sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bí quyết hóa rồng - Lịch sử Singapore 1965 - 2000 - Phần 2 - Chương 38 phần 3

Gần kết thúc hai tuần viếng thăm, Giang Trạch Dân nhìn vào mắt Ng Pock Too và nói: “Ông đã không cho tôi biết về tất cả mọi chuyện. Ông hẳn phải có một điều bí mật. Ở Trung Quốc đất đai rẻ hơn, nước rẻ hơn, điện rẻ hơn và nhân công rẻ hơn. Thế nhưng các ông thu hút được nhiều nguồn đầu tư, còn chúng tôi thì không. Vậy bí quyết của các ông là gì?” Bị bối rối, Ng Pock too giải thích về tầm quan trọng chính yếu của niềm tin chính trị và năng suất kinh tế. Ông ta lôi ra bản photo danh mục chỉ số rủi ro trong môi trường kinh doanh (BERI) và chỉ ra thứ hạng 1A của Singapore trong bảng phân loại gồm ba bậc từ 1A đến 3C. Trung Quốc thậm chí không được đưa vào trong bảng phân loại này. Singapore an toàn và được các nhà đầu tư ưa thích là nhờ vào an toàn về chính trị, kinh tế và các nhân tố khác. Không có nguy cơ bị tịch thu sung công. Công nhân của chúng tôi siêng năng và có năng suất. Hiếm khi xảy ra các cuộc đình công. Đồng tiền của chúng tôi có giá trị chuyển đổi. Ông ta đọc qua những đánh giá trên tờ BERI. Giang Trạch Dân chưa hoàn toàn tin, vì vậy Ng Pock Too đưa cho Giang Trạch Dân tờ BERI đem về nhà. Họ có một cuộc bàn thảo tóm tắt trong căn phòng khách sạn nhỏ của Giang Trạch Dân trước khi ra sân bay. Cuối cùng Giang Trạch Dân nói ông ta đã hiểu bí quyết kỳ diệu đó, rằng EDB có “bí quyết độc đáo trong rao bán niềm tin”. Ng Pock Too kết luận: “Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng ông ta sẽ là nhân vật số một ở Trung Quốc, ông ta quá dễ thương.”

Sự tiếp xúc trực tiếp giữa chúng tôi với nhau diễn ra tốt đẹp. Giang Trạch Dân thích giao lưu. Tôi thì cởi mở và bộc trực. Ngược với Lý Bằng tôi phải cẩn thận, thậm chí cả khi nói đùa, Giang Trạch Dân hiểu tôi có thiện ý và không tự ái. Ông ta có một thói quen rất không Trung Hoa là nắm tay của khách và nhìn vào mắt người ấy một cách tha thiết như chờ đợi khi ông ta đưa ra một câu hỏi trực tiếp. Đôi mắt của ông ta là máy dò nói dối. Tôi nghĩ hẳn ông ta hài lòng rằng tôi đã không lẩn tránh khi ông ta hỏi một số câu hỏi thăm dò về Đài Loan, Mỹ, phương Tây và cả về Trung Quốc.

Sự tiếp xúc trực tiếp giữa chúng tôi quả có tác dụng quan trọng đối với thái độ thoải mái trong việc giải quyết những vấn đề khó khăn và nhạy cảm. Tôi đã không thể trò chuyện thoải mái với Hoa Quốc Phong hay Lý Bằng như với Giang Trạch Dân. Cũng có thể thoải mái với Triệu Tử Dương, nhưng không thoải mái như với Giang Trạch Dân.

Nhiều người, trong đó có tôi, đánh giá thấp khả năng duy trì quyền lực của Giang Trạch Dân, vì tính cách thân mật vui vẻ và sở thích trích dẫn thơ văn của ông ta mỗi khi có cơ hội. Song trong ông hẳn phải là một người đấu tranh không nhượng bộ, điều mà các đối thủ của ông đã khám phá và thấy không có lợi cho họ khi họ cản trở ông. Không có vấn đề gì nghi vấn về phẩm chất trung thực và lòng tận tụy của ông đối với sự nghiệp cao cả mà Đặng Tiểu Bình đã giao phó cho ông là tiếp tục thực hiện công cuộc hiện đại hóa, biến Trung Quốc thành một xã hội công nghiệp phồn vinh với “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”. Ông ta giải thích cho tôi một hồi về ý nghĩa của nó, rằng Trung Quốc phải có một nền kinh tế khác với nền kinh tế thị trường tự do của phương Tây vì người dân Trung Quốc là những người theo chủ nghĩa xã hội.

Hai năm sau, khi tôi gặp lại Giang Trạch Dân vào tháng 10/1992, một vài tuần trước khi diễn ra cuộc bầu cử ở Mỹ, chúng tôi trao đổi về tình hình quốc tế. Tôi gợi ý Trung Quốc nên tranh thủ thời gian cho mình nếu Clinton thắng cử. Ông ta nên cho Clinton cơ hội để vận động và thực hiện một sự đảo ngược đối với một số chính sách của ông ta, chẳng hạn như quy chế tối huệ quốc cho Trung Quốc, nhằm tránh một sự đối đầu gay gắt. Một vị tân tổng thống trẻ tuổi đang háo hức chứng tỏ cho những người ủng hộ ông ta thấy rằng ông ta sẵn sàng thực hiện những gì ông diễn thuyết trong khi vận động bầu cử có thể thành vấn đề cho cả Trung Quốc và Mỹ.

Giang Trạch Dân lắng nghe. Ông trả lời một cách gián tiếp. Ông ta đã đọc các bài diễn văn mà tôi đã đọc ở Trung Quốc và những nơi khác. Trong suốt chuyến công du của Đặng đến các tỉnh phía Nam vào tháng Giêng năm đó, Đặng đã nhắc đến sự phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á và đặc biệt là Singapore. Đại hội Đảng lần thứ 14 được dự kiến tổ chức vào tháng sau đó sẽ thi hành chính sách của Đặng về “chủ nghĩa xã hội mang đặc điểm Trung Quốc”. Vì lý do này, Trung Quốc cần một môi trường hòa bình và ổn định ở trong nước cũng như quốc tế. Nền kinh tế thị trường sẽ phát triển ở Trung Quốc nhưng phải mất một thời gian dài. Còn về khái niệm dân chủ đối với Trung Quốc, phương Đông đã bị ảnh hưởng bởi những giáo huấn của Khổng Tử và Mạnh Tử. Bất kỳ “một liệu pháp sốc nào” (của một nền dân chủ đột ngột) đối với Trung Quốc, giống như ở Liên bang Xô Viết, đều không thể áp dụng được, về tình trạng không vui hiện tại trong mối quan hệ Mỹ – Trung, lỗi không phải của Trung Quốc. Qua việc bán những máy bay chiến đấu và vũ khí cho Đài Loan, Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc của bản thông cáo năm 1982 đã được Trung Quốc và Mỹ nhất trí. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không làm lớn vụ việc này vì không muốn làm cho Tổng thống Bush gặp rắc rối trong cuộc vận động tranh cử của ông.

Ông ta mô tả tình hình kinh tế của Trung Quốc. Sau đó, ông ta hỏi tôi tỉ lệ tăng trưởng tổng thu nhập quốc dân nào sẽ là thỏa đáng nhất đối với Trung Quốc. Mục tiêu trước đây của họ là6 %. Trong kỳ đại hội tới, mục tiêu đề ra của họ là 8 hoặc 9 %. Bốn con rồng nhỏ và Nhật Bản, tôi đáp, đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng hai con số với mức lạm phát thấp trong những thời kỳ dài của các giai đoạn đầu quá trình công nghiệp hóa. Trước khi có cuộc khủng hoảng dầu mỏ, Singapore đã đạt tỷ lệ tăng trưởng từ 12 % đến 14 % và lạm phát thấp. Tỷ lệ tăng trưởng tối ưu của Singapore không dựa vào bất kỳ con số kỳ diệu nào, mà dựa vào sự đánh giá có bao nhiêu năng lực sản xuất và lao động chưa được sử dụng, và còn dựa trên lãi suất ngân hàng và tỷ lệ lạm phát. Tôi nói thêm rằng tiến sĩ Goh Keng Swee (nguyên Bộ trưởng Tài chính của tôi, người đã và đang cố vấn cho người Trung Quốc về việc xây dựng các đặc khu kinh tế của họ) cho rằng vấn đề quan trọng nhất của Trung Quốc là ở chỗ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (People’s Bank of China – PBOC) tức là ngân hàng trung ương của họ không đủ khả năng kiểm soát tín dụng. Mỗi chi nhánh của ngân hàng nhân dân ở các tỉnh thành phải chịu áp lực từ phía chính quyền tỉnh khi phát hành tín dụng. Hơn nữa, không có đủ các dữ liệu về lượng tiền phát hành ở bất kỳ thời điểm nào. Trung Quốc phải kiểm soát được lượng tiền phát hành để kiềm chế lạm phát, không cho phép các chi nhánh Ngân hàng nhân dân ở các tỉnh thành phát hành tín dụng mà không được phép của ngân hàng trung ương và không báo cáo với ngân hàng trung ương.

Ông ta ghi nhận điều này. Ông ta nói rằng ông ta tốt nghiệp ngành kỹ sư điện nhưng đã bắt đầu học kinh tế và đang đọc các tác phẩm của Adam Smith, Paul Samuelson và Milton Friedman. Ông ta không phải là nhà lãnh đạo Trung Quốc duy nhất đang nghiên cứu kinh tế thị trường. Tôi khuyên ông ta nghiên cứu cách vận hành của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và Ngân hàng Bundesbank của Đức là hai ngân hàng trung ương rất thành công. Trong hai ngân hàng này, ngân hàng Bundesbank thành công hơn trong việc chống lạm phát. Chủ tịch của ngân hàng Bundesbank được Thủ tướng bổ nhiệm, nhưng một khi đã được bổ nhiệm, ông ta phải có quyền độc lập và Thủ tướng không thể ra lệnh cho ông ta tăng lượng tiền phát hành hay hạ thấp lãi suất ngân hàng. Trung Quốc phải kiểm soát được việc phát hành tín dụng và không quá lo ngại về việc không vượt qua được tỷ lệ tăng trưởng được cho là lý tưởng. Chẳng hạn, nếu tỉnh Quảng Đông có thể phát triển nhanh hơn các tỉnh khác nhờ có đầu vào từ Hong Kong, thì ông ta nên để nó tiếp tục như vậy, và khuyến khích sự tăng trưởng đó lan sang các tỉnh lân cận bằng cách nâng cấp đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường sông và đường biển. Ông ta nói ông ta sẽ nghiên cứu vấn đề này.

Khi tôi gặp lại Giang Trạch Dân ở Bắc Kinh tháng 5/1993, ông ta cám ơn tôi vì đã tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đàm phán Wang – Koo ở Singapore giữa các đại diện “không chính thức” của Trung Quốc và Đài Loan. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1949, hai phe đối nghịch của cuộc nội chiến gặp nhau mặc dầu “không chính thức”. Tuy nhiên, Giang Trạch Dân nói rằng ông ta cảm thấy “kỳ lạ và thất vọng” khi nghe có nhiều tin tức nói rằng Đài Loan muốn gia nhập Liên Hiệp Quốc. Ông ta nghĩ thật là thiếu khôn ngoan khi phương Tây đối xử với Trung Quốc như là một kẻ thù tiềm tàng.

Tôi nói rằng Hoa Kỳ không khuyến khích Đài Loan cố sức xin gia nhập Liên Hiệp Quốc. Dick Cheney, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ dưới thời Reagan cho đến năm 1992 và Jeanne Kirlpatrick, cựu đại diện thường trực của Hoa Kỳ ở Liên Hiệp Quốc, cũng dưới thời Reagan, gần đây đã phát biểu ở Đài Bắc rằng việc Đài Loan gia nhập Liên Hiệp Quốc là không thực tế, và rằng Đài Loan có thể gia nhập UNESCO, Ngân hàng Thế giới và các tổ chức kỹ thuật khác, mà không nên gia nhập Liên Hiệp Quốc. Tôi cho rằng ý muốn gia nhập Liên Hiệp Quốc của Đài Loan chỉ là thời kỳ thoáng qua khi Tổng thống Lý Đăng Huy muốn tách khỏi lập trường của Quốc Dân Đảng trước đây là Đài Loan không gia nhập bất kỳ tổ chức quốc tế nào vì nó không phải là thành viên đầy đủ của Liên Hiệp Quốc (Sau này tôi phát hiện ra rằng tôi đã nhầm, đó không phải là thời kỳ thoáng qua. Lý Đăng Huy thật sự hy vọng được gia nhập Liên Hiệp Quốc và xác lập tính riêng biệt của Đài Loan với tư cách là nước Cộng hòa Trung Hoa tại Đài Loan).

Tôi cho rằng ý tưởng tốt nhất trong quan hệ Trung Quốc – Đài Loan là sự khớp nối một cách hòa bình và dần dần về các mặt chính trị, xã hội và kinh tế giữa hai nước. Ví dụ vào năm 1958, đại lục đấu pháo với Đài Loan ngang qua eo biển hẹp Quemoy và Matsu. Nếu khi đó Trung Quốc thành công trong việc tái thống nhất với Đài Loan thì bây giờ Trung Quốc sẽ ở một vào vị thế kém thuận lợi hơn. Bởi vì điều này đã khôngdiễn ra, nên bây giờ Trung Quốc có thể khai thác nguồn lực của khoảng 20 triệu dân Đài Loan, những người đã có được những tài sản kinh tế và kỹ thuật thông qua việc liên kết với Hoa Kỳ. Ông ta gật đầu đồng ý. Sẽ không tốt hơn sao nếu để Đài Loan tiếp tục tồn tại như một thực thể riêng biệt, tôi gợi ý. Khi đó, Hoa Kỳ và châu Âu sẽ tiếp tục để cho Đài Loan tiếp cận với kỹ thuật và công nghiệp của họ thêm 40, 50 năm nữa và Trung Quốc có thể được lợi nhiều hơn từ những gì mà Đài Loan có thể đem về cho đại lục. Ông ta lắc đầu không đồng ý.

Sau đó tôi lập luận rằng nếu ông ta muốn Hoa Kỳ giảm bớt ảnh hưởng của họ, ông ta nên mở cửa Trung Quốc đón nhận nhiều hơn các công ty đa quốc gia từ châu Âu. Lúc đó những nhà doanh nghiệp Hoa Kỳ sẽ vận động chính phủ Hoa Kỳ chống lại những hành động đã gây tổn hại cho quyền lợi của họ ở Trung Quốc vì họ sợ sẽ mất hết cho các công ty đa quốc gia của Nhật và châu Âu. Ông ta nghĩ đó là một ý kiến hay. Tôi nói thêm rằng Hoa Kỳ và châu Âu có thể sẽ không cho phép xuất hiện thêm một nền kinh tế thị trường đóng cửa kiểu Nhật Bản ở một Trung Quốc chỉ xuất khẩu mà không nhập khẩu. Đối với Trung Quốc, để phát triển, họ phải sử dụng thị trường đầy tiềm năng rộng lớn để thu hút những nhà đầu tư nước ngoài, cho phép họ bán sản phẩm của mình ở Trung Quốc và bằng cách đó “gắn chặt họ vào sự phát triển của Trung Quốc”. Giang Trạch Dân đồng ý rằng Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, nên muốn có một nền kinh tế hoàn toàn theo định hướng xuất khẩu là không thực tế. Trung Quốc phải gia tăng xuất khẩu, nhưng không phải chỉ có Mỹ, và Trung Quốc phải phát triển một thị trường mở. Ông ta tán thành quan điểm của phó Thủ tướng Lý Lan Thanh (phụ trách thương mại) nhiều hơn quan điểm của Phó Thủ tướng Chu Dung Cơ (phụ trách các ngành công nghiệp). Chu Dung Cơ chủ trương rằng các ngành công nghiệp trong nước phải được bảo vệ ở một mức độ nhất định. Giang Trạch Dân nói chính sách của Trung Quốc là học hỏi từ các nước khác nhau và chọn lọc những điểm mạnh của họ, không chỉ về bí quyết, công nghệ khoa học và kỹ thuật mà cả về kinh nghiệm văn hóa.

Tháng 10/1994, tôi cùng với Giang Trạch Dân có được một cuộc gặp sôi nổi bàn về vấn đề Đài Loan. Trước đó, vào hồi tháng 6, Tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy, có quá cảnh ở Singapore nhờ Thủ tướng Goh Chok Tong chuyển một đề nghị đến Giang chủ tịch. Đây là đề nghị thành lập một công ty quốc tế về vận tải đường biển, do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Singapore đồng sở hữu (trong đó Singapore chỉ góp phần gọi là) nhằm thực hiện việc buôn bán giữa Trung Quốc và Đài Loan. Tất cả các tàu giao thương với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đều chịu sự quản lý của công ty này.

Goh đã viết thư cho Giang Trạch Dân truyền đạt lời đề nghị này. Giang Trạch Dân không chấp nhận. Sau đó, Goh và tôi đã quyết định đưa ra một đề nghị của Singapore nhằm làm cầu nối qua eo biển giữa đại lục và Đài Loan bằng cách thành lập một công ty kinh doanh vận tải cả đường biển và hàng không, được đăng ký ở Singapore, do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Đài Loan và Singapore đồng sở hữu với số cổ phần ít nhiều ngang bằng nhau. Công ty này sẽ cho thuê bao tàu và máy bay (với thủy thủ đoàn và phi hành đoàn) với số lượng từ Đài Loan và Trung Quốc bằng nhau. Sau ba năm, hai đối tác kia sẽ mua lại hết cổ phần của Singapore. Tổng thống Lý đã tán thành đề nghị này khi chúng tôi gặp nhau ở Đài Loan vào giữa tháng 9/1994.

Vài ngày sau đó, cụ thể là vào ngày 6/10, tôi gặp Giang Trạch Dân tại Đại sảnh đường nhân dân. Ông ta đề nghị chúng tôi nói chuyện theo nhóm nhỏ, cụ thể là ông ta với phó chủ tịch hội đồng quốc gia của ông ta (phụ trách các vấn đề Đài Loan), tôi với đại sứ của Singapore, Giang Trạch Dân nói: “Tôi có người phiên dịch, nhưng để chúng ta không lãng phí thời gian, ông sẽ nói bằng tiếng Anh, tôi có thể hiểu được. Tôi sẽ nói bằng tiếng Hoa, ông có thể hiểu tôi. Khi nào ông không hiểu, thì người phiên dịch của tôi sẽ giúp.” Quả thật, chúng tôi đã tiết kiệm được thời gian.

Tôi nói Tổng thống Lý đã đồng ý với đề nghị của chúng tôi song ông ta cho rằng sẽ có rất nhiều khó khăn khi đi vào chi tiết, vì thế ông ta muốn Singapore sẽ tham gia giải quyết những vấn đề đó. Ngoại trưởng Đài Loan muốn thiết lập tuyến đường biển trước. Họ đã chọn một khu đặc biệt ở Cao Hùng làm cảng trung chuyển hàng quốc tế. Sau khi tuyến đường biển hoạt động thành công được một năm thì tuyến đường hàng không có thể bắt đầu.

Giang Trạch Dân nói rằng đề nghị của Thủ tướng Goh chứa đựng nhiều ý định tốt, nhưng không phù hợp. Không có lý do gì để hai phía phải ngụy trang khi hợp tác với nhau. Ông ta đã nghe được những quan điểm tương tự từ nhiều nguồn. Sau đó ông ta đề cập tới bài trả lời phỏng vấn của Lý Đăng Huy với Ryotaro Shiba, đăng trên một tạp chí Nhật Bản hồi tháng 4 (Trong bài trả lời phỏng vấn này, Lý đã tự ví mình như Moses đang dẫn dắt dân tộc mình thoát khỏi Ai Cập đi tới miền đất hứa). Giang Trạch Dân nói thêm rằng việc Lý Đăng Huy cố gắng tham dự Thế vận hội châu Á tại Hiroshima đã chứng tỏ ông ta hoàn toàn không đáng tin cậy. Lý muốn hai Trung Quốc, tức là một Trung Quốc và một Đài Loan. Càng có nhiều cuộc bàn luận, khoảng cách giữa họ càng xa. Lý Đăng Huy đã nói một đàng làm một nẻo. Lý không nên nghĩ rằng Giang Trạch Dân là một kẻ khờ khạo và không thể đọc được quan điểm thật sự của ông ta. Ông ta nói các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cân nhắc lời lẽ cẩn thận và nói là làm, ý nói các nhà lãnh đạo Đài Loan thì không. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất xem trọng sự tin cậy và tính ngay thẳng, ngụ ý Lý Đăng Huy không có các đức tính này. Giang Trạch Dân tỏ thái độ giận dữ khi ông nói rằng Lý Đăng Huy đang ôm ấp ông chủ thuộc địa trước đây của mình (ý nói Nhật).

Ông ta đang tuôn hàng loạt những bức xúc đến nỗi ngay cả khi tôi không hiểu được những cụm từ đặc biệt mà ông dùng nhưng tôi chỉ nắm được ý khái quát, tôi cũng không ngắt được lời ông để hỏi lại cho rõ. Ông say sưa nói để nhấn mạnh tính nghiêm túc trong quan điểm của ông ta và chiều sâu của lời buộc tội do ông đưa ra.

Lúc đó, tôi không hiểu được cơn giận ông ta đang kìm nén trong lòng. Sau này, tôi phát hiện ra rằng trước cuộc gặp của chúng tôi ba ngày, trong khi tôi đang ở tỉnh Hà Nam, Tổng thống Lý Đăng Huy đã phát biểu trên tờ Asian Wall Street Journal rằng: “Ở Bắc Kinh không có nhà lãnh đạo nào đủ mạnh, không ai có khả năng đưa ra quyết định cuối cùng. Đặng Tiểu Bình vẫn còn đang đâu đấy, song chúng tôi không nghĩ rằng ông ta còn có đủ sức để thực hiện các ý tưởng của mình. Ông Đặng đang cố gắng củng cố vai trò của Giang Trạch Dân là nhà lãnh đạo hàng đầu đủ áo mũ cân đai. Sau khi ông Đặng ra đi, chúng tôi may ra có thể tìm được nhà lãnh đạo thực sự có khả năng đảm nhận vai trò này. Chúng tôi không biết liệu có người nàomà chúng tôi có thể tìm thấy bây giờ hay không hoặc ai đó đang giấu mặt nhưng sẽ xuất đầu lộ diện”.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx