sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

09. Ở nơi không tiếng súng

Ở nơi không tiếng súng

Truyện ngắn

1. Trường Thái Hà ở ven đô, một ngôi nhà bốn tầng cũ kỹ cắt ngang ô đất khá lớn tạo thành hai khoảnh sân. Con đường đất kéo dài từ rạp hát chạy qua cổng trường, tiếp giáp với khu tập thể lụp xụp ngay bên cạnh rồi nối thẳng với chợ. Cạnh bên kia và mặt sau của trường là đồng trũng, mênh mông sen súng, ếch nhái uôm uam cả ngày.

Khu tập thể này luôn bốc lên một mùi rất lạ. Đó là mùi của rác rưởi, của cống rãnh lưu cữu, của những mụn giẻ rách giăng kín rặng cây gai, cúc tần được trồng làm hàng rào. Cũng có thể, đó là mùi hơi người của những kẻ quanh năm bươn bả ngập ngụa trong đống rác kiếm miếng sinh nhai.

Lũ trẻ khu này đi nhặt rác là chính, học là phụ. Đứa nào đứa ấy đen nhẻm, gầy nhẳng, hôi hám, khăn khẳn như xác chết phơi nắng ba ngày. Chiều chiều, trên con đường đất bụi đỏ dẫn về nhà, chúng đi thành đoàn, tay này cầm mổ rác bập bập bới bới, tay kia lệt xệt kéo bao tải dứa chứa bên trong chổi cùn rế rách kiếm được trong ngày. Trẻ con khu khác nhìn thấy phải tránh đường, người lớn lờ đi như không thấy. Lôi thôi chúng nó ngứa tay phập cho một nhát bằng que sắt mổ rác vào lốp xe đạp mới được phân phối cũng đủ phiền toái.

2. Thằng Bảo mười bảy tuổi. Hâm hâm dở dở nhưng mà lành, không gào thét phá phách xé quần xé áo, chỉ hay đứng ở đầu khu tập thể cười ngu ngơ.

Vừa rồi nó lên phường, líu lô o áu ập ũ mà không ai đồng ý, về tự làm một bộ quân hàm. Tiết được cắt từ chậu nhựa rách màu đỏ, ngôi sao bạc tỉa từ cái thìa nhôm. Vậy là nó có đôi quân hàm binh nhì đỏ chóe gắn lên ve áo bộ quân phục không biết xin được của ai.

Bảo rất thích đứng ở đầu khu, đợi mọi người đi qua giơ tay chào kiểu nhà binh. Người lớn thấy nó nghiêm trang quá cũng bối rối, gật đầu đáp lễ lấy lệ rồi quay mặt đi, miết mạnh đôi bàn chân xuống pê-đan cho xe qua nhanh. Lũ trẻ khoái chí lắm. A! Chào chú bộ đội… Chào binh nhì Bảo hấp… Chú bộ đội ơi giúp dân gánh nước với.

Bảo rất khỏe và tốt bụng. Ai nhờ việc gì nó cũng giúp, từ thông cống đến trộn vữa cải tạo nhà. Chẳng đòi hỏi công xá bao giờ, chỉ cần trả ơn bằng cái vỗ vai “Bảo chiến sĩ” là nó sướng rơn.

Bảo không đi học, mặc dù nhà nó cách trường không quá mươi bước chân.

3. Nhân gần ba mươi tuổi, tốt nghiệp khoa Địa Sư phạm I năm 78, chưa dạy ngày nào thì nhập ngũ. Đi trồng sắn, trồng khoai, đào mương đắp đập mãi đến năm 81 mới sang Campuchia chiến đấu. Đến 84 thì chuyển ngành về làm giáo viên dạy Địa ở trường cấp hai Thái Hà. Suốt sáu năm quân ngũ, ngoài bắn ba phát AK bia lọ mực thời tân binh, Nhân không có cơ hội nổ thêm phát súng nào nữa. Đời lính chiến như thế kể cũng kém phần oanh liệt.

Nhân hiền lành, ngoài những lúc đứng lớp không mấy khi thấy anh nói chuyện. Da trắng, người dong dỏng cao trong bộ ga-ba-đin xanh lá. Thoáng nhìn tưởng Nhân thuộc thành phần trí thức ẻo lả trói gà không chặt. Nhưng khuôn mặt vuông vức với bộ râu quai nón xanh rì được cạo sạch sẽ vẫn toát lên sự mạnh mẽ rất đàn ông pha chút gió sương. Gặp ai cũng khẽ cúi đầu chào khiêm nhường, miệng mỉm cười tươi tắn để lộ hàm răng trắng bóc, đều tăm tắp.

Nhân chưa có vợ, ở nhờ nhà anh họ. Nhà chật người đông, giọt máu đào hơn ao nước lã nên họ cũng gắng đùm bọc lấy nhau.

4. Bảo không có bố. Mẹ nó hoang thai với một anh bộ đội lái xe, đẻ xong quẳng lại cho bà ngoại, lao đầu vào tuyến lửa làm thanh niên xung phong với hy vọng tìm được bố nó. Hai năm sau mẹ nó bị bom vùi chết.

Bà ngoại nuôi Bảo bằng nước cháo và bánh đa. Gánh hàng của bà chỉ có hai cái thúng. Trên bày mấy lọ ô mai, kẹo bột, bánh xốp và những thứ nhì nhằng bán dỗ trẻ con. Phía dưới là bếp than hoa nướng bánh, vài chai rượu nút lá chuối và dăm ba cái chén hoa hồng. Đầu đòn gánh treo toòng teng túm bánh đa đã nướng bọc trong túi giấy bóng. Hàng ngày bà quảy ra đầu khu, ngồi núp dưới mái hiên đắp đổi rau cháo qua ngày.

Cánh đàn ông trong khu chiều nào không nhắm rượu ở nhà thì cũng ra gánh hàng của bà ngồi xổm làm chén rượu lạt. Bọn nhóc vác mổ rác sáng đi chiều về là có mấy đồng, bớt lại dăm hào ăn quà giúp cho gánh hàng của bà không mấy khi ế ẩm.

*

* *

Bảo khỏe mạnh như những đứa trẻ khác, nhưng mãi không biết nói. Bà chạy ngược chạy xuôi bốc thuốc mà không khỏi. Đến lúc bảy tuổi, đúng hôm giỗ ông, bà đang thắp hương, Bảo chỉ lên tấm ảnh nói: “Ông… ông”. Bà mừng phát khóc. Những câu chuyện hằng đêm về ông cũng có tác dụng. Câu đầu tiên Bảo phát âm không phải là mẹ, bà mà là ông.

Từ khi Bảo biết nói, đêm nào cũng bắt bà kể chuyện. Từ chuyện đánh giặc của ông, sang chuyện tản cư chạy loạn của bà, chuyện lấp đường của mẹ. Bà phải bịa chuyện bố hy sinh dưới mưa bom khi chuyển hàng ra mặt trận cho Bảo hài lòng. Cạn chuyện của những người thân, bà đọc truyện cho Bảo nghe.

Năm tháng trôi đi. Bảo nói vẫn không sõi, à uôm như đứa trẻ lên ba. Bà xin cho đến trường, Bảo bỏ học sau vài hôm vì không theo được. Bà cũng không ép.

Đến lúc Bảo trổ giò, bà làm cho một cái mổ rác bằng sắt phi mười uốn hình chữ L dài khoảng năm mươi phân. Một đầu tra vào cán gỗ tay cầm, đầu kia chuốt nhọn sắc bén như mũi lao. Bà bảo: “Lớn rồi, đi theo các bạn nhặt rác nhé, chúng nó nhặt gì thì cháu nhặt nấy”. Bảo gật gù: “Iếm iền uôi à”. Đám trẻ tinh như cú vọ. Nylon, dép rách, giẻ vụn là những thứ bán ra tiền không bao giờ đến lượt Bảo. Bảo nhặt được nửa bao tải, lặc lè kéo về đổ đầy gạch vỡ ra sân, hỉ hả khoe: “Uốc ổ ấy, ể ánh ồn ịch ư ông”. Bà ngoại thấy thế mắng: “Cha bố anh. Cái gì mà thuốc nổ. Cái gì mà như ông.” Nói rồi bà khóc, khóc xong bà bảo: “Thôi cứ ở nhà bà nuôi”.

Một đêm nằm bên bà nghe đọc truyện, nó bảo: “Áu i ộ ội ánh ặc”. Bà ngoại gấp cuốn sách lại, xoa đầu nó, bảo: “Đất nước thống nhất rồi, còn giặc đâu mà đánh. Anh cứ ở nhà lấy vợ, đẻ cho bà đứa cháu bà bế”. Thằng Bảo không nói gì, nó xoay lưng lại, mắt mở thao láo nhìn vào khoảng tối vô định như thể đang suy nghĩ điều gì mông lung lắm.

*

* *

Lũ trẻ hô lên: “Bảo chiến sĩ, Bảo chiến sĩ, xung phong thôi”. Bảo cầm cây súng gỗ, băng đạn được làm từ ống bơ có căng chun cài lẫy ngang mặt ống. Miệng hô tiến lên, tay bóp cò, cái lẫy quay tít đập vào đáy vỏ lon kêu coong coong. Bảo chạy trước lũ trẻ chạy sau, vòng vèo trong khu tập thể rồi leo tường nhảy tót sang sân sau của trường Thái Hà. Náo loạn.

Bảo lớn ngộc, mặc quân phục, sao tiết hẳn hoi cầm súng gỗ chạy như ma đuổi, miệng hét: “Ung ong, ung ong. Iết iết”. Đám trẻ con quần đùi cởi trần, tóc cháy nắng đỏ như râu ngô huơ huơ cái cần mổ rác như sẵn sàng bập vào đầu kẻ địch vô hình. “Một lũ hư hỏng!” Ông bảo vệ hộc lên như bị chọc tiết, vớ lấy cái dùi trống làm vũ khí, hớt hải chạy từ cổng trường ra sân sau, vừa chạy vừa dứ dứ dùi trống dọa: “Bọn ếch nhái. Ra ngay, ra ngay”.

Đuổi theo một hồi không vụt trúng đứa nào, ông ta đứng giữa sân, xoay người theo vòng chạy của đám giời đánh, hổn hển: “Lũ sâu bọ, không học thì để cho người khác học. Cút ngay… C… ú… t”.

Chỉ đợi có thế, chúng nhảy tường ra ngoài, khoái trá ngắm ông bảo vệ già gãy gập người, hai tay chống vào đầu gối thở dốc vì mệt.

*

* *

Bảo dùng vỏ bao xi măng gói những viên gạch vỡ lại, lấy dây đay buộc chặt trông như những thỏi bộc phá. Những lúc bọn trẻ đi nhặt rác không còn ai chơi, Bảo ôm đống bộc phá đánh trận một mình. Nó bò từ ngoài đường vào nhà, ném gói bộc phá vào gầm giường, giấu mình sau cánh cửa hét lên: “Ùm… ùm”. Hết gói này đến gói khác, đầy gầm giường cũng là lúc bà ngoại tất tả quang gánh về nhà chuẩn bị cơm nước cho Bảo.

Hôm Bảo mặc quân phục xanh, đeo quân hàm đỏ đứng giữa cửa đợi bà, phải rất tinh mới thấy bà quay đi lau vội những giọt nước mắt chực ứa ra từ khóe mắt già nua xen lẫn tiếng thở dài nghèn nghẹn nuốt vội vào trong lồng ngực. Bà cười cười bảo: “Cháu bà ra dáng lắm”. Miệng cười thế thôi nhưng lòng bà đau như xát muối. Bảo khoẻ mạnh, mặt mũi sáng sủa, sao nỡ bị ông trời hành như thế? Bảo chạy ra chạy vào nhìn bà, lúc lại đứng nghiêm chào, tung tăng hớn hở như một đứa trẻ được mẹ mua quà bánh.

Bà ngoại cứ úa dần. Từng ngày. Từng giờ. Bảo như cây dại, lớn vộc lên. Nụ cười tươi như hoa nhưng không màu, không mùi, không vị.

Một thời gian sau bà mất. Bọn trẻ nhặt rác không thấy bà dọn hàng bèn sang nhà tìm. Bảo úp hai bàn tay đặt lên má, đầu nghiêng nghiêng ú ớ: “Ủ, ủ”. Bà có một giấc ngủ dài không bao giờ dậy.

Đống sách thuở xưa vẫn đọc cho Bảo đã được bà gói kỹ, buộc chặt rồi nhét vào hòm khóa lại như muốn mang theo mình về thế giới bên kia.

*

* *

Thằng Bảo không khóc, nó bồng súng gỗ đứng cạnh quan tài bà, mặt nghiêm trang. Chiếc xe tang chầm chậm đưa bà ra nghĩa địa vào giữa trưa. Bảo vẫn bồng súng bước theo, chân đá cao và chậm, đằng sau là đám trẻ con lầm lũi với cần mổ rác trong tay, như thể những thanh gươm tuốt vỏ của đội nghi lễ.

Nắng mới oi nồng. Hơi đất bốc lên ngùn ngụt. Mùi hương trầm, mùi rác, mùi người âm, người dương quyện lại với nhau thành một mùi ám ảnh khó tả.

Bảo ôm khẩu súng gỗ đứng ba ngày ba đêm bên mộ bà thì bỏ đi biệt tăm.

5. Những nấm mộ đều tăm tắp kéo dài khuất tầm mắt. Có ngôi mộ mới đắp đất còn đỏ au, có ngôi cỏ mọc xanh rì. Điểm xuyết những huyệt vừa bốc, đất đen đất đỏ còn toe toét vun thành đống bên miệng hố. Cái nghĩa trang này cũng lạ. Tuyệt nhiên không một mẩu ván thôi vương vãi, thay vào đó là những miếng tăng vụn màu xanh bê bết đất.

Xa xa, góc nghĩa trang là ngôi nhà vách gỗ, mái lợp tôn, nơi ở của tiểu đội mai táng.

Không khí ở đây sền sệt, mùi tanh váng óc. Nó là nghĩa trang chung của cả mặt trận.

Ngày Nhân mới sang đây, tay cán bộ quân lực đọc hồ sơ của Nhân gật gù nửa đùa nửa thật: “Thầy Địa lý à? Tốt quá, về đội mai táng”.

Mấy năm vừa rồi đơn vị của Nhân giúp dân làm kinh tế, vũ khí chỉ có cuốc xẻng, tưởng đi chiến đấu được cầm súng đánh giặc cho thỏa chí tang bồng, vậy mà cũng vẫn chỉ được cấp phát xẻng cuốc. Tổ chức phân công sao Nhân nghe vậy, lầm lũi xách ba lô ngược dốc nhận nhiệm vụ ở cái nghĩa trang này.

Tiểu đội có hơn chục anh em. Thượng sĩ Nhân lớn nhất kể cả tuổi quân lẫn tuổi đời nên được về làm tiểu đội trưởng. Công việc chỉ có đào rồi lại bới mà túi bụi quanh năm từ sáng đến tối vất như nhà nông.

*

* *

Trời sâm sẩm tối, Nhân vẫn đang dở tay bốc nốt chỗ mộ chôn năm trước để cho kịp chuyến bay tuần tới chuyển hài cốt về nước thì nghe thấy lao xao tiếng người. Cả tiểu đội mai táng ở đây gần như sống trong im lặng, lùi lụi cả ngày không nói một câu đã thành thói quen, chỉ có cánh lính từ các đơn vị chiến đấu chuyển tử sĩ về mới chích chòe lóe xóe như thế. Mà dạo này toàn mặt trận bước vào chiến dịch, có ngày nào mà bọn Nhân vắng khách đến thăm.

Như đã quá quen với những người ở đây, một cậu lớn tiếng gọi: “Ông Nhân đâu, ông Nhân đâu rồi?”. Nhân đang ở dưới huyệt, hỏi với lên: “Mấy suất?”. Người kia trả lời cụt lủn: “Hai”. Nhân hướng dẫn: “Ông chuyển anh em đến góc đằng kia. Đấy, chỗ mới đào đấy. Bóc tấm tăng ra hộ tôi nhé!”. Người kia lại hỏi: “Ông lấy tăng làm gì? Đổi rượu à?”.

Nhân nhảy lên khỏi miệng huyệt, cầm một cánh tay đã rã hết thịt nhưng khớp chưa rụng, cùng những sợi gân bợt bạt sắc hồng lều phều rung rung như sợi thạch rau câu, giơ lên bảo: “Không bỏ tăng thì thế này đấy, trông có tội không?”. Cậu lính trẻ kia ọe ọe như muốn nôn, lấy tay bụm miệng lại.

Thấy có một đòn khiêng, Nhân hỏi: “Tôi tưởng hai suất”. Cậu lính trẻ chỉ cái ba lô lép xẹp để bên cạnh bảo: “Đây nữa, chỉ còn có ngần ấy”.

Nhân lấy hai tay xoắn mạnh một cái cho chiếc cẳng tay rụng khớp, vừa làm vừa nhắc lại: “Ông bóc hộ tôi tấm tăng”. Nói rồi Nhân nhảy xuống huyệt đang bốc dở, tóm vào hai đầu tấm tăng, nhấc bổng đặt lên miệng huyệt. Lớp đất màu đen ướt và xốp, bám bên ngoài tấm tăng rụng lả tả. Bên trong, bộ hài cốt vẫn còn hình hài của một người lính với bộ quần áo chưa mủn hết.

Người lính trẻ ngồi xổm bên cạnh tử sĩ vừa khiêng đến, định đưa tay lên bóc lớp tăng quấn chặt như kén tằm, nhưng lại thôi. Tay cậu ta run run, đôi mắt ầng ậng nước, bảo: “Đừng bóc ông Nhân ạ, tội lắm”. Nhân đang tuốt những sợi gân vẫn còn dính bám vào ống chân của hài cốt vừa bốc, không ngẩng lên, trả lời: “Sợ à? Vào kia làm nốt thủ tục đi, để đấy cho tôi”.

Lúc này trăng cũng đã lên. Bóng mấy người lính lùi lũi đi về phía ngôi nhà vách gỗ cuối nghĩa trang.

“Ông có đau không? Hộp sọ của ông bay mất non nửa. Chắc là dính mảnh cối hả? Chịu khó một lát đi, tí tôi sẽ tắm rửa sạch sẽ cho ông. Tầm này thay nhà cho ông là hơi sớm, nhưng ở quê nhà mọi người mong ông lắm. Tuần tới ông được về rồi. Ông có mừng không?” Tiếng Nhân thì thào với bộ hài cốt nghe như gió thoảng. Lũ côn trùng bỗng rúc lên bài ca nỉ non nghe như tiếng khóc thê lương.

*

* *

Ngày nối ngày, tháng đến tháng, năm tiếp năm, công việc của Nhân cũng chỉ có vậy. Mùa khô từ tháng Mười năm trước đến tháng Tư năm sau là mùa chiến trận, cả tiểu đội ngày đào đêm lấp, đào bao nhiêu huyệt đến tối lại kín bấy nhiêu. Nhiều lúc không xuể, tử sĩ nằm xếp hàng la liệt đợi đến lượt. Đội mai táng làm thâu đêm, có khi mệt quá ngủ lăn dưới huyệt. Mặt mày nhợt nhạt, áo quần lấm lem, nhác qua cũng chẳng khác tử sĩ là mấy.

Mùa mưa ít mộ mới, họ lại lao vào bốc mộ cũ. Lúc nào trong căn nhà gỗ cũng có vài chiếc ba lô hài cốt đợi chuyển ra sân bay. Nước đen ri rỉ thấm qua lớp vải bố, luếnh loáng trên sàn. Mùi tử khí nơi này đậm đặc đến nỗi phá hỏng khứu giác của con người, tịnh không bao giờ biết mùi thối là gì.

6. Chán trận giả, bọn trẻ chuyển sang trò đưa ma. Chúng lấy thuốc đỏ bôi lên đầu lên mặt Bảo như máu chảy, bắt nằm vào võng buộc lên đòn tre rồi hò nhau công kênh như khênh tử sĩ ở chiến trường. Khiêng một vòng quanh khu tập thể, chúng lại động cỡn vượt tường vào sân trường trêu ông bảo vệ già.

Ông già lệt bệt chạy lại với cái dùi trống trên tay. Lần này không mấy khó khăn ông đã bắt kịp bọn thánh vật vì chúng không chạy được nhanh do khênh nặng. Đám trẻ quẳng cái võng đánh ùm một cái rồi bỏ chạy tán loạn. Cú tiếp đất trời giáng ấy khiến Bảo đau điếng, định vùng dậy, nhưng trò diễn đang hay, mình đang chết nên mắt vẫn nhắm, hai tay để trên bụng, nằm yên trên nền đất đờ đẫn như thây ma. Ông già nhìn thấy những vết thuốc đỏ loang lổ ngỡ là máu, hét lên: “Có người bị thương”.

Tiếng ầm ĩ của lũ trẻ cắt ngang mạch dạy của Nhân. Lúc đầu chỉ lom lom thò nửa đầu qua ô kính vỡ dõi theo đám ma dưới sân trường. Dáng điệu thận trọng nhưng trong lòng lại phấn khích vô cùng. Khi tiếng thét thất thanh của ông bảo vệ vang lên, thằng Bảo nằm còng queo dưới đất trong bộ quần áo lính bạc màu, máu đỏ chảy bết từng mảng tóc lồ lộ trước mắt, hai tay Nhân bấu chặt vào thành tường, người run như lên cơn sốt. Một mùi là lạ ở đâu bỗng nhiên xộc thẳng vào mũi, leo lên trán rồi xoắn vặn trí óc Nhân. Đúng rồi, mùi tử thi, mình chỉ ngửi thấy mùi ấy hồi đầu mới về nghĩa trang. Một thời gian sau cái mùi ấy bay mất, đến nỗi chính Nhân cũng không nhớ tử thi có mùi gì. Xẻng đâu anh em ơi? Sao đợt này lại ít huyệt mới thế? Các cậu lười quá, không đào trước để dành à? Để anh em nằm chơ lơ dãi gió dầm sương thế kia tội lắm!

Từ trên tầng ba, Nhân lao xuống sân như kẻ mộng du, vẫn còn nhớ tạt qua phòng lao động xách theo cái xẻng.

Chiếc dùi trống của ông bảo vệ đã gài vào lưng quần, đôi tay được giải phóng để xốc Bảo dậy. Người Bảo như sợi bún, mềm oặt, chuồi chuồi trên cánh tay già của ông bảo vệ.

Bất thần thằng Bảo nhỏm dậy, mở mắt thao láo, cười cười. Ông bảo vệ giật mình, ngã ngồi xuống đất, miệng há hốc u ơ không nói nên lời. Thằng Bảo lao như tên bắn về phía bọn trẻ đang thò đầu qua dãy tường hò reo khoái trá.

Ở góc sân trường, Nhân đang hối hả xắn đất.

*

* *

Nhân đã thôi không đứng lớp. Người ta không sắp lịch dạy cho Nhân nữa. Ngày ngày Nhân ngồi ở phòng Hội đồng uống nước chè vặt. Giờ ra chơi, các đồng nghiệp cũng xuống đó, ngồi cạnh nhưng chẳng ai biết nói chuyện gì với Nhân.

Vợ ông anh họ lại đẻ thêm đứa nữa. Nhà đã chật lại càng chật hơn. Ông anh thương Nhân lắm nhưng cũng không còn cách nào khác đành hỏi khéo: “Chú sắp được phân nhà chưa?”. Hỏi để thăm dò ý Nhân chứ thừa biết mục thất Nhân mới được cấp nhà. Nhân ngồi lặng yên trên chiếc ghế đẩu, nhìn xéo lên trời qua ô cửa sổ. Ánh trăng rơi xuống khuôn mặt Nhân xanh lè. Một lúc lâu, Nhân mới chậm rãi nói, giọng rất thành thực: “Hồi ở bên ấy, thỉnh thoảng em vẫn ngủ dưới huyệt. Bác có thể cho em xắn một khoanh dưới gậm giường. Đủ nằm thôi”.

Anh họ nghe thấy thế ôm lấy Nhân khóc: “Để anh làm thêm cái gác xép cho chị”.

Đêm ấy Nhân không ngủ. Nhắm mắt lại nghe thấy thình thịch như tiếng cuốc đất. Nhân chợt nhận ra, hình như mình đã là người của quá khứ.

Hôm sau Nhân bỏ đi, không một lời tạm biệt. Cũng như thằng Bảo, chẳng ai biết Nhân đi đâu.

7. Tôi sẽ không kể câu chuyện này vì nó giống như hàng trăm câu chuyện vụn vặt khác mà tôi từng chứng kiến trong đời, nếu như không có một ngày tôi tình cờ gặp lại Nhân, năm 90, trên đường trở về đơn vị.

Chiếc xe khách già nua ọc ạch nghỉ trưa ở một thị xã trung du. Đây là chỗ nghỉ đầu tiên cho các tuyến xe lên mấy tỉnh phía Bắc nên rất tấp nập. Bến xe trên một quả đồi thấp, xung quanh được quây kín bởi hàng quán và nhà trọ.

Tiếng lão xẩm mù ở góc bến xe văng vẳng.

“Mũi lao đi qua, máu đổ người đổ

Binh đao qua đi, lòng người mới đổ

Những đứa trẻ cầm cây kiếm gỗ

Đi đâu, về đâu?…”

*

* *

Một người đàn ông cởi trần quần đùi, có mái tóc dài bạc nắng che phủ gần hết khuôn mặt, cộng thêm bộ râu quai nón rậm rịt nên chỉ nhìn thấy ánh mắt thấp thoáng sau làn tóc lõa xõa. Ông ta bước vào quán, nơi tôi đang ngồi ăn trưa, đưa cho bà chủ chiếc can nhựa. Bà chủ bán hàng như đuổi khách, xa xả: “Tưởng phu huyệt phải thừa rượu uống chứ! Có tiền trả không đấy?”. Người đàn ông nọ móc tiền quấn ở cạp quần, chìa ra rồi nở nụ cười hiền lành lộ ra hàm răng trắng bóc đều tăm tắp. Tôi sững người, bỏ bát cơm xuống, hỏi: “Thầy Nhân phải không?”. Người đàn ông như không nhìn thấy tôi, khẽ cúi mặt xuống, cầm lấy can rượu rồi quầy quả bỏ đi.

Dưới ánh nắng trưa, làn da rám nắng sậm đỏ vẫn không che được màu trắng thuở ban đầu. Không thể sai được! Tôi vội trả tiền, khoác ba lô rảo bước theo người đàn ông nọ.

Xuyên qua dãy phố thị nghèo, qua một cánh đồng lúa rồi vòng lên quả đồi trọc đỏ au. Ở sườn bên kia của quả đồi, một nghĩa trang dần hiện ra trước mắt. Người đàn ông chui tọt vào túp lều được ghép bằng những tấm ván thôi, lên nước màu đen kịt. Tôi theo chân bước vào, giữa trưa mùi ván bốc lên lờm lợm.

Người đàn ông lặng lẽ ngồi một chỗ trong góc lều. Gần đấy dựng đống cuốc xẻng, đất bám vào lưỡi mai sẫm màu chưa khô. Tôi đặt ba lô xuống, ngồi cạnh, định nói với thầy Nhân một câu gì đó nhưng lại thôi.

Có tiếng trống thùng thùng xen lẫn tiếng thanh la não bạt vọng lại khi mờ khi tỏ của một đám ma ở đằng xa.

Một bóng người nhảy lên từ một lỗ huyệt mới đào, chạy lại phía túp lều, lấp ló đôi quân hàm màu đỏ nơi cổ áo sờn rách - ba sao một gạch vàng ở giữa. Ái chà, thượng sĩ rồi cơ à!

Bảo chiến sĩ! Nó đứng nghiêm chào khi nhìn thấy tôi trong bộ quân phục, rồi chỉ vào cái ba lô, miệng líu ríu: “Ấy uất?”.

Tôi cười phá lên: “Không có suất nào đâu”. Nó ngây mặt ra một lúc rồi lại cười ngu ngơ, đầu gật gật mừng rỡ.

Bên ngoài, nắng như thiêu như đốt. Mùi hương trầm thoang thoảng, lan lan theo gió bò chầm chậm lên đồi.

Tam Đảo, tháng 6 năm 2009


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx