sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 04 - Phần 1

Chương 4. CARL JUNG HỌC THUYẾT NHÂN CÁCH BIỂU TƯỢNG

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Dẫn nhập

Bất cứ ai muốn hiểu thấu được tâm thức của con người cần phải tránh xa tâm lý thực nghiệm. Anh ta cần phải từ bỏ khoa học, cởi chiếc áo hàn lâm, chia tay với nghiên cứu của mình, sau đó anh ta cần rong ruổi khắp thế giới. Anh ta cần đi tìm từ bên trong thế giới trái tim của con người. Rồi trải qua những nỗi sợ hãi trong nhà tù trong những nhà thương điên và nơi những quán rượu, trong nhà thổ, cả những sòng bạc sát phạt nhau, trong những thẩm mỹ viện làm đẹp, thị trường chứng khoán, các cuộc hội thảo, các nhà thờ, những cuộc đấu khẩu, những nhóm tôn giáo quá khích, trong tình yêu và cả những hận thù, trong những đam mê dưới nhiều chiều kích của cơ thể con người. Chỉ có như thế anh ta mới tìm thấy những kiến thức thực tế và phong phú hơn rất nhiều so với những cuốn sách dày cộm. Và như thế anh ta sẽ biết cách chữa bệnh với những kinh nghiệm thực tế bằng chính lương tâm của con người. (Carl Jung)

Thầy của Carl Jung là Freud đã cho rằng mục đích của tư liệu là đem những gì nhức nhối trong cõi vô thức lên trên bề mặt của ý thức Freud nhất định đã hoàn thành mục đích ấy của mình như một nhà học thuyết tâm lý.

Chính Freud đã khiến cho mọi người nhìn thấy chân dung của vô thức như một khu vực chẳng mấy gì thanh cao. Theo Freud thì vô thức không khác gì một lò nung những xung động dục năng, chất chứa những dục vọng khát khao và những điều xấu xa nhỏ mọn, là nơi chôn cất những vết thương đau đớn của quá khứ, vốn lâu lâu vẫn quay trở lại để ám ảnh đời sống của con người. Và như thế, theo C George Boeree (2006) thì Carl Jung lại hoàn toàn trái ngược với thầy của mình là Freud. Carl đã không muốn đem những điều vô thức xấu xa ấy lên bề mặt ý thức.

2. Lịch sử của những giấc mơ

Một người bạn đồng liêu trẻ hơn của Freud là Carl Jung. Ông ta là người quyết định khám phá không gian bên trong của tâm thức con người – một khu vực mà Freud gọi là vô thức trong công cuộc nghiên cứu suốt cuộc đời mình. Carl Jung đã trang bị với những ý tưởng cơ bản của Freud và những kiến thức thu thập từ nhiều lĩnh vực khác nhau như thần thoại, tôn giáo, và triết học. Jung được coi là một trong những bậc thầy của chủ nghĩa biểu tượng học và những kiến thức uyên thâm về các phúc âm ngoài hệ thống Cơ Đốc giáo, thuật giả kim, và kinh Do Thái cổ, cũng như các kiến thức thâm thúy về Phật giáo và Ấn giáo. Vì thế chỉ có Carl Jung là người trình bày vô thức qua hình thái biểu tượng tuyệt vời nhất – vốn khác hẳn với mô hình cõi vô thức của Freud.

Carl Jung là người có khả năng nằm mơ với những giấc mơ rất rõ ràng và thỉnh thoảng có những lần thị kiến. Vào mùa thu năm 1913, ông có thị kiến về một trận lũ lụt kinh khủng sẽ nuốt gần trọn Châu Âu, kéo dài đến sát tận dãy núi của Switzerland đất nước ông, bao gồm hàng ngàn người chết đuối trong khi nền văn minh bị suy sụp, rồi nước hóa thành máu. Sau lần thị kiến đó vài tuần, là những giấc mơ về những mùa đông kéo dài không dứt và những dòng sông máu chảy khắp Châu Âu. Ông nghĩ rằng mình có lẽ đã bị điên. Nhưng vào ngày 1 tháng 8 năm ấy, Chiến tranh thế giới lần I bắt đầu bùng nổ. Jung nghĩ là phải có sự liên hệ nào đó giữa cá nhân ông và những điều không bình thường và khó giải thích. Từ đó cho đến năm 1928, ông đã tự mình trải qua những quá trình đau đớn nhức nhối với chủ đích tự khám phá để tìm ra những nền tảng căn bản cho tất cả học thuyết của mình sau này.

Ông đã cẩn thận nghiên cứu tất cả những giấc mơ của mình, những ảo tưởng, thị kiến, những bức vẽ, các tác phẩm hội họa và điêu khắc của chính mình. Ông khám phá ra từ những kinh nghiệm trong giấc mơ của mình thường có hình thức của một ông già thông minh và một cô bé. Ông già thông minh ấy là Jung, qua nhiều lần nằm mơ đã biến thành một nhà thông thái, còn cô bé hóa thành một hồn nữ, phục vụ như là nhân vật trung gian để tạo một kênh đối thoại giữa ông già thông minh với những khía cạnh sâu lắng nhất của cõi vô thức của mình.

Trong những giấc mơ của ông có một chú lùn, mặc áo da, đứng canh cửa ngay lối đi vào cõi vô thức. Hắn ta là bóng tối, cơ bản có thể coi như là cái tôi trong thuyết tâm lý của ông. Jung nằm mơ thấy mình và chú lùn nọ đã giết chết cô bé tóc vàng mà ông gọi là Siegfreid. Jung cho rằng cô bé tóc vàng là hiện thân của những hành vi nguy hiểm nhằm sùng bái chủ nghĩa anh hùng đã đem lại không biết bao nhiêu là tai họa cho Châu Âu – đồng thời trong những giấc mơ ông nhận ra thông điệp cảnh báo về những nguy hiểm nếu ông có xu hướng sùng bái người thầy của mình là Sigmund Freud.

Jung nằm mơ rất nhiều về sự chết, âm phủ, và sự nổi dậy của người chết. Những điều này là đại diện của cõi vô thức. Đây không chỉ là vô thức nơi mỗi cá nhân con người mà Freud đã cổ xúy và quảng bá. Đây là cõi vô thức chung. Với Jung, cõi vô thức bao gồm cả sự chết và người chết, bên cạnh những hồn ma của con người. Jung cho rằng những người bị bệnh tâm thần đã bị những hồn ma này đeo bám, nhưng vào thời điểm đó người ta vẫn không tin chúng. Vì thế chỉ khi nào hiểu được về thần thoại học chúng ta mới hiểu thế giới loài ma, gần gũi hơn với cõi chết, từ đó có thể tự chữa lành cho mình.

Nhiều học giả khác không chấp nhận Carl Jung đơn giản vì họ tin rằng ông bị bệnh tâm thần khi nói lên những điều trên. Nhưng Jung cho rằng nhà khoa học không thể hiểu hết về sự kỳ bí của khu rừng già nhiệt đới nếu chỉ chèo thuyền đến châu Phi dừng lại ngoài bãi biển rồi đứng đó nhìn vào. Chúng ta phải đi vào rừng già, mặc kệ những nguy hiểm kia xa lạ với chúng ta như thế nào.

3. Tiểu sử của Carl Jung

Carl Gusta Jung sinh ngày 26 tháng 7 năm 1875, trong một làng nhỏ của Kessewil, thuộc Thụy Sỹ. Cha của ông là Paul Jung, một giáo sĩ vùng nông thôn, mẹ là Emilie Preiswerk Jung. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có giáo dục đàng hoàng, kể cả một số bà con của ông là giáo sĩ và cả những người được coi là có tâm thức kỳ quặc.

Những người lớn tuổi trong dòng họ Jung bắt đầu cho cậu bé học tiếng Latinh khi cậu bắt đầu lên sáu tuổi, một quá trình đầu tư rất sớm vào ngôn ngữ và văn chương, nhất là văn chương cổ điển. Ngoài phần lớn những ngôn ngữ Tây phương hiện đại, Jung còn có khả năng đọc những văn kiện bằng ngôn ngữ văn viết thời cổ xưa, kể cả kinh Phạn, ngôn ngữ bản gốc của kinh thánh Ấn giáo.

Tuổi dậy thì của Carl là một đứa trẻ đơn độc, chán nản việc đến trường, và ông không thể chịu nổi việc phải cạnh tranh với những học sinh khác. Sau đó ông được đưa đến trường nội trú ở Basel, Switzerland, ở nơi đó ông trở thành trung tâm của những hằn học ghen ghét và chế nhạo. Thế là cậu bé đã giả vờ ốm để né tránh, và có thói quen ngất xỉu trước áp lực của trường học.

Mặc dù chọn lựa học về ngành khảo cổ học, nhưng sau đó ông chuyển sang học nghề thuốc ở Đại học Basel, được huấn luyện bởi một nhà thần kinh học nổi danh là Kraff–Ebing, thế là ông ở hẳn với ngành bác sĩ tâm thần từ đó.

Sau khi tốt nghiệp, ông công tác tại Bệnh viện tâm thần Burghoeltzliy ở Zurich dưới sự điều khiển của Eugene Bleuler, một chuyên gia tâm thần học hàng đầu, người đã đặt tên cho căn bệnh tâm thần phân liệt. Vào năm 1903, ông đám cưới với Emma Rauschenbach. Ông đã từng giảng dạy tại Đại học Zurich, có một phòng mạch riêng, và chế tạo ra trò chơi đố ô chữ.

Là người ảnh hưởng nặng Freud trong một thời gian, ông đã gặp Freud ở Vienna vào năm 1907. Một chi tiết lý thú là Freud hôm ấy đã hủy bỏ tất cả những cuộc hẹn và hai người đã nói chuyện với nhau trong suốt mười ba giờ liên tục, một sự kiện gặp gỡ của hai luồng tư tưởng lớn. Freud đã thật sự muốn Jung là người kế vị mình trong lĩnh vực phân tích tâm lý.

Nhưng Jung hoàn toàn không tin theo học thuyết của Freud. Quan hệ nghiên cứu của họ vì thế cứ nguội lạnh dần đi. Vào năm 1909, nhân một chuyến viếng thăm Hoa Kỳ chung của hai người, trong khi họ đang vui vẻ giải thích những giấc mơ của nhau thì Freud đã bày tỏ những điểm trái ngược trong lối phân tích quá sâu của Jung. Cuối cùng Freud đã nói, họ cần phải ngưng lại vì ông sợ cứ tiếp tục nói chuyện sẽ dẫn đến tình trạng Freud mất hết những hứng thú bàn thảo. Jung cho đó là một sự lăng mạ.

Chiến tranh thế giới I là một thời kỳ gai góc khi Jung nghiên cứu về bản thân mình, tuy nhiên đây cũng là một giai đoạn đầu tiên rất quan trọng trong việc hình thành những học thuyết của Jung mà cả thế giới chưa bao giờ nhìn thấy.

Sau chiến tranh, Jung đi du lịch rất nhiều nơi, thăm viếng và nghiên cứu, kể cả người trong các bộ lạc ở châu Phi, châu Mỹ và Ấn Độ. Ông về hưu năm 1946, và bắt đầu co cụm không còn hứng thú đến đời sống công cộng bên ngoài sau khi vợ ông qua đời. Jung từ trần vào ngày 6 tháng 6, năm 1961 tại Zurich.

4. Học thuyết của Carl Jung

Học thuyết tâm lý của Jung chia tâm thức ra thành ba phần. Phần đầu tiên là cái tôi, trong đó Jung cho là bộ phận ý thức của tinh thần. Phần thứ hai có liên hệ rất chặt chẽ với cái tôi là cõi tiền thức cá nhân, bao gồm tất cả những gì không xuất hiện nhưng thuộc về bộ phận ý thức, và khi cần sẽ có thể trở thành một phần của ý thức. Cõi tiềm thức cá nhân bao gồm ký ức được truy cập một cách tương đối dễ dàng dù đôi lúc được chôn rất sâu. Tuy nhiên trong cõi tiềm thức của Jung không chứa đựng bản năng như trong cõi vô thức của Freud.

Jung đã đưa vào một đại lượng thứ ba đã khiến cho học thuyết của ông gây được sự chú ý của mọi người đó là cõi vô thức tập thể. Hiện nay nhiều người gọi cõi vô thức tập thể này là tâm thức di truyền, vốn là một bể chứa rất lớn, cất giữ trong nó tất cả những kinh ngiệm chung của một chủng loại, một dạng kiến thức mỗi chúng ta sau khi sinh ra đã được trang bị. Tuy nhiên những kiến thức này thường không hiện lên bên trên bề mặt ý thức. Những kiến thức từ cõi vô thức tập thể luôn có ảnh hưởng lên tất cả những hành vi của con người, nhất là nơi những người giàu cảm xúc. Chúng ta chỉ có thể nhìn vào những kiến thức di truyền ấy một cách gián tiếp qua những ảnh hưởng của nó.

Có vài kinh nghiệm cho thấy những ảnh hưởng của cõi vô thức tập thể rất khác nhau. Một số mảng trong cõi vô thức tập thể có ảnh hưởng lớn hơn những mảng khác. Chẳng hạn như vấn đề cái nhìn ấn tượng ban đầu (hoàn toàn do trực giác điều khiển) – một trạng thái cảm xúc bất ngờ khi hai người gặp nhau lần đầu mà họ tin rằng đã được sắp xếp như một cơ duyên tiền định. Theo Jung đây là sự đánh thức của cõi vô thức tập thể vẫn được cài đặt sẵn trong hệ thống tâm lý nơi con người.

Cõi vô thức tập thể được bắt gặp ở hầu hết các nền văn hóa khác nhau trên thế giới một cách rất rõ. Ta có thể nhận ra chúng qua những hiện tượng kinh nghiệm thần linh, cảm hứng của các nhạc sĩ và nghệ sĩ, những hiện tượng siêu nhiên, giác quan thứ sáu, những giấc mơ và điềm báo, truyện cổ tích và văn chương. Ví dụ ở Việt Nam có truyện cổ tích Tấm Cám rất giống với truyện cổ tích Nàng Bạch Tuyết ở các nền văn hóa Châu Âu.

Một ví dụ khác được thảo luận nhiều nhất là kinh nghiệm chết đi sống lại. Nghiên cứu từ nhiều người có nguồn gốc văn hóa khác nhau trải qua kinh nghiệm chết đi sống lại cho biết họ có những hình ảnh trí nhớ rất tương tự sau khi nhập lại với đời sống. Họ cho rằng đã thoát xác và nhìn thấy cơ thể của mình, cùng với những hoạt cảnh có nội dung liên quan xảy ra xung quanh xác chết của họ. Chẳng hạn như tất cả đều kể lại việc họ được kéo qua một đường hầm tối đen đến với một nguồn ánh sáng chói lòa, gặp lại những người thân và những hình ảnh thần thánh trong tôn giáo. Nhiều người tỏ ra thất vọng khi phải quay trở lại với thực tế trước mắt. Theo Jung có thể tất cả mỗi con người được thiết kế để trải qua kinh nghiệm này.

5. Các nguyên mẫu tâm lý

Nội dung của những ảnh hưởng đến từ cõi vô thức tập thể được gọi là những nguyên mẫu. Jung còn gọi chúng là những tâm thức hệ chủ quản, bao gồm những biểu tượng, hoặc những hình ảnh huyền thoại hay những hình ảnh nguyên thủy. Tuy nhiên thuật ngữ nguyên mẫu được ông sử dụng nhiều nhất. Theo ông, nguyên mẫu chính là xu hướng tâm thức không cần được học nhưng được sử dụng như một kênh chung để con người khắp nơi trên hành tinh có những kinh nghiệm tâm lý hiện tượng rất giống nhau.

Các nguyên mẫu không có một hình thái nhất định, song lại vận hành trên nguyên lý có tổ chức đối với những sự kiện chúng ta nhìn thấy thông qua các ứng xử và tư duy của con người.

Theo ông nguyên mẫu phát triển giống như bản năng trình bày trong thuyết phát triển của Freud, nghĩa là ban đầu trẻ em đói và đòi ăn một cách rất vô thức và không hề biết nó muốn gì. Các em chỉ mơ hồ phải có một đáp ứng nào đó không thể thay thế được. Sau đó dần dần trẻ em sẽ bắt đầu đòi hỏi những gì chúng thật sự cần, qua những khám phá từ kinh nghiệm bản thân: chẳng hạn như một cái bánh qui, một món đồ chơi, một bình sữa. Vì thế một nguyên mẫu không định hình để ta nhìn thấy, song thường chỉ cảm nhận được trong những tình huống xảy ra cần có sự hiện diện của một nguyên mẫu nhất định đó.

6. Nguyên mẫu tình mẹ

Đây là một nguyên mẫu quan trọng trong học thuyết của Jung vì tất cả mọi thế hệ tiền thân của tổ tiên chúng ta đều có một người mẹ. Chúng ta ai cũng được sinh ra trong môi trường được mẹ chăm sóc. Con người không thể sống thiếu được sự liên hệ với nguồn cung cấp chăm sóc này khi thời gian họ còn là những trẻ sơ sinh. Vì thế trong hành trình làm người, tất cả những gì liên quan đến Mẹ là một bộ phận quan trọng với con người trong khắp mọi nền văn hóa. Có thể nói tất cả các nghệ sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ đã đại diện cho mọi người bình thường những cảm xúc sâu lắng nhất về HUYỀN THOẠI MẸ của tất cả mỗi chúng ta.

Vì thế nguyên mẫu tình mẹ là một khả năng nhận diện tất cả những quan hệ liên đới với ấn tượng người mẹ. Đây là một nguyên mẫu được cài đặt trong hệ tâm lý của mỗi cá nhân. Và tuy không nhận diện ra nguyên mẫu này, chúng ta vẫn không thể phủ nhận được cảm xúc và khuynh hướng tìm về hình ảnh người mẹ vĩ đại dưới nhiều hình thái khác nhau. Nhất là nhiều hành vi của chúng ta được cá nhân hóa (personify) qua hệ thống nguyên mẫu tình mẹ. Nhìn một đứa trẻ tội nghiệp bị bỏ rơi, ai trong chúng ta cũng thường hỏi ngay: Mẹ em bé này đang ở đâu?

Một số ví dụ khác về nguyên mẫu tình mẹ là hiện tượng người mẹ khởi nguyên hay còn gọi là mẹ mặt đất tìm thấy trong thần thoại của nhiều nền văn hóa, về những thần nữ là mẹ, như Eva trong kinh thánh Cựu ước, hay Đức thánh Maria – mẹ của chúa Jesus, cho đến những tổ chức khác như Hội thánh mẹ của nhiều tôn giáo, biển là mẹ, rừng là mẹ, đất là mẹ, quê là mẹ, tiếng mẹ đẻ…

7. Nguyên mẫu năng lực siêu nhiên

Trước khi đi sâu vào thảo luận, chúng ta cần hiểu được rằng các nguyên mẫu hoàn toàn không có liên hệ nguồn gốc sinh học, không giống như bản năng trình bày trong học thuyết của Freud. Rõ hơn, các nguyên mẫu là những nhu cầu mang thuộc tính tinh thần. Chẳng hạn với Freud, trong giấc mơ nếu một người nhìn thấy một vật có hình tròn và dài sẽ được cắt nghĩa thành một vật thể dương vật và hoàn toàn có liên hệ với nhu cầu tính dục. Với Jung thì điều nằm mơ thấy một vật có chiều dài và tròn sẽ được lý giải theo nhiều cách khác và không nhất thiết phải có liên hệ với nhu cầu tính dục.

Trong các xã hội nguyên thủy, biểu tượng dương vật không phải luôn luôn mang màu sắc tính dục. Theo Jung thì đây là một biểu tượng của mana, hay còn gọi là năng lực siêu nhiên. Những biểu tượng này thường được xuất hiện khi con người có nhu cần đến sự trợ giúp của những nguồn năng lực siêu nhiên. Ví dụ ta thấy người xưa hay trông cậy vào năng lực siêu nhiên trong việc cầu mùa, cầu vũ, đi săn, đánh cá, kiến trúc đền đài để tôn vinh năng lực siêu nhiên. Tất nhiên một dạng cụ thể của năng lực siêu nhiên (mana) được thể hiện qua biểu tượng dương vật. Điều này được chứng minh ở nhiều nền văn hóa và tôn giáo như Linga (Linh dương vật), hoặc việc có nhiều tôn giáo coi việc thờ phượng dương vật coi trọng tinh dịch, và xem đó là những hoạt động đem lại sự sinh sản trù phú, chẳng hạn như trong văn hóa Phồn thực ở Việt Nam và một số nước vùng Đông Nam Á.

8. Nguyên mẫu bóng tối

Tính dục và bản năng sinh lý trong đời sống cũng được thảo luận trong học thuyết của Jung. Chúng là một nhóm nguyên mẫu được ông gọi là bóng tối, vốn được lưu lại nơi con người do được thừa hưởng từ tổ tiên là thời tiền nhân loại – chủ yếu đến từ tổ tiên của chúng ta là thú vật, nhằm phục vụ chủ yếu hai chức năng tồn tại và sinh sản. Vì thế tổ tiên của chúng ta hoàn toàn không có ý thức về chính mình.

Đây là thái cực bóng tối của cái tôi. Đây là khu vực chất chứa những khả năng độc ác hằn học của con người. Nguyên mẫu bóng tối đại diện cho thuộc tính thú vật nơi con người, thể hiện qua việc thiếu sự có mặt tinh thần đạo đức mà mỗi con người trong chúng ta ai cũng từng có. Điều này hoàn toàn không phải là xấu hay tốt, đơn giản là chúng ta trở về gần gũi hơn với tổ tiên của mình là thú vật, nhất là trong vận hành để sinh tồn. Chẳng hạn, cọp mẹ đi săn để nuôi con chứ không phải vì độc ác. Đây là một hình ảnh khá khách quan vô tư nhưng qua lăng kính phát triển đạo đức của con người đã trở thành tàn nhẫn, phi nhân tính, vì thế nguyên mẫu bóng tối là nơi những điều tự nhiên (gần gũi với thủy tổ là động vật thấp hơn) của con người được cất giữ.

Biểu tượng của nguyên mẫu bóng tối bao gồm con rắn (như mô tả trong Kinh Thánh), con rồng, và những hình ảnh ma quỷ khác. Thường được coi như là vật cản canh cổng dẫn vào một hồ nước (là nơi được coi là cõi vô thức). Và khi nằm mơ thấy những hình ảnh trên (theo Jung) sẽ có nghĩa là bạn đang đánh vật với những thế lực đen tối của chính mình.

9 Nguyên mẫu mặt nạ

Đây là nguyên mẫu đại diện cho hình ảnh bên ngoài của mỗi cá nhân, và vì thế có liên hệ trực tiếp đến nhân cách con người, đơn giản là vì chúng ta sử dụng nhân cách để tiếp cận với môi trường đời sống xung quanh. Persona theo tiếng Latinh có nghĩa là mặt nạ. Mỗi chúng ta thường trang bị cho mình một mặt nạ khi đối diện và giao tiếp với thế giới. Mặc dù ban đầu đây là một nguyên mẫu nhưng sau đó khi chúng ta chính thức nhận diện và hiểu được vai trò của nó, nguyên mẫu này là một bộ phận nằm xa nhất trung tâm cõi vô thức tập thể để gần gũi hơn với cõi ý thức – giúp trực tiếp chỉ đạo các ứng xử của con người. Vì thế càng ngày nguyên mẫu mặt nạ đã trở thành có ý thức. Chúng ta cố ý trang bị cho mình một vỏ bọc để xã giao.

Đây là nguyên mẫu động viên chúng ta tạo ra một ấn tượng tốt đẹp mà mỗi người trong chúng ta luôn luôn nhắm tới để mong hoà nhập một cách tối ưu nhất với đời sống xã hội bên ngoài. Tuy nhiên một số cá nhân đi xa hơn mức chỉ dừng lại ở một ấn tượng tốt đẹp. Họ kiến tạo một ấn tượng giả tạo mà một số người đã sử dụng để điều khiển (hay đánh lừa) người khác. Tệ nhất là nhiều cá nhân đã tin vào những ấn tượng ảo này do họ đã thiết kế. Và như thế họ sẽ chẳng còn những tiêu chuẩn khách quan để điều chỉnh những giá trị tinh thần nhân văn khác nơi họ.

10. Nguyên mẫu âm tính và nguyên mẫu dương tính

Một phần của nguyên mẫu mặt nạ là vai trò nam giới và nữ giới của mỗi cá nhân. Với hầu như mỗi chúng ta thì vai trò này đi liền với thiết kế cấu trúc cơ thể qua những đặc tính giới tính rất cụ thể. Tuy nhiên theo Jung, giống như Freud và Adfred Alder tin rằng con người phần đông là những sinh thể lưỡng tính.

Cần biết khi còn là phôi thai cho đến một giai đoạn nhất định, cơ thể một em bé vẫn còn là một sinh thể chưa có các bộ phận cơ quan phân biệt giới tính cụ thể, và thai nhi chỉ thực sự phát triển giới tính khi có sự góp mặt của nội tiết tố sinh dục để trở thành một bé trai hay một bé gái. Sau đó được sự tác động của môi trường văn hóa, xã hội, giáo dục, chúng ta dần dần phát triển thành một người đàn ông hay một phụ nữ.

Trong mọi xã hội nguyên sinh, điều kỳ vọng và mong đợi nơi vai trò của phái nam và phái nữ là rất thực với những tiêu chuẩn rất khác nhau. Phần nhiều những vai trò này được xác định dựa vào những chức năng sinh sản và nuôi dưỡng chăm sóc con cái. Theo năm tháng, những kỹ năng liên hệ đến sinh sản và chăm sóc con cái đã trở thành những công việc mang tính truyền thống phân công cho phái nam và phái nữ một cách rất rạch ròi. Đến hôm nay trong tư duy và ứng xử, con người vẫn còn đem theo những giá trị truyền thống ấy. Chẳng hạn như phụ nữ phải được coi là nhu mì, chịu khó, giàu lòng nhân ái, có những kỹ năng chăm sóc con cái. Nam giới được khuyến khích trở thành mạnh mẽ, can đảm, không nên có những cảm xúc, và nhất là khả năng đem tài chính về nhà. Vì thế theo Jung con người đã chỉ sử dụng và phát huy một nửa khả năng tiềm tàng của mình.

Bộ phận nguyên mẫu nữ tính là phần nằm trong cõi vô thức tập thể của đàn ông. Và bộ phận nguyên mẫu nam tính là phần nằm trong cõi vô thức tập thể của phụ nữ. Gộp lại, hai nguyên mẫu này được coi như là hai điểm có chung một quỹ đạo. Nguyên mẫu nữ có thể được nhân cách hóa như một cô gái trẻ, rất linh động và đầy trực giác, một mụ phù thủy, hay một thần mẹ là quả đất vốn được coi là trung tâm của những cảm xúc và những động lực điều khiển sự sống. Nguyên mẫu nam được nhân cách hóa như một ông già thông minh, một vị tiên tri, với những đặc tính như có lôgíc, có lý lẽ, và có khả năng tranh luận.

Theo Jung, hai nguyên mẫu nam tính và nữ tính này luôn luôn đối thoại với cõi vô thức tập thể và có mối liên hệ khắng khít. Và đây là hai nguyên mẫu có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tình cảm của mỗi chúng ta. Dựa theo thần thoại Hy Lạp, chúng ta hôm nay mãi mãi đi tìm một nửa của mình, đã bị lấy đi bởi thần thánh, vốn là người có giới tính đối ngược với chúng ta. Chúng ta có thói quen tìm thấy người trong mộng và phát hiện ra nguyên mẫu nam và nguyên mẫu nữ từ hai phía có một sự hòa hợp rất cao.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx