sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 5: Nhốt Gió, Ý Thức Về Tự Do

Nhốt gió là gì? Làm sao mà nhốt được gió?

"Cả bàn ăn đều kinh ngạc". Truyện bắt đầu bằng một câu ngắn như vậy.

Kinh ngạc cái gì? Chưa biết.

1- Kinh ngạc vì "thằng Kiệt không được thưởng xe máy theo lời hứa?

2 - Vì thằng Kiệt có những ý muốn làm cho mẹ nó khiếp đảm?

3 - Vì thằng Kiệt tái diễn sự xô sát thế hệ (giữa cha nó và ông bà nó)?

4 - Vì thằng Kiệt có những tư tưởng mà cha nó không thể nào ngăn cản được?

5 - Vì thằng Kiệt có một nhân sinh quan khác người?

Cả 5 giả thiết đều có thể đúng hoặc sai, và đến dòng chót, độc giả vẫn chưa biết "cả bàn đều kinh ngạc" cái gì. Ðọc không được thì phải đoán. Trước mắt bạn là một văn bản không hiển nhiên, bắt bạn phải suy nghĩ, phải xử dụng đến "chất xám" của mình: vậy là một văn bản bất thường, một tác phẩm có tham vọng làm đảo lộn nội quy thường trú. Bình Nguyên Lộc tung ra một lúc hai đòn bí mật: nhốt gió, và kinh ngạc, để làm lạc hướng những người đọc truyền thống.

Thủ pháp đầu tiên là "hãm" thời gian, "nhốt" nó lại. Bảo nó đừng chảy nữa, bắt phải đợi chờ, đùa với những hấp tấp của những "kẻ đọc" vội vàng muốn tìm ngay đến kết luận.

Hãm trở thành động tác chính trong truyện: nhốt tất cả những gì không giam hãm được. Trước tiên hãm nằm trong ý đồ của nhân vật Tạo, người cha muốn nhốt con trong vòng giáo dục "tiến bộ" của mình. Tạo là một kiến trúc sư Tây học, tưởng mình văn minh, tưởng mình hiểu con lắm. Tạo có thấy thế giới chung quanh thay đổi và chính chàng cũng đang thay đổi: kiểu nhà vừa vẽ xong, chàng đã thấy chán ngắt, nhưng Tạo là kẻ cầu an, không chịu dùng kinh nghiệm thực tiễn, để tìm bài học cho mình, chàng quen dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước, cho việc giáo dục con cái xưa nay tự nhiên vẫn thế: mình bắt gì chúng phải nghe như vậy. Tạo thuộc lớp người biết hãm, biết nhốt mà không biết thả. Tình cờ chàng được mục kích cảnh thằng nhỏ năm tuổi "tiếp xúc" với gió, thấy cách nó đối xử với gió, chàng chợt tìm thấy lối thoát cho mình. Thử xem thằng nhỏ làm như thế nào:

"- Mẹ, sập hoài!

Tạo giựt mình, dòm xuống cỏ. Trên khoảng đất hẹp giữa xóm nhà lá và dãy phố chàng ở, một đứa bé chừng năm tuổi đương ngồi chơi gì trên cỏ. Ðứa bé ở trần, đưa lưng đen thui lại phía chàng. Nó mặc một cái quần dài đen. Chàng bước sấn lại thì thấy nó đương loay hoay với những cành cây nhỏ và ngắn. Nó cắm trên cát bốn cành cây đầu trên có nạng, rồi gác ngang lên nạng những cành khác. Thì ra nó chơi cất nhà. Khi nó vừa phủ lên cái giàn đó một tấm lá chuối để làm nóc nhà thì gió ở đâu thổi đến. Nóc nhà của nó bay lên, bốn cây cột đều ngã. Thằng nhỏ gương mặt dễ thương này tức giận chưởi thề nữa, nhưng không nản chí, bắt đầu xây dựng lại. Gió lại thổi lên phá hoại công trình của nó. Lần này nó nắm chặt hai tay bặm môi như muốn đánh ai. Ðoạn nghĩ ra điều gì, nó cởi tuột quần ra, mò dưới cỏ tìm gặp hai sợi dây chuối, nó cột túm hai ống quần lại. Nó phành lưng quần đưa ra trước gió như người lớn phành bao bố hứng gạo và nói: "Nhốt mày lại coi mày còn phá nữa hết". Gió chun vào thổi phồng quần lên. Hai ống quần bọc no nứt gió, bay nằm ngang trên không trung như hai khúc dồi. Nó vừa muốn túm lưng quần lại để gói gió trong ấy, thì chợt nhận ra rằng ở đâu cũng có gió hết, gió chạy trên người nó để trôi ra phía sau, gió thổi cát bay, gió lay tầu chuối. [...]

Ðứa bé đang lính quýnh vì gió nhiều quá không biết đâu mà hốt cho hết. Một tay nó thả lưng quần, cào gió lại, chơn nó đá như muốn đuổi gió đi. [...]

Một cơn gió đổi chiều làm cho cái quần nó ốm xếp ve và bành bạch bay day qua hướng khác.

Thằng bé thấy mình thất bại vội bỏ quần xuống đất, giăng tay ra rước gió. Nó hít gió, nó nuốt gió, mặt nó sung sướng trông thấy. Ðoạn nó cầm quần lên phành lưng đưa trước chiều gió mới. Lần này nó không có ý nhốt gió nữa mà lại hớn hở nhìn hai ống quần no như hai khúc dồi. Nó giỡn với gió chứ không ghét gió nữa

Tạo mỉm cười nói lầm thầm: "Thằng nhỏ biết điều quá". (trích Nhốt gió, nxb Văn Nghệ thành phố in lại, 1998, trang 8-9).

Nhốt gió là hành động tiếp xúc đầu tiên của con người với thiên nhiên, Husserl gọi là "cuộc gặp gỡ đầu tiên của ta với thế giới". Gặp gió, thằng nhỏ đã coi ngay gió như một thực thể có thể giao thiệp được. Nếu một người lớn biết làm như vậy, thì có thể bảo là anh ta đang áp dụng "phương pháp giảm trừ hiện tượng", nghĩa là gạt bỏ tất cả mọi thành kiến mà anh ta có về gió qua sách vở, qua những kiến thức lượm được từ bên ngoài, để tiếp xúc với gió như lần gặp gỡ đầu tiên, chưa bị bất cứ thành kiến nào về gió chi phối. Thằng nhỏ năm tuổi, dĩ nhiên là chưa bị sách vở đầu độc, chưa bị môi trường ảnh hưởng, cho nên nó đãi gió một cách chân tình, nhờ sự chân tình đó mà nó tìm ra chân lý: không thể nhốt gió, nó bèn thả gió.

Không nhốt được gió, thằng nhỏ xử huề, nó tìm cách chơi với gió. Bắt tay với đối thủ, thằng nhỏ "biết người biết ta". Cái lý mà chỉ trong nháy mắt một thằng nhỏ năm tuổi đã "thấu triệt", người lớn lại "ngu lâu". Bởi vì thằng bé dùng kinh nghiệm trực tiếp của mình, không qua trung gian, mối lái, tức là nó đã bỏ hẳn giai đoạn suy nghĩ, lập luận, lý giải (đương nhiên, vì nó bé), để trực tiếp thể nghiệm sự tiếp xúc giữa thân xác nó và thân xác gió, và thằng bé hiểu ngay là phải cộng sinh với gió, nó không thể bắt được gió cũng như gió không dạy được nó: giữa gió và nó có mối tương quan biện chứng hệt như tự do và con người; hệt như tư tưởng và con người: con người không thể nhốt tư tưởng, không thể nhốt tự do. Nhốt tự do, nhốt tư tưởng cũng vô ích như nhốt gió. Thằng nhỏ năm tuổi đã "ngộ" ra lẽ sống bình đẳng trong trời đất: Gió đối với nó là một thực thể khác và hơn nữa: gió là người khác. Vì không bắt được kẻ kia phải theo cái lẽ phải của mình, thằng nhỏ chấp nhận đối phương, để lũy thừa điều kiện sống, điều kiện giỡn, khả năng hưởng thụ, khả năng sống còn. Sự từ chối bạo lực, tư chối đàn áp, nơi thằng nhỏ dẫn nó đến một thế giới mới đầy thú vị, hoà bình và hạnh phúc.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx