sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 32 phần 2

Ngay sau đó, chính Tổng thống Kim Yong Sam bị nhấn sâu vào một vụ tai tiếng về tham nhũng lớn khi một tổng công ty lớn, tập đoàn Hanbo, bị phá sản, nợ hàng tỷ đôla trong một số ngân hàng nhà nước. Con trai của Kim đã bị buộc tội là nhận khoảng 7 triệu đôla và đã bị kết án 3 năm tù giam, với tiền phạt là 1,6 triệu đôla. Phe đối lập đã khẳng định rằng bản thân Kim đã nhận hối lộ từ tập đoàn Hanbo và rằng ông đã vượt quá những giới hạn chi tiêu hợp pháp cho cuộc bầu cử của ông. Tổng thống Kim đã xin lỗi công khai trên truyền hình, nhưng từ chối tiết lộ chi tiết. Địa vị của Tổng thống đương nhiệm và đảng cầm quyền đã sụp đổ sau khi những tai tiếng về tham nhũng được công khai rộng rãi cũng như sự quản lý tồi nền kinh tế. Vì cuộc khủng hoảng kinh tế kế tiếp, Nam Triều Tiên phải cần đến đến sự giúp đỡ của IMF.

Vào tháng 12/1997, Kim Dae Jung, một nhà lãnh đạo phe đốilập kỳ cựu ra ứng cử lần thứ tư và đã đắc cử Tổng thống. Ông ấy đã tạo dựng một liên minh bầu cử với Kim Jong Pil, chỉ huy đầu tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Nam Triều Tiên (Korean Central Intelligence Agency – KCIA), người đã từng ra lệnh bắt giam ông.

Là một người đối lập nổi bật, Kim Dae Jung đã sống nhiều năm ở Hoa Kỳ và đã trở thành người ủng hộ sự áp dụng toàn cầu về nhân quyền và dân chủ mà không quan tâm đến các giá trị văn hóa. Với tư cách là nhà lãnh đạo phe đối lập, ông ấy đã viết một bài báo trong tạp chí Foreign Affairs để phản hồi lại bài phỏng vấn của tôi với vị chủ bút, Farred Zakaria. Ông ấy không đồng ý rằng lịch sử và văn hóa tạo nên những quan điểm khác nhau của một dân tộc và những quy tắc khác nhau của chính phủ. Tạp chí Foreign Affairs đã mời tôi trả lời. Tôi đã không trả lời. Sự tranh luận không thể giải quyết được sự khác biệt trong quan điểm của chúng tôi. Nó sẽ được định đoạt bởi lịch sử, bởiphương cách mà các sự kiện sẽ bộc lộ trong 50 năm tới. Cần nhiều hơn một thế hệ cho những mối quan hệ mật thiết về chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của các chính sách để tự cho ra lời đáp. Đó là một quá trình tiến hóa của học thuyết Đác–uyn về xã hội.

Với tư cách là Tổng thống mới được bầu (chưa nhậm chức), Kim Dae Jung đã chấp nhận lệnh ân xá của Kim Young Sam cho hai cựu Tổng thống đã ở tù một thời gian dài vì tội phản quốc, nhận hối lộ và cả tội giết người trong trường hợp của Chun. Họ đã được tự do vào tháng 12/1997 và đã tham dự lễ tuyên thệ Tổng thống vào tháng 2/1998. Sau lời tuyên thệ, Tổng thống Kim Dae Jung đã bắt tay với Chun và Roh, một cử chỉ “hòa giải và hòa hợp” trong xã hội Nam Triều Tiên, như người phát ngôn Tổng thống đã nói. Nó được dàn dựng trước đám đông khoảng 40.000 người. Kịch bản chính trị này có khôi phục lại niềm tin của quần chúng đối với hệ thống nhà nước của họ không, vẫn còn là một câu hỏi.

Thể chế chính trị của Nam Triều Tiên sẽ chịu ít thiệt hại hơn nếu, giống như chính phủ của Mandela ở Nam Phi, họ khép lại tất cả những món nợ trong quá khứ. Hội đồng Sự thật và Hòa giải ở Nam Phi đã tha thứ tất cả những người đã phạm những hành động tàn bạo trong chế độ phân biệt chủng tộc nếu họ khai báo những hành vi sai trái trước đó của họ. Trong lúc có thể nó chưa đạt được sự hòa giải, thì hội đồng này cũng không làm tình trạng chia rẽ xấu hơn.

Những phiên tòa của họ không chỉ loại trừ Chun Doo Han và Roh Tae Woo, mà còn giảm uy tín những người đã giúp tạo ra nước Nam Triều Tiên hiện đại, khiến nhân dân hoài nghi và vỡ mộng với mọi quyền lực. Cần mất một thời gian để người Nam Triều Tiên lấy lại sự kính trọng đối với các nhà lãnh đạo của họ. Chun và Roh đã xử sự theo các tiêu chuẩn người Nam Triều Tiên trong thời đại của họ, và theo luật lệ đó họ không phải là những tội phạm. Bị áp lực bởi công luận Mỹ chống lại việc một người khác trong quân đội làm người kế nhiệm, Roh đã đặt quyền lực vào tay của Kim Young Sam. Những sự kiện này đã phát những tín hiệu sai đến các nhà lãnh đạo quân sự đương nhiệm ở các quốc gia khác, rằng việc trao quyền lực cho những chính khách dân sự vốn đang tìm kiếm sự ủng hộ của quần chúng là rất nguy hiểm.

Vào năm 1999, tôi đã tham gia một Hội nghị ở Seoul với tư cách là thành viên của Hội đồng Tư vấn Quốc tế (International Advisory Council – IAC) với Liên đoàn Công nghiệp Nam Triều Tiên. Tại diễn đàn ngày 22/10, các thành viên của IAC đã có cuộc thảo luận với những nhà lãnh đạo các tập đoàn Nam Triều Tiên. Họ là những phiên bản Hàn Quốc của những nhóm tài phiệt Nhật. Trong mỗi ngành công nghiệp quan trọng các nhóm tài phiệt đã thành công, những tập đoàn này đã theo sau để cạnh tranh với giá nhân công rẻ hơn và chi phí thấp hơn. Như người Nhật, họ nhắm vào thị phần, không tính đến quay vòng vốn và tỷ suất lợi nhuận. Như ở Nhật, toàn bộ kinh tế quốc nội Nam Triều Tiên, đặc biệt là tiền tiết kiệm cao của công nhân, đã tạo cơ sở cho các tập đoàn có nguồn vốn với lãi suất thấp và nhắm vào các ngành công nghiệp cụ thể.

Với sự kết thúc của chiến tranh lạnh, tình hình bên ngoài đã thay đổi. Giống như Nhật, Nam Triều Tiên phải mở cửa thị trường quốc nội và đặc biệt là thị trường tài chính. Những tổng công ty lớn của họ đã vay khoảng 150 tỷ đôla ngoại tệ để mở rộng công nghiệp nhanh chóng ở Nam Triều Tiên và nước ngoài – Trung Quốc, các nước cộng sản trước đây ở Đông Âu, Liên bang Nga và một số nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Những sự đầu tư này không nhằm vào tỷ suất lợi nhuận dự tính mà nhằm bành trướng để giành thị phần. Khi họ không đủ khả năng để trả lại lãi đáo hạn, gần cuối năm 1997, đồng tiền Nam Triều Tiên – đồng won, đã sụt giá. IMF đã cứu họ. Ba tuần sau đó, Kim Dae Jung đã thắng cử và trở thành Tổng thống.

Tôi đã nói với các giám đốc các tập đoàn là Nam Triều Tiên đang đến bước ngoặt. Họ không thể tiếp tục mô hình cũ dựa theo kiểu Nhật, vì chính người Nhật đã gặp phải sự bế tắc. Bây giờ, Nam Triều Tiên và Nhật là một phần của hệ thống tài chính và kinh tế hội nhập toàn cầu, và sẽ phải tuân theo những luật lệ mà Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đặt ra cho IMF, Ngân hàng Thế giới và WTO. Điều này đòi hỏi họ phải đầu tư có tính cạnh tranh, quan tâm đến lãi ròng, như bất kỳ tập đoàn châu Mỹ và châu Âu nào khác. Vấn đề là làm sao để thoát khỏi vị trí hiện tại để đến được chỗ mà họ lẽ ra đã đến nếu họ đã phải cạnh tranh. Những tập đoàn đã phát triển thành khối lớn hơn. Bây giờ, họ nên tập trung vào những việc mà họ đã làm tốt nhất và thực hiện những hoạt động kinh doanh nòng cốt, phân nhánh những hoạt động kinh doanh phụ. Tiếp đến, họ cần những nhà quản lý có nghị lực kinh doanh nếu họ muốn công việc của họ phát triển mạnh.

Những nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn đều bằng lòng với suy nghĩ của tôi rằng văn hóa Nho giáo đã không gây ra sự sụp đổ của họ, nhưng nhược điểm của họ là hệ thống hoạt động kinh doanh phi chính thức và việc không coi trọng mức cổ tức và lãi ròng. Điều này càng tồi tệ hơn bởi họ không có những hệ thống mở và thông suốt, những sân chơi công bằng, thông lệ kế toán tiêu chuẩn quốc tế. Hong Kong và Singapore, cả hai xã hội Nho giáo, đều đã đứng vững trong cơn khủng hoảng tài chính vì cả hai đều có hệ thống pháp luật kiểu Anh, những phương pháp kinh doanh thông suốt, thông lệ kế toán theo tiêu chuẩn quốc tế, đấu thầu công khai và những hợp đồng không thể bỏ ngang được dàn xếp trên những sân chơi công bằng, và những khoản vay ngân hàng vừa sức. Nam Triều Tiên phải chấp nhận những sách lược này. Thông lệ kinh doanh Nam Triều Tiên đã theo thông lệ của Nhật, dựa nhiều vào các mối quan hệ phi chính thức hơn là những quy tắc chính thức và luật pháp. Những nhà lãnh đạo các tập đoàn lớn đã hiểu sự cần thiết phải tái cơ cấu nhưng lại miễn cưỡng từ bỏ quyền lực gia đình trong sự kiểm soát công ty mà họ đã thiết lập trong bốn thập kỷ qua, và trao vận mệnh của các công ty con của họ cho những người quản lý đã quen với việc dành những quyết định kinh doanh cho ngườithành lập.

Sau hội nghị IAC, tôi đã ghé thăm Tổng thống Kim Dae Jung tại Nhà Xanh. Vào giữa tuổi 70, ông ấy có khổ người to lớn và chiều cao cao hơn chiều cao trung bình của người Triều Tiên cùng thế hệ với ông. Ông ta đi khập khiễng, kết quả của một lần bị thương trong một vụ mưu sát năm 1971 – nghe nói là bởi nhân viên mật vụ KCIA. Ông ta nghiêm nghị, thậm chí không vui, thỉnh thoảng mới mỉm cười. Ông ta đã đưa ra hàng loạt các vấn đề, bắt đầu là những mối quan hệ Nam – Bắc. Một cách có phương pháp, ông ta đã trình bày hết những ý tưởng trong đầu. Ông ta muốn một lời phê bình về các chính sách của ông, bắt đầu với “chính sách cởi mở”. Những mục đích của chính sách này là, thứ nhất, ngăn chặn chiến tranh bằng cách duy trì một lập trường răn đe mạnh; thứ hai, thống nhất hai miền Triều Tiên mà không gây tổn hại và đe dọa đến chế độ Bắc Triều Tiên; thứ ba, tạo ra một môi trường mà trong đó hai miền có thể hợp tác về kinh tế và kinh doanh ở mức độ tư nhân.

Tôi nói, để giúp đỡ những người dân Bắc Triều Tiên thay đổi từ bên trong bản chất thì điều có ý nghĩa là phải chuyển giao công nghệ, việc quản lý, phương pháp sản xuất và khuyến khích họ phát triển. Bắc Triều Tiên có thể tự nâng cao mức sống và giảm gánh nặng cho miền Nam. Tuy nhiên, điều này phải được kèm theo với sự tiếp xúc giữa hai miền, đặc biệt là các trao đổi giữa những nhóm chuyên gia cố vấn và các trường đại học, để thay đổi cách nhìn tinh thần của họ.

Sau đó, ông ta yêu cầu tôi đánh giá về những mối quan hệ Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Tôi không tin mối liên kết giữa hai nhà lãnh đạo trước đây như Đặng Tiểu Bình và Kim Il Sung (Kim Nhật Thành) vẫn tồn tại giữa Giang Trạch Dân và Kim Jong Il. Thế hệ ngày xưa đã chiến đấu bên nhau như những đồng đội có cùng mục đích trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Thế hệ những nhà lãnh đạo hiện nay không chia sẻ sự thân thiết đó. Trung Quốc không muốn có chiến tranh hay mất trật tự ở bán đảo Triều Tiên. Điều Trung Quốc muốn là nguyên trạng, sẽ cho phép Nam Triều Tiên tiếp tục đầu tư và buôn bán với Trung Quốc. Trung Quốc cũng không tha thiết với việc hợp nhất giữa hai miền Triều Tiên. Như vậy thì Trung Quốc sẽ mất lá bài Bắc Triều Tiên chống lại Mỹ và Nam Triều Tiên. Kim đã xem xét tỷ mỉ các vấn đề của ông; ông ấy chỉ đơn giản muốn sự xác nhận hoặc phản đối của tôi về các quan điểm của ông ta.

Kim đã gây ấn tượng cho tôi bởi lập trường của ông về Đông Timor. Ông ta nói cuộc khủng hoảng gần đây và kỷ nguyên Internet đã khiến Đông Bắc Á và Đông Nam Á gần gũi nhau hơn. Mặc dù Đông Timor cách xa về mặt địa lý so với Nam Triều Tiên, nhưng cuộc xung đột đã ảnh hưởng gián tiếp đến họ. Tình hình sẽ tốt hơn nếu tất cả các quốc gia ở châu Á có thể liên kết thành một khối, trong phạm vi rộng hơn. Đó là lý do ông đã quyết định gởi quân đến Đông Timor (một tiểu đoàn gồm 420 người), mặc dù phe đối lập trong chính phủ phản đối. Ông còn có một lý do khác là: vào năm 1950, 16 quốc gia đã đến giúp đỡ Nam Triều Tiên và hàng trăm nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Nam Triều Tiên sẽ thiếu trách nhiệm nếu không giúp đỡ Liên Hiệp Quốc ở Đông Timor. Tôi tin việc làm cho Đông Bắc Á và Đông Nam Á hợp thành một khối chỉ là vấn đề thời gian. Nền kinh tế hai vùng này đang ngày càng gắn chặt với nhau hơn.

Giới truyền thông ở Nam Triều Tiên đã trông đợi chúng tôi thảo luận những quan điểm khác nhau về các tiêu chuẩn châu Á (như Nho giáo), và về dân chủ và nhân quyền. Tôi nói với họ rằng chúng tôi không thảo luận chủ đề này; cả hai chúng tôi đều đã ở cuối tuổi bảy mươi và không có khả năng thay đổi quan điểm. Lịch sử sẽ quyết định người nào có hiểu biết hơn về văn hóa Nho giáo.

Tôi đã phát hiện Kim là một người đàn ông đã được tôi luyện qua nhiều cuộc khủng hoảng. Ông ta đã học được cách chế ngự cảm xúc để đạt mục đích cao hơn. KCIA đã bắt giam ông lúc ông ở Nhật, đã tra tấn và có thể đã giết ông nếu không có sự can thiệp của người Mỹ. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 1997, ông đã liên minh với một cựu chỉ huy KCIA, Kim Jong Pil, và đã bổ nhiệm Kim Jong Pil làm Thủ tướng khi ông đắc cử.

Một nguyên nhân quan trọng của những khó khăn về kinh tế, chính trị và xã hội hiện nay ở Nam Triều Tiên là sự chuyển giao từ tình trạng thiết quân luật sang nền chính trị dân chủ tự do diễn ra quá đột ngột. Họ không có sẵn truyền thống thi hành luật pháp để kiểm soát những cuộc họp công khai hoặc những luật lệ quy định cho các nghiệp đoàn cũng như đòi hỏi họ phải bỏ phiếu kín trước khi đình công hoặc tổ chức các cuộc bãi công. Ở Singapore, lúc chúng tôi nắm chính quyền vào năm 1959, người Anh đã để lại một bộ luật phụ dành cho những phạm tội nhỏ, vì vậy khi luật khẩn cấp chấm dứt, chúng tôi đã có những phương tiện khác để ngăn chặn các cuộc phản đối của quần chúng không vượt qua những giới hạn có thể dung thứ và không làm đảo lộn luật pháp, trật tự. Nếu người Nam Triều Tiên dân chủ hóa chậm hơn và trước hết sắp đặt một pháp chế cần thiết để điều chỉnh các cuộc biểu tình và phản đối, thì dân chúng có lẽ sẽ ít thiên về những hoạt động bạo lực trong các cuộc phản đối, đặc biệt là sự đối đầu dữ dội của công nhân và sinh viên với cảnh sát.

Phải có một khoảng thời gian để hồi phục lại khế ước xã hội giữa những nhà lãnh đạo và quần chúng. Họ cần khôi phục lòng tin của quần chúng rằng sẽ có sự công bằng giữa những người thành công và những người ít thành công hơn, giữa những người được giáo dục tốt và những người ít học, giữa các nhà quản lý và người lao động. Trong nỗ lực nhằm đẩy nhanh sự tăng trưởng, những vị tổng thống kế nhiệm đã ban hành một chính sách ưu đãi thưởng cao cho những nhà tư bản công nghiệp, những nhà quản lý và những kỹ sư, nhưng lại chống công nhân, và điều này đã nới rộng khoảng cách giàu nghèo khi GDP tăng. Một khi đã lập lại được một khế ước xã hội mới, người dân Nam Triều Tiên sẽ lại tiến lên mạnh mẽ. Họ là một dân tộc năng động, chăm chỉ, quyết đoán và có năng lực. Nền văn hóa đầy nhiệt huyết đưa họ đến những thành tựu được định hướng.

Sau một số khởi đầu thất bại, cuối cùng, những vị lãnh đạo Nam Triều Tiên và Bắc Triều Tiên đã gặp nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 13/6/2000 tại Bình Nhưỡng. Chương trình truyền hình trực tiếp những cuộc gặp của họ đã làm kinh ngạc người dân Nam Triều Tiên. Nhà lãnh đạo của Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il, đã biểu lộ sự nhiệt tình, vui tính và thân thiện. Một làn sóng hớn hở lan ra trong người dân Nam Triều Tiên. Ngay cả những người hoài nghi nhất cũng bị ấn tượng. Nhưng những nghi ngờ vẫn tồn tại. Đây chẳng phải là con người đã ra lệnh ám sát các bộ trưởng Nam Triều Tiên tại một buổi lễ đặt vòng hoa tưởng niệm tại Rangoon năm 1983 và đặt bom một máy bay Nam Triều Tiên năm 1987 sao?

Trong cùng những ngày này, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Madeleine Albright đã đến thăm Bắc Kinh và Seoul. Tại Seoul, bà tuyên bố quân đội Mỹ sẽ vẫn ở lại Nam Triều Tiên. Nhưng nếu thái độ cởi mở này tiếp tục thì bà hẳn phải tính đến việc miền Bắc thúc giục việc rút quân và miền Nam ủng hộ. Và nếu Bắc Triều Tiên ngừng phát triển tên lửa, thì điều đó sẽ loại bỏ nhu cầu về hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Mỹ, hệ thống này được dùng để đề phòng sự tấn công tên lửa từ Bắc Triều Tiên, chứ không phải Trung Quốc.

Tôi đã gặp chủ tịch Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh vào buổi chiều của cuộc gặp thượng đỉnh Triều Tiên đó. Ông ta đang trong trạng thái hưng phấn, thuật lại chi tiết một cách sung sướng về cú bắt tay của hai nhà lãnh đạo mà ông ấy đã xem trên truyền hình. Giang có nhiều thứ để hài lòng, Kim Jong Il đã thực hiện một cuộc viếng thăm hiếm hoi đến Bắc Kinh để bàn bạc vấn đề đó với ông hai tuần trước khi sự kiện này xảy ra.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx