sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Roi đời - Phần 5 (HẾT)

* *

Công trường bên hồ đã hoàn thành. Ở đấy mọc lên một khu tập thể với nhiều dãy nhà hai tầng. Có nhiều người đã dọn về đấy ở. Dễ đến cả năm nay, gã không đi vớt rau lợn nhưng vẫn lặn ngụp ở đây, hoặc ngồi trên bờ đất, thả mắt dõi theo bóng những con chim bói cá. Màu ve vàng của dãy nhà mới nổi bật trên sắc xanh của mênh mông nước. Cái đầm vẫn rộng lắm, ngút tầm mắt mới tới bờ bên kia nhưng đã bớt phần hoang vu.

Người ta lại tiếp tục lấp thêm hồ. Xe xúc xe tải chạy ngày đêm. Con đường qua cửa nhà gã biến thành đầm lầy vào mùa mưa, sa mạc vào mùa nắng. Đồ đạc trong nhà phủ một lớp bụi đỏ đất đồi. Cuộc sống xung quanh gã hình như đang thay đổi - trôi nhanh, hối hả hơn gã tưởng.

Khu nhà gã chỉ còn một vài nhà nuôi lợn, là những hộ gia đình chiếm được mảnh đất lưu không đầu hồi.

Một nhà treo biển may vá quần áo. Chủ yếu là vá, chạy những đường pích kê hình vuông nối tiếp nhau thu nhỏ dần vào tâm. Cái nghề ấy cũng đơn giản mà đông khách, chỉ cần sắm một chiếc máy khâu là có việc.

Dán nylon là nghề mới đang được nhân rộng trong khu nhà gã. Một vài người lấy mối về, chia cho các nhà còn lại. Già trẻ lớn bé gái trai hì hụi ngồi dán đêm ngày. Mùi nylon cháy bốc lên khét lẹt.

Những con dao dán nylon được đốt nóng bằng dây may xo thi nhau hút điện. Bà Thưởng phải sắm một cái súp-măng-tơ mười ăm-pe to như hòm lương khô. Điện được lôi từ nhà khác về, bóng đèn nhà gã sáng trưng. Màn hình vô tuyến căng đầy, hết co bốn góc như đói ăn. Được vài tháng, những nhà còn lại sắm súp-măng-tơ khỏe hơn: mười lăm ăm-pe, rồi nhà khác nâng cấp lên hai mươi ăm-pe. Đèn nhà gã lại tối om om như đang ở một vùng quê xa lắc. Chiếc vô tuyến không mấy khi dám bật vì điện không đủ sáng bóng hình.

Ông Sinh chuyển sang buôn bán đồ điện tử cũ của đám viễn dương xách về, là người đầu tiên trong khu tập thể sắm xe máy. Hàng xóm xôn xao, bọn trẻ kéo đến xem chật nhà. Chiếc xe máy màu xanh như vỏ ốc. Tay nắm vểnh lên như sừng trâu. Lốc máy có cánh tản nhiệt hình cánh chim. Ông Sinh gẩy chân một cái, tiếng máy vang lên, ống bô nhót phát ra tiếng nổ pằng pằng giòn giã. Ông Sinh leo lên xe phóng vụt đi, lũ trẻ con đuổi theo rầm rầm muốn đứt hơi mà không kịp. Bọn chúng hét lên: “Xe không xịn, xe rởm, nổ không to bằng công nông”. Gã cười thầm lũ trẻ. Gã đã qua cái tuổi ấy lâu rồi.

Gã đã đến tuổi có giấc mơ sung sướng. Đấy là cách nói của bọn thanh niên mới lớn, chứ trong sách viết là mộng tinh. Gã mộng tinh với bà Đạo. Gã mơ thấy bà Đạo cởi truồng đứng trước mặt gã. Bà ta nhìn gã mỉm cười, lấy ngón trỏ vẫy vẫy gã lại gần. Một trạng thái sảng khoái tràn ngập trong cơ thể còi cọc của gã. Bà Đạo tóm tay gã, chậm rãi đặt lên bầu vú của bà ta, đúng hơn là mới đưa tay hướng về chỗ ấy thì toàn thân gã tê dại. Gã choàng tỉnh, bụng dưới co thắt, dương vật của gã phun ra một đám chất nhầy, từng đợt, từng đợt không làm sao cản nổi. Lạ lẫm mà thích thú vô cùng.

Gã nằm yên nhấm nháp cảm giác ấy một lúc lâu mới nhớ tới chiếc quần đùi ướt sũng. Mặc kệ nó thôi, như đái dầm là cùng, đến sáng là lại khô cong.

Gã thôi mặc quần đùi đi học. Bố gã cho gã cái quần dài si-mi-li màu xanh, mặc hai năm rồi mà gấu vẫn phải xắn mới vừa.

Buổi chiều Chủ nhật, bà Thưởng đưa cậu Út đi chơi, bố gã sang nhà hàng xóm uống nước tán gẫu. Gã ngồi ở bậu cửa, nhẩn nha nghĩ về anh Cả. Anh Cả cũng hay ngồi chỗ này. Từ ngày anh Cả đi cũng đã mấy tháng, gã chưa nhận được tin gì của anh.

“Cứu với, cứu với” - Bà Đạo chạy vọt từ trong nhà ra sân, toàn thân trắng toát không mảnh vải nào che đậy. Tóc bà ta bạc trắng, da trắng như quét vôi, cả chòm lông giữa hai đùi cũng trắng như búi cước câu. Thừa lao đến theo phản xạ tự nhiên, nhưng khựng lại mất mấy giây. Khuôn mặt bà Đạo trắng bệch, đôi mắt thất thần, tay huơ huơ như bị ma ám. Bà Đạo lại kêu “Chết… chết” rồi chạy vào nhà. Không chỉ có gã, vài người hàng xóm khác cũng xông đến ứng cứu.

Thân xác người đàn ông trần truồng nằm co quắp trên nền đất giữa căn phòng. Mắt ông ta nhắm nghiền như đang ngủ, mặt xam xám, trán vẫn còn lấm tấm mồ hôi. Hai tay ông ta co lên, ôm lấy bên ngực trái. Thừa hét lên: “Bố!”. Nói rồi gã chạy như bay sang dãy nhà đằng sau.

Bà Đạo đứng ở góc nhà, nức nở: “Chết… chết… chết”. Mấy người hàng xóm nhặt cho bộ quần áo vắt ở đầu giường, giục: “Mặc vào đi”. Bà Đạo cầm lấy bộ quần áo, che vào chỗ kín rồi lại tu tu khóc. Người hàng xóm vật bố gã nằm ngửa, lấy tay ấn ấn vào tim rồi hô hấp nhân tạo.

Chưa đầy phút sau, ông Sinh trên chiếc xe máy chở Thừa ầm ầm lao tới. Ai đó đã xỏ cho bố gã cái quần đùi. Chiếc xe máy lại lao đi. Thừa ôm lưng ông Sinh, ghì chặt bố gã ngồi ở giữa. Đầu bố gã gục xuống, như thể không có xương.

Bác sĩ kết luận ông bị nhồi máu cơ tim, đã mất trước khi đến bệnh viện.

Bà Thưởng vào bệnh viện lúc bố gã đã được đưa xuống nhà xác. Bà Thưởng lao vào ôm cái lồng sắt, gào thét: “Ối anh ơi, con hồ ly tinh nó giết anh rồi”. Chiếc lồng hình ô van đan bằng lưới mắt cáo, trông chẳng khác gì chiếc lồng bàn, úp xuống mặt đá granito lạnh ngắt. Ở bên trong, bố gã được phủ kín bằng một tấm vải trắng, chỉ thòi ra mấy lọn tóc lơ thơ.

Cậu Út sợ, không dám vào trong, đứng ở ngoài sân khóc hức hức, gọi: “Bố ơi, bố ơi, bố đi đâu rồi?”. Thửa ôm chặt lấy cậu Út, mắt nhìn mông lung không biểu cảm.

Ông Sinh chạy đôn chạy đáo lo các thủ tục đám ma ở bệnh viện. Ông hỏi Thừa: “Làm sao để báo tin cho anh Cả?”. Thừa nhìn ông không chớp, mắt ướt dần, lắc lắc cái đầu.

Đám ma bố gã không ồn ào, chủ yếu chỉ toàn hàng xóm, thêm vài người công tác cùng cơ quan đến viếng. Lúc đưa bố gã ra bãi tha ma, chỉ còn ông Sinh đi cùng.

Nghĩa địa nằm trên một cánh đồng ở ngoại ô thành phố. Những ngôi mộ xếp thành hàng đều chằn chặn, chạy xa tít tắp. Xen kẽ các ngôi mộ cũ cỏ mọc xanh rì, là một vài ngôi mộ đất mới đỏ au với những vòng hoa còn chưa kịp úa. Tiếng đất rơi xuống nắp ván phát ra âm thanh bùng bục. Bà Thưởng xổ tóc rũ rượi, mặc chiếc áo xô, lưng thắt sợi dây chuối, gào lên: “Anh ơi để em đi cùng anh”.

Nấm mồ của bố gã đã được mấy tay phu huyệt đắp cao. Ông Sinh bảo bà Thưởng: “Ta về thôi cô. Mong cho chú ấy mồ yên mả đẹp”. Bà Thưởng sau một hồi khóc chồng, có vẻ mệt, ngồi bệt xuống nền cỏ, thỉnh thoảng lại nấc lên một hồi. Cậu Út bên cạnh há miệng ngáp một cái sái quai hàm. Tiếng gió trên những ngọn cây xào xạc, buồn tẻ, như thể tiếng rì rầm của ngững con người xấu số đang nằm dưới lớp cỏ xanh. Bốn người lầm lũi ra khỏi nghĩa trang, bóng họ xiên xiên trong ánh nắng chiều, nhấp nhô đổ xuống những nấm đất bên đường.

Bà Thưởng dọn nóc tủ để lập bàn thờ cho bố gã. Cái nóc tủ trước đây cũng có một bát hương được thắp vào những ngày lễ tết, thờ chung tất cả thần linh thổ địa, ông bà ông vải không cụ thể một ai.

Bát hương được làm vệ sinh lại. Bà Thưởng tìm thấy mấy chỉ vàng gói trong mảnh nylon vùi dưới đám tro mà trước đây bà giấu rồi quên khuấy mất. Bà Thưởng sụt sịt khóc, bảo với Thừa: “Bố mày mất rồi. Ông ấy tiếc mấy chỉ vàng này lắm. Làm sao để báo tin vui cho ông ấy?”. Thừa bảo: “Thì lại nhét xuống bát hương của bố. Lúc nào thắp hương thì khấn tìm thấy vàng rồi”. Thừa nói xong thì bỏ xuống bếp.

*

* *

Sau khi bố gã mất, bà Đạo gần như không ra khỏi nhà. Cánh cửa nhà bà ta lúc nào cũng đóng im ỉm. Thỉnh thoảng bà Thưởng dắt cậu Út tới đứng trước cửa chửi bà Đạo. Bà Đạo cố thủ trong nhà. Bà Thưởng lồng lộn bên ngoài, chửi một hồi mỏi mồm, thấm mệt lại dắt cậu Út về.

Bà Đạo thỉnh thoảng vẫn ra khỏi nhà vào buổi đêm. Gã biết điều ấy qua tiếng gấu quần quết quết xuống đất, cuốn theo cát bụi, lá khô tạo thành những tiếng xào xào theo bước chân.

Nhà gã chỉ còn ba mẹ con, Bà Thưởng chuyển hẳn chỗ ăn cơm xuống bếp cho tiện. Nồi cơm nhỏ hơn, bát ít đi hai chiếc, cái mâm thành thừa thãi. Mấy mẹ con ngồi xì xụp một nhoáng là xong bữa. Trời cũng nhập nhoạng tối, đèn các nhà đã bật. Bà Thưởng đang xới bát cơm cho cậu Út, thoáng thấy bóng màu trắng ngà vụt qua. Bà Thưởng buông bát cơm lao vội ra ngoài nhanh như vượn.

Bà Thưởng đuổi kịp bà Đạo tóm lấy tóc, quật bà Đạo xuống đường. Bà Thưởng hô to: “Các con ơi, giúp mẹ giết con hồ ly tinh”. Cậu Út nhỏm nhậy, Thừa với tay ấn vai cậu Út ngồi xuống, quát: “Ngồi yên!”. Bà Thưởng lại hô: “Chúng mày đâu?”. Cậu Út bật dậy chạy ra tiếp sức, Thừa vẫn ngồi trong bếp, gã nhặt những mảnh vỡ của chiếc bát và hớt cơm rơi dưới đất lên chiếc mâm.

Cậu Út xông vào, bị bà Đạo đạp cho một cái, bắn ra xa hàng mét. Bà Thưởng gầm lên như mãnh thú, đổ ập cả khối thịt nặng hơn sáu mươi cân vào bà Đạo. Bà Thưởng cào cấu điên cuồng, miệng không ngớt: “Tao giết mày, tao giết mày”. Bà Đạo lấy hết sức co người lại rồi lật sấp, cái áo tốc lên chìa ra cái lưng trắng ởn. Chỉ trong nháy mắt, chiếc lưng biến thành bức tranh trừu tượng bằng những vết cào bật máu. Bà Thưởng lại hô: “Tụt quần nó cho tao!”. Cậu Út chạy vòng xuống phía dưới tóm lấy hai gấu quần, kéo đến soạt một tiếng. Bà Thưởng lại hô: “Muối”. Cậu Út vọt vào trong bếp dùng hai tay bốc một vốc muối to. Bà Thưởng thò tay vào giữa hai chân bà Đạo giật mạnh, chiếc quần lót bằng vải phin màu trắng rách toang, tạo thành hai mảnh tam giác như cờ đuôi nheo. Cậu Út úp cả vốc muối vào cửa mình bà Đạo, xát mạnh. Muối rơi lả tả ra đất, rơi ra cả cục muối vón lại to bằng quả quýt. Bà Thưởng vẫn ngồi trên lưng bà Đạo, tay trái tóm gáy đè chặt xuống đường, nhoài người ra phía sau, vét đám muối rơi rồi tiếp tục chà mạnh vào háng bà Đạo. Ngón tay trỏ của bà Thưởng ấn mạnh cục muối chui tọt vào trong cơ thể đối thủ. Bà Đạo như đã kiệt sức, giãy giụa yếu ớt. Tiếng khóc cũng bé, chỉ khè khè như tiếng mèo hen.

Hàng xóm kéo ra xem rất đông nhưng không ai dám vào can. Một lúc sau ông Sinh mới chạy đến gỡ bà Thưởng ra, mắm môi mắm lợi lôi xềnh xệch vào nhà. Bà Đạo nằm co quắp dưới nền đất, hai tay bịt chặt lấy khuôn mặt. Bà Thưởng vẫn chưa hả cơn giận, luôn mồm: “Tôi phải giết con đĩ này, nó giết chồng tôi. Mạng phải đền mạng”. Ông Sinh quay ra nhặt quần áo đắp lên người bà Đạo rồi bế thốc bà ta lên tay, tập tễnh đi về phía đầu hồi.

Thừa ngồi im dưới bếp, miếng cơm đang nhai dở, vẫn ở trong miệng, lên men chua loét.

Mấy ngày sau trận đòn thù của bà Thưởng, bà Đạo bỏ đi đâu không ai biết. Thừa cũng không biết chính xác bà Đạo đi từ hôm nào, chỉ khi thấy cánh cửa khóa ngoài đã lâu không mở mới biết bà Đạo không ở đấy nữa. Nhánh sắn dây từ mái nhà bò xuống, bám vào cánh cửa sổ, xanh rì.

Một chiều mùa hạ sau khi bố gã mất hơn một năm, Thừa đang ngồi trên bậc cửa thì có người đến tìm. Da anh ta xanh mét, tóc dài chớm vai và xơ xác như bã sắn dây. Hốc mắt sâu hoắm, thô lố như mắt ma. Bộ quần áo trên người anh ta tơi tả, bốc mùi chua lòm. Anh ta đặt chiếc bao tải dứa buộc túm đoạn giữa bằng sợi lạt trước mặt Thừa rồi ngồi xuống bên cạnh, bảo: “Anh Cả mất rồi”. Thừa hỏi: “Vì sao mất?”. Thanh niên kia trả lời cộc lốc: “Lũ”. Hai người không nói gì nữa, ngồi im nhìn về phía chân trời. Một lúc sau thanh niên kia đứng dậy, bảo: “Trong này có quần áo của anh Cả, một ít vàng anh ấy được chia. Tôi có vẽ lại sơ đồ mộ”.

Người thanh niên thất thểu bỏ đi. Mặt trời cũng sắp lặn, ráng chiều đỏ như máu.

Thừa ngồi bất động, không khóc nhưng nước mắt ri rỉ chảy. Cậu Út đi chơi về, lấy chân đá đá vào chiếc bao tải hỏi: “Gì thế này?”.

Bà Thưởng về đến cửa biết tin cũng ngất lăn quay ra hè. Thừa phải gọi ông Sinh sang sơ cứu.

Hôm sau bà Thưởng nghỉ làm, ở nhà làm cơm cúng anh Cả. Bà mở chiếc bao tải, cất mấy lọ thủy tinh đựng vàng cám vào trong tủ. Ném vào chậu giặt mấy bộ quần áo của anh Cả. Dưới đáy bao tải có một bọc nhỏ, được gói bằng giấy ô ly học sinh. Bên trong là mảnh sành, to cỡ ba ngón tay. Bà Thưởng ngắm nghía rất kỹ, giơ cả lên trời soi xem có gì lạ, vẫn chưa yên tâm bà cắn thử một cái. Thừa bảo: “Cái này của con đấy”. Bà Thưởng đưa cho Thừa miếng sành, ánh mắt vẫn hồ nghi, hỏi: “Đồ cổ à?”. Thừa bảo: “Không. Mảnh sành hũ mỡ”. Bà Thưởng nói: “Thằng điên”.

*

* *

Gần ba mươi năm sau, tại một thị trấn xa lắc xa lơ, người đàn ông trung niên dắt theo con lợn cà nặng gần một tạ, tạt vào quán nước ven đường.

Cái quán tuềnh toàng. Bà chủ quán tóc bạc phơ, mặc bộ quần áo màu mỡ gà đang ngồi xem ti vi chiếu bộ phim truyền hình nhiều tập.

Người đàn ông bảo: “Bà có bột đậu xanh rang không? Cho cháu một cốc”.

Bà chủ quán bảo: “Giờ có ai uống cái đó đâu bác. Bác uống Coca nhé?”. Người đàn ông bảo: “Thế cho cháu ấm trà đặc”.

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Bà chủ quán pha xong ấm trà, lại chăm chú xem phim. Chiếc kính tròn trễ xuống trên sống mũi khoằm khoằm như mỏ quạ. Trên màn hình đang chiếu cảnh nhân vật chính trao đổi với vợ về chuyện học hành của con cái, thể hiện một cuộc sống ấm no, đầy đủ. Người đàn ông chiêu một ngụm trà, nhìn bà chủ quán, rồi lại nhìn màn hình ti vi, bảo: “Cái nghề diễn viên hay bà nhỉ, được sống với nhiều cuộc đời không phải của mình”. Bà chủ quán quay sang khoe, hồ hởi: “Cái chú diễn viên này ngày xưa là hàng xóm nhà tôi”. Người đàn ông bảo: “Thế ạ”, rồi ngoảnh ra đường, nhìn con lợn đang buộc ở gốc cây, tay mân mê miếng sành đã mòn vẹt, lên nước bóng loáng. Lũ trẻ con đi học về, xúm xít quanh con lợn lạ, chỉ trỏ, bình luận rôm rả.

Bà chủ quán chép miệng: “Mấy chục năm tôi mới lại nhìn thấy có người làm nghề này. Tưởng giờ người ta nuôi công nghiệp, thụ tinh nhân tạo hàng loạt rồi”. Người đàn ông bảo: “Vẫn có người thích nuôi theo kiểu truyền thống bà ạ”. Người đàn ông nói tiếp: “Bà ở đây có một mình thôi à?”. Bà chủ quán bảo: “Với vợ chồng đứa cháu. Bác có thể ngủ nhờ được”. Người đàn ông bảo: “Cảm ơn bà, nhưng cháu có chỗ nghỉ rồi”.

Cũng vào thời điểm ấy, cách mấy trăm cây số, trong phòng họp của một công ty đặt trong tòa nhà hiện đại, sang trọng, luật sư riêng của Thừa công bố mở chứng thư, ủy quyền cho cố vấn Sinh quản lý tài sản của mình. Trong chứng thư có đoạn viết: “Sau này tôi mất đi, toàn bộ tài sản bao gồm đất đai nhà cửa, cổ phiếu và những giấy tờ có giá trị khác, sẽ được ông Sinh chuyển cho quỹ từ thiện Làm Người”.

Hà Nội, tháng 5 năm 2012

Thực hiện bởi​

nhóm Biên tập viên

Sienna - Nhocmuavn

(Duyệt – Đăng)​


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx