sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: Tiêu Diệt Dân Chàm

Tội ác tiêu diệt dân Chàm, chưa bao giờ người Việt công khai nhìn nhận. Lịch sử Việt Nam là lịch sử anh hùng, mở mang bờ cõi. Linh hồn và thể xác dân Chàm là đất, đá vô ngôn.

Bà Mọi hú (trong tập Cuống rún chưa lià, Văn Nghệ, 1987), là toà án lương tâm đầu tiên của người Việt, xây dựng công khai trên văn bản, xám hối sự sát hại người Chàm.

Bình Nguyên Lộc mở truyện bằng bức chân dung một ngọn núi "đi lạc" về phía Nam:

"...cả cánh đồng là một biển lau sậy bằng phẳng và buồn hiu.

Giữa cánh đồng, lạ lùng thay, một trái núi nổi lên, giống một hòn đảo nhỏ giữa biển cả và nhứt là giống một cậu bé đi lạc, ngơ ngác nhìn quanh.

Nói "cậu bé" vì đó chỉ là một quả núi tí hon và chỉ cao độ bốn mươi thước thôi. Còn nói "đi lạc" là vì những hòn núi rời, tách ra khỏi khối Trưòng Sơn đi lang thang về phiá Nam, chỉ tới mạn bắc tỉnh Biên Hoà là dừng chơn lại. Cái anh chàng đi xa hơn hết là núi Chứa Chan đứng sừng sững đằng xa kia, xanh mờ trên nền trời lam lợt. Nhưng anh ta cũng khá dềnh dàng để xứng đáng là một phần tử trong bầy Trưòng Sơn chớ có đâu mà lùn xịt và đi xa quá như chú núi nhỏ nầy.

Tuy nhỏ mà cũng có tên họ đàng hoàng, mặc dầu không đưọc sách địa dư nào nói đến cả. Ðó là núi Bà Mọi" (Bà Mọi hú, Cuống rún chưa lià, trang 53-54).

Chân dung của Bà Mọi, một chân dung núi: pha trộn đất đá và xương thịt con người. Núi Bà Mọi không chỉ là ngọn núi mà còn là sự hoá thân của một người đàn bà sơn cước, không biết thuộc bộ lạc nào, nhưng người Việt gọi bừa là Mọi.

Khi bọn người di dân kia, từ Bắc xuống Nam, chiếm hết lãnh thổ của người Chàm, ăn xém đến đất của người "Mọi". Việt đốt rừng làm ruộng. Mọi tìm cách chống lại sự xâm lăng, nhưng cuối cùng yếu sức phải rút dần vào rừng sâu, lên núi, chết hết, chỉ còn lại độc một mình "mụ Mọi già, tóc tai bồm xồm, trông rất ghê sợ" ở lại giữ công tác du kích tuyệt vọng.

"Rừng già bị gặm ngày một, chậm mà chắc chắn, mãi cho đến ngày kia thì vòng vây đã siết chặt quanh hòn núi như ở nhà quê người ta cạo trọc đầu con trẻ, chừa lại chiếc bánh bèo" (trang 56).

"Một ngày kia", bọn chiếm đất thấy sáu con suối phát xuất từ đỉnh núi, chẩy xuống miền đất khẩn hoang dần dần cạn bớt nước, rồi cạn hẳn. Thủ phạm đích thực là mụ Mọi già. Không bắt được mụ, bọn di dân bèn vây núi, đốt rừng, tìm cách thủ tiêu mụ:

"Lửa leo núi được vài giờ thì ngưới ta nghe tiếng hú dài ghê rợn trên đỉnh núi nổi lên.

Tiếng hú như kêu gọi một cách tuyệt vọng đồng bào sơn dã của mụ đến giải thoát mụ ta (..)tiếng kêu của mụ mất hút trong không khí, không có lấy một tiếng vang nào vẳng lại.

Tiếng hú vang rền từng hồi, hấp hối, rồi lại nấc lên và rốt cuộc chết lần, tắt hẳn, trong ngọn lửa cao ngất trời đã bò lên tới đỉnh" (trang 57).

Về mặt kỹ thuật dựng truyện, Bà Mọi hú chưa phải là một trong những truyện hoàn hảo nhất của Bình Nguyên Lộc, nhưng có những đoạn hùng tráng, khốc liệt, bi thảm, xứng tầm vóc núi non của lịch sử dân Chàm, xứng tấm gương oanh liệt của một vị anh hùng: một tác phẩm đáng gờm, đáng sợ, đáng kính nể. Bà Mọi hú là một nhân vật phản anh hùng trong tất cả các chiều kích. Người anh hùng ở đây không phải là Lê Lợi, Quang Trung, cũng không phải Bà Trưng, bà Triệu của Giao Chỉ. Người anh hùng ở đây là một "mụ mọi già", cà răng, căng tai, cổ đeo răng cọp, chống lại bọn Giao Chỉ cướp đất. Mụ giữ đất mụ, không bằng gươm, bằng giáo; mụ giữ đất mụ bằng răng, bằng óc mụ. Mụ chiến đấu tay không với các đội quân đầy khí giới gươm đao, mụ đơn thương độc mã, một mình mụ chống lại cả một tập đoàn dân tộc hung hãn.

Khi người ta khám phá ra rằng mụ đã đút nút nguồn của sáu ngọn suối bằng thịt cây gồ, một thứ gỗ mà khi thấm nước, nó cứ nở mãi, nở mãi...

Nước mội trong lòng đất thoát ra chứa nhiều chất đá vôi. Chất này khô cứng lại và hoá thạch cái nút làm bằng thịt cây gồ của mụ, biến nó thành cái nút bê tông đá, không ai lay chuyển được. Lòng yêu rừng, giữ đất, giữ nước của mụ mọi già đã hoá đá, nó không thể chết, nó không bị thiêu như thân xác mụ.

Mụ chuyển bại thành thắng. Chuyển chết thành sống. Những kẻ cướp đất kia phải lập miếu thờ mụ. Hoàn trả tên núi cho mụ. Và gọi mụ bằng Bà, như Bà Trưng, Bà Triệu. Trong lịch sử giữ đất của loài người, Bà Mọi đã làm một việc phi phàm: việc chặn nước, ngăn nguồn. Bà đã chặn giặc sau khi chết. Núi Bà Mọi chỉ là một cái tên, không được sách địa dư nào của người Việt nói đến: bởi lịch sử do kẻ thắng viết ra.

Nhưng chỉ có nhà văn, nhà văn đích thực, mới có thể bắt dân tộc mình phải có một toà án lương tâm, phải nhìn nhận tội lỗi, để có thể trưởng thành trong niềm tự vấn đớn đau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx