sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Phần III. Diễn Trình Biến Chuyển Trong Quan Điểm Của Kim Dung Về Các Vấn Đề Chánh Trị Xét Qua Sự Tích Các Nhơn Vật Chánh Yếu Và Các Cốt Chuyện Trong Các Bộ Truyện Võ Hiệp Nổi Tiếng Nhứt Của Ông

Khi xem qua sự tích các nhơn vật tượng trưng một số quốc gia trên thế giới hay một số chánh khách Trung Quốc cận đại, chúng ta đã thấy rằng Kim Dung đã có sự thay đổi trong quan điểm của mình. Xét lại hết sự tích các nhơn vật chánh yếu và các cốt chuyện trong các bộ truyện võ hiệp nổi tiếng nhứt của ông, ta có thể nhận định sự thay đổi này một cách rõ rệt hơn.

Kim Dung vốn là người sanh trưởng trong thời kỳ Trung Quốc vừa thoát khỏi sự thống trị của triều đình nhà Thanh do người Mãn Châu xây dựng. Lúc ấy, Trung Hoa Dân Quốc đã thành lập, nhưng chưa được ổn định và chưa được trọng nể trên chánh trường quốc tế.

Nhà cách mạng Tôn Văn là người tốt, được phần lớn người Trung Hoa xem là người đã phát khởi cuộc cách mạng lật đổ nhà Thanh để giải phóng Hán tộc khỏi ách cai trị của nguời Mãn Châu và đưa dân tộc Trung Hoa vào con đường hiện đại hóa. Tuy nhiên, ông không phải làm chủ được tình thế và được trọn quyền xây dựng đất nước theo chủ trương của mình. Trong nước, hãy còn nhiều nhơn vật và phe nhóm chống đối lại ông. Trong thời đó, đã có hai chánh phủ, một ở Hoa Bắc và một ở Hoa Nam. Cả hai chánh phủ này đều không thật sự vững chắc, nhưng lại chống chọi nhau mãnh liệt. Chỉ đến năm 1928, mới có một chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc thống nhứt. Tuy nhiên, sự thống nhứt này chưa phải thực hiện hoàn toàn vì ở một số tỉnh, các đốc quân vẫn còn trọn quyền điều khiển và không thật sự tùng phục chánh phủ trung ương. Mặt khác, Trung Hoa Quốc Dân Đảng và Đảng Trung Cộng đã hợp tác với nhau thời ông Tôn Văn còn sống, lại chống chọi nhau mãnh liệt từ năm 1927. Sự hợp tác với nhau trở lại chỉ thực hiện khi người Nhựt xâm lấn Trung Quốc.

Về mặt quốc tế, phần lớn các cường quốc thời đó đã không có thái độ hoàn toàn thân hữu đối với Trung Hoa Dân Quốc.

Nước Nhựt lúc ấy đã cường thạnh và tìm cách bành trướng thế lực. Ngừơi Nhựt rất sợ Trung quốc trở thành một nước mạnh có đủ sức đương đầu lại họ. Bởi đó, họ cố đặt Trung Quốc trong vị thế phải tùy thuộc họ. Họ đã nhiều lần lấn hiếp chánh quyền Trung Hoa và từ năm 1937 đã công khai kéo quân vào chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc. Đến năm 1938, người Nhựt xây dựng một chánh quyền Trung Hoa lệ thuộc mình đặt dưới sự điều khiển của Ông Uông Tinh Vệ là một lãnh tụ Trung Hoa Quốc Dân Đảng ly khai.

Các nước Tây Phương thì không còn thái độ lăng nhục người Trung Hoa một cách quá đáng như trước. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã đưa ra chủ trương tôn trọng chủ quyền, nền độc lập và sự toàn vẹn của lãnh thổ Trung Quốc với điều kiện là Trung Quốc mở cửa giao thương với tất cả các nước. Tuy nhiên, các nước Tây Phương, kể cả Hoa Kỳ, đều không có thiện cảm với chánh quyền cách mạng của ông Tôn Văn và của những người kế vị ông. Họ đã giao thiệp với Chánh Phủ Hoa Bắc vì chánh phủ này có một chánh sách thích hợp hơn với quyền lợi họ. Chỉ đến khi Trung Quốc được thống nhứt, các nước Tây Phương mới giao thiệp với chánh quyền do những người kế vị Ông Tôn Văn lãnh đạo. Tuy có ủng hộ Trung Quốc khi Trung Quốc bị người Nhựt xâm lấn, họ chỉ giúp đỡ người Trung Hoa một cách tích cực sau khi người Nhựt khai chiến với họ năm 1941.

Riêng Liên Sô thì khi mới thiết lập chế độ cộng sản năm 1917 đã bị các cường quốc khác tẩy chay và bị cô lập trên trường quốc tế. Do đó, các nhà lãnh đạo cộng sản Nga đã bắt tay với chánh quyền Trung Hoa Dân Quốc ở Hoa Nam và đã giúp chánh quyền này xây dựng một lực lượng quân sự tân tiến. Năm 1927, chánh phủ Trung Hoa Dân Quốc dưới quyền Ông Tưởng Giới Thạch đã không còn hợp tác với cộng sản và do đó mà chấm dứt chánh sách thân hữu với Liên Sô. Tuy vậy, khi người Nhựt xâm lấn Trung Quốc, Liên Sô đã ủng hộ Trung Quốc và có giúp người Trung Hoa chống lại cuộc xâm lấn này, nhứt là qua ngả Trung Cộng.

Tình thế Trung Hoa từ lúc Dân Quốc mới thành lập cho đến khi Thế Chiến II chấm dứt đã có ảnh hướng đến quan điểm sơ khởi của Kim Dung về các vấn đề chánh trị. Lúc bé, hẳn là ông đã biết rằng trước đó, người Trung Hoa đã bị người Mãn Châu cai trị và người thuộc các dân tộc Tây Phương và Nhựt lấn hiếp lăng nhục. Lớn lên, ông đã chứng kiến việc người Nhựt chiếm đóng một phần lãnh thổ Trung Quốc và sát hại người Trung Hoa, cũng như việc người Tây Phương áp dụng một chánh sách ích kỷ có lợi riêng cho họ mà bất lợi cho Trung Quốc. Những điều này chắc chắn đã kích thích tinh thần dân tộc của Kim Dung và làm cho ông thù ghét người ngoại quốc, đặc biệt là người Nhựt và người các nước Tây Phương.

Với tinh thần đó, dĩ nhiên là Kim Dung tôn sùng nhà lãnh đạo cách mạng Tôn Văn. Bởi vậy, ông đã mô tả nhà lãnh đạo này dưới hình ảnh đáng tôn quí của vị đệ nhứt bá võ lâm Trung Thần Thông. Các chánh khách về phía Quốc Gia nhưng chống chọi lại Ông Tôn Văn hẳn là không được Kim Dung ưa thích. Nhưng ngay đến những người kế vị cho Ông Tôn Văn cũng đã làm cho Kim Dung thất vọng vì họ đã tranh giành quyền bính và xung đột với nhau, lại tỏ ra độc tài và có người còn rất tham nhũng. Đã vậy, một số trong những người kế vị ông Tôn Văn về sau còn hợp tác với người Nhựt đương xâm lấn Trung Quốc. Ác cảm đối với các chánh khách Trung Hoa phía Quốc Gia đã làm cho Kim Dung thiên về Trung Cộng lúc ấy không bị hủ hóa vì chánh quyền và có một chánh sách chống Nhựt dứt khoát.

Mặt khác, Kim Dung cũng có cảm tình với Liên sỏ. Trong thời kỳ giữa hai trận Thế Chiến, nước này vẫn còn giữ được hào quang và huyền thoại của một quốc gia chủ trương một cuộc cách mạng giải phóng người vô sản và dân các nước bị đô hộ nên đã lôi cuốn được theo mình nhiều thanh niên trí thức ở các nước. Riêng Kim Dung lại còn dễ thân Liên Sô hơn vì đó là quốc gia duy nhứt đã tận lực giúp ông Tôn Văn xây dựng lực lượng của ông. Về sau, Liên Sô đã chống lại chánh quyền Tưởng Giới Thạch, nhưng rồi lại giúp đỡ Trung Quốc đương đầu lại Nhựt ngay từ lúc Nhựt mới xua quân chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc, mặc dầu sự giúp đỡ này có tánh cách hạn chế và thường qua ngả Trung Cộng.

Cho đến thập niên 1950, Kim Dung vẫn còn giữ quan điểm sơ khởi của mình. Bởi đó, lúc đầu, ông đã mô tả Đông Tà tượng trưng cho nước Nhựt và nhứt là Tây Độc tượng trưng cho các nước Tây Phương, đặc biệt là các nước Tây Âu, dưới những hình ảnh rất tệ hại. Trong khi đó, dưới ngòi bút của ông, Bắc Cái tượng trưng cho Liên Sô và Quách Tĩnh biểu tượng cho ông Mao Trạch Đông đã hiện ra như là những cao thủ võ lâm rất đáng tôn trọng.

Từ khi rời lục địa Trung Hoa ra ở Hongkong, Kim Dung đã sống trong một xã hội đặt dưới sự quản trị của người Anh theo chế độ tự do dân chủ. Tuy người Hongkong chỉ là thuộc dân và không được hưởng tất cả các quyền của người công dân một nước dân chủ tự do, chánh quyền Anh cũng đã công nhận cho họ một số quyền tự do tối thiểu. Với tư cách là người dân Hongkong, Kim Dung đã được hưởng các quyền lợi của một người dân sống trong chế độ tự do. Đồng thời, ông cũng đã có dịp quan sát những việc đã xảy ra trên thế giới. Trong hai thập niên 1950 và 1960, đã có những biến cố quan trọng xảy ra về phía Liên Sô và Trung Cộng.

Liên Sô đã dùng quân lực đàn áp các phong trào nhơn dân ở các nước chư hầu, như phong trào thợ thuyền đòi cải thiện đời sống ở Đông Đức năm 1933, phong trào người Hung đòi tách khỏi khối Minh Ước Warsaw năm 1956, phong trào người Ba Lan đòi cải thiện đời sống rồi chống lại sự có mặt của Nga năm 1956 và năm 1968, phong trào đòi tự do hóa chế độ của người Tiệp Khắc năm 1968.

Phần Trung Cộng thì trong năm 1959, họ đã dùng võ lực đàn áp người Tây Tạng chống lại chế độ cộng sản và giải tán Chánh Phủ Tây Tạng làm cho Đức Đạt Lại Lạt Ma cầm đầu chánh phủ này phải chạy sang Ấn Độ xin tỵ nạn chính tri trong khi đất Tây Tạng không còn được giữ qui chế một thuộc quốc mà bị sáp nhập hẳn vào bản đồ Trung Quốc với tư cách là một Khu Tự Trị. Mặc dầu Chánh Phủ Ấn Độ không nhìn nhận Chánh Phủ Tây Tạng lưu vong do Đức Đạt Lại Lạt Ma cầm đầu, Trung Cộng đã có những cuộc xung đột với Ấn Độ ở biên giới. Đến năm 1962, Trung Cộng lại cho quân vượt sang Ấn Độ chiếm một phần đất của nước này trong hơn một tháng rồi mới rút lui.

Về mặt nội bộ, năm 1957, chánh quyền Trung Cộng đã tung ra phong trào Trăm Hoa Đua Nở cho nhơn dân được phát biểu ý kiến tự do. Nhưng khi thấy phần lớn các ý kiến được phát biểu có tính cách chống lại chủ nghĩa và chế độ cộng sản, họ lại đàn áp những người đã chỉ trích Cộng Sản một cách mạnh mẽ. Để chứng tỏ là họ không hề lầm lạc, họ đã bảo rằng họ đã tung ra phong trào Trăm Hoa Đua Nở để gạt cho những kẻ thù của chế độ lộ diện hầu có thể trừng trị những kẻ thù này.

Trong khi đó, bên trong Đảng Trung Cộng lại có cuộc tranh quyền giữa các nhà lãnh đạo. Năm 1959, ông Lưu Thiếu Kỳ được bầu làm Chủ Tịch Nhà Nước và nắm trọn quyền điều khiển công việc của Chánh Phủ và của Đảng, phần ông Mao Trạch Đông thì chỉ còn giữ chức Chủ Tịch Đảng và thật sự bị dồn vào thế vô quyền. Năm 1965, ông Mao Trạch Đông đã phản công với chiến dịch Cách MạngVăn Hóa và dùng Vệ Binh Đỏ đễ cướp lại chánh quyền, ông Lưu Thiếu Kỳ đã bị bắt giam năm 1968 và chết trong ngục năm sau đó. Vợ Ông Mao Trạch Đông là Bà Giang Thanh đã đóng một vai tuồng tích cực trong việc chống lại Ông Lưu Thiếu Kỳ nên đã có một thế lực mạnh sau khi ông này bị lật đổ.

Giữa Trung Cộng và Liên Sô thì đã bắt đầu có sự bất đồng ý kiến từ năm 1956 với việc hạ bệ Ông Stalin. Sau đó, lại có nhiều điểm bất đồng ý kiến khác. Lúc khởi thủy, cả Liên Sô lẫn Trung Cộng đều còn cố gắng giấu kín sự xung đột giữa hai bên. Nhưng từ năm 1959, với việc Liên Sô đứng về phía Ấn Độ trong vụ xung đột giữa Trung Cộng với Ấn Độ, sự bất hoà đã lần lần được bộc lộ rõ rệt. Sang đến năm 1960 thì Liên Sô với Trung Cộng đã trở thành thật sự thù nghịch nhau sau khi Liên Sô đơn phương rút các chuyên viên Nga mà họ đã gởi sang giúp Trung Cộng xây dựng một nền kỹ nghệ tân tiến.

Các việc trên đây hẳn đã làm cho Kim Dung có một cái nhìn mới về các vấn đề chánh trị căn bản. Ông đã thấy rằng dân tộc Trung Hoa bị các nước vũ nhục và xâm lấn lúc suy nhược đã theo chánh sách lấn hiếp các dân tộc khác khi trở thành hùng cường hơn. Mặt khác, ông đã nhận chân rằng Đảng Cộng Sản Liên Sô cũng như Trung Cộng không phải lo phục vụ đại chúng như ông đã nghĩ. Khi nắm chánh quyền, các đảng ấy đã không ngần ngại dùng võ lực đàn áp nhơn dân nước mình và nước khác.

Có lẽ nếp sống tự do mà ông được hưởng ở Hongkong và các nhận xét về hành động của Liên Sô và Trung Cộng trong hai thập niên 1950 và 1960 đã làm cho Kim Dung điều chỉnh lại quan điểm của mình. Sự thù ghét các dân tộc Tây Phương mà ông cho là những dân tộc có tinh thần đế quốc và tàn bạo đã dịu lần và ông đã xem các dân tộc đều như nhau. Ổng đã biểu lộ sự thay đổi quan điểm này với việc mô tả Đông Tà và Tây Độc trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP. Trong tác phẩm này, hai nhân vật đó đã già và dưới ngòi bút của Kim Dung, Tây Độc không còn phải là một người tê hại đáng bị khinh ghét, trong khi Đông Tà đã hiện ra như một người khả ái. Riêng Dương Quá tượng trưng cho Hoa Kỳ lại được Kim Dung mô tả như là một nhơn vật tốt và đáng tôn trọng.

Mặt khác, Kim Dung không còn thiên tả như trước. Tuy vẫn không ưa các nhà lãnh tụ hữu phái độc tài và tham nhũng mà ông mô tả qua hình ảnh của Tả Lãnh Thiền và Nhạc Bất Quần, ông cũng đã biểu lộ sự chỉ trích Trung Cộng và các lãnh tụ của Đảng này trong câu chuyện của Triêu Dương Thần Giáo và Thần Long Giáo với các vị Giáo Chủ Nhậm Ngã Hành, Đông Phương Bất Bại và Hồng An Thông.

Cùng với việc thay đổi quan điểm của mình về chủ trương dân tộc và về lý tưởng chánh trị, Kim Dung cũng đã qua sự nghiên cứu các học thuyết và sự quan sát chánh trường thực tế mà có những ý tưởng mới về con người và về đời sống chánh trị.

Theo một số triết gia và người sáng lập các học thuyết chánh trị như Mạnh Tử, Jean Jacques Rousseau và Karl Marx thì con người bẩm sinh tốt, chỉ vì xã hội xấu nên người mới bị ảnh hưởng của xã hội mà trở thành xấu. Các triết gia và người sáng lập học thuyết chánh trị kể trên đây cho rằng nếu xây dựng được một xã hội tốt, ta có thể giáo dục cho mọi người trở thành hoàn thiện được. Kim Dung lúc đầu có thể đã tin theo các thuyết trên đây. Nhưng sau Thế Chiến II, một lãnh tụ cộng sản Nam Tư là Milovan Djiias sau khi đã nhận chân sự thật về xã hội cộng sản ở Liên Sô và ở chính nước ông, đã nêu ra ý kiến là con người vốn không hoàn thiện nên không thể xây dựng một xã hội hoàn thiện được. Có lẽ nhờ đọc các tác phẩm của Milovan Djilas hoặc nhờ nghiên cứu kỹ lưỡng sự tích các nhơn vật chánh trị trong quá khứ và theo dõi hành động của các nhơn vật chánh trị trong hiện tại, Kim Dung đã lần lần nhận chân rằng con người vốn không phải bẩm sinh tốt và chắc chắn có thể nhờ sự giáo dục mà trở thành hoàn thiện.

Theo ý tưởng mới của Kim Dung thì trong thực tế, con người hoàn thiện rất hiếm có, ngay cả đối với những kẻ đã được đặt trong một khung cảnh tốt từ lúc mới sanh ra. Nói chung lại thì tuyệt đại đa số loài người đều có tật xấu chung với đức tốt. Dưới lăng kính của một người quan sát tinh tế, những người được ca ngợi là anh hùng hào kiệt thật ra cũng có những nhược điểm nhiều khi rất lớn. Nhưng mặt khác, con người cũng không phải bẩm sinh xấu như một số triết gia và người sáng lập học thuyết chánh trị lối Tuân Tử và Machiavel đã nghĩ. Bởi đó, những người mà dư luận cho là xấu xa cũng có thể có một vài điểm tốt.

Với các nhận định như trên, Kim Dung đã đưa ra một ý tưởng mới về các vĩ nhơn. Ý tướng đó đã biểu lộ trong cách ông mô tả Vi Tiểu Bảo. Nhơn vật này không phải có những tài đức siêu việt như các vị anh hùng hào kiệt làm nhơn vật chánh yếu cho một tác phẩm võ hiệp. Đó chỉ là một con người xuất thân chốn ti tiện và có một tác phong rất tầm thường, chỉ nhờ có vài điểm tốt mà gây được cảm tình và sự mến phục của nhiều người.

Nếu con người không hoàn thiện mà cũng không phải hoàn toàn xấu thì các đoàn thể do con người thành lập cũng khó có tánh cách hoàn thiện được, nhưng cũng không phải hoàn toàn xấu. Bởi đó, khi đã có ý tưởng mới về con người, Kim Dung đã không còn phân các đoàn thể làm hai loại tốt và xấu một cách tuyệt đối, mà cho rằng trong đoàn thể được gọi là tốt cũng có người xấu, và trong đoàn thể bị cho là xấu cũng có người tốt. Ý kiến này đã được biểu lộ rõ rệt trong cách Kim Dung mô tả các môn phái trong các bộ truyện võ hiệp của ông. Các chánh phái thật sự như phái Toàn Chân và phái Võ Đương đều có những người tệ hại như Triệu Chí Kinh, Doãn Chi Binh, Tống Thanh Thư. Ngay đến như chùa Thiếu Lâm kỷ luật nghiêm minh, thanh danh lừng lẫy cũng có những nhà sư đầy tham sân si, và một cao tăng đã làm đến Phương Trượng chùa Thiếu Lâm là Huyền Tử Đại Sư lại có mối tình vụng trộm với một thiếu nữ và có đứa con tư sinh là Hư Trúc. Trái lại, đoàn thể bị xem là Ma Giáo như Triêu Dương Thần Giáo cũng có những người tốt như Khúc Dương và Hướng Vấn Thiên.

1) Khi đã nhận chân rằng con người vốn không hoàn thiện còn các đoàn thể đều có người tốt và người xấu thì kết luận dĩ nhiên là người phải có tinh thần cới mở và có sự khoan dung đối với nhau thay vì tự cho là riêng mình hay đoàn thể mình là có lý và phục vụ đúng chánh nghĩa, còn người khác hay đoàn thể khác thì sai quấy và theo tà đạo, rồi nhứt quyết chế ngự hay tàn sát người khác hay đoàn thể khác, không cho họ có thể chung sống ngang hàng với mình.

Cái đẹp của thái độ cởi mở và khoan dụng đã được Kim Dung nêu ra qua nhơn vật Lịnh Hồ Xung, ông này đã được thầy dạy theo tinh thần giáo điều đề cao các chánh phái nói chung, phái Hoa Sơn nói riêng và đặc biệt hơn là phe Khí Tông của phái Hoa Sơn, đồng thời thù ghét và miệt thị các tà phái, đặc biệt là Triêu Dương Thần Giáo bị gọi là Ma Giáo. Nhưng ngay từ lúc còn được thầy thương yêu và tin cậy, Lịnh Hồ Xung đã có những thắc mắc về cái chánh nghĩa tuyệt đối của môn phái mình và sự sai quấy tuyệt đối của giới hắc đạo và Ma Giáo. Vì vậy, ông đã có những hành động không đưọc thầy tán thành. Sau đó, ông càng ngày càng xa lập trường của thầy. Vì kết bạn với những người không thuộc các đoàn thể tự cho mình là chánh phái, ông đã bị các đoàn thể này lên án. Nhưng cuối cùng, thái độ cởi mở khoan dung của ông đã làm cho phần lớn các nhơn vật và đoàn thể thời ông ngưỡng mộ.

2) Sự cởi mở và khoan dung vốn chống lại tinh thần giáo điều, và tinh thần này không phải chỉ được xây dựng trên lập luận và thái độ đối với người và đoàn thể khác. Nó còn thể hiện qua phương pháp làm việc. Dưới quyền lãnh đao của Nhạc Bất Quần, các đệ tử của phái Hoa Sơn đã được dạy để luyện tập kiếm pháp theo những nguyên tắc cứng rắn. Họ phải học đúng theo chiêu thức mà môn phái đã sáng tác. Mỗi cái giơ tay cất chơn mà sai trật pháp độ một chút là đã bị đính chánh tức khắc để cho chiêu thức nào cũng được diễn ra một cách tận thiện tận mỹ, không mảy may sai trật.

Lối luyện tập và tranh đấu như vậy có thể đưa đến một số kết quả tốt khi gặp những kẻ võ công tầm thường. Nhưng gặp kẻ võ công cao siêu thì người sử dụng các chiêu thức một cách cứng ngắc như vậy khó nắm phần thắng lợi vì đối thủ của họ sau khi đã biết đúng chiêu thức của họ có thể nghĩ ra cách phá chiêu thức đó và đánh bại họ. Các nhà lãnh đạo năm kiếm phái của năm hòn núi lớn đã tốn rất nhiều tâm tư đểnghiên cứu các chiêu thức kỳ diệu mà họ cố giấu kín, chỉ truyền dạy cho môn đồ mình. Nhưng khi họ hoặc các đệ tử của họ đem các chiêu thức đó ra sử dụng thi lần lần nó được các cao thủ võ lâm thuộc môn phái khác biết rõ. Bởi vậy, các trưởng lão của Triêu Dương Thần Giáo đã nghiên cứu được các chiêu thức của họ và đã nghĩ ra được cách phá giải tất cả các chiêu thức đó.

Muốn cho đối thủ không thể thắng được mình, một cao thủ võ lâm phải phóng tâm hơn và không tự buộc mình một cách quá chặt chẽ vào chiêu thức đã học. Kim Dung đã nêu rõ nguyên tắc này với khẩu hiệu bóng bẩy “vô chiêu thắng hữu chiêu”. Điều này hàm ý rằng người luyện tập võ nghệ phải biết linh động trong việc ứng phó với địch thủ. Muốn được như vậy, người cao thủ võ lâm phải có can đảm vượt ra ngoài khuôn khổ của môn phái mình nếu môn phái này có tinh thần quá bó buộc hay hẹp hòi. Trong các tác phẩm của Kim Dung, các nhơn vật chánh yếu có võ công siêu tuyệt đều là những người đã học nhiều môn võ của các môn phái khác nhau và đã tổng hợp các tri thức mình đã thâu hoạch được. Khi sự tổng hợp đã đến mức siêu tuyệt rồi thì các thế đánh đều tan biến vào trong một tổng thể duy nhứt chớ không còn là những bộ phận rời rạc. Cao thủ võ lâm đã đi đến mức đó rồi thì chiến đấu một cách tự nhiên, nhưng có thể chế ngự địch thủ của mình dầu địch thủ đó có bao nhiêu ngón đòn cũng vậy.

Nguyên lý trên đây đã được Kim Dung nêu ra khi nói đến việc Trương Tam Phong, Tổ Sư phái Võ Đương, truyền Thái Cực Kiếm Pháp cho Trương Vô Kỵ. Người thụ huấn phải học các thế kiếm trước, nhưng sau đó, phải đạt được kiếm ý, mà muốn đạt được kiếm ý thì phải quên các thế kiếm đã học. Bởi đó, cao thủ võ lâm càng quên các thế kiếm thì càng thâu hoạch được sự thuần túy của pho kiếm mình học.

3) Các nguyên tắc trong việc luyện tập và sử dụng võ nghệ dĩ nhiên là cũng có thể áp dụng trong trường chánh trị. Người hoạt động chánh trị phải dựa vào một số nguyên tắc trong sự làm việc của mình. Bởi đó, họ phải nghiên cứu các chủ nghĩa chánh trị để hiểu biết nó. Họ có thể nghiêng về một chủ nghĩa nào đó. Nhưng nếu họ cuồng tín nơi một chủ nghĩa và chỉ biết có nó, hoặc cho nó là cao siêu hơn hết rồi nhứt định áp dụng nó cho bằng được đến mức sẵn sàng trừ diệt hết những người theo chủ nghĩa khác thì họ mắc phải bịnh giáo điều. Họ sẽ không thể thành công như ý muốn, hoặc có thành công thì cũng chỉ gây khổ sở cho nhơn dân dưới quyền thống trị của họ chớ không phải phục vụ nhơn dân, làm cho nhơn dân hạnh phúc như lý tưởng mà chủ nghĩa của họ đã nêu ra. Muốn thật sự thành công trong việc quản trị và xây dựng quốc gia, người hoạt động chánh trị phải có tinh thần cởi mở và khoan dung, sẵn sàng tiếp nhận các tư tưởng, các phương pháp làm việc khác hơn tư tưởng và phương pháp cố hữu của mình hay của đoàn thể mình.

Trường hợp Cộng sản là một trường hợp điển hình trong thế giới hiện tại. Giáo Tổ của chủ nghĩa cộng sản là Karl Marx thấy người vô sản thời ông bị bóc lột thẳng tay và rất khổ sở nên đưa ra một hệ thống tư tưởng hướng đến việc lật đổ chế độ tư bản và đưa vô sản lên nắm chánh quyền. Cứu cánh của chủ nghĩa cộng sản là một xã hội không giai cấp, không có cảnh người bóc lột người, một thiên đường ở chốn thế gian này. Tư tưởng của Marx tự nó đã có chứa đựng nguyên tắc giáo điều rồi, vì nó hướng đến việc tiêu diệt tất cả những gì trái với chế độ và chủ trương cộng sản. Lenin đã làm cho nguyên tắc giáo điều này càng cứng rắn hơn với các phương pháp ông nêu ra để tổ chức một chánh đảng tranh đấu cho việc thực hiện lý tưởng cộng sản. Lúc chưa nắm đựợc chánh quyền, các Đảng Cộng sản ở các nước được nhiều người trong một quốc gia hoan nghinh, vì tưởng là nó sẽ đem hạnh phúc đến cho mình. Nhưng khi Cộng sản cầm quyền ở một nước, chánh sách giáo điều của họ đã làm cho nền kinh tế không phát triển nổi và nhơn dân hết sức khổ cực. Rốt cuộc, ở các nước bị Cộng sản cai trị, sự phân chia giai cấp và bóc lột chẳng những không chấm dứt mà các đảng viên cộng sản lại còn trở thành một giai cấp mới bóc lột nhơn dân còn tàn nhẫn hơn các chế độ khác mà người cộng sản bài xích.

Ở một số nước cộng sản hiện nay, một số nhà lãnh đạo đã nhận thấy tình trạng đó và có chủ trương cải biến bằng cách thâu nhận một số nguyên tắc và phương pháp làm việc của các nước theo chế độ dân chủ tự do bị cho là tư bản. Những người chủ trương cải biến này nếu nắm được địa vị then chốt thì đã có thâu hoạch được một số kết quả khá tốt. Nhưng họ đã gặp sự chống báng của những người bám vào giáo điều cộng sản nhấn mạnh trên những khuyết điểm hay tai hại không tránh được mà sự cải biến mang đến để đòi hỏi phải duy trì nguyên vẹn chế độ cộng sản đã được xây dựng. Do đó, sự xung đột nội bộ bên trong các Đảng Cộng sản cầm quyền ở các nước trở thành trầm trọng và điều này dĩ nhiên là hạn chế các sự cải biến cần thiết để cho xã hội cộng sản có thể cải thiện được và đời sống nhơn dân được thanh thản hơn.

Từ những nhận định đưa đến một quan điểm và một số ý tưởng mới của mình, Kim Dung đã xây dựng những mơ ước lớn về chánh trị cho dân tộc Trung Hoa và cả nhơn loại.

Cũng như mọi người ái quốc, Kim Dung chắc chắn là rất đau lòng trước sự phân hóa của dân tộc Trung Hoa do cuộc xung đột Quốc-Cộng mà ra. Từ khi đã nhận chân rằng Trung Cộng cũng có những khuyết điểm lớn và những nhơn vật không tốt, trong khi phía đoàn thể quốc gia Trung Hoa, nhứt là Trung Hoa Quốc Dân Đảng, cũng có những chỗ hay và những nhơn vật tốt, Kim Dung có ước vọng muốn thấy hai phe Quốc-Cộng hòa giải hòa hợp với nhau để cùng nhau xây dựng quốc gia.

1) Mơ ước hòa giải hòa hợp giữa người quốc gia và người cộng sản Trung Hoa đã được Kim Dung nêu ra trong bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG. Nhơn vật chánh yếu của bộ truyện võ hiệp này là Trương Vô Kỵ đã thực hiện sự hòa giải và hòa hợp giữa hai phe đã từng thù nghịch nhau và chống chọi nhau mãnh liệt: một bên là các môn phái tự xưng là chánh phái thể hiện cho phía Quốc Gia Trung Hoa, một bên là Minh Giáo bị phe chánh phái cho là Ma Giáo và tượng trưng cho Trung Cộng. Sự hòa giải hòa hợp này đã thực hiện được một phần nhờ thân thế, tài năng, đức độ và chủ trương của Trương Vô Kỵ. Ông có mối liên hệ thân thuộc với cả hai phe lại là người võ công siêu tuyệt, đồng thời không mảy may nghĩ đến tư lợi và quyết tâm thực hiện sự hòa giải hòa hợp giữa hai bên. Ngoài ra, lại còn một điều kiện khách quan giúp ông thực hiện nguyện vọng của ông: đó là nhu cầu kết hợp mọi người thuộc Hán tộc để tự giải phóng khỏi ách thống trị của người Mông Cổ.

Sự thành công của Trương Vô Kỵ đòi hỏi một số điều kiện khó họp tập được cả. Nhưng trong thực tế, Trung Quốc đã từng họp tập được các điều kiện đó trước năm 1945. Thời Ông Tôn Văn còn sống, uy tín và đức độ của ông đã đủ để làm cho hai Đảng Trung Hoa Quốc Dân và Trung Cộng hợp tác nhau để đối phó với các nước đương uy hiếp Trung Hoa. Sau khi ông chết, hai đảng ấy đã chống chọi nhau, nhưng đến lúc người Nhựt xâm lấn Trung Quốc, họ lại hợp tác với nhau trở lại trong một mặt trận kháng Nhựt. Tuy nhiên, trong bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG, Trương Vô Kỵ đã không nắm quyền lãnh đạo Minh Giáo cho đến lúc toàn thắng người Mông Cổ và làm người sáng lập của một triều đại mới. Sự rút lui của ông đã phần nào biểu lộ sự thất vọng của Kim Dung về chỗ sự hòa giải hòa hợp giữa hai phe Quốc-Cộng ở Trung Hoa không kéo dài được sau khi nước Nhựt đã đầu hàng các nước đồng minh.

2) Ngoài bộ CÔ GÁI ĐỒ LONG, bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ cũng biểu lộ mơ ước của Kim Dung thấy hai phe Quốc-Cộng ở Trung Hoa hòa giải hoà hợp với nhau. Trong bộ truyện võ hiệp sau này, các chánh phái thể hiện cho các đoàn thể quốc gia, với phái Hoa Sơn biểu tượng cho Trung Hoa Quốc Dân Đảng, trong khi Triêu Dương Thần Giáo là biểu tượng của Đảng Trung Cộng. Lưu Chánh Phong và Khúc Dương là những nhơn vật rẩt tốt và có tinh thần cởi mở khoan dung. Việc họ do lòng mê say âm nhạc mà kết bạn với nhau và cùng nhau sáng tác bản nhạc Tiếu Ngạo Giang Hồ biểu lộ cho mơ ước của Kim Dung là các nhơn vật tốt của hai phe Quốc và Cộng ở Trung Hoa có sự tôn trọng và thương mến nhau và thực hiện được sự hòa giải hòa hợp giữa hai bên. Nhưng Lưu Chánh Phong và Khúc Dương đã bị tinh thần giáo điều của các phe đối chọi nhau mà bị bức tử. Cái chết của họ biểu tượng cho sự thất bại của thế hệ các ông Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông trong việc thực hiện sự hòa giải hòa hợp giữa hai bên. Việc Nhậm Doanh Doanh vì yêu Lịnh Hồ Xung mà chấm dứt sự tranh chấp giữa Triêu Dương Thần Giáo với các chánh phái có thể xem như là sự thể hiện của giấc mơ mà Kim Dung ôm ấp, là sự hòa giải hòa hợp giữa hai bên Quốc-Cộng Trung Hoa sẽ thực hiện được với các thế hệ lãnh đạo sau này của hai bên. Lập trường của Kim Dung trong việc hòa giải hòa hợp giữa hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa có thể nhận thấy một cách rõ ràng trong cốt chuyện của bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ. Trong cái chết của Lưu Chánh Phong và Khúc Dương, trách nhiệm lớn nhứt thuộc về phía các chánh phái. Chính Tả Lãnh Thiền với sự tán thành của phần lớn tác chánh phái đã cố tình sát hại hai nhân vật này. Nhưng trong việc hòa giải hòa hợp mà Kim Dung mong ước sẽ có, trách nhiệm lớn nhứt lại thuộc về phía Trung Cộng. Trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, Nhậm Ngã Hành đã ngỏ ý chịu gả Nhậm Doanh Doanh cho Lịnh Hồ Xung lại mời Lịnh Hồ Xung làm Phó Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo. Nhưng mặc dầu đã yêu Nhậm Doanh Doanh hết mực, Lịnh Hồ Xung đã cương quyết từ chối. Với sự kiện này, Kim Dung đã cho thấy rằng theo ông, sự hòa giải hòa hợp giữa hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa không thể thực hiện được nếu Trung Cộng vẫn còn giữ nguyên tinh thần giáo điều và chế độ độc tài đảng trị.

Trong bộ TIẾU NGẠO GIANG HỒ, sự hòa giải hòa hợp giữa Triêu Dương Thần Giáo và các chánh phái chỉ thực hiện được nhờ Nhậm Ngã Hành đột nhiên chết trong khi mưu đồ tấn công các chánh phái ấy và được Nhậm Doanh Doanh thay thế ở chức vị Giáo Chủ Triêu Dương Thần Giáo. Vì mối tình với Lịnh Hồ Xung, Nhậm Doanh Doanh đã thay đổi hẳn chánh sách của giáo phái này và Hướng Vấn Thiên là người ké vị cho bà đã tiếp tục chánh sách hòa giải hòa hợp với các chánh phái. Kết cuộc như trên đây thật sự không được tự nhiên. Nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng với lối kết cuộc đó, Kim Dung đã biểu lộ sự mơ ước của ông là một ngày nào đó, các nhà lãnh đạo Trung Cộng sẽ thay đổi hẳn chánh sách của Đảng mình để cho người Trung Hoa không theo chủ nghĩa cộng sản có thể hợp tác một cách chơn thành với họ mà xây dựng Trung Quốc.

3) Trong thực tế, giắc mơ của Kim Dung về sự thống nhứt người Trung Hoa sẽ có thể trở thành sự thật hay không? Hiện nay, chúng ta chưa có thể trả lời câu hỏi này một cách dứt khoát.

Các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã có nhiều thay đổi trong chiều hướng cởi mớ khoan dung hơn. Họ đã chịu để cho người dân Trung Hoa tích cực hoạt động sản xuất được hưởng lợi nhiều hơn. Họ cũng đã khôi phục danh dự và quyền lợi các nhà trí thức đã bị bạc đãi và hiếp bức trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa. Họ lại bỏ chủ trương mạt sát tất cả những người không theo đúng đường lối của họ mà tỏ ra công bằng và khách quan hơn trong sự phê phán các nhơn vật lịch sử.

Một trong những trường hợp đáng lưu ý là trường hợp ông Trần Độc Tú. Ông này là một trong những người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Marx ở Trung Quốc và là một trong các sáng lập viên của Đảng Trung Cộng. Ông đã được bầu làm Tổng Thư Ký Trung Ương Thư Ký Xứ của Đảng này trong Đại Hội đầu tiên triệu tập năm 1921 và đã đóng vai tuồng lãnh đạo cho đến năm 1927 là năm ông bị Mao Trạch Động thay thế. Đến năm 1929, ông bị trục xuất khỏi Đảng Trung Cộng và bị kết án là phản bội. Nhưng hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Cộng đã công khai nhìn nhận rằng mặc dầu đã có những sai lầm, ông Trần Độc Tú đã có công trong việc nêu cao ngọn cờ dân chủ và khoa học ở Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ 20.

Về phần ông Tưởng Giới Thạch, người đã chống lại Trung Cộng mãnh liệt từ năm 1927, mặc dầu có lúc đã cùng với Trung Cộng đứng chung trong mặt trận kháng Nhựt, thì Trung Cộng đã xem như là một kẻ thù và một người có tội lớn (tội với nhơn dân Trung Hoa. Nhưng hiện nay, các nhà lãnh đạo Trung Cộng cũng đã công khai nhìn nhận rằng ông Tưởng Giới Thạch đã có công trong việc kháng Nhựt để bảo vệ nền độc lập của Trung Quốc.

Tuy nhiên, đồng thời với những sự thay đổi trên đây, các nhà lãnh đạo Trung Cộng xác nhận rằng họ vẫn trung thành với bốn nguyên tắc: noi theo tư tưởng của Marx, Lenin và Mao Trạch Đông, duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa, theo chánh sách nhơn dân chuyên chánh, và tôn trọng sự lãnh đạo của Đảng. Một số những nhà lãnh tụ và cán bộ của Đảng Trung Cộng đã dựa vào các nguyên tắc trên đây để chống chọi hay ít nhứt cũng để chỉ trích các sự thay đổi được đem ra áp dụng.

Những người quan sát chánh trường Trung Cộng có thể tự hỏi: trong tương lai, Trung Cộng sẽ trở về với chủ trương giáo điều cứng rắn trước đây và bãi bỏ các thay đổi đương có, hay sẽ duy trì các thay đổi này hoặc sẽ thay đổi nhiều hơn nữa trong chiều hướng cởi mở, khoan dung? Việc người Trung Hoa có thực hiện được sự hòa giải hòa hợp với nhau hay không tùy thuộc cách Trung Cộng trả lời cho câu hỏi trên đây. Sự hòa giải hòa hợp giữa hai phe Quốc-Cộng thể hiện bằng sự sáp nhập Đài Loan vào lãnh thổ Trung Hoa Nhơn Dân Cộng Hòa Quốc chỉ có thể có khi Trung Cộng nếu không thay đổi nhiều hơn nữa trong chiều hướng cởi mở khoan dung thì ít nhứt cũng duy trì các thay đổi đã có hiện nay.

Dầu thế nào thì việc hòa giải hòa hợp giữa hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa cũng không thể thực hiện ngay trong lúc này, vì ông Tưởng Kinh Quốc và các nhà lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng hiện nay còn thuộc về một thế hệ không chấp nhận sự hòa giải hòa hợp với người cộng sản. Nếu ta lấy các nhơn vật trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung để thí dụ thì ta có thể nói rằng họ không phải thuộc thế hệ của Lịnh Hồ Xung mà thuộc thế hệ trước đó. Đối với những người sẽ kế vị các nhà lãnh đạo Trung Hoa Quốc Dân Đảng hiện tại để lãnh đạo đảo Đài Loan thì dầu có muốn hòa giải hòa hợp với Trung Cộng, họ cũng còn phải quan sát kỹ diễn tiến của chế độ Trung Cộng trong các thập niên sẽ tới.

Chánh sách của Trung Cộng đối với Hongkong trong tương lai sẽ là một yếu tố có tầm quan trọng quyết định cho người Trung Hoa ở Đài Loan. Như chúng tôi đã trình bày trên đây, theo hiệp ước đã ký giữa nước Anh với Trung Hoa Nhơn Dân Cộng Hòa Quốc thì đến năm 1997, Hongkong sẽ được sáp nhập vào lãnh thổ Trung Hoa, nhưng Chánh Phủ Trung Cộng đã cam kết là người dân Hongkong sẽ tiếp tục được hưởng một số quyền tự do, và chế độ kinh tế theo lối tư bản cũng như nếp sanh hoạt của người Hongkong sẽ được duy trì ít nhứt là 50 năm sau 1997. Việc duy trì chế độ kinh tế và nếp sanh hoạt của người Hongkong là điều cần thiết để cho đất Hongkong vẫn phồn thạnh và làm lợi cho Trung Quốc. Như vậy, Trung Cộng có nhiều lý do để giữ lời cam kết của mình. Nếu các nhà lãnh đạo Trung Cộng trong tương lai chống đỡ được áp lực của các phần tử trung thành với chủ nghĩa giáo điều, và để cho người Hongkong được huởng các quyền tự do căn bản, đồng thời duy trì được lề lối tổ chức kinh tế và nếp sanh hoạt hiện nay của họ, thì người Đài Loan sẽ có thể chấp nhận sự hòa giải hòa hợp với Trung Cộng một cách dễ dàng hơn. Nhưng điều này chỉ sẽ có thể xảy ra trong tương lai, sau năm 1997, nếu nó có xảy ra.

Dân tộc Trung Hoa vốn là một dân tộc đã chứng tỏ được tinh thần khoan dung của mình trong quá khứ với việc tìm cách dung hợp các lý tưởng chánh trị khác nhau. Khi mới thống nhứt Trung Quốc hồi thé kỷ thứ ba tr. C.N., nhà Tần đã áp dụng một chánh sách khắc nghiệt và chỉ tôn thờ học thuyết của Pháp Gia. Nhưng chính vì đó mà chỉ một thời gian ngắn, triều đại này đã sụp đổ. Nhà Hán kế tiếp theo đó đã dung hợp tư tưởng của Pháp Gia với tư tưởng các học phái khác, đặc biệt là tư tưởng Nho Gia vốn chống chọi lại tư tưởng Pháp Gia. Ta có thể so sánh thời kỳ ông Mao Trạch Đông cầm quyền với thời kỳ nhà Tần ngự trị, và xem các cải bién của các nhà lãnh đạo hiện tại như là các cải biến đã thực hiện vào đầu đời nhà Hán. Nếu nó duy trì được thì các nhà lãnh đạo Trung Cộng hiện nay sẽ chứng tỏ được là họ đã rút được những bài học hữu ích trong chính lịch sử dân tộc họ, thay vì nhắm mắt đi theo một chủ nghĩa ngoại lai. Và như vậy thì những người có cảm tình với Kim Dung chỉ còn ước mong rằng ông sẽ còn sống đến sau năm 1997, cho đến ngày ông thấy giấc mơ của ông được thực hiện. Dầu sao thì việc các nhà lãnh đạo của hai phe Quốc-Cộng Trung Hoa hiện nay đều đã cho phép nhơn dân dưới quyền họ được đọc các tác phẩm của ông cũng cho phép ông có nhiều hy vọng về vấn đề này.

Ngoài mơ ước thấy người quốc gia và người cộng sản Trung Hoa hòa giải hòa hạp với nhau, Kim Dung còn mong mỏi được thấy sự hòa giải hòa hợp giữa các dân tộc trên thế giới. Có lẽ ông là một trong những người đã đặt rất nhiều kỳ vọng nơi tiến trình giảm bớt căng thẳng giữa các đại cường trong thập niên 1970. Lập trường của ông đã biểu lộ qua việc ông mô tả cái chết của Bắc Cái, biểu tượng cho Liên Sô và Tây Độc, biểu tượng cho các nước Tây Phương trong bộ THẦN ĐIÊU ĐẠI HIỆP. Hai nhơn vật này có lập trường và tâm tánh xung khắc nhau và đã chống chọi nhau từ lúc còn trẻ. Mỗi người đều cố rèn luyện thêm tuyệt nghệ của mình để hơn đối thủ. Nhưng đến lúc đã già, họ lại tỏ ra có sự tôn trọng và phần nào mến phục lẫn nhau, vì nhận chân rằng mình không hơn được đối thủ. Tuy vẫn còn tranh đấu với nhau, họ đã không còn sự thù hằn nhau, và cuối cùng, đã ôm nhau và cười mà cùng chết với nhau. Với hình ảnh này, Kim Dung đã có ý bảo rằng hai Khối Cộng sản và Tây Phương không bên nào có thể thắng được đối phương và hay nhứt là nên chấp nhận sự sống chung hòa bình với nhau.

Về sự hòa giải hòa hợp giữa các dận tộc nói chung thì thông điệp của Kim Dung đã được gói ghém trong hai bộ THIÊN LONG BÁT BỘ và LỤC MẠCH THẦN KIẾM. Chúng ta đã nhận thấy trong đó việc nhóm người Đại Lý do Đoàn Dự lãnh đạo hợp tác với người Hán và người Nữ Chân để ủng hộ Tiêu Phong, một người Khiết Đan có mối thâm tình với người Hán, trong công việc ngăn cản nhà vua nước Đại Liêu thuộc tộc Khiết Đan muốn gây cuộc chiến tranh xâm lược với nước Đại Tống của người Hán. Họ đã thành công. Nhưng muốn đạt mục đích, Tiêu Phong đã phải uy hiếp nhà vua của nước mình và đã phải tự sát để đền tội. Cái chết bi tráng của nhơn vật khả kính và khả ái này cho thấy rằng Kim Dung ý thức là việc xây dựng hòa bình giữa các dân tộc rất khó khăn và sẽ không phải sẽ có thể đạt được gần đây. Nó đòi hỏi một cuộc tranh đấu kiên nhẫn và nhiều sự hy sinh của những người nuôi lý tưởng phục vụ hòa bình.

Ý kiến của Kim Dung xét qua các cốt chuyện của ông là sự hòa giải hòa hợp hoàn toàn bên trong các dân tộc và sự hòa giải hòa hợp giữa các dân tộc đưa đến môt nền hòa bình vững chắc cho loài người, chỉ có thể thực hiện được khi những người hoạt động chánh trị trên thế giới đều thật sự yêu thương người khác, và có đủ sức chế ngự các dục vọng của mình, để không bị lòng tham quyền lực danh vọng lôi cuốn vào con đường độc đoán và tàn ác. Cái đức tánh cần thiết trên đây đã được nhiều triết gia, nhiều học phái đạo đức nêu ra. Nhưng tự cổ chí kim và từ đông sang tây, không trường phái nào có những nhận định và chủ trương thích ứng bằng Phật Giáo về vấn đề này. Đó là vì Phật Giáo có những nguyên tắc căn bản đặc biệt khác với nguyên tắc của các giáo phái khác.

1) Giáo lý nhà Phật không kêu gọi con người phải nhắm mắt tin tưởng theo mình và tuyệt đối tuân hành mạng lịnh các giáo sĩ của môn phái mình để được cứu rổi hay được hưởng phước lành. Trái lại, nó dạy con người phải dựa vào mình trước nhứt và phải cố gắng để tự giải thoát lấy mình. Ngay đến pháp môn Tịnh Độ dạy người tu hành bằng cách niệm Phật cũng không phải là một lối giải thoát hoàn toàn nhờ tha lực, vì việc niệm Phật hàm ý là người tu theo pháp môn Tịnh Độ tự nguyện làm lành lánh dữ và giữ các giới cấm tối thiểu của người Phật tử. Sự tu hành theo Phật Giáo thuộc mọi tông phái đều đòi hỏi con người phải có sự đại hùng đại lực, tức là một sức mạnh tinh thần vững chắc và dồi dào.

Về mặt suy luận, tinh thần đại hùng đại lực mà Phật Giáo đòi hỏi nơi con người đưa đến sự tự do tư tưởng. Người theo Phật Giáo chơn chánh không để cho mình bi cột buộc vào bất cứ tín điều hay định kiến nào mà phải tự mình suy nghĩ để tìm chan lý. Trong bộ kinh Anguttara Nikaya tức là Tăng Nhứt Tập, có chép việc Đức Phật dạy ngưdi Kalama không nên nhắm mắt tin theo dư luận, truyền thống, kinh sách hay một bực đạo hạnh cao siêu mà mình nhận làm thầy, mà chỉ nên tin theo cái phải hay cái quấy mà chính tâm trí mình đã nhận thức được. Trong lịch sử nhơn loại, Đức Phật là vị Giáo Tổ duy nhất nhiều lần căn dặn các đệ tử mình không nên tin ngay tất cả những điều Ngài nói mà phải xét kỹ lại những lời nói của Ngài, chừng nào nhận thấy chắc chắn nó có giá trị thì mới tin theo.

2) Chẳng những tự mình theo đúng nguyên tắc tự do tư tưởng, người theo Phật Giáo chơn chánh còn tôn trọng sự tự do tư tưởng của người khác. Đức Phật đã dạy đệ tử phải đối xử với các giáo lý và giáo phái khác một cách khoan dung. Có lần người cầm đầu một môn phái khác sai đệ tử là Upali đến gặp Đức Phật để đấu lý về thuyết luân hồi. Sau khi thảo luận với Ngài, ông Upali thấy Ngài có lý hơn nên xin làm đệ tử của Ngài. Nhưng Đức Phật đã bảo: “Ông phải suy nghĩ cho thật chính đính về lời nói của tôi chớ không nên vội vã”. Khi thấy ông Upali thiết tha nài nĩ, Đức Phật yêu cầu ông đừng bỏ thầy cũ mà trái lại, phải cung kính phụ giúp người thầy này như trước. Câu chuyện này cho thấy rằng Phật Giáo dạy người phải mở rộng tâm hồn trí não để thông cảm với mọi giáo lý khác, vì chơn lý vốn hiện ra muôn mặt và mỗi học thuyết đều có chỗ sở đắc của nó. Người theo Phật Giáo chơn chánh phải phá trừ kiến chấp, tránh sự cuồng tín hẹp hòi.

3) Nhưng sự khoan dung của Phật Giáo không phải đưa đến sự tiêu cực thụ động trước những hành động tàn bạo của kẻ sai quấy. Tinh thần đại hùng đại lực của Phật Giáo chẳng những được dùng trong việc tự chiến thắng lấy mình để tìm chơn lý và theo chánh đạo, mà còn phải được dùng trong việc chế ngự các lực lượng ác hại. Tuy nhiên, trong sự đối phó với những kẻ sai quấy, tinh thần đại hùng đại lực của người theo Phật Giáo cần phải được hòa hợp với tinh thần đại từ bi. Người theo Phật Giáo chơn chánh dầu phải đứng vào thế đối kháng với một kẻ địch hung bạo, vẫn không nuôi lòng thù hận khinh ghét kẻ địch ấy, mà trái lại, có sự xót thương đối với một con người vì mê muội mà đi vào con đường lầm lạc. Thái độ của người theo Phật Giáo chơn chánh đối với kẻ địch chống lại mình cũng giống như thái độ của xã hội dân chủ tự do hiện nay đối với những kẻ phạm tội ác trong lúc điên cuồng. Tuy xã hội này vẫn phải chế tài hành động tội ác của người điên cuồng, nhưng sự chế tài của nó trong trường hợp này không hàm ý báo oán hay trừng phạt mà hàm ý xót thương và nâng đỡ kẻ phạm tội ác.

Vậy, mục đích chánh yếu của người theo Phật Giáo chơn chánh đối với một kẻ địch hung bạo không phải là quyết tâm trừ diệt kẻ địch ấy mà là cố gắng cảm hóa giác ngộ họ để lôi họ về con đường phải, dầu có phải buộc lòng sát hại họ vì công lợi thì cũng không nuôi lòng thù hận đối với họ. Theo giáo lý Phật Giáo, người phạm tội ác đến ngập đầu mà có lòng ăn năn sám hối một cách chơn thành thì phải được tha thứ, và người theo Phật Giáo cần phải cố gắng đưa những kẻ làm ác đến sự ăn năn sám hối chơn thành đó.

Kim Dung đã nêu rõ vấn đề này khi nói đến việc Pháp Đăng Đại Sư, nguyên là Đoàn Nam Đế, đã kiên nhẫn hết mực để lôi Từ Ân Đại Sư, nguyên là Bang Chủ Thiết Chưởng Bang, về con đường phải. Như chúng tôi đã trình bày trong Mục I, Chuơng I của sách này, Bang Chủ Thiết Chưởng Bang vốn được Kim Dung dùng để tượng trưng cho Quốc Xã Đức. Việc ông thành thật ăn năn và cuối cùng đã được bà Lưu Anh Cô tha thứ về tội đã sát hại đứa con nhỏ của bà biểu lộ quan niệm của Kim Dung về việc cải hóa những người theo chủ trương hung bạo. Ngoài Bang Chủ Thiết Chưởng Bang, trong các bộ truyện võ hiệp của Kim Dung, còn nhiều cao thủ võ lâm khác đã hối cải và qui y Phật Pháp, từ bỏ giấc mộng tranh bá đồ vương, chấm dứt lòng thù hận đối với kẻ địch đã tàn hại mình hay thân thuộc mình và ăn năn sám hối về những hành động tàn ác của mình như Mộ Dung Bác, Tiêu Viễn Sơn, Tạ Tốn.

4) Trong tinh thần Phật Giáo, lòng đại từ bi hết sức cần thiết để cân lại sự đại hùng đại lực. Có đại hùng đạ lực mà thiếu đại từ bi thì con người dễ đi đến chỗ dùng sức mạnh của mình để hiếp đáp kẻ khác và do đó mà gây ra nhiều nghiệp chướng. Điều này đã được Kim Dung nói rõ qua lời dạy của vị sư già mặc áo xám trong chùa Thiếu Lâm. Theo vị sư này, chỉ có người có một sở học cao siêu về Phật Giáo và có đức từ bi hưng thạnh thì mới có thể luyện được nhiều môn võ công thượng thặng. Nếu Phật học không đủ mà tham lam luyện nhiều võ cộng thượng thặng thì bị bại hoại thân thể hay bị nội thương.

Người cầm quyền lãnh đạo một dân tộc vốn có nhiều sức mạnh trong tay. Nếu họ dùng sức mạnh đó để mưu đồ mỡ rộng thế lực hay lấn át dân tộc khác thì chẳng khác nào cố sự đại hùng đại lực mà thiếu đại từ bi. Hành động xâm lăng của họ chẳng những có hại cho dân tộc khác mà cuối cùng cũng làm cho chính dân tộc họ cũng bị nhiều hậu quả không tốt. Ngay cả trong trường hợp người lãnh đạo một dân tộc có lý tưởng mà họ cho là cao đẹp nhưng lại dùng sức mạnh mình có trong tay để cưỡng bách dân tộc mình hay dân tộc khác làm theo ý mình đạt cái được cho là lý tưởng cao đẹp đó, họ cũng chỉ gây ra sự khổ sở cho nhơn dân.

Những người cầm quyền chánh trị như trên đây, dầu có những động cơ ích kỷ hay muốn thực hiện một lý tưởng cao đẹp, cũng đều khó có thể hòa thuận với nhau. Chỉ có thái độ cởi mở khoan dung và chánh sách đặt nền tảng trên sự xót thương và cải hóa những kẻ làm ác như Phật Giáo chủ trương mới có thể đưa các nhà lãnh đạo các dân tộc đến sự hòa giải hòa hợp với nhau và xây dựng nền hòa binh chung cho nhơn loại. Bởi đó, khi Tiêu Phong cùng quần hào đương đầu với người Đại Liêu đuổi đánh mình bên ngoài cửa ải Nhạn Môn, họ đã bảo với nhau rằng: Bao giờ các vị đế vương khắp thiên hạ đều tin ở Phật pháp, lấy từ bi làm hoài bão thì mới hết thảm họa chiến tranh.

5) Nhưng ước vọng trên đây dĩ nhiên là khó có thể đạt được. Đó không phải là vì Phật Giáo chưa phổ biến ở khắp cả các nước mà cũng sẽ không thể nào phổ biến ở khắp cả các nước trên thế giới. Thật sự thì theo Phật Giáo, cả chúng sanh đều có Phật tánh và một người dầu chưa nghe đến giáo lý của Đức Phật, chưa hề qui y Đức Phật, chưa tự xem mình là Phật tử mà có tâm tánh và hành động như lời Đức Phật đã dạy thì cũng đã là người theo Phật Pháp rồi. Vậy, cái khó trong việc đạt ước vọng hòa bình cho cả thế giới không phải phát xuất từ chỗ Phật Giáo chưa phổ biến khắp nơi. Nó phát xuất từ chỗ chính người đã qui y Đức Phật, đã thông hiểu giáo lý của Ngài mà vẫn chưa có được tâm tánh và hành động như lời Ngài dạy.

Kim Dung đã biểu lộ sự thật trên đây trong các bộ truyện võ hiệp của ông bằng cách mô tả nhiều nhơn vật trong giới tăng ni. Trong số này, có những cao thủ võ lâm đã hành động trái lời Phật dạy. Các vị Đại Luân Minh Vương, Kim Luân Pháp Vương đã là những vị cao tăng miền Tây Vực, nhưng đã mưu đồ bành trướng thế lực của mình hay của dân tộc mình. Các tăng ni Trung Hoa cũng có nhiều người còn nặng nghiệp tham, sân và si. Thành Khôn đã qui y với pháp danh Viên Chân đã lợi dụng thế lực chùa Thiếu Lâm mà đoạt chức Minh Chủ Võ Lâm và phục vụ người Mông Cổ. Đến một vị cao tăng làm đến Phương Trượng chùa Thiếu Lâm và có đức hạnh đến mức được giới võ lâm Trung Hoa tôn làm Thủ Lãnh Đại Ca là Huyền Từ Đại Sư mà cũng đã lén tư tình với một phụ nữ và đã che giấu chuyện này suốt mấy mươi năm. Phần Diệt Tuyệt Sư Thái thì rất ngay thẳng và nhiệt tình yêu nước, lại rất dũng cảm. Nhưng bà thiếu hẳn đức từ bi nên đã tỏ ra thù hằn những người có liên hệ đến Minh Giáo đến mức chủ trương giết họ cho tận tuyệt. Đã vậy, bà lại còn nuôi giấc mộng làm cho phái Nga Mi của bà trở thành môn phái số một ở Trung Hoa. Do đó, bà đã dạy đệ tử là Châu Chỉ Nhược dùng đến những thủ đoạn bất chánh và tàn độc để đạt mục đích. Đến những người đã đạt một địa vị tôn quí trong hàng giáo phẩm Phật Giáo, lại có nhiều đức tốt và đáng được tôn trọng như Huyền Từ Đại Sư hay Diệt Tuyệt Sư Thái mà còn như vậy thì các nhà lãnh đạo chánh trị các dân tộc mà ít học về Phật pháp hay không biết đến Phật pháp làm sao có thể đủ đức tánh để lãnh đạo chánh trị theo đúng Phật pháp và đưa nhơn loại đến một nền hòa bình vĩnh cửu và ổn định được?

Vậy, giấc mơ của Kim Dung sẽ rất khó thực hiện. Nhưng đó là một giấc mơ đẹp và nếu những người hoạt động chánh trị chấp nhận giấc mơ đó, lại nuôi ý chí thực hiện nó với tinh thần đại hùng đại lực thì ít ra họ cũng đã đi được vài bước trên con đường ngàn dặm đưa đến một nhơn loại an lạc hòa bình. Mặt khác, người cầm quyền chánh trị một nước, dầu theo chủ nghĩa nào mà chịu bỏ thái độ giáo điều và áp dụng một chánh sách cởi mở, khoan dung đối với người khác và đoàn thể khác thì cũng đáng được khen là đã có đóng góp vào việc xây dựng hòa bình chẳng những cho dân tộc mình mà còn cho toàn thể nhơn loại.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx