sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 39 phần 1

39

TRUNG QUỐC: LÀM GIÀU LÀ VINH QUANG

Đặng Tiểu Bình tiếp tục chuyến công du được quảng bá rầm rộ ở miền Nam Trung Quốc vào tháng 2/1992. Tại Thẩm Quyến, ông ta nói rằng trong hai mươi năm nữa Quảng Đông nên bắt kịp bốn con rồng châu Á (Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan) không chỉ về mặt kinh tế mà còn về trật tự và môi trường xã hội nữa. Trung Quốc nên làm tốt hơn những quốc gia trên về các vấn đề này. Chỉ khi đó, đất nước này mới có những đặc điểm riêng biệt của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc. Đặng nói tiếp: “Ở Singapore, trật tự xã hội tốt. Họ cai trị đất nước bằng kỷ luật. Chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm của họ và thậm chí phải làm tốt hơn họ.” Ở Trung Quốc, lời ca ngợi của Đặng là tiêu chí cao nhất về những gì là tốt đẹp.

Vào năm 1978 ở Singapore, tôi đã nói với Đặng trong bữa tối rằng chúng tôi, những người Singapore gốc Hoa là hậu duệ của những nông dân không đất đai mù chữ đến từ các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến miền Nam Trung Quốc, trong khi đó những người học rộng, quan lại và giới trí thức đã ở lại và để lại dòng dõi của họ ở Trung Quốc. Không có việc gì Singapore làm được mà Trung Quốc không thể làm được, và thậm chí còn làm tốt hơn là khác. Lúc đó ông ta im lặng. Khi tôi đọc được rằng ông ta kêu gọi người dân Trung Quốc hãy làm tốt hơn Singapore, tôi hiểu ông ta đã chấp nhận thử thách mà tôi lặng lẽ đặt cho ông ta vào cái đêm 14 năm về trước đó.

Sau khi được sự cho phép của Đặng, hàng trăm đoàn đại biểu, đa phần là không chính thức trang bị băng hình, máy quay phim và sổ ghi chép đến từ Trung Quốc để học hỏi kinh nghiệm ở chúng tôi. Singapore bị đem ra mổ xẻ dưới sự cho phép của vị lãnh tụ tối cao của họ. Họ đã đặt chúng tôi dưới ống kính hiển vi và nghiên cứu những thành phần khu vực mà họ cho là thu hút và mong muốn mô phỏng trong các thành phố của họ. Tôi tự hỏi không biết các đối thủ cộng sản trong những năm 60 của tôi như Plen, lãnh tụ Đảng Cộng sản Malaya ở Singapore và Lim Chin Siong, lãnh tụ Mặt trận Cộng sản Thống nhất sẽ nói gì. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từng là nguồn cảm hứng của họ mà.

Các lãnh đạo Trung Quốc khổ sở vì “tình trạng ô nhiễm xã hội” như nạn mại dâm, sách báo khiêu dâm, ma túy, cờ bạc và tội ác đang tăng nhanh ở những đặc khu kinh tế. Những người theo chủ nghĩa ý thức hệ thuần túy đã chỉ trích tính đúng đắn của chính sách mở cửa. Phản hồi của Đặng rằng khi cánh cửa sổ được mở ra, cùng với luồng không khí trong lành nhất định sẽ có một vài con ruồi nhặng bay vào, song có thể đối phó chúng được.

Ngay sau bài phát biểu của ông Đặng, người đứng đầu Cục Hợp tác Quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hỏi viên Đại sứ của chúng tôi ở Bắc Kinh rằng liệu chúng tôi có thể vắn tắt cho họ nghe về cách “làm thế nào chúng tôi duy trì được những tiêu chuẩn đạo đức và kỷ cương xã hội vững vàng như vậy”. Cụ thể, họ muốn biết “Phải chăng Singapore đã trải qua những mâu thuẫn trong quá trình tiếp nhận nền công nghệ phương Tây vốn cần cho sự phát triển kinh tế, và làm thế nào duy trì được tính ổn định xã hội”. Họ đã quan sát chúng tôi trong vài năm. Các bài tường thuật của giới truyền thông của họ ca ngợi Singapore về mặt cơ sở hạ tầng, tình trạng nhà ở, sự sạch sẽ, trật tự, xanh tươi, sự ổn định và hòa hợp xã hội cũng như tính cách lịch sự của người dân Singapore.

Một phái đoàn do thứ trưởng về tuyên truyền Từ Vệ Thành dẫn đầu đến dự một đợt hướng dẫn trong 10 ngày. Gọi “thứ trưởng tuyên truyền” là không đúng, thật ra ông ta là thứ trưởng về ý thức hệ. Chúng tôi giải thích sự tin tưởng của mình rằng việc kiểm soát xã hội không chỉ phụ thuộc vào kỷ cương. Người dân phải có một cuộc sống tử tế với nhà cửa hợp lý và những tiện nghi xã hội nếu như họ muốn hướng đến đời sống đạo đức và chính trực. Họ phải chấp nhận những nguyên tắc cơ bản của hệ thống chính quyền của chúng tôi, chẳng hạn như tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm giúp cảnh sát ngăn chặn và điều tra tội phạm.

Phái đoàn này đến tham quan mọi ban, ngành có liên quan đến trật tự xã hội như sở cảnh sát (đặc biệt là những bộ phận giải quyết các vấn đề ma túy, mại dâm và cờ bạc); những cơ quan chịu trách nhiệm kiểm duyệt những băng video, phim ảnh, sách báo, tạp chí đồi trụy; đến các cơ quan báo chí và đài phát thanh, truyền hình để tìm hiểu về vai trò của họ trong việc truyền thông và giáo dục công chúng; và các cơ quan NTUC cùng Hiệp hội quần chúng nhằm tìm hiểu những cơ cấu chăm lo quyền lợi người lao động.

Tôi gặp Từ vào cuối chuyến viếng thăm của anh ta. Anh ta cho tôi biết anh ta quan tâm đến cách chúng tôi sử dụng thị trường tự do để nhanh chóng đạt được sự tăng trưởng kinh tế; đến cách chúng tôi pha trộn văn hóa Đông – Tây khi tiếp thu khoa học và công nghệ phương Tây; và quan trọng hơn hết là cách chúng tôi đã gìn giữ được sự hài hòa sắc tộc. Phái đoàn của anh ta chịu trách nhiệm về ý thức hệ và muốn học hỏi cách trừ tiệt những vấn nạn xã hội.

Chúng tôi đã thẳng thắn nói về những vấn đề mà chúng tôi không thể giải quyết được, chẳng hạn như nạn mại dâm, cờ bạc, ma túy và rượu chè chỉ có thể kiểm soát chứ không thể trừ tiệt được. Lịch sử là một thành phố cảng của Singapore đồng nghĩa với nạn mại dâm phải được kiểm soát và kìm hãm ở một số khu vực nhất định trong thành phố, nơi những phụ nữ này phải được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Cờ bạc thì không thể cấm hoạt động được bởi nó là một cơn nghiện mà những di dân người Hoa đã mang theo bên mình đến bất cứ nơi nào họ định cư. Song chúng tôi đã loại bỏ được những Hội Tam Hoàng hay những tổ chức bí mật và giải tán các băng đảng tội phạm có tổ chức.

Còn về nạn tham nhũng, Từ bày tỏ mối nghi ngại liệu có những cơ quan giống như Cơ quan Điều tra chống tham nhũng và Cục thương vụ Singapore có thể đối phó được “vấn nạn” lớn này trong một xã hội như xã hội Trung Quốc không, nơi màguanxi (những mối quan hệ cá nhân) rất phổ biến. Ở Trung Quốc định nghĩa tham nhũng rất khác. Hơn nữa – ông ta nhấn mạnh – Đảng là tối cao và các đảng viên chỉ có thể bị kỷ luật nội bộ trong Đảng (Điều này có nghĩa là khoảng chừng 60 triệu đảng viên không phải là đối tượng của điều luật thông thường trên đất nước Trung Quốc. Kể từ lúc đó đã có một vài nhà hoạt động xã hội lâu năm của đảng bị kết án tử hình về tội buôn lậu, còn những người khác bị tù dài hạn vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, các lãnh đạo Đảng có thể can thiệp và thay đổi hoàn toàn những quyết định của tòa án). Từ nói rằng không phải mọi phương pháp của Singapore đều có thể sao chép được vì thể chế của Trung Quốc rất khác với Singapore. Có lẽ những thành phố mới, nhỏ giống như Thẩm Quyến có thể đi theo kinh nghiệm của Singapore một cách hữu ích. Trung Quốc sẽ luôn duy trì chủ nghĩa xã hội. Phương cách duy nhất của họ là thử nghiệm các chính sách ở từng thời điểm một, vì không giống như Singapore, Trung Quốc phải áp dụng các chính sách của họ cho những điều kiện khác nhau ở 30 tỉnh thành.

Ông ta bị ấn tượng mạnh bởi nền hành chính rõ ràng và hiệu quả của chúng tôi. Làm thế nào chúng tôi gìn giữ được những giá trị đạo đức và xã hội của nhân dân? Tôi đáp lại rằng tất cả những gì chúng tôi làm là tăng cường củng cố những tài sản văn hóa vốn có của người dân, những giá trị mà họ kế thừa và ý thức về những điều thiện, ác của họ. Những phẩm hạnh nho giáo như hiếu thảo với cha mẹ, lương thiện và chính trực, cần kiệm, trung thực với bè bạn và trung thành với đất nước là những hỗ trợ quan trọng cho hệ thống pháp lý. Chúng tôi củng cố những giá trị truyền thống bằng cách tưởng thưởng cho hành động cư xử phù hợp với những giá trị này và trừng phạt cách cư xử ngược lại. Đồng thời chúng tôi bắt tay vào việc xóa bỏ những thói hư tật xấu như dung túng, thiên vị và tham nhũng vốn là mặt trái trong đạo Khổng của người Hoa, đạo giáo này bắt buộc mọi người phải giúp đỡ gia đình mình. Singapore là một xã hội chen chúc và những nhà lãnh đạo đất nước phải làm gương với phẩm cách trung thực và liêm khiết. Chúng tôi xem đó là điều tối quan trọng để người dân cảm thấy tin tưởng rằng chính phủ sẽ không lừa gạt hay làm hại họ. Rồi cho dù những chính sách của nhà nước không hợp lòng dân đi chăng nữa, thì người dân cũng thừa nhận rằng chúng không phải là kết quả của sự vô đạo đức, dung túng và tham nhũng.

Từ thắc mắc một chính phủ nên đối phó với những ảnh hưởng bên ngoài vốn thay đổi thể chế trong nước của một quốc gia ra sao. Tôi nói rằng vấn đề không phải ở các thế lực bên ngoài can thiệp trực tiếp vào những chính sách trong nước của chúng tôi, mà chỉ là những can thiệp gián tiếp và ngầm thông qua giới truyền thông của họ, cũng như qua việc giao tiếp cá nhân làm ảnh hưởng và thay đổi quan điểm cũng như cách cư xử của người dân. Vấn đề này sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát bởi vì công nghệ truyền thông qua vệ tinh ngày càng tiến bộ. Chúng tôi chỉ có thể giảm bớt tác hại cho cơ cấu xã hội bằng cách nhấn mạnh và củng cố những giá trị truyền thống của dân tộc. Tôi nghĩ gia đình có ảnh hưởng lớn nhất về mặt giá trị đạo đức đối với một đứa trẻ trong 12 đến 15 năm đầu đời của nó. Những giá trị đạo đức lành mạnh nếu sớm in sâu trong đời thì sau này có thể cưỡng lại được những ảnh hưởng và áp lực đối ngược lại. Nếu những vị linh mục Thiên chúa giáo La Mã được giao phó dạy dỗ một đứa trẻ trong 12 năm đầu đời của nó thì thường có thể tin chắc rằng đứa trẻ sẽ luôn mang chất Thiên chúa giáo trong mình cả cuộc đời.

Khi phái đoàn này trở về Trung Quốc, những báo cáo của họ được truyền bá dưới hình thức “Bản tin tham khảo” và được các đảng viên xem xét. Trong một ấn bản tường trình về Singapore, Từ trích dẫn những gì ông ta coi là đường lối của tôi: “Cần có những nỗ lực lâu dài để quản lý tốt một đất nước, cũng như thay đổi những thói quen lạc hậu của người dân; cần có một số áp lực ban đầu nhất định về mặt thể chế, nhưng quan trọng nhất vẫn là giáo dục.” Một năm sau đó tôi sang thăm Bắc Kinh, Lý Nhuệ Hoàn, ủy viên Bộ chính trị phụ trách tư tưởng, văn hóa cho tôi biết rằng ông ta đã mở đầu sứ mệnh học hỏi. Ông ta đã đến thăm Singapore khi còn là thị trưởng thành phố Thiên Tân và cho rằng đáng để học hỏi.

Một lĩnh vực khác mà họ quan tâm là hệ thống luật pháp của chúng tôi. Tiêu Thế, Chủ tịch ủy ban thường trực Hội đồng dân tộc và là một nhà lãnh đạo đứng hàng thứ ba của Trung Quốc chuyên về việc ổn định pháp chế cơ bản nhằm lập ra đạo luật. Ông ta đã sang thăm Singapore hồi tháng 7/1993 để nghiên cứu những luật lệ của chúng tôi. Ông ta nói các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã hủy bỏ tất cả những luật lệ cũ khi họ tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 1/10/1949. Về sau, họ cai trị bằng sắc lệnh. Chính sách của Đảng, thay cho pháp luật. Chỉ sau khi có chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình, họ mới nhận thấy cần phải có pháp luật để điều hành những mối quan hệ thương mại. Tiêu Thế nói không quốc gia nào muốn hợp tác với Trung Quốc nếu Trung Quốc bị đánh giá là bất ổn và rạn nứt. Trung Quốc cần có những đạo luật để duy trì sự ổn định lâu dài. Tôi nói Trung Quốc nên thành lập một hệ thống pháp luật trong 20 hay 30 năm, nhưng để người dân đồng lòng chấp nhận luật pháp và thi hành đúng luật thì cần có thời gian lâu hơn. Ông ta đáp lại rằng không phải ai cũng phải hiểu biết luật. Miễn là những người lãnh đạo thi hành thì luật pháp sẽ hoạt động. Ông ta tạo ấn tượng là một người nghiêm túc và suy nghĩ kỹ những vấn đề của mình.

Trung Quốc dưới thời ông Đặng cởi mở và sẵn sàng học hỏi thế giới hơn so với trước đó. Trong hàng ngũ Đảng và chính phủ, ông Đặng là người can đảm và có nghị lực khi thẳng thắn công nhận Trung Quốc đã bỏ phí nhiều năm để theo đuổi một cuộc cách mạng không tưởng. Đây là thời điểm dễ chịu cho những suy nghĩ cởi mở và sự phát triển năng nổ, một sự thay đổi triệt để sau những năm dài với những khẩu hiệu hoang đường và những chiến dịch tai hại. Ông Đặng bắt đầu những thay đổi mang tính cơ bản giúp Trung Quốc bắt kịp những nước còn lại trên thế giới.

Vào tháng 9/1992, cùng với Phó Thủ tướng Ong Teng Cheong, tôi sang thăm Tô Châu, thành Venice của Trung Quốc. Thành phố này đang trong tình trạng đổ nát với những kênh đào dơ bẩn và ô nhiễm. Thế nhưng ý tưởng phát triển lại Tô Châu, biến nó thành một thành phố đẹp và xây dựng một khu công nghiệp và thương mại lân cận đã thôi thúc chúng tôi. Tô Châu có những khu vườn Trung Quốc đẹp bao quanh những tòa biệt thự với mỗi cửa sổ và hành lang đều trông ra những khu vườn đầy đá, nước và cây cảnh. Những tàn tích vương giả xưa vẫn còn được nhìn thấy ở những dinh thự đã được phục hồi.

Một hôm, sau bữa ăn trưa, thị trưởng Tô Châu Trương Tân Sinh kéo tôi sang một bên và nói:

“Singapore có 50 tỷ đôla Mỹ trong ngân khố dự trữ.”

“Ai nói với anh vậy?” tôi hỏi lại. Ông ta đã đọc được điều đó trong các báo cáo của Ngân hàng Thế giới. Ông ta thêm vào: “Tại sao các ông không đầu tư 10 % số đó vào Tô Châu? Các ông sẽ công nghiệp hóa Tô Châu giống như Singapore chứ? Tôi sẽ bảo đảm đối xử đặc biệt để cho những nhà đầu tư của các ông đạt thắng lợi.”

Tôi đáp: ”Những thị trưởng có năng lực và nhiệt huyết sẽ thăng tiến nhanh; rồi sau đó thì sao?”

Ông ta ngừng một lát rồi đáp: ”Vâng, các ông có thể sẽ gặp rắc rối với người kế nhiệm tôi, nhưng anh ta cũng không còn lựa chọn nào ngoại trừ đi theo con đường mà tôi đã vạch ra. Người dân Tô Châu muốn những gì họ đã nhìn thấy về Singapore trên ti–vi và báo chí, chẳng hạn như việc làm, nhà ở và thành phố vườn.”

Tôi đáp lại: ”Các anh không có thẩm quyền cho chúng tôi một địa điểm tốt để chúng tôi có thể xây dựng một Singapore thu nhỏ trên đó. Các anh cần sự cho phép của chính quyền trung ương để làm điều đó.”

Tôi không suy nghĩ về vấn đề này nữa. Tháng 12 năm đó, ông ta xuất hiện ở văn phòng tôi để nói rằng ông ta đã đệ trình kiến nghị của ông ta lên Đặng Tiểu Bình. Cơ hội phê duyệt rất khả quan. Tôi có thể trình bày kiến nghị đó thành một bản kế hoạch được không? Ông ta thân với con trai Đặng Tiểu Bình là Đặng Bất Phong. Thế nên Ong Teng Cheong đã tạo một vài ấn tượng nghệ thuật về những gì mà Tô Châu cổ kính có thể mang lại sau khi phục hồi, cộng với một thị trấn công nghiệp hiện đại lân cận. Sau đó vài tháng, khi Đặng Bất Phong sang thăm Singapore, tôi đã cho anh ta xem những kế hoạch phác thảo thành phố sau khi được phục hồi cùng với thị trấn công nghiệp mới lân cận. Anh ta rất năng nổ. Ảnh hưởng của anh ta thông qua chức vụ của bố anh ta đã làm cho dự án này tiến thêm một bước. Khi Thủ tướng Goh sang thăm Bắc Kinh vào tháng 4, ông đã bàn thảo đề xuất này với Thủ tướng Lý Bằng và Giang Trạch Dân.

Vào tháng 5/1993, tôi gặp Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ ở Thượng Hải. Trước đây tôi đã viết cho ông ta về dự án Tô Châu. Tôi giải thích đề nghị hợp tác của mình, đó là một hiệp ước hỗ trợ kỹ thuật giữa chính phủ với chính phủ nhằm chuyển giao kiến thức và kinh nghiệm (mà chúng tôi gọi là “phần mềm”) trong việc thu hút đầu tư và xây dựng các khu công nghiệp, cộng thêm các khu dân cư và trung tâm thương mại cho một địa điểm chưa xây dựng khoảng chừng 100 kilômét vuông ở Tô Châu. Dự án này sẽ được một tập đoàn tài chính thương mạiSingapore và các công ty nước ngoài liên doanh với nhà cầm quyền Tô Châu hỗ trợ. Mất khoảng 20 năm để hoàn thành dự án này và sẽ có những khó khăn khi áp dụng những phương pháp của chúng tôi vào những điều kiện khác biệt của Trung Quốc.

Thoạt đầu, Chu nghĩ rằng đề nghị của tôi là một ý tưởng kiếm tiền khác của các nhà đầu tư của chúng tôi. Tôi giải thích rằng đề xuất của tôi nhằm để đáp lại nhiều phái đoàn từ Trung Quốc đến Singapore để học hỏi chúng tôi theo cách thức từng phần một, rnà sẽ không bao giờ hiểu được cách vận hành toàn bộ hệ thống của chúng tôi. Khi những nhà quản lý Singapore và Trung Quốc cùng làm việc bên nhau, chúng tôi có thể trao đổi những phương pháp, hệ thống và kiến thức của chúng tôi. Chu cũng cho rằng rất đáng thử nghiệm. Ông ta còn lưu ý rằng Tô Châu đã mở đường đến Trường Giang và gần Thượng Hải (90 km hay khoảng 56 dặm về phía Tây) vốn là trung tâm quốc tế lớn nhất Trung Quốc.

Bốn ngày sau, tôi gặp Phó Thủ tướng mới được đề bạt là Lý Thành ở Bắc Kinh. Ông ta đến từ tỉnh Giang Tây, sinh trưởng ở một thị trấn không xa Tô Châu. Ông ta hoàn toàn ủng hộ dự án này bởi lẽ Tô Châu có những người dân có trình độ và có thể tiếp thu cũng như áp dụng kinh nghiệm của Singapore. Lý nói sự hợp tác Singapore – Trung Quốc có những mặt thuận lợi là có cùng nền văn hóa, truyền thống và ngôn ngữ. Là một người thực tiễn, ông công nhận rằng dự án này cần phải đứng vững về mặt kinh tế và sinh lợi đáng kể. Khi ông ta còn là Phó Thị trưởng Thiên Tân, nguyên tắc cơ bản về việc hợp tác của ông ta là ”công bằng và cả hai cùng có lợi”.

Vào tháng 10/1993, Bắc Kinh đã gửi hai phái đoàn đến nghiên cứu hệ thống của Singapore, một phái đoàn của hội đồng chính phủ, còn phái đoàn kia là của tỉnh Giang Tây. Chỉ sau khi họ công nhận những thành phần trong hệ thống của chúng tôi phù hợp với Trung Quốc, họ mới tán thành công cuộc “chuyển giao phần mềm” này.

Vào tháng 2/1994, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Lý Bằng và Thủ tướng Goh, tôi ký hiệp ước Tô Châu với Phó Thủ tướng Lý Thành ở Bắc Kinh. Tôi gặp Giang Trạch Dân để khẳng định rằng công trình ở Tô Châu sẽ sớm khởi công, nhưng sẽ mất hơn 10 năm để đạt được sự phát triển đáng kể. Thành phố Công nghiệp Jurong ở Singapore chỉ với 60 kilômét vuông mà chúng tôi phải mất 30 năm.

Dự án Khu Công nghiệp Tô Châu (Suzhou Industrial Park –SIP) đã cất cánh với sự hăm hở của cả hai phía, nhưng chúng tôi sớm gặp phải những khó khăn. Đã xảy ra một sự bất đồng về mục tiêu giữa trung ương (Bắc Kinh) và địa phương (Tô Châu). Các lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh hiểu rằng bản chất của dự án là sự chuyển giao kiến thức của chúng tôi về phương cách hoạch định, xây dựng và quản lý một khu công nghiệp, thương mại và dân cư tổng thể vốn có thể thu hút những nhà đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Các quan chức Tô Châu đã đi chệch khỏi mục tiêu chính này và bị lạc lối bởi những nguồn lợi thiển cận. Chúng tôi muốn chỉ cho họ cách thức mà Singapore đã làm, chú trọng vào kỷ cương tài chính, việc quy hoạch tổng thể dài hạn và dịch vụ liên tục cho những nhà đầu tư. Đó chính là phần mềm của chúng tôi. Họ muốn “phần cứng” như nhà cửa, đường sá, cơ sở hạ tầng mà chúng tôi có thể xây dựng và những đầu tư giá trị cao mà chúng tôi có thể thu hút bằng những quan hệ và uy tín toàn cầu của chúng tôi. Họ không chú trọng vào việc học và tạo ra một môi trường kinh doanh nhà nghề; cũng như không chọnnhững quan chức đầy hứa hẹn được đào tạo để thay thế chúng tôi. “Phần cứng” mang lại trực tiếp và ngay tức thì những lợi ích cho Tô Châu và công trạng cho các cán bộ của họ; Bắc Kinh muốn “phần mềm” nhằm mở rộng những nguồn lợi của Tô Châu ra các thành phố khác thông qua việc áp dụng những thực tiễn kinh doanh nhà nghề của Singapore.

Thay vì trao cho SIP sự quan tâm và hợp tác hoàn toàn như đã hứa hẹn, họ dùng mối liên kết với Singapore để đẩy mạnh khu công nghiệp riêng là khu quận mới Tô Châu (Suzhou New District – SND) do họ kiểm soát, chào giá đất đai và cơ sở hạ tầng thấp hơn SIP. Điều này làm cho SIP ít hấp dẫn hơn SND. Rất may là nhiều công ty đa quốc gia (MNC) lớn đánh giá cao sự liên doanh của chúng tôi và chọn SIP mặc dù chi phí đất đai cao hơn. Nhờ vậy, tuy khó khăn, SIP đã thực hiện được những tiến bộ đáng kể và trong vòng ba năm đã thu hút hơn 100 dự án với tổng giá trị đầu tư xấp xỉ 3 tỷ USD. SIP đứng đầu Trung Quốc về giá trị bình quân của mỗi dự án đầu tư. Những dự án này sẽ tạo ra hơn 20.000 việc làm, 35 % số việc làm này sẽ dành cho những người có trình độ đại học. Chủ tịch Cơ quan đặc khu kinh tế bình luận rằng: “Chỉ trong ba năm từ lúc khởi công, tốc độ phát triển của SIP và tiêu chuẩn chung thuộc vào hạng nhất Trung Quốc”.

Tiến bộ này được thực hiện trong sự đương đầu với khó khăn đang gia tăng. Sự ganh đua giữa SND và SIP làm các nhà đầu tư triển vọng bối rối và làm chệch mối quan tâm của các quan chức Tô Châu ra khỏi mục tiêu chuyển giao phần mềm. Những sự việc này dẫn đến tình trạng căng thẳng giữa năm 1997, khi Phó Thị trưởng Tô Châu và cũng là người điều hành SND phát biểu tại một cuộc gặp gỡ với những nhà đầu tư Đức ở Hamburg rằng Chủ tịch Giang không ủng hộ SIP, rằng họ hoan nghênh SND và không cần đến Singapore. Điều này đã làm cho uy tín chúng tôi lung lay. Chúng tôi đã bỏ ra quá nhiều thời gian, năng lực và tiền của để đấu tranh với chính quyền địa phương.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx