sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

01. Tiến tới lễ kỉ niệm lần thứ 100 ngày sinh Boris Pasternak thiên tài

TIẾN TỚI KỶ NIỆM LẦN THỨ 100 NGÀY SINH

BORIS PASTERNAK

THIÊN TÀI

Ngày 18 tháng Hai 1987, Ban thư ký Hội nhà văn Liên Xô thông qua quyết định hủy bỏ nghị quyết của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành Hội nhà văn Liên Xô, thông qua vào năm 1958, khai trừ B. L. Pasternak ra khỏi Hội. Trước đó mấy hôm, Ủy ban di sản văn học B. L. Pasternak đã nhóm họp phiên đầu tiên.

Dưới đây là lời phát biểu với phóng viên BÁO VĂN HỌC của nhà thơ Andrei VOZNESENSKI; Chủ tịch Ủy ban nói trên, và nhà văn Veniamin KAVERIN, một trong những hội viên cao tuổi nhất hội nhà văn.

oOo

A.VOZNESENSKI

Quyết định của Ban thư ký là sự kiện rất đáng mừng, nhưng cũng thật đáng buồn. Phải đến bây giờ sự kiện ấy mới có thể diễn ra, và đó là thắng lợi của cách tư duy mới. Đằng sau mươi dòng ấy ta có thể nhìn thấy rõ cả thế giới của Boris Pasternak, cả cái lục địa văn hóa bất tận của ông – hầu như bất cứ một địa hạt tinh thần nào cũng được nhà nghệ sĩ vĩ đại đề cập đến – thơ ca, văn xuôi, khảo cứu, chiều sâu triết học của bút pháp, bản chất tiềm ẩn của âm nhạc, những bản dịch từ tiếng Gruzia, vở kịch thơ Faust bằng tiếng Nga và hầu hết các bi kịch của Shakes – peare. Di sản của ông quả là cả một bộ bách khoa thư lớn…

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www. - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Ngay từ hồi còn là một cậu học trò mười bốn tuổi, tôi đã đến với thơ ông, và suốt mười bốn năm ròng rã tiếp theo tôi đã trò chuyện cùng ông, lắm khi trò chuyện hằng tuần. Đó là một niềm hạnh phúc cao cả về tinh thần, và việc khai trừ ông ra khỏi Hội cùng những sự kiện xảy ra sau đó đã ảnh hưởng đến tôi với tư cách một con người và một nhà thơ.

Trong ủy ban di sản văn học B. L. Pasternak hiện có mặt những nhà hoạt động văn hóa vô song của nước ta, như viện sĩ D. S. Likhachov, - người đã từng nhiều lần đứng ra che chở cho các sáng tác của nhà thơ, - L.M. Leonov, Mikhail Ulianov. Rồi Sviatoslav Richter thiên tài, người đã từng khiến Chopin phải nức nở trên những phím đàn của Neuhaus trong tang lễ nhà thơ tại Peredelkino. “Tiếng nhạc tang của Chopin cất cánh bay, như một con đại bàng ốm nặng”, - tiếng đàn bay lượn trên đầu hàng nghìn người đưa tiễn nhà thơ đến nơi an nghỉ cuối cùng, mà trong số họ, thật đáng buồn, chẳng có được mấy nhà văn. Than ôi, đấy là một bằng chứng về tâm địa hai lòng, về thói “hai mặt” từng ngự trị lúc bấy giờ, khi mà có kể vẫn thủ thỉ bẳng một giọng đầy sôi nổi về nhà thơ lúc gặp ở nhà riêng, nhưng bước lên diễn đàn thì lớn tiếng kết án ông, và thậm chí cả tang kễ ông cũng chẳng dám đến dự.

Phiên họp đầu của ủy ban chúng tôi diễn ra vào hôm 12 tháng Hai, sau ngày sinh nhật nhà thơ đúng hai hôm. Trên tường là bức chân dung của nhà thơ thời trẻ, do chính thân sinh ông vẽ, chung quanh kết đầy hoa hồng tươi Gruzia. Mọi người đều phát biểu rất sâu sắc và rất xót xa. Chúng tôi đã chăm chú lắng nghe những lời phát biểu nồng nhiệt của E. Evtushenko, R. Rozhdestvenski, V. Korotich, K. Vanshenskin, E. Sidorov, Al. Mikhailov, E. B. Pasternak, V. Ivanov, L. Ozerov, St. Lesvneski, I. Antonova, V. Amlinski, A. Urban, D. Granin, V. No – Vikov. Va lòng yêu mến đối với nhà thơ không phải theo kiểu lãng mạn, ủy mị - cho nên, nhiều đề nghị cụ thể đã được đề xuất với ủy ban. Toàn thể ủy ban đã nhất trí: phải hủy bỏ quyết định thông qua năm 1958 khai trừ B. L. Pasternak ra khỏi Hội nhà văn Liên Xô. Đây cũng chính là điểm đầu tiên trong quyết định của Ủy ban di sản văn học Pasternak. R. Rozhdestvenski nói: “Hồi đó có nhiều nhà văn đã giở trò nhiễu sự văn chương, giờ đây họ vẫn đang còn muốn giở trò lần nữa”. V. Bykov vì ốm nặng đã không thể đến dự: ông có gọi dây nói báo tin rằng: ông xin giơ cả hai tay tán thành việc hủy bỏ quyết định khai trừ nhà thơ, tán thành việc công bố tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, và lập viện bảo tàng của nhà thơ tại Peredelkino. D. S. Likhachov cũng có nguyện vọng tương tự: “Tôi yêu cầu phải coi trọng điều mong mỏi tha thiết lâu nay của tôi với tư cách là chủ tịch ban chấp hành Quỹ văn hóa Liên Xô…”. S. Zalygin gửi thư báo tin: tạp chí Thế giới mới đã có kế hoạch công bố Bác sĩ Zhivago vào tháng Giêng năm 1988. D. Granin đề nghị: vừa công bố trên tạp chí, vừa cho in thành sách tác phẩm đó, không cần chờ đến ngày toàn tập tác phẩm của nhà thơ được ấn hành.

Tôi nghĩ rằng câu chuyện lôi thôi xảy ra với tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc khai trừ nhà thơ, là một bằng chứng của thời kỳ tính công khai bị lãng quên, khi mà người ta cứ ngang nhiên lên án một tác phẩm, mặc dù chưa từng đọc nó. Hơn nữa, toàn dân ta, về cơ bản, đều ra đời sau cách mạng, đã từng được thử thách trong khói lửa chiến tranh, nên có toàn quyền được đọc hết thảy những gì đã được viết ra và độc lập phán xét tất thảy những sáng tác đó. Được tinh thần công khai chắp cánh, chúng ta thực khó tin rằng rồi đây đa số các ý kiến sẽ phải phát biểu theo kiểu này: “Tôi chưa đọc Bác sĩ Zhivago, nhưng tôi cho rằng…” Tôi nghĩ việc công bố thiên tiểu thuyết nhất định sẽ khiến nhiều người sửng sốt: một sáng tác như thế mà người ta lại nỡ cự tuyệt ư? Bác sĩ Zhivago là một bản tự truyện tâm lý. Hồi còn là thanh niên, tôi đã được nghe chính tác giả đọc toàn bộ thiên truyện, từ trang này sang trang khác, khi nhà thơ đọc từng phần một cho bạn bè – Vs. Ivanov, A. Akhamatova, S. Richter, Neus-haus, V. Asmus… Trang nào cũng chan chứa một nhạc cảm cực kì tinh tế. Trong một lá thư gửi năm 1948, Pasternak viết: “Nhân vật này sẽ là một trung bình cộng giữa tôi và B. ok, Esenin, Maiakovski, và từ đây trở đi, mỗi khi làm thơ, bao giờ tôi cũng phải chép thêm vào một quyển vở cho chính người đó – Iuri Zhivago”.

Tôi nhớ có lần tôi đã công bố được trên một tờ tạp chí bài thơ Hamlet, trích từ thiên tiểu thuyết, nhưng đã phải lồng nó vào một tiểu luận bàn về dịch thuật. Hết thảy những gì do ngòi bút Pasternak viết ra đều phải được công bố. Nhất là những thư từ của ông, những dòng đáng quý biết bao, phải được in thành một tập riêng. Những bức thư ông viết cho O. Freidenberg và R. Sveitser thật đáng quý. Trong thư từ, nhà thơ hiện ra trước mắt ta như một hiền triết ngang hàng với các nhà triết học chủ chốt của nước Nga. Chính giờ đây là lúc chúng ta cần một cách nhận thức thế giới trên lập trường con người nói chung đó, cần một cách hiểu bản thể tinh thần của con người toàn vẹn, chứ không phải như một quyển lịch tờ rời. Trong cuộc đấu tranh cho sự đổi mới tinh thần của chúng ta, trong việc tìn kiếm căn nguyên sâu xa của sự trì trệ, chúng ta sẽ mãi mãi không quên lời nhà thơ từng nói: “Tai họa chủ yếu, cội nguồn của cái ác trong mai sau chính là mất lòng tin vào giá trị của ý kiến riêng. Những lời sáo rỗng rồi dần dần sẽ chiếm lấy vị trí bá chủ”.

Tôi có ghi lại trong tập hồi ký “Năm tôi mười bốn tuổi”, - đã bị cấm công bố trong những năm ảm đạm trước đây và ban biên tập tạp chí Thế giới mới đã phải chật vật lắm mới bênh vực được nó, - những cuộc tiếp xúc giữa tôi và Pasternak. Trong tương lai, chúng ta còn phải hoàn thành tiếp bức chân dung tập thể của Pasternak, - ngẫm nghĩ để công bố một tuyển tập hồi ký về ông.

Nghị quyết của Ủy ban di sản văn học B. L. Pasternak - gồm đến những mười bốn điểm. Điểm thứ nhất vừa mới được Ban thư ký Hội nhà văn Liên Xô thông qua. Về những điểm khác, tôi chỉ xin lưu ý như sau: ủy ban đề nghị Ban thư ký Hội nhà văn cho xuất bản Bác sĩ Zhivago, cho ấn hành toàn tập tác phẩm và lập nhà bảo tàng của nhà thơ tại Peredelkino; tổ chức những cuộc hội thảo về sáng tác của Pasternak với sự tham gia của các nhà hoạt động văn hóa trong nước cũng như thế giới (cuộc hội thảo đầu tiên dự định tiến hành vào ngày 30 tháng Năm năm 1987), tổ chức một cuộc triển lãm mang tên Thế giới của Pas-ternak, chuẩn bị lễ kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ vào năm 1990 – với đề nghị: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tiến hành kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh nhà thơ trên phạm vi toàn thế giới; xuất bản tập Cuộc sống – người chị hiền của tôi dưới dạng phắc–xi-min, lấy tên ông đặt cho một đường phố, một quảng trường… Bao nhiêu là công việc. Và quyết định vừa được Ban thư ký nhất trí thông qua hủy bỏ việc khai trừ nhà thơ năm 1958 là một bằng chứng cho thấy “điều không thể đã hóa thành có thể”. Khi nói về Pasternak, nhiều người phát biểu đã có nhắc đến thân thế của Anna Akhmatova và Zoshchenko.

*

* *

V. KHAVERIN

Hiệp hội sáng tác mà tôi từng tham gia hoạt động rất tích cực suốt nhiều năm nay đã hết sức thông cảm với tuổi tác của tôi, nên giờ đây, theo đề nghị của chính tôi, chỉ hạo hoằn lắm mới mời tôi đến dự những phiên họp này hoặc phiên họp khác. Nhưng một cuộc họp thế này thì tôi không thể không có mặt! Một cuộc họp thật khác thường; tôi đã từng dự nhiều cuộc họp, nhưng một cuộc họp như cuộc họp này, thú thực, tôi chưa từng thấy bao giờ. Tôi coi đây như một biến cố lớn trong cuộc sống của chúng ta. Nó hoàn toàn tương xứng với dấu hiệu đổi mới mà tôi hằng mong mỏi bấy nay, với một bước ngoặt thực sự của tình hình theo hướng ngày một tốt đẹp hơn, hướng về phía công bằng và dân chủ. Cuộc họp thật sự đã thực hiện được điều đó một cách hiển nhiên đến mức sau khi ra về, tôi cảm thấy dạt dào xúc động, thấy tâm hồn như mọc cánh và thấy thậm chí phải bắt tay ghi lại ngay những gì vừa được mắt thấy tai nghe. Không khí cuộc trò chuyện đã hoàn toàn thuyết phục được tôi, - một người từng cầm bút lâu năm và thường lấy làm buồn lòng về tình trạng chia rẽ rất tiêu biểu cho sinh hoạt văn học của chúng ta, - rằng sự chia rẽ ấy có thể dần dần sẽ được chấm dứt hẳn. Sự nhất trí về quan điểm đó với một số nghệ sĩ lỗi lạc của chúng ta sẽ góp phần gắn bó chúng ta lại bên nhau, vai sát vai, như những người cùng chung chí hướng. Tạo nên quanh bản thân mình một từ trường hấp dẫn mãnh liệt về sức mạnh tinh thần, những nghệ sĩ ấy đã thu hút chúng ta về phía họ và gắn bó chúng ta lại với nhau. Mà đó, theo tôi, là một nhân tố rất mực quan trọng.

A. Voznesenski, người đã dốc toàn bộ sức lực vào việc đưa Ủy ban di sản của B. L. Pasternak xốc tới, vừa kể lại những điểm chủ chốt của phiên họp đầu. Bởi vậy, ở đây tôi chỉ muốn lưu ý thêm bạn đọc về lời phát biểu của St. Lesnevski ông nói rằng phải kể rõ cho mọi người toàn bộ những gì mà B. L. Pasternak đã cống hiến cho nền văn học chúng ta, về hình tượng Lênin mà ông khắc họa nên, về những thiên sử thi của cách mạng mà ông sáng tạo; về việc Gorki đã đánh giá sự kiện đó ra sao, cũng như lòng yêu mến mà Maiakovski đã dành cho ông to tát như thế nào. St. Lesnevski còn nêu rõ rằng Pasternak là một trong những người đã đứng ra sáng lập ra Hội nhà văn chúng ta, là đại biểu của Đại hội quốc tế các nhà văn bảo vệ hòa bình, rằng nhà thơ đã tỏ rõ như thế nào lòng trung thành của ông đối với Tổ quốc trong những năm Chiến tranh Giữ nước Vĩ đại. Ông luôn hân hoan đón chào cái mới và lòng ông bao giờ cũng cháy bỏng một khát khao dưới những hình thức vốn có của riêng ông: được dự phần vào cuộc sống của toàn dân. Trong một tình cảnh hết sức nặng nề vây chặt lấy ông, ông vẫn tỏ ra xứng đáng đến mức đáng kinh ngạc. Tôi chỉ muốn bổ sung thêm vào lời phát biểu hết sức sôi nổi và đầy sức thuyết phục ấy của St. Lesnevski những bằng chứng và luận cứ của riêng tôi, bởi lẽ tôi rất quen thân với B. L. Pasternak, tôi đã từng ngẫm nghĩ nhiều về thân phận của ông và thậm chí đã từng cố giúp ông khi những tai họa dồn dập trút xuống đầu ông.

Tôi là một người bao giờ cũng coi ông như một bậc đàn anh đáng chiêm ngưỡng, như một nhà thơ thiên tài. Kể về B. L. Pasternak rất khó – chẳng khác nào như phải dùng lời để nói về âm nhạc vậy. Được gặp ông – đó là một trang đặc biệt cuả đời tôi, mà nếu thiếu nó, tôi sẽ cảm thấy bị nghèo đi nhiều lắm. Tôi quen ông lần đầu vào năm 1926, khi tôi rời Lêningrat về Matxcơva. Vào năm 1947, tôi dọn hẳn nhà về Peredelkino và rất hay đến thăm ông tại nhà riêng. Nhưng chúng tôi thường hay gặp nhau hơn cả là những lúc dạo chơi loanh quanh tại những nơi yên tĩnh trong xóm. Giờ đây, tôi vẫn hy vọng rằng chỉ nay mai mình sẽ lại được ngồi trong ngôi nhà ấy. Giờ đây, tôi vẫn hy vọng rằng chỉ nay mai mình sẽ lại được ngồi trong ngôi nhà ấy, trong ngôi nhà đã biến thành viện bảo tàng ấy, mà cách bài trí ấy đã được phục hồi như trước, - đến đây, tôi vẫn còn nhớ như in, - hệt như ngày B. L. Pasternak còn sống. Về việc phải lập tại đó một viện bảo tàng tôi đã được nghe cả A.Voz-nesenski, cả E. Evtushenko lẫn D. S. Likhachov đề cập đến từ diễn đàn đại hội nhà văn. Tôi không phát biểu tại đại hội, nhưng ví thử được mời lên phát biểu, chắc chắn tôi cũng sẽ đưa ra đề nghị tương tự, cũng như đề nghị phải sớm xuất bản toàn tập tác phẩm của Pasternak. Đứng từ nhà ông (ngôi nhà mà các độc giả đã từng biết, khi xem bức ảnh in ngoài bìa quyển Đường hàng không) nhìn ra đã có thể thấy rõ nghĩa trang Peredelkino, nơi chôn cất ông; còn đứng từ mộ ông nhìn vào thì ngôi nhà cũng trông rõ mồn một. Tôi thường ra thăm mộ Boris Leonidovich. Trên mộ quanh năm đầy hoa tươi. Những bó hoa doa nhân dân đặt lên. Ông là nhà thơ của nhân dân. Và lễ tang của ông cũng là lễ tang của nhân dân. Tôi vưa viết xong tập hồi ký Những cuộc tiễn đưa và đã gửi nó cho nhà xuất bản Ngọn cờ.

Tôi đã từng đứng đầu ủy ban di sản văn học I. N. Tynianov nhiều năm, và tôi biết rất rõ đó là một công việc khó khăn và nghiêm túc như thế nào. Và lâu dài, - chứ không phải công việc của một vài ngày. Muốn cho một gia tài văn học nào đó được phục nguyên đầy đủ, phải làm việc nhiều, nhiều lắm. Tại phiên họp đầu tiên, tôi có đề nghị phải tổ chức thường xuyên (hằng năm hoặc cách nhau vài năm) những cuộc hội thảo về Pasternak ngay tại nhà riêng của Boris Leonido-vich, để sau đó sẽ đưa in những báo cáo đã từng đọc tại đây vào những chuyên san, kiểu như các chuyên san về Tynianov, từng được các giới văn học đón tiếp nồng nhiệt. Phiên họp đầu của Ủy ban di sản văn học Boris Pasternak cho phép chúng ta tin chắc rằng: điều chúng tôi vừa đề nghị nhất định sẽ được thực hiện.

Người phỏng vấn

IRINA RISHINA

Nguyễn Đức Dương dịch

Trích trong Litoratunaia gazeta N* 9 ngày 15-2-1987; tr 6


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx