sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nhơn Vật Tượng Trưng Cho Nước Nhựt: Đông Tà

Xét về mặt địa lý thì nước Nhựt ở phía đông Trung Quốc. Trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung có nói đến Đông Tà thì nhơn vật mang ngoại hiệu này đã thường xuất hiện với bộ áo màu xanh. Cứ theo vũ trụ quan của người Trung Hoa thì màu xanh thuộc hành mộc và liên hệ với phương đông. Vậy, việc Đông Tà mặc áo màu xanh nhấn mạnh thêm chỗ vị trí của nước Nhựt ở phía đông Trung Quốc. Mặt khác, căn cứ của Đông Tà là một hòn đảo mang tên là đảo Đào Hoa, mà nước Nhựt lại gồm một số đảo và được nổi tiếng trên thế giới là xứ của hoa anh đào.

Trong bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, Kim Dung cho biết rằng lúc nhỏ, Đông Tà rất sợ lửa, vì có một vị thiền sư đắc đạo đoán rằng số ông có thể vì lửa mà bị chết non. Điều này có thể dùng để ám chỉ việc các đảo Nhựt có nhiều núi lửa và thường bị động đất làm cho nhơn dân bị thiệt hại nhiều và rất sợ hoả hoạn. Trước Thế Chiến II, lúc chưa phát minh được kỹ thuật giữ cho nhà khỏi bị sập vì động đất, người Nhựt không dám xây dựng cao ốc bằng xi-măng cốt sắt, mà chỉ cất nhà nhẹ bằng tre vào gỗ để ít bị tai nạn khi có động đất làm cho nhà sập. Nhưng chính vì cất nhà bằng tre và gỗ nên dân Nhật không dám dùng lò sưởi hay dùng hệ thống nước nóng nấu bằng dầu để sưởi nhà cho ấm vào mùa đông, bởi lẽ làm như vậy thì rất dễ bị nạn cháy cả thành phố khi có động đất. Phương pháp cổ truyền của dân Nhựt để chống lại sự lạnh lẽo của đêm đông là tắm nước thật nóng cho người nóng ran lên trước khi lên giường ngủ và nhờ đó mà chỉ cần đắp mền kín là khỏi bị lạnh trong khi ngủ. Chỉ sau này, khi đã phát minh kỹ thuật giữ cho nhà khỏi sập vì động đất, người Nhựt mới cất những cao ốc bằng xi-măng cốt sắt và theo phương pháp Tây Phương sưởi nhà bằng lò sưởi hoặc dùng dầu nấu nước nóng phân phối cho các phòng ốc. Chúng ta cũng được biết rằng thời Thế Chiến II, các cuộc oanh tạc của Mỹ trên các thành phố Nhựt, nhứt là thủ đô Đông Kinh, đã gây những nạn cháy kinh khủng vì nhà cửa phần lớn cất bằng gỗ và tre.

Ngoài ra, chúng ta cũng nên lưu ý rằng Đông Tà là người họ Hoàng. Trong ngôn ngữ Trung Hoa, hoàng có nghĩa là màu vàng. Do đó, ta có thể nghĩ rằng Kim Dung dùng họ Hoàng để nói lên việc dân tộc Nhựt là một dân tộc da vàng. Dân tộc này vốn có mối liên hệ chặt chẽ với dân tộc Trung Hoa. Mối liên hệ giữa hai bên đã được Kim Dung ám chỉ trong tên của bà vợ Đông Tà. Trong VÕ LÂM NGŨ BÁ, bà này có tên là Hương Điệp, nhưng trong ANH HÙNG XẠ ĐIÊU thì tên mà Đông Tà khắc trên mộ vợ lại là Mai Hương. Sự khác biệt này có thể là một điều sơ xuất của tác giả VÕ LÂM NGŨ BÁ trong trường hợp bộ truyện này không phải do chính Kim Dung viết ra. Nhưng cũng có thể chính Kim Dung đã viết cả hai bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và có ý bảo rằng bà vợ của Đông Tà đã đổi tên sau khi ra đảo Đào Hoa. Dầu sao thì Mai Hương cũng có nghĩa là mùi thơm của hoa mai, mà hoa mai lại được người Trung Hoa xem như là quốc hoa, tức là loài hoa biểu tượng cho nước họ. Sự kiện bà vợ Đông Tà mang tên Mai Hương có thể có nhiều ý nghĩa khác nhau. Nó có thể ám chỉ rằng dân tộc Nhựt rất gần với dân tộc Trung Hoa về mặt chủng tộc, nhưng cũng có thể biểu tượng cho việc dân tộc Nhựt đã thấm nhuần văn hoá Trung Hoa.

1. Ảnh hưởng sâu đậm của văn hoá Trung Hoa đối với dân tộc Nhựt đã được Kim Dung mô tả trong thân thế của Đông Tà. Nhơn vật này đã theo học Châu Đồng là một trong những vị anh hùng của Lương Sơn Bạc và là thầy của một vị danh tướng Trung Hoa nổi tiếng trung cang là Nhạc Phi. Trưóc khi theo học Châu Đồng, Đông Tà đã là một thư sinh học theo Nho Giáo. Từ khi làm môn đệ Châu Đồng, ông đã học thêm về võ nghệ, nhưng vẫn không xao lảng việc học văn. Bởi đó, ông là người văn võ kiêm toàn. Không những thuộc các sách vở điển tich Trung Hoa, ông còn biết hết các môn võ thuật lưu hành ở Trung Quốc. Hơn nữa, ông cũng rất thông thạo về các thú tiêu khiển của người Trung Hoa là cầm, kỳ, thi, hoạ, làm được thơ phú, bài ca, thổi tiêu rất hay, lại nắm vững mọi loại kỹ thuật Trung Hoa như y dược, bói toán, chiêm tinh, tướng số, nông điền, thủy lợi, binh lược v.v.. Nếp sống của ông là nếp sống của người Trung Hoa thuộc hạng giàu sang. Ông biết thưởng thức các món ăn ngon, các thứ rượu và trà quý của Trung Quốc. Thuyền và nhà của ông được trang trí bằng gấm tốt, bằng những danh hoạ, những sách hay hiếm có, những cổ ngoạn đắt tiền. Tuy nhiên, Đông Tà lại là người thâm hiểu Đạo Giáo và hướng về sự thanh tĩnh vô vi.

2. Ngoài ngoại hiệu Đông Tà, ông lại còn được gọi là Dược Sư. Trong các bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Kim Dung đã cho biết rằng Đông Tà đã chế ra nhiều môn thuốc trị thương, chữa bịnh hay bổ dưỡng. Tuy nhiên, y dược chỉ là một trong các kỹ thuật ông học được và ông không phải chuyên môn dùng kỹ thuật đó để đi cứu người hay hại người như các nhơn vật mang hiệu Dược sư hay Dược Vương trong các bộ truyện võ hiệp khác. Do đó, chúng ta có thể nghĩ rằng danh hiệu Dược Sư được dùng để gọi ông kế bên ngoại hiệu Đông Tà ắt có một dụng ý đặc biệt. Chúng ta có thể nhận thấy rằng trong tin tưởng Phật Giáo Đại Thừa thạnh hành của phương đông là Đức Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Như thế, danh hiệu Dược Sư của Đông Tà có thể dùng để ám chỉ rằng dân tộc Nhựt là một dân tộc ở phía đông Trung Quốc và có theo Phật Gíáo Đại Thừa. Vậy, với lối mô tả thân thế Đông Tà, Kim Dung đã cho thấy rằng dân tộc Nhựt đã theo học văn hoá Trung Hoa và đã có một nền văn hoá chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa về mọi phương diện.

Nói chung lại thì Đông Tà đã biết rõ các kỹ thuật của Trung Hoa về mặt đạo đức, ông đã có học giáo lý các tôn giáo lớn của Trung Hoa, đặc biệt là Nho Giáo và Đạo Giáo. Ông có một tinh thần thoát tục và có những tánh tốt được dân tộc Trung Hoa đề cao là ngay thẳng, cương trực và nói ra thì giữ lấy lời. Ông đã nhiều khi ra tay cứu giúp những người yếu thế chống lại bọn tham quan ô lại và bọn trộm cướp hiếp đáp dân lành. Ngoài ra ông cũng rất kính trọng các trung thần liệt sĩ. Tuy nhiên, ông lại không được Kim Dung liệt vào hạng người theo chánh đạo mà lại bị xem là một nhơn vật nhuốm đầy tà quái. Điều này có nghĩa là theo ý Kim Dung thì mặc dầu thấm nhuần văn hoá Trung Hoa và chánh thức theo quan niệm Trung Hoa về đạo đức, người Nhựt không phải hoàn toàn theo văn hoá Trung Hoa, cũng không phải cư xử đúng theo quan niệm đạo đức của người Trung Hoa.

Tuy có học các môn võ thuật Trung Hoa, Đông Tà đã không dùng các môn ấy mà tự sáng chế ra một số môn võ riêng cho mình như Lạc Anh Chưởng, Phách Không Chưởng, Tảo Diệp Thoái, Ngọc Tiêu Kiếm Pháp, Đạn Chỉ Thần Công … Một trong các võ khí của Đông Tà là cây ngọc tiêu. Tiếng tiêu của ông thổi có thể êm đềm hoà dịu, nhưng cũng có thể khêu gợi các tình cảm của người một cách mãnh liệt, nhứt là bản Thiên Ma Vũ Khúc kích thích dục tình rất mạnh mẽ và có thể làm cho người nghe điên loạn được. Để bảo vệ căn cứ của mình, Đông Tà đã dựa vào Kỳ Môn Bát Trận của Khổng Minh mà lập ra một Phản Kỳ Môn Bát Trận, bao trùm gần hết đảo Đào Hoa. Trận đồ của Đông Tà cũng dựa vào các nguyên tắc sinh khắc, âm dương, ngũ hành, nhị thập bát tú và 64 quẻ kép của Bát Quái cùng các đặc tánh của các quẻ đó như trận đồ của Khổng Minh. Tuy nhiên, trong các trận đồ của Đông Tà, vị trí các quẻ lại ngược lại vị trí các quẻ trong trận đồ Khổng Minh.

Với các chi tiết trên đây, Kim Dung ám chỉ rằng tuy có học theo văn hoá Trung Hoa, người Nhựt vẫn có những sáng chế của mình và có khi biến chế văn hoá Trung Hoa để áp dụng cho mình. Về tôn giáo thì ngoài Nho Giáo, Phật Giáo và Đạo Giáo, họ còn có một tôn giáo là Thần Đạo. Về văn tự, tuy có dùng chữ Hán, họ lại có những thứ chữ đặc biệt cho họ là katakana và hiragan. Về võ thuật, họ có các môn đặc sáng như Nhu Đạo (Judo), Hiệp Khí Đạo (Aikido), Kiếm Đạo ( Kendo) … Nhơn cuộc hoà tấu giữa Đông Tà và Tây Độc trên đảo Đào Hoa, Kim Dung đã cho biết rằng công phu của Đông Tà thể hiện qua tiếng tiêu thuộc nhu tánh, trái với công phu Tây Độc thể hiện qua tiếng đàn tranh thuộc cương tánh. Với chi tiết này, Kim Dung đã ám chỉ rằng môn võ tiêu biểu cho kỹ thuật tranh đấu của người Nhựt là Nhu Thuật về sau được biến chế để thành ra Nhu Đạo.

Riêng sự kiện Đông Tà dựa vào Kỳ Môn Bát Trận của Khổng Minh để lập Phản Kỳ Môn Bát Trận có thể được Kim Dung dùng để ám chỉ việc người Nhựt thay đổi thứ tự của các mục tiêu chánh trị so với quan niệm Trung Hoa. Từ ngàn xưa, người Trung Hoa đã hướng đến lý tưởng thế giới đại đồng và trong tư tưởng của họ, việc bình thiên hạ là mục tiêu tối hậu, trị quốc chỉ cốt để dọn đường cho việc bình thiên hạ. Người Nhựt, trái lại, đã lấy việc xây dựng cho quốc gia mình hùng cường làm mục tiêu tối hậu và chánh sách đối ngoại của Nhựt luôn nhắm vào việc phục vụ riêng cho nước Nhựt chớ không phải hướng đến việc làm lợi cho mọi dân tộc như nhau theo lý tưởng đại đồng của Trung Hoa.

Qua việc mô tả võ công và kỹ thuật bảo vệ căn cứ của Đông Tà, Kim Dung đã cho thấy phần nào sự khác nhau giữa người Nhựt với người Trung Hoa. Việc đặt quyền lợi dân tộc lên trên lý tưởng đại đồng đã là một điểm dị biệt quan trọng. Ngoài ra, việc Đông Tà dùng tiếng tiêu để kích thích dục tình con người một cách mãnh liệt còn hàm ý rằng người Nhựt không theo đúng trung dung của người Trung Hoa mà thiên về sự túng dục, giống như người Tây Phưong mà biểu tượng là Tây Độc như chúng tôi sẽ trình bày trong đoạn nói về nhơn vật sau này. Một biểu lộ khác của sự thiếu tự chế của người Nhựt là việc Đông Tà quá bi thương về cái chết của vợ đến mức muốn chết theo bà, và gần như điên cuồng khi nghe nói con gái là Hoàng Dung cũng đã chết. Vậy, theo Kim Dung, người Nhựt đã nhiễm một số ác tật của người Tây Phương. Do đó, ông mói gọi nhơn vật tượng trưng cho họ là Đông Tà, đối chiếu lại Tây Độc.

Các đặc lánh của người Nhựt cũng đã được Kim Dung mô tả qua tâm tánh và lối xử sự của Đông Tà. Nhơn vật này vốn cao ngạo ương gàn, không xem thiên hạ ra chi. Khi ông muốn làm gì thì ông nhứt quyết làm cho bằng được, bất chấp dư luận. Ông đã huấn luyện môn đồ và con gái ông theo tinh thần trọng thực danh, không câu nệ tiểu tiết, có thể trộm cắp, cướp giựt của người những khi cần. Trong thực tế, Đông Tà đã có đủ phương tiện ăn xài huy hoắc và lập một căn cứ vừa kiên cố vừa sang trọng là vì ông đã dựa vào võ công siêu tuyệt của minh để đi lấy tiền của người giàu có hoặc đi tống tiền các tiêu cục lớn làm ăn phát đạt. Ông đã điềm nhiên nhận lãnh danh hiệu kẻ cướp mà người ta gán cho ông. Ông đã tìm mọi cách chiếm cho được CỬU ÂM CHƠN KINH và đã dùng cách bắt nhốt Châu Bá Thông để nhờ sự tỷ thí với ông này mà học các bí pháp chiến đấu của phái Toàn Chân.

Qua sự mô tả này, Kim Dung đã cho thấy rằng trái với người Trung Hoa thiên về lý thuyết và quay lưng lại khoa học thực nghiệm, người Nhựt đã hướng nhiều hơn về sự thực hành và đã tỏ ra tha thiết học về khoa học thực nghiệm. Họ đã dùng mọi biện pháp để học hay đánh cắp các phương pháp chế tạo hữu hiệu của các dân tộc khác đem về áp dụng trong nước họ. Mặt khác, người Nhựt cũng đã tỏ ra thái quá trong sự tự hào về nòi giống mình cũng như trong ý chí bành trướng thế lực. Thời trước, hải tặc Nhựt đã cướp bóc thương thuyền các nước trên biển, có khi còn đổ bộ lên cướp bóc trên lãnh thổ Trung Hoa. Sau khi canh tân và trở thành cường thạnh, nước Nhựt còn đi xâm chiếm thuộc địa và trước Thế Chiến II, đã nghiễm nhiên xưng danh là Đế Quốc Nhựt Bổn, chớ không xấu hổ khi bị công kích về chánh sách đế quốc của mình.

1. Trong sự đối xử với kẻ khác, Đông Tà nhiều khi tỏ ra gian giảo và tàn độc. Lúc mới gặp Trung Thần Thông lần đầu ở hoang đảo Đông Tà đã dùng lối thổi ống tiêu khích động tâm thần của Trung Thần Thông, nếu ông này định lực yếu kém thì không khỏi bi tẩu hỏa nhập ma, chết ngay tức khắc. Để có CỬU ÂM CHƠN KINH mà nghiên cứu, Đông Tà đã bày mưu gạt Châu Bá Thông đánh cuộc với mình, và dùng thủ đoạn xảo trá để thắng cuộc, với mục đích làm cho Châu Bá Thông phải trao CỬU ÂM CHƠN KINH cho vợ mình đọc. Trong việc làm này, ông đã khai thác tánh ngây thơ của Châu Bá Thông và việc Châu Bá Thông không biết rằng bà vợ của Đông Tà có khả năng thuộc lòng một bản văn khó hiểu sau khi đọc bản văn ấy một lần. Bộ hạ Đông Tà gốc là những người tàn ác bị Đông Tà bắt được rồi cắt lưỡi, đâm lủng tai cho trở thành câm điếc để dùng.

Sau khi hai người đệ tử là Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong trái môn qui tư tình nhau rồi đánh cắp CỬU ÂM CHƠN KINH để trốn đi, Đông Tà đã trừng phạt các đệ tử khác bằng cách cắt đứt gân chơn của họ rồi đuổi ra khỏi đảo Đào Hoa, mặc dầu các đệ tử này vô tội. Khi gặp lại Mai Siêu Phong, mặc dầu đã thấy là lúc nghe tin mình bị hại, bà này tỏ ý sẵn sàng đi báo thù cho mình, Đông Tà vẫn không tha tội và cấy vào khớp xương sổng của bà một cây phụ cốt châm có tẩm chất độc, chất độc này mỗi ngày vận hành sâu lần làm cho người bị hình phạt đau đớn không chịu nổi. Đông Tà chỉ hoãn cho phụ cốt châm này không hành hạ Mai Siêu Phong ngay và đặt ba điều kiện cho Mai Siêu Phong thi hành để được tha hẳn. Trong các điều kiện này, có việc tìm phần CỬU ÂM CHƠN KINH mà vợ chồng bà đã đánh cắp rồi làm một cuộc điều tra để giết tất cả ai đã đọc qua tài liệu này, và việc tự hủy phá công phu mà bà đã học trong CỬU ÂM CHƠN KINH đã đánh cắp. Nhưng tuy khắc nghiệt đổi với đệ tử Đông Tà lại không chấp nhận cho người khác đụng đến đệ tử của mình, dầu cho họ có lỗi lầm sai quẩy.

2. Những điều trên đây cho thấy rằng trong con mắt Kim Dung, nước Nhựt không ngần ngại dùng bất cứ phương tiện nào để đạt các mục tiêu của mình và các thủ đoạn cùng phương pháp hành động bạo tàn của nước ấy đã được áp dụng không những cho người ngoại quốc mà cho cả người công dân Nhựt, mặc dầu lúc nào nước Nhựt cũng tận lực binh vực các công dân của mình đối với người ngoại quốc. Điều đáng để ý là tuy đã bi thầy đối xử một cách hết sức tàn nhẫn ác độc và bắt theo một kỷ luật rất gắt gao, bọn đồ đệ của Đông Tà đều hết sức tôn trọng thầy và tuyệt đối trung thành với thầy. Lục Thừa Phong cũng như Khúc Linh Phong đã hoàn toàn tuân theo môn qui của Đông Tà, không hề dạy con các môn võ mình đã học với ông. Riêng Khúc Linh Phong tuy bị Đông Tà làm cho tàn tật đã lén vào cung vua nhà Tổng đánh cắp các đồ trân bảo và các danh hoạ với mục đích đem dâng cho thầy về sau. Phùng Mặc Phong thì đến già vẫn nhớ đến thầy và tận lực chiến đấu bảo vệ thanh danh của thầy. Ngay đến Mai Siêu Phong cũng đã liều mạng đỡ đòn của Tây Độc thay thầy và do đó mà phải chết. Nhưng trước khi chết, bà đã tự làm cho hai tay bi gãy để hủy diệt các công phu Cửu Âm Bạch Cốt Trảo và Tồi Tâm Chưởng đã học trong CỬU ÂM CHƠN KINH mà vợ chồng bà đã đánh cắp của thầy, theo điều kiện mà Đông Tà đã đặt ra cho bà trước đây. Khi được Đông Tà ngỏ lời khen ngợi và nhìn nhận lại là đệ tử trung thành, bà hết sức vui mừng và lạy thầy đến chết.

Các sự kiện trên đây đã được dùng để mô tả tinh thần ái quốc và sự trung thành không bờ bến mà nước Nhựt đã đào tạo được cho con dân mình bằng một kỳ luật rất nghiêm ngặt và một chánh sách khắc nghiệt. Ta có thể nhận thấy rằng các đệ tử của Đông Tà dầu trước có tên gì thì cũng đều đổi lại tên Phong khi về đảo Đào Hoa. Chữ Phong ở đây có nghĩa là gió, giồng như chữ Phong trong danh từ nổi tiếng của Nhựt làThần Phong (Kamikaze). Thần Phong nguyên là danh từ dùng để chỉ trận bão lớn năm 1281 đã làm đắm nhiều chiến thuyền của hạm đội Mông Cổ được lịnh tiến đánh nước Nhựt, làm cho nước này khỏi nạn bị xâm chiếm. Trong thời Thế Chiến II, người Nhựt đã dùng danh từ Thần Phong để đặt cho các đội phi công cảm tử tình nguyện lao phi cơ chứa đầy chất nổ của mình xuồng các chiến hạm Đồng Minh và nổ tung với các chiến hạm này, với hy vọng giữ cho nước Nhựt khỏi thua trận.

Các tên Huyền Phong, Siêu Phong, Thừa Phong, Linh Phong, Mặc Phong của đám đệ tử Đông Tà đều có liên hệ với danh từ Thần Phong. Nó cho thấy rằng họ tiêu biểu cho tinh thần cảm tử của người Nhựt trong thời từ Thế Chiến II trở về trước. Ngoài họ ra, Đông Tà không còn huấn luyện người đệ tử nào khác trong tinh thần đó. Khi trở về già, Đông Tà có lúc đã tỏ ra hối hận vì đã xử sự quá khắc nghiệt với học trò mình. Những điều này dùng để ám chỉ rằng sau Thế Chiến II, mặc dầu còn tồn tại như một đại quốc, nước Nhựt đã thay đổi chánh sách và không còn quá khắc nghiệt đối với công dân mình như trước.

Một điểm khác đáng lưu ý là Đông Tà có biệt tài dùng ám khí và ám khí thường được ông dùng là các mũi kim vàng. Qua hình ảnh này, Kim Dung có thể muốn nói đến việc người Nhựt dùng kinh tế làm một võ khí đề bành trướng thế lực. Trong lịch sử cận đại, hai lực lượng chi phối chánh sách của nước Nhựt là quân phiệt và tài phiệt. Nhóm tài phiệt được hình thành từ trước khi nước Nhựt canh tân. Không những góp phần vào việc canh tân này, nó còn giúp vào việc bành trưởng thế lực của nước Nhựt. Trong khi chánh sách của quân phiệt dựa vào việc dùng võ lực một cách trắng trợn thì chánh sách của tài phiệt lại dựa vào phương tiện kinh tế và có tính cách kín đáo hơn, nhưng cũng rất có hiệu lực. Bởi đó, Kim Dung đã ví nó như là việc dùng những cây kim vàng làm ám khi đề làm tê liệt địch thủ của mình.

Nói chung lại thì trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung có nói đến Đông Tà, có nhiều chi tiết cho rằng tác giả các bộ truyện ấy đã dùng nhơn vật này để ám chỉ nước Nhựt. Ta có thể nhận thấy rằng trong Võ Lâm Ngũ Bá đã luận võ trên đỉnh núi Hoa Sơn lần đầu chỉ có ông là còn sống đến kỳ luận võ lần chót và vẫn giữ nguyên ngoại hiệu Đông Tà không thay đổi. Chi tiết này được dùng đề chỉ việc chế độ chánh trị Nhựt xây dựng chung quanh uy quyền của Thiên Hoàng đã tồn tại qua dòng thời gian từ đời thượng cổ đến ngày nay.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx