sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 6: Sứ Quán

Lúc tôi chính thức được nhận làm phát thanh viên Đài Mátxcơva, cũng là lúc ở Liên Xô mở đại sứ quán Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Phần lớn là tách những người quê miền Nam trong sứ quán Việt Nam trước đây và trong Bộ Ngoại giao ờ Hà Nội làm nhân viên của sứ quán mới đó (mà lúc đầu chỉ gọi là cơ quan đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng) nhưng một số nhân vật chủ chốt thì vẫn đưa từ các vùng giải phóng sang - người của miền Nam "thứ thiệt".

Ở ban tiếng Việt Đài Mátxcơva thời đó có Platon Skrjinxky làm trưởng phòng phiên dịch. Thời gian qua báo chí Việt Nam cũng có viết về ông, mà tiểu sử của ông khá độc đáo thật. Xuất xứ ở Ucơraina, vào thời phát xít Đức chiếm đóng, ông còn là thanh niên. Và giống như nhiều thanh niên bản xứ có làm những nhiệm vụ lặt vặt do chính quyền Đức giao cho. Cụ thể Platon được giao gác kho đạn. Song đến khi quân Đức rút khỏi, ông đã đi theo. Tôi không biết cái gì là nguyên nhân chính khiến ông ra đi. Có thể là ông sợ, và rất có lý, chế độ Xtalin trở lại, sẽ tàn sát những người từng dính líu dù chỉ là nhẹ đến chế độ Đức chiếm đóng, nói chi là đã "cộng tác" với chế độ đó. Cũng có thể giống như bất cứ chàng trai nhà quê nào muốn biết đây biết đó thôi. Thậm chí đơn giản nhất - bị quân đội Đức ép phải đi... Tới Đức một thời gian, ông bị đưa vào quân đội đi chiến đấu ở Pháp. Song trên mặt trận Đức-Pháp, ông đã "quay súng" về với Résistance [Phong trào kháng chiến chống Đức của người Pháp.--Người duyệt bản]. Sau chiến thắng, ông sống ờ Pháp một thời gian rồi được điều động vào Légion Internationale [Đoàn quân viễn chinh gốc quốc tế của Pháp.-- Người duyệt bản] đi chiến đấu ở Việt Nam. Và ở mặt trận đó, ông vẫn phát huy truyền thống: quay súng. chống lại chính những người đã giao cho mình khẩu súng đó. Ông đã về với phía Kháng chiến Việt Nam. Ông lấy một cô gái Bến Tre làm vợ, và có một con gái. Rồi vẫn tiếp tục tham gia chiến đấu "chống thực dân Pháp".

Hiệp định Genève (1954) được ký, ông phục viên. Vê Bến Tre ông phát hiện là vợ đã có chồng mới, và con gái Janine của ông đang bế thằng em nhỏ, không khác gì các cô con gái Việt Nam nhỏ tuổi đảm đang. Ông liền bỏ đi, dẫn con gái ra Bắc theo luồng tập kết. Ở Hà Nội một thời gian, ông xin về Liên Xô. Sau đó ông ở lại Mátxcơva, trở thành một trong những người Liên Xô đầu tiên biết tiếng Việt Nam ở Mạc Tư Khoa. Nay ông đã về hưu, còn cô con gái Janine vẫn làm phiên dịch ớ Đài, và là bạn thân của tôi.

Trở lại chuyện Sứ quán: vào những năm ấy do mới thành lập, họ muốn xuất bản "bản tin" bằng tiếng Nga để giới thiệu với các cơ quan báo chí, giới ngoại giao, công chúng Liên Xô... về sự có mặt của mình, về hoạt động của Chính phủ lâm thời và về "đường lối độc lập" của họ đối với Sứ quán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Từ đó cho đến tận giờ phút này, tôi đã liên tục chứng kiến sự đố kỵ nặng nề giữa Bắc và Nam Việt Nam ngay trong giới Cộng sản - một điều mà người phương Tây cũng như người Việt ở bên kia chiến tuyến ít tính đến, bởi họ muốn chứng minh rằng cuộc kháng chiến ở miền Nam là do Cộng sản miền Bắc giật dây.

Tóm lại là họ đã đề nghị Platon cộng tác với họ trong việc dịch bản tin ra tiếng Nga.

Lúc đó không khí Liên Xô sau "ôttêpel" [tức giai đoạn "xả băng"] của thời Khrutsôv lại bắt đầu u ám. Mọi cuộc tiếp xúc với người nước ngoài đều phải đăng ký chính thức. Tất nhiên đối với người ở Đài, nhất là bộ phận đối ngoại thì điều đó dễ dàng hơn, nhưng nếu nói "cộng tác" thì... Tóm lại Platon đã từ chối. Với phía Việt Nam, ông giải thích rằng ông không có thì giờ rỗi. Với tôi ông cho biết rằng nếu bị phát hiện thì an ninh Liên Xô sẽ hiểu nhầm vì họ đã quá nặng thành kiến đối với lý lịch của ông. Nhưng tôi thì nghĩ khác nữa: đơn giản là bất chấp "truyền thống quay súng", ông không muốn trở lại với người chủ mà ông đã thoát một lần rồi. Và có lẽ là các đoạn đời trước kia của ông chỉ là các giai đoạn trên một con đường bất tận cùng tiến đến tự do.

Và thế là ông đã giới thiệu tôi.

Tôi thì đồng ý ngay. Máu nghề nghiệp, tính liều lĩnh, màn khói bí mật và cả tiền thù lao không nhỏ - đó là tất cả những yếu tố khiến tôi dễ dàng chấp nhận và thực hiện một cách say mê công việc đó. Tôi thường nhận những văn bản tiếng Việt từ tay những người không quen, rồi trao lại lần nào cũng cho người mới nữa, không hề biết tên, và ít khi nói chuyện. "Thù lao" lại nhận ở những người khác nữa, không hề có việc ký nhận. Việc đó đã kéo dài khoảng hai năm, và cuối cùng, tôi đã được làm quen với một người đứng ra tổ chức việc xuất bản đó. Bây giờ rất tiếc tôi không còn nhớ tên ông. Đó là một cuộc gặp gỡ lần đâu nhưng cũng là lần cuối của tôi với ông. Ông đã hết hạn, chuẩn bị về nước. Ông mời tôi cùng ăn một bữa tối ờ khách sạn Praha khá sang trọng của Mátxcơva hồi ấy. Chúng tôi đã cùng uống bia đen của Tiệp Khắc, và đã nói chuyện thân mật. Ông đã cảm ơn tôi vì sự hợp tác, và hẹn gặp nhau ở Việt Nam.

Từ đó tôi không hề gặp lại ông, cũng không còn tham gia "hoạt động bí mật" với Sứ quán. Bản tin đó có gián đoạn một thời gian, và sau đó có xuất hiện lại nữa chăng cũng là ngoài sự hợp tác của tôi.

Đợt thứ hai trong quan hệ của tôi với Sứ quán chỉ xẩy ra khi tôi trở thành người phụ trách chuyên mục phát thanh dành cho công nhân Việt Nam và gia đình họ. Khi đó, qua mấy bài viết trên báo chí Liên Xô và Việt Nam và với hòm thơ, hàng tuần có đến hàng chục lá thư, đơn khiếu nại của những người Việt Nam tuyệt vọng về những bất công mà hoàn cảnh của họ trên đất Liên Xô đã tạo cho họ, tôi bắt đâu có mối liên hệ thường xuyên với Ban lao động của Sứ quán. Ban đầu vì uất ức ở chỗ họ không làm gì được để bảo vệ công nhân khỏi sự lộng quyền, mà vẫn đeo đuổi chính sách đem con bỏ chợ, tôi đã có thành kiến đối với họ và thường rất vui mừng mỗi khi nhận được thư của thính giả, nguyền rủa họ không giúp gì được cho công nhân Việt Nam và chỉ ca ngợi Đài Mátxcơva là người duy nhất có thể góp phần giải quyết những vướng mắc của công nhân. Một mặt bị các xí nghiệp của Liên Xô bóc lột không thương tiếc, mặt khác không được cán bộ của mình giúp đỡ bảo vệ. Tôi rất cảm động khi trong thư công nhân viết rằng có kêu Sứ quán, nhưng Sứ quán vẫn làm thinh v.v... Chỉ có Đài Mátxcơva mới quan tâm đến anh em. Nhưng dần dần khi làm quen chặt chẽ với cán bộ Ban lao động, tôi đã thấy rõ là họ thậm chí có muốn giải quyết cũng không nổi, bởi vì ngay từ trong phôi thai "hợp tác lao động" là một thứ quái gờ nhằm bóc lột sức lao động rẻ tiên của công nhân Việt Nam mà không có quy chế nào bảo vệ quyền công dân sơ đẳng của họ. Điều này đã bộc lộ rõ ngay từ vãn bản Hiệp định liên chính phủ, và một khi hai hệ thống quan liêu bao cấp đã cấu kết với nhau như vậy thì việc giải tỏa không phải thuộc về tầm tay của Sứ quán, ngay nếu như có muốn. Vào thời gian đó, tôi đã gặp họ thường xuyên, tham gia các hội thảo và hội nghị tổng kết, động viên người Việt Nam, chỉ trích các xí nghiệp Liên Xô; và ở Sứ quán đã tạo nên cảm giác "Irina là người của phía Việt Nam". Thật sự, chúng tôi có sự hợp tác trong nhiều trường hợp, có đi cùng những chuyến điều tra xuống các đơn vị trong lãnh thổ Liên Xô, và nếu đối với tôi, sự phối hợp với Ban lao động đã mang lại nhiều điều bổ ích trong việc giải quyết các vấn đề được nêu trong thư, thì đối với Sứ quán, chắc chắn sự quan tâm của Đài Mátxcơva cũng là một điều tích cực. Họ bao giờ cũng ngại "gây sự" với báo chí, bất chấp những bài vở quá khích chống lại công nhân Việt Nam, thỉnh thoảng xuất hiện trên báo chí Liên Xô. Thường sau một bài như thế, tôi được mời lên, và họ "trả lời phỏng vấn" về những bài vở phiến diện của báo chí Liên Xô đó. Chúng tôi luôn luôn sẵn sàng phát, bởi vì mọi người ở Đài Mátxcơva đều thống nhất ý kiến rằng người Việt Nam khuyết điểm một, thì phía Liên Xô khuyết điểm mười. Nên đối với báo chí Liên Xô đáng lẽ tập trung vào những điều tự phê vẫn có lý hơn là "vạch mặt" bên kia. Sự việc cứ như thế cho đến khi... trong các bài của các nhà báo Liên Xô trên báo chí ở nhà, và cả của tôi trên báo chí Việt Nam bắt đầu khai thác chủ đề về "trách nhiệm" của cả hai bên, và nhất là chuyển từ việc đối lập, một bên là Việt Nam, một bên là Liên Xô sang cách đối lập khác: một bên là hệ thống quan liêu hai nước cấu kết với nhau, một bên là những người lương thiện bình thường chịu hậu quả của sự cấu kết đó. Tột đỉnh của các tài liệu đó là những bài của báo chí Liên Xô và Việt Nam tập hợp trong tập san Lửa tim do Đài Mátxcơva phát hành cho người Việt Nam tại Liên Xô. Mặc dù chỉ gồm những bài đã phát trên Đài rồi, nhưng tập san đó đã được phong ngay danh hiệu "phản động" và bị đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam gửi công hàm phản đối đến bộ Ngoại giao Liên Xô. Phải công nhận rằng sự tích cực bất thường của vị đại sứ phản đối các bài báo với lý do "làm tổn thương danh dự của người Việt", trong khi hàng ngày và hàng tháng, những dùi cui của cảnh sát dã chiến Liên Xô vẫn nện xuống đầu những người Việt Nam vô tội ở sân bay Sêrêmêchievô, hay hàng loạt người Việt khi bước tới các cửa hàng Liên Xô muốn kiếm cái gì đó bằng đồng rúp "gỗ" của mình để gử về gia đình, thì liền bị mắng mỏ, đuổi đi và nghe đủ mọi luận điệu lăng mạ, xúc phạm, trong khi vẫn không hề có những ý kiến phản đối từ phía vị Đại sứ - thì đó là một điều gây chấn động ở Bộ Ngoại giao. Từ đó quan hệ giữa tôi với Sứ quán bước vào giai đoạn mới. Từ "Irina bảo vệ người Việt Nam" tôi đã bị chuyển sang là kẻ phản động có hại, và người Việt Nam bình thường bị cấm duy trì liên hệ với tôi.

Song những cuộc gặp gỡ chính thức (họp báo, trả lời phỏng vấn) thì các ông vẫn chấp nhận tôi, và có lẽ còn tưởng rằng những điều tôi làm là theo lệnh cấp trên.

Trong khi đó, ở Ban tiếng Việt của Đài Mátxcơva, dư luận cũng không đồng nhất. Một mặt người ta phẫn uất vì thái độ của Sứ quán đối với tôi không hay, nên đối với cả Ban cũng có lạnh nhạt. Ngay kỷ niệm 40 năm phát thanh tiếng Việt, mà các anh chị em trong Ban cũng không có những phần thưởng hay bằng khen gì đó của phía Việt Nam.

Mặt khác, những hoạt động nhằm ủng hộ những người dân chủ đa nguyên ở Việt Nam, mà tôi tiến hành ở Liên Xô trên báo chí, khiến bạn bè và đồng nghiệp kính trọng tôi và... biết đâu như trưởng ban nói: "vào một ngày nào đó, những thủ lĩnh mới của Việt Nam sẽ ghi công mày, và qua mày cả ban tiếng Việt sẽ được ghi công".

Trời ơi! Liệu điều đó có sớm xẩy ra không???


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx