sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 13: Ở Các Phương Diện Quân Pri-Ban-Tích

Tôi trở về Mát-xcơ-va. – Nhìn lại thời gian qua. – Những ý định mới. – Vấn đề “Cha với con”: chuyến đi công tác với Nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô. – Phương diện quân Pri-ban-tích 3. – Thăm những thắng tích Pu-skin. – Báo cáo chưa đạt của K. A. Mê-rét-xcốp. – Trước những chiến dịch quyết định. – Từ bờ sông Nê-va đến bờ sông Nác-va. – L. A. Gô-vô-rôp. Chiến đấu chiếm Si-a-u-lai và đột kích vào Mê-men. – I. Kh. Ba-gra-mi-an. – Vùng nhốt thú Cuôc-lan.

Cuộc tiến công vào Bê-lô-ru-xi-a bước sang ngày thứ bảy. Khi bộ đội chúng ta vừa chọc thủng dải phòng ngự chủ yếu của địch và đang nhanh chóng phát triển vào tung thâm chiến dịch của chúng, thì có điện thoại từ Bộ tổng tham mưu gọi tới. Tiếng A. I. An-tô-nốp nói:

- Đồng chí hãy trở về Mát-xcơ-va, nhiệm vụ của đồng chí ở phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 2 đã hoàn thành, đây đang có nhiều việc.

- Sao thế, A-lếch-xây l-nô-ken-chi-ê-vích, – tôi khẩn khoản, – chiến dịch vừa mới bắt đầu. Dù thế nào cũng cho tôi được chia sẻ với anh em chút ít thành quả chứ.

- Miếng ngon chằng phải là để cho chúng ta. – Không hiểu sao An-tô-nốp lại có vẻ nóng nảy, không đồng ý với tôi – Đồng chí phải về ngay, không trì hoãn được và cũng không nên có ý định gì nữa. Đó là mệnh lệnh của Tổng tư lệnh tối cao.

Mấy phút sau, tôi liên lạc với Gh. C. Giu-cốp, đề nghị can thiệp giúp tôi.

- Tôi rất thông cám, nhưng không thể giúp được, – Giu-cốp trả lời. – Tổng tư lệnh tối cao đã có lệnh thì phải trở về

Mọi việc thu xếp cũng nhanh thôi. Chiếc máy bay Si-47 và tổ bay do thiếu tá Bu-tôp-xki phụ trách, người bạn đường thường xuyên của tôi trong những lần đi công tác ra mặt trận, đỗ ở một sân bay dã chiến gần đầy. Hai giờ sau, chúng tôi cất cánh và đến tối mịt ngày 30 tháng Sáu, tôi đã có mặt ở Bộ tổng tham mưu, ở đây, việc nghiên cứu cấp bách kế hoạch những chiến dịch tiếp theo của các Lực lượng vũ trang Liên Xô đặc biệt ở miền Pri-ban-tích đang chờ tôi.

Tôi cần phải nói là trước mùa hè năm 1944, trên các hướng ở miền Pri-ban-tích, chưa có đủ những điều kiện thuận lợi để mở rộng quy mô hành động chiến đấu. Ở đấy, chúng ta chỉ có những lực lượng và phương tiện tương đối yếu, nên chỉ tiến hành được những chiến dịch nhỏ và những kết quả đạt được rất ít ỏi.

Nhưng đến khi quy mô tiến công của chúng ta ở Bê-lô-ru-xi-a được mở rộng, thì tình huống lại thay đổi hẳn. Bộ đội ta tiến quân trên hướng chủ yếu – hướng chiến lược phía Tây – đã tạo nên tiền đề cần thiết cho những chiến dịch thắng lợi ở Lít-va, Lát-vi-a và E-xtô-ni-a. Hành động tích cực của chúng ta ở miền Tây U-crai-na, tiếp theo là ở Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và trên lãnh thổ các nước khác trong bán đảo Ban-căng đã có ảnh hưởng, tuy gián tiếp nhưng cũng rất tốt đến những chiến dịch mới này.

Tình thế chung trong lúc này lại được hành động của các nước Đồng minh phương Tây góp phần làm cho thuận lợi thêm. Chờ mãi, cuối cùng đến ngày 6 tháng Sáu 1944, họ đã đổ bộ vào Noóc-măng-đi và mở rộng căn cứ bàn đạp vừa chiếm được. Ta dự đoán là ít lâu sau quân Đồng minh sẽ tiến hành một cuộc tiến công rộng lớn ở miền Tây – Bắc nước Pháp.

Trong khi xây dựng kế hoạch giải phóng miền Pri-ban-tích, tất nhiên ta không quên kinh nghiệm của những trận đánh không hoàn toàn thành công của chúng ta ở những cửa ngõ tiếp cận tới đó. Vì vậy, cho phép tôi được quay ngượt lại thời gian, trở về năm 1943.

Các nhà nghiên cứu, các sử gia, phân tích những tài liệu về thời kỳ này, thường nhấn mạnh đến tính không hoàn chỉnh của những chiến dịch của quân đội xô-viết trên các hướng ở miền Pri-ban-tích. Thật vậy, cuộc tiến công của chúng ta trong mùa thu năm 1943 và mùa đông năm 1944 ở miền ấy đã không kết thúc được bằng việc tiêu diệt toàn bộ quân địch. Chúng ta không chia cắt được cụm tập đoàn quân “bắc” và thanh toán chúng đi.

Dĩ nhiên, phải đặt ra câu hỏi: tại sao lại như vậy?

Trả lời một cách chung chung thì đó là vì trên các hướng ấy lúc bấy giờ chúng ta không có đủ lực lượng. Nguyên nhân thiếu lực lượng thì bạn đọc cũng đã biết rồi vì chính trong thời gian ấy, chúng ta phải tập trung những nỗ lực chủ yếu vào Hữu ngạn U-crai-na, cốt để đánh bại hẳn Cụm tập đoàn quân “nam” rất mạnh và đang hung hăng của địch. Ngoài ra, các phương diện quân Ca-li-nin, Tây và Trung tâm đều đang được quyết định cứ phải tiếp tục tiến công.

Còn kết cục của các chiến dịch ở miền Pri-ban-tích sẽ được quyết định bởi những thắng lợi ở trên cánh phía Nam và ở phía giữa mặt trận Xô – Đức.

Kế hoạch nói chung là đúng, dù về sau ta có phát hiện ra là kế hoạch ấy chưa dự tính đầy đủ đến khả năng quân địch sẽ điều động những đội dự bị của chúng từ nội địa nước Đức đến và những lực lượng khá lớn từ chiến trường phía Tây sang. Những thiếu sót như thế dĩ nhiên là không hay, nhưng tránh cho hết có lẽ cũng không được. Theo ý tôi, dù rằng bộ máy công tác của chúng ta trong những năm Chiến tranh giữ nước vĩ đại rất tốt, cũng không thể nào loại trừ được mọi thiếu sót.

Các bạn đã biết việc xây dựng kế hoạch chiến dịch và chiến cục tiến hành ở Bộ tổng tham mưu như thế nào rồi. Tôi cùng đã nói đến việc nghiên cứu và phê chuẩn những kế hoạch chiến cục và chiến dịch ấy như thế nào ở Đại bản doanh. Nhưng bây giờ tôi muốn nói rõ hơn.

Tất cả các ủy viên của Đại bản doanh thường họp trong phòng làm việc của I. V. Xta-lin để thảo luận kế hoạch, mỗi khi đã chuẩn bị xong. Về phía quân nhân, gần như lúc nào cũng có mặt Gh. C. Giu-cốp và A. M. Va-xi-lép-xki, không kể An-tô-nốp, tôi và các tướng khác – đại biểu của các cơ quan chấp hành trong Bộ tổng tham mưu và các cục trung ương thuộc Bộ dân ủy quốc phòng.

Những vấn đề bảo đảm trang bị và kỹ thuật cho chiến dịch cũng được giải quyết ngay tại Đại bản doanh, bởi thế cho nên chúng tôi thường gặp ở đây những công trình sư xô-viết nổi tiếng về kỹ thuật chế tạo máy bay, xe tăng và các thứ pháo như A. X. I-a-cô-vlép, A. N. Tu-pô-lép, X. V. I-li-u-sin, A. I. Mi-côi-an, Gi. I-a. Cô-tin, V. G. Gra-bin, và cả những bộ trưởng dân ủy Đ. Ph. U-xti-nốp, V. A. Ma-lư-sép, B. L. Van-ni-cốp, A. I. Sa-khu-rin. Xta-lin tự mình phụ trách về mặt kỹ thuật quân sự và không một kiểu vũ khí mới nào đem ra sản xuất hàng loạt mà không đưa ra nghiên cứu tại Đại bản doanh hay ở hội nghị của Hội đồng quốc phòng Nhà nước.

Thường thì việc thảo luận mọi vấn đề ở Đại bản doanh được tiến hành trong hoàn cảnh bình thường và yên tĩnh. Mọi người đều có thể phát biểu ý kiến của mình. Xta-lin không phân biệt ai, gọi mọi người theo họ, chỉ có Mô-lô-tốp thì gọi thân mật bằng “cậu”. Còn đối với đồng chí, thì chúng tôi chỉ có một cách gọi là “đồng chí Xta-lin”. Tôi nhớ là không có trường hợp nào Tổng tư lệnh tối cao nhầm lẫn hay quên mất tên họ của một ai trong số rất đông những đồng chí được triệu tập đến họp ở Đại bản doanh.

Cuộc họp thảo luận kế hoạch chiến cục mùa đông năm 1943-1944 không có gì khác thường lệ. Tất cả vẫn như trong những cuộc họp khác và quyết nghị cũng rõ ràng là phải điều những đội dự bị chủ yếu và những phương tiện vật chất sang phía Nam, còn các phương diện quân Pri-ban-tích thì chỉ được phân phối những cái gì cần thiết tối thiểu mà thôi. Nhưng chúng ta biết rõ là bấy giờ nhu cầu của các phương diện quân ấy trong thực tế cao hơn cái tối thiểu nhiều.

Nguyên nhân nữa không kém phần quan trọng làm cho cuộc chiến đấu kéo dài ra ở miền Pri-ban-tích trong thu-đông năm 1943/1944 là điều kiện cơ động của ta khi tiến công bị kém sút. Quân địch có mạng lưới đường giao thông rất tốt của các nước cộng hòa Pri-ban-tích ở phía sau cụm tập đoàn quân của chúng, còn chúng ta khi tiến ra biên giới miền Pri-ban-tích thì thiếu đường giao thông, mà tình trạng đường sá thì lại quá tồi.

Những điều kiện thiên nhiên như rừng rộng bát ngát, đầm lầy sâu không đóng băng, hồ ao và sông ngòi chảy dọc chi chít, đều không lợi cho bên tiến công. Trên trận địa ấy, khả năng sử dụng xe tăng rất bị hạn chế; và toàn bộ gánh nặng của cuộc chiến đấu, dù muốn hay không, đều đè lên vai bộ binh. Do tầm nhìn xa bị hạn chế, hiệu suất bắn của pháo binh bị giảm, nên chiến trường này đòi hỏi nhiều đạn dược hơn nơi khác, nhưng ta không có đủ.

Chiến dịch càng tiến triển thì lực lượng đôi bên càng thêm cân bằng, và hình thái chiến đấu diễn biến lúc này là những mũi đột kích chính diện của ta vừa thu được ít kết quả, vừa bị thiệt hại nhiều. Lúc mới bắt đầu, tổng quân số của cụm tập đoàn quân “bắc”; có hơn 700.000 người, còn chúng ta thì có hơn 1 triệu quân một chút. Muốn chiến thắng nhanh chóng mà lại trong những điều kiện thiên nhiên phức tạp và tình trạng thiếu thốn đạn dược như vậy, số quân ấy của ta chưa đủ.

Bộ đội xô-viết thực ra chỉ tiến công quân địch trên những đường tiếp cận ở phía Nam và Đông – Nam miền Pri-ban-tích, thì làm sao tạo ra được điều kiện kết thúc các chiến dịch. Ở gần Lê-nin-grát, trước tháng Giêng 1944, ta đã buộc phải tự hạn chế ở những hoạt động có ý nghĩa tại chỗ và gần như phải dồn hết mọi chú ý vào việc phá vây cho thành phố.

Nhưng, tất cả những sự kiện ấy tuyệt không có nghĩa là các chiến dịch ở miền Pri-ban-tích trong thu-đông năm 1943/1944 không có tác dụng gì. Ở đây, bộ đội của chúng ta đã gây cho địch những thiệt hại nặng, kiềm chế những lực lượng lớn của chúng ở miền Pri-ban-tích, làm cho bộ chỉ huy phát-xít Đức đoán lạc hướng đột kích chủ yếu của ta. Rốt cuộc, những chiến dịch đó hẳn đã tạo điều kiện dễ dàng cho chúng ta giành được thằng lợi rất quan trọng ở gần Lê-nin-grát.

Theo dõi xem kế hoạch hoạt động lúc bấy giờ của chúng ta ở miền Pri-ban-tích được hình thành như thế nào và cuối cùng đã được xác định dứt khoát ra sao, quả thật là thú vị.

Trong thời gian này, ngoài các phương diện quân Lê-nin-grát và Vôn-khốp ra, còn có phương diện quân Tây – Bắc và phương diện quân Ca-li-nin đang hoạt động trên những cửa ngõ xa của miền Pri-ban-tích. Phương diện quân Tây cũng cần phải tiến đến biên giới Lát-vi-a và Lít-va.

Mùa thu năm 1943, Bộ tổng tham mưu sẽ cân nhắc khả năng dùng không lực lượng của phương diện quân Tây – Bắc, đột kích chủ yếu từ khu vực Xta-rai-a Rút-xa thẳng về phía Tây. Nhưng rốt cuộc nhận thấy rõ là phương diện quân Tây – Bắc không đủ sức, địa hình phức tạp và phòng ngự của địch lại kiên cố, nên sẽ không hoàn thành được nhiệm vụ, không thể tiêu diệt được tập đoàn quân 16 của địch đang chống lại.

Sau đó, lại nghiên cứu đến khả năng đột phá trong dải của phương diện quân Tây, với một bộ phận lực lượng sau này sẽ đánh quặt lên phía Bắc. Làm như vậy, có lẽ sẽ hạn chế được phòng ngự của quân Đức đòi với phương diện quân Ca-li-nin và đưa được phương diện quân này tới Nê-ven, Rê-déc-ne. Mũi đột kích của phương diện quân Ca-li-nin trên hướng ấy sẽ làm cho địch hở sườn và phía sau, đồng thời làm yếu cả sức đề kháng của chúng trước phương diện quân Tây – Bắc. Và như thế phương diện quân Tây – Bắc có thể tiến lên phía trước.

Ý định ấy thật hẫp dẫn, nhưng không thực hiện được, vì phải xuất phát từ những kết quả tiến công của phương diện quân Tây, mà tốc độ tiến công của phương diện quân ấy lại mỗi ngày một chậm. Không thể trông mong gì vào việc đột phá sâu và phát triển những hành động ở một bên sườn được.

Chúng tôi có những phương án khác, mà cơ sở đều cho thấy rõ ý định chung là: cắt Cụm tập đoàn quân “bắc” khỏi những lực lượng còn lại của địch trên đất liền, ra khỏi lãnh thổ nước Đức. Muốn vậy, một trong những phương diện quân phải tiến công dọc sông Tây Đvi-na, trên hướng Pô-lốt- xcơ Đa-u-gáp-pin-xơ (Đvin-xcơ) và tiến ra Ri-ga. Đồng thời lại dự định sử dụng những phương diện quân bạn tiếp giáp ở hai bên, để tiến công cắt nhỏ cánh quân Pri-ban-tích của địch, tiêu diệt chúng từng bộ phận khi chúng gần như đã bị cô lập.

Tin Bộ tổng tham mưu nhận được về khả năng quân địch sẽ rút hết ở trước mặt các phương diện quân Lê-nin-grát, Vôn-khôp và Tây – Bắc đã có ảnh hưởng nhất đỉnh đến việc chọn phương thức hành động như vậy. Bây giờ, chúng ta biết là bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân “bắc” thật ra có xin rút về tuyến sông Tây Đvi-na, nhưng đề nghị đó bị ban lành đạo quân sự tối cao của nước Đức Hít-le bác bỏ và tướng Lin-đe-man, người kiên trì bảo vệ ý kiến rút lui này, ít lâu sau phải nhường chức tư lệnh trưởng cụm tập đoàn quân cho tướng Phri-xne. Và trong thực tế, không hề có rút quân; địch cứ ngoan cố bám lấy những trận địa chúng đang chiếm lĩnh và điên cuồng chống phá mọi ý định của ta, những ý định nhằm phá vỡ phòng ngự của chúng.

Ngày 7 tháng Mười 1943, sau hai tuần lễ chiến đấu ác liệt, bộ đội chúng ta cuối cùng đã chiếm được Nê-ven, một điểm tựa lớn và đầu mối giao thông quan trọng có tính chất chiến dịch của địch. Chúng mất con đường sắt duy nhất chạy dọc ngay bên cạnh chiến tuyến. Nhưng Nê-ven còn có ý nghĩa quan trọng hơn nữa, vì đó là nơi tiếp giáp giữa hai Cụm tập đoàn quân “bắc” và “trung tâm” của địch. Mất Nê-ven, sự hiệp đồng giữa hai cụm chiến dịch sẽ gặp khó khăn và trong trường hợp chúng ta tiếp tục phát triển đột kích về phía Tây, quân địch ở miền Pri-ban-tích có thể bị cắt hẳn ra khỏi đơn vị kề sát bên phải chúng. Tất nhiên, bộ chỉ huy quân Đức ra sức tìm mọi cách ngăn cản làm cho thắng lợi ở Nê-ven của chúng ta không thể biến thành thắng lợi lớn được.

Cuộc chiến đấu ác liệt lại mở rộng ra cả khu vực Gô-rô-đốc. Chiếm được Gô-rô-đốc, trước mắt chúng ta sẽ mở ra khả năng vu hồi từ phía Bắc vào Vi-tép-xcơ và toàn bộ sườn trái của Cụm tập đoàn quân “trung tâm”.

Quân địch cũng nghiên cứu rất kỹ tất cả những chi tiết ấy. Chúng đã điều những lực lượng không quân bổ sung tới đây chi viện cho lục quân của chúng. Trên không phận Nê-ven và Gô-rô-đốc, xuất hiện những binh đoàn máy bay ném bom và máy bay tiêm kích mới.

Về phía chúng ta, cũng đã có một số biện pháp bổ sung. Vào giữa tháng Mười, trên hướng I-đri-txa, ta đã đưa cơ quan chỉ huy và các đơn vị bộ đội thuộc phương diện quân Bri-an-xcơ trước đây cũng như các đội dự bị của Đại bản doanh và các đơn vị lân cận tới vùng này để thành lập một phương diện quân mới, lấy tên là phương diện quân Pri-ban-tích.

Được bổ nhiệm làm tư lệnh phương diện quân mới này là đại tướng M. M. Pô-pốp, người trước đó không lâu đã tiến hành thật tuyệt diệu một chiến dịch đưa bộ đội ta vượt qua dải của đơn vị bạn, tiến vào sau lưng cánh quân Bri-an-xcơ của địch. Kết quả là toàn bộ những khu rừng vùng Bri-an-xcơ và cả thành phò Bri-an-xcơ cùng với đầu mối đường sắt lớn đã được giải phóng nhanh chóng.

Bây giờ, M. M. Pô-pốp có ý định tiêu diệt cánh quân I-đri-ta của địch và mở đường tiến ra Ri-ga. Từ ngày 1 tháng Mười một, cũng tại đây đã diễn ra những trận chiến đấu rất gay go. Bộ chỉ huy Đức điều năm sư đoàn từ các khu vực khác của mặt trận tới hướng này. Sức chống cự của địch tăng lên hẳn. Quân ta tính ra mới tiến được có vài trăm mét.

Còn phải có thêm những biện pháp gì nữa để thay đổi tình hình có lợi cho chúng ta. Một trong những biện pháp đó là điều động bộ đội từ hướng I-đri-txa về dải của phương diện quân Ca-li-nin (Phương diện quân Ca-li-nin, từ ngày 20 tháng Mười 1943 gọi là phương diện quân Pri-ban-tích 1. Đồng thời, phương diện quân Pri-ban-tich lại đổi tên là phương diện quân Pri-ban-tich 2.) trước đây. Ta dự kiến là sau khi điều động như vậy, phương diện quân Pri-ban-tích 1 sẽ chiếm lại Gô-rô-đốc và Vi-tép-xcơ trong tay địch, rồi sau đó tiến nhanh ra Pô-lốtxcơ Đvin-xcơ, Ri-ga.

Ngoài ra, trong bộ tư lệnh phương diện quân Pri-ban-tích 1 cũng có những thay đổi. Từ ngày 19 tháng Mười một 1943, tướng I. Kh. Ba-gra-mi-an bắt đầu chỉ huy phương diện quân này. Nhận chức vừa một ngày, đồng chí được lệnh: phải chiếm cho được Gô-rô-đôc. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh, chứ không thể nào chiếm ngay được vùng dân cư rất quan trọng này, để tiếp tục tiến quân đến Vi-tép-xcơ và Pô-lốt-xcơ. Mãi một tháng sau, do kết quả của những trận chiến đấu ngoan cường và đẫm máu, Gô-rô-đốc mới được giải phóng.

Hồi ấy, I. V. Xta-lin rất chú ý theo dõi những việc diễn ra trên những đường tiếp cận tới miền Pri-ban-tích. An-tô-nốp và tôi năng lui tới “biệt thự gần thành phố” của Xta-lin hơn để báo cáo. Một hôm, chúng tôi đến đây vào đúng bữa ăn (Xta-lin ăn tối vào lúc 9 hay 10 giờ, có hôm muộn hơn). Tổng tư lệnh tối cao nhanh chóng giải quyết mọi việc, rối mời chúng tôi cùng ăn. Những trường họp như thế không hiếm và tôi còn nhớ một số chi tiết đáng chú ý.

Bữa ăn của Xta-lin, cả những bữa tiệc lớn, thường không có người phục vụ bên bàn ăn. Các đồng chí phục vụ chỉ mang mọi thứ cần thiết tới phòng ăn, rồi lặng lẽ đi ra. Trên bàn bày sẵn những bộ đồ ăn, bánh mì, rượu cô-nhắc, rượu vốt-ca, rượu vang nguyên chất, đồ gia vị, muối, nhiều loại rau và nấm. Thường không có lạp xường, giăm-bông và những món ăn khai vị khác. Xta-lin không ăn được đồ hộp.

Lượt món ăn đấu tiên đựng trong những chiếc liễn to, đặt trên một chiếc bàn ở cạnh bàn ăn. Có một chống đĩa sạch để ở đây.

Xta-lin đi tới, khẽ nhấc những nắp liễn lên nhìn, rồi nói to nhưng không nói hẳn với một ai:

- A ha, xúp.., xúp cá đây.., xúp bắp cải này… Chúng ta ăn xúp bắp cải đi. – Rồi đồng chí tự múc lầy và mang đĩa thức ăn tới bàn ăn.

Những khách ăn, không phân biệt địa vì, đều làm như thế, chẳng phải mời mọc gì cả, ai muốn ăn món gì thì lấy món ấy. Sau đó, các đồng chí phục vụ mang vào lượt món ăn thứ hai, và người nào thích món gì cũng lại tự lấy mà ăn. Cố nhiên là chúng tôi chỉ uống ít rượu, độ một hai ly nhỏ. Bữa ăn đầu tiên, An-tô-nốp và tôi hoàn toàn không uống. Xta-lin thấy thế, mỉm cười nói:

- Các cán bộ Bộ tổng tham mưu có thể uống một ly nhỏ được chứ.

Lượt phục vụ thứ ba thường là nước trà. Chúng tôi rót nước từ ấm xa-mô-va đang sôi đặt trên một bàn riêng. Ấm pha trà cũng được đun nóng trên bếp.

Những chuyện nói trong lúc ăn phần lớn là chuyện công việc đề cập tới những vần đề chiến tranh, công tác của ngành công nghiệp và nông nghiệp. Xta-lin nói nhiều, còn những người khác chỉ trả lời những câu hỏi của đồng chí, rất hãn hữu mới thấy đồng chí nói đến những chuyện khác.

Sau này, khi làm Tổng tham mưu trưởng (M. Stê-men-cô làm Tổng tham mưu trưởng các Lực lượng vũ trang Liên Xô sau chiến tranh, từ 1948 đến 1952. – ND), tôi còn có dịp ăn với Xta-lin không những ở Mát-xcơ-va, mà ở cả miền Nam, những lần được triệu tập đến báo cáo, trong những kỳ đồng chí đi nghỉ mát. Nghi thức những bữa ăn ở đây thường cũng hệt như thế.

Nhưng, hãy trở về với những chiến dịch ở miền Pri-ban-tich. Mùa đông năm 1944, Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh đang nghiên cứu những ý định mới đối với khu vực này. Ta dự kiến giải vây xong Lê-nin-grát thì sẽ thay đổi được tình hình ở đây có lợi cho chúng ta.

Những hành động chiến đấu của các phương diện quân Lê-nin-grát và Vôn-khốp để giải phóng thành phố Lê-nin và đánh đuổi bọn chiếm đóng phát-xít Đức ra khỏi vùng đất đai Lê-nin-grát đến cuối tháng Hai thì kết thúc. Đây là một chiến thắng rực rỡ. Tất cả những người tiến bộ trên thế giới, lo lắng theo dõi đời sống và cuộc chiến đấu của thành phố đã phải chịu bao đau khổ ấy, rất sung sướng với chiến thắng đó. Bộ đội xô-viết từ bờ sông Nê-va tiến thẳng đến bờ sông Nac-va, những bước chân rắn chắc tiến vào lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết E-xtô-ni-a, tới Pơ-xcôp, tiếp cân đến Ô-xtơ-rốp.

Những hoạt động của phương diện quân Pri-ban-tích 2, một bộ phận hợp thành của chiến dịch phá vây cho Lê-nin-grát diễn ra ít kết quả hơn, chỉ mới hoàn thành được phần nhiệm vụ thứ nhất là kiềm chế những lực lượng của tập đoàn quân 16 của địch và đánh chiếm Nô-vô-sô-côn-ni-xki. Các trận đánh rất ác liệt, nhưng không phát triển đột phá sâu được và bộ đội phải dừng lại ở phía Đông I-đri-txa chừng 40 tới 45 ki-lô-mét. Ở mặt Nam, phương diện quân Pri-ban-tích 1 dừng lại trên những đường tiếp cận đến Pô- lốt-xcơ và Vi-tép-xcơ

Kết quả của chiến sự diễn biến như trên, đưa bộ đội ta đến trước hệ thống phòng ngự sâu thành nhiều tuyến của địch, có hệ thống công trình phát triển, chẳng hạn như khu vực phòng tuyến kiên cố Pơ-xcốp – Ô-xtơ-rốp nằm trên dọc con đường mà lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân Đức 16 đã đưa từ mặt phía Nam vào.

Từ giữa tháng Hai, Bộ tổng tham mưu lại bắt tay vào nghiên cứu ý định những chiến dịch mới, nhằm tiêu diệt địch trên đất đai miền Pri-ban-tích. Như thường lệ, A. I. An-tô-nôp phụ trách việc này. Tôi được tham gia muộn hơn một ít, sau khi đi công tác ở Crưm về.

Phương diện quân Vôn-khôp không để thành một phương diện quân nữa mà được giải thể ngày 15 tháng Hai. Đề nghị giải thể phương diện quân ấy là của L. A. Gô-vô-rốp. Đồng chí cho rằng vì lợi ích của việc thống nhất chỉ huy trên hướng Vôn-khốp, toàn bộ dải hoạt động của phương diện quân Vôn-khốp cần chuyển thuộc quyền đồng chí. Đại bản doanh đồng ý, nhưng sau này, xét ra việc ấy là sai lầm. Không bao lâu, thực tế chiến đấu đòi hỏi phải thành lập phương diện quân Pri-ban-tích 3 ngay trên khu vực này.

Suy nghĩ về những chiến dịch mới ở miền Pri-ban-lích, Bộ tổng tham mưu có ý định buộc địch phải phân tán lực lượng của chúng ra thành mấy hướng, đồng thời chúng ta cố gắng tập trung những lực lượng và phương tiện của mình trên những khu vực quyết định. Theo nguyên tắc chung ấy, phương diện quân Lê-nin-grát sẽ mở mũi đột kích chủ yếu vào eo đất Nác-va, trên hướng Pi-ác-nu, từ phía Bắc vu hồi vào Tác-tu.

Một mũi đột kích thứ yếu, nhưng cũng khá mạnh, của phương diện quân, sẽ đột kích vào Pơ-xcôp và dự kiến là từ đó sẽ phát triển thắng lợi xuống hạ lưu sông Tây Đvi-na. Cuối cùng, một bộ phận lực lượng phải đi vòng qua hồ Tsút xuôi về mặt phía Nam, cũng tiến công vào Tác-tu.

Mũi đột kích chủ yếu của phương diện quân Pri-ban-tích 2, như trước kia, nhắm thẳng vào I-đri-txa, Rê-đéc-ne, còn những mũi đột kích thứ yếu thì chuẩn bị vào Ô-xtơ-rốp và Ô-pô-tsơ-ca.

Chiến dịch của cánh phải phương diện quân Pri-ban-tích 1 dự tính ở trên hướng Xe-be-giơ, tiếp giáp với mặt Nam I-đri-txa. Còn lực lượng chủ yếu của phương diện quân thì dự định sẽ phát triển tiến công tới Vi-tép-xcơ.

Theo ý định, những nỗ lực hợp nhất ở hai bên sườn tiếp giáp nhau của hai phương diện quân Pri-ban-tích 1 và Pri-ban-tích 2 phải tạo cho được biến chuyển lớn ở I-đri-txa và có ảnh hưởng tích cực đến tiến trình của toàn bộ chiến dịch ở miền Pri-ban-tich.

Tương quan của những mũi đột kích ấy không những sẽ phá vỡ phòng ngự của quân Đức mà còn có triển vọng cô lập chúng ở miền Pri-ban-tích và cho phép quân ta tiến ra Ri-ga.

Ý kiến của Bộ tổng tham mưu được Đại bản doanh hoàn toàn tán thành, và trên cơ sở đó, ngày 17 tháng Hai 1944, đã giao nhiệm vụ cho các phương diện quân Pri-ban-tích 2 và Pri-ban-tích 1. Để phối hợp hành động của hai phương diện quân ấy, Đại bản doanh đã cử nguyên soái Liên Xô X. C. Ti-mô-sen-cô đại diện cho Đại bản doanh, tới miền Pri-ban-tích. Tôi được chỉ định làm tham mưu trưởng của đồng chí.

Nhận nhiệm vụ ấy, cứ thẳng thắn mà nói, tôi chẳng phấn khởi gì, vì một là những chiến dịch trước đây ở miền Pri-ban-tích không đạt được kết quả lắm, hai là tôi được biết Xê-mi-ôn Côn-xtan-ti-nô-vích Ti-mô-sen-cô hay có thái độ nghi ngờ đối với các cán bộ của Bộ tổng tham mưu. Nhưng mệnh lệnh là mệnh lệnh. Tôi liền nghiên cứu cẩn thận tài liệu, chọn những sĩ quan giúp việc mình và sẵn sàng lên đường.

Đến ngày giờ, chúng tôi tập trung ở sân ga Ri-ga. Nguyên soái đến muộn một ít, người phụ trách chuyến tàu đặc biệt gồm có mấy toa, tỏ ra lo lắng, vì ngại rằng tàu chỉ khởi hành chậm một chút thôi là sẽ bị nghẽn lại trên đường hàng tiếng đồng hồ, bởi việc vận chuyển bằng đường sắt bấy giờ rất nặng.

Cuối cùng, nguyên soái đến, vẻ không vui: đồng chí chào qua loa anh em, rồi lên xe. Chúng tôi ngồi ở một toa khác. Tàu chuyển bánh, lao đi ngay.

Một lát sau, tôi được mời đến gặp nguyên soái để ăn tối, bữa ăn biến thành một buổi giải thích rất khó chịu.

- Người ta phái anh đi với tôi để làm gì? – nguyên soái hỏi ngay và không chờ tôi trả lời, đã nói tiếp: – Muốn dạy chúng tôi, những người già (Thực ra, năm ấy Ti-mô-sen-cô mới 49 tuổi. – ND.), muốn giám sát chúng tôi ư? Vô ích!.. Khi các anh còn mặc quần thủng đũng thì chúng tôi đã chỉ huy sư đoàn chiến đấu giành lại Chính quyền xô-viết cho các anh rồi. Các anh tốt nghiệp các học viện và nghĩ rằng mình có thể nắm được cả râu Thánh đấy hẳn… Anh bao nhiêu tuổi lúc cách mạng bắt đầu?

Tôi trả lời là lúc đó tôi vừa tròn 10 tuổi, và tất nhiên chưa thể có một chút đóng góp gì cho cách mạng.

- Ra thế! – nguyên soái kết thúc, vẻ trịnh trọng.

Câu chuyện làm tôi băn khoăn. Tôi nhấn mạnh rằng tôi chỉ thực hiện có mỗi một nhiệm vụ giao cho tôi lúc có mặt X C. Ti-mô-sen-cô. Ngoài ra, tôi không có nhiệm vụ nào khác. Bản thân tôi rất kính trọng đồng chí và sẵn sàng học tập đồng chí. Nếu đồng chí cần tôi giúp việc gì, tôi sẽ làm tất cả những gì mà mình có thể làm được.

- Thôi được, nhà ngoại giao ạ, – Xê-mi-ôn Côn-xtan-ti-nô-vích nói có vẻ dịu đi một ít, – thôi ta đi ngủ. Thời gian sẽ cho biết rõ giá trị của từng người chúng la.

Đấy, tôi bắt tay vào chấp hành những nhiệm vụ mới của mình với lời chúc (động viên) như thế đấy.

Ngày 28 tháng Hai, chúng tôi đến sở chỉ huy phương diện quân Pri-ban-tích 2 ở Xpi-tsi-nô. Đại tướng M. M. Pô-pốp đã tạo cho chúng tôi mọi tiện nghi có thể được trong điều kiện chiến đấu: dành cho tất cả chúng tôi một căn nhà của người nông dân có hầm đào sẵn bên cạnh.

Ngày hôm sau, 29 tháng Hai, X. C. Ti-mô-sen-cô tìm hiểu tình hình và xác định cho rõ thêm những vấn đề hiệp đồng giữa hai phương diện quân. I. Kh. Ba-gra-mi-an cùng đến Xpi-tsi-nô. Tôi đã có cảm tình sâu sắc với đồng chí từ những ngày đồng chí còn làm giáo viên của chúng tôi ở Học viện Bộ tổng tham mưu. Tham gia chiến tranh, I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích Ba-gra-mi-an làm trưởng ban tác chiến của phương diện quân, sau đó làm tham mưu trưởng phương diện quân, rồi chỉ huy xuất sắc tập đoàn quân. Giải quyết bất kỳ vần đề tác chiến nào với đồng chí cũng đều thấy nhẹ nhàng đon giản.

Đồng chí hội ý với M. M. Pô-pốp rất nhanh để nắm mọi tình hình, rồi cả hai vị tư lệnh báo cáo với nguyên soái là phương diện quân của các đồng chí sẵn sàng bắt đầu tiến công vào ngày 1 tháng Ba. Thời hạn này đúng với thời hạn dự định trong kế hoạch, và các đồng chí tư lệnh cũng không bổ sung, sửa đổi gì vào kế hoạch chiến dịch, nên Xê-mi-ôn Côn-xtan-ti-nô-vích cũng không phải giải quyết gì hơn ngoài việc cho phép tiến công.

Có một số tác giả xác định một cách sai lầm rằng ngày 1 tháng Ba 1944, phương diện quân Pri-ban-tích 2 đã chuyển sang phòng ngự. Trong thực tế, các sự kiện đã phát triển một cách khác hẳn.

Ngày 1 tháng Ba, hồi 11 giờ 20 phút, sau khi pháo bắn chuẩn bị, bộ đội của các phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 tiến công vào trận địa quân địch. Kết quả chiến đấu ngày thứ nhất trong dải của phương diện quân Pri-ban-tích 2 rõ ràng không đạt yêu cầu. Cả ngày hôm ấy, chúng tôi ở tại đài quan sát của phương diện quân, và tận mắt trông thấy quân Đức phòng ngự ngoan cố như thế nào, hỏa lực pháo binh và súng máy của chúng vô cùng dày đặc. Bộ binh chúng ta thật không sao tiến lên được.

Phương diện quân Pri-ban-tích 1 lúc đầu đạt được một số kết quả nhưng sau đó không thể phát triển được. Qua việc lấy khẩu cung tù binh mới biết rằng, quân địch đã biết được cuộc tiến công của ta và đã chuẩn bị đối phó. Chúng tổ chức hệ thống hỏa lực, có tính đến những mũi đột kích của ta, và đã làm nhiều động tác ngụy trang, che mắt trinh sát viên xô-viết. Trong quá trình pháo bắn chuẩn bị, chúng ta vẫn không chế áp mạnh được phòng ngự địch. Không quân lại không chi viện được bộ binh, thời tiết xấu làm hạn chế hoạt động của máy bay. Ngày hôm sau, ta vẫn đột kích nhưng hiệu quả cũng vẫn thấp.

Tiếp tục tiến công không có tác dụng, ta tạm thời ngừng lại. Cần phải phát hiện tận gốc những nguyên nhân làm ta đành không thắng và suy nghĩ để tìm cách tổ chức mọi việc trong những ngày sắp tới được tốt hơn. Vì vậy, sáng ngày 3 tháng Ba, mọi người lại họp ở sở chỉ huy phương diện quân Pri-ban-tích 2. Hội nghị họp lâu và đi tới kết luận chung là: nếu không có ưu thế lực lượng và phương tiện lớn hơn quân địch thì việc đột phá vào phòng ngự rất mạnh của địch trên hướng I-đri-txa không thể đạt được kết quả mong muốn và nhanh chóng được. Đánh ở đây sẽ không tránh được thiệt hại nặng và tốn phí đạn dược nhiều. Trinh sát lại báo cáo là quân địch đã điều thêm ba sư đoàn bộ binh và một sư đoàn xe tăng nữa tới khu vực I-đri-txa.

Chiến dịch được quyết định hoãn lại 8 tới 10 ngày. Ta dự định trong thời gian này sẽ bổ sung bộ đội, tích lũy đạn dược và chờ quân đoàn kỵ binh 3 đến. Theo đề nghị của chúng tôi, quân đoàn kỵ binh 3 sẽ đến tăng cường cho phương diện quân Pri-ban-tích 2.

Tất cả mọi người đều nhất trí là nên tránh đột phá trên một địa đoạn hẹp ngoài mặt trận, vào chính diện tập đoàn I-đri-txa của địch. Hợp lý hơn là nên mở rộng chính diện tiến công để chọn hướng có lợi hơn mà vu hồi vào phía Bắc I-đri-txa. Những ý kiến trên, chúng tôi viết lại thành ý kiến đề nghị, kèm theo kế hoạch chiến dịch cụ thế, gửi về Đại bản doanh ngay trong ngày hôm ấy.

Mũi đột kích chủ yếu của phương diện quân Pri-ban-tích 2 sử dụng lực lượng của hai tập đoàn quân, dự định sẽ đột kích ở phía Bắc đường sắt Pu-xtô-sca – I-đri-xa, thẳng về phía Tây. Hầu như mọi lực lượng và phương tiện của các hướng thứ yếu đều dồn về đấy. Riêng ở chỗ tiếp giáp với phương diện quân Lê-nin-grát thì để lại tất cả, chỉ có một sư đoàn và một lữ đoàn. Phương diện quân Pri-ban-tích 1 sẽ đột kích từ khu vực phía Tây Nê-ven dọc theo con đường sắt ấy, và cũng sử dụng lực lượng của hai tập đoàn quân.

Mấy giờ sau, Mát-xcơ-va có điện trả lời. Chúng tôi đọc lệnh rằng: nhiệm vụ chủ yếu là đưa chủ lực của phương diện quân Pri-ban-tích 2 sang tả ngạn sông Vê-li-cai-a vào phía Bắc I-đri-txa và bằng những nỗ lực chung của hai phương diện quân, tiêu diệt được cánh quân I-đri-txa của địch. Trong bất kỳ trường hợp nào, cũng không được phép làm yếu chỗ tiếp giáp với phương diện quân Lê-nin-grát. Phương diện quân Pri-ban-tích 1 thì vẫn đột kích vào Xe-be-giơ như cũ.

Như vậy là Đại bản doanh lại nhắc chúng tôi một lần nữa là chủ yếu phải lưu ý tới khu vực I-đri-txa.

X. C. Ti-mô-sen-cô ở vào một tình thế rất khó xử. Đồng chí biết rằng Hội đồng quân sự phương diện quân Pri-ban-tích 2, ngay từ hồi tháng Giêng 1944 đã phản đối việc tập trung những nỗ lực trên hướng I-đri-txa. Các đồng chí chứng minh rằng chiến dịch ở đây không có triển vọng, vì mật độ quân địch dày đặc, các đội dự bị của chúng cơ động dễ dàng, vì đặc điểm địa hình và nhiều hoàn cảnh khác nữa. Hội đồng quân sự phương diện quân đề nghị đột kích ít sâu hơn vào Nô-vô-rơ-giép, ở đó sau này có thể hợp nhất được những nỗ lực của một số tập đoàn quân.

Hồi đó I. V. Xta-lin đã đồng ý với đề nghị ấy. Nhưng đã qua hơn một tháng rồi. Tình hình đã thay đổi mà tư lệnh phương diện quân và những cán bộ chủ trì khác trong phương diện quân vẫn giữ ý kiến như trước. X. C. Ti-mô-sen-cô không thể không lưu ý đến việc này, vả lại ngay chính đồng chí cũng đã đồng tình trong một chừng mực nào với các đồng chí trên trong cuộc họp ngày 3 tháng Ba. Nhưng mặt khác, bây giờ đồng chí lại là đại diện của Đại bản doanh, và phải thực hiện nghiêm chỉnh những yêu cầu của Đại bản doanh.

Lại còn những điều phức tạp khác nữa. Một số tư lệnh tập đoàn quân vẫn không thoát ra khỏi cái định kiến cho rằng quân địch nhất định phải tự rút sang bên kia sông Vê-li-cai-a, như vậy thì đánh làm gì cho thiệt người và phí đạn? Cứ chờ thêm một thời gian nữa rồi hãy tiến công có hơn không?

Sau những trận đánh không thắng ngày 1 và 2 tháng Ba, những chuyện về bọn phát-xít Đức sẽ rút quân về phía sau gần như thôi không ai nói nữa. Quân địch đã chứng minh hành động là chúng không nghĩ tới việc giao lại trận cho ta. Nhưng, ai có thể cam đoan rằng tất cả những người đứng ra tổ chức cuộc tiến công của chúng ta đều vững tin như vậy

Nguyên soái cùng với chúng tôi chia nhau đi từ tập đoàn quân này sang tập đoàn quân khác, suốt ngày làm việc dưới các đơn vị, kiểm tra tình hình bộ đội, giúp đỡ, thuyết phục các đồng chí thấy sự cần thiết phải tiêu diệt tập đoàn I-đri-txa của địch. Cũng như ở những mặt trận khác, bộ đội ở đây rất tốt, biết đánh, đánh dũng cảm và tin tưởng, tất cả chỉ còn phụ thuộc vào công việc tổ chức.

Tôi yêu cầu tăng viện cho nhóm mình. Bộ tổng tham mưu phái đến cho tôi thêm một số sĩ quan, trong số đó có đại tá Cru-tri-nin gặp phải việc không may. Đồng chí đi bằng máy bay Po-2. Đồng chí phi công đề nghị không đỗ xuống sân bay, vì từ sân bay còn phải đi một chặng đường xa nữa mới tới sở chỉ huy, và tìm một địa điểm thuận tiện nào đó gần sở chỉ huy để hạ cánh là tốt hơn cả. Đại tá đồng ý, và các đồng chí đã hạ nhầm xuống ngay một bãi mìn của quân Đức. Cũng thật lạ: máy bay không bị phá nổ, nhưng lúc ra khỏi bãi mìn thì đồng chí phi công bị thương nặng. Cru-tri-nin lại an toàn vô sự. Còn máy bay thì phải mất mấy ngày mới kéo ra được.

Ngày 10 tháng Ba, cuộc tiến công lại bắt đầu. Ta tiến công quyết liệt nhưng kết quả chỉ thọc được vào phòng ngự địch có hai đoạn, một đoạn với chính diện 25 ki-lô-mét và một đoạn 20 ki-lô-mét, còn chiều sâu thì chừng 7 tới 9 ki-lô-mét.

Sang ngày 18 tháng Ba, X. C. Ti-mô-sen-cô lại triệu tập hội nghị các tư lệnh phương diện quân, ủy viên Hội đồng quân sự và tham mưu trưởng. Cuộc họp tiến hành tại sở chỉ huy của N: E. Tst-bi-xốp, ở tập đoàn quân đột kích 3, nơi tiếp giáp giữa hai phương diện quân. I. Kh.Ba-gra-mi-an, Đ. X. Lê-ô-nôp và V. V. Cu-ra-xốp đại biểu cho phương diện quân Pri-ban-tích 1; M. M. Pô-pốp, N. A. Bun-ga-nin và L. M. Xan-đa-lôp đại biểu cho phương diện quân Pri-ban-tích 2. Hội nghị thảo luận nội dung báo cáo tổng kết gửi về Đại bản doanh và bàn về kế hoạch những hành động sau này.

Được nguyên soái ủy nhiệm, tôi thông báo tóm tắt tình hình ngoài các mặt trận (như ta thường nói là để cho đúng thủ tục chứ mọi người ở đây đều đã hiểu rất rõ tình hình), sau đó thì báo cáo những dự kiến sắp tới. Ti-mô-sen-cô muốn nghe ý kiến của các bộ tư lệnh phương diện quân về những dự kiến ấy. Cả hai tư lệnh phương diện quân phát biểu ý kiến của mình. Về nguyên tắc, những quan điểm của các đồng chí ấy cũng thống nhất với chúng tôi và cũng không thể khác hơn được. Sở dĩ như vậy, là vì chúng tôi đã trao đổi với nhau trong khi làm việc. Chủ yếu là chúng tôi xác định cho rõ từng chi tiết và các đề nghị bổ sung mà chỉ Đại bản doanh mới có thể thỏa mãn được.

Sau đó, Cu-ra-xốp, Xan-đa-lôp và tôi sang căn nhà bên, viết báo cáo gửi lên I. V. Xta-lin. Chừng hai giờ sau, báo cáo làm xong, chúng tôi đọc lại và ký tên.

Những kết quả không đáng kể của đợt tiến công vừa qua cùng với những thiệt hại của chúng ta, được báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao. Những nguyên nhân vì sao đánh không thắng, được trình bày khá tỉ mỉ. Đặc biệt có nêu rõ là địch đã điều được sư đoàn bộ binh 24, sư đoàn bộ binh nhẹ 28 và sư đoàn xe tăng 12 từ mặt trận Lê-nin-grát, và những sư đoàn bộ binh 132, 290 và 83 từ các khu vực ngoài mặt trận miền Pri-ban-tích về hướng I-đri-txa.

Đồng thời, có nói rõ cả những vấn đề như: trong điều kiện phức tạp của miền Pri-ban-tích thì việc chuẩn bị tiến công phải tỉ mỉ, cẩn thận hơn nữa, và tổ chức chiến đấu cần phải tốt hơn. Chúng tôi lại đề nghị lên Đại bản doanh chuẩn y cho thời hạn một tháng để chuẩn bị chiến dịch mới ngay trên hướng I-đri-txa này. Trong số những đề nghị gửi lên trên, có hai đề nghị cơ bản nhất là: xin bổ sung đạn dược cho các phương diện quân và tăng quân số các sư đoàn lên từ 5.000 tới 6.000 người.

Đại bản doanh đồng ý với tất cả các đề nghị ấy, và chúng tôi lại đem hết nghị lực ra bắt tay vào việc.

Ti-mô-sen-cô không còn có vẻ khó chịu với tôi như trước đây nữa. Chúng tôi làm việc với nhau càng nhiều thì quan hệ với nhau càng thêm chân thành. Một tối nào đấy, nhân lúc uống trà, đồng chí bỗng nói:

- Giờ tôi mới biết rằng anh không phải là con người mà tôi nghĩ.

- Vậy nguyên soái đã cho tôi là con người thế nào, – tôi hỏi.

- Tôi nghĩ rằng anh được Xta-lin chỉ định đặc biệt để giám sát tôi. Tôi hoài nghi vì chính Xta-lin nói đến tên anh ngay khi đặt vấn đề tìm ai làm tham mưu trưởng…

Thế là tới hôm ấy, vấn đề “Cha và con” (Văn hào Nga I. X. Tuốc-ghê-nhi-ép viết cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Cha và con”, chủ đề là: giữa các thế hệ cha với con, già với trẻ, thường không tránh được mâu thuẫn do những quan điểm không thống nhất với nhau.) được giải quyết xong, đâu ra đấy. Thật vậy, trước đây tôi vẫn kính trọng con người có công lao ấy, nhưng chỉ trong quá trình cùng nhau làm việc ở miền Pri-ban-tích, tôi mới có thể đánh giá được thật đầy đủ về đồng chí. Thành thật mà nói rằng tôi rất tiếc vì phải chia tay với Ti-mô-sen-cô, khi được gọi trở về Bộ tổng tham mưu.

Tháng Tư, trước khi bắt đầu tiến công lại ở miền Pri-ban-tích, nguyên soái lại tự mình đề nghị xin tôi trở lại nhận nhiệm vụ tham mưu trưởng cho đồng chí. Nhưng tôi không được phép đi. Tôi giới thiệu với đồng chí: trung tướng N. A. Lô-môp, cục phó Cục tác chiến của tôi. X. C. Ti-mô-sen-cô nhận lời giới thiệu này. Lúc ở mặt trận về, gặp tôi, nguyên soái rất khen ngợi Lô-môp, và hết sức tự nhiên, đồng chí nói thêm:

- Thì ra ở Bộ tổng tham mưu cũng có nhiều người tốt…

Cuộc tiến công tháng Tư ở miền Pri-ban-tích từ tuyến sông Nác-va và những đường tiếp cận phía Đông tới Pơ-xốp Ô-xtơ-rốp, I-đri-txa, Pô-lôt-xcơ và Vi-tép-xcơ, lại đạt được ít kết quả. Các phương diện quân không tiến lên được bao nhiêu, và cũng không làm cho địch bị thất bại theo như tính toán của ta. Các phương diện quân đang tác chiến ở đây phải tạm dừng tất cả lại cho đến tháng Bảy 1944. Trong thời gian ấy, Bộ tổng tham mưu nghiên cứu lại vấn đề tiêu diệt cánh quân Pri-ban-tích của địch và cả vấn đề cô lập toàn bộ Cụm tập đoàn quân “bắc” ra khỏi miền Đông Phổ

Phòng ngự của địch ở miền Pri-ban-tích có bốn trung tâng phòng ngự chủ yếu là: Nác-va, Pơ-xcôp, Ô-xtơ-rốp và Ri-ga. Những lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân “bắc” của chúng tập trung vào những nơi ấy. Tất nhiên là Ri-ga giữ vai trò chủ yếu, vì nó yểm hộ những con đường tiếp cận tới Đông Phổ.

Chúng ta cho rằng đặc điểm phòng ngự như vậy của quân Đức cho phép ta mở những mũi đột kích thọc vào khoảng giữa các trung tâm phòng ngự để làm lung lay phòng tuyến của chúng, chia cắt Cụm tập đoàn quân “Bắc” và tiêu diệt chúng từng bộ phận một.

Chúng ta còn cho rằng, trong thời gian tiếp theo, quân địch buộc phải tự tháo lui, mà nói đúng hơn là phải tự rút sinh lực và những phương tiện chiến đấu ra khỏi đây, để bảo vệ lấy những hướng và những khu vực quan trọng có tính chất sống còn khác như hướng Béc-lin và Đông Phổ. Tất nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào sự phát triển thắng lợi của chúng ta trên hướng chiến lược phía Tây.

Tình hình như thế buộc địch nhất định phải điều quân của chúng từ Pri-ban-tích sang Đông Phổ. Đối với nước Đức phát-xít, đất Đông Phổ rất quý, không phải chỉ vì đó là sào huyệt của chủ nghĩa quân phiệt đang cơn điên cuồng và là vựa thóc của nước Đức. Trong tình hình nhất định, Đông Phổ đã thành căn cứ bàn đạp uy hiếp bên sườn tập đoàn trung tâm của ta, và còn là khu vực tối quan trọng để cho hạm đội địch lập căn cứ nữa.

Vì quan niệm như thế nên đã lâu chúng ta rất chú ý tới Si-a-u-lai. Từ đó, ta có thể cho quân ta quặt lên phía Bắc- về phía Ri-ga, và sang phía Tây-vào hướng Me-men. Hình thái chung của ý định đột kích vào Ri-ga được vạch ra hồi tháng Năm 1944, trên bản đồ công tác của A. I. An-tô-nôp, cùng với kế hoạch “Ba-gra-chi-on”.

Theo kế hoạch “Ba-gra-chi-on” thì chỉ cần những lực lượng chủ yếu của phương diện quân Pri-ban-tích 1 cũng để đánh chiếm Si-a-u-lai, và sẽ đánh thắng vào khu vực ấy. Trong trường hợp tối cần, có thể điều tới đây những lực lượng dự bị của Đại bản doanh: tập đoàn quân 51 và tập đoàn quân cận vệ 2. Địa hình ở đây cho phép sử dụng những tập đoàn bộ đội đông quân số và nhiều loại vũ khí.

Chính Si-a-u-lai là một trung tâm giao thông lớn, nối liền Pri-ban-tích với Đông Phổ; chiếm được Si-a-u-lai thì làm cho quân địch gặp rất nhiều khó khăn khi cơ động. Còn từ Si-a-u-lai quặt đi đâu và bao giờ quặt, thì sẽ căn cứ vào tình huống cụ thể mà quyết định sau.

Vấn đề được giải quyết về nguyên tắc như sau: quân ta từ Si-a-u-lai sẽ triển khai quặt về phía nào và vào lúc nào là tùy ở những lực lượng chủ yếu của địch, khi chúng tỏ ra đã bị tê liệt và khi phòng tuyến của chúng dễ dàng bị chia cắt nhất. Về ý định này, ta không gửi cho các phương diện quân một thông báo nào.

Bộ tổng tham mưu đặc biệt chú ý đến cánh đối diện phía Bắc của tập đoàn tiến công của chúng ta ở miền Pri-ban-tích này. Ngay hồi tháng Ba, chúng ta đã thấy rõ rằng phương diện quân Lê-nin-grát bao gồm tất cả bộ đội và toàn dải hoạt động của phương diện quân Vôn-khốp trước đây, nên rất cồng kềnh. Trong biên chế của phương diện quân Lê-nin-grát có 7 tập đoàn quân binh chủng hợp thành, hoạt động trên bốn hướng chiến dịch quan trọng: Vư-boóc-gơ, Tan-lim, Pơ-xcốp, và Ô-xtơ-rốp.

Điều đó có ảnh hưởng không tốt đến việc chỉ huy. Cần phải sửa lại sai lầm này và khôi phục lại phương diện quân đã bị giải thể. Chuyển giao cho phương diện quân mới phần phía Nam dải hoạt động của mình, phương diện quân Lê-nin-grát không phải phụ trách cả khu vực rộng lớn Pơ-xcôp – Ô-xtơ-rốp nữa, để có thể hoàn toàn tập, trung vào khu vực Nác-va và trên hướng Vư-boóc-gơ, nơi đã lập kế hoạch phối hợp chiến dịch chung với phương diện quân Ca-rê-li-a, nhằm tiêu diệt quân đội Phần Lan.

Chúng tôi có bàn tới một phương án khác nữa là mở rộng dải hoạt động của phương diện quân Pri-ban-tích 2 lên phía bắc để giảm bớt những khó khăn cho phương diện quân Lê-nin-grát. Nhưng, chúng tôi đã có kinh nghiệm là phương án đó cũng chưa thật đúng, vì khu vực Pơ-xcốp – Ô-xtơ-rôp là một khu vực độc lập hoàn chỉnh.

Tập đoàn địch đóng ở đấy được củng cố mạnh và thật ra đã làm thành ba hướng chiến dịch: mặt phía Bắc tới Tác-tu, A-lúc-xne, Van-ga và mặt phía Tây tới A-lúc-xne, Txe-xít, Ri-ga. Nhiệm vụ bổ sung như vậy cho phương diện quân Pri-ban-tích 2 rõ ràng là quá sức nó, nhất định sẽ làm cho phương diện quân này bị phân tán lực lượng và không hề cải tiến được chút nào công tác chỉ huy bộ đội.

Lối thoát duy nhất đúng trong tình hình bấy giờ là thành lập một phương diện quân mới, phương diện quân Pri-ban-tích 3 và ngày 18 tháng Tư 1944 đã quyết định thành lập.

Trong biên chế của phương diện quân Pri-ban-tích 3, có các tập đoàn quân 42, 67 và 54 trước đó thuộc phương diện quân Lê-nin-grảt, sau lại được thêm tập đoàn quân đột kích 1 lấy từ phương diện quân Pri-ban-tích 2 sang. Cơ quan chỉ huy của phương diện quân được thành lập trên cơ sở của cơ quan chỉ huy tập đoàn quân 20. Thượng tướng I. I. Ma-xlen-ni-côp, trước đó giữ chức phó tư lệnh phương diện quân Lê-nin-grát, được cử làm tư lệnh phương diện quân mới. Trung tướng V. R. Va-sơ-kê-vích, nguyên tham mưu trưởng tập đoàn quân 20, được chỉ định làm tham mưu trưởng phương diện quân.

Thành lập phương diện quân mới, chúng ta hiểu rõ ràng phương diện quân ấy không có triển vọng lớn. Mặt phía trước phương diện quân cách 400 ki-lô-mét là biển, mà trong phạm vị hoạt động như thế, phương diện quân lại phải giải quyết những nhiệm vụ chiến dịch rất lớn.

Tôi đã nói qua rằng hồi đầu tháng Sáu, cùng lúc với việc xây dựng những kế hoạch ở miền Pri-ban-tích, trong Bộ tổng tham mưu đã nghiên cứu kế hoạch chiến dịch Via- Pê-tơ-rô-da-vôt-xcơ của phương diện quân Ca-rê-li-a. Cần phải đập tan cái trung tâm phòng ngự ấy của địch, đang kìm hãm những lực lượng đáng kể của bộ đội ta. Giải quyết nhiệm vụ này sẽ làm cho Phần Lan sớm bị loại khỏi vòng chiến, và tất nhiên là sẽ góp phần vào thành công của quân ta ở miền Pri-ban-tích.

Tôi không muốn mô tả tỉ mỉ chiến dịch Via – Pê-tơ-rô-da-vốt-xcơ làm bạn đọc phải chú ý, trệch mất chủ đề chính của chương này. Nhưng, tôi không thể không kể lại đây một việc hơi lạ trong chừng mực nào đó có thể cho thấy rõ tình hình công tác của chúng ta hồi ấy.

Ki-rin A-pha-na-xi-ê-vích Mê-rét-xcốp, tư lệnh phương diện quân Ca-rê-li-a, về báo cáo kế hoạch chiến dịch ở Đại bản doanh, muốn chứng minh một cách trực quan cho I. V. Xta-lin thấy rằng, khu vực phòng thủ của địch mà ta cần phải phá vỡ mạnh đến như thế nào. Nhằm mục đích này, đồng chí mang theo về Mát-xcơ-va những mô hình địa hình làm rất khéo và những tấm ảnh chụp toàn cảnh khu vực bằng máy bay. Mê-rét-xcốp nghĩ rằng làm như thế mới trình bày được dễ dàng mọi tình huống và cho người ta thấy rằng, các trận đánh sắp tới ở đây sẽ gay go đến thế nào, rồi xin Tổng tư lệnh tối cao những lực lượng bổ sung, cùng những phương tiện vật chất khác nữa.

Thời ấy, chúng tôi đã biết rất rõ tính khí của I. V. Xta-lin, nên cố tìm mọi cách can Mê-rét-xcốp đừng nên mang những thứ đó về Crem-li. Vì Tổng tư lệnh tối cao rất không ưa những vật tượng trưng thừa ấy và không thể tha thứ những tội dự đoán mò mẫm về các hành động của địch, ủy viên Hội đồng quân sự, trung tướng T. Ph. Stư-cốp, cũng cho chúng tôi nói là phải. Nhưng đồng chí tư lệnh vẫn cứ không nghe.

Trong lúc báo cáo ở Đại bản doanh, Mê-rét-xcôp lại làm cho khuyết điểm tăng thêm: đồng chí bắt đầu bằng việc trưng bày mô hình và ảnh chụp của mình, trước khi đi vào trình bày thực chất của kế hoạch chiến dịch. I. V. Xta-lin nghe báo cáo như thường lệ cứ đi đi lại lại ở một bên bàn, bỗng dừng lại và ngắt lời Mê-rét-xcốp:

- Sao đồng chí lại đem những đồ chơi của mình ra dọa chúng tôi? Chắc là hệ thống phòng ngự của địch đã thôi miên đồng chí mất rồi … Tôi e rằng rồi đây không biết đồng chí có thể hoàn thành được nhiệm vụ đã được giao cho không.

Nhưng Mê-rét-xcôp lại đổ thêm dầu vào lửa: xếp “những đồ chơi” sang một bên, đồng chí đề nghị xin ngay những trung đoàn xe tăng hạng nặng và pháo binh đột phá. Lấn này thì quả là đồng chí đã làm cho Xta-lin kích động hẳn lên. Xta-lin nhận xét gay gắt.

- Đồng chí nghĩ rằng đã dọa được chúng tôi rồi, và chúng tôi sẽ phải mở ví ra cho đồng chí tiền đấy à?… Chúng tôi không phải là hạng người yếu bóng vía.

Tổng tư lệnh tối cao không cho tư lệnh phương diện quân kết thúc báo cáo và lệnh cho Bộ tổng tham mưu phải phân tích một lần nữa kế hoạch chiến dịch sắp tới, rồi xác định những lực lượng và phương tiện cần thiết cho chiến dịch. Ngày hôm sau, cũng vẫn kế hoạch ấy được đem báo cáo lại lần thứ hai, nhưng báo cáo theo trình tự thông thường. Xta-lin không ngắt lời, gần như không nhận xét gì thêm và thậm chí còn cho một số phương tiện bổ sung để đột phá phòng ngự địch nữa. Khi chúng tôi rời khỏi phòng làm việc, đồng chí còn chúc Mê-rét-xcôp rằng:

- Chúc đồng chí thành công! Chính đồng chí phải làm cho địch sợ, chứ không được chịu chúng…

Sau khi hoàn thành thắng lợi chiến dịch Via – Pê-tơ-rô-da-vốt-xcơ, K. A. Mê-rét-xcốp gửi cho tôi hai tập ảnh có những tấm ảnh mới chụp về phòng ngự của địch (lúc này đã bị phá vỡ) và qua điện thoại, đồng chí đề nghị tôi lúc nào tiện dịp thì trình bày cho Xta-lin xem. An-tô-nốp và tôi quyết định không làm như thế, dầu những tấm ảnh ấy rất có ý nghĩa và thực sự giúp cho việc chứng minh rằng phương diện quân Ca-rê-li-a đã hoàn thành một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.

Đầu tháng Bảy 1944, Bộ tổng tham mưu nghiên cứu ý kiến của I. I. Ma-xlen-ni-cốp, Xây dựng xong ý định chiến dịch tiến công của phương diện quân Pri-ban-tích 3. Chiến dịch này tất nhiên chỉ là một bộ phận hợp thành của toàn bộ những hành động của chúng ta ở miền Pri-ban-tích và phải được thực hiện hiệp đồng chặt chẽ với các phương diện quân Lê-nin-grát, Pri-ban-tích 2 và 1.

Nhiệm vụ trước mắt của phương diện quân mới là tiêu diệt tập đoàn Pơ-xcốp – Ô-xtơ-rốp và giải phóng những thành phố Nga cổ kính Pơ-xcố và Ô-xtơ-rốp khỏi tay quân xâm lược Đức. Sau đó, phương diện quân có nhiệm vụ đánh chiếm Tác-tu và Pi-ác-nu, đồng thời tiến ra phía sau lưng quân địch đang phòng ngự ở khu vực Nác-va.

Đơn vị bạn bên phải là phương diện quân Lê-nin-grát, sẽ đột kích chủ yếu qua eo đất Nác-va trên hướng Pi-ác-nu. Phương diện quân Lê-nin-grát bắt đầu tiến công sau phương diện quân Pri-ban-tích 3 một ít, có nhiệm vụ cùng với phương diện quân Pri-ban-tích 3 tiêu diệt địch ở E-xtô-ni-a, đánh chiếm Tan-lin và sử dụng một phần lực lượng hoạt động ở Tác-tu.

Đơn vị bạn bên trái là phương diện quân Pri-ban-tích 2, tiến công dọc theo bờ phía Bắc sông Tây Đvi-na trên hướng Ma-đô-na, Ri-ga. Những hành động tích cực của phương diện quân Pri-ban-tích 2 triển khai trước chiến dịch của phương diện quân Pri-ban-tích 3.

Như đã nói ở trên, cả phương diện quân Pri-ban-tích 1 cũng chuyển sang tiến công.

Ngày 6 tháng Bảy, Tổng tư lệnh tối cao ra chỉ thị cho phương diện quân Pri-ban-tích 3 về chiến dịch sắp tới. Chừng hai ngày sau, hôm đến báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh, chúng tôi được nghe Xta-lin nói như sau:

- Chưa ai có dịp ở chỗ Ma-xlen-ni-côp. Đồng chí tư lệnh còn non, cơ quan tham mưu ở đấy cũng còn non, có nghĩa là các đồng chí ấy còn thiếu kinh nghiệm. Cần phải đến tại chỗ xem xét công việc tiến hành như thế nào, giúp các đồng chí ấy xây dựng kế hoạch và chuẩn bị chiến dịch đánh chiếm Pơ-xcốp và Ô-xtơ-rốp. Tôi nghĩ là Stê-men-cô nên đến đấy. Được không? -Xta-lin vừa nói vừa quay sang phía tôi.

- Tôi xin cố gắng, thưa đồng chí Xta-lin.

- Đồng chí lấy thêm những chuyên gia pháo binh và không quân có kinh nghiệm cùng đi. Phương diện quân có ít xe tăng nên không cần lấy cán bộ xe tăng.

Suy nghĩ một phút, Xta-lin nói thêm:

- Nếu như I-a-cô-vlép và Vô-rô-giây-kin cùng đi với đồng chí thì tốt đấy.

Tôi nhận lệnh trên đi công tác độc lập, lần đầu tiên làm nhiệm vụ đại diện của Đại bản doanh như vậy đấy.

Dù không vội, ngày hôm sau chúng tôi cũng đến địa điểm đã định. Tổng tư lệnh tối cao thường thích các chỉ thị của đồng chí được thực hiện ngay.

Đến sở chỉ huy của Ma-xlen-ni-côp, như thường lệ, chúng tôi nghe báo cáo tình hình. Tham mưu trưởng V. R. Va-sơ-kê-vích báo cáo trước, sau đó lần lượt đến tư lệnh pháo binh X. A. Cra-xnô-pép-xép, tư lệnh tập đoàn quân không quân N. Ph. Na-u-men-cô, và cuối cùng là chủ nhiệm hậu cần. Nghe các báo cáo, chúng tôi có hỏi Ma-xlen-ni-cốp một số vấn đề. Nghiên cứu quyết tâm của đồng chí xong, chúng tôi đi xuống bộ đội, và trước hết là xuống những đơn vị dự định sẽ làm nhiệm vụ ở mũi đột kích chủ yếu.

Có lẽ chúng tôi làm việc lâu hơn hết ở căn cứ bàn đạp Xtơ-re-giơ-nê-vô bên bờ Tây sông Vê-li-cai-a. Căn cứ bàn đạp này có chính diện 8 ki-lô-mét và chiều sâu từ 2 tới 4 ki-lô-mét. Tất nhiên là nhỏ nhưng không có căn cứ bàn đạp nào khác, ở đó bố trí các đài quan sát của tập đoàn quân xung kích 1 và tập đoàn quân 54. Đứng ở các vị trí, chúng tôi cố gắng quan sát xem địch bố trí như thế nào, nhưng chẳng thấy bao nhiêu, vì rừng che khuất mất tiền duyên phòng ngự của địch. Quan sát sâu vào tung thâm phòng ngự của chúng, lại càng bị hạn chế hơn.

Trên căn cứ bàn đạp của chúng ta, cũng có nhiều cánh rừng và ít ra thì cũng bố trí được ở đấy hai quân đoàn, tuy có chật nhưng lại kín đáo. Làng mạc ở đây thưa thớt và bị tàn phá sạch. Cuối cùng, sau khi đã cân nhắc mọi ý kiến, chúng tôi quyết định dứt khoát là mũi đột kích chủ yếu phải bắt đầu từ đây.

Những con đường ngoài mặt trận hay gợi cho ta nhiều ấn tượng khó quên. Về mùa khô, trên khắp các đoạn đường, bụi rừng thật đặc biệt, lơ lửng từng đám dày đặc xen lẫn với những đám ruồi vàng từ các bụi rậm bay ra, đốt mọi sinh vật không chút thương xót. Còn trong mùa mưa thì đường sá toàn những hố ngập nước, trông đến là sợ. Những chiếc xe vận tải bê bết bùn, gằn máy, lắc lư, lượn ngoằn ngoèo giữa những ổ gà. Các đoàn xe cứ “bò” với tốc độ chậm như rùa, và phải dừng lại luôn luôn. Mỗi lần, các đồng chí lái xe lại nhảy ra khỏi buồng lái, chèn xuống dưới bánh xe những thanh gỗ vừa to, vừa dài, và cứng, nhờ những biện pháp mà chỉ họ biết, mới cứu được hàng hóa khỏi bị sa lầy.

Các đồng chí chỉ huy mọi cấp đều lo lắng vì đường sá. Các đồng chí đã tìm mọi cách khắc phục, ở những đoạn thật khó đi đã cho rải những vật chống lầy bằng gỗ, xe cứ thế chạy qua như đi trên đường ray vậy. Nhưng chỉ thịếu cẩn thận một chút là bánh xe trượt ra khỏi ván lót, thụt xuống bùn ngập tới tận thùng xe.

Đường sá phần lớn chỉ đi được một chiều, có những chỗ để cho xe tránh nhau; nhưng cũng có đoạn xe đi được cả hai chiều. Khắp nơi, đâu cũng có các đồng chí điều chỉnh. Còn con đường nào ô-tô không thể chạy được thì dùng đến phương tiện vận tải do súc vật kéo. Những con ngựa vô cùng dẻo dai ra sức kéo những chiếc xe tải, còn các anh em đánh xe điềm tĩnh cứ tới các trạm nghỉ thì việc đầu tiên là cầm chiếc hái, luôn luôn để sẵn dưới chỗ ngồi, đi cắt cỏ cho ngựa ăn. Anh em chăm sóc cho ngựa hơn là cho chính bản thân.

Sau khi tìm hiểu bộ đội và nghiên cứu địa hình, chúng tôi cùng với Hội đồng quân sự phương diện quân họp bàn kế hoạch chiến dịch. Có thể nói là mọi việc đều được thảo luận thật triệt để và sáng tạo, rồi tất cả công tác tổ chức được thiết thực tiến hành.

Chỉ còn một bộ phận lực lượng của tập đoàn quân Đức 16 chống lại phương diện quân của chúng tôi. Quân địch không đông lắm, nhưng chúng có công trình phòng ngự vững chắc dựa vào những khu vực kiên cố ở Pơ-xcôp và Ô-xtơ-rốp. Nếu ta tiến công vỗ mặt vào ngay những trung tâm đề kháng mạnh của địch thì không thu được kết quả tốt, nên trong kế hoạch có quy định là phải tiêu diệt lần lượt, trước hết là cánh quân Ô-xtơ-rôp, sau đó sẽ vu hồi mặt phía Nam, kết hợp với mũi đột kích đồng thời trên chính diện để tiêu diệt cánh quân Pơ-xcốp của địch.

Nhiệm vụ trước mắt của phương diện quân có chiều sâu tới 120 ki-lô-mét, quy định cho bộ đội xô-viêt được tiến tới tuyến Ô-xtơ-rốp – Lư-ép-na – Gun-be-ne và thực hiện qua hai giai đoạn. Trong giai đoạn thứ nhất, sử dụng lực lượng của tập đoàn quân đột kích 1 do N. Đ. Da-khơ-va-ta-ép chỉ huy và tập đoàn quân 54 do X. V. Rô-ghin-xki chỉ huy, tiến công tiêu hao quân địch ở trước mặt căn cứ bàn đạp Xtơ-re-giơ-nê-vô phía Nam Ô-xtơ-rôp (mũi đột kích chủ yếu bắt đầu từ căn cứ bàn đạp, chỗ sườn tiếp giáp của hai tập đoàn quân thẳng hướng tới Cu-rô-vô, A-úc-spin-xơ, Ma-lu-pe). Sang giai đoạn thứ hai, tập đoàn quân 67 của V. D. Rô-ma-nôp-xki sẽ bước vào chiến đấu, lợi dụng thắng lợi trên hướng chủ yếu và tiêu diệt quân địch đang phòng ngự trực tiếp ở khu vực Ô-xtơ-rốp.

Nhiệm vụ tiếp sau của phương diện quân là tiến công vào hướng Vư-ru, đồng thời, sư đoàn bên sườn phải của lập đoàn quân 67 từ phía Tây – Nam sẽ vu hồi vào Pơ-xcốp, và tập đoàn quân 42, đang hành động trên chính diện, phải chiếm được Pơ-xcôp, không được để quá ngày 28 hay 29 tháng Bảy. Ta định sau này sẽ từ tuyến Pơ-xcôp – Vư-ru – Đơ-de-ni tiến công vào hướng Tác-tu hoặc Pi-ác-nu.

Kế hoạch của chúng tôi được Đại bản doanh phê chuẩn và ngày mở đầu tiến công ấn định là 17 tháng Bảy. Trước đó chúng tôi lại đi xuống khắp lượt các tập đoàn quân và quân đoàn, nghiên cứu tại chỗ nhiệm vụ của các đơn vị trong tiến công. N. Đ. I-a-cô-vlép và G. A. Vô-rô-giây-kin thì tăng cường chuẩn bị cho pháo binh và không quân. Nhưng đến tối, tất cả chúng tôi đều kịp về sở chỉ huy của phương diện quân. Chúng tôi cùng nhau tổng kết trong ngày tại đây và viết báo cáo gửi về Mát-xcơ-va.

Ngày 16 tháng Bảy, sát ngày chiến dịch bắt đầu, trong tất cả các tập đoàn quân đều tổ chức trinh sát chiến đấu. Từ mờ sáng, các đội trinh sát, được pháo binh chi viện mạnh, đều tiến công quân địch. Trong dải tiến công của tập đoàn quân đột kích 1, các chiến sĩ trinh sát đã đột nhập vào chiến hào quân Đức, và sau một giờ rưỡi đến hai giờ chiến đấu, đã chiếm được vùng dân cư nhỏ Tra-sơ-ki và trụ lại ở đấy. Tư lệnh tập đoàn quân đã phái thêm những lực lượng bộ binh tới chi viện, nhưng cũng vẫn không tiến sâu về phía trước hơn được. Trên các hướng khác, những đợt tiến công của trinh sát không thu được kết quả. Quân địch phòng ngự rất ngoan cố.

Đêm 17 tháng Bảy, chúng tôi tới đài quan sát của tướng N. Đ. Da-khơ va-ta-ép, tư lệnh tập đoàn quân đột kích 1, đặt tại căn cứ bàn đạp Xtơ-re-giơ-nê-vô.

Chúng tôi vượt qua sông Vê-li-cai-a lúc trời còn tối. Cần phải khẩn trương hơn, vì sớm mai sẽ đẹp trời, mọi việc nóng hổi đang chờ ta.

Đài quan sát của tập đoàn quân là một hệ thống chiến hào sâu, cấu trúc trên một điểm cao nhỏ, có những phiến gỗ dày dùng để lát nắp. Chúng tôi đến còn rất sớm, nhưng Da-khơ-va-ta-ép đã chờ chúng tôi ở đấy rồi. Nghe xong báo cáo ngắn gọn của đồng chí, I. I. Ma-xlen-ni-cốp và tôi ngồi vào máy quan sát, còn I-a-cô-vlép và Vô-rô-giây-kin làm việc với các cán bộ thuộc binh chủng của mình.

Cũng như mọi khi, rõ ràng là vào lúc này thần kinh của từng người có mặt ở đài quan sát đều hết sức căng thắng. Các đồng chí trao đổi với nhau thật khẽ, dường như sợ phá mất giây phút trang trọng ấy. Mọi việc đều đã được chỉnh lý và chuẩn xác kỹ từ lâu, nhưng người nào cũng như muốn kiểm tra lại một cái gì, xác định lại cho rõ một vấn đề gì thêm. Các trợ lý như đang “bắt quyết” trên những tấm bản đồ. Các hiệu thính viên rạp người xuống máy. Bị cảm giác sốt ruột thôi thúc, lúc thì đồng chí này, lúc đồng chí khác nhìn vào đêm tối, hướng sang phía quân địch.

Nhưng phút quyết định đã đến và không khí bỗng thay đổi hẳn. Mọi người như náo động hẳn lên cùng với loạt đạn pháo thứ nhất. Các đồng chí bắt đầu nói to. Không quân ta xuất hiện trên bầu trời. Các đồng chí phi công lợi dụng thời tiết tốt đã hoạt động tuyệt đẹp trong buổi sáng hôm ấy, tiếng bom lẫn với tiếng đại bác nổ vang trời.

Hệ thống hỏa lực của địch bị chế áp mãnh liệt, và bộ binh vững vàng xông lên xung phong. Một lát sau, những báo cáo đầy triển vọng đã gửi về: bộ đội ta đã thọc sâu vào tuyến phòng ngự của sư đoàn bộ binh 83 quân Đức và đang phát huy thắng lợi ở cả trong tung thâm và hai bên sườn, đang “cuốn” phòng ngự của địch lại.

Ở tập đoàn quân 54, mọi việc cũng diễn biến tốt. Tuyến phòng ngự của quân địch ở đây cũng đã bị chọc thủng.

Đã thấy giải tù binh về. Sau khi lấy khẩu cung, ta xác định được thêm rằng: phía trước chính diện của hai tập đoàn quân chúng ta là những sư đoàn bộ binh 32, 83 và 218 của địch cùng với một số trung đoàn bảo vệ, tổ chức thành đội hậu vệ của chủ lực quân Đức và chúng đã bắt đầu rút về phía Tây.

Những tin địch rút quân nhận được đây là tin mới, nhưng không phải là tin bất ngờ. Chúng ta đã dự kiến là bộ chỉ huy phát-xít Đức có thể tìm cách tránh đòn đột kích giáng xuống tập đoàn quân 16 của chúng và bố trí để đón bộ đội xô-viet chúng ta ở một nơi nào đó trong tung thâm. Vì thế, trong tập đoàn quân đột kích 1 và tập đoàn quân 54 đã thành lập trước những binh đoàn cơ động, với biên chế rất gọn nhẹ. Binh đoàn cơ động của tập đoàn quân Da-khơ-va-ta-ép có một trung đoàn bộ binh của sư đoàn 85, lữ đoàn xe tăng 16 và trung đoàn pháo tự hành 724. Còn binh đoàn cơ động của tập đoàn quân Rô-ghin-xki gồm có sư đoàn bộ binh 288 và lữ đoàn xe tăng 122. Giờ đây đã đến lúc tung các binh đoàn ấy ra hoạt động.

Các binh đoàn cơ động tức khắc truy kích quân địch, và Ma-xlen-ni-côp đề nghị chúng tôi chuyển sang đài quan sát của phương diện quân. Nhưng chúng tôi từ chối vì muốn được hòa mình vào nhịp đập của cuộc chiến đấu. Chúng tôi đi theo bộ đội và hứa là đến đêm sẽ quay về đài quan sát.

Con đường chúng tôi tiến quân gần thị trấn Pu-skin-xki-ê Gô-rư. Ngôi mộ của nhà thơ vị đại ở đây, trong tu viện cũ Xvi-a-tô-gô-rơ-xki. Nhà thơ đã trải qua hơn hai năm bị quản thúc trong trang viên Mi-khai-lôp-xcôi-ê ở gần đấy. Chúng tôi biết những điều ấy từ những ngày thơ ấu, và trong trí tưởng tượng của chúng tôi cứ hiện ra rất sinh động hình ảnh của nhà thơ bị cấm cố, của người bảo mẫu gầy gò lưng còng A-ri-na Rô-đi-ô-nốp-na, của I. I. Pu-sin và của anh chàng cận thị A. A. Đen-vít đến thăm bạn bị quản thúc.

Ở đây Pu-skin đã hoàn thành tác phẩm “Di-gan”, viết tác phẩm “Bô-rít Gô-đu-nốp” và những chương chính của cuốn “Ép-ghê-nhi Ô-nê-ghin”, nhiều bài thơ trữ tình sau đã phổ thành nhạc. Tất cả những sáng tác ấy, đều đã thành những công trình không thể không có được trong nền văn hóa của chúng ta, và cả trong những suy nghĩ của người Nga, cũng không thể nào thiếu những thứ ấy được. Vậy thì ai có thể thờ ơ khi đi qua những thắng tích như thế. Cố nhiên là chúng tôi đã ghé vào thăm.

Pu-skin-xki-ê Gô-rư được giải phóng ngay trước khi những lực lượng chủ yếu của phương diện quân Pri-ban-tích 3 bắt đầu tiến công. Đại đội bình định của địch không làm ăn gì được với quân du kích của ta, và một số phân đội dã chiến của địch đã bị đánh bật ra khỏi vùng này một cách nhục nhã. Các chiến sĩ công binh của ta đã kịp thời đặt những tấm biển báo hiệu đề phòng “mìn”. Chúng tôi còn thấy những tấm biển đề phòng ấy ngay ở chân bậc thang phía trước tu viện và bên ngôi mộ của Pu-skin.

Chỗ nào cũng bị hủy hoại tan hoang. Tu viện Xvi-a-tô-gô-rơ-xki, một di tích kiến trúc hiếm có của thế kỷ thứ XVI, bị mất ngôi nhà thờ chính ở giữa và bị hủy hoại một phần. Bên trong các phòng của tu viện, mọi vật đều đổ nát, tung tóe bừa bãi.

Trong tòa gia trạch Mi-khai-lốp-xcôi-ê ở bên cạnh, cảnh tượng cũng chẳng khác gì. Ngôi nhà hương hỏa của dòng họ Pu-skin, nay làm viện bảo tàng, đã bị cháy trụi. Căn phòng của A-ri-na Rô-đi-ô-nôp-na biến thành hầm trú ẩn. Quân chiếm đóng đã chặt mất một nửa số cây cổ thụ trong các trang viên Mi-khai-lôp-xcôi-ê và Tơ-ri-gô-rơ-xcôi-ê.

Chúng tôi rời khỏi những nơi ấy, lòng nặng trĩu.

Còn chiến dịch thì vẫn tiếp tục phát triển thuận lợi. Bộ đội đã được chit thị là trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải bám sát, truy kích địch trong đêm tối.

Đến nửa đêm, binh đoàn cơ động của tập đoàn quân 54 chiếm được đầu mối đường bộ quan trọng Cra-xnô-gô-rốt-xcôi e, và không cho đội hậu vệ địch bám lại tuyến sông Xi-nhi-a. Những đơn vị khác của ta hoạt động ở phía Bắc và phía Nam căn cứ bàn đạp Xtơ-re-giơ-nê-vô đã tiến sát tới sông Vê-li-cai-a và sẵn sàng tiến công vượt sông.

Ngày 18 tháng Bảy, chiến dịch diễn ra với đặc điểm một cuộc tổng tiến công trong dải của phương diện quân Pri-ban-tích 3. Lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân đột kích 1 và tập đoàn quân 54 vượt qua tuyến sông Xi-nhi-a. Không quân vẫn hoạt động tốt như trước. Sự chỉ đạo đầy kinh nghiệm của Gri-gô-ri A-lếch-xây-ê-vích Vô-rô-giây-kin thể hiện ra rất rõ.

Đến 18 giờ, bộ đội của Da-khơ-va-ta-ép đã từ phía Đông Nam tiến đến Ô-xtơ-rốp và mấy lần đánh chiếm lấy thành phố nhưng không được: các đợt tiến công của ta bị hỏa lực rất mạnh từ nhiều công trình phòng ngự của địch đánh bật trở lại. Các sư đoàn của Rô-ghin-xki thì đến cuối ngày đã đánh lui được quân địch sang bên kia sông Lơ-gia. Cũng trong ngày hôm ấy, bộ đội từ phía Nam Ô-xtơ-rốp đã vượt qua sông Vê-li-cai-a ở khắp nơi.

Trong hai ngày chiến đấu tiến công, phương diện quân Pri-ban-tích 3 đã tiến lên phía trước được 40 ki-lô-mét, mở rộng đoạn đột phá tới 70 ki-lô-mét. Trong quá trình tiến công, phương diện quân đã chiếm được hơn 700 vùng dân cư, trong đó có những vùng dân cư lớn như Sa-ni-nô, Dê-lê-nô-vô, Cra-xnô-gô-rốt-xcôi-ê. Các đơn vị bạn là phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 cũng điện về những tin rất đáng phấn khởi. Bộ đội của hai phương diện quân trên đang tiến mạnh về phía Ri-ga.

Ngày 19 tháng Bảy, lúc 22 giờ, Mát-xcơ-va thay mặt Tổ quốc bắn đại bác chào mừng phương diện quân Pri-ban-tích 3 chọc thủng phòng ngự địch; còn phương diện quân thì vẫn tiếp tục chiến đấu ngoan cường ở phía Tây sông Lơ-gia và đến cuối ngày 20 thảng Bảy, đã cắt đứt đường bộ và đường sắt từ Ô-xtơ-rôp đi Rê-déc-ne, tại khu vực nhà ga Bren-tra-ni-nô-vô; mọi đợt phản xung phong của địch đều bị đánh lui và bị thiệt hại nặng.

Lúc 3 giờ ngày 21 tháng Bảy, theo kế hoạch chiến dịch của phương diện quân thì tập đoàn quân 67 của tướng V. D. Rô-ma-nốp-xki chuyển sang tiến công, đột phá vào phòng ngự đã củng cố từ lâu của địch trên hướng Ô-xtơ-rốp; phối hợp với tập đoàn đột kích 1, tập đoàn quân ấy đã tiến công chiếm được thành phố Ô-xtơ-rôp đúng lúc 12 giờ. Đó là điểm tựa cực mạnh trong phòng ngự của quân Đức trên đường tiến ra những khu vực trung tâm của miền Pri-ban-tích.

Ta chiếm Ô-xtơ-rốp đã làm cho chiến dịch tiếp tục phát triển vu hồi vào Pơ-xcốp được dễ dàng. Mát-xcơ-va lại nổ loạt đại bác thứ hai chào mừng những người chiến thắng.

Sang đến ngày hôm sau, 23 tháng Bảy, nhân dân xô-viết lại bắn đại bác chào mừng và đốt pháo hoa khi phương diện quân Pri-ban-tích 3 giải phóng thành phố Pơ-xcốp cổ kính. Thú thật là chúng tôi vô cùng hân hoan khi được nghe qua đài phát thanh những loạt đại bác chào mừng như thế.

Nhiệm vụ trước mắt của phương diện quân đã hoàn thành. Hiện nay, ở phía trước của phương diện quân đã mở ra con đường tiến vào miền Nam E-xtô-ni-a và đến Ri-ga.

Chúng tôi lại suy nghĩ nhiều đến việc hoàn thành nhiệm vụ tiếp sau, và cuối cùng đã quyết định; đột kích chủ yếu vào Vu-ru, phát triển thắng lợi về phía Nam hồ Pơ-xcốp và hồ Tsút-xcôi-ê cho đến tuyến A-lúc-xne – Van-ga. Như vậy sẽ đưa quân ta liến vào phía sau lưng cánh quân Tác-tu và sau đó là cánh quân Nác-va của quân địch, tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho cuộc tiến công của phương diện quân Lê-nin-grát qua eo đất Nác-va.

Đại bản doanh nghiên cứu những đề nghị của chúng tôi và xác định rằng mũi đột kích chủ yếu của phương diện quân Pri-ban-tích 3 nên phát triển trên hướng A-lúc-xne, Van-ga, tức là chếch sang phía Tây hơn nhiều so với hướng đột kích chúng tôi chọn. Như vậy là tập đoàn đột kích của ta sẽ đánh thẳng vào trung tâm giao thông lớn nhất ở miền Pri-ban-tích là Van-ga, và phải cắt mọi lực lượng địch ở E-xtô-ni-a và ở miền Bắc Lát-vi-a ra khỏi Ri-ga. Phương án này, chúng tôi đã nghiên cứu, nhưng vì phương diện quân thiếu lực lượng nên đã bỏ, không dùng đến.

Việc bổ sung kế hoạch tiếp tục phát triển chiến dịch của phương diện quân Pri-ban-tích 3, căn cứ vào chỉ thị của Bộ tổng tư lệnh tối cao, phải làm mất mấy ngày liền. Còn bộ đội thì vẫn tiếp tục tiến mạnh về phía trước. Những gì cần phải hiệu chỉnh lại cho phù hợp với nhiệm vụ mới, đều được tiến hành trong quá trình tiến công.

Mũi đột kích của chúng ta vào Van-ga đã ảnh hưởng nhanh tới tình hình của đơn vị bạn ở bên phải. Bộ đội của phương diện quân Lê-nin-grát đã đột phá thắng lợi khu phòng ngự kiên cố của quân Đức trên hướng Nác-va, đã cơ động vu hồi kết hợp với đột phá chính diện, chiếm được thành phố và pháo đài Nác-va.

Đơn vị bạn bên trái là phương diện quân Pri-ban-tích 2 cũng tiến công thắng lợi trên hướng Rê-déc-ne – Ma-đô-na, để sau đấy tiến ra Ri-ga. Tư lệnh phương diện quân Pri-ban-tích 2 lúc này là đại tướng An-đơ-rây I-va-nô-vích Ê-ri-ô-men-cô vừa từ Crưm chuyển sang đây. Trước đó, Ê-ri-ô- men-cô đã từng chỉ huy lần lượt sáu phương diện quân. Tên tuổi của đồng chí đã gắn liền với những sự nghiệp anh hùng của quân đội xô-viết ở Xta-lin-grát.

Phương diện quân Pri-ban-tích 1 đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả để đột kích vào Si-a-u-lai và Ri-ga.

Nhưng, tôi lại không được dịp tận mắt chứng kiến kết quả của những sự kiện đang diễn ra ở đấy. Kế hoạch chiến dịch vừa được lập xong và báo cáo về Mát-xcơ-va thì A. I. An-tô-nốp gọi điện thoại cho tôi và tuyên bố:

- Việc của đồng chí đã xong, hãy trở về Bộ tổng tham mưu…

Trên đây, tôi đã nói đến ý định của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô: cắt Cụm tập đoàn quân “bắc” của địch ra khỏi những đơn vị khác của chúng. Mùa hè năm 1944, ý định ấy đã thành hiện thực.

Hạ tuần tháng Bảy, phương diện quân Pri-ban-tích 1 từ khu vực Pa-nê-vê-gi-xơ tiến công vào hướng Si-a-u-lai, còn phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 thì thẳng hướng tiến vào Đông Phổ. Như lúc này người ta thường nói, Quân đội Liên Xô đã tiến đến sát “sào huyệt con ác thú phát-xít”. Nói như vậy, không những đúng về mặt hình tượng, mà còn đúng cả về nội dung nữa, vì ở phía sau các hồ Ma-dua, trong khu vực Rốt-xten-bua, là sở chỉ huy của tổng hành dinh Hít-le “Von-phơ-san-txơ”, đang nằm sâu dưới đất. (Tổng hành dinh của Hít-le lấy tên là “wolfsschanze”, tiếng Đức có nghĩa là “sào huyệt của con chó sói”. – ND).

Ngày 24 tháng Bảy, I. Kh. Ba-gra-mi-an – tư lệnh phương diện quân Pri-ban-tích 1 – xác định là địch rút quân về Crút-xpin-xơ rồi sau đó về Ri-ga và Mi-ta-va (En-ga-va). Quân Đức chỉ còn bám lại những trận địa của chúng ở phía trước cánh trái của phương diện quân mà thôi. Nhưng sức chống cự của chúng ở đấy cũng đã yếu lắm rồi. Sở dĩ như thế, là vì những đòn đột kích mạnh của phương diện quân bạn Bê-lô-ru-xi-a 3 đã tiến đến những đường tiếp cận vào Đông Phổ.

Dự đoán của Bộ tổng tham mưu đã được thực hiện: những mũi đột kích của một số phương diện quân của ta phối họp chặt chẽ trong một thời gian, đã làm cho hai tập đoàn quân Đức 18 và 16 suy sụp hẳn. Chúng không còn khả năng cơ động dễ dàng như trước nữa. Bây giờ, thời cơ đã đến để kẹp chặt quân Đức lại ở miền Pri-ban-tích, như ta đã hình dung ra từ trước.

Nhưng, lực lượng của ta cũng bị tiêu hao, những đội dự bị thì không được dồi dào lắm. Hành động tiến công của các Lực lượng vũ trang Liên Xô diễn ra trên quy mô ngày một tăng thêm. Sau chiến dịch ở Bê-lô-ru-xi-a là tiếp ngay đến cuộc tiến công với quy mô lớn nhất ở miền Tây U-crai-na, mà chỉ cách nhau có một thời gian ngắn. Tất cả những sự kiện ấy đã đòi hỏi phải có nhiều đội dự bị và những đội dự bị ấy cũng đã tan đi nhanh.

Ngày 1 tháng Bảy, làm nhiệm vụ dự bị của Đại bản doanh, có tất cả hai tập đoàn quân binh chủng hợp thành là tập đoàn quân cận vệ 2 và 5, cùng tập đoàn quân không quân 8. Vì vậy, cuộc tiến công ở miền Pri-ban-tích phát triển chủ yếu là dựa vào những đội dự bị của các phương diện quân Pri-ban-tích và bằng cách điều động những lực lượng và phương tiện từ những khu vực thứ yếu sang các hướng chủ yếu.

Trong thực tế, các sự kiện đã phát triển như sau. Ngày 25 tháng Bảy, tư lệnh phương diện quân Pri-ban-tích 1 lệnh cho tướng V. T. Ô-bu-khôp, quân đoàn trưởng quân đoàn cơ giới cận vệ 3, đột kích vào Si-a-u-lai và đến cuối ngày 26 tháng bảy phải chiếm được thành phố. Ngoài ra, tập đoàn quân 51 của I-a. G. Crây-de phải mở cuộc tiến công cũng vào khoảng thời gian ấy và cũng phải tiến vào Si-a-u-lai. Tập đoàn quân cận vệ 2, lấy trong đội dự bị của Đại bản doanh, đến hoạt động bên sườn trái của phương diện quân Pri-ban-tích 1, bảo đảm mặt Đông Phổ cho phương diện quân hoạt động.

Mãi đến ngày 27 tháng Bảy ta mới chiếm được Si-a-u-lai.

Sau khi nhận được tin ấy, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao lệnh cho phương diện quân Pri-ban-tích 1 chuyển ngay những lực lượng chủ yếu quay sang Ri-ga, vì địch đang cho rút quân về Ri-ga. Lúc đầu chỉ thị trên được truyền đạt bằng điện thoại và sang ngày hôm sau thì làm thành văn bản mệnh lệnh gửi xuống. Nội dung mệnh lệnh như sau:

“Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội phương diện quân là cắt cánh quân địch ở miền Pri-ban-tích ra khỏi những đường giao thông về phía Đông Phổ, do đó Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:

Sau khi chiếm được khu vực Si-a-u-lai, mũi đột kích chủ yếu sẽ phát triển vào hướng chung tới Ri-ga, sử dụng một phần lực lượng bên cánh trái phương diện quân tiến công vào Me-men, nhằm cắt đứt con đường sắt ven biển nối miền Pri-ban-tích với Đông Phổ”.

I. Kh. Ba-gra-mi-an liền gửi ngay cho quân đoàn trưởng quân đoàn cơ giới cận vệ 3 bức điện nội dung như sau: “cảm ơn về chiến thắng ở Si-a-u-lai. Ngừng đánh ở khu vực Si-a-u-lai. Tập trung tức khắc vào Mét-cu-trai và đột kích lên phía Bắc dọc theo đường bộ. Đến cuối ngày 27 tháng Bảy 1944, lực lượng chủ yếu phải chiếm được I-ô-nít-kít, còn những chi đội mạnh phải đi trước phải chiếm được Ba-út-xca, En-ga-va”.

Cuộc tiến công của quân đoàn trên hướng mới phát triển mạnh đến mức quân địch không thể chống cự có tổ chức, ở đây đã thể hiện rõ tình hình chung rất bất lợi cho địch ở miền Pri-ban-tích và nhất là sự thất bại của chúng trên những mặt trận chính của cuộc chiến tranh: ở đấy quân đội xô-viết đã vượt qua các sông Vi-xla và Nê-man. Thái độ huênh hoang trước đây của quân xâm lược đã bị đập tan.

Lợi dụng kết quả thu được của quân đoàn cơ giới ngày 28 tháng Bảy, I. Kh. Ba-gra-mi-an đã phái bộ đội của tập đoàn quân 51 tiến vào hướng En-ga-va, còn tập đoàn quân 43 của A. P. Bê-lô-bô-rô-đốp thì ngay trong thời gian này cũng tiế lên phía Bắc.

En-ga-va (Mi-ta-va), đầu mối giao thông chính nối miền Pri-ban-tích với Đông Phổ, bị ta chiếm ngày 31 tháng Bảy. Còn chi đội phái đi trước thuộc lữ đoàn cơ giới cận vệ 8, do đại tá X. Đ. Crê-me chỉ huy thì đã tới được Tu-cum-xơ và bờ biển ở khu vực Cláp-can-xơ sớm hơn một hôm, tức ngày 30 tháng Bảy. Những đường giao thông của địch, chạy từ miền Pri-ban-tích đến Đông Phổ đã bị cắt đứt hết. Theo xác nhận của chính những viên tướng của Hít-le, thì ở khu vực Tu-cum-xơ đã sinh ra “cái lỗ hổng trong những lực lượng vũ trang của nước Đức phát-xít”.

Trong toàn bộ diễn biến của những sự kiện trên, nguyên soái Liên Xô A. M. Va-xi-lép-xki đã giữ một vai trò rất lớn. Từ ngày 29 tháng Bảy 1944, đồng chí được giao nhiệm vụ không những phối hợp mà còn chỉ đạo các chiến dịch của các phương diện quân Pri-ban-tích 2 và 1, và cả phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 nữa. Sau này, trung tâm cuộc chiến đấu ở miền Pri-ban-tích chuyển sang hướng Ri-ga thì Va-xi-lép-xki chỉ đạo những hành động chiến đấu của cả ba phương diện quân Pri-ban-tích, nên đồng chí thôi không phụ trách chỉ đạo phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 nữa.

Các tập đoàn quân 16 và 18 của Đức bị cô lập ở miền Pri-ban-tích, đang đứng trước nguy cơ bị tiêu diệt hoàn toàn. Nên cố nhiên là bộ chỉ huy phát-xít Đức cố ra sức vá víu “cái lỗ hống trong những lực lượng vũ trang của nước Đức phát-xít” và khôi phục mối liên lạc thiết yếu giữa Cụm tập đoàn quân “bắc” với sườn trái của Cụm tập đoàn quân “trung tâm” ở Đông phổ. Vì thế, chúng đã điều tập đoàn quân xe tăng 3 tới khu vực Si-a-u-lai và giao cho nhiệm vụ đột phá tới Ri-ga.

Cuộc tiến công của tập đoàn quân xe tăng 3 của Đức rất quyết liệt kết hợp với quân địch từ phía Ri-ga nống ra. Nhưng địch vẫn không sao đánh lui được bộ đội của phương diện quân Pri-ban-tích 1. Quân Đức chỉ chiếm lại được một hành lang hẹp, nối Ri-ga với Tu-cum-xơ.

Chúng ta cũng không hài lòng về tình hình đó. Hành lang Cuốc-lan-đi-a tuy hẹp, song địch vẫn có thể dùng để cơ động lực lượng và khi cần, chúng có thể rút Cụm tập đoàn quân “bắc” về Đông Phổ bằng đường bộ được. Hậu quả của việc cơ động như vậy có thể rất không hay, vì sẽ gây khó khăn lớn cho tiến trình những chiến dịch của ta ở Đông Phổ và Ba Lan.

Đáng tiếc là bấy giờ ta chưa có khả năng khắc phục được khó khăn ấy ngay. Bộ đội xô-viet đã mệt mỏi trong những trận chiến đấu dài ngày, và nói chung ở miền Pri-ban-tích ta chưa có đủ ưu thế cần thiết hơn hẳn địch về quân số. Rõ ràng là phải bổ sung, điều động những lực lượng mới đến cho đủ, nhưng đồng thời vẫn không ngừng tiến công, không cho quân địch có thời gian tạm nghỉ. Chính vì những lý do đó mà cuối tháng Bảy và trong tháng Tám 1944, những hoạt động tích cực của chúng ta ở miền Pri-ban-tích không những không giảm đi, mà thậm chí còn tăng lên nữa.

Như đã nói trên, từ ngày 24 tới 30 tháng Bảy, phương diện quân Lê-nin-grát đã thực hiện chiến dịch tiến công vào Nác-va, giải phóng Nác-va và tiến sâu về phía trước được 20 tới 25 ki-lô-mét. Phương diện quân Pri-ban-tích 2, từ ngày 28 tháng Bảy đến hết ngày 28 tháng Tám, đã tiến hành chiến dịch gọi là chiến dịch Ma-đô-na, ở nơi tiếp giáp giữa các tập đoàn quân 18 và 16 của địch. Vấp phải sức chống cự ngoan cố của chúng, phương diện quân tiến về hướng Ri-ga rất chậm, trong vòng một tháng chỉ được có 20 ki-lô-mét.

Còn chiến dịch tiến công Tác-tu của phương diện quân Pri-ban-tích 3, bắt đầu từ ngày 10 tháng Tám và kéo dài cho đến 6 tháng Chín, thì kết quả đã tiêu diệt được một lực lượng đáng kể của quân địch thuộc tập đoàn quân 18 của chúng. Bộ đội của phương diện quân này tiến sâu được 120 ki-lô-mét về phía Tây – Bắc, và 70 tới 90 ki-lô-mét về phía Tây, giải phóng Tác-tu và nhiều vùng dân cư lớn khác.

Do kết quả các chiến dịch mở ra đồng thời của một phương diện quân của ta, nên tình hình quân địch ở miền Pri-ban-tích xấu đi một cách nghiêm trọng. Ngay viên tướng Phri-xne, chỉ huy Cụm tập đoàn quân “bắc”, cũng phải công nhận như thế, và Hít-le đã mượn cớ để cử tướng Séc-nơ thay Phri-xne vào đúng những ngày cuối tháng Bảy.

Những hành động ở miền Pri-ban-tich không những phối hợp với cuộc tiến công của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a và U-crai-na 1 mà còn phối hợp với chiến dịch I-a-xư Ki-si-ni-ôp của quân đội xô-viết chống cụm tập đoàn quân “nam U-crai-na” của địch. Ở đây, ngày 20 tháng Tám 1944, các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 hiệp đồng với Hạm đội Biển Đen và Chi hạm đội Đa-nuýp đã làm cho địch thất bại thảm hại. Kết quả là phương diện quân U-crai-na 2 đột nhập sâu vào lãnh thổ Ru-ma-ni, sau đó triển khai chiến dịch sang đất Hung, trên hướng Bu-đa-pét.

Ngày 23 tháng Tám, nhân dân Ru-ma-ni, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đã lật đổ nền độc tài phát-xít của An-tô-ne-xcu. Chính phủ mới của Ru-ma-ni cắt đứt quan hệ và tuyên chiến với nước Đức Hít-le. Phương diện quân U-crai-na 3 thì tiến vào Bun-ga-ri.

Ngày 9 tháng Chín, nhân dân Bun-ga-ri, đứng đầu là Đảng công nhân, cũng đoạn tuyệt với chủ nghĩa phát- xít thành lập Chính phủ dân chủ của Mặt trận Tổ quốc và tuyên chiến với Đức.

Cuộc tiến công lại tiếp tục trên hướng Bê-ô-grát, từ biên giới Bun-ga-ri – Nam Tư. Phương diện quân U-crai-na 4, được khôi phục lại ngày 5 tháng Tám, tiến về phía trước, trên hướng núi Các-pát.

Nhưng hãy trở về với miền Pri-ban-tích. Chiến tuyến ở đây có lợi cho chúng ta. Tới ngày 29 tháng Tám, chiến tuyến chạy dài xuống phía Tây Nác-va 20 ki-lô-mét, và kéo xa nữa tới bờ Tây hồ Tsút-xcôỉ-ê, bao quanh Tác-tu, hồ Vưa-txơ – I-a-rơ-vi, tiếp đến thượng lưu sông Ga-u-i-a, ăn xuống phía Tây Ma-đô-na 20 ki-lô-mét, vòng qua Gô-xti-ni, Pô-li, Ba-út-xca, En-ga-va (Mi-ta-va), Dô-be-le, Si-a-u-lai, Rôt-xi-e-nư, Vi-rơ-ba-lít.

Từ khu vực Tác-tu, ở tuyến này có thể mở những mũi đột kích vào sau lưng tập đoàn địch đang tiếp tục chống cự ở phía Tây Nác-va, hoặc tiến công chia cắt hoàn toàn hai tập đoàn quân 18 và 16 của quân Đức quốc xã. Hình thái tác chiến như vậy cho phép ba phương diện quân Pri-ban-tích tập trung những nỗ lực của mình ở khu vực Ri-ga được thuận lợi hơn. Cuối cùng, kết quả đạt được sẽ đưa quân ta từ Si-a-u-lai tiền mạnh sang phía Tây và cắt nhỏ toàn bộ cụm quân địch tại miền Pri-ban-tích.

Mặt trận kéo rất dài như vậy buộc bộ chỉ huy Đức phải hoạt động, như ta thường nói, theo hình những ngón tay xòe ra. Tuy vậy, lực lượng dịch cũng chưa phải là đã cạn, chẳng hạn chúng vẫn còn giữ một tập đoàn xe tăng lớn bên tả ngạn sông Tây Đvi-na ở phía Nam Ri-ga. Ngoài ra, chúng đã điều tới miền Pri-ban-tlch một số sư đoàn xe tăng và bộ binh, rút từ những khu vực khác trên mặt trận Xô – Đức, trước đây hãy còn “yên tĩnh”. Một số đơn vị được chở đến bằng máy bay. Trang bị và khí tài cũng đang tiếp tục vận chuyển tới.

Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô quyết định phải hoàn toàn kết thúc việc giải phóng miền Pri-ban-tích. Vì thế phải đặt kế hoạch mở những mũi đột kích của phương diện quân Lê-nin-grát và Hạm đội Ban-tích Cờ đỏ ở E-xtô-ni-a, còn của ba phương diện quân Pri-ban-tích thì ở Lát-vi-a, đặc biệt ở khu vực Ri-ga. Đại bản doanh điều động tập đoàn quân 61 – vừa mới rút về làm nhiệm vụ dự bị – sang dải hoạt động của phương diện quân Pri-ban-tích 3, để khi cần thiết sẽ sử dụng vào hướng Ri-ga.

Trên mặt trận phía Đông của miền Pri-ban-tích, đã tiến hành việc điều động, tổ chức lại một phần các đơn vị bộ đội: chuyển khu vực Tác-tu vào dải hoạt động của phương diện quân Lê-nin-grát và tập đoàn quân đột kích 2 cũng chuyển giao sang phương diện quân Lê-nin-grát. ở đây đã chuẩn bị lực lượng gồm 14 sư đoàn để đột kích trên hướng Rác-ve-re vào phía sau cánh quân Nác-va của địch. Còn tiếp sau thì phương diện quân Lê-nin-grát phải đánh chiếm Tan-lin.

Nhiệm vụ của những phương diện quân khác cũng được xác định như sau:

Phương diện quân Pri-ban-tích 3, không kể tập đoàn quân 61, được phối thuộc thêm quân đoàn xe tăng 10 và sự đoàn pháo binh cận vệ 2, sẽ đột phá phòng ngự địch ở hai địa đoạn phía Nam hồ Vưa-txơ – I-a-rơ-vi và phát triển kết quả trên hướng chung tới Txe-xít, rồi sau đó tới Ri-ga.

Phương diện quân Pri-ban-tích 2 tiêu diệt tập đoàn địch bố trí ở Ma-đô-na, đồng thời từ khu vực Ma-đô-na tiến công dọc theo bờ Bắc sông Tây Đvi-na tới Ri-ga và sử dụng một bộ phận lực lượng tiến công vào Đơ-déc-be-ne.

Phương diện quân Pri-ban-tích 1 sử dụng lực lượng của tập đoàn quân 43 và tập đoàn quân đột kích 4, từ phía Nam đột kích vào Ri-ga, không cho địch rút quân về phía Tây. Đồng thời, các đơn vị bên cánh trái của phương diện quân, làm nhiệm vụ yểm hộ đánh cánh quân địch bố trí tại Me-men, phải tiến công vào Tu-cum-xơ, Ke-me-ri, để cắt địch ra khỏi miền Cuốc-lan-đi-a.

Trong thời gian này, lương quan lực lượng ở miền Pri-ban-tích đối với chúng ta có thuận lợi hơn. Về đạn dược, vẫn như trước đây, đòi hỏi của chúng ta rất lớn, nhưng Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô chưa có khả năng phân phối đấy đủ cho tất cả các phương diện quân. Cần phải chọn giữa miền Pri-ban-tích với các mặt trận khác, và cố nhiên là phải phân phối đạn dược trước tiên cho mặt trận nào sẽ quyết định kết cục của chiến cuộc và chiến tranh nói chung.

Việc chỉ đạo những hành động chiến đấu ở miền Pri-ban-tích do A. M. Va-xi-lép-xki thực hiện tại chỗ cho đến ngày 1 tháng Mười. Còn từ 1 tháng Mười trở đi thì Va-xi-lép-xki chỉ chịu trách nhiệm có hai phương diện quân là phương diện quân Pri-ban-tích 1 và phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3, ở đây; dự kiến sẽ diễn biến những sự kiện quan trọng hơn.

Còn những chiến dịch của phương diện quân Lê-nin-grát vả hai phương diện quân Pri-ban-tích 2 và 3 thì từ ngày ấy, do I. A. Gô-vô-rốp chỉ đạo. Thời gian này, Gô-vô-rốp làm tư lệnh phương diện quân Lê-nin-grát. Hình thức chỉ đạo có phần đặc biệt như vậy, giúp cho Đại bản doanh tập trung được mọi chú ý vào hướng chiến lược chủ yếu, đồng thời bảo đảm phối hợp được vững chắc những hành động chiến đấu ở miền Pri-ban-tích.

Lê-ô-nít A-lếch-xan-đrô-vích Gô-vô-rốp bấy giờ đã là nguyên soái Liên Xô, là người có công lao và uy tín lớn trong quân đội. Đồng chí đã giữ một vai trò xuất sắc trong chiến dịch lịch sử Mát-xcơ-va. Hồi ấy, đồng chí chỉ huy tập đoàn quân 5, bám chắc con đường cái lớn Min-xcơ.

Năm 1943 dưới sự chỉ huy của đồng chí, phương diện quân Lê-nin-grát hiệp đồng với các phương diện quân bạn đã phá vỡ vòng vây đang bóp nghẹt thành phố Lê-nin. Gô-vô-rốp ít nói, khô khan, có phần hơi khó tính, thường gây ấn tượng không hay lắm trong những buổi tiếp xúc ban đầu, nhưng tất cả những ai đã làm việc dưới sự lãnh đạo của Lê-ô-nít A-lếch xan-đrô-vích đều biết rất rõ là vẻ nghiêm khắc ấy chỉ là cái bề ngoài của một tâm hồn rộng rãi và nhân hậu của người Nga.

Ngày 14 tháng Chín, cá ba phương diện quân Pri-ban-tích đồng loạt bắt đầu chiến dịch quyết định nhằm tiêu diệt địch ở miền Pri-ban-tích, và đến ngày 17 tháng Chín thì cả phương diện quân Lê-nin-grát cũng tham gia. Tuy nhiên, kết quả lại phát triển chậm trên hướng chủ yếu là hướng Ri-ga.

Cả lần này, ta cũng không chia cắt được tập đoàn địch. Chúng vừa đánh vừa lùi về tuyến đã chuẩn bị trước, cách Ri-ga 60 đến 80 ki-lô-mét. Bộ đội ta tập trung trên những đường tiếp cận tới thủ đô nước Lát-vi-a, đúng là chỉ gặm dần được phòng ngự địch, đẩy chúng lùi từng mét một.

Chiến dịch tiến triển như vậy không thể đưa đến thắng lợi nhanh chóng được, mà còn gây cho ta nhiều tổn thất lớn. Địch lại tổ chức phản kích bên cánh trái của phương diện quân Pri-ban-tích 1. Ngày 16 tháng Chín, tập đoàn quân xe tăng 3 của chúng từ tuyến Ken-mư – Ten-sai chuyển sang tiến công, đạt được thắng lợi tạm thời ở khu vực Đô-be-le. Hai ngày sau, chúng lại mở mũi đột kích mạnh thứ hai vào bộ đội ta, lần này từ phía Ri-ga đánh ra. Mũi đột kích này bị bẻ gãy. Quân Đức mưu toan tổ chức lại, nhưng cũng không thành công.

Tất cả những hiện tượng trên chứng minh rằng quân địch đang ra sức tìm mọi cách giữ vững liên lạc giữa Cụm tập đoàn quân “bắc” với đất Đông Phổ, để khi cần thiết có thể rút bằng đường bộ ra khỏi miền Pri-ban-tích. Dấu hiệu chuẩn bị rút quân của địch, trinh sát ta đã phát hiện được.

Cố nhiên, chúng ta không thể lấy việc ấy để tự an ủi. Trong khi đánh giá tình hình chung, Đại bản doanh đã công nhận chiến dịch ở Ri-ga phát triển không thuận lợi, và đã quyết định chuyển những nỗ lực chủ yếu sang sườn bên trái phương diện quân Pri-ban-tích 1, trong khu vực Si-a-u-lai để làm thay đổi tình huống đến tận gốc.

Ở đây, ta dự định thành lập một tập đoàn đột kích mạnh và mở cuộc tiến công vào Me-men, nhưng lại không được làm giảm bớt tính tích cực của hai phương diện quân Pri-ban-tích 2 và 3 trên hướng Ri ga và của phương diện quân Lê-nin-grát ở E-xtô-ni-a.

I. V. Xta-lin chú ý đặc biệt đến chiến dịch Me-men. Đồng chí tự mình trao ổôi với A. M. Va-xi-lép-xki về tất cả những vấn đề liên quan đến chiến dịch, như: xác định thành phần những lực lượng cần thiết, cách điều động, tổ chức lại bộ đội chú ý giữ bí mật khi cơ động bộ đội, nhưng vẫn còn ngại là chiến dịch tổ chức ra có đạt được yếu tố bất ngờ hay không.

Sau khi cân nhắc mọi số liệu do Bộ tổng tham mưu cung cấp, Đại bản doanh cho rằng, thời cơ này là hoàn toàn thuận lợi. Vậy là bắt đầu tập trung ở khu vực Si-a-u-lai và ở phía Bắc Si-a-u-lai bốn tập đoàn quân binh chủng hợp thành (tập đoàn quân đột kích 4, các tập đoàn quân 43, 51, cận vệ 6), một tập đoàn quân xe tăng (cận vệ 5), và cả một quân đoàn xe tăng độc lập với một quân đoàn cơ giới độc lập.

Bộ đội được điều động và tổ chức lại trong phạm vị cự ly tối đa không được quá 240 ki-lô-mét. Để bảo đảm cho việc điều động và tổ chức lại được bí mật, ta đã làm một số lớn đường sá (hơn 25 con đường hành quân) cho các đơn vị vận động và chiếm quyền khống chế trên không.

Các tập đoàn quân của phương diện quân Pri-ban-tích 2 đã chuyển sang phía Nam Ri-ga, thay cho bộ đội của phương diện quân Pri-ban-tích 1 đã rút khỏi đấy.

Mục đích của chiến dịch Me-men là từ phía Tây và Tây – Nam Si-a-u-lai đột phá phòng ngự địch, tiêu diệt tập đoàn quân xe tăng 3 của chúng, và tiến ra biển Ban-tích tới những khu vực Pa-lan-ga, Me-men, cửa sông Nê-man và do đó mà cắt đường rút lui của quân địch từ miền Pri-ban-tích về Đông Phổ. Theo chỉ thị của Đại bản doanh ngày 24 tháng Chín nhiệm vụ ấy hoàn toàn giao cho phương diện quân Pri-ban-tích 1.

Những ngày tiếp sau, I. V. Xta-lin còn tự mình chỉ dẫn thêm cho A. M. Va-xi-lép-xki và I. Kh. Ba-gra-mi-an là việc tiêu diệt quân địch đã bị chia cắt nhỏ ở khoáng giữa Đông Phổ và Ri-ga, sẽ do lực lượng của hai phương diện quân hiệp đồng tác chiến với nhau – phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 – tiến hành. Tập đoàn quân 39 của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3 cũng được điều sang tham gia chiến dịch. Trong khi tiến công dọc theo sông Nê-man, tập đoàn quân 39 phải phối hợp với phương diện quân Pri-ban-tích 1.

Quân địch phát hiện ra việc điều động và triển khai bộ đội của ta rất muộn, chúng không thể ngăn trở được việc thực hiện ý định của Đại bản doanh. Chiến dịch Me-men bắt đầu đúng hạn định – ngày 5 tháng Mười – và đã phát triển thắng lợi. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 tiến vào đột phá trong ngày tiến công thứ hai và lập tức lao nhanh về phía Pa-lan-ga và Me-men.

Quân địch đã nhận ra rằng mũi đột kích ấy uy hiếp chúng như thế nào. Từ sáng ngày 6 tháng Mười, chúng bắt đầu cho rút quân khỏi Ri-ga qua miền Cuốc-lan-đi-a về Đông Phổ. Các phương diện quân Pri-ban-tích 3 và 2 chuyển sang truy kích. Nhưng trong điều kiện những đội hậu vệ của địch kháng cự lại rất mạnh, lại thêm địa hình hiểm yếu và đạn dược thiếu thốn, tốc độ truy kích lần này không cao lắm.

Đến ngày thứ sáu của chiến dịch, tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5, do tướng V. T. Vôn-xki chỉ huy, cuối cùng đã tiến ra tới bờ biển. Trong lúc ấy, tập đoàn quân cận vệ 6 và tập đoàn quân đột kích 4 trên đường tiến quân đã chạm trán với những lực lượng lớn của cụm tập đoàn quân “bắc” ở tuyến San-đút, Pri-e-cu-le và sau nhưng trận đánh quyết liệt đã chặn đứng chúng lại: do đó đã bảo đảm được vững chắc mặt phía Bắc cho những tập đoàn quân còn lại của phương diện quân Pri-ban-tích 1 hoạt động, và đến ngày 12 tháng Mười thì những tập đoàn quân ấy đã vòng qua được Me-men, tiến ra biên giới Đông Phổ. Và tập đoàn quân 39 của tướng I. I. Li-út-ni-cốp cũng tiến về phía Tây tháng lợi.

Quân địch không thể nào ngăn cản được sức đột phá của tập đoàn quân cận vệ 6 và tập đoàn quân đột kích 4, cuối cùng bắt buộc phải từ bỏ cái âm mưu thất bại của chúng là thoát về Đông Phổ. Những đòn đột kích của ta bắt chúng phải chuyển sang phòng ngự ở Cuốc-lan-đi-a trên những tuyến đã chuẩn bị sẵn. Vì vậy mà hình thành ra “vùng nhốt thú Cuôc-lan-đi-a” khét tiếng này.

Trong chiến dịch ở Si-a-u-lai và Me-men, đã nổi bật tài cầm quân đặc sắc của I. Kh. Ba-gra-mi-an cùng kiến thức quân sự rộng lớn và những kinh nghiệm thực tiễn phong phú của đồng chí. Những chương trên đã nói về đồng chí nhiều, không những đặc điểm trong phẩm chất của I-van Khơ-ri- xtô-phô-rô-vích Ba-gra-mi-an sẽ chưa được nêu lên đầy đủ nếu không kể ra đây sự quan tâm của đồng chí đến mọi người xung quanh, việc biết tôn trọng ý kiến của những người khác, sức cảm hóa mạnh, tính trung thực và lòng mến khách của đồng chí. Rõ ràng việc kết hợp tốt đẹp tất cả những đức lính ấy, làm cho đồng chí sống thật thoải mái giữa bất kỳ một tập thể nào trong quân đội và rất vững vàng trên bất kỳ cương vị trọng trách nào.

Sau chiến tranh, là viện trưởng Học viện Bộ tổng tham mưu, I-van Khơ-ri-xtô-phô-rô-vích đã phục vụ cho một sự nghiệp cực kỳ quan trọng là đào tạo những cán bộ chỉ huy quân đội; rồi sau đó làm chủ nhiệm Tổng cục hậu cần của các Lực lượng vũ trang Liên Xô, đồng chí góp phần rất ích lợi của mình vào công tác bảo đảm sẵn sàng chiến đấu cho lục quân, không quân và hải quân của chúng ta.

Đi đôi với chiến dịch Me-men, các Lực lượng vu trang xô-viết vẫn tiếp tục đánh chiếm thủ đô nước Cộng hòa xô-viết Lál-vi-a. Quân chiếm đóng phát-xít Đức bị đẩy lùi từng bước một ra khỏi những trận địa của chúng. Ngày 13 tháng Mười, Ri-ga được giải phóng.

Sau sự kiện này, Đại bản doanh cho là có thể giải thể phương diện quân Pri-ban-tích 3. Chỉ thị ấy được ban hành ngày 16 tháng Mười. Tập đoàn quân đột kích 1 của trung tướng N. Đ. Da-khơ-va-ta-ép và tập đoàn quân không quân 14 của trung tướng I. P. Giu-ráp-li-ốp chuyển sang thuộc biên chế của phương diện quân Pri-ban-tích 2. Tập đoàn quân 67 của trung tướng V. D. Rô-ma-nốp-xki chuyển thuộc phương diện quân Lê-nin-grát. Còn tập đoàn quân 54 của trung tướng X. V. Rô-ghin-xki rút về làm đội dự bị của Đại bản doanh.

Hai phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2 cùng chịu trách nhiệm thanh toán cánh quân địch còn đóng lại ở Cuốc-lan-đi-a gồm có 29 sư đoàn và nhiều đơn vị đặc chủng cùng binh khí kỹ thuật khác. Ngày 10 tháng Mười, tập đoàn quân đột kích 4, tập đoàn quân cận vệ 6, và hai tập đoàn quân xe tăng cận vệ 5 và 51 được điều lên phía Bắc để tiến đánh tập đoàn quân 18 và 16 của bọn Đức. Đầu tháng Mười một, còn có tập đoàn quân cận vệ 2 từ biên giới Đông Phổ điều sang giúp sức các tập đoàn quân trên. Trên sông Nê-man chỉ còn lại có tập đoàn quân 43.

Bộ đội của phương diện quân Pri-ban-tích 2 cũng quay vòng đánh cánh quân địch ở Cuôc-lan-đi-a.

Đại bản doanh muốn tiêu diệt sớm quân địch ở đây, nhưng nhiệm vụ ấy gặp nhiều khó khăn và không thể thực hiện đúng hạn định được. Rốt cuộc, bộ đội ta đã phải vây chặt quân địch ở cái bán đảo Cuốc-lan-đi-a ấy.

Như vậy là những hành động chiến đấu của bộ đội xô-viết ở miền Pri-ban-tích đã diễn ra gần suốt năm 1944. Trong toàn bộ thời gian đó, trong biểu tiến trình vẫn chỉ ghi có một nhiệm vụ chủ yếu là: cắt Cụm tập đoàn quân “bắc”, đồng thời xé nhỏ ra và tiêu diệt chúng từng bộ phận.

Nhiệm vụ ấy được thực hiện qua nhiều giai đoạn: trong tháng Hai – tháng Ba 1944 phải giành được hình thái chiến dịch cần thiết để hoạt động sâu trong phạm vị đất đai miền Pri-ban-tích: trong tháng Bảy – tháng Tám, bộ đội xô-viết phải làm cho quân địch thất bại nặng và chiếm lĩnh những tuyến có lợi để hoàn thành cuộc tiến công: trong tháng Chín – tháng Mười phải đập tan những lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân “bắc” và dồn tàn quân của chúng về Cuôc-lan-đi-a.

Việc cần thiết phải tiêu diệt quân địch ở miền Pri-ban-tích trong thời gian này có một ý nghĩa thật đặc biệt, vì quân đội xô-viết đã tiến ra biên giới Liên Xô và Đông Phổ, mở ra hướng chiến lược quyết định là hướng Tây tiến về Vác-sa-va, Béc-lin, và hướng Tây – Nam tiến về Bu-đa-pét, Viên, nên không thể để lại cái căn cứ bàn đạp chiến lược cho quân địch ở phía sau những phương diện quân đang tiến công ấy. Vì vậy, trong giai đoạn chiến đấu cuối cùng, Bộ tổng tham mưu và Tổng tư lệnh tối cao đã luôn quan tâm tới vùng Pri-ban-tích.

Mặc dầu cuộc chiến đấu diễn ra thật phức tạp, qua nhiều đột biến và đã đem theo cả những thất bại tạm thời, song bản hoà âm kết thúc cuộc chiến đấu là chiến dịch Me-men nổi tiếng về ý định và tổ chức thực hiện ấy quả là một mẫu mực kiệt xuất của nghệ thuật quân sự xô-viết.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx