sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 16 - 17 - 18

16

Tôi sớm nhận ra rằng: nếu trên đời có một thứ tôn giáo nào bất diệt, thì đó chính là nghệ thuật, đừng bao giờ nghi ngờ về điều đó. Nghệ thuật có đủ khả năng để diễn giải và mô tả mọi ngóc ngách trong thế giới quan của loài người ở mức sâu xa nhất, tinh vi nhất, thậm chí cả những nơi mà khoa học chưa thể chạm tới được. Nghệ thuật cứu rỗi linh hồn con người, giải thoát cho nó khỏi những khổ ải vô biên của cuộc đời và cảm hóa cả tội ác trong nó. Khi cô độc hay lạc lõng, khi đau khổ hay tuyệt vọng, người ta tìm đến nghệ thuật để thoát li thực tại, để tìm cho mình một điểm tựa. Sức mạnh của nghệ thuật đến từ lòng tin vào cái đẹp, bởi thế mà con người ta, nhờ nghệ thuật, có thể trở nên cao quý và bác ái. Đứng trước nghệ thuật, con người bỗng nhiên nhỏ bé. Chúng ta tưởng rằng chúng ta tạo ra nó, có con người mới có nghệ thuật, nhưng chúng ta đã nhầm. Nghệ thuật là tôn giáo của cả vũ trụ này, không phải của riêng chúng ta. Khi một con chim cất tiếng hót, thì đó chính là nghệ thuật. Khi bờ biển rì rào tiếng sóng, khi một đóa hoa rung rinh trong gió, khi một cơn mưa rơi xuống ào ào, đó đều là nghệ thuật. Đôi khi tôi tự hỏi: tại sao lại có màu sắc? Tại sao tự nhiên lại kì vĩ đến vậy? Chẳng phải bởi vì vũ trụ và tạo hóa cũng tôn thờ cái đẹp hay sao? Sự xuất hiện của con người chỉ góp công sáng tạo ra ngôn ngữ để gọi tên những thứ như âm nhạc, như hội họa, như màu xanh, màu đỏ, như hình khối, như phối cảnh, còn cho dù chúng ta không tồn tại, thì nghệ thuật vẫn ở đó đấy thôi.

Nghệ thuật là sợi dây liên kết những trái tim đầy lòng thành kính. Nếu như mỗi năm có hàng ngàn người theo đạo Hồi hành hương tới thánh địa Mecca vào tháng lễ Ramadan, tới ngày Phật Đản là chùa triền khắp nơi đông vui như trảy hội, hay nhà thờ vào ngày Chúa cứu thế ra đời lại là điểm tụ cho toàn thể tín đồ Công giáo, vậy thì nghệ thuật cũng như thế. Trên khắp thế giới, hàng ngày hàng giờ, người ta vẫn cùng nghe những bản hành khúc của Mozart, cùng đọc Những người khốn khổ của Hugo, cùng say mê những bức tranh ấn tượng của Monet hay cùng rơi nước mắt khi đến trường đoạn nhân vật Jack từ từ chìm vào đáy Đại Tây Dương trong Titanic.

Nghệ thuật là sự thực. Không điều gì chân thành hơn nghệ thuật, bởi vì người ta không thể tạo ra được một tác phẩm nghệ thuật, không bao giờ thấu hiểu được một tác phẩm nghệ thuật nếu như không thành thật với chính bản thân mình, với chính những cảm xúc đang cháy trong xương tủy của mình, với những rung động sâu kín nhất của mình. Không ai có thể dối trá một khi đã bước chân vào cánh cửa nghệ thuật. Con người đứng trước nghệ thuật như đứng trước một vị cha đạo để xưng tội, không che giấu bất cứ góc tối nào trong tâm hồn.

Nghệ thuật bao dung và vị tha đối với con người. Nghệ thuật vực dậy con người khỏi vũng bùn tối tăm, giải thoát cho con người khỏi bế tắc và kẹt cứng giữa những xấu xa, nham hiểm, xoa dịu con người khỏi nỗi đau tinh thần và cả nỗi đau thể xác, đón nhận cả những kẻ đã bị xã hội ruồng bỏ, những kẻ không chốn nương thân, những kẻ không còn đường sống.

Thậm chí nghệ thuật là thứ tôn giáo đã có trong máu thịt của mỗi người. Rất nhiều người tự nhận là người vô thần, nhưng họ đã nhầm, không ai không là tín đồ của nghệ thuật. Nếu như một nhạc sĩ sáng tác ra những tuyệt tác âm nhạc rõ ràng là có đức tin vào nghệ thuật, thì ngay cả một người thợ mộc, chẳng phải một người thợ mộc cũng muốn tạo ra những đồ đạc đẹp hay sao, chẳng phải một người thợ sửa xe cũng muốn chiếc xe trở nên hoàn chỉnh hay sao? Vậy thì những người đó, họ cũng có đức tin vào nghệ thuật, và đức tin ấy thậm chí không hề kém sâu sắc hơn đức tin của vị một nhạc sĩ đáng kính, chỉ là họ không mảy may nhận ra điều đó.

Tôi đã đến với thứ tôn giáo ấy từ khi tôi chỉ là một đứa trẻ. Với tôi, xưởng vẽ chính là thánh đường. Tôi vẽ nhiều như một Phật tử niệm Đức Quan Âm, một người Công giáo cầu nguyện hay một người Hồi giáo đọc kinh Qu’ran. Tôi tìm thấy sự an lạc trong việc diễn đạt thế giới trong mắt mình bằng màu sắc với cây cọ vẽ. Đối với tôi, mọi sự trên đời đều là những tổ hợp màu sắc khác nhau tạo thành muôn hình vạn trạng. Điều đó khiến cuộc đời đơn giản hơn và cũng phức tạp hơn. Đơn giản vì khi quy về cùng một chất liệu, thì mọi thứ đều trở nên đáng trọng, sẽ không có sự phân biệt, xanh hay đỏ, rốt cục cũng chỉ là những sắc thái khác nhau của ánh sáng kích thích lên tế bào thị giác của chúng ta. Nhưng phức tạp vì không ai có thể nắm bắt được hết về màu sắc. Nó là một phạm trù mênh mông, một mảnh đất vô tận, trong khi đời người lại hữu hạn, chỉ đủ thời gian để hiểu được một vài hòn sỏi trên mảnh đấy ấy.

Đôi khi tôi nghĩ, Van Gogh đối với hội họa cũng như đứa con của Chúa được sinh ra tại Nazareth. Bởi vì giống như Jesus, Van Gogh cũng phải chịu đựng biết bao nỗi đau, tội lỗi và sự ích kỉ, ngu dốt, độc ác của con người. Van Gogh đã tự sát với một tâm hồn mãi thánh thiện và không bị vấy bẩn bởi những ô tạp của trần gian. Bởi vì giống như Jesus chữa bệnh và truyền giáo để cứu rỗi con người, Van Gogh với những họa phẩm vĩ đại của mình cũng khiến tâm hồn những kẻ nhìn vào được gột rửa thanh sạch. Điều khác biệt duy nhất giữa nghệ thuật và những tôn giáo thông thường khác, có lẽ là ở chỗ: vị Chúa của nghệ thuật đã liên tục tái sinh trong hình hài con người chứ không chỉ một lần, ngài đã sống trong Mozart, trong Bach, trong Beethoven, trong Paganini, trong Lizst, trong Vinci, trong Dali, trong Van Gogh, trong Picasso, trong Rembrandt, trong O’Keeffe, trong Tolstoi, trong Kafka, trong Hemingway, trong Marquez, trong Wilde, và thậm chí, như tôi đã nói, một phần của ngài sống trong mỗi chúng ta.

Sự thực là, cho dù rất phấn khích, tôi không tưởng tượng được mình sẽ vẽ em như thế nào. Không thể giống như tôi vẽ người chị gái sinh đôi của em. Lần này sẽ là em thực sự, là em chứ không phải sự gán ghép giữa một thực thể giống em và một trạng thái tinh thần mà tôi tin phải có ở em. Sẽ là em bằng xương bằng thịt đứng trước mặt tôi. Vậy thì tôi sẽ vẽ em như thế nào đây? Em có thể được diễn tả bằng kết cấu màu sắc như thế nào? Lần đầu tiên trong đời, tôi cảm thấy màu sắc không đủ sức mạnh để vẽ nên một điều gì đó, hoàn toàn không đủ để tái tạo tất cả sự trong sáng, thiện lương của em trên một khung hình. Hào quang trong em, tôi tưởng như không bao giờ có thể nắm bắt và thấu hiểu được. Nhưng điều đó không khiến những quan điểm về nghệ thuật của tôi thay đổi. Nghệ thuật có thể diễn tả mọi điều trên thế gian, nhưng dao sắc không gọt được chuôi, nó không thể tự diễn tả chính mình.

17

Vào ban đêm, đồng hồ trôi rất chậm. Những tiếng tích tắc tích tắc được nhả ra rất từ tốn, chậm rãi tới mức uể oải, buồn bã từ chiếc đồng hồ treo trên tường, như thể ai đó đang chơi bản Vũ khúc Hungary với tốc độ Adagio. Cũng có thể chiếc đồng hồ vẫn luôn chạy chậm như thế vào ban ngày, có điều vào ban ngày, ánh sáng và những tiếng động khác đã lấn át nó, còn vào ban đêm, khi thế giới đã hết ồn ào, vạn vật đã chìm vào giấc ngủ, chỉ còn sự tĩnh lặng thức giấc, người ta mới nghe được tiếng tích tắc ấy, một thứ âm thanh câm lặng, trầm mặc, nhưng kiên định và vĩnh cửu.

- Chị chưa ngủ sao? – Tôi cất tiếng hỏi khi thấy người chị gái song sinh của mình không ngừng trở người qua lại.

- Tôi chưa ngủ được. Cô cũng vậy sao?

- Em sắp ngủ đây. Chị ngủ đi. Đừng sợ ngủ rồi sẽ quên hết. Ngày mai nhất định chị sẽ nhớ mọi thứ. Hơn nữa, cho dù có quên, thà rằng ngủ sớm, quên sớm, sẽ quên ít chuyện hơn, chẳng phải thế sao? – Tôi không định nói câu sau cùng, nhưng không hiểu sao khi ấy lại buột miệng nói ra.

- Tại sao cô biết rằng tôi sợ điều đó?

- Chị vẫn nói với em như thế hàng đêm. Rồi ngày mai chị sẽ nhớ ra nó thôi. Giờ thì ngủ đi.

Cô không đáp lại. Tôi không biết cô đã ngủ thật chưa, chỉ biết rằng từ đó cô không trở mình nữa, và ngay cả khi tôi hỏi, cô cũng không lên tiếng nữa.

Tôi chỉ nằm đó và nghe tiếng tích tắc, tích tắc. Tiếng tích tắc nọ sao chép lại tiếng tích tắc kia. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, con người đều già đi, ngay đến những vì tinh tú cũng dịch chuyển đổi thay nhưng cái cơ bản của vũ trụ là thời gian lại mãi mãi thủy chung với hình hài và nhịp điệu từ thuở sơ khai của nó. Những suy tư của tôi dường như đang càng trở nên xa xôi hơn bao giờ hết.

Ánh sáng của mặt trăng tràn vào phòng. Tôi nhìn lên trần nhà với những mảng ẩm ướt và mốc meo tạo thành những hình thù kì lạ. Đây là một ngôi nhà với mái hình tam giác xiêu vẹo. Kia là một nửa gương mặt một người đang nhắm mắt. Kia nữa, một chiếc ghế trống không có ai ngồi. Rồi những quả táo rơi lăn lóc. Thậm chí có cả bảy nốt nhạc ở bảy vị trí mà nếu nối chúng lại với nhau sẽ thành hình chòm sao Đại Hùng. Tôi thích thú tưởng tượng ra những hình ảnh chồng chéo lên nhau, nó khiến tôi có cảm giác như là người sáng tạo ra cả thế giới, dù đó chỉ là thế giới trên cái trần nhà bé nhỏ của một căn phòng rộng năm mét vuông. Tôi thích cái ý nghĩ mỗi con người có một vũ trụ riêng bao la và rộng lớn trong chính bộ óc của mình, bởi vì có lẽ đó là nơi duy nhất mà con người ta được tự do, thực sự tự do.

Khi tôi còn đang mải mê lắp ghép và biến hóa ra những thứ đầy sống động đó, thì một con gián nâu bay vào chiếm lấy vị trí của một ngôi sao trong chòm Đại Hùng. Bất giác, tôi nghĩ tới mùi của con gián và rùng mình, một cơn khó chịu trào lên thực quản chua loét như thể con gián đang ngoi lên từ đó. Ý nghĩ kinh khủng khiến tôi muốn nôn mửa. Tôi vội nhổm dậy chạy ra khỏi phòng mình.

Nhà vệ sinh của cả tầng chỉ có một. Hai chị em tôi cùng chia sẻ nó với anh họa sĩ. Tôi quờ tay bật công tắc đèn. Bóng điện mới thay sáng chói làm tôi lóa mắt. Tôi quỳ xuống bên cạnh bồn cầu cố gắng nôn ra tất cả những gì có trong cổ họng. Nhưng cho dù tôi đã lấy tay ấn vào sâu cuống lưỡi, cũng chẳng có gì được thốc ra từ cơ thể tôi, chẳng có thức ăn, chẳng có mật xanh mật vàng, chẳng có gì, và tất nhiên chẳng có con gián nào cả. Điều đó không khiến tôi thấy dễ chịu hơn. Tôi dấp nước lạnh lên mặt cho đến khi cái lạnh làm đông cứng cơn buồn nôn của mình. Nhưng khi tôi định trở lại phòng ngủ, thì bỗng nghe thấy những tiếng trò chuyện lao xao ở tầng dưới vọng lên. Tiếng trò chuyện tuy nhỏ, nhưng không giấu được sự gay gắt. Nó bất giác khiến tôi nhớ lại quãng đời thơ ấu của mình, cũng là những tiếng nói chuyện gay gắt như thế, phát ra từ căn phòng của ba mẹ tôi. Khi ấy, dù tiếng nói rất nhỏ, đến mức dẫu có căng tai ra nghe, tôi cũng không thể nghe được câu chuyện của họ, nhưng tôi biết chắc chắn rằng là một câu chuyện chẳng hề vui vẻ. Bởi sau mỗi lần như thế, ba tôi lại lặng lẽ vào phòng nhạc và chơi vĩ cầm. Tiếng vĩ cầm trầm ngâm và buồn bã. Ba tôi im lặng. Nhưng tiếng đàn khiến ông không bao giờ che giấu được tâm tư của mình. Vĩ cầm là trái tim của ba. Còn mẹ tôi, bà sẽ mắng tôi tại sao không đi ngủ, bà luôn là như vậy, hoặc tỏ ra thờ ơ xa cách với tôi, hoặc tỏ ra thật nghiêm khắc. Tôi đã từng không hiểu được bà. Bây giờ thì, vẫn là tôi không hiểu được bà, nhưng là không hiểu được sự vĩ đại của bà.

Tôi nhớ lại khi mới tới căn nhà này và gặp hai vợ chồng ở tầng dưới lần đầu tiên, tôi đã nghĩ tới ba mẹ mình. Điều đó thúc giục sự tò mò nơi tôi, tôi rón rén bước xuống những bậc cầu thang cao làm bằng gạch thô nhám. Căn phòng của hai vợ chồng họ nằm thẳng góc với phòng tôi. Đèn vẫn chưa tắt, hắt ra bên ngoài thành một vũng sáng lờ mờ. Tôi nép người ở cầu thang, từ vị trí này, có thể nghe thấy cuộc đối thoại của họ dù chỉ là câu được câu chăng.

- Cô không biết đẻ thì câm miệng lại. Mà cô nghĩ cô là ai chứ? Cho dù có thể đẻ được thì tôi cũng không thể để con tôi cũng dốt nát như mẹ nó – Tiếng người đàn ông lè nhè dè bỉu.

Tôi đã nhầm, câu chuyện giữa họ không thể giống với câu chuyện của ba mẹ tôi. Thế gian này là hàng vạn câu chuyện không giống nhau, hàng vạn những nỗi đau không giống nhau.

Người phụ nữ nói gì đó đủ nhỏ để tôi không nghe ra. Tôi chỉ biết chị đang nói trong nước mắt. Những giọt nước mắt rơi xối xả ướt đẫm gương mặt xanh xao như trái dưa leo của chị, trôi tuột xuống cằm, trôi tuột xuống đất, một chốc nữa chúng sẽ bay hơi đi, như thể chưa bao giờ tồn tại.

- Cô biết đấy, người xưa có câu: Cây độc không trái, gái độc không con. À mà một kẻ ít học như cô thì biết cái gì cơ chứ.

Sau đó là tiếng thở hồng hộc của người chồng và tiếng rên rỉ yếu đuối bất tận của người vợ.

Chưa bao giờ tôi thấy mình tỉnh táo như bây giờ. Tôi không còn muốn vào giường ngủ nữa. Vì thế, tôi khẽ khàng bước xuống tầng một, cố gắng không phát ra một âm thanh nào. Lúc này, tôi mới để ý là trời đã trở lạnh. Những ngón chân của mùa đông giẫm lên một xác cúc vàng héo úa. Tầng một của căn nhà chỉ có một phòng bếp chung và một khoảnh sân nhỏ trống trải. Ở chỗ này, tôi không còn có thể nghe bất cứ tiếng động nào phát ra từ căn phòng của cặp vợ chồng trên tầng ba nữa. Mặc dù thế, không hiểu sao những âm thanh ấy vẫn bám lấy những dây thần kinh trong đầu tôi. Tôi cố lẩm nhẩm giai điệu một bản sonata của Mozart. Điều đó làm tôi dễ thở hơn. Hình như tôi đã sống trong thế giới âm nhạc quá lâu, thế giới âm nhạc rất đơn giản, những nỗi buồn rất đơn giản, và niềm vui cũng rất đơn giản, ngay cả sự phức tạp của nó cũng thật đơn giản. Nhưng cuộc đời không bao giờ đơn giản như thế. Cuộc đời ư? Phức tạp hơn cả bản violin concerto cung Rê trưởng của Tchaikovsky nữa. Bởi vì thế, khi đứng trước sự thật trần trụi về những nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng trên thế gian này, tôi lại thấy sợ hãi và muốn chạy trốn khỏi chúng, rồi vờ như rằng chúng chẳng hề tồn tại.

Tôi đi loanh quanh trong khoảnh sân, cố gắng dùng giai điệu trong sáng của Mozart gạt đi cuộc trò chuyện giữa hai người họ, nhưng mỗi khi ngẩng đầu lên và thấy ánh sáng vẫn còn hờ hững lờ mờ hắt ra từ tầng ba, tôi lại khựng lại. Dù tôi có trốn đi bao xa, thì sự thực là trong căn phòng trên ấy, có một người phụ nữ đang nuốt những nỗi đau một cách âm thầm. Bất giác, bản sonata của Mozart trở nên lạc điệu. Trong đầu tôi bây giờ, chỉ còn là tiếng khóc câm lặng của chị.

Tiếng động cơ xe máy rì rì, theo sau là tiếng phanh kít đột ngột, rồi tiếng lạch cạch cửa sắt đột ngột cắt đứt dòng suy tưởng của tôi. Ai có thể tới đây giờ này nhỉ? Khi tôi còn chưa kịp định thần lại, thì cánh cửa đã mở ra, cánh cửa sắt nặng nề tạo ra những âm thanh ken két nhức nhối. Một người đàn ông dắt xa máy bước vào, theo cùng anh ta là một cô gái. Và cho dù ánh đèn pha làm tôi lóa mắt không nhìn được rõ mặt cả hai người, thì tôi vẫn có thể đoán được rằng cô gái ấy là cô sinh viên thuê phòng trên tầng hai. Dáng người thanh tú của cô, làm sao có thể nhầm lẫn với ai được. Và đúng là cô ấy.

- Sao chị lại ở đây, chưa đi ngủ sao? – Cô bối rối lên tiếng trước.

Lúc này khi cô đã ở gần tôi hơn, tôi mới thấy rõ gương mặt vốn đã xinh đẹp của cô được trang điểm kĩ khiến cô trông càng lộng lẫy.

- Chị, chị không ngủ được nên... Em mới về à? – Tôi không nghĩ ra được điều gì khá hơn để nói. Tôi cũng không dám nhìn sang người đàn ông đi cùng cô.

- Em lên phòng trước nhé – Nói rồi, cô khẽ kéo tay người đàn ông, họ đi rất nhanh lên những bậc cầu thang bằng gạch. Tôi nhìn theo cho tới khi họ khuất sau lan can ban công tầng hai. Trên đường lên phòng, cô gái ngoái lại nhìn tôi một lần, cái nhìn có lẽ kéo dài chưa tới một tích tắc.

Một lần nữa, tôi lại chỉ còn một mình trong khoảnh sân nhỏ. Tôi nghĩ tới những đêm trước đây, từ khi tôi chuyển đến ngôi nhà này. Tôi vẫn biết cô gái xinh đẹp sống trên tầng hai thường xuyên đi sớm về trễ. Đó là bởi chiếc cổng sắt của căn nhà đã han rỉ từ lâu, mỗi khi mở nó lại cọ xát xuống mặt đất tạo ra những tiếng ken két như tiếng kéo vĩ cầm của một người mới tập chơi vậy. Nhưng không bao giờ tôi nghĩ rằng, cô lại đi cùng một ai đó. Một ai đó lại là một người đàn ông. Tôi cố gắng nghĩ rằng đó chỉ là bạn trai của cô, nhưng suy luận đó dường như không ổn. Nhưng nếu không phải, thì anh ta là ai? Một nỗi bất an mơ hồ lớn dần lên trong tôi, tôi không dám nghĩ nhiều hơn, bởi nếu còn nghĩ tiếp, e rằng tôi sẽ đi đến những suy nghĩ kinh khủng. Vậy thì tôi hãy cứ coi anh ta là bạn trai của cô ấy đi. Nhưng...

Chúng ta nên thật sự tin vào điều gì trong cuộc đời này? Có những thứ chúng ta nhìn thấy thế nhưng hóa ra lại không phải thế. Một người đàn bà luôn vui vẻ và dễ mến vào ban ngày lại là một người vợ đau khổ vào ban đêm. Một người đàn ông làm nhà giáo mẫu mực bên ngoài, khi khép cửa phòng lại là một gã chồng vũ phu và đê tiện. Một cô sinh viên xinh đẹp với đôi mắt trong như ngọc lại có một đời sống ái tình phức tạp. Mà chẳng phải chính tôi, một kẻ tưởng chừng như đã có mọi hạnh phúc: một gia đình, âm nhạc và một người tri kỉ, nhưng thực chất lại chẳng có gì đó sao? Trong sâu kín con người, hình như ai cũng có một nỗi khổ tâm được giấu kín, ai cũng có một tâm hồn lạc lối và cô độc, ai cũng bơ vơ và chới với, như một con ếch bò trên thành giếng cuộc đời trơn tuột, có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Đôi khi, chúng ta sống chỉ để cố che đậy những nỗi khổ tâm ấy mà thôi. Nhưng chẳng thể che đậy mãi, ít ra thì chẳng thể che đậy với ban đêm. Phải, ban đêm biết mọi nỗi khổ của con người. Nó biết hết, biết cả khi chúng ta ngoi lên từ đáy giếng, cố gắng bám víu lấy thành giếng, nó biết cả khi chúng ta tuột tay rơi xuống giếng, rồi lại ngoi lên, rồi lại ngã xuống, nó biết cả khi chúng ta bò mãi, bò mãi mà vẫn chưa thấy miệng giếng, để rồi cuối cùng tự nguyện buông tay và rơi xuống đáy giếng một lần nữa.

18

Tôi không muốn ngủ. Người ta nói, giấc ngủ giúp chúng ta quên đi một số thứ. Còn với tôi thì là quên sạch. Tôi chỉ muốn được nhớ ra một niềm vui nho nhỏ nào đó, một kí ức xưa cũ nào đó, kể cả là một nỗi buồn hay thậm chí một nỗi đau nào đó cũng được. Tôi chỉ muốn có thể nhớ ra được một điều gì đấy, bất cứ điều gì. Có những thứ người khác chẳng thấy có gì quan trọng, đối với tôi, lại là một ước muốn xa xỉ.

Tôi cứ ngỡ cô gái bên cạnh tôi đã ngủ, cho đến khi cô đột ngột lên tiếng hỏi:

- Chị chưa ngủ sao?

- Tôi chưa ngủ được. Cô cũng vậy sao? – Tôi đáp.

- Em sắp ngủ đây. Chị ngủ đi. Đừng sợ ngủ rồi sẽ quên hết. Ngày mai nhất định chị sẽ nhớ mọi thứ. Hơn nữa, cho dù có quên, thà rằng ngủ sớm, quên sớm, sẽ quên ít chuyện hơn, chẳng phải thế sao? – Cô ngập ngừng ở những từ cuối, và thở dài.

- Tại sao cô biết rằng tôi sợ điều đó?

- Chị vẫn nói với em như thế hàng đêm. Rồi ngày mai chị sẽ nhớ ra nó thôi. Giờ thì ngủ đi.

Hóa ra tôi vẫn nói với cô ấy như thế hàng đêm. Điều đó thật đau lòng phải không? Những lời tôi nói ra, những điều tôi đã nghĩ, những nỗi sợ mà tôi cảm nhận được, người khác thì nhớ, chính tôi lại không. Tôi vùi mình vào chăn. Tôi không muốn cô biết rằng tôi đang khóc. Được, vậy tôi sẽ ngủ, đằng nào cũng không nhớ ra được, cố nhớ thêm một chút, cũng chỉ để giấc ngủ lấy đi hết mà thôi. Trong khoảnh khắc ấy, điều duy nhất hiện lên trong đầu tôi là hình ảnh những bức tranh la liệt trong căn phòng của người họa sĩ ấy. Còn anh ư? Anh không nhìn tôi lâu, cũng không nói gì nhiều. Ngày mai, có lẽ tôi sẽ lại quên mất anh. Thật may là anh đã không nhìn tôi lâu và cũng không nói gì nhiều. Như thế, tôi sẽ không phải quên đi cái nhìn và những lời anh nói.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx