sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

12. Roi đời - Phần 4

* *

Bà Thưởng bỏ xấp tiền vào chiếc túi xách tay bằng vải nhựa, đứng trước gương ngắm nghía một hồi rồi tự bảo: “Không được… không được”. Bố gã mặc bộ comple màu sữa bằng vải pho, hàng đờ luých Sài Gòn. Chiếc quần bó ở trên, loe ở dưới trùm cả lên đôi giày đen tướp mũi được che bởi một lớp xi khá dày. Bố gã gật gù hưởng ứng: “Phải đấy, nghĩ cách khác đi, chúng nó rạch túi nhanh lắm”.

Bà Thưởng bỏ tiền vào chiếc túi vải nhỏ có chiếc dây dài lòng thòng, quấn chiếc dây ấy lên cổ rồi thả chiếc túi vào trong cạp chiếc quần lụa đen bóng, khiến cho bụng dưới lồi ra một cục. Bố ngồi trên chiếc ghế đẩu ngắm bà Thưởng chuẩn bị hành trang, bảo: “Vẫn chưa ổn, nó vẫn rạch được”. Bà Thưởng ngồi thừ xuống giường, nghĩ một lúc rồi chạy xuống bếp lấy cái vung nồi. Bà úp chiếc vung lên túi tiền thả dưới bụng, dùng chiếc khăn len quấn lại rồi buộc thật chặt. Bà vỗ bộp bộp vào chiếc vung rồi cười: “Thách chúng nó lấy được tiền”. Nói rồi bà khoác chiếc áo nhung the ra ngoài, bụng trướng phềnh, vạt áo tểnh ra phía trước trông như người bị bệnh xơ gan cổ trướng.

Ông Sinh dựng xe ở ngoài, thò đầu vào bảo: “Đi thôi cô chú”.

Bố gã mời: “Vào làm chén nước đã bác”.

Ông Sinh giục: “Hôm nay Chủ nhật, chợ đông lắm, đi cho sớm”.

Bố gã đứng dậy, gấu quần quết vào mõm giày đánh xi thành một đường viền đen sì. Bà Thưởng dắt chiếc xe đạp ra ngoài, lấy tay sờ bụng kiểm tra một lần nữa cho chắc chắn. Bà Thưởng ghếch mông ngồi lên yên xe, chân trái vẫn chống xuống đất, chân phải đặt lên pê-đan, bàn tay vẫy vẫy phía sau ra hiệu cho bố gã leo lên gác-ba-ga. Bà Thưởng miết mạnh chân phải vào pê-đan, chiếc xe lao vọt đi, trông như con gấu đang đèo con chuột.

Ông Sinh bách nghệ trong khu tập thể này. Việc gì ông cũng am tường, xe cộ máy móc nhà nào định tậu món gì đều nhờ ông thẩm tra chất lượng giá cả. Ông là người tốt bụng, giúp người khác mà tận tâm như việc của chính mình. Cả khu ai cũng quý trọng.

Chợ Trời nằm ở gần trung tâm thành phố, là nơi những con buôn tụ tập mua của người chán, bán cho người cần kiếm tiền chênh lệch. Thượng vàng hạ cám cái gỉ gì gi cũng có thể mua được ở đây, miễn là có tiền.

Ông Sinh dặn: “Ai hỏi gì cô chú cứ lờ đi nhé. Trả lời là không dứt ra được đâu. Chúng nó nghề lắm”. Bố gã hỏi lại: “Chúng nó thôi miên à?”. Ông Sinh bảo: “Giống như thế”.

Chợ đông nghẹt người. Bà Thưởng vừa dừng xe đã có mấy người mặt mũi bặm trợn lao ra hỏi: “Mua gì thế? Bán gì thế? Bán xe đạp không? Bộ comple này có bán không?”. Bố gã sợ rúm người lại, ngơ ngác nhìn ông Sinh cầu cứu. Ông Sinh lắc khẽ cái đầu, ý chừng nhắc lại lời dặn đừng bắt lời bọn con buôn. Bà Thưởng xuống xe, dúi ghi-đông vào tay bố gã, giục: “Dắt xe… nhanh lên… nhanh lên”. Bà Thưởng lấy cái túi vải nhựa treo trên ghi-đông, áp vào bụng, ôm thật chặt.

Ông Sinh rẽ đoàn người dắt xe đi trước mở đường. Bà Thưởng đi tiếp theo, hai tay ôm chiếc túi che bụng. Bố gã dắt xe đi sau cùng, mắt nhìn thẳng vào tấm lưng nần nẫn của bà Thưởng. Hơn chục con buôn bám theo luôn mồm hỏi: “Mua gì bán gì?”. Ông Sinh dường như đã thông thạo địa hình trong chợ, không cần phải hỏi ai, ông biết chỗ nào rẽ phải, chỗ nào rẽ trái để đến được nơi cần đến.

Mất nửa tiếng họ mới có mặt trong một ngôi nhà gần cuối chợ. Người đàn ông chủ nhà đầu hói, đeo kính trắng, mặc quần bò Kingjo nối gối, khoác chiếc áo lông Đức màu xanh đã tháo ruột dẫn mọi người lên căn gác xép ọp ẹp. Trong ánh sáng của chiếc bóng điện mờ mờ đỏ như ánh đèn dầu, một chiếc xe đạp vẫn được quấn trong băng vải thấp thoáng hiện ra. Chiếc xe được treo lơ lửng, bánh không chạm đất để bảo quản giữ gìn.

Chủ nhà bảo: “Xe mới tinh, vừa đập hộp, còn chua mùi Tây nhé”.

Ông Sinh hỏi: “Giá bao nhiêu?”.

Chủ nhà trả lời: “Một chỉ hai, không bớt. Màu xanh cô ban không có cái thứ hai ở chợ này đâu. Các bác cứ đi tham khảo”.

Ông Sinh đề nghị: “Bác cho xem xe nhá”.

Chủ nhà bảo: “Bác cứ tự nhiên, đừng hạ xe xuống”.

Ông Sinh tiến lại gần chiếc xe, đứng ngắm một lúc, với tay lên bóp thử cái phanh rồi khom người, vạch những miếng vải quấn khung xe, sờ vào bên trong vuốt vuốt. Bà Thưởng vẫn ôm chặt cái túi che trước bụng. Bố gã đứng ngây nhìn chiếc xe, mồm lẩm bẩm khen xe đẹp thế.

Ông Sinh lại bảo: “Bác nói đúng giá đi, một chỉ hai đắt quá”.

Chủ nhà cười trừ: “Các bác mua được thì mua, mà phải vàng ba con chín đấy, non tuổi không được đâu. Mua được thì sang hàng vàng bên kia đường thử tuổi”.

Bà Thưởng láu táu: “Em trả bằng tiền được không?”.

Chủ nhà có vẻ lưỡng lự: “Cũng được, giá vàng lên như ngựa, cầm tiền mà không mua vàng là mất đi từng ngày. Nhà tôi cũng có buôn bán gì đâu. Thằng em nó đi lao động, gửi cho chiếc xe nhờ bán”.

Mất gần hai tiếng mà cả, cuối cùng ông chủ nhà đồng ý ra lộc cho năm trăm đồng. Bà Thưởng móc từ trong bụng ra bốn bảy ngàn năm trăm đồng, chấm ngón tay lên miệng đếm chậm rãi từng tờ tiền nhàu nhĩ. Bà Thưởng trao tiền cho ông chủ nhà, bảo: “Bác viết cho em cái giấy biên nhận”.

Cuộc mua bán kết thúc. Khuôn mặt bố gã dãn nở, hân hoan như trẻ con được quà.

Lúc này đã quá trưa. Chợ đông nghẹt người. Ông Sinh vẫn đi trước mở đường. Bà Thưởng dắt chiếc xe đạp còn nguyên vải quấn quanh khung đi giữa. Bố gã đi cuối, quay ngang quay dọc ngó nghiêng.

- Xe mua bao nhiêu đấy chị ơi? - Giọng một người hỏi với theo?

- Một chỉ hai. - Bà Thưởng buột mồm hân hoan khoe.

Ông Sinh quay đầu lại lắc lắc.

Đám người kia lập tức bu lại.

- Giá này phải chăng đấy.

- Đắt chứ phải chăng gì.

- Mua nhà Thái hói à? Thằng này vua lừa đảo.

- Xe này có dớp, bán tới bốn năm lần rồi chưa thoát được hàng.

- Dớp gì, xe cũ mông lại, lừa ếch nhái thì được, qua thế nào được mắt thợ.

- Xe này đúng giá năm lai thôi. Thái hói ăn đậm quá.

Đám người lẵng nhẵng đi theo bình phẩm.

Đầu tiên là bố gã tái mặt, u ơ không nói được gì. Tiếp theo đến bà Thưởng ngơ ngác nhìn ông Sinh. Ông Sinh lúc đầu còn cười cười coi như điếc, một lúc sau nghe chê bai nhiều quá cũng mất tự tin, ngó lại chiếc xe.

Chỉ đợi có thế. Những kẻ tốt bụng bu lại chỉ:

- Nhìn cái nước mạ này chưa? Trông có dại không, xanh lè thế này mà không phải gôm lại tôi ăn cứt cho ông.

- Vải này ai chả quấn được, ông lấy dầu hỏa mà đánh thử, bay sơn ngay.

- Bi, trục toàn đồ gia công đấy, chết có ngày.

Ông Sinh mất hẳn phương hướng, bình thường sành sỏi là thế, lúc này ai chỉ cái gì cũng gật đầu lia lịa. Mồ hôi rơi tong tong.

- Đem trả lại người ta đi. Chịu phạt một ít còn hơn rước cái của nợ này về. - Lại có giọng tư vấn cất lên.

Ba người nhìn nhau, không ai bảo ai đều quay xe lại.

Mãi chiều tối hôm ấy họ mới về đến nhà. Sự mệt nhọc hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Nhưng mà mừng, vì cuối cùng họ cũng trả lại được chiếc xe, thu lại bốn mươi ngàn. Mất bảy ngàn rưởi còn hơn mất tất cả.

Buổi tối cả khu tập thể râm ran chuyện xe đạp mông lại lừa được cả sự am hiểu tinh tường của ông Sinh.

Cùng lúc ấy, ở nhà Thái hói bọn con buôn đang kỳ kèo đòi chia tiền. Chiếc xe lại được treo lên gác xép, chờ đợi con mồi tiếp theo.

Nửa tháng sau, bà Thưởng mua được chiếc xe mới qua một người giới thiệu, nhưng không phải màu xanh cô ban. Một tháng sau nữa, bán được chiếc xe cũ, gã không biết được bao nhiêu tiền.

*

* *

Mấy tháng nay, người ta đổ cát san lấp mất một phần đầm. Gã không biết họ sẽ xây cái gì ở đây. Xây gì mà chả được, cái đầm còn rộng mênh mông thế này, thiếu gì rau cho lợn. Mà như thế này lại hay, ở chỗ đầm bị lấp, cát thoai thoải như bãi biển thích thú vô cùng. Tháng trước, lúc trời còn nóng, trẻ con người lớn ở mấy khu tập thể gần đấy chiều chiều cũng ra bơi đông vui lắm.

Cái đầm là thế giới của gã. Mùa hè nước mát, mùa đông nước ấm, hằng ngày không được bì bõm lội trong đám rau ngổ khiến gã cảm thấy bứt rứt không yên. Đợt nhà gã bán lợn, buổi trưa gã vẫn ra đây trầm mình một lúc cho khoan khoái. Mấy hôm sau bà Thưởng chở về một con lợn giống to bằng con chó, vậy là gã lại được trở về với nhịp sống quen thuộc trước đây: Trưa vớt rau, chiều nấu cám.

Con đường dẫn ra đầm bị xe tải chở cát sỏi quần nát nổi gồ sống trâu, gạch đá lổn nhổn trồi lên mặt đường như thể chưa bao giờ tồn tại một con đường đi qua đây. Gã đi men theo dệ đường để tránh ổ gà ổ voi. Sương đêm lành lạnh. Gã chợt nhớ đến luống rau lang đã trồng ở đây. Đến giờ gã vẫn không tìm ra kẻ nào đã lấy mất cơ hội lương thiện của anh em gã. Chắc sẽ chẳng bao giờ tìm ra.

Nếu cứ đi tiếp con đường này, vượt qua cái đầm kia, vượt tiếp qua cái xóm có bố con tay đồ tể chuyên thịt lợn, nó sẽ dẫn tới đâu? Ở đấy có những cái gì? Bao giờ gã có thể đi xa như thế và xa hơn nữa? Gã muốn đi thật xa, xa lắm, đến một thế giới khác như gã nhìn thấy trong phim. Ở đấy người ta mặc quần áo đẹp, ăn đồ ngon, ở trong những ngôi nhà khang trang. Thế giới ấy ở đâu gã cũng chưa biết, nhưng nhất định một ngày nào đó gã sẽ đến.

Dạo này tối tối gã và anh Cả hay ra ngồi ở bãi cát đang san lấp, nhìn về phía xa, nghĩ ngợi vẩn vơ đến khuya mới về.

Gã đi qua cửa nhà bà Đạo, giật mình vì nghe thấy tiếng thở dồn dập, hai tiếng thở thì đúng hơn, hổn hển như đang cùng nhau vần cối đá. Anh Cả kéo gã đi nhanh qua, nhưng gã phẩy tay bảo anh cứ về trước, còn gã ghé mắt nhìn vào, không thấy ai ngoài màu đen của đêm tối.

Tim gã đập mạnh, tiếng thở của gã cũng nhanh và mạnh hơn vì hồi hộp.

Gã nghe thấy tiếng rít nho nhỏ phát ra từ cổ họng. Tiếng chân nặng nề dịch chuyển đứt đoạn như hai đô vật đang quấn lấy nhau và tìm cách khóa thế của nhau. Một thứ âm thanh nữa, gã chịu không hình dung ra, nó vừa giống tiếng gã quấy nồi cám lợn, pha một chút tộp tạp như lợn đang ăn cám. Đúng lúc ấy, gã nghe thấy tiếng cạch nhỏ của công tắc điện, đèn trong nhà bật sáng. Trước mắt gã là bà Đạo mặc áo lụa màu mỡ gà, phủ phục nửa người lên cái bàn gỗ cạnh cửa sổ. Vạt chiếc áo bị kéo lên, dồn lại ở lưng, hở ra cặp mông to bằng cái nồi nấu cám lợn, trắng ởn. Chiếc quần lụa tụt xuống, mắc ngang đầu gối. Người đàn ông vẫn mặc nguyên quần áo quỳ hai đầu gối xuống đất, ngồi lên hai gót chân, tiếp ngay phía sau bà Đạo. Mặt ông ta gần như dính chặt vào khe mông của bà Đạo, chiếc lưỡi thè ra đỏ hỏn, ngón tay cong cong như lưỡi câu móc sâu vào bên trong cơ thể bà ta.

Cơ thể bà Đạo co giật như động kinh, mồm mím chặt nhưng vẫn phát ra tiếng ư ử nơi cuống họng, tay bà cuống cuồng tìm nút công tắc đèn dưới mép bàn do lúc nãy sơ ý chạm phải.

Ánh đèn tắt phụt, không gian tối om. Chỉ còn nghe thấy tiếng tóp tóp và tiếng rên tắc nghẹn của bà Đạo. Cảm giác thích thú, tò mò xen lẫn sợ hãi tràn ngập tâm trí gã.

Gã bỏ về, chui vào góc nhà, kéo chăn trùm kín đầu. Anh Cả chưa ngủ, trở mình vòng tay sang ôm gã. Gã bảo: “Ông Sinh anh ạ”. Anh Cả bảo: “Anh biết rồi”.

Một lúc sau có tiếng chân đi qua nhà gã, bước thấp, bước cao, tiếng nặng tiếng nhẹ. Gã cũng thở dài đánh thượt một tiếng như người lớn. Đấy là tiếng thở dài đầu tiên của cuộc đời gã.

*

* *

Anh Cả mười bảy tuổi, vâm váp như một gã lực điền. Gã kém anh Cả ba tuổi nhưng đứng chưa đến nách. Anh Cả vừa học xong phổ thông, xin việc ở công trường đang xây dựng bên đầm nước nhưng họ không nhận. Anh Cả gọi Thừa và cậu Út lại rồi bảo: “Anh đi làm ăn xa. Ở nhà các em phải ngoan”.

Anh cả khom người ôm lấy cậu Út, rồi quàng lấy gã siết mạnh.

Gã hỏi: “Anh đi đâu?”.

Anh Cả lắc lắc cái đầu: “Xa lắm!”.

Gã bảo: “Em sẽ đi cùng anh”.

Anh Cả nghiêm mặt, bảo: “Không được, em phải ở nhà”.

Gã lại nì nèo: “Vậy thì em theo anh ra bến xe buýt”.

Anh Cả nghĩ một lúc rồi trả lời: “Được, thế thì đi thôi”.

Anh Cả vắt chiếc bao tải lên vai, đầu chúi ra phía trước. Anh Cả mặc chiếc quần bộ đội, pích kê ở mông và đầu gối dày như mo nang, cổ quàng chiếc khăn mặt, đầu đội mũ cối, đi phía trước. Thừa đi sau. Con đường từ nhà gã dẫn ra đường cái lớn đã bị xe tải phá nát, nham nhở như bãi vàng. Ra đến bến xe buýt, Anh Cả bảo: “Vào làm cốc nước đã. Đằng nào cũng phải chờ xe”.

Quán nước không có khách. Anh Cả kéo Thừa ngồi xuống chiếc ghế băng rồi gọi: “Bà cho cháu một cốc bột đậu xanh”. Bà chủ quán hỏi lại: “Đá hay nóng hả chú?”. Anh Cả trả lời: “Nóng bà ạ”.

Bà chủ quán xúc hai thìa bột đậu xanh, hai thìa đường đỏ vào một chiếc cốc thủy tinh tái sinh đầy bọt màu xanh nhạt, đổ nước sôi vào rồi quấy đều. Mùi đậu xanh bốc lên thơm nức. Anh Cả giục: “Em uống đi!”.

Thừa nhìn chăm chăm vào cốc đậu xanh nhưng không uống.

Anh Cả lại giục: “Uống đi cho nóng”.

Thừa ngước mắt lên nhìn anh Cả. Đôi mắt ngấn nước, mồm méo xẹo như sắp khóc, cầu khẩn: “Cho em đi với!”.

Anh Cả vội ngoảnh mặt ra đường, tránh ánh mắt của Thừa, cắn chặt môi. Một lúc sau anh Cả mới nói được, nhưng vẫn không đủ can đảm nhìn thẳng vào Thừa: “Anh lên bãi vàng. Em không chịu nổi đâu”.

Thừa khóc thành tiếng: “Bãi vàng ở đâu? Xa không?”.

Anh Cả trả lời: “Ở Na Hang, xa lắm em ạ”.

Một chiếc xe buýt trườn mình vào bến đỗ, Thừa giục: “Xe đến rồi, anh đi đi”.

Anh Cả vẫn ngồi im. Chiếc xe trả khách rồi bành bạch bỏ đi, nhả khói mù trời.

Anh Cả khuấy khuấy chiếc thìa, bột đậu đã trương, đặc sệt, lại giục: “Em ăn đi”.

Thừa bảo: “Anh ăn đi. Hai anh em mình cùng ăn chung nhé”.

Một chiếc xe buýt nữa vào bến. Anh Cả vẫn chưa đi. Hai anh em gã ngồi ngay đơ trên chiếc ghế gỗ như tượng. Mặt mỗi người quay về một hướng khác nhau. Cốc đậu xanh vẫn còn nguyên, nguội ngắt. Một con nhặng xanh to như hạt đỗ đậu trên cán thìa. Chiếc quạt nan trên tay bà chủ quán thỉnh thoảng phạch phạch mấy tiếng khiến con nhặng bay tóa lên. Lượn mấy vòng o o buồn tẻ trên đầu rồi lại khẽ khàng đậu xuống. Bà chủ quán ngủ gật, cái đầu ngoẹo sang một bên.

Nắng đã lên ngang đỉnh đầu, ngoài đường nóng hầm hập. Hơi nóng từ đường nhựa bốc lên khiến cho cảnh vật nhòe nhoẹt như nhìn qua tấm kính ướt. Đằng xa xuất hiện một chiếc xe buýt. Anh Cả đứng dậy, móc trong túi quần mấy đồng tiền lẻ vo tròn như viên bi, gỡ ra, đặt lên bàn. Anh xách bao tải nhảy vội lên chiếc xe buýt cũng vừa lúc đến nơi. Thừa choàng tỉnh, nhỏm người chạy theo chiếc xe buýt. Gã đứng giữa đường, chân giạng ra, hai tay nắm chặt, ngửa cổ lên trời gọi: “Anh… ơi” cho đến khi chiếc xe khuất hẳn tầm mắt.

Gã lủi thủi quay về nhà trên con đường gập ghềnh, giữa trưa nắng như đổ lửa với một cái đầu rỗng tuếch, vo ve tiếng nhặng bay.

Chiều bố gã vừa về, cậu Út mách: “Anh Cả bỏ nhà đi rồi”. Bố gã hất hàm hỏi Thừa: “Nó đi đâu?”. Thừa trả lời: “Con không biết”.

Bố gã mở tủ, sục sạo một hồi rồi quay sang hỏi: “Chúng mày có thấy nó lấy cái gì không?”.

- Con không biết!

- Đồ súc vật. - Bố gã rít lên, rút chiếc thắt lưng thợ điện cất trên nóc tủ, vụt chéo một đường. Chiếc thắt lưng đập vào vai Thừa quấn lấy lưng rồi giật lại, mang theo một mảnh vải rách toang lưng áo. - Mày có biết nó lấy trộm của tao cái gì không?

- Con không biết. - Thừa trân trân nhìn bố gã, trả lời ráo hoảnh.

- Vàng… vàng mày hiểu chưa? Cả nhà gom góp bao năm mới tiết kiệm được hơn chỉ vàng. Nó lấy trộm mất rồi?

Bố gã vụt liên tiếp, Thừa lấy hai tay ôm đầu, khom người xuống chịu đựng. Cậu Út bây giờ đã mười tuổi, mỗi lần bố đánh anh, cậu không còn khóc như xưa nữa, nhưng cũng chỉ biết đứng nhìn, chân run bần bật.

Vừa lúc ấy bà Thưởng về, nghe thấy mất vàng bà lao vội đến chiếc tủ, lôi ra một chiếc hộp gỗ màu nâu to cỡ bàn tay, đổ tung tóe ra giường rồi thẫn thờ: “Mất thật rồi, mấy chỉ vàng vừa mới mua”. Như thể sợ rằng chỉ vàng rơi rớt quanh đây đó, Bà Thưởng thò tay vào ngăn tủ lần lần, ngó hẳn đầu xuống gậm giường. Nhưng vô vọng.

- Nó lấy đi rồi. Còn ai vào đây nữa. Thằng mất dạy! - Bố gã quay sang Thừa, nói tiếp. - Rồi xem, mấy hôm nữa tiêu hết tiền lại mò về, lúc ấy tao giết.

- Anh Cả không lấy đâu, và anh ấy cũng không về nữa đâu. - Thừa buột miệng.

- Cái gì? Mày nói gì? - Bố gã gầm lên như một con cọp, sùi cả bong bóng hai bên mép. - Không về thì lấy cứt mà ăn, lên rừng ở với khỉ à? Lên đi, lên đi rồi thành vượn thành đười ươi, nhà này không có cái ngữ ấy.

Bố gã tiếc của và quá giận anh Cả, giận lây sang cả Thừa. Bố gã vứt toẹt chiếc thắt lưng xuống đất, lao vào định dùng tay tóm cổ Thừa quật xuống đất. Lần đầu tiên trong đời Thừa không lùi lại, không co người chịu trận. Gã giạng hai chân ra, tóm chặt hai tay bố gã ghì xuống. Mắt Thừa long lên, môi mím, răng nghiến chặt vào nhau phát ra tiếng ken két. Gã nói chậm, nhỏ nhưng mãnh lực:

- Bố đừng bao giờ đánh con nữa. Con sẽ tự vệ đấy! Không chỉ có anh Cả đâu, mà rồi một ngày nào đó con cũng sẽ đi khỏi cái nhà này.

Bố gã hộc lên:

- À! Thằng mất dạy. Tao sẽ giết mày!

Thừa ghì chặt đôi tay hơn nữa, bố gã oằn mình vì đau. Bố gã không nói được câu gì nữa, chỉ ớ ớ như thể bị cắt mất lưỡi, đôi mắt mở to thảng thốt. Thừa bất ngờ buông hai tay ra làm bố gã loạng choạng lùi lại phía sau đến hàng thước.

Bà Thưởng ngồi xổm trên giường, luôn miệng đánh chết nó đi, quân mất dạy, nhưng có vẻ cũng chờn chợn nên không nhảy xuống hỗ trợ bố gã. Cậu Út nép góc nhà, nhìn Thừa với ánh mắt ngạc nhiên, lạ lẫm. Cậu không hiểu nổi, tại sao gã lại có thể dũng cảm đến thế!

Đêm hôm ấy gã không hề chợp mắt. Cái góc nhà anh em gã nằm từ bé đến giờ bỗng rộng thênh thang. Mới đêm qua, anh Cả phải nép vào một bên nhường chỗ cho gã. Vậy mà đêm nay đã khác lắm rồi.

Anh ơi! Sao anh không cho em đi cùng? Đêm nay anh ngủ ở đâu? Chiều nay anh đã ăn gì chưa? Anh đã tiêu những đồng xu của mình cho cốc đậu xanh rồi phải không? Bố mẹ nghi anh lấy trộm vàng. Em không tin điều ấy, nhất định không bao giờ tin như thế.

Có chuyện này anh chưa bao giờ biết. Em cũng đã cố thử rời bỏ cuộc sống này. Em đã lặn xuống đầm nước, chỗ sâu nhất và nhịn thở. Em muốn nằm ở dưới đó, muốn mình tan thành bùn, thành rong rêu làm mồi cho cua cá, nhưng rốt cuộc em không làm được điều ấy. Em đã không đủ dũng cảm để chết anh ơi.

Chiều nay em đã phản kháng lại cơn thịnh nộ của bố. Em cũng không biết đấy là sai hay đúng nữa. Giá mà có anh ở nhà… Anh nhớ viết thư về cho em nhé, em mong tin anh lắm!

*


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx