sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

14. Sống và xứng đáng đến giờ phút cuối cùng (Phần 1)

SỐNG VÀ SỐNG XỨNG ĐÁNG

ĐẾN GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG

(Những bức thư của B. Pasternak

viết trong khi sáng tác Bác sĩ Zhivago)

*

* *

B. Pasternak bắt tay sáng tác Bác sĩ Zhivago, tác phẩm được chuẩn bị bằng toàn bộ vốn sống và vốn kinh nghiệm nghệ thuật của cả cuộc đời ông, ngay sau ngày Chiến tranh giữ nước vĩ đại kết thúc thắng lợi, một thắng lợi theo lời ông, “của toàn dân, bằng sức mạnh của mọi tầng lớp, bằng niềm vui và nỗi buồn, bằng ước mơ và ý nghĩ của mọi người”. Một thắng lợi toàn diện… Tinh thần khoáng đạt và toàn cục bắt đầu thâm nhập vào hoạt động của tất cả mọi người. Tinh thần đó đã để lại dấu ấn của nó trong mọi công việc của chúng ta, kể cả những công việc khiêm nhường nhất.

Ấy thế nhưng thời kỳ sau chiến tranh, trái với lòng mong đợi của mọi người, lại là thời kỳ cực kỳ khắc nghiệt về mặt hành chính và tư tưởng. Điều đo đã để lại những hậu quả tai hại cả trong sự nghiệp sáng tác của Pasternak. Tác phẩm cuối cùng được in khi nhà thơ còn sống là một tuyển tập thơ mỏng, ra mắt bạn đọc vào đầu năm 1945. Để đỡ túng quẫn, nhà thơ phải lao vào dịch thuật. Việc sáng tác Bác sĩ Zhivago kéo dài hơn mười năm trời chính là vì lẽ đó.

Những bức thư đầu tiên cần được công bố là những bức thư gửi cho Olga Mikhailovna Freidenberg, người chị họ của nhà thơ. Bà đã phải chịu bao cơ cực khi thành phố Leningrat bị bao vây, và cảnh cô đơn sau ngày bà mẹ qua đời. Là một giáo sư văn học cổ đại, phụ trách một tổ bộ môn trong trường Đại học tổng hợp Leningrat, bà đã viết những công trình khoa học xuất sắc nhất đời chính mình trong thời kỳ thành phố bị vây hãm này. Việc trao đổi thư từ giữa bà và Pasternak chính là chỗ dựa tinh thần chính cho cả hai chị em trong suốt thời kỳ gian nan trên đây.

Vào đầu năm 1946, Pasternak viết cho bà như sau:

“Chị Olya, chị Olya yêu quí ơi, rồi cái gì sẽ ló ra đây, sau khi tất cả những chuyện này kết thúc? Em không viết cho chị, vì em chẳng còn chút thì giờ rảnh rỗi nào. Nhưng cái hối thúc bên lưng em không phải là cuộc sống, cũng chẳng phải những khó khăn của nó, mà chính là những động cơ chẳng lấy gì làm cao xa lắm và chắc hẳn đáng nực cười hơn nhiều. Giờ đây, khi mà sự việc hiểu lầm về em và vụ xì-căng-đan dựng lên xung quanh tên tuổi em đã bén rễ trong lòng thiên hạ sâu đậm đến thế, em càng muốn tỏ ra mình là một con người hơn bao giờ hết! Em hy vọng một cách cực kỳ ngốc nghếch rằng em sẽ chặn được tất cả những tin đồn thất thiệt đó và biện hộ được cho tất cả những sự ngộ nhận tai ác này. Lần đầu tiên trong đời em muốn bắt tay vào viết một cái gì đó thực sự chân chính.

Chao ôi, chị không thể hình dung nổi tầm cỡ của món nợ mà em phải trả cho cuộc sống, vốn đã tỏ ra rất hào phóng và đầy từ tâm đối với em. Nhưng dù ít thì giờ đến mấy chăng nữa, em cũng cố thu xếp để trang trải cho xong món nợ đó!

Chị và Shura phải cố sống thật lâu và luôn ở bên nhau. Thậm chí em không thể hình dung là em có thể tách mình ra và chỉ gửi cho chị có thư từ không thôi để cho chị cảm thấy đỡ cô độc! Chị phải luôn luôn được sống bên cạnh chúng em, để chị đỡ thấy nặng nề và được hạnh phúc, vì chính em cũng sẽ cảm thấy dễ thở hơn (về tinh thần, chứ không phải vật chất đâu) và sung sướng hơn một cách chính đáng (…). Hôn chị nhiều. Chị hãy thu xếp để hè này, nếu trời còn cho chị em mình sống, chúng ta lại được gặp nhau.

Hiện giờ em sống rất thoải mái, không hề bị lương tâm cắn rứt, cũng không hề ân hận gì hết. Em bỗng cảm thấy mình được tự do hơn bất kỳ lúc nào. Chung quanh em mọi thứ đều là của chính em. Bầu không khí ấy đặc biệt rõ tại khu nghỉ ngoại ô, vào mùa hè. Ở đây, hiện có gia đình anh Asmus, Shura và Irina, thỉnh thoảng thêm cả Zhenia (*). Zhenia sắp được cử lên Leningrat công tác, và cháu thể nào cũng ghé thăm chị”.

(*) Con trai nhà thơ và chính là tác giả bài báo này.

Tiếp đó là những dòng tâm sự của Zinaida Nikolaevna Pasternak (vợ nhà thơ), và lời mời chị dâu hè này về Peredelkino thăm vợ chồng mình. Thư có nhắc đến Aleksandr Leonidovich Pasternak (Shura), vợ anh ta là Irina Nikolaevna, gia đình giáo sư lịch sử triết học V. F. Asmus và người con trưởng của nhà thơ – Evgeni Pasternak. Tháng Tám năm 1946 đánh dấu sự kiện đáng buồn là việc công bố cái nghị quyết nổi tiếng: “Về hai tạp chí Ngôi sao và Leningrat”. Trong thư trả lời, bà Freidenberg có thuật rõ tình hình nghiên cứu khoa học ở trường đại học và gợi cho hai người em nhớ lại lời của Treplev trong vở Chim hải âu của A. Chekhov: “Các ngươi là đồ thủ cựu. Các ngươi đã vơ hết cho mình mọi đặc quyền trong nghệ thuật, và cho rằng chỉ những gì các ngươi làm ra mới là hợp đạo lý và chân chính; còn mọi thứ khác đều bị các ngươi bóp nghẹt, chà đạp…”

*

* *

“5 tháng Mười 1946

Chị Olya quý mến!

Công việc và sức khỏe của chị ra sao? Hè tới em và Zina vẫn hy vọng, tuy là khá mỏng manh, rằng chị sẽ xuống chơi. Chúng em dưới này lúc nào cũng đông đúc: Shura và Irina, các cô cậu thanh niên thuộc đủ mọi loại tầng lớp cùng bạn bè của họ. Vợ chồng em lúc nào cũng dành sẵn cho chị hoặc một gian phòng, hoặc toàn bộ dãy hiên có lắp kính chung quanh, ở tầng trên.

Chị tha lỗi là em không viết thư luôn. Chưa bao giờ em làm việc hiệu quả như hồi này, nhất là vào mùa xuân và mùa hè vừa qua. Em phải dịch gấp một tập kịch Shakespeare gồm năm vở và cả lời giới thiệu. Em không tin rằng mình có thể kham nổi việc đó. Thế mà lạ thay, em đã làm xong tất cả. Em đã gói ghém trong gần ba mươi trang in toàn bộ những gì em muốn phát biểu về thơ ca nói chung, về bút pháp của Shakespeare; về từng vở một trong tập kịch em dịch và một số vấn đề liên quan đến Shakespeare: về thực trạng nền văn học thời ấy, về tính xác thực của tiểu sử Shakespeare. Em có gửi cho tờ Ngôi sao (hoặc tờ Leningrat) hẩm hiu trên ấy một bản bài giới thiệu đó (gửi cho ban biên tập hai tờ báo). Nếu chị có ai quen biết Saianov hoặc Likhainov, chị có thể mượn được đấy. Em rất muốn chị được đọc qua, - mặc dù em đã giãi bày cùng Akhmalova và Olga Berggolts chính ước muốn này.

Còn từ tháng Bảy vừa qua thì em đã bắt tay viết thiên tiểu thuyết bằng văn xuôi nhan đề là Những cậu bé và những cô bé. Dài khoảng mười chương, bao quát thời kỳ lịch sử suốt bốn mươi năm từ 1902 – 1946. Em đã viết một cách say sưa được chừng một phần tư hoặc một phần năm gì đó những điều em dự tính. Tất cả những gì em viết được đều là những trang hết sức nghiêm túc. Em già rồi, mai mốt không khéo em sẽ từ giã cõi trần, thành thử em không thể cứ để mặc cho những ý nghĩ đích thực của mình cứ nhởn nhơ như trước mãi. Nhưng việc em làm trong năm nay chỉ mới là bước đầu trong chặng đường đó, nhưng là những bước thật khác thường. Không thể sống như một đứa trẻ lên tám mãi, nhất là khi mình đã ba bốn mươi, thậm chí đã năm mươi, sáu mươi tuổi đầu, bằng những nét thụ động của năng lực mình và sự ưu ái của những người xung quanh đối với chính mình, - mà toàn bộ cuộc đời phải diễn ra theo một chương trình thật nghiêm ngặt.

Lúc đầu, tất cả những gì “đang diễn ra hiện nay” trong phần đời em đang sống chẳng hề khiến em xúc động. Em vẫn ngồi ở Peredelkino và mê mải viết chương ba của bộ sử thi đời em.

Nhưng rồi gần đây, lần nào từ Maxcơva trở về, Zina cũng phờ phạc hẳn đi, bất hạnh và đau khổ ; cũng già hẳn đi vì niềm kiêu hãnh về em cứ mai một dần; và chính vì thế, chính những nỗi bực mình thể hiện dưới dạng xót xa cho vợ đã ập đến với em. Trong những ngày cuối tháng Chín, tương lai của vợ chồng em (chủ yếu là về mặt vật chất) bỗng trở nên u ám hẳn. Chúng em dọn về thành phố, sống thầm lặng, chúng em mong sẽ bình tâm được chừng một năm. Nhưng bây giờ thì em nghĩ mọi sự rồi sẽ ổn cả thôi. Cảm giác về hạnh phúc và niềm tin sôi nổi nhất vào hạnh phúc đã trở lại với em – những thứ tràn ngập trong lòng em suốt bao năm qua. Và trước lúc bắt tay vào làm công việc còn đang bỏ dở (em quyết định hôm nay sẽ ngồi viết tiếp thiên tiểu thuyết), em muốn dành một ít thời gian cho chị để báo tin về gia đình.

Chắc cái “tập đoàn” này sẽ khiến chị xốn xang và thêm bực mình! Hết thảy những gì cũ kỹ và ngốc nghếch ấy mới đáng chán làm sao! Hồi ấy chị có trích dẫn rất đắc địa lời kêu gào của Treplev trong vở Chim hải âu.

Hôn chị thật thắm thiết. Zina cũng chào chị và hôn chị. Mãi đến phút chót em mới quyết định: gửi cho chị bản đánh máy cuối cùng bài giới thiệu Shakespeare đã gần như rách nát mà em còn giữ được. Nếu chị đọc xong mà những dòng cuối cùng còn chưa bị tơi tả, thì chị cứ chuyển cho ai đó mượn tùy ý chị.

Trên ảnh vẫn là em, Lenya, Zina và cô nữ cán bộ Olya, chụp trong những bối cảnh khác nhau.

B. của chị”.

Nhớ viết cho em vài dòng về sức khỏe của chị. Chị đã có bản dịch Othello của em chưa?”.

*

* *

“13 tháng Mười 1946

Chị Olya yêu quí!

Em viết cho chị mấy dòng đầu đúng vào hôm em chớm bị viêm họng, phải nằm mất mấy ngày. Hiện giờ em vẫn chưa được khỏe lắm. Đây là một chứng tật vẫn hay đeo đẳng em, nhưng bây giờ nó lại “về hùa” với tuổi già; ngoài ra, suốt mấy năm gần đây em đã quá quen với trạng thái khỏe mạnh và thành đạt đến mức em cho rằng hạnh phúc là bạn đồng hành tất yếu và thường xuyên của những năm tháng được sống trên đời.

Một mặt, em sẽ cố tự chủ khi làm việc. Em đã kể với chị là em đã bắt tay viết một thiên tiểu thuyết dài bằng văn xuôi. Đây mới đích thực thực là sáng tác chân chính đầu tiên của em. Trong đó em muốn vẽ lại diện mạo lịch sử của nước Nga trong bốn mươi năm gần đây; đồng thời, thông qua các khía cạnh của cốt truyện, một cốt truyện nặng nề, buồn bã và được triển khai thật chi tiết, như Dickens và Dostoevski đã từng làm (và em đang cố noi theo), - thiên tiểu thuyết sẽ là những trang bộc bạch các quan điểm của em về nghệ thuật, về Phúc âm, về kiếp sống của con người trong lịch sử và nhiểu điều khác nữa. Tên của thiên tiểu thuyết là Những cậu bé và những cô bé (…).

Lá thư này cùng mấy bức ảnh, mấy quyển sách và những thứ khác em đều nhờ bà đưa thư quen chuyển giúp. Bởi thế, khi nhận được, chị đừng nên tính đến chuyện viết một bức thư dài, mà chỉ nên viết thư tay, nguệch ngoạc mấy dòng về sức khỏe, về công việc, thế thôi.

Hôn chị. Em đang rất buồn rầu.

B. Của chị”.

“29 tháng Sáu năm 1948

Chị Olya quí mến! Thật cay đắng làm sao vì những tấn bi kịch của kiếp người lại tái diễn! Bây giờ, xin chị cứ tùy ý trừng phạt em bằng sự im lặng, thậm chí bằng cả sự loại bỏ mãi mãi hình bóng em ra khỏi lòng chị, vì thói ích kỉ của em, vì tình cảm của em chỉ toàn là “ngôn từ, ngôn từ và ngôn từ”, là “văn chương”, chứ nếu tất cả tình cảm ấy đều là tình cảm đích thực, thì em phải chứng tỏ tình quí mến của em bằng việc làm, chứ không phải bằng những tiếng thở dài ghi trên mặt giấy.

Ngày 1 tháng Mười. Chị Olya yêu quí, lá thư xuân em gửi chị mới mở đầu đã tắc nghẽn; vì em hiểu rằng nó hoàn toàn vô bổ; hơn nữa lại quá hấp tấp. Dạo ấy em thui thủi một mình ở Matscơva (Zina đã về nhà nghỉ ngoại ô), cũng như lúc này, và cũng chính vì những nguyên nhân y hệt như hồi ấy, em bỗng thấy mình cô độc trong căn nhà nghỉ thênh thang và lạnh lẽo ở ngoại ô này. Dạo ấy, em vừa phải viết vội cho xong quyển đầu thiên tiểu thuyết bằng văn xuôi, vừa phải cắt xén lại bảy vở kịch Shakespeare, mà em đã dịch trước kia và được các nhà xuất bản khác nhau in ra cho hợp với những sở thích mà không một ai dám khước từ của vô số ông biên tập viên ngồi lù lù tại các nhà xuất bản này nọ.

Bây giờ, em cũng đang lại phải cuống cuồng lên để dịch cho xong phần một vở Faust của Goethe, để sớm có thêm điều kiện và tiền bạc cần thiết để mà tiếp tục và có lẽ, sẽ kết thúc quyển truyện vào mùa đông này, - thiên truyện mà em đã bắt tay viết vô tư và khá xa xỉ, vì không hy vọng gì sẽ được in ra trong những năm sắp đến. Thậm chí mai mốt chắc em sẽ không viết nó như một tác phẩm nghệ thuật nữa, mà sẽ viết như một thiên truyện kiểu bellers-letlres, khác hẳn với những gì em đã viết trước đây. Nhưng em cũng không viết nghệ thuật có còn tồn tại trên đời này nữa không dây và đâu là ý nghĩa của nó. Có những người rất yêu mến em (họ chẳng lấy gì làm nhiều), và trái tim em có nghĩa vụ phải biết ơn họ. Em viết thiên tiểu thuyết này chính là cho những người đó, và đây sẽ là một bức thư dài, gồm đến hai quyển, mà em sẽ gửi cho họ. Em rất sung sướng vì quyển một đã sắp xong. Chị có muốn em gửi cho một bản đánh máy để đọc chơi trong vài tuần hoặc một tháng không? Đọc nó (để thấu hiểu thêm thực chất của đạo Kitô, mà em đã cất công mổ xẻ rất chi li và cố làm cho thật nổi bật), em chắc chị sẽ cảm thấy nặng nề, vì em đã giản lược, lắm chỗ đến mức nực cười, những phép tắc diễn đạt của văn học cổ đại.

Chị hãy rộng lòng tha thứ cho em, nếu em có gì thất thố với chị, và hãy viết cho em vài dòng về chị hoặc dặn ai đó viết thay, như Mashura (tức là M. A. Markova – chị em bạn dì của Pasternak) chẳng hạn, cũng được. Em quí chị ấy không kém gì chị, và việc em hay viết thư cho chị, chứ không viết cho chị ấy, hoàn toàn không có nghĩa là em ghét bỏ chị ấy – đó chẳng qua là sự tình cờ và do nhiều nguyên nhân rất vớ vẩn mà thôi, chứ hoàn toàn chẳng có gì đáng để ý. Hãy dặn ai đó báo tin cho em về tình hình sức khỏe của chị, công việc của chị và chị có cần giúp đỡ gì về tiền nong không. Em làm hùng hục như một gã tù khổ sai hết năm này sang năm khác, nên lúc nào em cũng thấy xót xa đến ứa nước mắt cho tất cả những người thân thiết trong gia đinh: Zina, chị, cháu Lennichka, chị em và họ hàng của chị, - như thể mọi người xung quanh đều sống khổ sở, trong khi đó chỉ một mình em là được sống sung sướng, nghĩa là em như một gánh nặng, tròng lên cổ những ai thân thích ruột rà. Thực tình, em cảm thấy hạnh phúc vô cùng, đến phát điên lên được, vì em không còn bị ràng buộc nữa, em hoàn toàn tự do, phóng khoáng đến mức em thấy và ao ước được thấy mình trẻ lại tuổi mười tám, đôi mươi, - nhưng lúc bấy giờ em lại cảm thấy nặng nề, thấy mình, về cơ bản, chưa vươn được ngang tầm với tất cả những gì đang tồn tại trong đầu và chưa thấu hiểu được ngôn ngữ của cuộc đời, của bầu trời, của mặt đất, như bây giờ.

Tất cả gia đình em dưới này đều khỏe, cả Zhenia và Zhenichka (tức Evgenia Pasternak – vợ trước của nhà thơ), cả gia đình Shura ; mọi việc đều ổn cả.

Hãy viết cho em một dòng thôi cũng được – chẳng cần hơn (chị đừng phí thì giờ, đừng viết dài). Không hiểu sao em rất lo cho chị, em luôn muốn được ai đó cho em biết tình hình của chị trên ấy, mà em hoàn toàn mù tịt (chị có còn dạy ở trường nữa hay không?), để khỏi sợ hãi những điều không đâu.

B của chị”

*

* *


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx