sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Bức tranh cô gái khỏa thân và cây vĩ cầm đỏ - Chương 13 - 14 - 15

13

-Bây giờ cô muốn đi đâu?

- Tôi muốn tới bưu điện tỉnh.

- Bưu điện ư?

- Phải, để gửi thư.

- Cho ai vậy?

- Cho ba tôi.

- Chỉ cho ba cô thôi à?

- Anh hỏi thế là sao?

- À không, ý tôi là còn bạn bè cô thì sao, chắc họ cũng muốn biết thông tin của cô chứ.

- Bạn bè thì đã có điện thoại, email. Tôi chỉ gửi thư tay cho một số người thực sự quan trọng với tôi, tất nhiên cũng phải là những người thích trao đổi bằng thư từ.

Vậy có nghĩa là người nghệ sĩ dương cầm cũng rất quan trọng với em. Đương nhiên rồi, điều đó còn phải hỏi sao. Họ là hai mảnh ghép hoàn hảo, hoàn hảo như một màn song tấu giữa dương cầm và vĩ cầm. Nhưng tại sao em chỉ nói gửi thư cho ba mình? Có lẽ, kí ức giữa em và chàng trai đó là một căn phòng đóng kín mà em không muốn có một kẻ xa lạ như tôi đặt chân vào. Không sao cả, chẳng phải mọi kiệt tác nghệ thuật đều ẩn chứa một tâm hồn bí ẩn mà không phàm nhân nào có thể hiểu nổi hay sao, như nụ cười của nàng Mona Lisa mãi là một câu hỏi không lời đáp.

Chúng tôi mượn được chiếc xe máy của đôi vợ chồng trẻ sống ở tầng ba để tới khu trung tâm của tỉnh. Chiếc xe Dream cũ đã tróc gần hết lớp dán ngoài như một con tôm trụi vỏ. Tiếng động cơ ồm ồm rè rè, thỉnh thoảng lại đột ngột tắt máy như một người thổi kèn đồng trong tình trạng hết hơi. Nhưng điều đó không khiến cho tôi bận tâm nhiều. Em đang ngồi đằng sau tôi. Tôi có thể cảm nhận được sự di chuyển khẽ khàng như một con hoàng yến của em, thậm chí cả hơi thở rất nhẹ của em luồn qua những khe hẹp nhất của chiếc mũ bảo hiểm phả vào gáy tôi. Tôi vờ như chỉnh tấm gương để có thể quan sát những chiếc xe đi sau, nhưng tất cả những gì tôi có thể thấy là chiếc cằm nhỏ, làn da trắng vài phần xanh xao, đôi môi hồng trong suốt, ánh mắt với làn khói mông lung như một tấm rèm che lấp nội tâm của cô gái ngồi sau tôi.

- Cô thích viết thư ư?

- Anh không thấy rằng có những thứ viết ra sẽ dễ dàng hơn là nói ra sao?

- Tôi thì thấy có những thứ đến viết ra cũng thật khó.

- Vậy thì anh làm thế nào?

- Làm thế nào là sao?

- Thì làm thế nào để bày tỏ điều anh muốn bày tỏ?

- Tôi vẽ.

- Chỉ vẽ thôi ư?

- Chỉ vẽ thôi. Mọi thứ trong mắt chúng ta chỉ là sự pha trộn của những hỗn hợp màu sắc.

- Nhưng có những thứ anh không thể nhìn bằng mắt.

- Có lẽ vậy.

- Tất nhiên là vậy.

Im lặng một thoáng.

- Vậy ngoài ba mình, cô còn viết thư cho ai nữa không?

- Cũng có một số người.

- Một số người à?

- Thật ra là một người.

Tiếp tục im lặng.

- Anh không hỏi đó là ai sao?

- Vậy đó là ai?

- Một người bạn, không hẳn là một người bạn, nhưng tôi cũng không biết nên gọi thế nào.

- Một người cô đã từng yêu?

- Đã từng yêu ư? Chắc không phải.

- Nghĩa là cho đến bây giờ cô vẫn còn yêu?

- Đừng nói về chuyện này nữa.

Im lặng thêm một lúc lâu.

- Tại sao anh không nói với tôi rằng anh rất thích vĩ cầm?

- Tôi... Đó là một thứ nhạc cụ thanh cao.

- Nếu anh muốn, một lúc nào đấy, tôi sẽ dạy anh chơi.

- Cô không cần dạy tôi chơi vĩ cầm, chỉ cần hàng ngày cô chơi vĩ cầm để tôi có thể nghe thấy.

- Điều đó thì có gì khó đâu.

Hai chúng tôi lại im lặng.

- Anh đã học vẽ từ ai?

- Từ mẹ tôi. Ở thời ấy, một nữ họa sĩ là điều gì đó gần như không tưởng.

- Thật ra trong khi chờ anh, tôi đã xem những bức tranh anh vẽ. Tôi thực sự rất muốn hiểu về chúng.

- Cô muốn hiểu về bức tranh nào?

- Tất cả thì có quá nhiều không?

- Có đấy. Thế cô thấy chúng đẹp ở điểm gì?

- Ở chỗ tôi chẳng hiểu gì về chúng cả.

- Cô hiểu thế nào thì nó chính là như thế.

- Vậy thì tôi hiểu rằng chúng rất khó hiểu. Cũng giống như anh vậy.

- Chính cô mới là người khó hiểu nhất mà tôi từng biết.

- Thật ra mọi người trên thế gian này ai cũng rất khó hiểu.

- Đúng vậy. Nhưng không phải điều khó hiểu nào cũng đáng để hiểu.

- Này!

- Sao?

- Một lúc nào đấy anh có thể vẽ tôi và cây vĩ cầm của tôi được không, ý tôi là một bức chân dung của tôi.

- Cô nói thật chứ?

- Có gì mà không thật?

- Tôi... rất sẵn lòng.

Tôi không thể tìm được một câu nào khác, tôi không thể nói với em rằng, kể cả khi tôi vẽ người chị của em, cũng chỉ là tôi đang muốn vẽ em đó thôi.

14

Một số thứ nên nói ra. Một số thứ khác nên viết ra. Một số thứ khác nữa viết ra rồi nhưng lại giật mình không biết đề gửi cho ai. Từ ngày tới nơi này, mỗi ngày tôi viết cho anh một lá thư, nhưng chưa lá thư nào đến được tay anh. Những lá thư kín đầy chữ, kín đầy những suy nghĩ, chỉ duy có địa chỉ là trống không. Chúng dần dần đều bị tôi đốt đi. Chỉ duy nhất có lá thư này, tôi không nỡ để nó lụi tàn trong lửa.

Em nhớ một mùa thu

Tiếng dương cầm lao xao như lá đổ

Những phím đàn mê say đắm đuối

Nói thay mùa thu những lời sau cuối

Tôi ngâm nga theo cái điệu nhạc quen thuộc ấy, tôi thậm chí còn nghe được cả tiếng đàn ở đâu đó vang lên đệm cho câu hát của tôi, tiếng đàn sâu lắng biết mấy, tôi ngừng hát để nghe tiếng đàn cho rõ hơn. Hình như tiếng đàn phát ra từ bên trong tường. Tôi áp tai vào tường lắng nghe. Không phải, thì ra, tiếng đàn vang lên từ trong chính những dây thần kinh trong đầu tôi. Có lẽ nào, sống lâu với một bệnh nhân mất trí nhớ, tôi cũng trở thành một người hoang tưởng? Dẫu sao, dạo gần đây, tôi luôn cảm thấy nôn nao, choáng váng. Cơ thể tôi bức bối như có cả một đàn côn trùng đang sinh sôi nảy nở, ăn mòn sự tỉnh táo của tôi, ăn mòn cả dạ dày của tôi khiến tôi không thể nuốt được gì vào bụng.

Khi thể chất trở nên yêu đuối, tinh thần con người ta cũng trở nên thật mong manh. Tôi nhớ tới anh nhiều hơn. Mọi thứ xuất hiện quanh tôi, mặc dù chẳng liên quan gì tới anh, nhưng rồi thế nào, đi lòng vòng một hồi, cũng lại nhắc tôi nhớ tới anh, như một mê cung không lối thoát.

Một con chim xanh ngơ ngác đậu trên đám dây điện chằng chịt gần ban công phòng tôi. Nó đã đứng ở đó rất lâu. Như biết rằng tôi đang nhìn nó, nó vội thẹn thùng cúi xuống.

- Có phải tao quen mày không? – Tôi lẩm bẩm đủ để nó nghe thấy.

Nó không đáp lại, cũng không bay đi, chỉ đứng yên ở đó.

- Im lặng là đồng ý rồi. Vậy là chúng ta quen nhau. Nhưng chúng ta gặp nhau ở đâu nhỉ? Mày nhớ không?

- Tại sao mày không trả lời tao?

Tôi huýt sáo gọi nó, nhưng con chim xanh vẫn không lên tiếng. Cho đến khi tôi không mong đợi gì nó đáp lại mình nữa, thì bất chợt nó cất tiếng hót. Tiếng hót của nó chậm rãi, ngân nga, không giống như một con chim bình thường vẫn hót, mà giống như ai đó đang hát. Đúng là như vậy, nó đang hát, hát khúc hát mà tôi lẩm nhẩm ban nãy. Tôi lại trở nên hoang tưởng chăng? Một con chim đâu thể hát theo giai điệu của con người? Tôi lấy ít nước dấp lên mặt để xác thực rằng mình không mơ ngủ. Không, tôi không mơ. Có một con chim màu xanh trong veo như một khối ngọc bích đang đậu đằng kia, một cơn gió lùa qua làm lông nó bay phất phơ, một sợi lông rụng ra bay tới chân tôi, sợi lông mịn và ấm. Đó đều không phải ảo giác. Và con chim đang hát khúc hát ấy, trong không gian buổi trưa tĩnh lặng, tiếng hát của nó càng rõ ràng hơn.

Tôi giống như đang sống trong một thế giới cổ tích với một con chim biết hát còn bản thân tôi thì đang bé lại và thời gian thì trôi ngược về cái ngày tôi gặp anh lần đầu tiên. Lúc này, tôi thấy mình trở lại là một đứa trẻ mười tuổi, mái tóc tết hai bên, mặc chiếc váy trắng bồng bềnh, tham gia một hội thi văn nghệ cho học sinh các trường tiểu học trong thành phố. Màn độc tấu vĩ cầm của tôi được xếp ngay tiết mục mở màn. Tôi bồi hồi bước lên sân khấu, rất nhiều những ánh mắt hướng về phía tôi nhưng tôi không còn nhìn ra ai với ai, tiếng vỗ tay vang lên rần rần. Tôi đặt cây đàn lên vai, và khi tôi đưa cây vĩ đặt lên đàn thì cũng là lúc tôi nhận ra tôi không nhớ phải bắt đầu từ đâu. Bản nhạc tôi đã luyện tập trong suốt hai tuần lễ, bỗng chốc biến mất trong đầu tôi không một vết tích, thậm chí ngay đến giai điệu của nó, tôi cũng không thể nhớ được. Khán giả vẫn đang chờ đợi. Tôi có thể cảm thấy rõ dòng mồ hôi chảy sau lưng mình ẩm ướt và lạnh toát. Nào, phải nhắm mắt lại, nhắm mắt lại mày sẽ nhớ ra nó. Trong vòng vài tích tắc sau khi nhắm mắt, đầu óc tôi trống rỗng. Thế rồi, bất chợt một giai điệu vang lên. Có điều, đó không phải giai điệu tôi tìm kiếm, mà là một giai điệu hoàn toàn khác. Giai điệu này hình như tôi đã gặp ở đâu đó thì phải? Hình như là trong một giấc mơ xưa cũ nào đó, hoặc cũng có thể là chưa từng gặp mà chỉ là cảm giác thân quen nhất thời. Nhưng tôi không có lựa chọn nào khác. Tôi cứ nhắm mắt như thế, và chơi. Những nốt đầu tiên thật gượng gạo và rời rạc, nhưng rồi dần dần, tôi chỉ còn nghe thấy tiếng đàn cất lên và không có cảm giác là tay mình đang chuyển động. Là tôi đang chơi đàn hay tự cây đàn hát lên bài ca của nó? Trong giây phút ấy, tôi không còn phân biệt được rạch ròi nữa.

Khi tôi mở mắt ra, tiếng nhạc đã kết thúc, chỉ còn tiếng vỗ tay vang lên rất lớn, lớn hơn khi tôi bước ra sân khấu. Tôi cúi chào khán giả và bước ra sau cánh gà. Người phụ trách chương trình, một cô giáo trẻ xinh đẹp vội đến bên tôi và hỏi:

- Không phải em sẽ đánh một bản nhạc cổ điển của Mozart ư?

Tôi không biết trả lời thế nào, và dù biết rằng sự thực nghe rất vô lí, nhưng tôi quyết định thành thật với cô:

- Thưa cô, đúng là vậy. Nhưng lúc ở trên đó tự nhiên em không nhớ ra bản nhạc ấy, vừa lúc một bản nhạc khác xuất hiện trong đầu em nên em chơi.

- Không sao, nhưng lẽ ra em nên đính chính là em sẽ chơi một bản nhạc khác và nói tên của nó để khán giả biết. Dù sao thì em đã chơi rất tuyệt. Bản nhạc này cô chưa từng nghe, nhưng cô thấy rất hay. Màn mở đầu hoàn hảo cho cuộc thi. Chúc mừng em!

Cô quay đi khi tôi còn chưa kịp nói thật ra tôi cũng chẳng biết tên bản nhạc mà tôi vừa chơi là gì cả. Tôi còn không chắc rằng nó có một cái tên. Bởi dẫu như đã từng nghe ở đâu đó, thì “đâu đó” cũng không phải là một buổi hòa nhạc, hay một nhạc sĩ, một nhạc công, trên ti-vi hay trong một chiếc đĩa, “đâu đó” chỉ là cách tôi nói về một nơi tôi không đủ khả năng để diễn tả.

Trong phòng chờ, những đứa trẻ khác vẫn đang bận rộn chuẩn bị cho tiết mục của mình. Tôi lấy khăn lau đi lớp nhựa thông trắng xóa bám lên vĩ cầm, một cậu bé mặc vest đen, đeo nơ đỏ tiến tới ngồi cạnh tôi. Tôi ngước lên nhìn cậu rồi lại cắm cúi lau chùi cây đàn của mình. Cậu bất chợt lên tiếng:

- Tại sao cậu lại biết bản nhạc đó?

Tôi vừa quay sang thì đã thấy ánh mắt cậu đang nhìn tôi rất chăm chú. Cậu có đôi mắt rất to, tôi chưa từng thấy ai có đôi mắt to như thế. Đến bây giờ tôi mới biết là cậu đang trò chuyện với tôi.

- Bản nhạc tớ vừa chơi ư? Không biết nữa, nó tự nhiên xuất hiện trong đầu tớ. Mà tớ không nhớ đã nghe ở đâu, cũng không biết tác giả hay tên của nó. Cậu biết ư?

- Tớ cũng đang muốn hỏi cậu tác giả và tên của nó đây – Cậu mở to mắt sửng sốt nhìn tôi, đôi mắt của cậu đã to càng to hơn – Tớ cũng từng đột nhiên nghe thấy nó trong đầu mình. Nhưng khi tớ thử chơi nó ra và hỏi mọi người, chẳng ai biết nó cả, cả cha mẹ tớ, thầy dạy nhạc, mấy đứa bạn ở trường, cả ông tớ, ông đã chơi nhạc hơn năm mươi năm rồi, ông cũng bảo chưa nghe bao giờ, dù rõ ràng là tớ thấy nó rất quen. Từ đó tớ đã đinh ninh rằng chính tớ là người nghĩ ra nó, nhưng hôm nay gặp cậu cũng chơi nó thì có vẻ không phải là thế.

- Thật kì lạ! Tớ cũng cảm thấy y như vậy, dù rằng tớ chưa hỏi được ba mẹ và bạn tớ xem có ai biết nó không.

- Vậy nên tớ tự đặt cho nó một cái tên là Bản nhạc đến từ giấc mơ. Nếu thích cậu có thể gọi nó như thế.

- Cậu cũng cảm thấy đã từng nghe thấy nó trong một giấc mơ ư?

- Phải. Chẳng nhẽ cậu cũng vậy?

- Ừ.

- Vậy là đúng rồi. Nó nhất định được sinh ra với cái tên ấy.

- Nhưng tại sao chỉ có hai chúng ta biết về nó nhỉ? Và nếu như chúng ta là những người đầu tiên biết đến nó, thì tại sao lại là những hai người nhỉ? Tớ chưa từng thấy có hai người nào sáng tác độc lập mà lại cho ra đời cùng một tác phẩm cả. Cậu không băn khoăn về điều đó à?

- Có chứ. Kì lạ thật. Nhưng tớ đọc sách thấy rằng thế giới này cũng có biết bao điều kì lạ mà các học giả có giải thích được đâu. Có thể đây là một bí ẩn như thế thì sao?

- Mọi thứ đều là duyên phận.

- Cái gì vậy?

- Ba tớ vẫn hay nói như thế. Tớ cũng không hiểu lắm, nhưng mỗi khi có một sự trùng hợp gì đó, ông thường nói: Mọi thứ đều là duyên phận.

- Tớ chẳng biết thế nghĩa là sao, nhưng giá một lúc nào đó chúng ta có thể song tấu bản nhạc này thì hay biết mấy.

- Phải rồi, tớ quên không hỏi là cậu chơi nhạc cụ gì vậy?

- Tớ chơi dương cầm.

- Tớ cũng rất thích dương cầm. Nhất định chúng ta phải song tấu đấy nhé. Mà tiết mục của cậu là thứ bao nhiêu vậy? Cậu sẽ chơi bản gì?

- Tiết mục của tớ á? Còn lâu. Cuối cùng cơ. Lẽ ra tớ sẽ phải chơi bản Dạ khúc cung Đô thăng thứ của Chopin. Nhưng, rồi cậu xem.

- Đương nhiên tớ phải xem rồi.

- Thế tại sao cậu chơi vĩ cầm?

- Vì ba tớ là một nghệ sĩ vĩ cầm. Tớ đã nghe ba chơi đàn từ khi còn bé tí.

- Cậu có vẻ rất gần gũi với ba nhỉ? Còn mẹ cậu thì sao?

- Mẹ tớ, mẹ tớ không phải một nhạc công. Mẹ tớ có một sạp hàng nho nhỏ. Mẹ... – Tôi luôn không biết phải nói gì khi một ai đó yêu cầu tôi kể về mẹ. Giữa tôi và bà có một khoảng cách thật xa xôi.

- Nếu đó là một câu chuyện dài, vậy thì để khi khác cũng được, khi chúng ta có nhiều thời gian hơn – Cậu như nhìn thấu những cảm xúc của tôi.

Hai chúng tôi cứ ngồi huyên thuyên với nhau cho tới lúc cậu phải lên biểu diễn. Cậu thích thú nghe những câu chuyện của tôi và đến lượt mình, cậu kể về Bach, về Mozart, về những bản nhạc cậu yêu thích và cả giấc mơ một ngày nào đó được gặp Rachmaninov, “có điều là ông ấy đã ra đi từ rất lâu rồi”, cậu nói đầy vẻ tiếc nuối. Và khi cậu đang kể với tôi bí ẩn về lời nguyền số chín trong lịch sử nhạc cổ điển mà cậu đã đọc được trên tờ một tạp chí, thì một người trong ban tổ chức gọi cậu ra để chuẩn bị biểu diễn.

- Nhớ phải xem tiết mục của tớ đấy – Trước khi đi, cậu không quên dặn tôi như thế.

Cậu bước lên sân khấu, cúi chào khán giả rồi ngồi vào cây đàn dương cầm màu đen rất lớn đã được kê sẵn. Đến lúc này, tôi mới có dịp được nhìn cậu kĩ hơn. Ngoại trừ đôi mắt rất to là điểm dễ nhận dạng nhất trên gương mặt, cậu cao và gầy, đôi lông mày rậm, cậu khiến tôi liên tưởng tới một con chim sẻ nhỏ bé nhưng đầy kiêu hãnh. Cậu đặt tay lên phím đàn, rất khẽ như một chiếc lá rơi xuống chạm vào mặt đàn, những nốt nhạc bắt đầu dìu dặt vang lên, từng thanh âm trong trẻo như tiếng nước lách tách chảy từ mái nhà nghiêng nghiêng. Rồi dần dần những ngón tay chuyển động nhanh hơn, nhanh hơn, nhanh hơn nữa, như con thuyền lướt trên mặt sóng. Chẳng phải nhạc phẩm nào của Chopin cả, chính là bản nhạc tôi đã chơi khi nãy. Cậu không hề nói dối, rõ ràng cậu đã biết bản nhạc ấy rất rõ từ lâu rồi. Hai cánh tay cậu nâng cao, cậu là hóa thân của một con chim sẻ đang sải cánh bay, xuyên qua những tầng mây, xuyên qua cả đại dương ngút ngàn. Tôi tưởng tượng ra nếu chúng tôi cùng song tấu bản nhạc này. Tiếng dương cầm thánh thót của cậu sẽ hòa quyện trong tiếng vĩ cầm của tôi, như cơn gió đùa nghịch với những đóa hoa phủ vàng triền núi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy phấn khích đến thế.

Khi nốt nhạc cuối cùng của cậu vừa dứt, tôi chợt nhận ra con chim xanh ngoài kia đã bay đi từ bao giờ. Hình như tôi vừa rời khỏi thực tại một lúc lâu, nắng đã hửng ở đằng xa, trời cao và trong như chưa từng có trận mưa nào. Trên tay tôi là lá thư tôi không thể gửi cho anh, và cả chiếc lông màu xanh ngọc bích như để chứng tỏ rằng con chim biết hát không phải một sinh vật được nuôi dưỡng bằng ảo giác.

Tôi cầm lên chiếc bật lửa. Xoẹt, một ngọn lửa nhỏ phụt lên, tôi để nó sém dần vào lá thư không đề địa chỉ ấy. Tôi thấy đầu mình căng cứng như dây đàn sắp đứt và tôi không muốn đắn đo thêm nữa. Ngọn lửa dần gặm nhấm những dòng chữ nắn nót của tôi.

Em nhớ một mùa thu

Tiếng dương cầm lao xao như lá đổ

Những phím đàn mê say đắm đuối

Nói thay mùa thu những lời sau cuối

Khi đến đoạn đó, ngọn lửa bỗng bùng lên mạnh mẽ hơn, nuốt ngấu nghiến tất cả chỉ trong tích tắc. Trong tiếng xì xèo của lửa, tôi nghe thấy tiếng mình đang hát những câu hát đó, và cả tiếng dương cầm êm đềm đệm theo.

15

Vật thể màu đỏ trong bức tranh của anh họa sĩ, chính là vĩ cầm, thứ nhạc cụ mà cô gái ấy chơi. Có lẽ nào vì thế mà tôi thấy quen thuộc không? Cô cho tôi xem cây đàn của cô, nhìn ở ngoài, vĩ cầm còn đẹp hơn trong tranh. Nó trông giống như một người phụ nữ, không, chính xác là nó rất giống cô gái ấy, nhỏ nhắn, xinh đẹp, thanh mảnh và quyến rũ.

- Tôi cảm thấy như đã từng gặp nó ở đâu rồi, cô biết không?

- Chị thử nhớ lại xem.

- Chịu, tôi không tài nào nhớ ra được.

- Có vẻ mọi thứ đang tiến triển tốt. Những ngày trước, chưa bao giờ chị nói với em rằng chị thấy cây đàn này quen.

- Tức là tôi sắp tìm lại được trí nhớ sao?

- Chắc chắn là thế rồi – Cô cười, có lẽ chỉ là một lời an ủi.

- Nhưng cô có biết tôi đã thấy cây đàn này ở đâu không?

- Chị còn nhớ chi tiết chị làm mẫu vẽ cho anh họa sĩ đang sống ở cạnh phòng chúng ta chứ?

- Có, tất nhiên là có, tôi có thấy nó trong cuốn sổ của mình – Nhắc đến anh khiến tôi thấy phấn chấn.

- Ừ, trước đây anh ấy đã từng vẽ tranh về chị và vĩ cầm. Bọn em định đợi một thời gian nữa khi chị ổn hơn sẽ đưa chị tới xưởng vẽ nơi anh ấy từng vẽ chị.

- Nhưng tại sao lại là vĩ cầm, tôi đâu biết chơi nó?

- Có lẽ vì anh ấy thích vĩ cầm, điều đặc biệt là anh ấy lại chọn chị làm mẫu, mà người em thất lạc của chị, là em đây, lại gắn bó với vĩ cầm. Thật trùng hợp phải không? – Cô gái bỗng trở nên suy tư – Mọi thứ đều là do duyên phận.

Tôi thấy ghen tuông với cô. Cô ấy chơi vĩ cầm. Anh ấy rất thích vĩ cầm. Anh ấy vẽ tôi chơi vĩ cầm, nhưng tôi đâu biết chơi nó. Anh vẽ tôi, nhưng chính tôi không hiểu được bức họa về mình. Còn cô ấy chắc chắn sẽ hiểu. Vì cô ấy chơi vĩ cầm.

- Giá mà tôi có thể chơi thứ nhạc cụ này.

- Khi nào căn bệnh này của chị khỏi, em sẽ dạy chị chơi, chị thấy sao?

Tôi lặng lẽ gật đầu, chỉ để nhận ra rằng, tôi sẽ luôn là cái bóng bước sau cô.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx