sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

15. Sống và xứng đáng đến giờ phút cuối cùng (Phần 2)

“30 tháng Mười Một 1948

Chị Olya yêu quí của em!

Thật kinh ngạc là chị đã viết thư cho em! Thư chị viết ngàn lần hay hơn và lớn lao hơn tập bản thảo của em. Hóa ra nó cũng đến được với chị cơ đấy?! Đó không phải là nỗi sợ chết, mà là sự ý thức được tính chất vô hiệu của những ý đồ và thành quả tốt đẹp nhất, của những lời chửi rủa tốt lành nhất và nỗi khát vọng xuất phát từ đó – muốn tránh đi sự ngây ngô và cứ theo con đường đúng đắn mà đi, để nếu nhỡ có chuyện không hay xảy ra khỏi phải chết đi một cách oan uổng, và nếu để nó có phải chết, thì cũng không phải là do lỗi của chính mình. Chị đừng nát óc với câu này. Nếu chị không hiểu lại càng hay.

Chị thường nói về tình máu mủ, về gia đình. Chị hãy hình dung đó chỉ là phần giáo đầu của của những cái sẽ được xem, chỉ là chỗ tập trung nhất của vở kịch, mà về cơ bản rất giống nhau vì cùng kiểu loại. Niềm xúc động chủ yếu của em là Ba (tức họa sĩ L. O. Pasternak), là sự lỗi lạc của ba, có khả năng làm chủ tuyệt diệu của ba đối với hình thức, là con mắt tinh tường của Ba mà hầu như không một vị họa sĩ đương đại nào có được, là sự phóng khoáng của Ba về bút pháp, là khả năng sáng tác dễ dàng – có thể vẽ đến vài ba tác phẩm một ngày – và sự bất công của người đời đối với sáng tác của Ba. Tiếp đó, số phận đáng xúc động ấy lại bất thần tái lặp ở Tsvetaeva, một nữ sĩ tài nghệ thật khác thường, táo bạo, có học vấn cao phải nếm trải toàn bộ những bước thăng trầm của “bộ sử thi” của chúng ta, rất gần gũi và thân thiết đối với em, để đến với thời đại từ một quá khứ lớn lao xa xăm, để rồi chết đáng thương trong sợi thòng lọng tại một chốn khỉ ho cò gáy, hoàn toàn chẳng có ai hay biết, trong những ngày đầu cuộc chiến.

Cuộc sống của em thường ảm đạm và bất công. Điều đó khiến em trở thành một cái gì hoặc gần như là người báo thù khiến cho cuộc sống hoặc người bảo vệ cho danh dự cuộc đời, chiến đấu một cách ngoan cường, sáng suốt, và nó đem đến cho em tên tuổi, khiến em trở thành người hạnh phúc, tuy rằng về thực chất em chỉ đau xót cho cuộc đời, than khóc cho kiếp người, thế thôi.

Rilke cũng đã chết như thế chỉ vài tháng sau ngày em viết thư cho anh ấy. Em cũng đã mất đi mấy người bạn Gruzia (ám chỉ Titsiana Tabidze và Paolo Tashvili)… Cho nên, thiên tiểu thuyết này là một chứng tích, mà em cố để lại cho đời.

Cách hiểu của chị quả là giống cách hiểu của em đến kinh ngạc: Marina Tsvetaeva cũng hiểu như vậy ; và thảng hoặc cả Maiakovski nữa, - em rất ngạc nhiên là em đã nhắc đến tên anh ấy.

Chị có thể chuyển tập bản thảo đó tới cho bất kỳ ai mà chị thấy đáng đọc. Bao giờ không cần đến nữa, chị có thể gửi xuống cho em, theo cách nào mà chị thấy là chắc chắn nhất. Cảm ơn chị đã đọc nó, mặc dù chị có rất ít thời giờ (…).

Chúc chị mọi sự tốt lành. Ôm hôn chị thật chặt. Em lúc nào cũng ghi nhớ cái lý thuyết so sánh thật tuyệt của chị, - nó chính là sản phẩm của những tác phẩm kiểu này.

Chúc chị khỏe.

B. của chị”.

*

* *

Vào những năm ấy, công việc mà Pasternak phải làm rất nhiều, nên ông phải viết Bác sĩ Zhivago một cách rất chật vật, xen kẽ vào những khoảng thời gian rỗi rãi sau khi hoàn thành những bản dịch các tác phẩm lớn.

Tháng Mười năm 1952, ông bị một cơn nhồi máu cơ tim nặng. Sau hai tháng điều trị tại bệnh viện, Pasternak được đưa đến trại an dưỡng Bolshevo. Tại đây, ông nhận được thư người bạn cũ – giáo sư V. F. Asmus, và ngày 3 tháng Ba năm 1953 ông đã viết thư trả lời như sau:

“Anh Valentin Ferdinandovich thân mến!

Tôi không sao nói hết được niềm tự hào khi đọc thư anh, khi anh đề cập đến trong thư một số sáng tác của tôi một cách sâu sắc, thẳng thắn và bao quát đến thế. Tôi mang ơn anh rất nhiều, Valentin Ferdinandovich ạ. Tôi biết lấy gì để tạ ơn anh và biết viết gì để đền đáp lại anh đây?

Trước ngày ra đi, tôi đã cố đọc hết quyển Triết học Hy Lạp cổ đại của anh. Chư bao giờ tôi đọc được một cái gì viết về Platon minh xác và dễ hiểu, bao quát và thấu đáo đến thế (…).

Tôi đã đỡ rất nhiều. Tôi đã bắt đầu làm việc lại, và định sẽ cố viết gấp cho xong Bác sĩ Zhivago.

Vừa đặt chân đến đây, tôi bỗng nhớ ngay là mình đã từng sống ở đây suốt ba tháng hè vào năm 35 và một lần, vào mùa đông, ngay trước khi cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại bùng nổ; hoặc ngay trong thời gian chiến tranh, anh cũng đã từng tới đây cùng chị Irina Sergeeva (tức vợ trước của giáo sư Asmus)…

Tôi được xếp vào nhà số hai, nơi tôi từng ở trước đây, và gần như trong chính căn phòng cũ ngày xưa (…).

Hồi đó tôi trẻ hơn bây giờ 18 tuổi: Maiakovski chưa được thần thánh hóa đã lôi tôi đi khắp mọi nơi (có lần, hai chúng tôi còn đi ra cả nước ngoài), chưa có những chuyện vớ vẩn và cả cái trò đê tiện là dẫu tôi nói gì hay viết gì người ta cũng không chịu cho in. Tôi thực tình chẳng có bệnh tật gì. Ấy thế mà hồi đó tôi cảm thấy mình bất hạnh kinh khủng và đang ngắc ngoải như nhiễm phải một thứ hơi độc bị phù phép trong cổ tích vậy. Tôi còn muốn nhân danh cái môi trường đã sinh ra mình làm một điều gì đó bằng những phương tiện thanh cao và chính đáng mà vốn chỉ có được thực hiện bằng con đường giả mạo (…).

Còn bây giờ thì dù bị đau tim nặng, một chứng bệnh không thể coi là vờ vĩnh, nhưng tôi lại thấy tự do, khỏe khắn, vui vẻ và sôi nổi, và hoàn toàn thoải mái ngồi vào bàn viết Bác sĩ Zhivago, một sáng tác chẳng ai cần và không thể nào xa rời tôi, bên khung cửa sổ mà cách đây 18 năm đối với tôi là một ngõ cụt và tôi không thể biết mình phải làm gì.

Tôi có thể kể hết cùng anh qua một cuộc trò chuyện miệng. Nhưng anh còn lạ gì chuyện điện thoại ở đây: lúc nào cũng có thể trò chuyện được – miễn là phải chịu khó xếp hàng. Nhưng trước mặt những người đang chờ mà đi sâu về vấn đề này thì cũng buồn cười và kỳ quặc. Bởi vậy, nên tôi mới phải viết thư. Gửi chị Andriana Borisovna (tức vợ của giáo sư Asmus) lời chào thân thiết. Hôn anh.

“B. P. của anh”.

*

* *

Thiên tiểu thuyết hoàn thành vào mùa đông năm 1955 – 1956. Đó là thời kỳ đổi mới toàn diện và đầy hy vọng. Nếu trước đây không thể hình dung nổi là tác phẩm này sẽ được xuất bản, thì bây giờ khả năng đó đã thành hiện thực. Pasternak gửi bản thào cho ban biên tập Thế giới mới, một tạp chí mà trước đây nhà thơ đã từng cộng tác nhiều năm. Ông cũng định gửi nó đến GOSLITIZDAT (tức Nhà xuất bản văn học quốc gia) để in thành sách. Nhưng những dự định đó vẫn không được thực hiện, vì ít lâu sau, Pasternak đã hoàn toàn tuyệt vọng: nhiều nhà văn và nhà nghiên cứu văn học có thân thế đã phản đối việc công bố tác phẩm của ông. Điều đó được thể hiện trong Thư của các thành viên ban biên tập tạp chí “Thế giới mới” mà ta biết rõ sau này. Đúng vào thời điểm ấy, thiên tiểu thuyết bỗng dưng được xuất bản tại Ý. Sự kiện này lập tức trở thành đề tài thảo luận của Ban chấp hành Hội nhà văn Liên Xô và cũng được đem ra tranh luận sôi nổi trong các giới văn học nghệ thuật. Nhà thơ đầu óc độc lập và rất có tài Elena Aleksandrovna Blaginina có gửi cho Pasternak một bức thư, tỏ ý ủng hộ và thông cảm với tình cảnh của ông. Pasternak đã viết thư cảm ơn bà như sau:

“16 tháng Chạp 1957”.

Chị Elena Aleksandrovna thân mến, tôi rất xúc động với lá thư chị gửi, cũng giống như sự quan tâm lo lắng của chị! Tôi ốm nặng, bệnh kéo dài suốt mùa xuân và mùa hè vừa rồi, nên phải nằm bệnh viện khá lâu; đến nay nhờ trời, sức khỏe cũng bình phục.

Tôi đã vấp phải nhiều chuyện rắc rối; người ta đã gây áp lực về mặt đạo đức với tôi, một áp lực rất kinh khủng vì tính hai mặt của nó, - nhưng phần nào tôi cũng đành khuất phục. Tôi đã phải góp phần vào những mưu toan nhằm đình chỉ việc xuất bản tiểu thuyết ở mãi tận nước ngoài, dưới một hình thức phi lý đến mức ai cũng biết trước là những mưu toan đó nhất định sẽ thất bại.

Nghe nói thiên tiểu thuyết đã được in ra tiếng Ý, và nay mai sẽ xuất hiện thêm cả bản tiếng Anh. Rồi tiếng Thụy Điển, tiếng Na Uy, tiếng Pháp và tiếng Đức cũng ra mắt trong năm nay.

Tôi không rõ chị có biết chuyện cách đây gần một năm Nhà xuất bản văn học quốc gia đã ký hợp đồng với tôi là sẽ in tác phẩm này không. Giá họ cứ in giúp, dù dưới dạng rút ngắn, sau khi đã bị kiểm duyệt chăng nữa chắc tôi đã bớt đến phân nửa chừng những chuyện lôi thôi và bực mình hiện nay. Thậm chí ngay cả bây giờ, sau khi câu truyện lôi thôi này đã bị thổi phồng và bằng cách nào đó góp phần làm tăng thêm tai tiếng chung quanh cuốn sách ở khắp mọi nơi trên thế giới, thì việc cho in thêm tiểu thuyết dù là dưới dạng cắt xén lộ liễu đi nữa, vẫn giúp ích rất nhiều cho việc ngăn chặn bớt tai tiếng. Thì Phục sinh của Tolstoi và nhiều tác phẩm khác nữa, hồi trước cách mạng, cũng đã từng được in ra dưới dạng khác hẳn nhau ở ta và nước ngoài đấy thôi; chuyện đấy rõ ràng chẳng làm ai sợ sệt, ngượng ngập và mất ăn mấ ngủ. Tôi đã viện cả đến lý do đó với họ và đề nghị mãi như thế rồi. Nhưng tất cả đều bị bỏ ngoài tai. Cuối cùng, bây giờ vẫn chưa muộn, nếu cho thi hành một phương án nữa, mà tôi cũng đã đề nghị nhiều lần. Ở tất cả các nước mà thiên truyện của tôi sẽ ra mắt đều có những nhà văn cộng sản, vốn là những chiến sĩ cách mạng, - Aragon, Becher, v.v. Nhiệm vụ của họ là đọc được quyển truyện xa lạ về tư tưởng này sau khi nó được in ra, rồi phân tích và vạch rõ những điểm còn non kém về tư tưởng và nghệ thuật, để vô hiệu hóa các tác hại của nó, để hạ thấp uy tín của nó. Những nhà văn đó, tôi nghĩ, vốn thừa khả năng và trách nhiệm để làm những việc ấy, và nhiệm vụ nói trên không phải là một cái gì quá sức họ. Nhưng ý kiến hợp lý lẽ đó có lẽ chẳng lọt được tai ai (*).

(*) Không một đại diện nào có tên tuổi nào của giới trí thức phương Tây đã nhúng tay vào chiến dịch đầu độc thiên truyện. Trái lại, họ đều nhiều lần lên tiếng ủng hộ ông và ra sức phổ cập sáng tác của ông – Chú thích của E. B. Pasternak.

Tôi chưa biết cái gì đang chờ mình. Chắc hẳn rồi đây cùng với thời gian, tôi sẽ còn gặp nhiều chuyện bất ngờ khác nữa sẽ lần lượt thay nhau ập đến, dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Nhưng dù có gặp bao nhiêu chuyện bất ngờ chăng nữa, dù nó có nặng nề hoặc thậm chí khủng khiếp chăng nữa, thì điều đó vẫn không thể lấn át được niềm vui sung sướng mà không một mưu toan lập lờ hai mặt nào làm hại được tôi, dù là không khéo đến mấy, có thể che giấu nổi: nhờ sự trớ trêu của số phận, tôi đã có được dịp may để bộc lộ mọt cách trọn vẹn con người mình, và cách mà chúng ta đã quen hy sinh cái tốt đẹp nhất hiện hữu ở chúng ta, và người nghệ sĩ, trong trường hợp cá nhân tôi, không hề bị mai một hay đè bẹp.

Hôm nay chị, chị - con người thân thiết, đáng mến, - xin cảm ơn chị.

B. P của chị”.

*

* *

Elena Blaginina đã gởi thư chúc mừng Pasternak nhân dịp năm mới, năm 1959 – thời kỳ nặng nề trong đời ông. Một năm sau, bà cũng chúc mừng Pasternak nhân dịp ông tròn 70 tuổi. Ngày 24 tháng Hai, ba tháng trước khi qua đời, ông có trả lời bà như sau:

“Chị Elena Aleksandrovna vô cùng yêu quí của tôi, hồi ấy chẳng lẽ tôi đã quên không viết thư cho chị? Tôi hoàn toàn tin rằng trái lại (nghĩa là ước muốn cảm ơn chị luôn da diết trong tâm trí tôi) đến nỗi chị giỡ bức thư chúc mừng của chị ra xem, tôi cứ chờ chị nhắc đến chuyện đó, nhưng nào ngờ hóa ra chẳng có; tuy thế, tôi vẫn đinh ninh là mình đã viết thư cảm ơn chị rồi…

Chị hoàn toàn có quyền quý mến tôi: đó là biểu hiện tự nhiên của mối quan tâm lẫn nhau giữa con người với con người. Chị biết không, tôi vẫn coi chị là người tuyệt đẹp, có một không hai, chị Elena ạ.

Bão tuyết mịt mùng tuyết trắng đất trắng trời,… Hình như tôi có viết như thế thực vào năm 1046. Dù sao thì câu thơ ấy cũng không thể ra đời sau năm 1047.

Tôi thật chẳng biết nói gì cùng chị nữa. Nếu tất cả những chuyện tốt đẹp xảy ra với tôi (ở nước ta) đều đã kết thúc tốt đẹp, thì đó quả là điều nhiệm màu, chưa từng có. Nhưng dẫu sao tôi vẫn cố, trong chừng mực sức lực mình cho phép, thu xếp mọi thứ thật ổn thỏa.

Cảm ơn chị, nếu chị cho phép, tôi ôm hôn chị và tôi sẽ làm việc đó với một tấm lòng đầy biết ơn.

B. Pasternak của chị”.

E. B. PASTERNAK

Công bố và chú giải

ĐỨC DƯƠNG dịch

* Tạp chí Ogonyok (ngọn lửa nhỏ) N 16 - 1987


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx