sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tháng Ba

Jan không thể biến mất, Jan không thể biến mất. Tôi lẩm bẩm trong lúc chạy, đảo mắt tìm Jan trong đám người đang hối hả chạy. Đội cứu hộ cho biết họ không phát hiện bất cứ trường hợp nào gặp sự cố. Tôi phần nào yên tâm nhưng khi băng qua hai cây cầu, trở lại đường South Link bên kia sông, tôi bắt đầu hoảng loạn thật sự. Toàn bộ người chạy đã tới bờ bên kia, đám đông cũng bắt đầu tản ra. Con phố trở lại trạng thái bình thường. Nhưng tôi không thấy Jan đâu cả. Mồ hôi đua nhau rơi trong J chiếc áo khoác mỏng, cơn gió buốt lạnh tràn qua. Lần đầu tiên trong đời, ý nghĩ không thể tìm ra Jan khiến tôi sợ hãi.

Bất ngờ, tôi nhìn thấy ở góc đường, một người có hình dáng rất giống Jan, đang đứng tựa tay vào tường thở dốc. Chiếc áo đồng phục của chúng tôi, đôi giày thể thao xanh thẫm buộc dây trắng. Tôi chạy lại, ôm chầm lấy Jan từ phía sau.

- Đồ đểu, anh biến đi đâu vậy hả?

Jan hơi khựng lại rồi như hít một hơi thật dài, Jan quay người và khẽ hỏi.

- Anh phát hiện một trận đấu Hurling sắp diễn ra bên trong công viên Shalom. Lười chạy theo gọi em nên quyết định đứng đậy đợi em quay lại tìm đó. Thấy anh thông minh không? - Jan nhướn mắt nói.

Tôi kiễng chân nhéo mũi Jan nghịch ngợm. Jan đích thị là một người không quen chơi thể thao, mới chạy chút xíu mặt mũi đã trắng bệch chẳng còn chút sức sống. Không đủ sức chạy tiếp nên lấy cớ lười đây mà. Ý nghĩ Jan có điều gì đó thua kém tôi khiến tôi vô thức nhoẻn miệng cười. Jan cù vào người tôi để hỏi lý do. Dĩ nhiên, Jan không bao giờ hỏi được bởi lúc đó, chúng tôi đã vào đến trong sân và Jan còn mải mê theo dõi từng đường bóng. Hurling là một môn thể thao truyền thống của Ireland.

Thời gian sống ở đây, tôi nghe người ta bàn luận về kết quả các trận Hurling và đua ngựa nhiều hơn tỉ số của các trận đấu bóng đá. Đó không hẳn là một trận đấu mà chỉ là trận giao lưu giữa những cầu thu trẻ của hai trường cấp ba trong thành phố. Không có khán đài, chúng tôi đứng dưới một gốc cây để xem các cầu thủ biểu diễn. Theo luật, mỗi đội chơi gồm mười lăm người nhưng tôi đoán do điều kiện sân bãi nên tổng số cầu thủ trên sân chỉ dừng ở con số hai mươi. Jan không nắm tay tôi nữa mà điệu bộ hai tay như thể đang nắm cây cậy Hurley để đánh quả bóng gỗ bọc da Sliotar vào lưới. Những người chơi mặc đồng phục và đội mũ bảo hiểm.

Jan tỉ mẩn giải thích cho tôi cách tính điểm nhưng nói đi nói lại, tôi vẫn ù ù cạc cạc nên đã bỏ mặc tôi. Không giống như bóng đá, khung thành của hai đội hurling có hình dạng chữ H. Nửa dưới chữ H sẽ được bọc lưới, giống gôn của sân bóng đá. Nếu tôi nhớ không nhầm thì mỗi quả bóng được ném vào phần lưới này sẽ nhận được ba điểm. Nửa trên của chữ H không được bọc lưới nhưng bóng rơi vào địa phận đó vẫn được tính một điểm.

- Rắc rối quá! Sao người ta không sử dụng một gôn thôi?

- Đó là lý do không phải ai cũng có thể trở thành trọng tài! - Jan đang tập trung xem, trả lời không mấy thiết tha.

Tôi chỉ hứng hú với những điều mới mẻ, chưa được tận mắt chứng kiến, nhưng khi nhìn thấy rồi, độ nhiệt tình trong tôi giảm xuống rất nhanh. Tôi nhỏ giọng đề nghị.

- Jan này, chúng ta đi uống bia đi!

- Em đợi anh một chút, được không? Trận đấu sắp kết thúc rồi mà!- Jan vẫn không buồn liếc mắt sang phía tôi.

Cơn cáu giận vô cớ ập đến, tôi quay người bỏ Jan ở lại, biết chắc anh sẽ hối hả chạy theo.

- Này này, sao em lại tỏ ra bất lịch sự như thế nhỉ? Anh nói em đợi anh một chút cơ mà, chỉ một chút xíu nữa thôi! - Jan nài nỉ.

- Một chút là bao lâu? - Tôi đứng lại.

- Khoảng ba mươi phút! - Gương mặt tẽn tò có phần ửng đỏ khi nhận ra đó không phải một con số nhỏ. - Ok, nhưng ít nhất em cũng nên nói với em một tiếng trước khi rời đi chứ!

- Giờ anh thấy rồi đó thôi. Anh cứ đứng đó mà xem, em về! - Tôi kiên quyết.

- Không, ý anh là nếu em chịu khó năn nỉ anh thêm một câu nữa, anh sẽ bỏ xem Hurling để theo em về! - Nụ cười tinh nghịch của kẻ không bao giờ chịu thua.

Mười phút sau, chúng tôi gọi hai cốc bia trong một quán bar gần trường St.John’s Central. Quán bar ở đây thường mở cửa cả ngày nhưng chỉ thực sự đông khi màn đêm buông xuống. Những chiếc ly được treo thẳng hàng, những chiếc ghế gỗ chân cao sáng bóng trong ánh sáng vừa đủ của quán. Tivi trên cao đang chiếu lại một trận bóng đá. Người trong quán không thể không hướng mắt lên.

- Anh này, anh đã chọn được đề tài làm luận văn chưa?

- Anh đang cân nhắc giữa hai lựa chọn, cũng không quan trọng lắm! Tuần sau, em bắt đầu kì thực tập viết luận văn rồi đúng không?

Tôi gật, rồi để mặc Jan xem và bình luận bóng đá với hai anh chàng phục vụ trong quán bar vắng khách. Tôi nghĩ đến khoảng thời gian sắp tới của mình. Nhờ bộ hồ sơ không tệ kèm theo thư giới thiệu của giáo sư, tôi được mời tham gia phòng phỏng vấn để trở thành phóng viên tập sự ở hãng tin RTC. Người quản lý hỏi điểm mạnh của tôi là gì. Tôi không ngần ngại trả lời “Sức trẻ”.

- Trẻ thì sao?

- Trẻ thì không ngại gì!

Cũng may, người ta chỉ hỏi tới đó và chuyển sang những câu hỏi khác; chứ nếu tiếp tục hỏi, điểm yếu của tôi là gì mà câu trả lời của tôi vẫn là “Sức trẻ” thì lôi thôi to.

Trước khi quyết định đăng ký xin học bổng của khóa học CW, tất cả những gì tôi có thể hình dung chỉ là một người khi nào cũng mơ mộng và cuống cuồng tìm cảm hứng để sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ ca... Học ở UCC rồi mới nhận ra, người có khả năng viết sáng tạo có thể tham gia vào rất nhiều lĩnh vực liên quan đến viết lách, truyền đạt thông tin,... Không chỉ “có thể”, chúng tôi được khuyến khích tham gia vào nhiều ngành nghề khác nhau để có thêm trải nghiệm, làm giàu cho những tác phẩm của mình sau này. Một vài người bạn trong lớp tôi chọn thực tập trong công ty truyền thông, vài người khác thử nghiệm ở vai trò biên tập viên Radio, vài người như tôi đâm đầu vào một hãng tin nào đó của thành phố, của vùng... Đám bạn nhìn tôi ngưỡng mộ, không phải sinh viên quốc tế nào cũng được nhận vào một hãng tin lớn như RTC. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, họ sợ thất bại nên không dám thử thôi.

***

Đầu tháng Ba.

Kì thực tập ở RTC hiện ra như một cơn ác mộng, ngay từ những ngày đầu tiên. Thường ngày, giờ học ở trường bắt đầu lúc chín giờ sáng nên tôi có thể ngủ nướng tới bảy giờ ba mươi, vệ sinh cá nhân rồi nướng vội hai lát bánh mì ăn với mứt dâu, mang theo hộp sữa để uống trên đường ra bến xe bus tới trường. Nhưng thực tập ở RTC, nghĩa là mọi thứ được đẩy nhanh hai tiếng đồng hồ. Bắt buộc phải có mặt ở văn phòng lúc bảy giờ sáng khiến tôi phải ra khỏi giường lúc năm giờ ba mươi. Tôi mê ngủ hơn ăn nên đã tự thưởng cho mình ba mươi phút sáng, đổi lại những ngày lê xác tới cơ quan với cái bụng rỗng không.

Ở vị trí tập sự, tôi được cử đến TV center để xem các trang đã được căn chỉnh chuẩn, các tiêu đề đã được điều chỉnh cho vừa khung chưa. Nếu chưa ổn, tôi cần sử dụng bộ đàm báo lại ngay cho phòng kĩ thuật. Sau đó, tôi phải theo dõi heat map để thống kê bài nào được xem nhiều nhất, rồi lên Twitter để biết bài báo nào được share(1) nhiều nhất.

Công việc thực ra không có gì nhiều, nếu không muốn nói là nhàm chán, lặp đi lặp lại cả ngày. Kết thúc tuần đầu tiên, bà quản lý tốt bụng hỏi tôi có muốn trở thành phóng viên hiện trường. Đừng vội nghĩ rằng có vụ án giết người nào đó đang diễn ra ở đây. Phóng viên hiện trường là những người không ngồi trong tòa soạn mà chạy khắp nơi để lấy tin, đưa tin trực tiếp từ nơi diễn ra sự kiện.

Vài ngày trước, trong thành phố có một club bar phải đóng cửa. Ông giám đốc nợ các nghệ sĩ biểu diễn một khoản tiền khổng lồ nhưng đã bỏ trốn. Thông tin này được ghim trên bảng tin điện tử nội bộ, tôi và một người nữa được cử tới tìm phỏng vấn những người có liên quan. Chúng tôi đã tìm gặp hai trong số những nghệ sĩ bị xù tiền. Song trái với những tin tức đưa ra trước đây, ông giám đốc không hẳn là một người vô trách nhiệm. Ít nhất, ông ta đã tìm cách vay mượn tiền để trả đỡ cho các nghệ sĩ. Nhưng tình hình thua lỗ của bar nằm ngoài khả năng kiểm soát, ông không còn cách nào khác nên đã bỏ trốn. Hai người nghệ sĩ chúng tôi phỏng vấn đã không trách cứ mà chỉ mong ông giám đốc trở về, đứng ra gánh tránh nhiệm và cùng nhau tìm ra một cách giải quyết hợp lý nhất.

Trong buổi họp cuối ngày ở văn phòng, tôi đã sử dụng những chi tiết này để phản bác ý kiến của Jim, một anh chàng đồng nghiệp. Anh ta nghĩ hãng tin chỉ cần nêu ngắn gọn về vụ phá sản của công ty quản lý như một sự thiếu chuyên nghiệp và một lời cảnh tỉnh cho những công ty khác đang cùng hoạt động. Tôi lại cho rằng những người viết bài có thể để câu chuyện bớt mang tính chất tội lỗi hơn, nếu viết dựa trên sự thật nhiều hơn. Bà quản lý đồng tình với cách làm của tôi, nhưng tia nhìn khó chịu từ Jim khiến tôi rùng mình.

- Em chẳng làm gì sai cả, ngốc ạ! - Jan cúi người và hôn tôi rất nhanh trong lúc hai đứa lang thang trong siêu thị để mua sắm chút đồ ăn cho cả tuần sau và thêm một chút đồ trang trí cho ngày lễ thánh Patrick rơi vào cuối tuần sau.

Những cửa hàng trên phố đã bắt đầu chuyển từ gam màu đỏ sót lại của Giáng sinh sang gam màu xanh đặc trưng của đất nước Ireland. Hình ảnh shamrock(2) xuất hiện ở khắp nơi. Patricia cũng mua một cây cỏ ba lá nhỏ tí xíu, trồng trong chiếc chậu tí hon bằng nhựa rồi đặt ở bàn ăn. Những chiếc cốc sứ màu trắng tạm thời được thay thế bởi những chiếc cốc màu da cam và xanh. Maria còn khoe chúng tôi chiếc mũ cam chị mới mua được, để dành tới ngày lễ thánh mới mang ra đội, tham gia cùng đoàn diễu hành của thành phố.

- Jan này, bà quản lý ở RTC cử em và một đồng nghiệp nữa lên Dublin đưa tin về cuộc diễu hành. - Tôi chờ đợi phản ứng của Jan. Anh đứng phía sau chiếc bàn ăn nhỏ, bỏ vài viên thuốc vào miệng rồi nuốt một miếng nước. Áp lực công việc thường khiến Jan đau đầu. Tôi hiểu. Chẳng dễ dàng gì để vừa duy trì thành tích học tập, vừa làm thêm, vừa tìm cách kiếm một công việc tốt sau khi tốt nghiệp.

- Ừ. - Jan đồng ý - Em cứ đi thôi!

- Nhưng em sẽ phải rời Cork từ thứ Bảy và anh sẽ phải đón ngày lễ thánh một mình!

- Em nên đi, ngốc ạ! Em không thể từ chối một cơ hội tốt như thế, biết đâu đó là dịp tốt để em thể hiện khả năng của mình. Em sẽ được nhận vào làm nhân viên chính thức sau khi tốt nghiệp. - Thấy tôi còn chưa thoát khỏi trạng thái ngơ ngẩn, Jan nói thêm. - Hơn nữa, ngày lễ thánh Patrick là của dân Ireland. Nó đâu quá quan trọng với anh. Có lẽ, anh cũng sẽ tham gia đoàn diễu hành cùng đám bạn và chờ em về.

- Anh sẽ không giận em thật chứ?

- Em không có câu hỏi nào bớt ngớ ngẩn hơn sao? - Jan trả lời tôi bằng một vòng tay ôm siết.

***

Theo sắp xếp của hãng tin, chúng tôi sẽ ngồi aircoach từ Cork lên Dublin từ sáng thứ Bảy, nhận phòng ở khách sạn Sandy trên đường Lansdowne Road. Trợ lý của bà quản lý cho biết khách sạn rất gần ga tàu của Lansdowne Road, chúng tôi có thể di chuyển dễ dàng mà không cần trả những khoản phí đắt đỏ cho taxi. Tôi khấp khởi mừng thầm để rồi tá hỏa nhận ra khách sạn Sandy nằm rất xa trung tâm thành phố. Hãy thử tưởng tượng nơi chúng tôi cần có mặt nằm ở chính giữa tấm bản đồ hình vuông thì khách sạn của chúng tôi nằm chính xác ở góc phải của tấm bản đồ.

- Không thể tin được, họ xếp cho chúng ta ở khách sạn hạng sang thuộc vùng hạng bét! - Người đi cùng càu nhàu.

Sau hơn ba tiếng ngồi xe aircoach, bắt xe bus từ đường O’Connell (điểm chính giữa bản đồ) tới khách sạn (góc phải phía dưới của bản đồ), nhận phòng và xếp đồ, tôi mệt đến mức chỉ muốn ngả lưng đánh một giấc thật sâu.

Có tiếng gõ ngoài cửa phòng. Đó là Jim, người đồng nghiệp cùng tham gia chuyến công tác với tôi.

- Cô có muốn đi dạo cùng tôi? Ở nhà trong ngày lễ thánh, nhất là khi thời tiết đang rất đẹp như thế này quả là đáng tiếc. Mà, biết đâu chúng ta có thể tóm được tin nào đó hay ho?

Không muốn từ chối, tôi bị lôi ra khỏi nhà. Trợ lý của bà quản lý hẳn đã quên chưa nói với chúng tôi rằng ga tàu Lansdowne Road chỉ có thể đưa chúng tôi sang bên kia sông rồi chạy thẳng tới Fairview Park (ở góc phải phía trên của tấm bản đồ) chứ không nói rằng nó sẽ trở nên vô ích nếu chúng tôi muốn đi dạo ở bên này sông.

Ra khỏi khách sạn, chúng tôi rẽ phải sang đường Northumberland, đi qua công viên Merrion nơi những cỗ máy đồ chơi khổng lồ đã được lắp đặt để phục vụ người dân thủ đô. Tôi không thể ước lượng chính xác độ dài đoạn đường chúng tôi đã đi. Cứ đi theo hướng đám đông đang đổ về, chúng tôi đi qua trường đại học Trinity, ngôi trường cổ nhất ở xứ sở này, cuối cùng dừng chân ở Temple Bar.

Đây là một khu phố đi bộ, những người trẻ đổ ra đường với những bộ trang phục mang hai màu sắc chủ yếu là xanh và cam. Những cô gái mang tất dài tới đầu màu xanh chấm trắng hoặc ngược lại. Những chàng trai đội chiếc mũ dài màu xanh có nơ màu cam điểm xuyết. Quốc kì được treo khắp nơi. Các gian hàng bán đồ lưu niệm đông nghẹt người. Jim chen vào, mua hai chiếc mũ màu xanh. Chúng tôi hòa vào nhóm những bạn trẻ đang nhảy múa hát hò giữa đường phố. Đi bộ thêm một chút, chúng tôi đã tới bờ bên kia sông. Xe bus ở Dublin có màu vàng và xanh dương nổi bật, rất đặc trưng. Bên cạnh xe bus và tàu, ở Dublin còn có hệ thống xe điện dài như một đoàn tàu nhỏ chạy quanh những tuyến phố lớn. Hình ảnh này, trước đây tôi từng được thấy trong mộ bộ phim Ấn Độ có tên “Điệp viên Tiger”. Tới Dublin, tôi cũng hồ hởi kể với Jim rằng tôi đã biết hệ thống xe điện này từ trước, mà không nhớ ra Jim là người sinh ra lớn lên ở đất nước này, hẳn đã ghé thăm thủ đô nhiều hơn một lần trong đời.

- Cứ như thể, cả thành phố được nhuộm xanh ấy! - Tôi phấn khích nhận xét.

- Buổi tối, cô sẽ thấy Dublin thực sự là thành phố màu xanh. - Jim cười nhẹ.

Tôi đã không phải đợi lâu, những chiếc cầu bắc ngang sông Lifey, con sông chảy giữa lòng thành phố, đã đồng loạt biến thành màu xanh lá cây. Những tuyến phố chính với những ngọn đèn Led từ các biển hiệu cũng sáng chung một gam màu. Tôi mua một cuốn sách du lịch cũ về thành phố này, rồi mở đọc vài trang trong lúc ngồi uống cà phê trên đường Jervis. Jim chạy ra ngoài, lát sau trở lại với hộp pizza khoai tây.

- Của cửa hàng ngon nhất thủ đô này đấy nhé! - Jim giơ cao hộp pizza, giới thiệu.

Kể ra, anh chàng này cũng không khó tính và... xấu tính như tôi tưởng. Chúng tôi ăn uống và chuyện trò vui vẻ. Tới lúc thanh toán tiền, tôi giành trả phần của mình thì Jim gạt đi.

- Hôm nay, anh sẽ trả. Lần sau sẽ tới lượt em!

- Anh đang đề nghị em đi ăn với anh thêm một lần nữa đó hả?

Jim hơi khựng lại. Không biết tự lúc nào, tôi đã bị lây thói bông đùa của Jan. Nhận ra điều đó, tôi tự cười thầm chính bản thân mình.

- Ừ! - Jim không phủ nhận.

Tôi không thể giữ nguyên nụ cười được nữa.

***

Sáng ngày Mười bảy, đoàn diễu hành bắt đầu từ đài tưởng niệm Parnell, chạy qua tuyến phố trung tâm của thủ đô: O’Connell rồi qua cầu, rẽ vào đường Westmoreland, rồi đi qua đường College Green. Sử dụng thẻ nghề nghiệp, chúng tôi được tiếp cận gần đoàn diễu hành để chụp được những bức hình đẹp nhất. Niềm tự hào, hạnh phúc của cả một dân tộc hiện lên trên những gương mặt rạng ngời, những nụ cười xinh xắn. Tôi gửi cho Jan một bức qua điện thoại nhưng không thấy Jan trả lời. Chắc anh đang tham gia đoàn diễu hành cùng những người bạn của mình.

Chụp xong ảnh, chúng tôi nhanh chóng tìm một quán ăn nhanh để ghé vào, mua hai cốc nước ngọt và ngồi gửi ảnh về trụ sở chính. Nhân viên thu ngân ra hiệu cho chúng tôi nhìn vào tấm bảng đen được đặt khéo léo ở chân cầu thang dẫn lên tầng hai. Tấm bảng cho biết mỗi người khách chỉ được ngồi không quá ba mươi phút để nhường chỗ cho những người khác. Sở dĩ như vậy là do ai cũng muốn leo lên tầng hai của cửa hàng này để tận dụng một góc nhìn tốt và ngắm nhìn đoàn diễu hành kéo dài nhiều cây số từ trên cao. Tôi nhanh chóng ghi lại điều thú vị này để phản ánh trong bài viết về ngày lễ Thánh ở thủ đô, rồi ngồi đọc cuốn sách mua hôm qua.

- Jim, anh có nghĩ Ireland thực sự là xứ sở không có rắn sinh sống?

Tôi đọc thông tin đó trong sách. Theo truyền thuyết Ireland thì công lớn thuộc về đức thánh Patrick, vị thần hộ mệnh của đất nước này. St. Patrick sinh ra ở Anh, nhưng được đưa đến làm nô lệ ở Ireland. Có truyền thuyết kể rằng thánh Patrick đã lừa lũ rắn hiểm độc vào một cái hòm cực lớn rồi ném xuống đáy Đại Tây Dương. Song, cũng có người tin rằng thánh Patrick từng trải qua bốn mươi ngày đêm cầu nguyện và ăn chay trên ngọn núi Croah Patrick ở phía Tây Ireland cao 765m để xua đuổi loài rắn độc ra khỏi đất nước. Các nhà động vật học quốc tế am hiểu lại quả quyết rằng loài rắn vốn dĩ không tồn tại ở mảnh đất này ngay từ kỉ Băng hà, khi Ireland tách ra khỏi lục địa Á - Âu. Nhưng dân chúng Ireland dĩ nhiên luôn tin vào vị thánh St. Patrick của mình. Tương truyền, ông mất vào ngày Mười bảy tháng Ba nên ngày này đã được chọn làm ngày Quốc khánh của dân tộc, ngày mọi người tri ân công lao to lớn với quốc gia của một con người vĩ đại. Cỏ ba lá sở dĩ được chọn là biểu tượng của đất nước này, bởi mọi người tin rằng thánh Patrick đã sử dụng nó trong lúc thuyết giáo.

Tôi tin rằng mỗi dân tộc đều có một ngày lễ riêng để ăn mừng những niềm vui chung, ăn mừng sự độc lập và hạnh phúc mà chúng ta đang có. Điều tôi băn khoăn là thực sự không có một con rắn nào tồn tại ở đất nước này sao.

- Haha, em đang hỏi anh một câu cực kì khó đấy! Vì chính anh cũng không biết câu trả lời. Giống hồi sang Singapore du lịch! - Jim gập laptop, nhét đồ nghề vào chiếc túi lớn - Anh đã mang theo một câu hỏi to đùng đó là Singapore có thực sự sạch sẽ, không có chút rác nào như người ta vẫn đồn.

- Rồi sao nữa? - Tôi tò mò.

- Anh nhận ra là nhiều lúc không biết câu trả lời sẽ hay hơn. Chỉ cần tin thôi là đủ. Singapore có thể sẽ không còn là một quốc gia sạch nữa nếu anh chăm chăm tìm ra vết bẩn và rồi phát hiện người làm bẩn thành phố ấy là một khách du lịch nước ngoài. Ireland có thể sẽ không còn là một mảnh đất không có rắn nữa nếu người nào đó cố tình mang rắn đến đây để phá vỡ niềm tin của mọi người.

- À vâng! - Lời giải thích của Jim đã khiến tôi bị khuất phục.

- Nhưng, anh muốn biết một chuyện. Có phải người Việt Nam nào cũng ăn thịt chó không? - Jim nhíu mày hỏi, và tôi chỉ muốn độn thổ cho xong.

***

Để phục vụ chương trình diễu hành của ngày lễ Thánh, bến Wellington cũng biến thành một con phố đi bộ. Chúng tôi không thể đứng đó bắt xe bus mà phải đi bộ xuống bến Merchants. Vé aircoach rất tiện lợi ở chỗ không ghi ngày đi ngày đến, giờ đi giờ đến. Bạn có thể sử dụng nó bất cứ lúc nào mà không cần lo, chậm chân phải mua vé khác. Chúng tôi không ra bến xe bus ngay mà lang thang vào khu vực những lâu đài trung cổ - Viking rồi tiện đường ghé thăm Christ Church và lâu đài Dublin. Chưa đến mười phút để đi bộ từ ngoài bờ sông vào đến khu vực thăm quan này. Nhưng cảnh quan xung quanh như đã hoàn toàn thay đổi. Từ một thành phố hiện đại, chúng tôi bước vào khu vực của những điều cổ xưa, thấy mình như trôi đi trong một thế kỉ khác.

Bên trong Christ Church, người ta đang tổ chức những bữa tiệc. Những sạp hàng ăn uống được bày bán như ở hội chợ. Những ông bố, bà mẹ dắt theo những đứa con mặc đồ trông như một củ cà rốt hoặc một cây cải di động. Vài người đàn ông mặc váy nhảy múa và không từ chối khi chúng tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh.

Điện thoại trong túi reo lên rồi bất ngờ tắt ngúm. Tôi rút ra, chứng kiến những vòng xoay trên màn hình báo hiệu pin đã cạn. Đoán Jan nhắn tin, tôi hỏi mượn điện thoại của Jim để gọi lại.

- Anh không sử dụng điện thoại! - Câu trả lời hết sức bình thản, như thể đó chẳng phải một điều gì đó khác thường.

- Thật hả? Nhưng tại sao?

- Không, ý anh là tháng này anh không sử dụng điện thoại. Sang tháng Tư, anh sẽ dùng lại bình thường. À, em vừa thú nhận em chưa từng gọi điện hoặc nhắn tin tới số của anh nhé. Nếu không, em đã hỏi tại sao không thể liên lạc được.

Lúc đứng chờ Jim ở bến St Patrick để bắt air coach lên Dublin, tôi cũng không có ý định gọi dù đã nắm trong tay số điện thoại của anh từ hôm trước. Chúng tôi chỉ là những cộng sự trong nhiệm vụ lần này, thế thôi. Không nhất thiết phải duy trì mối quan hệ thân thiết với một người đồng nghiệp khó tính và không cùng chung suy nghĩ. Đó là tất cả những gì tôi có về anh, dĩ nhiên là trước chuyến đi này.

- Thôi mà, kể em nghe đi, tại sao tháng này anh lại không dùng điện thoại? - Tôi đánh trống lảng.

- Mỗi tháng của năm, anh đều cố gắng sống mà không có thứ gì đó. Như tháng trước anh không uống cà phê, tháng trước nữa anh không uống trà, trước nữa thì anh quyết tâm... không bao giờ ngồi im một chỗ quá mười phút. - Jim hào hứng giới thiệu.

- Và tháng này là không điện thoại?

- Ừ, đúng thế! - sau khi đưa ra câu hỏi, đột nhiên tôi nhớ Jan nhiều kinh khủng. Nếu là Jan, nhất định anh sẽ tranh thủ cơ hội này để chọc khoáy tôi và hỏi: “Em không có câu hỏi nào bớt ngớ ngẩn hơn hả?”

- Có bao giờ anh nghĩ đến chuyện nghỉ việc một tháng ở RTC?

- Có chứ, nhưng chưa phải bây giờ! Chẳng hiểu sao thời gian này anh thích đến văn phòng, chắc tại có em!

***

Jim bảo Jim từng không ưa tôi, một đứa con gái châu Á lanh chanh thể hiện mình trong buổi họp toàn ban. Nhưng anh đã thay đổi cách nhìn trước những điều tôi nói, về nhiệm vụ của một người viết và ý nghĩa của việc mang đến sự thật.

Chúng tôi đã không nói chuyện với nhau trong suốt mấy tiếng đồng hồ từ Dublin về Cork. Nỗi ngượng ngùng xen giữa hai người, cho dù tôi đã cố gắng tin rằng đó chỉ là một lời nói đùa của Jim.

Tôi cũng quên béng việc phải gọi điện cho Jan. Xuống xe bus, Jim đi lấy xe ô tô rồi bảo anh sẽ cho tôi đi nhờ.

- Em không về nhà, em tới nhà bạn trai. Anh ấy đang đợi! Thật tệ khi em đã bỏ anh ấy một mình trong ngày lễ Thánh! - Hơn cả thành thật, tôi muốn Jim hiểu điều tôi muốn nói.

- Ok, haha! - Jim mở cửa xe ô tô để tôi bước vào. - Em chỉ cần nói cho anh địa chỉ nhà cậu ta thôi mà, đâu cần giải thích nhiều như thế!

Jim thả tôi ở đầu đường dẫn vào nhà Jan. Hai má tôi vẫn nóng bừng lúc Jim vẫy tay chào tạm biệt.

***

Cửa nhà Jan không khóa. Tôi cố gắng đẩy nhẹ cánh cửa để không tạo ra tiếng động. Jan đang nằm trên giường, ngủ li bì chẳng hay biết sự có mặt của tôi. Tôi đặt túi đồ vào sofa rồi lại gần, ngắm Jan ngủ. Mái tóc xoăn hơi xù được cắt ngắn gọn gàng vài tuần trước, để lộ gương mặt gầy xương của Jan. Đợt này vất vả, Jan gầy đi trông thấy. Tôi đặt bàn tay lên mặt anh. Bất ngờ, Jan mở mắt, nhìn thấy tôi liền cười hiền như một chú mèo con đang nũng nịu.

- Đói chưa? Em nấu chút gì cho anh ăn nhé!

- Ừ, nhưng nếu em không có trong danh sách thực đơn tối nay thì anh thà ra ngoài ăn còn hơn! - Ánh mắt mệt mỏi sáng lên một chút láu lỉnh.

Nói thế nhưng Jan vẫn không để tôi vào bếp nấu nướng. Hai ngày ở Dublin, tôi đi bộ nhiều bằng cả một tuần ở Cork cộng lại. Nhiệt độ giảm xuống bất ngờ khiến hai chân của tôi lạnh cóng và sưng tấy, trở nên chật chội trong đôi boot da đen ôm sát. Jan nằm trên giường nghe tôi kể lại chuyện ấy, rồi lại thấy tôi tập tễnh bước đi trong phòng liền ngồi bật dậy, lấy một chậu nước ấm pha muối và gừng để tôi ngâm chân.

- Ngồi yên đó cho anh! Đợi anh nấu bữa tối xong sẽ xử em tội không biết chăm sóc bản thân mình! - Jan ra lệnh.

Buổi tối, báo Patricia hỏi tôi về ngày lễ Thánh trên thủ đô. Tôi bảo, chẳng thích chút nào!

- Cháu chỉ ước là cháu đã không đi, ở nhà đón lễ với bà và chị Maria!

- Chứ không phải cháu tiếc vì đã bỏ cậu ta ở nhà để lên Dublin làm nhiệm vụ hả? - Patricia trêu.

Tôi nhớ đến nụ hôn mềm ấm, dài như bất tận của Jan hồi tối, bất giác thấy hai má nóng bừng.

***

Cuối tháng Ba, Jan cảnh báo tôi về sự thay đổi giờ vào ngày cuối tháng. Cuối tháng Mười, đồng hồ được văn trở lại một tiếng, chín giờ thành tám giở thì trong đêm ngày Ba mươi mốt tháng Ba, rạng sáng ngày mùng Một tháng Tư, kim đồng hồ sẽ được trả lại vị trí cũ. Thời gian sẽ tiếp tục chạy như bình thường, nhưng khi bạn đã quen với kiểu giờ này thì bạn sẽ thấy việc đổi giờ thêm một lần nữa là cả một rắc rối chưa thể quen ngay. Jan có cách giải thích rất ngộ nghĩnh về hoạt động này của cộng đồng châu Âu.

- Anh đoán là mùa đông, vài ông quan chức cấp cao muốn ở nhà ngủ thêm với vợ thêm một tiếng nên đã ra lệnh vặn ngược kim đồng hồ. Gần hết mùa xuân, ngủ no mắt rồi mới cho đồng hồ chạy bình thường trở lại.

Tôi không thể nhịn được cười trước lời lý giải đó của Jan. Kì thực, tôi không bận tâm lắm. Chỉ cần vài buổi sáng ướp lạnh, mở mắt ra được thấy Jan nằm bên cạnh, thở nhè nhẹ là được thôi mà.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx