sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 10: Trần Tiến

TRẦN TIẾN

"Hồng Hà mùa thu, Hà Nội mùa thu, một ngày mùa thu đầy gió, con sáo sang sông bạt gió, con xít thương ai lội sông..."

Khi một ông bạn người Việt, từ Paris thông báo rằng: ông Thành Tín quyết định góp tiếng nói của mình vào phong trào đòi dân chủ, đa nguyên, thì tôi cắt ngang giọng nói phấn khởi của bạn bằng câu: "Đối với Irina, ông Thành Tín là một người đã từ chối không đăng bài viết về Trần Tiến!"

Và quả thật, biết bao công sức, trí tuệ, tình cảm do tôi bỏ vào việc tổ chức cho Trần Tiến sang diễn ở Liên Xô mà lại bị từ chối từ phía một tờ báo Việt Nam, về bài viết hết sức có lợi cho chính Việt Nam trong không khí chung "chống Việt Nam" ở Liên Xô lúc đó - thì thật là một điều quá đáng...

Mọi việc bắt đầu từ một bài phê bình nhỏ, đăng trên tờ Nhân Dân trong đó tác giả quả quyết rằng: đối với thanh niên Việt Nam thể loại bài hát hiện đại và nhạc rốc nói chung là điều xa lạ và không chấp nhận được. Những bằng chứng mà tác giả dẫn ra, chính là loạt bài hát "Trắng Đen" của Trần Tiến, và đoàn nhạc cùng tên 1. Chắc là các bạn cũng từng gặp cảnh tương tự khi đọc báo: ví dụ mình chưa hề nghe nói gì cả, nhưng tự nhiên bắt gặp một bài "cải chính" kiểu như "tin về vụ (gì đó) đã xẩy ra (ở đâu đó) là không đúng sự thật." Thì cũng gần bằng với việc thông báo rằng chính vụ đó đã có! Trường hợp này cũng tương tự. Đọc xong bài viết tuy ngắn, nhưng thể hiện đây đủ trình độ thấp kém của người viết, tôi hiểu ngay rằng Trần Tiến là một "hiện tượng nghệ thuật" có giá trị, mặc dù trước đó tôi chưa được nghe về anh. Tôi liền nẩy ra ý nghĩ làm quen và mời anh sang Liên Xô biểu diễn. Ít lâu sau tôi.đã gặp anh ở Sài Gòn, và tiếp đó đã gửi cho anh giấy mời sang giới thiệu các bài hát của mình ở Mátxcơva và một vài thành phố khác, phối hợp với một ban nhạc nghiệp dư của sinh viên Mátxcơva.

Về sau anh kể rằng: làm thủ tục đi thì không khó nhưng về sau, càng gần tới ngày đi thì càng có nguy cơ bị chặn lại. Cho nên anh cũng phải dùng "thủ đoạn" - đi không đúng chuyến ghi trong vé, mấy ngày cuối, trước khi lên đường, thì không về nhà, ngủ lại nhà bạn bè v.v.

Ở Mátxcơva, tôi cũng rất lo không biết chuyến đi có thực hiện được không, nhất là vì một người bạn vốn có tài "tiên tri" nói rằng "thậm chí một phần trăm khả năng đó cũng không có"?

Nhưng cuối cùng, mọi việc cũng đâu vào đấy. Anh đến Mátxcơva với một cây đàn ghi-ta gỗ, một cây sáo thổi của dân tộc Tây Nguyên, cũng như với trái tim và cặp mắt rộng mở sẵn sàng đón mọi cái hay và cái dở của một đất nước mà anh chưa biết.

Phải nói là tôi với anh đã bất đồng với nhau nghiêm trọng về nhiều vấn đề, nhất là về đánh giá cách tổ chức cuộc biểu diễn đó: anh thì quen với lối làm việc của các "ông bầu" ở nhà, nên cho rằng ở Mátxcơva tổ chức quá xoàng, nhưng tôi chỉ là một nhà báo "cá thể" luôn luôn vấp vào một bức tường mỗi khi nêu lên vấn đề dựng chương trình của một nghệ sĩ Việt Nam: không cần biết nghệ sĩ đó ra sao, tài hay kém, đẹp hay xấu, bài hát ra sao v.v... (dĩ nhiên tôi nói về thái độ của các giới tổ chức các buổi biểu diễn loại "hảo hạng" ăn khách, chứ không phải là loại biểu diễn "hữu nghị" tại các hội trường chính thức của Đảng và Nhà nước thường có trợ cấp của chính quyền đối với các đoàn chính thức của Mông Cổ, Việt Nam và Triều Tiên). Cho nên tôi vẫn tự hào và hài lòng với những gì tổ chức được. Bởi vì xưa nay làm gì có trường hợp mà người Liên Xô đi đường lại xin chữ ký của một người Việt Nam nào đâu? Như điều đó thường xẩy ra với Trần Tiến sau chương trình giới thiệu anh trên màn ảnh truyền hình Mátxcơva chẳng hạn. Phải nói tôi đã cần nhiều công sức, sử dụng hết tài thuyết phục của mình, nhưng cũng sợ nói như vậy với anh thì anh dễ tự ái. Tóm lại, tôi cứ hài lòng và anh cứ bất bình.

Một điều khác luôn luôn gây khổ cho anh, là anh phải hát cho công nhân Việt Nam. Nói cho đúng hơn, riêng việc hát đó, anh cũng đã chấp nhận và còn thích nữa là khác, nhưng anh khổ tâm với "dư luận" chung quanh cái đó từ phía "giới văn nghệ" người Việt ờ Mátxcơva: sinh viên và nghiên cứu sinh gần một chục trường nhạc, sân khấu, điện ảnh v.v... chẳng mấy khi bớt chút thì giờ và tài năng quý báu của họ để đem vui cho đối tượng đồng bào "lao động hợp tác" - những con tin khốn khổ của chế độ quan liêu cộng sản hai nước.

Trần Tiến thì khác, và tôi tin sau này anh sẽ có nhiều dịp nhớ lại công chúng đầy lòng cảm tạ đó - công nhân gần chục thành phố Liên Xô mà chúng tôi đã đến. Đối với tôi, một kỷ niệm sâu sắc là gặp một nhóm dân Zigan du mục trên chiếc tầu lắc lư chạy qua miền Trung nước Nga bát ngát. Bao nhiêu thiên kỷ dân Zigan nổi tiếng về yêu nhạc và yêu tự do, và hôm ấy trên tầu họ với anh Tiến gặp nhau ở chỗ đó. Một buổi biểu diễn "tùy hứng" của hai bên đã xẩy ra trong toa tầu, mang lại niềm vui không phai mờ cho tất cả mọi người chứng kiến.

Sau ba tháng chúng tôi cùng về Hà Nội, sau đó vào Sài Gòn, và qua đó, tôi mới hiểu được thực chất "bi kịch" Trần Tiến.

Khi ở Hà nội tôi đã thấy rõ đó chính là môi trường của anh, một nơi mà cách nói của người Nga: ngay "từng viên đá lát đường đều tiếp sức sống". Tuổi thơ ấu và thanh xuân đẹp nhất và cũng đầy bất công nhất của anh trải qua ở đây, nhưng cuối cùng anh có cảm giác như ở đây không có đất cho anh và cho sáng tác của anh. Anh thường một mực khẳng định: "ở Sài Gòn anh là vua" nhưng tôi thấy điều đó không đơn giản như thế. Nếu ở Hà Nội anh tiếp xúc với thế giới bên ngoài bằng tất cả cái gì cao thượng nhất và thiêng liêng nhất của tâm hồn thì ở Sài Gòn anh chỉ là một nghệ sĩ, và nếu là vua, thì là vua của giới bụi đời. (Anh cũng không giấu việc này, và bằng tài năng của nghệ sĩ càng làm nổi bật cái "image" đó của mình.) Trong sâu tâm khảm anh không thể không khổ vì giới sang trọng ờ Sài Gòn cũ, cũng như những "thổ công" ờ đây không chấp nhận anh.

Nhưng vì Hà Nội từng phản bội anh, còn Sài Gòn đã từng cứu lấy anh, nên có lẽ anh cho rằng không còn đường trở về...

Còn có một việc mà anh yêu cầu tôi đừng phổ biến, nhưng tôi vẫn thấy nên nêu ở đây: Anh có một khả năng kỳ lạ, mà nếu anh muốn sử dụng nó thì anh đã trở thành triệu phú như chơi (ít nhất là ở nước ngoài). Chúng tôi gọi đó là "đoán từ xa". Ta viết hay vẽ cái gì trên mảnh giấy nhỏ, rồi xé và đốt nó đi. Còn Trần Tiến, sau khi tập trung một lúc (nhắm mắt, thân thể nghiêng nghiêng về phía sau, mặt ngửa lên) đoán chính xác hình ảnh hay chữ viết kia. Chúng tôi tiến hành nhiều lần - tôi bắt đầu từ những bức vẽ đơn giản và kết thúc bằng các câu thơ anh Nguyễn Đức Nam sáng tác tặng tôi thủa nào - lần nào anh cũng đoán trúng. Song sau mỗi lần như thế, anh cảm thấy mệt mỏi, tay lạnh, trán ướt mồ hôi - như sau một đợt lao động nặng nhọc.

Một điều nữa, tôi đoán những ai trông thấy chúng tôi đi với nhau ở Liên Xô hoặc ở Việt Nam, cũng muốn biết về quan hệ riêng của tôi với anh. Tất nhiên với một con người vô cùng có duyên này, tôi không thể thờ ơ. Nhưng khi cơn "bị chày" qua đi, tôi cũng đã chuyển từ đòi hỏi sang đồng cảm.

--------------------------------

1 Trần Tiến được công chúng yêu nhạc biết đến qua một vài ca khúc như Dấu chân tròn trên cát, Tạm biệt chim én, Ngọn lửa Cao nguyên... Năm 1988 chủ trương ban nghạc "Rock Trắng Đen" trình diễn vài đềm ở các trung tâm văn hoá lớn của thành phố thì bị cấm. 1989 sang Liên Xô. Đang chuyển sang nhạc kịch tác phẩm Quỷ ở với người của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx