sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 03 - Phần 2

– Giai đoạn ba: là giai đoạn liên quan đến độ phận sinh dục và vận động chân tay. Giai đoạn này kéo khoảng từ 3–4 đến 5–6 tuổi, khi các em cố gắng hoàn thiện kỹ năng chủ động và cần tránh cảm giác mặc cảm.

Chủ động ở đây được hiểu là bé có những phản ứng trong sáng lành mạnh và hồn nhiên về những gì bé nhìn thấy trong đời sống và sinh hoạt của mình. Bé sẽ biết vâng lời, có tinh thần chia sẻ và háo hức học tập thêm những kỹ năng mới. Các bậc cha mẹ có thể khuyến khích bé trong việc khám phá những trò chơi chung của gia đình trong đó nhường cho bé quyền được làm người chủ động. Đây là giai đoạn chơi nhiều hơn học. Trẻ bây giờ có nhiều khả năng hơn trước đó. Ngoài ra chủ động còn là kênh cho phép trẻ thể nghiệm những điều từ trí tưởng tượng với điều kiện thực tế.

Nếu trẻ em có thể tưởng tượng ra tương lai của mình, trẻ có thể có kế hoạch và sẽ có tránh nhiệm với tương lai của mình. Trong lúc này, một số em đã có cảm giác mặc cảm về những hành vi khi em biết sẽ làm cho cha mẹ không được vui. Nếu như Freud cho rằng trẻ có những mặc cảm (hội chứng lo lắng khủng hoảng Oedipus) trong giai đoạn lứa tuổi này thì Erikson tin rằng một số trẻ có thể sẽ co cụm và tránh né nên cha mẹ cần khuyến khích trẻ năng động. Tuy nhiên những động viên này không nên ép quá tay vì có thể bé sẽ có những mặc cảm không cần thiết nếu như bé không đáp ứng được yêu cầu của cha mẹ.

Nếu bé có quá nhiều chủ động hoặc khi bé có quá ít cảm giác mặc cảm sẽ dẫn đến cá tính hỗn láo. Người có cá tính này thường luôn chủ động, họ có những kế hoạch và chương trình hành động trong mọi lĩnh vực như trong học hành, công việc, tình cảm, đến cơ hội thăng tiến nghề nghiệp. Tuy nhiên họ là người sẵn sàng chà đạp bỏ mặc những cá nhân khác và không hề quan tâm đến cảm giác của người khác. Họ chỉ nhắm đến mục đích thành công và không quan tâm đến quyền lợi của người xung quanh. Khi trở thành một thói quen thái hóa, họ sẽ là thành phần gây ra những tội ác trong xã hội.

Người không có thái độ khẳng khái cũng như là có một thái độ tiêu cực. Tuy nhiên người không có khẳng khái và thiếu thái độ dứt khoát thường khiến người khác ít khó chịu hơn so với thái độ xấc xược hỗn hào. Người thiếu khẳng khái là những người thụ động. Họ có chủ trương: Nếu ta chẳng thử nghiệm thì ta sẽ chẳng mất mát gì. Và trong chuyện tình cảm, họ có thể là người rất khô khan nguội lạnh.

Một trạng thái tâm lý cân bằng sẽ dẫn đến một não thức tâm lý có mục đích hội nhập xã hội tốt. Đây là một cảm giác lành mạnh mà mọi người trong chúng ta nhắm đến, tuy nhiên nhiều người trong chúng ta đã không nhận ra điều đó. Một bằng chứng là khi đối diện với những vấp váp và thất bại, chúng ta thường nghĩ về những điều khác (lý tưởng hơn) đáng lẽ có thể sẽ xảy ra. Nhưng nếu có não thức tâm lý ý thức về mục đích, chúng ta sẽ có những khao khát muốn được tái thiết, được làm lại từ đầu và chuyên tâm nhiều hơn nữa.

– Giai đoạn bốn: đây là giai đoạn trẻ em đến trường tiểu học (6 đến 12 tuổi). Nhiệm vụ của giai đoạn phát triển này là để phát triển những kỹ năng thao tác.. Các em thường phấn đấu và cố gắng tránh chuyện mình sẽ rơi vào những điểm yếu và bị xem và nhược tiểu vô dụng. Trong giai đoạn này các em sẽ cố gắng để đạt được điểm tốt trong môi trường học hành và ngoan ngoãn ở nhà. Nên nhớ, các trẻ em dù học kém vẫn có khao khát là học sinh giỏi, có điều các em chưa tìm ra phương pháp học. Là phụ huynh và là giáo viên, chúng ta cần tìm hiểu, giúp đỡ các em.

Trẻ thời nay được gặp gỡ nhiều người hơn trước. Ngoài cha mẹ và anh em trong gia đình, bây giờ còn có cả thầy cô và bạn bè nữa. Vào lúc này rất cần thiết đối với trẻ em là được:

– Cha mẹ khích lệ.

– Thầy cô quan tâm.

– Bạn bè chấp nhận.

Trẻ cần được hướng cách nhìn và cách nghĩ đến điều tốt và điều tốt hơn nữa. Các em cần được tạo điều kiện để cảm nhận được những giá trị tích cực và giá trị của thành công, trong lĩnh vực học tập, trên sân chơi, trong mối quan hệ xã hội và ở nhà. Ở lứa tuổi này các em thích các trò chơi có luật lệ. Các em thường tập trung vào trò chơi và chơi cho đến khi trò chơi kết thúc.

Nếu một em bé không có được cơ hội kinh nghiệm thành công vì thầy cô quá nghiêm khác hoặc các bạn bè trêu ghẹo tẩy chay, em bé đó sẽ phát triển trở nên lo lắng, yếm thể, và tin rằng mình chẳng có những năng lực nào. Các em có thể có não trạng phát triển dẫn đến những đối xử phân biệt như: phân biệt giới tính, phân biệt chủng tộc, vì các em tin rằng thành công đến từ người đó là ai, chứ không phải thành công đến bằng cách cố gắng nào. Vì thế các em không còn nhận ra ý nghĩa của sự phấn đấu cố gắng nữa.

Nếu các em có quá nhiều khả năng thao tác thành công có thể dẫn đến một xu hướng không lành mạnh gọi là não trạng đạo mạo hạn hẹp. Lúc đó trẻ em không còn là trẻ em nữa, khi mà các em được cha mẹ và thầy cô ép để trở thành những dạng thần đồng hay do trẻ có năng khiếu khác. Đó là những em bé không có tuổi thơ bình thường như những đứa trẻ bình thường khác. Đáng buồn là nhiều người trong chúng ta luôn muốn con có năng khiếu. Chúng ta có xu hướng thích thú những điều đó nơi một đứa trẻ, tuy nhiên nếu nhìn kỹ, ta thấy những tài năng ấy sẽ ăn cắp đi của các em một cuộc sống hồn nhiên trong sáng bình thường.

Nếu một em bé chẳng có chút khả năng nào điều đó cũng tệ hại không kém và các em sẽ trở thành thụ động, biến thành những người rơi vào hội chứng yếm thế. Hội chứng này dễ tạo ra những ám ảnh tâm lý. Ví dụ sau khi thử một lần không đạt kết quả, ta thường nghĩ rằng có cố gắng đến mấy cũng sẽ chẳng ăn thua gì. Nhiều người không có khiếu nói chuyện mỗi khi phải đứng trước đám đông, họ sẽ chẳng bao giờ muốn mình nói chuyện trước một cử tọa. Và như thế, khuynh hướng tránh né sẽ càng ngày càng lớn hơn. Một điều cần chú ý là sự cân bằng giữa hai thái cực vừa có khả năng và một chút yếm thế là tốt nhất, vì cá nhân đó sẽ có vừa tự tin cần thiết và đôi lúc anh ta biết đến giới hạn khả năng của mình để có tinh thần cảnh giác và biết kiềm chế.

– Giai đoạn năm: Đây là giai đoạn phát triển của tuổi dậy thì và kết thúc ở tuổi 18 đến 20. Nhiệm vụ phát triển trong lúc này là phát triển khả năng và xác định được nhận định cái tôi của mình đồng thời tránh né trạng thái nhầm lẫn về vai trò của mình. Theo Erikson thì đây là giai đoạn rất quan trọng vì có nhiệm vụ là nền tảng cơ bản cho những bước phát triển tình cảm sau này.

Nhận định cái tôi được xác định có nghĩa là khả năng biết mình là ai và mình sẽ hội nhập vào môi trường đời sống xã hội như thế nào? Điều này yêu cầu một cá nhân cần phải có khả năng hiểu rõ về bản thân và có kiến thức về những gì đã học được. Sau đó họ sẽ sắp xếp và tạo ra một chân dung về con người thực sự của mình; đây là một hình ảnh mà họ tin rằng sẽ được xã hội chấp nhận. Để quá trình này xảy ra thuận lợi, một cá nhân cần có một môi trường sống thuận lợi và được tiếp cận với những người lớn qua những kênh đối thoại cởi mở và lành mạnh.

Hơn nữa, xã hội cần tạo điều kiện để có những tấm gương công dân làm mẫu để các em phấn đấu. Như thế các em sẽ hiểu được ở độ tuổi nào thì các em sẽ cần phải làm gì? Nếu không có những tấm gương cụ thể về tinh thần quan tâm, nhất quán trong hành động và lời nói, các em sẽ dễ rơi vào những lầm lẫn bỡ ngỡ trong việc xác định một chân dung chuẩn xác cho mình. Chúng ta cần tạo điều kiện để các em có thể trả lời được một câu hỏi căn bản:

Tôi là ai?

Erikson đã đề nghị rằng trong xã hội cần có những xu hướng giải lao tâm lý. Đây là cách hãy giành ra một khoảng thời gian ngắn ngủi. Một mùa hè chẳng hạn, hãy tạo điều kiện để đi đến một nơi hoàn toàn xa lạ, thay đổi hẳn những điều thường nhật. Hãy thẩm định lại xem giá trị của thành công là gì. Erikson tỏ vẻ lo lắng khi nhiều bạn trẻ có mơ ước làm giàu và tìm mọi cách để trở nên thành công nhanh nhất nên đã quên rằng thành công thật sự có ý nghĩa không nhất định chỉ có thể đo đạc bằng vật chất.

Nhận định cái tôi được xác định là điểm tựa để cá nhân có một vai trò thích hợp, giúp họ hội nhập vào môi trường xã hội nơi họ đang sống. Tuy nhiên nhiều người vì có cái nhìn sai lệch vô tình tạo cho mình một chân dung không được chấp nhận bởi môi trường sống, tạo thành một sự nổi loạn chướng mắt. Những người này tin rằng cách làm việc của họ là cách duy nhất đúng đắn. Nhất là với lứa tuổi dậy thì, ta thấy họ thường lý tưởng hóa và có cái nhìn rất một chiều, thiếu hẳn sự linh động uyển chuyển. Xa hơn nữa, nhiều người trở thành cực đoan khi họ cố gắng quảng bá lối sống của mình (mà họ tin là đúng).

Tuy nhiên nếu không có một nhận định cái tôi được xác định cũng sẽ là một vấn đề nan giải mà Erikson đã gọi là xu hướng không lành mạnh vì con người đã chối bỏ cuộc sống. Họ có xu hướng tự gạt mình ra khỏi bức tranh cuộc sống và không tìm thấy ý nghĩa thành viên của bản thân trong những bối cảnh sinh hoạt cộng đồng xã hội hàng ngày. Nhiều người chán chường vì lạc lối. Và khi gặp phải những tổ chức xã hội cung cấp cho họ những cơ hội khẳng định mình, thế là họ nhập cuộc. Nếu đây là những tổ chức băng nhóm, bè đảng, có thể cung cấp những hình ảnh ấn tượng chóng vánh mà họ đang khao khát – nhất là với các em ở tuổi dậy thì, các em sẽ nhập cuộc một cách mau chóng. Vì các em nghĩ rằng thà là làm một cái gì đó xấu xa vẫn hơn là chẳng làm cái gì cả.

Nếu một bạn trẻ thành công trong việc giàn xếp và cân bằng trong giai đoạn phát triển này, bạn trẻ ấy sẽ tìm thấy ý nghĩa trung thành với hình ảnh chân dung mình đã kiến tạo từ sự tổng hợp lành mạnh giữa bản thân và những yêu cầu trong cuộc sống. Từ đó các cá nhân này sẽ có khả năng sống hòa nhập, bằng lòng với những tiêu chuẩn trong cuộc sống; mặc dù có lúc họ vẫn có những điều chưa hoàn thiện, chưa nhất quán, và cả những lần thiếu sót. Họ là những người yêu mến cộng đồng của mình, muốn tạo ra những nét đáng yêu cho cộng đồng của mình. Nói chung đây là cảm giác mình hội nhập vào một cộng đồng và yêu mến cộng đồng ấy.

– Giai đoạn sáu: khi một cá nhân phát triển đến giai đoạn này mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào, họ đã bắt đầu chính thức bước vào thế giới người lớn. Giai đoạn này kéo dài từ tuổi 18 đến 30 tuổi. Ở độ tuổi này các bạn người lớn không có những phát triển chung như thời bé, nghĩa là mỗi người có một cách phát triển khác nhau. Đây là giai đoạn mà tiêu chuẩn và nhu cầu đi tìm bạn tình của một cá nhân xem ra rất khác biệt.

Sự thân mật gần gũi: là khả năng có thể gần gũi người khác, như người bạn tình, người bạn thân, và những quan hệ người với người khác trong xã hội. Vì đã có một khái niệm định hình khá rõ về bản thân nên cá nhân không còn sợ mình đi lạc nữa. Tuy nhiên vẫn có một số người chưa phát triển ở giai đoạn này thường có vẻ sợ những ràng buộc trách nhiệm, đây là một trạng thái lo lắng không định hình mà một kết quả thường thấy là các cá nhân cứ chần chừ lưỡng lự, tránh né, lần khấn. Họ thường tìm cớ thoái thác, né tránh trách nhiệm và cơ hội nhập cuộc với đời sống tình cảm.

Vì không còn phải thể hiện hay chứng minh mình là ai, người ở giai đoạn này có khuynh hướng đi tìm người bạn đời của mình dựa trên những tiêu chuẩn thỏa thuận nhất định nào đó. Đây là quá trình kết hợp hai cái tôi để tạo thành một quan hệ lớn hơn chính bản thân của hai người họ.

Nhiều người trẻ trong xã hội văn minh hôm nay đã phải đối diện và gặp rất nhiều những khó khăn trước mặt vì xu hướng cuộc sống càng lúc càng khép kín nên nhiều bạn trẻ đã trải qua những kinh nghiệm khó khăn trong việc thiết lập những mối quan hệ. Vì nhu cầu công việc và vì nhiều lý do xã hội khác, chúng ta đã thấy nhiều người trẻ liên tục có những kế hoạch năm năm hoãn lại.

Những làng thôn nông nghiệp, khu vực quê mùa yên bình ngày nào cha ông chúng ta vẫn gắn bó với người làng kẻ nước đã dần dần thu hẹp lại. Cuộc sống càng ngày càng công nghiệp hóa và lối sống công nghiệp đã khiến cho nhiều người mất đi cơ hội tạo dựng một cuộc sống lứa đôi. Một mô thức được thay thế là sống vội, sống tạm bợ và sống thiếu tập trung lâu dài. Chính mô thức này đã khiến con người càng lưỡng lự rụt rè hơn.

Một trở ngại trong thời gian này, với một số cá nhân là tình trạng hay thay đổi bạn tình, hoặc quá dễ dàng trong việc thân mật, và thường không có một quan hệ bền chặt sâu lắng, họ sống buông thả và quan hệ bừa bãi. Và đây là một thái cực không lành mạnh, tổn thương đến uy tín bản thân và tình cảm của người khác.

Một thái cực khác đối nghịch là thói quen xa lánh co cụm. Đây là xu hướng tránh né và đóng cửa cõi lòng của mình lại với tình yêu, tình bạn, và cả với cộng đồng, ở họ thường rơi vào nhiều cung bậc cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, không an tâm, và có thể căm ghét những mối quan hệ giữa con người với nhau.

Nếu một cá nhân dung hòa và xứ lý tốt giai đoạn này, cá nhân ấy sẽ tìm thấy trạng thái tâm lý lành mạnh và đây sẽ là nền tảng của cuộc sống tình yêu lứa đôi sau này. Theo Erikson, tình yêu được định nghĩa như là khả năng dẹp bỏ qua một bên những khác biệt và những khó khăn để tìm đến với một người khác qua sự tận hiến cho nhau. Theo ông đây là trạng thái tình cảm tìm thấy trong tình yêu, tình bạn, tình đồng chí, đồng nghiệp và những quan hệ con người khác.

– Giai đoạn bảy: là giai đoạn nằm giữa của đời sống người trưởng thành. Thật khó để xác định một độ tuổi nhất định cho giai đoạn này, nhưng theo Erikson thường đây là độ tuổi một cá nhân có quyết định sinh con và nuôi con. Tùy theo từng điều kiện xã hội mà độ tuổi có thể thay đổi từ năm 20 tuổi và kéo đến độ tuổi 50 tuổi. Đây là thời điểm một cá nhân sẽ cố gắng đầu tư vào cân bằng, nhằm tạo ra tích lũy hoặc nếu không họ sẽ rơi vào tình trạng tù đọng.

Tạo ra tích lũy: là trạng thái muốn được sống có ý nghĩa và duy trì được đời sống tình cảm xã hội của mình đến với tương lai, với trọng tâm là những gì một cá nhân khao khát sẽ để lại cho thế hệ sau. Đây là cảm xúc đóng góp cho thế hệ sau. Đời sống tình cảm bây giờ đã trưởng thành và sâu lắng hơn những gần gũi nhục thể như trước đó; vốn đòi hỏi phải có sự đáp trả hỗ tương từ hai phía.

Với khả năng tạo ra tích lũy, một cá nhân sẽ ứng xử rộng rãi hơn và thường không đòi phải có những đáp trả cân xứng cho những gì họ đã bỏ ra. Ít ra thì là nhu cầu này thường không bức xúc lắm. Tuy nhiên vẫn có một số cha mẹ có vẻ muốn nhờ cậy vào con cái. Một số người thậm chí còn muốn tính sổ với con cái về những gì họ đầu tư trước đó.

Tuy nhiên các cá nhân không chỉ đầu tư vào thế hệ sau (có liên hệ máu thịt với cá nhân đó), mà họ có nhiều kênh giao lưu khác để tạo ra tích lũy. Nhiều người bắt đầu chuyển tải năng lượng của mình cho thế hệ sau trong xã hội như họ sẽ viết sách, dạy học, sáng tạo, nghiên cứu, hoạt động từ thiện… nói chung là họ thường muốn đóng một vai trò bận rộn và muốn được giúp đỡ người khác.

Tình trạng tù đọng: là trạng thái chỉ nghĩ về mình, không quan tâm đến người khác. Họ là người không muốn đóng góp khả năng của mình cho xã hội. Với một số đông muốn được đóng góp nhưng với một số đông khác thì họ không muốn mình bận rộn, dẫn đến trạng thái lãng quên chính mình. Với họ, khái niệm ý nghĩa cuộc sống không được đề cao và coi nặng.

Vào giai đoạn này nhiều người rơi vào khủng hoảng nửa đời người khi nhiều người bắt đầu dừng lại để nhìn và đánh giá mục đích làm người của mình: Tôi đã sống và làm việc, tất cả là vì cái gì? Vì đây là câu hỏi về mục đích cuộc đời nên họ thường tập trung vào ý nghĩa:

Tôi đã làm được cái gì?

Rất khác với câu:

Tôi đã làm gì cho ai?

Nhiều người bắt đầu giật mình vì họ đã không có thời gian để thực hiện những điều mà họ có hoài bão khát khao từ những ngày còn trẻ. Nhiều người phản ứng bằng cách thay đổi hẳn lối sống như một van xả. Tuy nhiên càng chạy trốn họ càng cảm thấy vô nghĩa vì những kênh van xả thật ra không đáp ứng được những gì họ thật sự cần. Nếu một cá nhân cảm thấy hài lòng với những gì mình đang làm, phần còn lại của cuộc đời họ sẽ là những chuỗi ngày yên bình, êm đềm và thong thả.

– Giai đoạn tám: đây là một giai đoạn tế nhị của giai đoạn cuối tuổi trưởng thành, sau khi con người bắt đầu về hưu, con cái đã khôn lớn, dọn ra sống riêng và đã lập gia đình. Giai đoạn này thường xảy ra vào khoảng tuổi 60 tuổi. Nhiều người có tuổi cho rằng tuổi về già thật ra mới chỉ là sự bắt đầu. Erikson đã thổi vào đời sống của người già một quan điểm rất quan trọng và việc xác định rằng về mặt tâm lý con người không bao giờ ngừng phát triển.

Ở giai đoạn này, nhiệm vụ của một cá nhân là phát triển cái tôi nhất quán, nếu không họ sẽ rơi vào tình trạng buồn khổ chán chường. Đây là giai đoạn khi những liên hệ với môi trường xã hội bắt đầu được cắt đứt hoặc giảm hẳn lại. Nhiều người thường có những đánh giá về những việc làm có ích mà họ đã cống hiến. Nhiều người cảm thấy hụt hẫng vì những đóng góp của họ có vẻ đã không còn ai cần đến nữa.

Nhiều người có cảm giác cơ thể của mình không còn khỏe mạnh và nhanh nhẹn như ngày xưa nữa. Phụ nữ trải qua giai đoạn mãn kinh và nam giới cảm thấy đời sống sinh lý của mình đã không còn sung mãn như thời trẻ nữa. Cộng thêm nữa là những thứ bệnh tật thường xuyên đến với người già như thấp khớp, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, tuyến tiền liệt, tử cung, phổi, gan, thận… Bên cạnh đó cái chết càng ngày càng đến gần hơn là một mối ưu tư khó tránh khỏi khi bạn bè và người thân lần lượt ra đi. Nhất là sự từ giã cõi đời của người bạn đời. Cảm giác rồi sẽ đến lượt mình ra đi là một trăn trở rất thực.

Để đối diện với những nỗi đau lấn cấn nhức nhối này, nhiều người già vùi mình trong những tháng ngày của quá khứ. Ít nhất đó là những tháng ngày tốt đẹp hơn. Một số cứ hành hạ mình về những thất bại thời trẻ, những lỗi lầm của tuổi thanh xuân, những quyết định sai lầm và giờ đây họ hối hận. Họ cảm thấy cay đắng cho tuổi già. Họ cảm thấy bất lực vì không còn thời gian và sức lực để thay đổi về những điều đã làm. Vì thế có nhiều người rơi vào trầm cảm, cay đắng, hận tâm, nghi hoặc, hằn học, và rơi vào bỏ mặc nhiệm vụ chăm sóc chính mình. Đời sống của họ hóa ra lẩn thẩn một cách giả tạo, đáng lẽ không nên có.

Cái tôi nhất quán: có nghĩa là những cảm xúc mình đã sống trọn vẹn cả một đời cho đến ngày mình nằm xuống. Đây là não trạng một cá nhân bằng lòng với tất cả những diễn biến cuộc đời xảy ra trong quá khứ như: những chọn lựa, những quyết định, hướng đi và những cố gắng. Nhìn chung là họ bằng lòng với chính mình, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại trong lúc họ đang đánh giá mình. Tất nhiên ai trong chúng ta cũng có những lần sai phạm. Có người phạm ít lỗi lầm, có kẻ phạm nhiều điều sai sót. Tuy nhiên, phải chăng chính chúng ta vẫn không muốn cuộc đời quá phẳng lặng. Đó chính là những điều mâu thuẫn của con người.

Những khó khăn gặp phải trong giai đoạn phát triển này dẫn đến não thức tự phụ. Đây là trạng thái khi một cá nhân cho rằng cái tôi nhất quán cứ bị chất vấn khi về tuổi già. Xu hướng bệnh hoạn có thể xảy ra khi người già cảm thấy căm ghét cuộc dời, theo Erikson đó là thái độ hằn học đối với cuộc sống của chính mình và cả đời sống của người khác.

Một số người tiếp cận với cái chết mà không hề cảm thấy sợ hãi, theo Erikson thì đấy là trạng thái khôn ngoan. Erikson cho rằng người già không sợ chết sẽ là một món quà đẹp họ giành cho con cháu của họ. Ông cho rằng con cháu sẽ mến yêu cuộc sống khi người già không sợ chết. Erikson cho rằng không phải ai cũng có cái may mắn khôn ngoan để tiếp cận cái chết mà không sợ hãi. Và điều này không bị ảnh hưởng bởi điều kiện xã hội, vì theo C. George Boeree (2006) thì ngay cả những người bình thường nhất vẫn có những thái độ rất bình thản khi đứng trước cái chết.

8. Thảo luận

Có thể nói Erick Erikson là một trong những người đã mạnh dạn trong việc thiết kế một thuyết phát triển nhân cách bao gồm những bước phát triển. Nhiều người không thích lắm chuyện chặt ra thành từng khúc nhỏ về sự phát triển của con người như thế. Họ nhắm đến những khoảng gối lên nhau hoặc là một sự chuyển tiếp dần dần. Họ muốn nhìn thấy những giai đoạn chuyển tiếp kế tiếp liên tục thay vì những thời kỳ độc lập.

Tuy nhiên có những giai đoạn phát triển nơi con người mà chúng ta nhận ra thật rõ ràng, nhất là khi những phát triển này được điều khiển bởi sinh học. Chẳng hạn như tuổi dậy thì nhất định sẽ phải đến khi một em bé đạt một độ tuổi nhất định; đặt giả thiết là em sẽ không bị chết vì tai nạn hoặc mắc những căn bệnh bẩm sinh. Những thay đổi qua các bước phát triển này có thể nhận ra một cách dễ dàng. Vì thế việc kéo giãn các bước phát triển (được điều khiển bởi sinh học) cho đều với những bước phát triển tâm lý sẽ có những chỗ không thể ăn nhịp đồng bộ được:

Tất nhiên khi áp dụng tám giai đoạn phát triển của Erikson lên bức tranh văn hóa xã hội, người ta sẽ nhận ra có những thay đổi vì khoảng cách thời gian ở những nền văn hóa có sự khác nhau. Nhiều nơi trẻ em được sáu tháng tuổi đã cai sữa trong khi nhiều chỗ phải hơn năm năm. Có nơi sáu mươi tuổi người ta đã về hưu, trong khi ở nhiều nơi số tuổi có thể cao hơn. Có nơi người ta không cần tập cho trẻ con đi vệ sinh mà chỉ cần thả em bé đi ra ngoài vườn là xong. Nhiều nền văn hóa có thói quen để trẻ em lập gia đình sớm (tảo hôn ở nhiều nền văn hóa phát triển, việc quyết định sống một đời sống độc thân là một chọn lựa tương đối phổ thông, trong khi đó tại một số xã hội thì đây là một điều không được cổ xúy.

Một điều có thể nhận ra khá rõ là thuyết tám bước của Erikson đã cung cấp một khung sườn cơ bản để chúng ta có thể thảo luận kỹ hơn, nhất là ta có thể sử dụng nó để đối chiếu với các nền văn hóa cùng thời theo tuyến ngang, và với các nền văn hóa khác thời gian (tuyến dọc). Vì thế thuyết của ông ngoài tính áp dụng vào tâm lý còn có những tính năng áp dụng vào các ngành khoa học xã hội khác. Nhiều người cũng công nhận rằng thuyết tám bước của ông đã áp dụng được với nhiều nền văn hoá khác nhau, khẳng định được tính thực tiễn của học thuyết này. Và đấy là một trong những phẩm chất cần thiết của một học thuyết: Tính áp dụng đối với nhiều nền văn hóa khác nhau.

Ngoài ra học thuyết của Erikson còn cung cấp cho chúng ta những giải trình chưa được khám phá nơi trẻ em, chẳng hạn như nếu chúng ta đem tám giai đoạn phát triển của học thuyết ra làm hai phần (mỗi phần gồm bốn giai đoạn), ta sẽ nhận ra ngày đời một con người có hai phần cơ bản rõ rệt: giai đoạn phát triển của tuổi thơ và giai đoạn phát triển của người lớn.

Trong nửa đầu tiên của giai đoạn phát triển trẻ thơ: vào giai đoạn một trẻ tiếp cận thế giới chỉ có cha mẹ và anh em (đó là điều bình thường). Trong giai đoạn hai trẻ bắt đầu khám phá (tôi có thể làm được gì?). Giai đoạn ba, trước khi trẻ đi học (tôi có thể tính toán được cái gì?). Giai đoạn bốn, khi trẻ đi học (tôi có thể hoàn thành được các mà tôi đã tính toán hay không?). Trong bốn giai đoạn phát triển này, trẻ trang bị cho mình những khả năng cần thiết để chuẩn bị cho những đòi hỏi căn bản cao hơn sau này.

Ở nửa thứ hai của giai đoạn phát triển là thời gian người lớn: vào giai đoạn năm, khi cá nhân vào tuổi dậy thì có thể nhận ra đời sống không có nhiều khám phá (cũng bình thường thôi). Vào giai đoạn sáu, khi những bạn trẻ bước vào giai đoạn tìm bạn tình hay để xây dựng quan hệ, anh ta sẽ phải có não trạng (tôi có thể làm được). Ở giai đoạn bảy, một người sẽ đầu tư tình cảm vào thế hệ sau (tôi có thể tính toán). Vào giai đoạn tám, khi đối diện với phần cuối cuộc đời và với cái chết, nhiều người sẽ trở lại với câu nói (tôi có thể hoàn thành việc này).

Với những đóng góp của mình cho kho tàng tâm lý nhân loại, Erick Erikson xứng đáng được coi là một trong những nhà tâm lý đã cung cấp cho chúng ta có một cái nhìn tương đối toàn diện về sự phát triển tâm lý cuộc đời của một con người. Những giải thích của ông về nhân cách con người là một trong những tác phẩm đẹp trong viện bảo tàng tâm lý của nhân loại chúng ta.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx