cái mà người Anh gọi là “con tàu suốt”. Nói cách khác, không có sự thay đổi nào cả về đầu máy lẫn toa xe khi nó tới điểm tiếp giữa Hong Kong thuộc Anh vào ngày 30/6/1997 và Hong Kong thuộc Trung Quốc vào ngày 1/7/1997. Sau cú sốc Thiên An Môn năm 1989, chính phủ Anh cảm thấy nên làm điều gì đó ngoài những gì đã được thỏa thuận với Trung Quốc trong Tuyên bố chung năm 1984. Người Anh muốn nhẹ nhõm lương tâm rằng họ đã làm hết sức mình để bảo vệ lối sống của người Hong Kong sau khi Hong Kong được trao trả về cho Trung Quốc.

Sáu tuần sau vụ Thiên An Môn, chúng tôi đưa ra đề nghị cho 25.000 gia đình Hong Kong cư trú lâu dài theo Điều luật cư trú được chấp thuận về nguyên tắc (Approval In–Principle – AIP), nghĩa là những người này không phải chuyển đến Singapore ở chừng nào chưa có nhu cầu. Điều luật AIP này sẽ có giá trị trong vòng 5 năm và có thể gia hạn thêm 5 năm. Như vậy sẽ không lôi kéo nhân tài ra khỏi Hong Kong giữa lúc xứ sở này đang trong tình trạng bất ổn lớn. Hàng nghìn người tụ tập bên ngoài Phái bộ Singapore ở Hong Kong để nhận mẫu đơn và suýt gây ra bạo loạn.

Tháng 1/1990, khi tôi gặp toàn quyền Wilson ở Hong Kong, tôi cam đoan với ông ta rằng tôi không có ý định gây tổn hại cho Hong Kong khi đưa ra đề nghị AIP, rằng chúng tôi sẽ cung cấp cho Hong Kong kỹ thuật và tín dụng khi họ thiếu, và ngược lại; như vậy mỗi bên sẽ kiếm được lợi nhuận từ nguồn vốn, kỹ thuật và nhân tài của nhau. Chúng tôi không ngờ được hưởng ứng sôi nổi như vậy. Nhiều người nộp đơn nhưng không đủ tiêu chuẩn vì họ không có trình độ học vấn hay khả năng tay nghề cần thiết. Sau một năm, chúng tôi đã cho phép nhập cư tất cả là 50.000 người theo điều kiện AIP, gấp đôi con số dự kiến. Tính đến năm 1997, chỉ có 8.500 người chuyển đến Singapore. Hong Kong đã sớm hồi phục sau vụ Thiên An Môn và làm ăn phát đạt. Ở Hong Kong, người dân kiếm được nhiều tiền hơn ở Singapore hay bất kỳ nơi nào khác. Thật vậy, nhiều người di dân sang Canada, Úc và New Zealand sau đó lại trở về làm việc ở Hong Kong, thường là họ để gia đình ở lại.

Giống như những vị tiền nhiệm Wilson và MacLehose của ông ta, vào tháng 7/1992, Chris Patten cũng ghé qua Singapore trên đường đến nhậm chức ở Hong Kong. Sau một tiếng đồng hồ thảo luận, tôi có cảm giác ông ta muốn mở rộng giới hạn của những gì mà người Anh đã ký ước với Trung Quốc và tôi đã hỏi: “Ông có dự tính gì à? Có gì mới không?” Thay vì trả lời, ông ta chỉ lặp lại câu hỏi của tôi: “Có gì mới à?” Tôi cảm thấy bất an rằng ông ta đang dự tính những cải cách có thể dẫn đến phá vỡ hiệp định. Sau cuộc gặp của chúng tôi, các nhà báo Hong Kong đã đến Singapore phỏng vấn tôi. Để ngăn chặn họ đưa tin sai lệch, thay vì gặp họ, tôi đã đưa ra bản công bố: “Tôi tin rằng nếu những mục tiêu mà ông ta (Patten) quyết định nằm trong khuôn khổ của Tuyên bố chung và Luật cơ bản, thì ông ta sẽ có những lý do vững chắc để điều hành và xây dựng… thước đo tốt nhất về thành công của ông ta là hệ thống mà ông ta để lại vẫn tiếp tục hoạt động tốt cho Hong Kong sau năm 1997”.

Vào tháng 10/1992, sau chuyến thăm Trung Quốc, tôi đến Hong Kong. Patten đã tuyên bố rằng ông ta sẽ mở rộng cử tri đoàn cho những khu bầu cử theo ngành nghề đại diện cho các nhà doanh nghiệp, giới chuyên môn và các nhóm lợi ích đặc biệt khác bằng cách đưa vào danh sách cử tri những người làm thuê cho những người này. Khi báo giới phỏng vấn, tôi phát biểu rằng: “Những đề nghị của Patten về việc tăng cường nền dân chủ là rất sáng tạo… Rất thông minh. Những đề nghị của ông ta luồn lách qua những khe hở của Luật cơ bản và Tuyên bố chung”. Song, tôi thêm vào: “Kế hoạch của Patten giống một chương trình nghị sự cho hành động của một lãnh tụ theo chủ nghĩa quốc gia đang huy động toàn dân đấu tranh giành độc lập từ một cường quốc thực dân hơn là chương trình từ biệt của một toàn quyền thuộc địa sắp ra đi”. Khi gặp riêng Patten ở dinh thống đốc, tôi cảnh báo ông ta rằng ông ta đã làm mất ý nghĩa của “khu bầu cử theo ngành nghề”, bởi vì ngoài nhóm chuyên gia hay những nhà doanh nghiệp “chủ yếu” như đã dự trù, ông ta lại mở rộng ra cho tất cả người làm thuê.

Vào giữa tháng 12, tôi trở lại Hong Kong để nói chuyện ở Đại học Hong Kong. Patten với tư cách hiệu trưởng danh dự của trường này làm chủ tọa. Để trả lời một câu hỏi từ phía khán giả về những cải cách do ông ta đề nghị, tôi trích đọc một số đoạn trong các bài diễn văn của hai cựu toàn quyền tại thượng nghị viện là Murray MacLehose và David Wilson, và một bài trả lời phỏng vấn của Sir Percy Cradock, cố vấn chính trị của Thatcher; ông này chính là người đã đàm phán với Trung Quốc. Cả ba vị này đã cho thấy rằng đường lối hành động của Patten ngược lại với những gì mà họ – thành viên của đoàn Anh – đã thương lượng và thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. Tôi nghĩ tốt hơn nên phát biểu quan điểm của mình trong sự có mặt của ông ta để ông ta có thể trả lời nếu ông ta muốn, song ông ta không trả lời.

Patten cầm quyền trong năm năm cuối cùng của nền cai trị thuộc địa, thường xuyên vướng mắc vào những cuộc tranh cãi với chính phủ Trung Quốc. Người Trung Quốc giận dữ phản đối biện pháp của Patten. Nếu người Anh muốn làm như vậy tức là họ sẵn sàng hủy bỏ toàn bộ hiệp định. Họ tuyên bố họ sẽ phủ định những thay đổi của Patten. Vào tháng 7/1993, người Trung Quốc thành lập một ủy ban công tác lâm thời nhằm chuẩn bị cho giai đoạn sau 1/7/1997. Vào tháng 8/1994, Ủy ban thường trực Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc biểu quyết thay Hội đồng lập pháp (Legislative Council – Legco) và các hội đồng thành phố và khu vực, và các ủy ban quận, huyện. Toàn quyền Hong Kong và chính phủ Anh ở London không tiếp nhận sự bác bỏ này một cách nghiêm túc. Patten tổ chức bầu cử vào tháng 9/1995, ông ta đưa vào 9 khu bầu cử theo ngành nghề mới và mở rộng cử tri đoàn bao gồm toàn bộ dân lao động gồm 2,7 triệu cử tri. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố họ sẽ không công nhận kết quả bầu cử và cho rằng cơ cấu chính trị do người Anh dựng lên không phù hợp với Bộ luật Cơ bản và Tuyên bố chung, do đó sẽ bị loại bỏ và chắc chắn hội đồng lập pháp sẽ được tái thiết lập. Vị toàn quyền tin rằng cuối cùng chính phủ Trung Quốc sẽ ưng thuận bởi vì không làm như vậy tức là đi ngược lại nguyện vọng nhân dân và sẽ tổn thất lớn về mặt quốc tế.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx