sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Tháng Bảy

Vài tháng trước đây, trong khuôn khổ của bộ môn Advanced Short Story, giáo sư đã dành ra một buổi học để hướng dẫn chúng tôi cách tạo ra những đoạn hội thoại cho truyện ngắn, tiểu thuyết.

- Các em phải có khả năng tạo ra những cuộc nói chuyện bình thường nhưng không tầm thường. Hội thoại đóng rất nhiều vai trò khác nhau trong một tác phẩm văn học. Chúng không những phải thúc đẩy câu chuyện mà còn hỗ trợ khắc họa tính cách nhân vật”.

Tôi có thể là một người viết báo giỏi, có thể là một người tường thuật giỏi nhưng không chắc có thể là một nhà văn giỏi. Quá nhiều khó khăn ập đến với tôi trong việc tạo thêm chi tiết cho những lời thoại của nhân vật. Giáo sư đã đưa ra ví dụ dễ hiểu để giúp chúng tôi nắm được cốt lõi của vấn đề.

- Các em thường chỉ viết: “Chúa ơi, tôi thích bánh ngọt. Bánh ngọt là điều tuyệt vời nhất trên đời. Tôi có thể ăn bánh ngọt cả ngày không biết chán. Đây là loại bánh gì nhỉ? Tôi nghĩ nó có hương vị của dâu tây”. Đó là cách kể chuyện của một đứa trẻ, không hơn. Để tạo ra điểm khác biệt và giúp câu chuyện chảy trôi tự nhiên hơn, các em cần học những kĩ thuật thêm chi tiết phụ đạo. Ví dụ, tôi có thể sửa đoạn văn trên như sau: “Chúa ơi, tôi thích bánh ngọt.” - Cậu ta nói rồi liếm chiếc dĩa. - “Bánh ngọt là điều tuyệt vời nhất trên đời. Tôi có thể ăn bánh ngọt cả ngày không biết chán.” - Cậu ta cắm chiếc dĩa vào miếng bánh và săm soi nó. - “Đây là loại bánh gì nhỉ?” - Cậu ta vẫn nhìn chằm chằm vào miếng bánh - “Tôi nghĩ nó có hương vị của dâu tây.” Thấy không?

Cuối giờ, giáo sư viết lên bảng bài tập về nhà: “Viết đoạn hội thoại tệ nhất bạn có thể tạo ra!”. Nguyên đám nhìn nhau ngơ ngác. Nhưng lúc giáo sư vẫy tay tạm biệt mọi người, biến mất nơi cửa lớp, vẫn không có ai dám đứng lên hỏi tại sao. Trái với dự đoán của chúng tôi, giáo sư không trực tiếp kiểm tra kết quả bài tập về nhà đó mà chỉ hỏi chúng tôi có hài lòng nếu bắt gặp những đoạn nói chuyện như thế trong một tác phẩm văn học không.

- Nếu có, mời em ra khỏi lớp và đăng ký học lại môn này ở kì sau. Nếu không, hãy mang về nhà và sửa đổi, biến chúng thành những điều em muốn tìm thấy trong một tác phẩm.

Lúc đó, tôi đã viết một đoạn nói chuyện giữa hai người đã từng yêu nhau, sau đó chia tay và trở nên vô cùng độc ác với nhau. Rời rạc và lủng củng đến mức khi thầy bảo mang về sửa đi, tôi mém ngã ngửa. Không thể tìm ra mối liên kết nào giữa những câu hỏi và câu trả lời, tôi quyết định đầu hàng, nghĩ cách tạo ra một bối cảnh hoàn toàn mới.

Tôi đã từng nghĩ đó là mẫu hội thoại tệ nhất trên đời.

Nhưng tôi đã sai. Kiểu hội thoại tệ nhất là khi bạn có thể nghe câu chuyện của người khác song chỉ có thể đáp bằng những tiếng thều thào mệt mỏi. Vài lúc khác, gần như không thể. Tôi đã thấu hiểu điều đó trong khoảng thời gian ở bệnh viện cùng Jan.

Buổi chiều sau khi Jan nhập viện, tôi về nhà, dọn đồ mang vào bệnh viện. Lúc đi ngang ban công, nhìn thấy chậu hoa đang nở tưng bừng. Tôi chùi nước mắt. Thế đấy, tự nhiên lại mít ướt như một đứa trẻ con.

***

Những cuộc kiểm tra diễn ra hai lần một ngày, sáng và chiều. Thông số được lưu giữ trên chiếc bảng điện tử ở một bên thành giường. Thoạt đầu, tôi vào mạng để tìm thêm thông tin, hiểu thêm những điều các bác sĩ đang bàn luận. Tôi đọc các triệu chứng, biểu hiện, cơn đau và cả những biện pháp xạ trị, hóa trị và phẫu thuật. Bụng đột nhiên quặn thắt, đau nhói. Tôi đóng các cửa sổ trang web, ngồi trên gờ cửa sổ nhìn ra khoảng trời xanh miên man bên ngoài. Mùa hè đang dần đi qua, thành phố mỗi ngày mỗi khác. Người ta bắt đầu lên kế hoạch tổ chức những chương trình tạm biệt mùa hè. Những người trẻ đổ ra đường nhiều hơn để tắm nắng. Vài đứa trẻ ngồi trên xe lăn, được bố mẹ đẩy ra ngoài sân hít thở không khí trong lành. Nụ cười vô tư lự trên gương mặt chúng luôn đi kèm những muộn phiền nơi khóe mắt của những ông bố bà mẹ.

Khoa K là nơi trẻ em có thể được xếp chung phòng với người lớn. Cạnh giường của Jan là một cậu bé ở ngoại ô, đang học lớp Năm nhưng phải nghỉ học để các bác sĩ tiến hành điều trị. Thằng bé khóc luôn, và thường xuyên đòi về nhà, đòi đến trường. Mẹ thằng bé chạy ra ngoài mua chút giấy ăn nên nhờ tôi trông coi thằng bé.

- Cháu nằm đây lâu chưa? - Jan vẫy vẫy cổ tay thay lời chào.

- Cháu không đếm, cũng chẳng ai nói với cháu số ngày. Nhưng hồi cháu mới được đưa vào đây, tuyết vẫn còn rơi. Tuyết phủ trắng xóa con đường trước nhà cháu. - Thằng bé nằm kể chuyện - Colour ra ngoài, lúc trở về bộ lông đen tuyền của nó đã trắng muốt. Nó rùng mình một cái và một ụ tuyết rơi xuống chiếc thảm trước cửa nhà.

- Colour là tên con chó của cháu hả? - Tôi hỏi.

- Đúng rồi ạ! Bọn cháu yêu nhau lắm, mẹ cháu bảo mỗi lần mẹ mở cổng, nó đều chạy ra rất nhanh. Nhưng hình như không thấy cháu nên nó lại cụp đuôi trở vào. - thằng bé thấp giọng.

- Nếu cháu muốn trở về với Colour, cháu phải nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ, tích cực điều trị mới được! - Những ngón tay của Jan nhịp đều trên tấm đệm trắng.

- Nhưng cháu không biết sẽ phải ở đây đến bao giờ nữa!? - Thằng bé buông tiếng thở dài, hệt như một ông cụ non. Tay nó vẫn đang mân mê món đồ chơi mẹ mang vào bữa trước.

- Chắc chắn không thể nhanh được. Chúng ta phải kiên nhẫn, đó là lý do chúng ta được gọi là bệnh nhân, nhóc con ạ(1)!

- Chú có lòng kiên nhẫn không? - Câu hỏi ngây thơ của một đứa trẻ bay đến. Cả tôi và thằng bé đều nhìn Jan chờ đợi.

- Có chứ! - Jan gật đầu - Ở nhà, chú có nuôi một cô cá mập ngốc nghếch. Không có chú chăm sóc, cô ấy gầy và xanh nhiều. Chú nhất định sẽ khỏi bệnh để trở về nhà. Chú thấy cháu có vẻ thích các cô y tá xinh xinh dễ thương ở đây, nhưng về nhà vẫn thích hơn mà, đúng không nhóc con?

- Cháu không có thích các cô ấy!!!- Thằng bé làm điệu bộ gào lên, sau đó thở gấp. Tôi lo lắng giục thằng bé nằm xuống.

Jan cũng chợp mắt, ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

***

Từng có thời gian, Jan nghĩ mãi không biết nên chọn cho tôi biệt danh là gì. Một hôm, sau suất ăn trưa được giảm giá ở cửa hàng gần bưu điện, chúng tôi nắm tay nhau, đi bộ hóng gió trên vỉa hè. Jan tiếp tục chủ đề biệt danh nào phù hợp với tôi. Jan lắc lư đầu, vẻ như đang nghĩ lung lắm. Thế rồi, Jan quay người, vẫn nắm chặt tay tôi không rời nhưng đi lùi để hai đứa có thể vừa nhìn mặt nhau vừa nói chuyện. Chốc chốc, tôi phải ra hiệu để Jan tránh đường kẻo va vào người khác. Lúc đến ngã ba gần cửa hàng 1euro, Jan bất ngờ dừng lại, chỉ ngón tay trỏ của bàn tay phải lên trời và kêu “Ting!”, dáng vẻ chẳng thua kém hình minh họa về Archimedes lúc ông này kêu “Ơ-rê-ka” sau khi phát hiện ra lý thuyết về lực đẩy.

- Anh nghĩ ra rồi! - Ánh mắt Jan có phần gian trá.

- Thử nói em nghe xem sao! - Tôi dừng lại, nghiêng đầu nói.

- Biệt danh của em là Cá Mập(2)!

- Này! - Tôi gào lên phản đối.

- Khoan, em phải nghe anh giải thích!

- Em không nghe, không nghe! Sao anh có thể nghĩ về em như thế?

Đôi mắt Jan tối sầm. Tôi đoán, tới lúc ấy, Jan mới nhớ ra nghĩa thứ hai của từ này.

- Anh xin thề anh không có ý đó! - Jan bàn tay phải lên cao - Anh gọi em là cá mập, vì cá mập không bao giờ bơi lùi cả. Giống hệt em, luôn chỉ biết tiến về phía trước. Anh tự hào về em nhiều kinh khủng!

Bạn có thể giận một người như thế không?

***

Không khí của bệnh viện không dễ chịu lắm. Tôi thường phải mang laptop ra ngoài sân, chọn chiếc ghế đá được đặt ngay trước cửa sổ phòng bệnh nơi Jan nằm, và ngồi đó làm việc. Những lúc mệt mỏi, tôi vươn vai đứng dậy, nhìn vào bên trong vẫn thấy Jan đang ngủ ngon lành. Tôi đưa tay lên tấm kính ngăn cách, khóe miệng muốn cười nhưng cười không nổi. Jan mở mắt rồi lại chầm chậm khép lại như một lời chào dễ thương nhất quả đất. Tôi giơ chiếc laptop lên để Jan có thể nhìn thấy, sau đó ngồi thụp xuống ghế và khóc.

Luận văn ở trường đã xong. Tôi chỉ cần chờ hội đồng chấm điểm và xét cấp bằng tốt nghiệp. Tôi thực ra không có nhiều tâm trí cho chuyện đó. Trước sau, tôi vẫn có một tấm bằng thạc sĩ để mang về. Jan bảo kiến thức nhiều ở trong đầu chứ chẳng ở bằng cấp mấy đâu. Hơn nữa, thứ mà một người học viết lách như tôi cần là kĩ năng, là trải nghiệm và vốn sống chứ không phải những kiến thức giáo điều trong sách vở rằng thế nào là viết văn, thế nào là viết báo...

Maria đùa, nói tôi có thể viết một cuốn sách về chuyện tình yêu giữa tôi và Jan. Sau này đợi Jan xuất viện, chúng tôi có thể xuất bản và trở nên nổi tiếng.

- Em đang viết mà, bằng tiếng Việt. Nhưng lại chẳng có thời gian để dịch ra tiếng Anh cho Jan đọc. - Tôi uống cạn cốc bia đen đặt trước mặt. Đó hình như là cốc thứ ba trong một buổi chiều.

- Jan có thể đợi tới ngày đó mà! - Maria đặt bàn tay của chị lên tay tôi. - Rồi cậu ta sẽ ổn thôi!

Ông bác sĩ nói đúng. Jan mạnh mẽ một, tôi phải mạnh mẽ mười. Nếu tôi cứ tiếp tục yếu đuối như thế này, Jan mà biết hẳn sẽ buồn lắm. Cho dù phần trăm thành công không lớn, nhưng chúng tôi luôn nắm trong tay cơ hội. Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận mất Jan. Tôi biết Jan sẽ chiến đấu đến cùng. Chúng tôi phải lạc quan, nhất định phải lạc quan.

Buổi tối hôm ấy, tôi vào bệnh viện, nắm tay Jan và kể.

- Chiều nay, em ngồi uống bia với Maria. Em uống tới cốc thứ ba mới nhớ ra hồi trước anh dặn không được phép uống say khi không có anh ở cạnh. - Tôi mân mê nghịch những ngón tay hiện đầy gân xanh của Jan - Tự nhiên, em ghét anh kinh khủng. Tuần sau, phẫu thuật rồi, anh còn không chịu khỏe lại để đi uống bia với em, em sẽ gọi điện rủ Jim cho anh xem!

- Coi chừng tửu lượng anh ta còn kém hơn em nữa đó! - Tôi kéo máy thở ô xi ra để Jan có thể nói chuyện một chút.

- Hừ, anh lúc nào cũng khinh thường người khác! Khỏe lại thì mời người ta một chầu bia, đọ sức xem ai thắng!

- Anh nghĩ lại rồi, em rủ anh ta cũng được - Jan nở nụ cười yếu ớt - Nhưng đừng uống say, anh sẽ không thể tới đưa em về đâu!

- Sao anh lại không thể tới đưa em về? Đừng nói với em anh đang có ý định hẹn hò với người khác nhé? Là cô y tá tóc vàng phải không, em biết mà...- Tôi tìm cách nói đùa để cuộc nói chuyện bớt căng thẳng đi một chút.

- Đồ ngốc này, em không thể hỏi một câu bớt ngớ ngẩn đi được hả?

Câu hỏi quen thuộc vang lên trước khi hai mí mắt khép lại, Jan ngủ ngon lành. Sau khi giúp anh đắp lại chăn, tôi ngồi thụp xuống chân giường. Những giọt nước mắt rơi ra trong im lặng.

- Suỵt! - Tiếng động từ giường kế bên. Thằng bé học lớp Năm còn chưa ngủ.

- Cháu chưa ngủ sao, nhóc con? - Tôi gạt nước mắt hỏi.

- Nếu chú ấy thấy cô khóc, chú ấy nhất định sẽ rất buồn. Cháu biết! - Thằng bé thì thầm trong đêm tối. Chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ từ vầng trăng ban đêm chiếu qua ô cửa kính xuống nền nhà.

- Nhóc con, đến giờ ngủ rồi! Cô cũng ngủ đây, chúc cháu ngủ ngon! - Tôi ngả lưng xuống chiếc giường thấp đặt bên cạnh. Từ vị trí này, tôi có thể nhìn thấy mẹ thằng bé đang ngủ rất say. Hẳn, bà đã có một ngày dài mệt mỏi, chạy đi chạy lại, lo lắng cho cậu con trai bé nhỏ.

- Cháu ngủ cả ngày rồi, chán ơi là chán! Nhưng cô này, trong lúc cháu ngủ, cháu nghe thấy tiếng mẹ khóc. Rất nhiều lần, nhưng cháu chẳng biết làm gì cả. - Thằng bé không chịu giữ im lặng. - Cháu thấy rất buồn. Cháu nghĩ, chú ấy cũng rất buồn...

Tôi nhắm mắt, cố giữ nhịp thở đều đều để thằng bé ngỡ rằng tôi đã ngủ. Quả đúng như thế, hai phút sau, thằng bé trở mình và độc thoại.

- Cô giống hệt mẹ cháu, thường ngủ quên khi nghe cháu nói chuyện. Giờ cháu cũng đi ngủ vậy! Chúc cô ngủ ngon!

***

Hai ngày trước khi Jan phẫu thuật. Lúc tôi tỉnh dậy, chiếc giường bên cạnh đột nhiên trống không. Jan cũng không biết họ đã đi đâu. Tôi chạy ra, gõ cửa phòng ông bác sĩ già.

- Cô biết điều gì tệ hơn việc phải nói với người bệnh rằng họ đã bị ung thư không?

Im lặng.

- Đó là phải hít một hơi thật sâu để nói với họ rằng về nhà có lẽ tốt hơn, họ sẽ nhận được sự chăm sóc tốt hơn từ những người thân trong gia đình.

Tôi khựng lại. Thằng bé lanh lợi ấy mắc một căn bệnh ung thư dạng hiếm, khoa học chưa thể tìm ra cách chữa. Kéo dài thời gian ở trong bệnh viện không thể mang lại kết quả tích cực. Tốt hơn, gia đình thằng bé nên đưa nó về nhà, và yêu thương nó...

Nguyên ngày hôm đó, trời u ám đến mủi lòng. Có lẽ sắp hết mùa hè và những vệt nắng cũng chẳng còn vấn vương thành phố này nữa.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx