sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 38 phần 1

38

THIÊN AN MÔN

Tháng 5/1989, cả thế giới đã chứng kiến một tấn kịch kỳ lạ diễn ra ở Bắc Kinh. Nó được truyền hình trực tiếp qua vệ tinh vì giới truyền thông phương Tây đang có mặt rất đông ở đó cùng máy quay sẵn sàng ghi lại cuộc gặp thượng đỉnh Đặng – Gorbachev. Đông đảo sinh viên trong trang phục gọn gàng tập trung tại quảng trường Thiên An Môn trước Đại sảnh đường Nhân dân. Họ mang theo biểu ngữ, áp phích để phản đối nạn tham nhũng, ưu đãi thân tộc và lạm phát. Cảnh sát rất ôn hòa. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương đã lên tiếng khích lệ rằng giới sinh viên muốn Đảng và chính phủ cải cách, và có mục đích tốt. Khi đám đông tăng lên, thì các biểu ngữ và khẩu hiệu càng trở nên mang tính chỉ trích, chống chính phủ gay gắt hơn. Họ bắt đầu tố cáo chính phủ và đích danh Thủ tướng Lý Bằng. Khi chưa có điều gì xảy ra, họ nhắm vào Đặng Tiểu Bình, chế giễu ông ta bằng những vần thơ châm biếm. Khi tôi xem sự kiện này trên truyền hình, tôi cảm thấy rằng cuộc biểu tình này sẽ kết thúc trong nước mắt. Không một vị hoàng đế Trung Quốc nào bị đả kích và chế giễu lại có thể tiếp tục trị vì.

Thiên An Môn là một sự kiện lạ trong lịch sử Trung Hoa. Lý Bằng đang đọc to bản tuyên bố về tình trạng thiết quân luật trên truyền hình. Tôi theo dõi đoạn trích của truyền hình Bắc Kinh được chuyển tiếp bằng vệ tinh qua Hong Kong tới Singapore. Một cảnh tượng sôi nổi xảy ra trước khi tuyên bố tình trạng thiết quân luật là cảnh các đại diện giới sinh viên đang tranh luận gay gắt với Thủ tướng Lý Bằng trước Đại sảnh đường Nhân dân. Họ mặc quần jeans và áo thun ngắn tay. Lý Bằng trong bộ đồ Mao chỉnh tề. Đám sinh viên đã chỉ trích Lý Bằng kịch liệt trong cuộc chạm trán được truyền trực tiếp trên truyền hình đó. Tấn kịch đạt đến đỉnh điểm khi quân lính cố tiến vào quảng trường và bị đẩy lui. Cuối cùng, vào đêm 3/6, xe tăng và ô tô chở lính có vũ trang ùn ùn kéo đến trong lúc cả thế giới đang theo dõitruyền hình. Một vài nhà nghiên cứu qua phân tích chứng liệu đã tin rằng thật sự không có cuộc đọ súng nào xảy ra tại quảng trường Thiên An Môn, mà những cuộc đọ súng chỉ xảy ra khi quân lính hộ tống xe tăng và ô tô chở lính mở đường tiến vào qua các con phố dẫn đến quảng trường. Thật không thể tin được. Quân giải phóng nhân dân đã quay súng chống lại người dân của họ. Tôi cảm thấy buộc phải đưa ra lời phát biểu vào ngày hôm sau, 5/6:

Tôi và các đồng sự trong nội các của tôi bị sốc, kinh hoàng và đau buồn bởi diễn biến đầy thảm khốc của các sự kiện này. Chúng tôi mong đợi chính phủ Trung Quốc áp dụng học thuyết lực lượng tối thiểu khi sử dụng quân đội để dập tắt cuộc bạo loạn của dân chúng. Ngược lại, họ đã dùng hỏa lực và bạo lực gây chết chóc và thương vong. Chúng hoàn toàn không cân xứng với sự chống cự của những thường dân tay không.

Ở Trung Quốc, tầng lớp dân cư nào cũng đông, kể cả lớp người có học, do đó khi họ bất bình với chính phủ thì có nghĩa là rối ren, khi nhân dân phẫn uất với chính phủ thì có nghĩa là mọi cải cách đều đình trệ và kinh tế trì trệ. Trung Quốc với tầm cỡ ấy có thể gây khó khăn cho chính nó và các nước láng giềng của nó ở châu Á.

Chúng tôi hy vọng những lời khuyên sáng suốt hơn sẽ thắng thế để hướng tới hòa giải ngõ hầu nhân dân Trung Quốc có thể tiếp tục sự tiến bộ mà chính sách mở cửa đã mang lại cho họ.

Tôi không lên án họ. Tôi không xem họ là một chế độ cộng sản hà khắc như Liên bang Xô Viết. Trong hai tháng ấy, những cuộc biểu tình của quần chúng kia đã tạo ra tình hình nhất định.

Những phản ứng của các cộng đồng người Hoa ở Hong Kong, Đài Loan và Singapore khác nhau đáng kể. Dân Hong Kong thì đau buồn và khiếp sợ. Họ đã theo dõi tấn thảm kịch được chiếu trên truyền hình hầu như 24 giờ mỗi ngày. Họ coi mình cũng như sinh viên. Một số thanh niên Hong Kong thậm chí còn cắm trại với sinh viên ở quảng trường Thiên An Môn. Đó là thời điểm Trung Quốc khuyến khích các nhà báo và du khách người Hong Kong và Đài Loan đến với Trung Quốc. Khi cuộc bắn giết xảy ra, người Hong Kong rất lo sợ trước viễn cảnh họ sẽ chịu sự kiểm soát của một chính phủ hà khắc như vậy. Đã có những bộc lộ tự phát sự đau khổ và thịnh nộ. Chẳng bao lâu sau những cảnh tượng diễn ra trên truyền hình, cả triệu người đã đổ ra đường. Nhiều ngày qua, họ vẫn tiếp tục những cuộc biểu tình bên ngoài cơ quan Tân Hoa Xã – đại diện không chính thức của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ở Hong Kong. Họ giúp đỡ những người chống đối thoát khỏi đại lục qua Hong Kong để đến phương Tây.

Ở Đài Loan, người ta đau buồn và đồng cảm với các sinh viên nhưng không hề sợ hãi. Không có những cuộc biểu tình phản đối hay đau khổ của quần chúng. Họ đâu có sắp bị Trung Quốc cai trị.

Dân Singapore thì bị sốc. Ít ai tin rằng cần thiết phải dùng đến hỏa lực như thế, nhưng không có ai biểu tình. Người dân biết rằng Trung Quốc là một thể chế khác, một đất nước của cộng sản. Một đoàn đại biểu sinh viên ở các trường đại học đã trao thư phản đối cho tòa đại sứ Trung Quốc.

Đây là một dịp hữu ích vì nó nêu bật sự khác biệt về quan điểm, sự nhận thức và những mối quan hệ về mặt tình cảm của ba nhóm sắc tộc người Hoa, thể hiện những cấp độ về chính trị khác nhau với Trung Quốc cộng sản.

Nếu Đặng không dự phần vào việc ra lệnh cho Quân đội Giải phóng Nhân dân quét sạch Thiên An Môn, hẳn Đặng đã được ca ngợi ở phương Tây khi ông qua đời vào tháng 2/1997. Ngược lại, mỗi bài cáo phó lại bị pha thêm lời chỉ trích gay gắt về vụ đàn áp dã man diễn ra hồi ngày 4/6 và mỗi bản tin truyền hình đều kèm theo hình những cảnh đã diễn ra ở Thiên An Môn. Tôi không biết các sử gia Trung Quốc sẽ đánh giá vai trò của ông ấy ra sao. Với tôi, Đặng là một nhà lãnh đạo vĩ đại, ông ta đã thay đổi vận mệnh của Trung Quốc và của thế giới.

Ông ta là người có đầu óc thực tế và thực dụng, chứ không theo ý thức hệ. Đã hai lần ông bị Mao thanh trừng, nhưng ông đã trở lại nắm quyền để cứu Trung Quốc. 12 năm trước khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, ông đã biết rằng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung là không hiệu quả. Ông mở cửa Trung Quốc, chào đón tự do kinh doanh và tự do thị trường, khởi đầu bằng những đặc khu kinh tế dọc bờ biển. Đặng là nhà lãnh đạo duy nhất ở Trung Quốc có vị thế và sức mạnh chính trị để đảo ngược chính sách của Mao. Cũng như Mao, Đặng đấu tranh để hủy bỏ một Trung Quốc xưa cũ. Nhưng ông đã làm những gì mà Mao không làm. Ông xây dựng nên một Trung Quốc mới, sử dụng tự do kinh doanh và tự do thị trường “mang đặc điểm Trung Quốc”.

Là một cựu binh chiến tranh và cách mạng, ông xem những sinh viên biểu tình tại Thiên An Môn là mối hiểm họa đe dọa đẩy Trung Quốc trở lại tình trạng hỗn độn và bạo loạn, đình đốn thêm 100 năm nữa. Ông đã trải qua một cuộc cách mạng và nhận ra ở Thiên An Môn dấu hiệu ban đầu của một cuộc cách mạng. Không như Đặng, Gorbachev chỉ biết về cách mạng qua sách vở và đã không nhận ra dấu hiệu nguy hiểm của một sự sụp đổ sắp xảy ra của Liên bang Xô Viết.

20 năm sau chính sách mở cửa của Đặng, Trung Quốc đã cho thấy được mọi hứa hẹn trở thành nền kinh tế rất năng động và lớn nhất châu Á. Nếu tránh được sự hỗn loạn và xung đột, cả ở trong nước lẫn quốc tế thì Trung Quốc sẽ trở thành nước có nền kinh tế khổng lồ vào năm 2030. Khi mất đi, Đặng đã để lại cho nhân dân Trung Quốc một di sản khổng lồ đầy hứa hẹn. Nếu như không có ông, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chắc hẳn đã sụp đổ như Liên bang Xô Viết sụp đổ. Nếu Trung Quốc tan rã, giới truyền thông phương Tây hẳn sẽ cảm tình với nhân dân Trung Quốc như họ đã làm với người Nga. Ngược lại, phương Tây phải cân nhắc viễn cảnh về một Trung Hoa hùng mạnh trong 30 đến 50 năm nữa.

Ba tháng sau vụ Thiên An Môn, vào ngày 24/8, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Hồ Bình, người từng tháp tùng tôi trong chuyến tham quan các tỉnh thành vào năm 1988, đã ghé thăm tôi. Thủ tướng Lý Bằng muốn ông ta trình bày ngắn gọn cho tôi biết về biến cố “6–4” (Sự kiện Lục Tứ, dạng nói tắt trong tiếng Hoa; ở Trung Quốc người ta đề cập đến những biến cố lớn bằng tháng và ngày xảy ra biến cố đó). Tình hình bây giờ đã ổn định, song tác động của nó đối với Trung Quốc rất lớn. Trong suốt thời gian từ 40 tới 50 ngày xảy ra cuộc hỗn loạn, Trung Quốc đã không kiểm soát được tình hình. Giới sinh viên đã dùng các vấn đề tham nhũng và lạm phát để tập hợp quần chúng cho mục đích của họ. Cảnh sát thiếu kinh nghiệm đã không xử lý được những cuộc biểu tình như thế vì họ không có vòi rồng phun nước và các thiết bị dẹp loạn khác.

Hồ Bình nói rằng đến đầu tháng 6, các sinh viên đã tự quân sự hóa bằng cách đánh cắp vũ khí và các thiết bị từ Quân đội Giải phóng Nhân dân (Tôi đã không đọc được tin tức này). Vào ngày 20/5, quân lính cố tiến vào quảng trường Thiên An Môn nhưng đã bị cản lại. Họ rút lui và “chấn chỉnh lại”. Ngày 3/6, quân lính bắt đầu cuộc tấn công khác. Một số người được trang bị vũ khí, nhưng nhiều người thì lại không. Tất cả đều nhận được lệnh không nổ súng. Thực ra, những bao đạn của nhiều binh lính chỉ đựng bánh quy. Họ không có đạn cao su. Ngày hôm sau sự kiện ấy, chính ông ta đã đi kiểm tra đường Trường An (con đường của hòa bình vĩnh cửu), đoạn từ nhà bảo tàng quân sự đến nhà khách Diaoyutai, và nhìn thấy xác 15 chiếc xe tăng và thiết giáp đang bốc khói. Binh lính đã hành động rất kiềm chế, họ bỏ lại xe cộ và nã đạn vào không trung. Cơ quan bộ của ông ta ở gần quảng trường và ông đã nhìn thấy đoàn biểu tình hàng triệu người. Thực tế là có đến 10 % nhân viên trong bộ của ông ta và các bộ khác đã tham gia biểu tình. Họ cũng chống tham nhũng và đồng tình với giới sinh viên. Hồ Bình quả quyết rằng thương vong xảy ra khi quân lính cố gắng tiến vào quảng trường Thiên An Môn, chứ không xảy ra trong quảng trường như báo chí nước ngoài đã đưa tin.

Sau đó, doanh nhân nước ngoài và nhân viên người Hoa của họ đã trở lại làm việc. Ông ta tin rằng những người bạn nước ngoài của họ từ từ sẽ hiểu ra. Một số thanh niên Trung Quốc có những mối liên kết với một cơ quan tình báo của một nước phương Tây và đã truyền bá thông tin cũng như quan điểm phương Tây thông qua các thiết bị tối tân. (Tôi nghĩ ông ta muốn nói máy fax). Mặc dù các nước phương Tây hiện đang áp đặt những biện pháp trừng phạt, nhưng Trung Quốc không bao giờ cho phép nước ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của mình. Tuy nhiên hầu hết các quốc gia này, kể cả các ngân hàng quốc tế đã không tiến hành thêm những biện pháp trừng phạt. Các cuộc tiếp xúc đã được khôi phục. Ông ta hy vọng mối quan hệ song phương Singapore – Trung Quốc sẽ được duy trì tốt bởi vì cả hai bên đều có nền tảng vững chắc.

“Lục – Tứ” là một cú sốc với tôi và nhân dân Singapore, tôi đáp. Chúng tôi không mong nhìn thấy việc sử dụng vũ lực và hỏa lực khủng khiếp như thế. Chúng tôi đã quen nhìn thấy trên truyền hình, hầu như hằng đêm, các cuộc đụng độ giữa cảnh sát, công nhân và sinh viên Hàn Quốc với nhau, những cảnh sát Nam Phi da trắng đánh đập người da đen, và lính Israel dùng hơi cay, đạn cao su và vũ khí khác đánh lại dân Palestin, thi thoảng một hoặc hai người thiệt mạng; nhưng xe tăng và thiết giáp thì chưa bao giờ được dùng đến. Người Singapore không thể tin được những gì họ nhìn thấy – một chính phủ Trung Quốc hồi tháng 5 còn rất tỉnh táo, kiên trì và khoan dung bỗng trở nên tàn bạo, dùng xe tăng tấn công thường dân. Người Singapore, đặc biệt là người Hoa không thể hiểu được vấn đề này và cảm thấy vô cùng xấu hổ cho những hành động phản văn minh như vậy. Điều đó đã gây ra những vết thương nặng về mặt tinh thần.

Trung Quốc phải giải thích cho Singapore và thế giới biết tại sao cần phải dập tắt các cuộc biểu tình bằng cách đó mà không phải bằng cách khác. Chỉ qua một đêm mà đã chuyển từ “mềm” sang “cứng” thì không thể nào giải thích được, vấn đề thực sự của Trung Quốc không phải là với các quốc gia ở Đông Nam Á – những nước không có của cải cũng không có công nghệ để giúp Trung Quốc hiện đại hóa. Vấn đề của Trung Quốc là với Mỹ, Nhật và châu Âu. Đặc biệt là Mỹ, thông qua Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, đã đáp lại Trung Quốc theo chiều hướng tốt. Trung Quốc phải xóa đi ấn tượng xấu mà họ đã tạo ra trước đây. Tôi gợi ý họ nên nhờ một cơ quan ngoại vụ nào đó của Mỹ giúp họ thực hiện nhiệm vụ này. Người Mỹ là những người nhạy cảm. Vô tuyến truyền hình có ảnh hưởng rất lớn đến họ. Các thượng nghị sĩ và thành viên của Quốc hội kiểm soát tổng thống và tiền bạc; Trung Quốc phải thật quan tâm tới họ. May mắn cho Trung Quốc, Tổng thống Bush đã từng sống ở Trung Quốc nhiều năm và hiểu Trung Quốc hơn phần lớn những người Mỹ khác. Ông ta đã và đang nỗ lực trấn an Quốc hội.

Tôi cảnh báo rằng nếu Trung Quốc chấm dứt việc gởi sinh viên ra nước ngoài do có thêm những khó khăn mà sinh viên đã gây ra qua việc truyền những ý tưởng của họ cho bạn bè ở Bắc Kinh, thì Trung Quốc sẽ tự tách mình ra khỏi thế giới của kiến thức và công nghệ. Khi đó sự tổn thất là không thể tính được.

Hồ Bình đảm bảo với tôi rằng chính sách của họ về vấn đề sinh viên và về việc mở cửa sẽ không thay đổi. Nhiều doanh nhân Đài Loan đang đến đầu tư. Chính sách của họ đối với Hong Kong và Đài Loan cũng không thay đổi. Tuy nhiên tình hình ở Hong Kong lại phức tạp hơn, ông ta nói. Các khẩu hiệu mà người ta tạo ra ở Hong Kong đã thay đổi từ “Người Hong Kong cai trị Hong Kong” sang “Người Hong Kong cứu lấy Hong Kong”. Ông ta đã không đề cập đến nỗi lo sợ tuôn trào và sự đồng cảm lớn của cả triệu người dân Hong Kong tuần hành trên đường phố phản đối sự kiện Lục – Tứ.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx