sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Chương 11: Đồng Nghiệp

Rõ ràng trong thời gian lâu năm làm việc ở Ban tiếng Việt Đài phát thanh Mátxcơva, tôi có sự gần gũi đặc biệt với các đồng nghiệp Việt Nam. Đó là các chuyên gia do Đài phát thanh Hà Nội cử sang Mátxcơva, từng nhiệm kỳ ba năm đọc trên sóng và địch bài. Quan hệ riêng của tôi với họ, có khi tốt, có khi xấu nhưng dù muốn hay không thì chúng tôi cũng phải tiếp xúc với nhau trong vòng sáu tiếng đồng hồ một ngày - là một khoảng thời gian mà người cùng một gia đình cũng chưa chắc tiếp xúc với nhau thường xuyên như thế.

Đầu tiên tôi biết ơn họ, bởi đó là cơ hội để trau dồi tiếng Việt rất quí đối với chúng tôi, và một điều nữa: đó là dịp hiếm có để "nghiên cứu những "type" người Việt Nam rất khác nhau trong bầu không khí tương đối tự nhiên.

Mặc dù mang tên "chuyên gia", nhưng họ chẳng có gì ưu thế so với mọi ngạch người Việt Nam khác trên đất Liên Xô. Đặc biệt so với chuyên gia hàng chục nước khác công tác ở Đài Mátxcơva, thì lương bổng và điều kiện sống của họ bao giờ cũng kém rất nhiều. Phần lớn tiền lương của họ được chuyển cho nhà nước Việt Nam, họ hưởng riêng chỉ bằng lương thấp nhất của một cô thư ký mới vào nghề làm việc ở Ban. Tất nhiên giống như mọi người Việt Nam khác, họ phải tìm những khoản thu nhập phụ, và vì nhiều người trong họ có nghề nghiệp dịch và đọc vững vàng, nên họ kiếm được tương đối dễ dàng những công việc phụ, ví dụ như dịch hay thuyết minh phim v.v.... chứ không cứ bán và buôn như nhiều người khác. Một điều nữa, muốn hay không, hàng ngày họ cũng phải có từng ấy giờ lao động trí óc khá căng thăng, nên cũng khác với nhiều người Việt Nam ở Liên Xô thường bỏ hết chất xám của mình vào việc "làm kinh tế".

Thường thường sau khi từng nhóm chuyên gia hết hạn về nước, tôi vẫn giữ quan hệ với họ, và thấy rằng bất chấp những khó khăn đã trải qua ở Mátxcơva, đối với họ, sau thời gian làm việc ở Đài chúng tôi, nếu không phải là một bực thang trên đường đi lên, thì ít nhất cũng là một thời kỳ sáng sủa trong đời.

Trong số họ, anh Ba Thế - trên làn sóng lấy tên Trần Phương - là một người vừa điển hình vừa độc đáo Anh làm việc ở Đài Mátxcơva trong hai nhiệm kỳ và điển hình ở chỗ suốt năm, sáu năm trời đều lĩnh lương bằng số tiền trợ cấp một người thất nghiệp, hay nói cách khác - theo lời của chính anh - là làm một phần ba lương của cô bé công nhân dệt, con gái một thủ trưởng Đài Tiếng nói Việt Nam đi "hợp tác lao động". Còn sự độc đáo là ở chỗ anh là phát thanh viên chuyên nghiệp, suốt ba mươi năm trời trong phòng thu, bên Micro, có thời ờ Hà Nội, có thời ở Đài Sài Gòn - anh là một người khiêm tốn, nhưng cũng có một sự tự trọng rất dễ chấp nhận, bởi vì nó dựa trên một trình độ nghề nghiệp điêu luyện.

Anh sống ở Mátxcơva lặng lẽ, ít quan hệ, nói chung là nghèo, nhưng thường chơi hoa và cắm hoa rất đẹp. Một điều làm chúng tôi đặc biệt gắn bó là cả hai cùng nghiện cà phê. Anh pha cà phê rất giỏi, và biết thưởng thức cà phê ngon. Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng: sau này anh về hưu, mở một quán cà phê ở Sài Gòn, khi đó tôi cũng sẽ sang làm "chuyên gia" chỗ anh, và sẽ quảng cáo: quán cà phê Trần Phương có bà đầm rửa ly."

Quen nhau như vậy gần sáu năm trời, nhưng đối với tôi, ấn tượng mạnh nhất vẫn là ngày anh về nước.

Đó là thời điểm mà sự lộn xộn ở sân bay Sêrêmechievô đã đạt tới mức cao nhất. Tôi nhớ mãi hình ảnh anh, vai đeo đàn ghi-ta, đâu đội mũ phớt, nét mặt nhẫn nại và bình tĩnh. Tôi là người đi tiễn. Anh có nhiều đồ, bởi vì về hẳn, nhưng vẫn chưa đủ một trăm cân như đã ghi trên qui định.

Chúng tôi đã vượt thành công trở ngại đầu tiên, đã vào được sân bay và đến chỗ hải quan, mặc dù đối với hàng chục hành khách khác, đó cũng không phải là điều dễ dàng. Trước cảnh sát dã chiến, anh vẫn đứng hiên ngang, còn tôi thì lẩm bẩm cái gì đó, nào là "phóng viên" nào là "nghệ sĩ" v.v. Tóm lại vào được đến chàng hải quan. Kiểm tra giấy tờ xong, hắn vô cùng ngạc nhiên, vì anh có ít hàng quá, nên đâm nghi ngờ là có giấu vàng hay đá quí gì đó. Hắn lôi anh vào một góc, đề nghị cho kiểm tra từng túi áo quần... tôi thì đỏ mặt vì xấu hổ, nhưng anh vẫn bình tĩnh. May là không có thì giờ để bàn luận thêm về việc đó, bởi xong khâu hải quan, tôi với anh lao về phía cân đồ. Vượt lên trên hàng chục người Việt Nam đang chen chúc ở đó, tôi chìa chiếc vé cho cô cân (khâu này cũng phải làm nhanh, không thì "hết chỗ"). Cô ta bấm nút, trên màn ảnh nhỏ thông báo rằng... không có tên anh trong danh sách. Về sau tôi được biết là vì chuyến này số vé bán okê gấp hai lần so với sức chở của máy bay, nên cần phải khẳng định lại mỗi một hành khách. Nhưng bà lo lấy vé ở Đài không thể biết điều đó. Như vậy, không có tên thì anh không bay được, và còn phải trả tiền phạt cho Aerôflôt! Nguy cơ này khiến tôi phải chạy lên lầu 7 của sân bay, nơi có nhóm thủ trưởng sân bay ngồi đó. Cuối cùng, đã thuyết phục được họ nhận người... nhưng không thể nhận hành lý quá tải, vì không có đăng ký trước. Tôi trở lại chỗ anh đứng, đưa cho anh tikét lên máy bay, gửi một chiếc va ly vào baga, rồi đi kiếm các bao nilông có thể xách tay lên buồng cabin được và bắt đầu phân phối tất cả đồ còn lại vào các bao. Giữa một biển sóng, những con người cuồng lên uất ức và nguyền rủa, đầy tiếng chửi và nước mắt của hành khách không có chỗ và không gửi được đồ, mặc dù có vé đàng hoàng trong tay, thì anh vẫn bình thản với mũ phớt và đàn ghi-ta trong tay. Cuối cùng, tôi xong mọi việc nhét hàng vào bao, hai chúng tôi cầm, xách, đeo vô số bao, túi trông giống như hai cây thông nôel treo đủ thứ đồ chơi, tiến đến chỗ kiểm tra hộ chiếu. Nơi đó được coi là khu vực biên phòng, nên người tiễn thường không được vào. Song tôi muốn đề phòng trường hợp hộ chiếu quá hạn, tấm hình không giống người, hay cái gì đó tương tự - bởi vì anh không biết nói tiếng Nga, và thậm chí có thì cũng không biết nói gì trong những trường hợp đó. Nhưng không, khâu này thì mọi việc đều ổn. Lần đầu tiên, trong vòng mấy tiếng đồng hồ, chúng tôi có dịp nhìn thẳng vào mắt nhau. Tại sao khi từ giã chính anh, đất nước tôi đã thể hiện hết sự quá đáng của mình? Muốn giữ anh lại chăng? hay muốn anh không bao giờ trở lại? Tôi ôm lấy anh, và anh hôn lên tay tôi. Trong sâu mắt anh tựa như có đám mây trôi qua...


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx