sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 05 - 06 - 07

5

Người đàn ông trước mặt tôi, đôi mắt nhắm nghiền. Vết máu đỏ bám thành những vệt dài loang lổ như chân đàn nhện, một nửa gương mặt nát bét không còn hình thù. Chỉ vài tuần trước, khi tôi tìm tới chỗ anh ta, anh ta còn có gương mặt của một con tôm hùm, hàm râu lỉa chỉa, hai con mắt ti hí, cái đầu cạo trọc, anh ta còn chửi bới tôi bằng lời lẽ cay nghiệt, còn đóng sầm cánh cửa vào mặt tôi. Ấy thế mà, ai có ngờ, khi gặp lại, anh ta lại nằm im không động cựa, làn da xám ngoét, lạnh lẽo và đông cứng.

- Chị là gì của anh ấy? – Bác sĩ lên tiếng hỏi.

- Chỉ là, chỉ là người quen thôi ạ.

- Thế ư, chúng tôi liên lạc bởi thấy trong nhật kí nghe gọi của anh ấy gần đây có khá nhiều số của chị. Thế chị có biết gia đình anh ta không?

- Không, thưa bác sĩ.

Tôi không biết gì về anh ta, quả thực là như thế, chỉ trừ một điều: cô gái giống hệt tôi, người có-lẽ-là-chị-em-song-sinh-của-tôi, đã từng là vợ hờ của anh, thông tin này có được là nhờ những cô gái điếm khác quen biết cô ấy mà anh họa sĩ hỏi thăm được.

- Tôi đã liên lạc được với vợ anh ấy, cô ấy nói sẽ sớm tới đây – Cô y tá thông báo cho bác sĩ.

- Vậy thì tốt. Thật đáng thương, đúng là số giời. Còn chị, có muốn ở lại đây đợi người thân anh ấy tới không? – Bác sĩ quay ra hỏi tôi.

Tôi gật đầu trong nước mắt.

Vị bác sĩ nhìn tôi ái ngại rồi an ủi:

- Người đã mất rồi, những chuyện trước đây, chắc gia đình anh ấy cũng sẽ không làm khó cô đâu.

Có lẽ ông đã hiểu nhầm về mối quan hệ giữa tôi và anh ta.

Khi vị bác sĩ đi khỏi, tôi ở lại và nhìn thật lâu vào gương mặt của người đàn ông. Nhà xác không một bóng người, ánh đèn dù rất sáng không xua tan được bóng đen tử khí ám vào từng bức tường, từng chiếc giường, những hình hài nhấp nhô dưới lần ga trắng. Tôi bất lực lặng nhìn những kí ức mà tôi đang tìm kiếm dần hoại tử trong nửa bộ óc của anh. Trong phút chốc, tôi bỗng nhớ lại lời cha tôi nói sau khi mẹ tôi mất: “Cuộc đời vô thường, kí ức dù ít dù nhiều, cũng dễ dàng tan biến”. Thật kì lạ, con người khi sống có biết bao tình cảm, cảm xúc, suy nghĩ, ấy vậy mà chỉ cần nhắm mắt lại là chẳng còn gì nữa. Thật kì lạ, nhưng là thế đấy...

*

Chuyến xe cuối ngày lao vun vút trên đường. Tôi nghiêng đầu tựa vào cửa kính, tiếng mưa đều đều táp vào làm tai tôi ù đi. Tôi lặng yên nhìn ra bên ngoài cho đến khi mắt làm quen với bóng tối. Ngoài kia, những ngôi nhà cao thấp đan xen nhau như những phím dương cầm. Thi thoảng, một chiếc xe ngược chiều xuyên qua màn mưa, tựa như bàn tay một ai đó khẽ lướt lên phím đàn, chỉ có điều, âm thanh đục ngầu như trong một thước phim quỷ quái.

Hai mắt tôi nhức nhối, một cảm giác nôn nao như có hàng nghìn con bọ trong cổ họng trào lên thực quản, tôi muốn lả đi, nhưng cứ mỗi khi mí mắt sụp xuống, những hình ảnh về người phụ nữ quê mùa với cái bụng bầu lớn vượt mặt và đôi mắt hõm sâu đỏ như máu lại hiện ra rõ mồn một trong đầu tôi. Gương mặt thất thần như một cành cây héo úa, chị tuyệt nhiên không gào khóc, những bước chân thô kệch bước đi xiêu vẹo và nghiêng ngả, rồi khi được bác sĩ dẫn tới giường nơi chồng mình nằm, chị quỳ thụp xuống, hai tay run rẩy lật mở chiếc ga trắng. Lòng mắt sâu hoắm của chị chuyển rất nhanh từ đỏ tấy sang trong suốt, vẫn không một tiếng nức nở, tay phải của chị khẽ chạm lên phần mặt đã hoại tử của người đàn ông, chạm nhẹ, rất nhẹ, rồi dần dần cả bàn tay chị úp lên đó như cố gắng che đi vết thương dị hình và nham nhở. Chị cứ như thế rất lâu, dường như không hề chớp mắt, không hề để ý đến bất cứ điều gì xung quanh, như thể chị muốn nhốt lại hình ảnh cuối cùng của người chồng vào con ngươi của chị. Cho đến khi tôi quay người bước ra, chị vẫn cứ như thế.

Người phụ nữ ấy khiến tôi đau lòng và xót xa, sợ hãi và ám ảnh. Tôi tự hỏi, chị ta cảm thấy gì khi đặt bàn tay lên phần gương mặt chỉ còn là một đống thịt bầy nhầy của chồng mình? Tôi dám chắc rằng tất cả mọi từ ngữ trên thế gian này có lẽ không diễn tả nổi cái cảm giác kì quái đó, cảm giác khi chạm tới máu thịt của một người yêu thương đã chết, trong phút chốc, sự mất mát trở nên rất hữu hình. Tôi đột ngột nhớ tới cha mẹ tôi. Khi mẹ tôi qua đời, cha tôi cũng quỳ bên giường bệnh, không một giọt nước mắt, ông nắm rất chặt bàn tay lạnh ngắt của bà. Mẹ tôi đi, trái tim của cha tôi cũng đi theo.

Chân tôi nặng như đeo chì. Nhưng tôi vẫn phải cố gắng chạy đi, chạy đi thật nhanh khỏi căn phòng giữ xác ngột ngạt ấy, để không phải nhìn thấy người phụ nữ ấy thêm một giây phút nào nữa. Khi bàn chân của tôi đặt nơi cổng bệnh viện, đó với tôi cũng là dấu chấm hết cho những hi vọng tôi vẫn đeo bám bấy lâu. Những kí ức đã lãng quên của người chị em sinh đôi của tôi, quá khứ đã bị thất lạc của tôi. Những điều ấy sẽ đi theo người đàn ông đáng thương kia xuống tử huyệt, nó sẽ mãi mãi bị phong kín trong một chiếc quan tài, rồi bị thiêu đốt thành tro tàn, cát bụi, bị chôn thật sâu vào lòng đất. Nghĩ đến đó, những dòng nước mắt nối nhau chảy ra từ hốc mắt tôi, nóng và mặn chát. Tôi nghĩ đến mình đã ra sao khi biết rằng tôi chỉ là một đứa trẻ hoang được nhặt về nuôi. Rồi tôi lại nghĩ tới chị ta, đôi bàn tay dịu dàng đặt lên gương mặt đã chết của người đàn ông ấy.

Hóa ra, trên đời này, có những sự thật thà rằng không bao giờ biết.

6

Trong một căn phòng chật chội, anh họa sĩ đang ngồi vẽ tranh. Tôi ngắm nhìn anh thật kĩ, đúng như những gì tôi đã mô tả trong cuốn sổ của mình, anh có mái tóc quăn, gương mặt gầy và xanh, chiếc miệng nhỏ như một ổ khóa như để không bao giờ phải trò chuyện.

Từ chiếc máy nghe nhạc cũ đã bong lớp vỏ ngoài vang lên những giai điệu nhạc. Trong sổ của mình, tôi cũng đã ghi lại cuộc hội thoại với anh về chủ đề này vào ngày hôm trước.

- Đây là nhạc gì vậy?

- Đó là một bản concerto – Anh dường như không hề bị giật mình khi tôi đột ngột phá vỡ sự im lặng giữa tôi và anh.

- Công-xéc-tô là thế nào?

- Đại khái là một tác phẩm hòa tấu của nhiều nhạc cụ. Còn để hiểu rõ hơn, tôi nghĩ cô có thể hỏi người chị em song sinh của mình. Cô ấy có chuyên môn về âm nhạc.

- Dù sao thì tôi cũng thấy nó rất hay.

- Vậy ư? Hai người đúng là chị em, tuy quá khứ khác nhau nhưng chảy chung một dòng máu. Thật ra, không nhiều người cảm nhận được cái hay của loại nhạc này.

Đến lúc này anh họa sĩ mới buông tay khỏi bức vẽ, ngẩng đầu lên và nhìn thẳng vào mắt tôi. Anh có đôi mắt sáng, và không biết có phải ánh sáng từ ngoài chiếu vào không, nhưng mắt anh lấp lánh.

Rồi anh lại cúi xuống và cắm cúi pha màu.

Tôi lắng nghe bản nhạc, tự hỏi không biết nó có phải bản nhạc hôm trước không, nhưng tôi không muốn hỏi thêm, sợ anh cảm thấy phiền. Những âm thanh khi nhanh khi chậm, khi vui khi buồn, nhưng có gì đó thật tươi sáng. Tôi tưởng tượng ra một cánh đồng hoa giữa nắng ấm mênh mông, rồi lại tắm mình trong một cơn mưa rào, rồi một cánh bướm vỗ nhẹ bay đến chạm vào những cánh hoa. Cánh bướm ấy chính là đôi tay của anh họa sĩ. Dường như, anh di chuyển tay mình theo giai điệu nhạc, khi bản nhạc nhanh và vui tươi, đôi tay anh cũng sôi nổi và gấp gáp, khi bản nhạc lắng đọng và chậm rãi, đôi tay anh cũng dịu dàng và thong thả.

Cứ như thế, anh vẽ, còn tôi ngồi ngắm nhìn nhịp điệu đôi tay anh. Sự tĩnh lặng của anh dần khiến tôi cảm thấy thật dễ chịu và yên bình. Sự tĩnh lặng ấy như dập tắt nỗi hoang mang trong lòng tôi, xua tan nỗi sợ hãi nhấn chìm tôi khi thức dậy, khỏa lấp sự trống rỗng trong trí nhớ của tôi. Có thể bởi vì giữa chúng tôi chẳng có điều gì để nói, có thể bởi vì anh còn bận say mê với bức họa kia, tôi không rõ. Điều duy nhất tôi rõ đó là tôi chỉ muốn cứ ngồi đó cùng anh chìm đắm vào sự tĩnh lặng mênh mang ấy. Chỉ có tôi và anh trong một thế giới hoàn toàn vô ngôn, cô lập, tiếng mưa ngoài hiên là thứ duy nhất của thế giới bên ngoài lọt được vào thế giới bé nhỏ của chúng tôi, còn thời gian thì đã chết. Có điều, ngay cả cái thế giới bé nhỏ nơi căn phòng chật hẹp này cũng dễ dàng trôi tuột đi trong kí ức tôi như một con thuyền chìm vào lòng đại dương sâu thẳm, không bao giờ tỉnh thức.

*

Hộp đựng bút làm bằng kim loại bóng loáng. Những chiếc bút chì ruột xanh, ruột đỏ nằm xen kẽ bên trong. Những chiếc bút vẫn còn mơn man hơi ấm bàn tay người họa sĩ. Chúng lộn xộn như chính những kí ức không đầu không cuối của tôi.

Tôi nhìn chúng cho đến khi những màu sắc trở nên loang lổ trong mắt mình, cho đến khi chúng hòa làm một, không còn có thể phân biệt được xanh và đỏ, trắng và đen. Nhưng tôi cũng không thể nhìn ra thêm được điều gì sau lớp màu ấy ngoài chính những ảo ảnh nơi tròng mắt

Kí ức trở về chỉ như một tia sáng chợt lóe lên trong đêm tối rồi vụt tắt ngay tức khắc, không kịp để tôi nhìn thấy bất cứ điều gì trong bóng đêm ấy. Không một hình ảnh rõ ràng, không một vật thể, không một hình thù, không một màu sắc, chỉ duy nhất giọng nói nửa êm ái dịu dàng, nửa thổn thức xót xa của một người phụ nữ thì thầm bên tai tôi.

- Chiếc hộp màu này là mọi thứ mẹ có, giờ con hãy giữ nó.

Từng câu từng chữ vang lên như từng đợt sóng dâng lên rồi hạ xuống rồi lại dâng lên. Tôi lắng tai nghe thật kĩ, thậm chí còn không dám thở để không một âm thanh nào khác có thể lọt vào trong óc.

Giọng nói ban đầu yếu ớt, xa xăm, rồi dần trở nên rõ ràng. Chắc chắn mẹ tôi đang ở trong căn phòng này. Người mẹ mà tôi không nhớ mặt. Tôi nghe thấy giọng bà phát ra từ hộp bút màu, vọng lại từ bốn bức tường, vọng lại từ chiếc giường, từ cái tủ đồ, từ cả cơn mưa lao xao ngoài kia. Tôi chạy theo giọng nói ấy, chạy theo, chạy theo mãi, nhưng càng chạy lại càng xa. Tôi không thể đuổi kịp bà, không thể nhìn thấy dù chỉ là dáng hình, hay một ánh mắt, một mái tóc của mẹ tôi, chỉ có giọng nói của bà vừa hiển hiện vừa mơ hồ. Tôi nghe thấy bà từ bên trái, nhưng khi tôi quay sang trái, tôi lại nghe thấy bà từ bên phải. Tôi nghe tiếng bà từ đằng sau, nhưng khi quay đầu, tôi lại nghe âm thanh vang lên sau lưng mình. Rồi tôi nghe thấy bà trong tiếng mưa, tôi lao ra ngoài, tiếng bà vỡ tan như những giọt mưa trên mặt đất, tôi không còn nghe thấy gì nữa, chỉ còn tiếng mưa ong ong và rát bóng, dập tắt mọi thanh âm khác.

Tôi gục xuống, điều cuối cùng tôi còn biết là hơi ấm của một ai đó mà tôi rất quen, tôi không nhìn ra đó là ai, mọi màu sắc nhòa dần rồi hòa tan trong biển đêm vô tận không đáy.

7

Cô gái sốt li bì, người cô nóng như một thanh sắt nung, thỉnh thoảng cô trở mình và mê sảng, những câu nói không rõ nghĩa. Tôi tự hỏi phải chăng cô đã nhớ được gì trong cơn mê man ấy.

Ngoài trời, mưa vẫn nặng hạt, rơi xuống trên mái nhà đồm độp như tiếng búa gõ từng nhát từng nhát. Người em gái song sinh của cô vẫn chưa về. Em đã đi từ sáng mà không nói cho ai biết mình đi đâu. Một nỗi lo lắng luẩn quẩn trong đầu óc tôi như một thể có một con rắn đang trườn ở đó, bồn chồn không yên. Em ở đâu, giữa cơn mưa ào ào lạnh lẽo ngoài kia?

Chiếc hộp đàn màu đen đặt ở góc phòng, em không mang nó theo, vậy thì em có thể đi đâu được nhỉ? Tôi cầm hộp đàn lên ngắm nghía, rồi bất giác tôi nhận thấy mình đã mở nó ra từ lúc nào. Cây vĩ cầm thẫm đỏ như máu, đường nét mềm mại uốn cong như cơ thể một người phụ nữ. Những thớ đàn đều đặn màu đen như những mạch máu chạy dọc cơ thể. Dây đàn khe khẽ rung. Cây đàn tựa như một sinh vật sống đang thở phập phồng, một trái tim nào đó đang đập, một linh hồn nào đó đang ưu tư và thở dài bên trong hộp đàn tối đen. Tôi đặt tay lên mặt đàn, mặt đàn mượt, ấm và ẩm, như thể tôi đang chạm vào chính đôi tay của người con gái ấy. Tôi thấy em đang ở rất gần mình.

Chợt một cái gì trăng trắng lấp ló trong mắt tôi, tôi chậm rãi nhấc cây đàn lên để xem đó là thứ gì. Một phong thư. Không, chính xác là hai phong thư, hai phong thư chưa được niêm kín, cũng không đề gì bên ngoài. Là ai gửi cho em? Hay là em muốn gửi cho ai? Tôi tần ngần định cất nó vào chỗ cũ. Nhưng một cái gì đó níu tôi lại. Thế giới của em, còn có quá nhiều điều tôi chưa bao giờ hiểu. Thế giới của em như một cái giếng sâu, trong lành nhưng hun hút không thể nhìn thấu. Sự tò mò đã tràn khắp lồng ngực tôi, tôi sẽ đọc những phong thư ấy thôi, sẽ không ai biết điều đó cả, tôi sẽ cất nó thật kĩ nó ở tận đáy lòng để không bao giờ lấy nó ra được nữa. Thế giới của em, sẽ chỉ mình tôi biết.

Tôi run run mở phong thư đầu tiên. Những nét chữ thanh mảnh nhỏ nhắn viết bằng mực tím, xinh xắn như những cánh hoa diên vĩ.

Ngày... tháng... năm...

Gửi ba,

Con đã nhận được hồi âm của ba. Con vẫn ổn. Dù rằng con không biết mọi thứ sẽ còn như thế này đến bao giờ. Cô nhi viện năm xưa đã bị phá. Con chẳng biết liên lạc với ai. Cô gái giống hệt con, vẫn không có tiến triển gì. Còn anh họa sĩ mà con đã kể, đối với con cũng rất tốt. Trên đời này, đúng như ba nói, vẫn còn rất nhiều người tốt vô điều kiện. Con vẫn chơi đàn hàng ngày và nhớ tới ba. Hôm trước, anh họa sĩ mở một bản “Dạ khúc” mà ba vẫn thích đánh, làm con càng nhớ tiếng vĩ cầm của ba hơn. Một lúc nào đó, con sẽ nhờ anh ấy vẽ một bức chân dung của con và gửi cho ba. Ba sẽ thấy trông con vẫn thế thôi.

Con nhớ ba nhiều.

Bức thư gửi cho cha, lời lẽ không có gì nhiều, mặc dù thế, tôi vẫn cảm thấy giữa em và ông ấy có một mối liên hệ thật sâu xa. Tình cảm ruột thịt có lẽ không chỉ định hình bằng máu mủ. Tôi mở tiếp phong thư thứ hai, vẫn là nét chữ màu tím đều đặn như cánh hoa diên vĩ.

Ngày... tháng... năm...

Có lẽ khi lá thư này đến được tay anh thì đã trễ, nhưng dù sao em vẫn muốn nói: Chúc mừng sinh nhật. Cuộc thi dương cầm sắp tới, anh nhất định sẽ là người chiến thắng.

Em có rất nhiều điều muốn nói với anh, nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu. “Nó bắt đầu ở đâu thì hãy nói từ đấy”, anh vẫn hay bảo em như thế phải không? Có lẽ anh không bao giờ ngờ được điều này đâu, mà chính bản thân em cũng không bao giờ ngờ được, rằng em không phải là con ruột của ba mẹ em. Ba nói đã đưa em về từ một cô nhi viện. Đó chưa phải là tất cả, còn một sự thật nữa, em có một người chị em song sinh đã thất lạc từ lâu, và chính cô ấy là người trên bức tranh mà anh nhìn thấy. Phải, cô gái trong tranh, dù giống em, rất giống em, nhưng đó không phải là em. Như thế đã đủ để anh phá vỡ bức tường im lặng ngăn cách chúng ta hay chưa?

Em đang thực sự lạc lối. Những thứ hiển nhiên là sự thật bỗng chốc đều là dối trá, cả danh tính này cũng là dối trá, số phận này cũng là dối trá. Em thấy mình ngày càng rơi vào vòng xoáy của cô độc. Giữa em và mọi thứ như có một tấm màn vô hình không thể nào thẩm thấu. Nhất là khi, trong lúc em hoang mang nhất, anh đột ngột quay đi không một lời chia tay, không một lời ngỏ lại. Anh có thể nói cho em biết, giữa chúng ta là gì vậy?

Hãy nói đến chuyện khác được không? Hãy nói chuyện như thể không hề có biến cố nào, nói chuyện như cái buổi chiều chúng ta cùng nhau chơi “Bản nhạc đến từ giấc mơ”, hôm đó anh đã bảo em hãy viết lời cho bản nhạc này, em nói không thể nghĩ ra ngay được, nhưng giờ bỗng dưng không hiểu sao lại nghĩ ra rồi, anh đọc thử xem.

“Em nhớ một mùa thu

Tiếng dương cầm lao xao như lá đổ

Những phím đàn mê say đắm đuối

Nói thay mùa thu những lời sau cuối

Em nhớ một mùa thu

Bên hiên nhà nắng còn chưa tắt

Từng giọt âm thanh vang lên trong vắt

Con chim xanh trước ngõ chẳng muốn bay

Em nhớ một chiều thu

Lắng tai nghe hoàng hôn chết trên phím đàn

Khúc ca vừa tàn

Đã nghe đông gõ cửa...”.

Bức thư dừng lại ở đó, không có một đoạn kết đúng nghĩa, không có một lời chào, mà có khi, không phải bức thư đã hết, mà những điều em có thể nói ra đã hết. Bản nhạc mà em nói tới là bản nhạc nào vậy? Tôi nhớ lại những buổi tối khi em chơi đàn, có rất nhiều bài tôi không biết tên, nhưng nếu đó là một bản tình ca, một bản tình ca, phải rồi, có một bản tình ca mà từ khi tới căn nhà này, hầu như ngày nào em cũng chơi trước khi đi ngủ. Tôi lẩm nhẩm lại giai điệu ấy, có những khúc lao xao réo rắt như một cơn mưa lá thu vàng rơi vỡ lên nhau, một quãng ngân dài như cái nhìn của một con chim không buồn cất cánh, một quãng thầm thì khẽ khàng như lời trăn trối, những nốt cuối dặt dìu chìm vào tàn lụi... Nhất định là nó, bản nhạc của chàng nghệ sĩ dương cầm trong lá thư.

Hình ảnh người nghệ sĩ dương cầm hiện ra rõ mồn một trong đầu tôi, cho dẫu tôi chưa từng gặp anh ta một lần nào cả. Anh ta có một đôi mắt tỏa ra những ánh lửa bập bùng và sáng lòa, cái miệng, cái mũi của anh ta ra sao ư, tôi không biết, với tôi, chỉ cần ánh mắt là đủ để tạo nên một cá thể riêng biệt, và tôi có thể đoan chắc rằng ánh mắt của anh ta có lửa, một quầng lửa lớn, lan tỏa thành một đám cháy, ngọn lửa cứ lan mãi, lan mãi, đến vô cùng.

Họ nhất định là hai mảnh ghép hoàn hảo, như dương cầm và vĩ cầm. Tiếng dương cầm thanh nhã, du dương, tiếng vĩ cầm sâu lắng vi vút, chúng quyến luyến và nâng đỡ nhau, tạo nên một tổng thể với bố cục hài hòa, như mây và trời, như bướm và hoa, khi riêng rẽ đã kì diệu, khi gắn kết lại càng kì diệu gấp muôn phần.

Một nỗi ghen tuông mơ hồ như một con sóng lăn tăn trên mặt nước tâm hồn của tôi, nhưng lại sớm bị những con sóng khác đè lên và mất hút. Tôi yêu thế giới của em, tất cả những gì trong đó, với tôi, đều trong sáng, tươi đẹp, tráng lệ, ngây thơ, thế giới của em như một tác phẩm nghệ thuật, một bức bích họa thiên tài, vừa hấp dẫn, vừa bí ẩn, vừa cao khiết, vừa ngạo mạn, vừa cô độc, nó đứng ngoài khe khẽ cười vào sự dung tục, tầm thường, xô bồ, đen tối, xấu xa, bon chen, giành giật, dơ bẩn, hèn mọn, toan tính, ngu muội, vị kỉ của cuộc đời.

Tôi đọc đi đọc lại bức thư, cho đến khi thuộc nằm lòng từng câu từng chữ.

*

Khoảng ba giờ sáng, khi cơn mưa đã bắt đầu nguôi dần, để lại một cái lạnh tê tê và một sự não nề trong không khí, em trở về, gương mặt tiều tụy và làn khói trong mắt em càng trở nên mơ hồ hơn bao giờ hết.

- Tại sao anh còn chưa đi ngủ vậy? – Em lên tiếng trước.

- Cô ấy lên cơn sốt và mê sảng, giờ cũng đã đỡ rồi, nhưng dù sao để cô ấy ở một mình cũng không an tâm. Hơn nữa, hơn nữa...

- Chị ấy sốt ư, có làm sao không? Có cần phải tới bệnh viện không?

- À, chắc không sao. Có lẽ tại cơn chấn động nhỏ buổi chiều, cô ấy nhớ ra một vài chuyện.

- Nhớ ra ư? Chị ấy đã nhớ ra điều gì? – Em sốt sắng nhìn tôi, ở rất gần, tôi có thể nhìn thấy làn khói trong mắt em rất nhạt, rất nhạt.

- Một kí ức nho nhỏ về mẹ cô ấy.

- Mẹ... mẹ chị ấy? Mẹ chị ấy, chẳng phải chính là mẹ tôi sao, là mẹ ruột của tôi, sao tôi vẫn chưa thấy quen thuộc với cảm giác này nhỉ. Là chuyện gì vậy? – Em buồn rầu ngập ngừng nói.

- Không có gì, chỉ là về một món quà. Dù sao thì chúng ta sẽ đợi sáng mai khi cô ấy tỉnh lại để xem mọi việc thế nào. Cô đừng lo.

- Cảm ơn anh, anh đối với chúng tôi thật tốt.

Em lặng lẽ bước đến bên người chị em song sinh của mình, lật lại chiếc khăn ướt đặt trên đầu cô gái. Dù đứng ở góc khuất, tôi có thể thấy rõ ràng rằng em đang khóc.

- Anh ấy chết rồi.

- Ai cơ? – Một nỗi bàng hoàng chạy dọc sống lưng tôi lạnh toát, tôi chợt nghĩ tới người nghệ sĩ dương cầm.

- Người đàn ông cùng sống với chị tôi, anh nhớ không, chúng ta từng tìm tới nhà anh ta để nhờ anh ta giúp tìm ra chị ấy. Anh ta chết rồi.

Hóa ra là vậy. Người đàn ông đó là một thợ xây công trình, tôi đoán điều đó qua những đầu ngón tay của anh ta, gương mặt của một con tôm hùm, ánh mắt của một con bọ cạp. Anh ta từng đấm tôi một cái trật hàm vì nghĩ tôi qua lại với cô gái đang nằm im lìm trên giường kia. Tôi vẫn nhớ đôi bàn tay to như cái kìm của anh ta, sức mạnh cơ bắp cuồn cuộn như một con bò đực. Vậy mà giờ đây tất cả đã nhẹ bẫng như cát bụi. Vết thương anh ta gây ra cho tôi vẫn còn nhói, tôi tự hỏi, có một chút năng lượng và ý chí nào của anh ta còn đọng lại trên gương mặt của tôi hay không.

- Cô vẫn còn liên lạc với anh ta sao?

- Sau lần tìm đến nhà đó, tôi cũng không nghĩ sẽ nhờ cậy được gì ở anh ấy. Nhưng hôm trước, tôi có gọi cho anh ấy và nói rằng người con gái anh ta yêu đang rất ốm, anh ta đã sốt sắng muốn gặp chị ấy, vậy mà anh ta lại bị tai nạn trên đường tới đây, anh nói xem, có phải chính tôi đã đẩy anh ta vào chỗ chết?

- Tất cả chúng ta rồi sẽ cùng đi tới chỗ chết, chỉ là người trước người sau, chẳng ai đẩy chúng ta, đều là chúng ta tự đi và chúng ta phải đi, chẳng có con đường nào khác.

- Vậy sao?

- Có lẽ vậy.

- Anh đi ngủ đi. Tôi sẽ ở đây với chị ấy.

- Cô cũng nên đi nghỉ sớm.

- Vâng. Anh đi ra thì tắt giùm tôi cái đèn.

Tôi đi ra và tắt công tắc ở gần cửa. Ánh đèn tuýp vụt tắt, bóng tối nuốt chửng lấy không gian. Trong bóng tối, tất cả mọi thứ đều là một.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx