sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Nhơn Vật Có Liên Hệ Đến Phái Toàn Chân Sau Vương Trùng Dương: Quách Tĩnh Và Dương Khang

Sau khi Tôn Văn chết, không còn vị chánh khách Trung Hoa nào được toàn thể người Trung Hoa tôn trọng, cũng như sau khi Vương Trùng Dương chết, không còn người nào trong phái Toàn Chân có được tầm vóc của ông trừ Châu Bá Thông, nhưng Châu Bá Thông lại không được đứng vào địa vị lãnh đạo phái này. Bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU có nói đến hai nhơn vật có liên hệ đến phái Toàn Chân là Quách Tĩnh và Dương Khang.

1. Quách Tĩnh đã học nội công với đại đệ tử của Vương Trùng Dương là Mã Ngọc, nhưng không được Mã Ngọc nhận làm học trò. Sau đó ông đã thờ Bắc Cái làm sư phụ, mà như chúng tôi sẽ trình bày sau. Bắc Cái là một nhơn vật tượng trưng cho Liên Sô và Đảng Cộng Sản Quốc Tế.

Mặt khác, Quách Tĩnh đã có thêm nhiều công lực nhờ hút được huyết con rắn quí của Lương Tử Ông. Con rắn này nguyên là một con rắn độc màu đen, nhưng sau khi được Lương Tử Ông nuôi lâu năm bằng những loại trân dược, nó trở thành đỏ như huyết. Như chúng tôi sẽ trình bày trong đoạn nói về Tây Độc, con rắn là một biểu tượng của nền văn hoá Tây Phương. Ngoài ra, hiện nay, người ta thường dùng màu đen để biểu tượng cho cánh hữu bảo thủ và màu đỏ để biểu tượng cho cánh tả cách mạng. Các chi tiết trên đây cho thấy rằng con rắn của Lương Tử Ông được dùng để ám chỉ chủ nghĩa Cộng Sản. Triết lý của chủ nghĩa này vốn phát xuất từ biện chứng pháp của Hegel là một nhà học giả hữu phái của nước Đức. Karl Marx là học trò của Hegel; ông đã biến biện chứng pháp Hegel thành biện chứng pháp duy vật và làm nền tảng cho hệ thống tư tưởng cách mạng vô sản của mình. Kim Dung đã dùng con rắn đỏ để chỉ biện chứng pháp duy vật của Karl Marx. Biện chứng pháp duy vật thiên tả này vốn phát xuất từ biện chứng pháp hữu phái của Hegel, cũng như con rắn đỏ của Lương Tử Ông vốn là con rắn đen bị đổi màu sau khi được nuôi lâu năm bằng trân dược.

Vậy, Quách Tĩnh biểu tượng cho một nhơn vật Trung Hoa có một sở học khá vững về nền văn hoá cổ truyền của nước mình, nhưng sau đó, đã theo chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx và gia nhập Đảng Cộng Sản Quốc Tế. Trong các chánh khách Trung Hoa quan trọng xuất hiện sau Tôn Văn, người thích ứng hơn hết với các chi tiết trên đây là Mao Trạch Đông.

Trong hai bộ ANH HÙNG XẠ ĐIÊU và THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Quách Tĩnh đã không nhận lãnh quan chức của triều đình nhà Tống mà ông cho là hủ bại với những ông vua ham mê tửu sắc và những viên quan hèn nhát gian nịnh. Nhưng ông đã cùng với viên trấn thủ thành Tương Dương (nay là Tương Phàn trong tỉnh Hồ Bắc) lãnh đạo cuộc tranh đấu chống lại các cuộc tấn công của quân Mông Cổ. Những điều này có thể so sánh với các việc Mao Trạch Đông tuy không thuận với chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc, nhưng đã cùng chánh phủ này lãnh đạo cưộc kháng chiến chống Nhựt.

Trong phần kết cuộc của bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Quách Tĩnh lại được công nhận làm Bắc Hiệp hay Bắc Cái trong số Võ Lâm Ngũ Bá. Với sự kiện này, Kim Dung đã muốn nêu ý kiến là Mao Trạch Đông xứng đáng cầm đầu Cộng Sản Quốc Tế hơn là các nhà lãnh đạo Sô Viết kế vị cho Staline. Ta không nên lấy làm lạ về quan điểm này vì khi viết bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP, Kim Dung đã bớt thiện cảm với Cộng Sản Nga, nhưng vẫn còn hoan nghinh Trung Cộng.

2. Dương Khang vừa là người anh em kết nghĩa với Quách Tĩnh, vừa là người đã nhiều lần chống chọi lại Quách Tỉnh. Lúc ban đầu, ông được Khưu Xứ Cơ là sư đệ của Mã Ngọc thâu nhận làm đệ tử. Vậy, ông chánh thức là người của phái Toàn Chân. Nhưng ông đã được Hoàn Nhan Liệt là một thân vương nước Đại Kim nuôi từ nhỏ và xem như con ruột. Một mặt vì thương mến và thâm cảm ơn nuôi dưỡng tử tế, một mặt vì luyến tiếc sự giàu ang của vương thất nước Đại Kim mặc dầu nước ấy đang ở vào lúc sắp bị diệt, Dương Khang đã tiếp tục trung thành với Hoàn Nhan Liệt ngay cả lúc đã được biết chắc là vị vương giả này thật sự là người thù đã làm hại cha mẹ ruột mình. Dương Khang cũng có một đôi lần bị mối thù cha mẹ thúc giục nên có ý định làm hại Hoàn Nhan Liệt, nhưng lần nào ông cũng bỏ qua ý định đó.

Cứ theo lời mô tả của Kim Dung thì Hoàn Nhan Liệt có thể xem như là tiêu biểu cho phe đế quốc xâm lược. Về phần Dương Khang thì nhơn vật chánh trị thời cận đại gần với hình ảnh của ông nhiều hơn hết là Uông Tinh Vệ. Ông này vốn là một nhà ái quốc chống lại nhà Thanh và là một nhơn vật hợp tác chặt chẽ với Tôn Văn trong Trung Hoa Quốc Dân Đảng.

Trong thời kỳ chống lại nhà Thanh, ông Uông Tinh Vệ đã tỏ ra rất dũng cảm. Khi bị bắt lúc hãy còn rất trẻ, ông đã không sợ hãi mà còn làm một bài thơ để biểu lộ ý chí mình như sau:

Yên thị là cái chợ ở Yên Kinh, tức là Bắc Kinh ngày nay, nơi nhà Nguyên do người Mông Cổ thành lập dùng làm kinh đô. Lúc người Mông Cổ đánh Nam Tống thì một nhà ái quốc Trung Hoa là Văn Thiên Tường đã mộ quân chống lại họ. Ông bị bắt và bị cầm tù ở Bắc Kinh ngày nay vì không chịu đầu hàng. Trong khi ở trong ngục, ông làm bài Chánh Khí Ca để biểu lộ lòng trung nghĩa bất khuất của mình, và về sau đã bị người Mông Cổ xử tử ở Bắc Kinh.

Sở tù là người tù nước Sở. Đó là danh hiệu để chỉ Chung Nghi, một người nước Sở bị bắt làm tù binh, nhưng trong khi bị địch giam giữ vẫn có vẻ ung dung và giữ lề lối ăn mặc cư xử của nước mình.

Vậy với bài thơ trên đây, ông Uông Tinh Vệ đã lấy gương Văn Thiên Tường và Chung Nghi ra để biểu lộ ý chí của mình không chịu khuất phục nhà Thanh. Ông quyết tâm giữ thái độ ung dung như Chung Nghi và nếu có bị xử tử thì sẵn sàng ca hát một cách khảng khái ở pháp trường như Văn Thiên Tường, chỉ mong cho đao của người giám trảm chặt cho ngon để không uổng công chém cái đầu của một người thiếu niên như mình.

Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập, ông Uông Tinh Vệ trở thành một người cộng sự mật thiết với ông Tôn Văn và là một trong những người tranh quyền lãnh đạo với Tưởng Giới Thạch. Ông rất muốn cho Trung Quốc canh tân theo nước Nhựt để trở thành cường thạnh, nhưng dĩ nhiên không thể không tán thành việc nước Nhựt chinh phục Trung Quốc. Tuy nhiên, một mặt vì không chấp nhận quyền lãnh đạo của ông Tưởng Giới Thạch, một mặt vì đặt chủ trương chống lại Trung Cộng trên chủ trương chống Nhựt nên về sau, ông đã chịu thành lập một Chánh Phủ Trung Hoa hợp tác với người Nhựt khi nước Nhựt xâm lấn Trung Quốc. Do đó, Uông Tinh Vệ đã bị đa số người Trung Hoa hiện đại lên án về chỗ đã hợp tác với kẻ thù của nước mình. Nếu quả thật Kim Dung dùng Dương Khang để biểu tượng cho Uông Tinh Vệ thì ông đã theo xu hướng chung của đồng bào ông.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx