sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 4: Tinh Thần Hoà Hợp Dân Tộc

Bình Nguyên Lộc có một lập trường văn học riêng, không theo Bắc, hoàn toàn theo Bắc như Ðông Hồ, cũng không giữ nguyên đặc chất Nam kỳ như Hồ Biểu Chánh, Vương Hồng Sển... Nếu trong truyện ngắn chất Nam thường nổi bật, thì trong truyện dài ông ngả theo lối Bắc. Ðó là một thái độ lựa chọn: Bình Nguyên Lộc chọn thái độ trung dung trong tinh thần giao hoà Nam Bắc, kết hợp lịch sử di dân với ngôn ngữ con người.

Ngay từ đầu thế kỷ XX, Hồ Biểu Chánh đã dùng tiếng Nam như một chính ngữ; như thể Hồ muốn chống lại thành kiến của số đông người Bắc, tự cho tiếng Bắc là "chính", là "chuẩn", tiếng Nam là "phụ", là tiếng "địa phương", "quê mùa", "hủ lậu". Thành kiến này, gần đây, vì lý do chính trị, có vẻ được củng cố mạnh mẽ hơn, cho nên ba mươi năm sau ngày thống nhất đất nước, vẫn có người không bằng lòng khi thấy một số bảng hiệu ở ngoài Bắc đã bắt đầu dùng tiếng Nam. Ðối với môt số thành phần bảo thủ ở Bắc, tiếng Nam, vẫn tiếp tục là thứ tiếng ngoại vi "không chấp nhận" được. Dùng tiếng Nam làm chính ngữ, Hồ Biểu Chánh chỉ làm một việc tự nhiên, nhưng nó mang tính cách thách thức: dựng nên một vùng đất mới của ngôn ngữ, một thứ ngôn ngữ giàu có, sống động, đầy âm thanh, tiết điệu, thành quả của sự kết hợp âm thanh ngôn ngữ Việt với những nền văn hoá phía Nam. Hồ chẳng quan tâm gì đến "gốc Bắc". Ðối với Hồ, Nam Kỳ cũng là một "gốc", một địa phận, một thổ ngơi, từ đó phát sinh ra văn chương, tư tưởng và xã hội miền Nam.

Sự so sánh văn phong Hồ Biểu Chánh với văn phong Bình Nguyên Lộc sẽ là một đề tài lý thú cho phê bình, nhìn dưới lăng kính đối chiếu ngôn ngữ, để xác định hai thời kỳ xã hội: thời đầu thế kỷ, khuynh hướng "Nam kỳ tự trị" còn mạnh và thời sau 1954, với làn sóng di cư, khuynh hướng Bắc Nam hoà hợp trổi dậy, đồng thời sự chia rẽ cũng đã manh nha vì nghịch cảnh chia đôi đất nước.

Ðông Hồ Lâm Tấn Phác đi ngược lại phong cách Hồ Biểu Chánh. Tâm hồn Ðông Hồ và ngôn ngữ Ðông Hồ dường như đã bị "Bắc hoá" hoàn toàn. Dưới con mắt những người như Vương Hồng Sển, Ðông Hồ có thể bị "khai trừ" khỏi "thổ ngơi" miền Nam. Văn phong Ðông Hồ không thoát khỏi không khí Tương Phố, Á Nam Trần Tuấn Khải.

Bình Nguyên Lộc bắc cầu giữa hai khuynh hướng trên: Ông không theo Bắc, hoàn toàn theo Bắc như Ðông Hồ, mà cũng không giữ nguyên đặc chất Nam kỳ như Hồ biểu Chánh, Vương Hồng Sển. Bình mở con đường thứ ba: giao lưu văn hoá Bắc Nam trong truyền thống di dân và tiếp cận ngôn ngữ.

Cái "gốc Bắc", "tổ tiên" nguồn cội ngoài Bắc, được Bình trân trọng tìm kiếm, không riêng gì khía cạnh lịch sử Nam tiến, mà còn cả về nguồn cội ngôn ngữ. Ngoài sách biên khảo, trong tiểu thuyết, khi dùng một chữ có tính chất đặc biệt địa phương miền Nam, ông thường tìm cách giải thích ngay bên cạnh, chữ này ngoài Bắc dùng chữ gì. Ðôi khi còn phê bình luôn là chữ Nam hay chữ Bắc hay hơn, có lý hơn, hoặc nói rõ xuất xứ tại sao lại có sự khác biệt như vậy. Tất cả những lý giải, nhiều khi trở thành nhược điểm làm nặng sáng tác, nhưng chúng thoát thai từ lối kể chuyện đường dài, trong truyền thống "kể", "nói" của văn chương miền Nam.

Trong hoàn cảnh thiếu tư liệu để có một cái nhìn hoàn chỉnh về tiểu thuyết của Bình Nguyên Lộc, bài viết này tập trung khảo sát truyện ngắn. Tuy vậy, qua một vài tác phẩm đã đọc, chúng tôi tin rằng: Bình Nguyên Lộc tiếp nối truyền thống tiểu thuyết Tự Lực Văn Ðoàn. Ông chưa mở ra được một hướng đi mới cho tiểu thuyết như ông đã làm cho truyện ngắn: ảnh hưởng Khái Hưng, Nhất Linh bàng bạc trong cách phát triển kỹ thuật truyện dài. Cuốn Ðò dọc (1959) được giải thưởng văn chương toàn quốc 1960 (của miền Nam), mang dấu ấn truyện tâm lý viết theo lối Bắc, khác hẳn lối viết của Hồ Biểu Chánh. Ðò dọc là cuốn tiểu thuyết đầu tay, trong những cuốn sau, Bình Nguyên Lộc đào sâu thêm, như Ái ân thâu ngắn cho dài tiếc thương (1963), Hoa hậu Bồ Ðào (1963), sự phân tích tâm lý đã chiếm gần trọn tác phẩm, mở rộng và đào sâu về hướng hiện thực xã hội thành thị miền Nam.

Ðò dọc viết về gia đình ông bà Nam Thành và bốn người con gái. Ông Nam Thành nguyên là thầy giáo làng, gốc ở Bạc Liêu, trôi dạt lên Sài Gòn thời Pháp thuộc những năm 50, kiếm sống bằng nghề bán rương và va-li da cho lính Pháp. Năm 1954, khi người Pháp rút khỏi Việt Nam, gia đình này phải về quê, tìm cách chăn nuôi và trồng trọt để độ thân. Ðây là một mẫu ảnh của người dân chợ (Bắc gọi là kẻ chợ) phải về quê (Nam gọi là về vườn). Và hai mẫu đất vườn, đất mới này của họ, cũng là thứ "nửa quê nửa tỉnh", nằm trên đường Sài Gòn-Thủ Ðức, một con đường "thiên lý", một thứ xa lộ tương lai.

Người di dân ngược xuôi như chuyến đò dọc, bị bấn từ Bạc Liêu lên Sài Gòn, rồi từ Sài Gòn sang gần miệt Thủ Ðức. Gia đình Nam Thành khi nói "nhớ" là không biết "nhớ" đâu: cha mẹ thì nhớ quê má Bạc Liêu, các cô con gái thì nhớ Sài Gòn. Nhưng rồi cuối cùng ngôn ngữ cũng mách cho họ một thứ nguồn gốc xa xôi hơn: "gốc Bắc".

Ðò Dọc cho thấy tư tưởng chủ yếu của Bình Nguyên Lộc: ở thời điểm 1954, khi đợt sóng di dư từ Bắc tràn vào, vừa có một đòi hỏi đoàn kết Bắc Nam, nhưng lại có một thực tại kỳ thị, khác biệt lối sống và cá tính đôi bên, có sự trịch thượng của người Bắc di cư trên văn đàn, có tình trạng người Nam bị chiếm thị trường chữ nghĩa và kinh tế. Tất cả những yếu tố ấy đôi co, dằn vặt nhau, trong không khí xã hội ngấm ngầm căng thẳng, khi nhẫn nhục chịu đựng, khi trực diện đối đầu. Ðò dọc là tác phẩm bao dung và nhân hậu mở vòng tay chào đón đồng bào di cư, trong giai đoạn lịch sử khó khăn, bằng con đường kết hợp dân tộc, bằng cách nhắc lại lịch sử di dân, khai phá đất hoang, mở rộng cõi bờ và giao hoà ngôn ngữ. Có lẽ đó là một trong những lý do khiến Mai Thảo, ngoài sự kính trọng tài năng, còn tìm thấy ở Bình Nguyên Lộc, một nhân cách lớn, và Nhất Linh đã sớm coi Bình Nguyên Lộc là một nhân tài, cho nên ông không đề nghị "đưa" Bình vào Tự Lực Văn Ðoàn như một nhà văn đàn em. Dòng tư tưởng hoà hợp đất nước và con người trong tác phẩm Bình Nguyên Lộc, không phải đợi đến 1954 mới xuất hiện, mà nó đã sống trong ông từ lâu, nằm trong xương thịt các tác phẩm đầu tay, dù đã thất lạc, nhưng vẫn còn để lại những cái tên đầy ý nghiã: Hương gió Ðồng Nai, Phù sa, và chúng ta có thể nhận diện tinh thần ấy ngay trong tác phẩm đầu tiên được in ra năm 1950: Nhốt gió.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx