sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

02. Boris Pasternak – Nhà thơ lớn

BORIS PASTERNAK – NHÀ THƠ LỚN *

(1890 – 1960)

EVGENY EVTUSHENCO

Là một trong những nhà thơ lớn nhất của nước Nga cũng như thế giới. “Và toàn bộ dải đất này đều là di sản của ông, ông đã chia sẽ hết thảy mọi thứ với dải đất ấy”, Anna Akhmatova viết về ông như vậy. Maiakovki cho rằng đối đãi với thơ ca phải sòng phẳng như đối đãi với phụ nữ, như trong khổ thơ thiên tài sau đây của Pasternak:

Vào ngày ấy, trên tay anh, em toàn vẹn,

Từ đỉnh đầu đến tận gót chân kia,

Như chàng diễn viên tỉnh lẻ thuộc Shakespear,

Anh cũng mang theo em và cũng thuộc em tường tận,

Lang thang khắp phố phường và diễn tập khắp nơi.

Là con trai của họa sĩ nổi tiếng Leonid Pasternak, thời trẻ, ông đước giáo dục trong một môi trường trí thưcc rất mực uyên bác. Ông từng thử sáng tác nhạc do chịu ảnh hưởng của Skriabin. Lúc trưởng thành, Pasternak thông thạo nhiều ngoại ngữ. Ông theo học tại đại học tổng hợp Marburg.

Trong số các nhà thơ nước ngoài, có lẽ Rilker * là người đã ảnh hưởng đến ông sâu đập nhất. Còn trong số các nhà thơ đương đại thì nguời thu hút ông mãnh liệt hơn cả là Maiakovski, và tình bạn phức tạp giữa họ là một tình bạn xây dựng trên nền tảng vừa hâm mộ nhau, lại vừa ruồng bỏ nhau. Nếu Maiakovski thiên về hướng đi từ thế giới nội tâm ra thế giới bên ngoài nhiều hơn, thì Pasternak lại thiên về hướng ngược lại. Pasternak hồi đầu có gắn bó với chủ nghĩa vị lai, nhưng về sau ông đã sớm từ bỏ nó, bởi lẽ cuộc đấu tranh trong văn học là điều hoàn toàn xa lạ với bản tính ông. Song, đối với Pasternak, Maiakovski vẫn mãi mãi là hiện thân của tình yêu thủy chung thời trai trẻ, và Pasternak chính là tác giả của những vần thơ hay nhất nói về cái chết của Maiakovski:

Phát súng của anh chằng khác nào ngọn Etna

Bên thềm núi của lũ ươn hèn và nhút nhát.

*Rainer Maria Rilker (1875 – 1926): Nhà thơ Áo, sinh ra tại Praha, mất ở Thụy Sĩ. Khát vọng vướt qua nỗi cô đơn bằng tình yêu và sự hoa hợp với thiên nhiên là đề tài chủ đạo trong sáng tác của nhà thơ.

Nhiều người có quở trách Pasternak đã không tôn trọng Maiakovski, khi ông viết “Người ta bắt đầu gieo trồng đại trà Maiakovski, như trồng tỉa khoai tây”, sau ngày Stalin ông bố cái nhận định nổi tiếng của ông ta: “Maiakovski đã và mãi mãi vẫn là nhà thơ ưu tú nhất, tài năng nhất của thời đại Xô viết chúng ta”. Nhưng thực ra, với câu nói chua chát ấy, Pasternak đã bảo vệ cho Maiakovski khỏi những kẻ mưu toan dung tục hóa ông, đang sinh sôi nảy nở như nấm trong xã hội Xô viết.

Nét đặc sắc của thơ ca Pasternak thời trẻ là sự bảo hòa quá ư thừa thãi về chất liệu của thơ. Thơ ông không tương đồng với thực thể của thi ca, mà với cái tinh túy nhất, chắt gạn ra từ đó. Tính chất có hình khối, có thể sờ nắn được của thế giới trong thơ ca Pasternak đã đạt đến hiệu quả gần như tột đỉnh, khi một cành hoa lấp lánh sương bỗng vươn thẳng dậy từ trang thơ và cù nhẹ lên đôi hàng mi của kẻ đang lần đọc thơ ông.

Thơ Pasternak tựa hồ như được ngăn cách hẳn với thời gian. Câu Bạn yêu ơi, ta đang ở vào thiên kỷ nào đây? Từng được nhiều lần dẫn ra để buộc tội nhà thơ là đã tự tách mình ra ngoài thời đại. nhưng kỳ thực, sáng tác của Pasternak là những áng văn mang tính chất lịch sử rất mực sâu đậm. Ông đã khắc họa nên những bức tranh lịch sử hùng tráng trong Năm chín trăm lẻ năm, Trung úy Smith. Một trong những bức chân dung bằng thơ xuất sắc nhất của Lênin chính là do ngòi bút của Pasternak tạo nên (Căn bệnh cao vời).

Trước chiến tranh, Pasternak đã tham dự Đại hội các nhà văn thế giới chống phát xít tại Paris, và được cả hội trường đứng dậy hoan nghênh: còn trong những năm chiến tranh, thơ ông đã chiến đấu chống lại bè lũ xâm lược.

Nét tiêu biểu của thơ ca sau chiến tranh của Pasternak là niềm khát khao vươn đến sự trong sáng. “Cái tinh túy nhất” ngày trước đã nhường chỗ cho tính cổ điển hơn, cho sự bình sị hiều theo cái nghĩa cao cả của từ này. Thơ ông đã để mất đi một cái gì, nhưng bù lại đã chiếm lĩnh được một cái gì khác trước.

Một sáng tác dày công của Pasternak là thiên tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago; ở đây ông đã khắc họa chân dung một trí thức Nga tình cờ bị lọt vào giữa hai làn hỏa lực trong thời nội chiến. Thiên truyện được viết ra không chút ác ý hoặc cũng không hề mưu toan hạ thấp uy tín của cách mạng tháng Mười. Những người như Bác sĩ Zhivago là có thật, và lịch sử của cuộc nội chiến chắc hẳn sẽ không toàn vẹn nếu như vắng bóng gương mặt của những người như họ. Nhưng tiếc thay, thiên tiểu thuyết lại bị lọt vào giữa hai làn hỏa lực. Hội nhà văn Liên xô đã kết tội Bác sĩ Zhivago, coi đó là một tác phẩm chống Liên Xô, và đã khai trừ Pasternak ra khỏi Hội nhà văn. Đã từng có nhà văn Tvardovsky, đã lên tiếng cảnh tỉnh quyết định quá hấp tấp ấy, nhưng người ta đã bỏ ngoài tai tất cả. Mặt khác, báo chí phản động phương Tây lại lợi dụng “Vụ Pasternak” vào những mục đích đầu cơ của họ. Bởi thế, con người trong sáng như gương về đạo đức ấy bỗng dưng hóa thành nạn nhân của một vụ đầu cơ chính trị, mà chính con người ấy cũng chẳng tài nào hình dung nổi nó là cái gì.

Giờ đây công lý đối với tên tuổi của Pasternak đã được phục hồi, thơ ông đã được in ra với số lượng hàng vạn, hàng vạn bản, và tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago cũng đang sắp ra mắt bạn đọc Xô Viết trong nay mai (1).

(1)Tiểu thuyết Bác sĩ zhivago đã được in trên tạp chí Văn học Liên Xô thế giới mới từ số 1- 1988 đến số 4 -1988.

Pasternak còn là một dịch giả lỗi lạc; ông đã truyền đạt sang tiếng Nga nhiều kiệt tác của Goethe, của Shakespear, của Rilker và của thơ ca Gruzia.

Ủy ban di sản Pasternak mới đây đã thông qua quyết định: đề nghị cơ quan UNESCO tổ chức kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của nhà thơ vĩ đại này vào năm 1990 trên qui mô toàn thế giới.

ĐỨC DƯƠNG dịch

Trích từ: “HỢP TUYỂN THƠ CA. THI TỨ NGA THẾ KỶ XX”.

Tạp chí “Ngọn lửa nhỏ” N*29, tháng 7-1987, tr10


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx