sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Nhơn Vật Tuợng Trưng Cho Các Nước Thuộc Đệ Tam Thế Giới Nói Chung Và Nước Thái Lan Nói Riêng

Trong cuộc luận võ đầu tiên ở Hoa Sơn, ngoài Trung Thần Thông, Đông Tà, Tây Độc và Bắc Cái, lại cỏn có Nam Đế. Nhơn vật sau này đã được Kim Dung đem đối chiếu lại với Bắc Cái một cách đặc biệt. Về địa vi xã hội thì hai bên thật là khác nhau: một người tuy giữ chức vụ Bang Chủ một bang hội lớn nhưng dầu sao cũng là một kẻ ăn mày, còn một người thật sự là vua. Nhưng trong việc mô tả Nam Đế, tác giả VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU lại có một xuất lệ đáng để ý như khi mô tả Bắc Cái.

Trong vũ trụ quan của người Trung Hoa, giữa các phương hướng vả ngũ hành cùng các mẩu sắc, có sự liên hệ mật thiết với nhau. Các tiểu thuyết gia Trung Hoa viết truyện võ hiệp thường dùng các chi tiết biểu lộ sự liên hệ này trong các tác phẩm của họ. Đối với Trung Thần Thông, Đông Tà và Tây Độc, Kim Dung cũng đã làm như vậy.

Nhưng như ta đã thấy, ông đã không áp dụng nguyên tắc biểu lộ sự liên hệ giữa phương hướng, ngũ hành vả màu sắc khi mô tả Bắc Cái. Ông đã dùng cái hồ lô màu đỏ và cây gậy tre màu xanh lá cây làm tiêu biểu cho vị Bang Chủ Cái Bang mặc dầu phương bắc liên hệ hành thủy và màu đen. Đó là vì nhơn vật Bắc Cái đã được ông dùng để tượng trưng cho Liên Sô lãnh đạo Đảng Cộng Sản QuốcTế. Phương nam vốn liên hệ đến hành hỏa và màu đỏ, mà màu đỏ đã được dùng để mô tả Bắc Cái nên tác giã VÕ LÂM NGŨ BÁ và ANH HÙNG XẠ ĐIÊU không còn dùng nó và hành hoả để nói đến y phục và tài nghệ của Nam Đế. Điều này xác nhận rằng y như Bắc Cái, Nam Đế không phải là một cao thủ võ lâm thông thường mả là một nhơn vật tượng trưng cho một nước.

Nước được Nam Đế tượng trưng nói một cách tổng quát là nước đang mở mang trong Thế Giới Đệ Tam, và nói một cách đặc biệt hơn là nước Thái Lan.

Ta có thể nhận thấy rằng hiện nay, cuộc tranh chấp giữa các nước đã kỹ nghệ hóa một bên, và các nước đang mở mang một bên, đã được gọi là cuộc tranh chấp Bắc-Nam. Vậy, phương bắc là phương tập trung các nước kỹ nghệ hóa, còn phương nam thì tập trung các nước đang mở mang, và phương nam nói chung có thể dùng để chỉ các nước thuộc Thế Giới Đệ Tam.

Mặt khác, Nam Đế chính là vua nước Đại Lý, một nước được thành lập trong lãnh thổ của tỉnh Vân Nam ngày nay. Nước này đã có từ đời nhà Đường (618-907) vả ban đầu gọi là nước Nam Chiếu. Nó đã có lúc rất cường thạnh và vào thế kỷ thứ 9, lúc đất nước ta còn bị nhà Đường cai trị dưới tên là An Nam, người Nam Chiếu đã nhiều lần đem binh lấn đánh. Nước Nam Chiếu về sau đổi tên lại là Đại Mông, rồi Đại Lễ, đến đầu đời nhà Tống (960-1276) ở Trung Quốc mới lấy tên là nước Đại Lý.

Nhơn dân nước Đại Lý này vốn thuộc nòi giống Thái. Khi người Mông Cổ quật khởi lên vào thế kỷ thứ 13, và đánh chiếm các nước thì nhà vua Mông Cổ tên Mông Kha, (về sau được gọi là Nguyên Hiến Tông, t.v. 1251-1259) đã sai em là Hốt Tất Liệt (về sau nối ngôi anh và được gọi là Nguyên Thế Tổ, t.v. 1260-1294) mở cuộc tấn công nhà Tống. Nhơn dịp này, Hốt Tất Liệt đã cho một bộ tướng của mình là Ngột Lương Hợp Thai vào nước Đại Lý và chiếm thủ đô nước ấy năm 1253. Sau đó, lãnh thổ Đại Lý bị sát nhập luôn vào bản đồ Trung Quốc thành tỉnh Vân Nam. Viên tướng đem binh đánh Đại Lý và con Hốt Tất Liệt là Hốt Kha Kích được phong làm Vân Nam Vương đều là những nhơn vật có liên hệ đến lịch sử Việt Nam. Chính Ngột Lương Hợp Thai đã đem binh sang đánh Việt Nam lần thứ nhứt dưới đời nhà Trần năm 1257, cỏn Vân Nam Vương thì đã nhiều lần lấy thế lực uy hiếp Việt Nam nên đã được Trần Hưng Đạo nói đến trong bài hịch khuyên răn các tướng sĩ ông viết năm 1284. Khi nước Đại Lý mất, một số người dân nước ấy đã di cư về phía nam, một bộ phận vào nước Lào, một bộ phận đến ở với người Thái trên đất Thái Lan hiện tại. Sự nhập cư của họ đã tăng cường lực lượng của người Thái và đưa đến việc thành lập tại đó một quốc gia cường thạnh, trước đây gọi là Xiêm La và ngày nay gọi là Thái Lan.

Về mặt khả năng thì Nam Đế sở dĩ có được một công lực siêu phàm không thua các cao thủ khác là vì lúc trẻ, ông đã hút được huyết của một con lươn thần. Việc này có thể đem đối chiếu với việc Trung Thần Thông và Tây Độc có được công lực siêu phàm nhờ ăn cái nấm mọc trên bã nhơn sâm hoặc uống huyết và ăn thịt con Bạch Long Xà. Nói chung thì nó dùng để ám chỉ ảnh hưởng của một nền văn hóa tối cổ đến tiềm lực một quốc gia đó làm cho quốc gia đó vững mạnh.

Nhưng Trung Quốc, các nước Tây Phương và các nước Thái Lan có những điểm giống nhau mà cũng có những điểm khác nhau về mặt này. Theo sự mô tả của Kín Dung, khi uống huyết và ăn thịt con Bạch Long Xà giữa lúc đói rét, Tây Độc đã thấy tinh thần và thể chất phấn chấn lên ngay. Điều này ám chỉ việc nền văn hóa cổ của các nước Tây Phương chỉ giúp vào sự tiến bộ của họ về mặt vật chất chớ không gây trở lực gì có thể làm nguy hại đến nền độc lập của họ. Trái lại, Nam Đế khi hút huyết con lươn thần cũng như Trung Thần Thông khi ăn cái nấm mọc trên bã nhơn sâm thì đã bị mê man ba ngày, tưởng đã phải bỏ mạng, chỉ nhờ có dị nhơn đến kịp mới cứu sống họ được và thâu nhận họ làm đệ tử. Sự kiện này đã được Kim Dung dùng để nói đến việc Trung Quốc cũng như Thái Lan tuy có nhờ nền văn hóa cổ mà có một sức mạnh tinh thần thâm hậu, nhưng cũng đã bị nền văn hóa đó ngăn trở trong việc canh tân và suýt làm cho mình bị mất nền độc lập.

Về bản chất thì thần vật đã giúp Nam Đế tăng thêm công lực là một con lươn chúa gọi là Kim Thiện Vương. Tuy là một trân vật, nó không phải thuộc loài thảo mộc tinh túy như cái nấm biểu tượng cho nền văn hóa cổ Trung Hoa, mà là một động vật còn mang thú tánh như con Bạch Long Xà biểu tượng cho nền văn hóa cổ của các nước Tây Phương. Tuy có khả năng siêu phàm nên được cho là có tánh thông linh, con lươn thần Kim Thiện Vương thật sự là một quái vật đã ăn thịt người. Quái vật này sống sâu dưới nước và được liệt vào loài cá. Điều này ám chỉ rằng nền văn hóa cổ của Thái Lan thuộc hệ thống văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á Châu. Một phần người của các dân tộc này thuở trước đã sống ở Hoa Nam. Về sau, họ bị người Trung Hoa dồn về phía nam của Trung Quốc hiện tại, và những người còn ở lại và sống trên lãnh thổ Trung Quốc thì đã bị người Trung Hoa đồng hóa. Người của các dân tộc Đông Nam Á Châu này đã được người Việt Nam và người Trung Hoa thời được gọi chung là Bách Việt và được các học giả về nhơn chủng học gọi là nòi giống lndonesian, trong khi ông Bình Nguyên Lộc lại đặc biệt gọi họ là nòi giống Mã Lai. Họ có liên hệ ít nhiều ăn dân tộc Việt Nam ta, và nền văn hóa của họ là nền văn hóa của một giống dân sống về nông nghiệp và ngư nghiệp.

Trong bộ VÕ LÂM NGŨ BÁ, Kim Dung cho biết rằng sau khi hút được huyết con lươn thần, mình Nam Đế trừ ra ở tay chơn và đầu mặt, còn thì ở chỗ khác trong châu thân đều có mọc những mụt đỏ bầm, các mụt này khi mọc rồi thì biến thành cứng rắn như vảy cá rất dày, đao thương đâm không lủng được. Nhờ đó, Nam Đế có thể chịu đựng các đòn mãnh liệt của địch thủ mà không hề hấn gì. Hiện tượng mọc vảy cá biểu lộ tánh cách thô sơ thấp kém của công lực, vì công lực cao thì hội nhập hoàn toàn vào cơ thể và không thể hiện ra ngoài. Nó có thể được Kim Dung dùng đế ám chỉ rằng về mặt võ thuật, công lực của người Thái Lan không phải chỉ dựa vào sự luyện tập mà còn dựa vào một số yếu tố ngoại lai như bùa, phép, gồng, ngải v.v... Nó cũng cho thấy rằng trong con mắt Kim Dung, nền văn hóa cổ của Thái Lan chưa đạt mực cao siêu của nền văn hóa cổ Tây Phương và dĩ nhiên là còn thua nền văn hoá cổ của Trung Hoa nhiều hơn.

Nhưng ngoài nền văn hóa cổ của mình, Thái Lan còn tiếp nhận văn hóa nước khác. Theo Kim Dung, họ Đoàn làm vua nước Đại Lý vốn là hậu duệ của một nhơn vật trong giới võ lâm Trung Hoa. Mặt khác, vị thầy đầu tiên của Nam Đế là một đạo sĩ hiệu Ngọc Động Chơn Nhơn. Như chúng tôi đã trình bày trong đoạn nói về Trung Thần Thông, Đạo Giáo đã được hai triều Đường và Tống xem như là quốc giáo, và có thể biểu tượng cho tài nghệ Trung Hoa. Vậy, với các chi tiết trên đây, Kim Dung đã cho chúng ta biết rằng Thái Lan đã có chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa.

Tuy nhiên, khi đã lớn tuổi rồi. Nam Đế lại thoái vị và xuống tóc đi tu theo Phật Giáo, với pháp danh là Nhứt Đăng Đại Sư. Người thế độ cho ông không phải là một cao tăng Trung Hoa mà là một nhà sư Thiên Trúc tức là Ấn Độ. Kim Dung đã dùng việc này để nói lên việc mặc dầu có chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, Thái Lan cốt yếu lại là một nước theo Phật Giáo, mà Phật Giáo Thái Lan là Phật Giáo Tiểu Thừa từ Ấn Độ truyền sang, chớ không phải là Phật Giáo Đại Thừa thạnh hành ở Trung Quốc. Một chi tiết khác xác nhận điều này là việc Nhứt Đăng Đại Sư rất thông hiểu Phạn ngữ. Chính ông đã dịch hộ Quách Tĩnh các câu tiếng Phạn mà Đạt Ma Tổ Sư đã viết trong CỬU ÂM CHƠN KINH.

Nói chung thì trong việc xây dựng cơ cấu quốc gia và trong chánh sách giữ nước, ban đầu Thái Lan đã chịu ảnh hưởng của nền văn hóa cổ trong nước và của Phật Giáo nhiều hơn của nền văn hóa Trung Hoa. Điều này được thể hiện trong các môn công phu của Nam Đế. Theo Kim Dung cho biết thì nhơn vật này chuyên sử dụng Tiên Thiên Công và Kim Cương Quyền. Tiên Thiên vốn có nghĩa là tự nhiên, bẩm sinh. Danh hiệu Tiên Thiên của môn công phu hàm ý rằng tiềm lực Thái Lan dựa vào các tin tưởng cổ truyền đã có từ khi dân Thái xuất hiện trên địa cầu. Kim Cương theo nghĩa đen là chất đá quí cứng rắn và trong suốt. Nhưng trong Phật Giáo, đó còn là tên của một bộ Kinh, và đồng thời là danh hiệu của các vi thần hộ pháp.

Qua việc Nam Đế sử dụng Tiên Thiên Công và Kim Cương quyền, Kim Dung muốn ám chỉ rằng nền chánh trị Thái Lan còn giữ rất nhiều yếu tố cổ truyền riêng của người Thái, đồng thời bị sự chi phối rất mạnh của Phật Giáo Tiểu Thừa. Đạo này được xem là quốc giáo, Giáo Hội có một ảnh hưởng rất lớn đối với nhơn dân cũng như đối với chánh quyền và các nhà sư được mọi người, kể cả nhà vua, rất mực kính trọng. Mặt khác, những người trong giới thượng lưu, ngay đến nhà vua, đều phải vào chùa tu một thời gian. Phong tục trên đây của Thái Lan đã được Kim Dung nói đến qua việc Đoàn Nam Đế cuối cùng đã xuống tóc đi tu. Chính vì sự kiện này và vì vai tuồng cốt yếu của Phật Giáo đối với Thái Lan mà trong cuộc luận võ kỳ chót ở Hoa Sơn, Nam Đế đã được đặt cho một ngoại hiệu mới là Nam Tăng.

Tuy nhiên, về sau, Nam Đế lại học công phu Nhứt Dương Chỉ với Trung Thần Thông, lúc ông này thấy rằng mình sắp chết và muốn truyền công phu này lại cho Nam Đế để Nam Đế đối phó với Tây Độc. Sự kiện này có thể dùng để ám chỉ việc người Thái Lan đã tiếp nhận thêm ảnh hưởng của Trung Hoa hồi thế kỷ thứ 18. Lúc ấy, một số người Trung Hoa đã được triều đình Thái Lan trọng dụng, và họ đã đóng một vai tuồng quan trọng về mặt chánh trị. Năm 1767, nước Thái Lan (thời ẩy còn gọi là nước Xiêm La) đã bị người Miến Điện tấn công và đã thảm bại. Trong cuộc tấn công này, người Miến Điện đã bắt được nhà vua Thái Lan đem về nước họ. Khi ấy, một tướng lãnh gốc Trung Hoa tên là Trịnh Quốc Anh, và mang tên Thái là Phya Taksin, đã cứu được nước Thái Lan khỏi mất. Ông đã lên làm vua nước ấy từ đó cho đến năm 1782 mới bị dòng vua hiện đang trị vì ở Thái Lan thay thế. Trong thời kỳ làm vua Thái Lan, dĩ nhiên là Trịnh Quốc Anh đã áp dụng một số kỹ thuật chánh trị của người Trung Hoa ở nước Thái Lan.

Mặt khác, chúng ta có thề nhận thấy rằng mặc dầu Trung Thần Thông là người đầu tiên luyện được Nhứt Dương Chỉ, môn đệ ông đã không học được công phu này và Nhứt Dương Chỉ cuối cùng đã trở thành công phu độc đáo của Nam Đế và môn đồ họ Đoàn. Như chúng tôi đã trình bày trong đoạn nói về Trung Thần Thông, Nhứt Dương Chỉ biểu tượng cho lý tưởng thế giới đại đồng làm cho cả thiên hạ sống yên vui hòa mục và dùng sự nhân nghĩa mà đối xử với nhau. Đó là lý tưởng của nước Trung Hoà cổ điển, nhưng nó không còn được Trung Công áp dụng khi đã nắm được chánh quyền, mà lại được các nước thuộc Đệ Tam Thế Giới hiện tại đề cao. Sự kiện này đã được Kim Dung ám chỉ qua việc phái Toàn Chân không còn biết nền công phu Nhứt Dương Chỉ vả công phu này trở thành bí quyết riêng của Hoàng Gia họ Đoàn ở nước Đại Lý.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx