sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 3

Định ngồi im lặng, nghe Hạnh thuật lại tĩ mĩ lý do cô và bà Bảy lên Saigon tìm thầy Hai Lý, nhưng đã mấy ngày nay vẫn không gặp nên cô khẩn khoản nếu có thể nhờ Định giúp dùm. Bà Bảy cũng rơm rớm nước mắt:

- Không gặp được thầy Hai, má con tôi cũng không biết phải làm sao, nhưng con Hạnh nói, cậu chắc chắn là biết nghề, tôi xin cậu hãy...

Định không để cho bà Bảy nói dứt câu:

- Dạ thưa bác, cháu thật sự không biết nghề gì đâu, nhưng dùng bùa Lỗ Ban để ếm người thì quả tình cháu cũng có nghe nói, tuy nhiên...

Định chợt đổi giọng:

- Ngày mai bác và cô Hạnh về lại Mỷ Tho à?

Bà Bảy gật đầu:

- Tôi định như vậy vì sợ ba nó trông.

Hạnh tiếp lời:

- Anh Định có ý kiến gì không? Hạnh xin anh...

Định trầm ngâm:

- Tôi không dám nói là mình sẽ làm được gì, nhưng theo chổ hiểu biết của tôi thì tà không bao giờ thắng chánh, vì hiếu kỳ tôi cũng muốn coi như thế nào... Được rồi, mai bác và cô cứ về đi, tôi còn một số việc cần phải sắp xếp, ngày mốt hoặc trể lắm là bửa kia tôi sẽ xuống nhà bác.

Hạnh vui mừng ra mặt:

- Vậy chừng đó Hạnh sẽ ra ngã tư chợ Bưng đón anh nha.

Định nhìn cô mĩm cười:

- Cô không phải bận tâm, từ ngả tư chợ Bưng vào chợ Xoài Hột tôi biết mà, không có lạc đường đâu...

Và anh đứng lên:

- Bây giờ tôi xin phép bác gái và cô...

Hạnh đang bẻn lẻn cúi mặt, nhưng thấy Định đứng lên xin phép về, cô vội nói:

- Má Hạnh lúc nảy có nói mời anh Định ở lại ăn cơm chiều luôn, anh hai Hạnh đi học cũng sắp về rồi...

Định cười:

- Cám ơn bác và cô, nhưng hôm nay tôi lở hứa chở hàng cho người ta rồi, hôm khác đi, chúng ta còn nhiều cơ hội mà...

Hạnh đành mở bóp lấy một xấp tiền trao cho Định:

- Để Hạnh đưa tiền xe cho anh nha.

- Lúc nầy chưa cần đâu, cô cất lại đi, khi nào cần tôi sẽ nói với cô...

Định nói xong cúi đầu chào bà Bảy và Hạnh đi ra ngoài đẩy chiếc xích lô phóng lên đạp thẳng. Hạnh và bà Bảy nhìn theo anh rẻ sang đường Hai Bà Trưng, mồ hôi sau lưng áo anh vẫn chưa khô hẳn:

- Mầy thấy sao hở Hạnh, tao thấy nó còn trẻ quá có giải được bùa của Mười Tung không, rủi có gì...

- Con cũng không biết, nhưng sao con thấy thật tin tưởng vào ảnh khi mới gặp lần đầu, con...

Cô bỏ lững câu nói vì ánh mắt bà Bảy đang nhìn cô:

- Tao thấy hình như mầy...

Hạnh ôm lấy bà Bảy:

- Má nầy... con...

- Con gì chứ... tao đẻ ra mầy mà... mầy nghĩ gì tao không biết sao, ừ, mà cái thằng tánh tình cũng được chứ...

Hạnh kéo tay mẹ đi vào nhà và lảng sang chuyện khác:

- Má nè, má còn nhớ con Thúy bạn của con, bán vải trong chợ An Đông không?

*** ***

Bà Bảy và Hạnh xuống xe đò tại ngả tư chợ Bưng thì trời cũng đã xế trưa, hai người băng qua lộ đến bến xe lôi (*) để về cho nhanh thay vì đi xe ngựa như bình thường. Hạnh đang tìm xe quen thì có tiếng gọi:

- Bác Bảy, cô Ba ơi, lên xe về luôn đi, chạy liền nè...

Nhìn về đó, Hạnh thấy thằng Lỳ, con của Mười Tung, em kế Hoành, đang ngồi trên yên xe lôi đã nổ máy vẩy tay gọi, phía sau cái tàu mo * đã có ba người phụ nữ ngồi sẳn, nên cười cùng bà Bảy tiến lại chào họ và leo lên ngồi, bà Bảy hắng giọng:

- Chạy liền thiệt không đó mậy, nắng quá đi...

Lỳ cười toe toét:

- Bác Bảy an chí con chạy ngay mà... may quá, bác Bảy và cô Ba đi Saigon về còn kịp đó nha... Lỳ vừa nói vừa rồ ga, chiếc xe lôi nặng nề bò ra con đường đất đỏ bụi mù...

Hạnh thắc mắc:

- Chú Lỳ vừa nói còn kịp, mà còn kịp cái gì chứ?

- Cô dìa tới nhà thì biết ngay mà. Lỳ gân cổ trả lời Hạnh trong tiếng nổ chát tai của động cơ chiếc xe lôi.

Hạnh nhìn sang bà Bảy, hơi chột dạ vì không biết có chuyện gì xảy ra thì người phụ nữ ngồi kế bên Hạnh xen vào:

- Cái thằng nầy, thì nói huỵch tẹt ra cho rồi, còn dấu nữa, có gánh hát cải lương HƯƠNG QUÊ về hát trong chợ Xoài Hột của mình hai ngày nay rồi đó cô Ba.

Hạnh thở ra nhẹ nhõm:

- Ồ vậy à, không biết lần nầy họ có tuồng nào hay không?

- Nghe nói tuồng hay lắm, nhưng tối nay tôi mới đi coi được...

Chị phụ nữ chấm dứt câu nói với nụ cười thật hiền... và câu chuyện của họ trên con đường đất đỏ bụi mù từ ngã tư Chợ Bưng về chợ Xoài Hột xoay quanh tuồng tích, đào kép gánh hát cãi lương Hương Quê của ông bầu Năm Chắc, gánh hát thật thân quen với họ từ nhiều năm nay... mà đặc biệt là gia đình Hạnh, vì ông bảy Thọ ba Hạnh cũng là một tay đờn Kìm có hạng trong làng tài tử. Ông thường tổ chức đờn ca chơi vào những dịp lễ Tết, và trong một lần đưa gánh hát đến hát tại Xoài Hột, ông Năm Chắc nghe tiếng ông đã đến làm quen, họ như cá gặp nước thân nhau từ đó. Hạnh cũng có một chất giọng thật truyền cảm, ông Năm Chắc cứ trầm trồ hoài, và nếu bà Bảy không trừng mắt la ông Bảy, ông đã đồng ý cho Hạnh theo gánh hát rồi.

Đang miên man với bao dòng tư tưởng, Hạnh chợt nghe tiếng Lỳ khi lái xe chầm chậm qua cầu kinh Thầy Tùng:

- Con đào Hồng Thơm nầy hát cũng bá chấy bù chét lắm cô Ba. Nó đóng vai Mạnh Lệ Quân hay hơn con đào kỳ trước, nghe nói đã lấy chồng nghỉ hát hì hì... nhưng...

Hắn bỏ dỡ câu nói ngừng xe trước chợ Xoài Hột cho mọi người xuống.

Trong lúc Hạnh trả tiền xe cho Lỳ, thì Bà Bảy hỏi hắn:

- Lúc nảy tao nghe mầy nói nhưng, còn nhưng với nhị gì nữa chứ...?

Thằng Lỳ gải tai nhìn Hạnh cười:

- Con muốn nói con đào Hồng Thơm hát có hay thiệt, nhưng so ra vẫn không bằng cô Ba...

Bà Bảy trừng mắt nhìn Lỳ:

- Đó là nghề nghiệp của người ta, còn tụi bây ăn no rồi, không lo kiếm chuyện làm, ở đó mà hát với hò, hát đi con có ngày cạp đất ăn.

Hạnh cười ôm lấy Bà Bảy trước khuôn mặt nghệch ra của Lỳ:

- Má nói vậy chứ, biết đờn ca cũng là để giải trí không phải mất tiền mà, mình về đi má, chào chú Lỳ nha...

Hạnh kéo tay bà Bảy đi về nhà, sau khi đã liếc thấy tấm bảng quảng cáo tuồng hát tối nay của đoàn Hương Quê dựng trước cổng chợ Xoài Hột, tuồng hát mà cô thích nhứt... Mạnh Lệ Quân Thoát Hài...

* xe lôi hay còn được gọi là xe tàu mo: là xe gắn máy kéo thêm phần phía sau để chở khách, 1 phương tiện vận chuyển bình dân của người dân những tỉnh đồng bằng sông Cữu Long. (cũng nghe nói thôi không biết đúng sai hiihihiii )

Bà Bảy và Hạnh vừa xô cánh cửa cổng giữa dãy hàng rào dâm bụt đang nở đỏ bông, đã nghe tiếng đờn Kìm hùng tráng hoà trong tiếng đờn tranh réo rắt cùng tiếng đờn cò não nuột, họ biết ngay là ông Bảy đang có khách... Lành chạy ra đón chiếc giỏ xách trên tay Hạnh:

- Mợ đi đường có mệt lắm không? Anh Hai vẫn mạnh giỏi chứ? chú Năm đang nhắc chị Ba nãy giờ đó...

- Hổm rày nhà có gì lạ không Lành? Bà Bảy vừa đi vừa hỏi lại Lành.

- Dạ không, nhưng hôm nay có chú Năm và bác Mười vừa mới tới hoà đờn chơi với Cậu...

Bà Bảy và Hạnh khựng lại:

- Mười Tung?

- Bác Mười Tung?

- Dạ...

Lành hơi ngạc nhiên khi thấy vẽ lo lắng bất ngờ trên gương mặt của bà Bảy và Hạnh. Nhưng hai người nầy chợt hiểu ra là Lành chưa hề hay biết chuyện Mười Tung ếm bùa trên chiếc ghe miền Tây, nên bà Bảy đổi giọng ngay:

- Vậy à...

- Mợ và chị Ba vào chào họ đi, con đem cái nầy vào trước... và Lành đi vòng bên hông nhà...

Ông Bảy Thọ trong bộ bà ba trắng bằng lụa tươm tất đạp song loan chấm dứt một lớp nhạc hơi Bắc hùng hồn, buông chiếc đờn kìm cười ha hả:

- Cũng may là tui chưa quên.

Người đờn tranh cũng trạc tuổi ông Bảy mặc áo sơ mi bỏ vô quần cẩn thận, bưng chun trà hớp một ngụm, nghe lời nói cũng biết là Năm Chắc bầu gánh hát Hương Quê:

- Anh với anh Mười đây mà quên bài bản thì còn ai mà nhớ chứ, chẳng bù với tôi tối ngày lo dợt tuồng cho đám nhỏ, nên quên gần hết vốn liếng tài tử rồi.

Người đờn cò, đúng là Mười Tung, tóc bạc hoa râm với bộ râu mép dài rủ xuống miệng mà thoạt nhìn cũng dễ gây một cảm giác sờ sợ:

- Lâu rồi mình cũng chưa có độ nào, hà hà hà, hay là sẳn chú Năm về hát ở đây, tụi mình hẹn làm một bửa cho đả anh Bảy há.

- Tui thì dễ thui mà, lo là anh Năm...

Vừa lúc đó thì bà Bảy, Hạnh bước vô:

- Anh Mười, anh Năm tới chơi...

- Cháu chào bác Mười, chú Năm... thưa Ba con mới dìa...

- A, chị, cháu... đi Saigon mới dìa hả... thằng Long có khoẻ không? Năm Chắc mau mắn.

- Dạ, cháu nó cũng thường, cám ơn anh.

- Bây giờ đường sá, xe cộ dễ dàng, đi đâu cũng tiện, tôi cũng định hôm nào đi Saigon chơi một chuyến... Mười Tung xen vào.

- Anh muốn đi lúc nào mà chẳng được chứ... chỉ là anh có chịu để cho cái bào cái đục của anh nghỉ xả hơi không thui...

Ông Bảy Thọ cười hệch hạt... Má con con Hạnh vào rửa mặt nghỉ chút đi, rồi con Hạnh ra đây ca vài bản cho chú Năm bây nghe, để chú bây nhắc hoài...

Hạnh "dạ" và cúi đầu đi theo bà Bảy vô trong, trong lúc Năm Chắc so lại dây chiếc đờn tranh:

- Đêm nay là đêm hát chót tại Xoài Hột, khuya ngày mai thì tui phải dọn vào Sông Thuận, vậy trưa mai đi, dọn dẹp xong xuôi tụi tui tới anh chơi... tụi mình làm một chầu tới nước đứng lớn thì rút... anh Bảy nghĩ có được không?

- Gì mà không được chứ... cứ như vậy đi nha... tiếng cười của họ cất lên hoà trong tiếng đờn dồn dập....

..."Bóng người vừa khuất xa xăm

Nhưng vẫn sống mãi đời đời trong tim em"...

Hạnh chấm dứt lời hát bài vọng cổ "Cô bán đèn hoa giấy" cùng lúc với tiếng gỏ song loan dứt câu của ông Bảy Thọ... Năm Chắc gở ba chiếc móng đờn ra khỏi ba ngón tay cái, trỏ và giữa của mình, chép miệng nói với ông:

- Con nhỏ nầy càng lúc giọng ca của nó càng ngọt ngào, điêu luyện... anh không cho nó đi hát thiệt uổng quá đi.

Ông Bảy Thọ chưa trả lời thì Mười Tung đã xen vô:

- Chú Năm nói vậy chứ, anh chị Bảy chỉ có một đứa con gái, đi hát rày đây mai đó, cha mẹ nào chịu chứ.

Năm Chắc nhìn Mười Tung:

- Thi tui cũng biết nên nói chơi thôi, chứ con Ba mà theo tui, bảo đảm trong một thời gian ngắn, mấy đoàn Saigon mà không đi kiếm nó thua gì tui cũng thua...

Ông Bảy Thọ cười đưa câu chuyện sang hướng khác:

- Hai anh ở lại dùng cơm luôn nha...

- Ý, không được đâu, tui phải về đoàn ngay lo cho tụi nhỏ... hẹn hai anh ngày mai đi...

và Năm Chắc quay vào trong nói lớn:

- Tui về Chị Bảy ơi... chị và con Hạnh tối nay nhớ tới coi hát ủng hộ nha...

Bà Bảy Thọ vừa lau tay trên chiếc khăn rằn vắt ngang vai vừa đi ra:

- Anh Năm không ở lại dùng cơm với ba con Hạnh luôn...

Năm Chắc cười:

- Thôi, ngày mai đi... giờ tui phải về mới được...

Mười Tung cũng xen vô sau khi gắn điếu thuốc rê vừa vấn lên môi và bật lửa mồi:

- Tui cũng dìa luôn nha, hẹn anh chị ngày mai...

Đưa Mười Tung và Năm Chắc ra về xong, Ông Bảy Thọ quay vào nhà thì đã thấy bà Bảy ngồi chờ ông trên ghế, và Hạnh đang châm nước sôi vào bình trà trên bàn. Từ xế đến giờ, ngoài mặt thì ông vui cười hoà đờn với khách, nhưng trong lòng ông như lửa đốt, khi thấy bà Bảy và Hạnh đi về mình ên. Ông kéo ghế ngồi xuống đâu mặt với bà Bảy:

- Má con đi Saigon về, có gặp được thầy Hai Lý không?

- Không, nhưng... bà Bảy chưa nói được gì thêm, thì ông Bảy đã thở dài buồn so:

- Tui cũng đoán trước là như vậy... thiệt tình không lẽ mình phải gánh cái nạn nầy...

Hạnh rót trà ra tách cho ông Bảy:

- Ba uống nước đi, con với Má không kiếm được thầy Hai Lý, nhưng kiếm được người khác...

Ông Bảy tròn xoe mắt nhìn Hạnh:

- Kiếm được ai, bộ má con mầy đã nói chuyện nầy cho người ta biết rồi hả? Ai vậy? lạ, quen?

Bà Bảy bưng tách nước trà đưa cho ông:

- Từ từ, ông để nó kể cho ông nghe, dỉ nhiên là người lạ rồi, nhưng thằng nầy tôi thấy tánh tình cũng hiền lương, để nó đến coi như thế nào rồi tính.

Ông Bảy bưng tách nước trà thổi bớt nóng, uống một ngụm xong đặt xuống bàn thì Hạnh ngồi xuống kế bên ông từ từ thuật lại hết những diển tiến gặp Định cho ông nghe. Ông Bảy bán tín bán nghi:

- Được không đó Hạnh...?

- Con cũng không biết nữa, nhưng sao con có cãm giác anh Định sẽ giúp mình giải được bùa của Mười Tung...

Nét mặt ông Bảy bỗng đăm chiêu, móc gói thuốc rê, vò vò tờ giấy quyến để vấn thuốc:

- Tao chỉ sợ thằng Định gì đó tuy biết nghề, nhưng kém hơn người ta mà nhúng vào thì chết...

Bà Bảy nhìn ông:

- Ông nói vậy là sao?

Ông Bảy đốt điếu thuốc vừa vấn hít một hơi:

- Theo lời thầy Hai Lý, người giải bùa Lỗ Ban tài nghệ phải cao hơn người ếm, chứ nếu kém hơn có thể gặp hoạ sát thân...Má con bà nói nó còn trẻ như vậy tui không tin là nó giỏi hơn Mười Tung...

Ông Bảy nói xong nhìn thấy nét mặt tiu nghỉu của bà Bảy cùng vẻ lo lắng của Hạnh, ông lắc lắc đầu:

- Tui nói là nói vậy thôi, biết đâu, phước chủ may thầy, nó tuy nhỏ tuổi nhưng tài nghệ cao siêu thì sao...

Hạnh phụ hoạ liền theo ông:

- Đúng đó Ba, chính mắt con thấy ảnh...

Ông Bảy không để Hạnh nói hết câu:

- Thằng Định gì đó tài nghệ tao chưa biết sao, nhưng coi bộ mầy đi Saigon lần nầy về hơi đổi tánh binh người lạ đó nha... Ừ thôi, trối kệ nó đi, đến đâu hay đến đó, cùng lắm tao dẹp ghe luôn coi bùa Lỗ Ban làm gì tao... má con vào lo cơm nước rồi đi coi hát ủng hộ cho anh Năm, chuyện gì sau hẳn tính... à mà, anh Hai bây vẫn mạnh khoẻ chứ...?

Bà Bảy đứng dậy nhìn ông:

- Ông lo kiếm vợ cho nó là vừa...

*** ***

Nếu đêm hôm qua, cư dân làng Thạnh Phú ngụ chung quanh khu vực chợ Xoài Hột đến ủng hộ gánh hát Hương Quê của ông bầu Năm Chắc đông đảo bao nhiêu thì xế trưa hôm nay họ cũng kéo đến nhà ông Bảy Thọ để xem một buổi chơi đờn ca tài tử cũng hào hứng không kém. Lành, Sửu và Tỵ đã dùng hai chiếc dù trái sáng mà ông Bảy đã mua dưới chợ Mỷ Tho căng ngoài sân để che bớt nắng cho người nghe, và ông bầu cho mượn hệ thống âm thanh của gánh hát nên xôm tụ lắm. Ông Năm Chắc đã đưa đào kép của mình, luôn cặp đào kép chánh Nhựt Tài và Hồng Thơm đến giúp vui, thêm tay đờn guitar của gánh hát là Cò Đúng... Đúng chừng khoảng 17 tuổi, nhưng thông thạo đủ loại đờn mà đặc biệt tiếng đàn cò của em khắp các tỉnh miền Tây chưa ai qua được, vì thế mà mọi người gọi em là Cò Đúng, riết quen luôn... Nhưng hôm nay Kìm, tranh, cò thì đã do ba ông già Bảy Thọ, Năm Chắc, Mười Tung giữ, chỉ còn cây guitar thì mấy người nhỏ như Cò Đúng, Tỵ, Hoành thay phiên... Lành tuy cũng rất say mê nhạc cổ, nhưng tài nghệ chưa được bao nhiêu, anh đành đứng ngoài làm khán giả trầm trồ theo từng tiếng nhạc du dương trầm bỗng, đến những lời ca vọng cổ mát dịu lòng người dù dưới ánh nắng xế trưa oi bức. Khán giả và nghệ nhân được chủ nhà phục vụ thức ăn nhẹ, kẹo bánh trà nước cho đến trời ngã nắng thì Hoành thông báo nghỉ giải lao để gia đình ông Bảy đải nghệ nhân cơm chiều... và chương trình chính thức chơi nhạc tài tử sẽ bắt đầu khoảng một giờ sau... Hạnh suốt ngày hôm nay đã bồn chồn ra vào, khi đến giờ nầy mà vẫn chưa thấy Định... cô hát mà hồn để ở đâu nên so với Hồng Thơm, cô thua sút thấy rỏ, đến nỗi thằng Lỳ lắc đầu:

- Cô Ba Hạnh hôm nay hát làm sao ấy, chắc hơi hám cổ để quên lại trên Saigon rồi í mà...

Nhưng cơm dọn ra, ông Bảy Thọ chưa kịp mời mọi người cầm đủa thì bên ngoài cổng có tiếng người gọi lớn:

- Cô Ba ơi, có người kiếm cô nè...

Hạnh đứng phắt dậy, nhìn bà Bảy rồi đi nhanh ra cửa, trong lúc ông Bảy Thọ cười lớn nói với mọi người:

- Kệ nó, mình cầm đủa đi, mời các anh, các cháu, tự nhiên nha, đồ ăn nguội hết rồi...

Ông bưng chun rượu đế đưa lên trước Mười Tung và Năm Chắc:

- Mình vô cái đi anh Mười, anh Năm... và hướng về bàn mấy người nhỏ, ông nói với Sửu, Tỵ và Lành:

- Mấy đứa bây lo bên đó nha...

Hoành cười lớn:

- Chú Bảy đừng lo, ba đứa nó không lo, còn có con mà, để mơi mốt gánh hát chú Năm còn vui vẻ về hát cho bà con mình xem chứ....

Hồng Thơm cũng cười tiếp lời Hoành:

- Bà con ở Xoài Hột vui vẻ và tốt bụng, tụi em thích về hát ở đây lắm... anh Tài còn muốn đóng đô luôn ở đây... A, anh Hoành ơi, sao mình không chờ cô ba Hạnh vào ăn luôn...

Tỵ đở lời:

- Nó vô liền mà, thôi mình cầm đủa đi...

Lành đứng lên:

- Để em ra coi chị Ba sao đi lâu vậy.

Trong lúc đó, ngay cổng rào, Hạnh đang nén nỗi vui mừng vì người đến tìm Hạnh chính là Định. Anh đến chợ Xoài Hột, gặp những người vừa nghe đờn ca tại nhà ông Bảy đi ra, nên hỏi thăm họ thì họ dẫn anh lại ngay... Định nháy mắt cho Hạnh thấy và nói lớn:

- Tôi tên Định, ở trên bờ Kinh, nghe có gánh hát về chợ Xoài Hột nên xuống coi, không ngờ đã trể... nhưng nghe nói nhà cô Ba đêm nay có chơi đờn ca nên xin phép cho vào nghe đở ghiền vì chẳng mấy khi có dịp như vậy.

Hạnh mĩm cười, hiểu ý Định:

- Không có chi, mời anh vào.

Vừa lúc thấy Lành đi ra, Hạnh gọi lại:

- Chú Lành à, anh Định là người ở trên bờ Kinh, muốn vô nghe đờn ca thôi, anh Định chắc chưa ăn cơm, thôi sẳn bửa chú mời anh dùm chị nha...

Lành nhanh nhẹn dành lấy tay cầm chiếc xe đạp của Định:

- Anh Định đi theo em...

Khi Hạnh, Lành đưa Định vào trong nhà, tiếng nói cười chợt im bặt, mọi người đều nhìn về phía họ...

Hạnh đi ngay lại trước ông Bảy Thọ nói lớn cố ý cho người trong bàn của ông cùng nghe:

- Thưa Ba, anh Định nầy là người ở trên bờ Kinh, định xuống coi hát, nhưng trể quá, nên xin vào nhà mình làm khán giả, con thấy anh đường xa nên bảo chú Lành sẳn bửa mời anh luôn.

Ông Bảy Thọ hiểu ý Hạnh nên cười ha hả:

- Không sao, không sao... Lành, Tỵ, tụi bây lo cho cậu Định nha...

Lành "dạ" định kéo Định đi thì Năm Chắc đứng dậy đưa chun rượu của mình cho Định:

- Tui là Năm Chắc, ông bầu của gánh hát, lần nầy tui chỉ hát ở đây có 3 đêm, mình cạn chun nầy làm quen đi, hẹn cậu lần sau nha.

Định uống cạn chun rượu và nhìn mọi người trong bàn:

- Dạ cám ơn chú Năm, lần sau cháu phải tới sớm mới được... cháu xin chào chú Bảy, chú...

Mười Tung nhìn thẳng vào mặt Định:

- Tui là Mười Tung.

- Cháu chào chú Mười... Định nhìn người, mà theo Hạnh nói, đã ếm bùa chiếc ghe Miền Tây của gia đình cô, chào hắn với vẽ mặt thật thản nhiên...

- Cậu biết đờn ca gì không? Mười Tung hỏi Định.

- Dạ, cháu biết chút chút thui à...

- Vậy à...

Định mĩm cười khi thấy ánh mắt của Mười Tung dịu lại, nhưng sơ kiến Định biết hắn thật không đơn giản.

Lành kéo Định về bàn của mình, giới thiệu những người trong bàn cũng vừa lúc Mén đem thêm ra một chiếc ghế:

- Anh Định tự nhiên nha...

Trước khi ngồi xuống hoà nhập vào bàn tiệc đang hồi tửu hứng, Định nhìn về phía Hạnh, lúc nầy ngồi kế bên bà Bảy Thọ, thì cũng vừa bắt gặp cô đang nhìn anh mĩm cười, tự nhiên sao, anh thấy có một cảm giác lạ lùng trước giờ anh không có đang hình thành nhẹ nhẹ trong anh.

Bốn cây đèn măng sông (*) được treo lên để bắt đầu cho phần chơi bài bản sau khi mọi người trà nước xong xuôi... Ông Bảy Thọ vừa phì phà điếu thuốc rê vừa ôm đờn Kìm lên rao:

- Tiên chủ hậu khách, con Hạnh, bây mở đầu bài Song Phi Hồ Điệp đi, Tỵ mầy guitar nha.

- Dạ được Cậu Bảy.

Năm Chắc cười khà khà phụ hoạ:

- Được đó anh Bảy và để con Thơm tiếp luôn bài Chinh Phụ cho đủ cặp hén anh Mười...

Mười Tung gật đầu, vặn vặn chiếc trục so lại dây chiếc đàn cò, nếu ai để ý sẽ thấy từ lúc có sự hiện diện của Định, Mười Tung vốn ít nói lại càng ít nói hơn...

Cô Ba Hạnh nếu ban chiều hát như người mất hồn, thì giờ đây mọi người đều lặng im phăng phắc theo dỏi từng lời hát của cô... chất giọng trong trẻo ngọt ngào luyến lái theo chữ đờn thật điêu luyện, nhất là khi cô chuyển qua hơi ai oán... Tiếng vổ tay của khán giả vẫn còn khi Hồng Thơm đã nối tiếp qua bài Chinh Phụ... Giờ đây khán giả mới thực sự thấy cả hai ngang sức ngang tài khi tiếng vổ tay dành cho Hồng Thơm cũng không kém...

Hứng khởi với sự cổ vỏ nồng nhiệt của khán giả, Nhựt Tài đứng dậy:

- Xin phép mấy chú, cháu ca bài Liêu Giang...

Mười Tung ngước nhìn lên:

- Có ai tiếp luôn bài Ngũ Quan không cho đủ cặp...

Sửu đưa tay lên:

- Để con cho.

Năm Chắc gải gải tai:

- Cha, bài Ngũ Quan tui không chắc ăn nha anh Mười, hi hi, tui theo mấy anh đó nha.

Ông Bảy Thọ cười khì:

- Tui cũng lâu đờn bài nầy quá đi, coi như mình dợt lại có gì đâu anh Năm...

Tỵ cũng trao cây guitar cho Cò Đúng:

- Bài Ngũ Quan con chịu thua...

Chất giọng dĩ nhiên Sửu không thể nào bì kịp Nhựt Tài, nhưng thuộc được bài Ngũ Quan, gần như đã thất truyền, nên Sửu cũng được khán giả dành cho những tràng pháo tay nồng nhiệt. Cò Đúng quả nhiên lợi hại, hắn đờn bài Ngũ Quan thật nhuần nhuyển khiến Mười Tung cũng phải ngạc nhiên:

- Ai là sư phụ mầy vậy nhỏ?

- Dạ, con học thầy Sáu ở Bạc Liêu...

Mười Tung cướp lời:

- Sáu Nhạn phải không?

- Dạ...

- Hèn gì...

Và sau đó người đờn, người ca đã luân phiên nhau trổ tài cống hiến cho khán giả những bài bản thật đặc sắc. Tiếng đờn,tiếng ca, tiếng vổ tay náo nhiệt cả một vùng... Trong lúc đó thì bên ngoài chổ khán giả ngồi, Định hỏi Lành:

- Sao không thấy chú tham gia với người ta vậy?

Lành cười:

- Em thích lắm chứ, nhưng mới biết vài bài thôi, không dám vào...

- Thì biết bao nhiêu chơi bấy nhiêu, sợ gì chứ...

- Em đờn dở ẹt, còn ca giọng không giống ai, vào người ta cười chết...

- Chú Bảy đờn hay quá, không dạy cho chú à...

- Có chứ, nhưng em ngu quá, học rồi quên rồi...

Định chưa kịp hỏi Lành gì nữa, thì trên micro Hoành giới thiệu cô Ba Hạnh với bài Văn Thiên Tường "Tình Mẫu Tử"...

Thằng Lỳ, ngồi kế bên vổ đùi nói với Lành:

- Bản nầy là bản ruột của cô Ba mà, coi con Thơm làm sao đây...

Định và Lành nhìn Lỳ mĩm cười, trong lúc Lỳ thật vô tư:

- Anh hai tui đờn bản nầy cũng hết xảy luôn, nhất là đờn cho cô Ba ca thì phải biết hi hi hi...

Nhìn lên, Định thấy Hoành trao micro cho Hạnh và nhận cây guitar từ tay Tỵ...

Hạnh ngân chữ "xang" thật dài chấm dứt bài Văn Thiên Tường (VTT) trong tiếng đờn vuốt theo nhỏ dần cho 2 nhịp ngoại cuối, khiến người nghe có cảm giác tấm lòng người mẹ dành cho con trải dài vô tận, nếu không có tiếng vổ tay tán thưởng từng hồi... Hạnh cúi chào khán giả bước xuống sau khi trao micro lại cho Hồng Thơm:

- Cháu nghe cô Ba Hạnh hát bài VTT hay quá đi, nên cháu xin hát tiếp bài Vỏ Tắc Biệt (VTB) cho đủ cặp... xin mời quý vị nghe bài VTB "Trống trận Đống Đa"...

Nhưng trong lúc khán giả vổ tay, thì dàn đờn nhìn nhau... Hoành buông cây guitar xuống:

- Bài nầy cháu không biết...

Ông Bảy Thọ cũng buông cây đờn kìm:

- Tao cũng không biết luôn...

Mười Tung quay sang Năm Chắc:

- Bài VTB, lần đầu tiên mới nghe đó nha... thôi anh Năm đờn độc chiếc cho nó ca... tụi nầy ngồi nghe vậy.

Năm Chắc hứng chí:

- Mầy guitar đi Đúng...

Cò Đúng cầm cây guitar lên, chưa kịp nhận cái song loan từ ông Bảy Thọ, thì:

- Khoan chú Bảy, để cháu đờn Kìm cho...

Mọi người đều nhìn về người vừa nói, thấy Định đứng lên đi về phía ông Bảy Thọ...

* đèn măng sông... là đèn đốt bằng dầu hôi, có bơm hơi khá sáng, nhà giàu dưới quê ưa dùng.( cũng chỉ nghe nói thôi, nên đúng sai không biết hihiihi )

Ông Bảy Thọ gật gù nhìn Định:

- Nhìn chú em mầy, tao biết là dân trong nghề rồi... bây giờ mới chịu ra mặt hén...

và ông đứng dậy sau khi trao cho Định cây đàn Kìm và song loan.

- Dạ, cháu xin phép...

Định nói với ông khi nhận cây đờn Kìm và cúi chào Năm Chắc, Cò Đúng và mọi người trước khi ngồi xuống ghế. Cô Ba Hạnh đưa đôi mắt thật nồng nàn nhìn Định trong tiếng vổ tay cổ vỏ của khán giả. Định nhìn về phía Hồng Thơm, lúc nầy cũng đang nhìn anh:

- Cô hát trọn bài VTB hay chỉ 18 câu thôi...?

Hồng Thơm ngẩn ngơ nhìn về phía Năm Chắc, thì Cò Đúng đã trả lời thay cho cô:

- Chị ấy ca lớp 1 với 3 câu chót lớp 2 thôi anh... đúng như anh nói là 18 câu đó...

Định gật đầu và bấm phím... Tiếng đàn Kìm của anh réo rắt, nhặt khoan, vững vàng như mây trôi gió thổi, khiến ông Bảy Thọ là tay đàn Kìm lão luyện cũng phải tấm tắc khen thầm, còn Mười Tung thì cau mày nghĩ ngợi... Hồng Thơm chấm dứt lời ca mà dư âm cùng tiếng đờn, tiếng nhịp song loan như đọng lại trong lòng khán giả tiếng trống trận, tiếng hò reo của quân Tây Sơn tiêu diệt giặc Thanh nơi gò Đống Đa... Năm Chắc hứng chí:

- Mình làm tiếp bài Bình Sa đi cậu...

Định chưa trả lời thì Cò Đúng lắc đầu:

- Bài nầy con chưa vững đâu chú Năm...

Nhìn Cò Đúng, Định mĩm cười trao cây đờn Kìm lại cho ông Bảy Thọ:

- Vậy chú Bảy đờn Kìm đi, cháu đờn guitar cho...

- Được đa... Ông Bảy Thọ cười hà hà nhận lại cây đờn Kìm:

- Anh Mười vào kéo Bình Sa luôn nha...

Nhưng Mười Tung từ chối:

- Lâu quá, tui quên rồi, thôi, ngồi nghe cũng được.

Và trong khán giả có tiếng:

- Cô Ba Hạnh ca Bình Sa đi...

Mọi người kể cả Định đều nhìn về Hạnh, Hạnh lần đầu tiên cảm thấy hơi hồi hộp dù rằng bài Bình Sa Lạc Nhạn "Hận Ô Giang" nầy cô đã ca nhiều lần... cô bước ra:

- Hạnh ca lớp III thôi nha...

Năm Chắc nhấn chữ "oan" trên chiếc đàn tranh:

- Chà, chà... thôi, con Ba và con Lựu chia đi... con Lựu hai lớp đầu, con Ba lớp chót... cho đã một bữa...

Hồng Lựu cô đào lẳng của gánh hát Hương Quê không đợi nhắc đã bước ra nhận micro từ tay Hạnh... Phải nói lần nầy, ông bầu gánh Hương Quê, Năm Chắc hình như đã chuẩn bị cho buổi chơi bài bản hôm nay... đào kép gánh hát của ông chơi bài bản tài tử rất nhuyển, chuyện hiếm thấy ở những đoàn cải lương... nhưng ông đã không độc chiếm được dàn đờn vì sự xuất hiện bất ngờ của Định... Nếu tiếng đờn Kìm của Định có tính vững vàng của một leader dàn nhạc thì tiếng guitar của anh bay bướm lã lướt hoà quyện nâng cao chất giọng cho người ca...mà trên hết là hầu như anh thông thuộc "thất thập nhị huyền công", khiến sau khi đờn dứt bài "Tứ Bữu Liêu Thành" cho Nhựt Tài ca xong, Năm Chắc phải buộc miệng:

- Tôi thiệt phục chú em mầy đó nha, tôi lặn lội mày mò cũng chỉ được có bấy nhiêu, đêm nay đã xả láng hết rồi, mà chưa thấy chú em mầy buông đờn, hà hà hà, thiệt đã quá đi... Hỏi thiệt chú em mầy nha, chú em mầy học đờn với ai vậy?

Định cười:

- Dạ, thầy cháu chỉ là người vô danh trong nhạc giới... và Định nói lãng đi... cháu cũng cám ơn các chú, bác, vì từ khi biết đờn ca, cháu chưa lần nào được đờn như hôm nay.

Ông Bảy Thọ xen vào:

- Nước cũng sắp đứng lớn rồi, thôi mình chơi một cặp Tứ Bữu "Minh Hoàng Thưởng Nguyệt" và "Ngự Giá Đăng Lâu" rồi nghỉ là vừa, được không anh Năm?

Năm Chắc cười hề hề giơ hai tay lên khỏi đầu:

- Chịu thua, chịu thua anh... ây da, bộ Cữu Nhĩ đó coi vậy mà khó chịu lắm, thôi, tui làm khán giả... cậu Định thì sao? Ủa còn anh Mười đâu nảy giờ không thấy vậy anh Bảy?

- Ảnh nói có chuyện nên đã về từ lúc mình bắt đầu chơi bài Ngự...

Định cũng cười theo:

- Chú Bảy là chủ nhà, đã muốn thì cháu đâu dám cải chứ...

- Sửu, mầy bao chót đi nha... Ông Bảy Thọ vừa so lại dây cây đờn Kìm vừa gọi Sửu... và người ta thấy ông cười cười đưa song loan cho Định...(*)

Buổi chơi đờn ca tài tử kết thúc trong không khí vui nhộn thoả mản của tất cả mọi người... và trong buổi tiệc chia tay Năm Chắc đã không ngớt lời ca tụng Định vì tài nghệ cùng tính khiêm nhường của anh, nhất là Lành, cứ nghĩ là anh ở trên bờ kinh nên định sẽ theo anh học đờn.

Cuộc vui nào rồi cũng qua, gia đình ông Bảy Thọ bùi ngùi tiển ông Năm Chắc và đào kép gánh hát của ông lúc trời đã quá nửa đêm. Trong lúc người của gánh hát theo chiếc cầu sau trại cưa để xuống ghe, Định bất chợt hỏi Lành, tay chỉ vào chiếc ghe miền Tây đang nằm trong ụ:

- Mình có thể xuống chiếc ghe đó coi chút không chú Lành?

- Được chứ, ghe nhà mà, nhưng bây giờ tối hù đâu thấy gì chứ, sáng mai đi, em sẽ đưa anh xuống đó chơi... mà anh Định nè...

- Hử...? Định trả lời Lành mà mắt vẫn nhìn về phía chiếc ghe...

- Anh Định dạy đờn cho em nha...

- Ừ...

Lành hơi ngạc nhiên khi nghe tiếng trả lời cộc lốc của Định, nhưng thấy anh vẫn chăm chăm nhìn về phía chiếc ghe, Lành chưa kịp nói thêm gì nữa thì Định bỗng kéo Lành đi nhanh ra đường, vừa đi anh vừa nói:

- Tôi có chuyện cần làm, và nhờ chú giúp tôi, khi xong việc, nếu tôi còn sống, tôi hứa sẽ dạy hết những gì tôi biết cho chú... còn bây giờ...

Định cởi sợi dây chỉ điều đeo một chiếc túi vãi nhỏ hình tam giác màu đỏ thẩm trên cổ xuống đưa cho Lành:

- Chú giữ thật kỷ chiếc túi nầy hộ tôi... sáng mai, nếu tôi không về trong nhà, tức là đã có chuyện, chú đốt ngay chiếc túi nầy... và bảo mọi người hãy chờ trong vòng 7 ngày, nếu không có chuyện gì nữa thì hãy làm theo tự nhiên... Nhớ nha chú Lành, bây giờ chú về nhà đi...

- Nhưng em thường ngủ tại xưởng cưa nầy mà... anh nói gì kỳ vậy anh Định, có chuyện gì chứ?

- Chuyện gì thì rạng ngày chú biết liền, còn bây giờ chú về trong nhà là để ngăn, đừng cho cô Ba Hạnh ra đây... chú đi đi, cô Ba Hạnh đang kiếm mình đó, nhớ lời tôi dặn chú nha...

* trong dàn đờn bài bản tài tử, người giữ song loan là người leader thường chơi đờn Kìm, phải thuộc vững vàng bài nhạc để giữ trường canh cho cả nhóm, còn không chắc thuộc thì không dám giữ song loan.

Muốn nói thêm gì nữa, nhưng Lành bỗng cúi mặt "dạ" nhỏ, đeo chiếc túi vải của Định vào cổ đi nhanh về nhà. Chiếc ghe chài chở gánh hát Hương Quê đã nhổ neo, khán giả hâm mộ cũng tản mát về nhà để kịp ngã lưng vài giờ chuẩn bị cho một ngày mới, trả lại vẻ vắng lặng cho con đường trước chợ Xoài Hột. Nhìn bóng Lành vừa khuất sau hàng cây trồng bên đường, Định chậm rải bước ra ụ ghe, theo dàn sườn hai bên thành ụ, trèo lên mũi ghe...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx