sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 09 - Phần 1

Chương 9. ERICH FROMM THUYẾT NHÂN CÁCH XÃ HỘI

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Tiểu sử

Erich Fromm sinh năm 1900 tại Frankfurt, nước Đức. Cha của ông là một thương gia và theo Erich thì ông bố có những thay đổi tâm trạng rất phức tạp. Mẹ ông thường xuyên trầm uất. Nói khác đi họ là những con người ta vẫn thường gặp thấy trong cuộc sống hàng ngày. Thời thơ ấu của ông tất nhiên là chẳng được hạnh phúc lắm.

Giống như Jung, Erich Fromm xuất thân từ một gia đình rất sùng đạo, trường hợp của ông là một nền Do Thái chính thống. Fromm sau này thính thức tự nhận mình là người vô thần rất khó giải thích (atheistic mystic).

Trong cuốn hồi ký của mình, Đàng Sau Sợi Xích Của Ảo Ảnh (Beyond the Chains of Illusion), ông nói về hai sự kiện trong cuộc sống tuổi dậy thì của mình đã ám ảnh ông trong suốt hành trình đời người. Biến cố đầu tiên liên hệ đến một người bạn của gia đình:

Đấy là một người phụ nữ chừng hai mươi lăm tuổi, rất đẹp và là một họa sĩ có gương mặt khả ái ưa nhìn, cô đã vẽ bức họa đầu tiên ông được nhìn thấy. Nghe đâu chị ta đã đính hôn nhưng sau đó lại thôi. Ông nhớ là chị ta luôn tận tình chăm sóc người cha góa vợ của mình, một ông cụ nhàm tẻ và nom rất xấu xí. Fromm tin rằng ông đã ghen với ông cụ về điều đó. Rồi một ngày nọ Fromm nghe tin ông cụ chết. Ngay sau đó cô con gái liền tự tử và để lại một nguyện vọng muốn được chôn cùng với người cha ruột của mình.

Câu chuyện ấy đã tác động lên cậu bé mười hai tuổi Erich Fromm khá nặng. Cậu bé đã tự hỏi mình nhiều lần: Tại sao phụ nữ ấy muốn như thế. Sau đó ông bắt đầu tìm ra một số câu trả lời cho mình - một phần đến từ những giải thích của Freud.

Sự kiện thứ hai càng có ảnh hưởng nặng hơn:

Chiến tranh thế giới I xảy ra. Lúc ấy ông được mười bốn tuổi, chứng kiến được những thái độ cực đoan gay gắt nhất của chủ nghĩa phát xít quốc gia. Ông luôn nghe những khẩu hiệu: Chúng ta, những người Công giáo Đức quốc là vĩ đại. Anh quốc và đồng minh của bọn chúng là những kẻ tham lam tiền bạc. Chính sự thù hận của những ngọn lửa điên loạn chiến tranh đã làm cho ông sợ hãi.

Từ đó ông cũng thôi thúc đi tìm những vô lý trong não thức của con người. Sau cùng ông hiểu ra về điều không hợp lý – sự bất hợp lý của cộng đồng xã hội. Ông đã tìm ra câu trả lời từ những giải thích trong các tác phẩm của Karl Marx.

Ông nhận được học vị tiến sĩ tại trường Đại học Heidelberg vào năm 1922 và bắt đầu sự nghiệp của mình như một nhà tâm lý trị liệu. Ông đến Hoa Kỳ vào năm 1934 – vào thời đó rất nhiều người Do Thái rời bỏ nước Đức. Ông sinh sống tại thành phố New York và gặp gỡ nhiều nhà tư duy lớn di tản đến đây, trong đó có cả Karen Horney, người mà ông đã có những quan hệ tình cảm. Cuối đời mình, ông chuyển đến thành phố Mêxico để dạy học. Ông đã làm nhiều cuộc nghiên cứu đáng chú ý và có giá trị về sự liên hệ giữa thanh phần kinh tế và ảnh hưởng của nó lên những tuýp nhân cách khác nhau. Ông từ trần năm 1980 ở Switzerland.

2. Học thuyết của Erich Fromm

Như trong phần tiểu sử đã gợi ý, học thuyết của Fromm là một sự kết hợp giữa Sigmund Freud và Karl Marx. Dĩ nhiên là Freud đã ảnh hưởng đến ông về cõi vô thức, những xung lực sinh học, và vấn đề dồn nén. Nói khác đi, Freud đã xây dựng trong ông về niềm tin cho rằng những hành vi cá tính của chúng ta được điều khiển từ nguồn gốc sinh học. Ở hướng khác, Karl Marx đã giúp ông nhìn thấy con người được điều khiển bởi ảnh hưởng của xã hội, mà cụ thể nhất là thông qua những hệ thống kinh tế xã hội.

Ông đã đưa những sự kết hợp này vào các hệ thống được định sẵn vốn rất mới mẻ đối với hai bậc thầy của mình. Khái niệm tự do, ông cho phép con người vượt qua những hệ thống được định sẵn như giới thiệu về Freud và Marx. Ông tin rằng tự do là giá trị đặc tính trung tâm của bản tính con người.

Fromm đã nêu ra những ví dụ trong đó trạng thái định sẵn vận hành một cách độc lập. Chẳng hạn như ở động vật, chúng hoàn toàn vận hành trên hệ cơ năng sinh học như Freud đã trình bày. Fromm cho rằng thú vật không lo lắng về tự do của chúng. Bản năng đã giúp chúng vận hành trên mọi bình diện. Ví dụ mèo chẳng cần ai dạy chúng bắt chuột, nhưng bản năng và những điều kiện cơ thể đã cho phép chúng hoạt động và tồn tại.

Theo Marx, những ví dụ của mô thức định sẵn là mô hình kinh tế xã hội thời Trung Cổ. Giống như loài mèo, những công dân thời ấy thường chẳng ai cần tự quyết định cho mình. Họ có những số phận đã được định sẵn là một dây chuyền bao gồm nhiều cấp bậc địa vị xã hội, chỉ bảo cho họ biết họ sẽ phải làm gì. Hiểu đơn giản, nếu một cá nhân là con nhà nông thì anh ta sẽ tự động là nhà nông theo mô thức con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa. Phụ nữ chỉ có một vai trò duy nhất là sinh con và phục tùng chồng mình.

Hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy những mô thức đời sống thời kỳ Trung Cổ hay và cuộc sống của thú vật nơi những cộng đồng thiểu số co cụm như các nhóm cộng đồng nguyên sinh. Ở đó ta dễ thấy những dấu vết của những mô thức sinh học định sẵn và kinh tế định sẵn. Nếu đời sống con người có cấu trúc tư duy, có ý nghĩa, không có những điều băn khoăn lo lắng, không có vấn đề khát khao đi tìm mục đích đời sống của mình, chúng ta sẽ sống và không bao giờ vấp phải những khủng hoảng nhân định.

Vào thời đại Phục Hưng, con người bắt đầu nhìn thấy giá trị nhân văn của mình là trung tâm ở vũ trụ, thay vì trung tâm vũ trụ do vai trò của Thượng Đế. Nói khác đi con người không còn chỉ duy nhất nhìn vào Giáo hội với những hệ thống giá trị tinh thần trước đó. Rồi đến quá trình vận động cải cách, con người bắt đầu nhận ra vai trò trách nhiệm của cá nhân trong việc đem lại sự cứu rỗi cho linh hồn của chính mình. Tiếp đến là Cách mạng dân chủ được thấy ở Hoa Kỳ và Cách mạng Pháp. Hiện nay, ở một góc độ nào đó chúng ta được kêu gọi trong nhiệm vụ hãy tự kiểm soát mình, rồi sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp, con người chuyển từ nông nghiệp sang đời sống công nghiệp. Sau đó Cách mạng xã hội chủ nghĩa ra đời như thấy ở Nga và Trung Quốc với những khái niệm kinh tế hợp tác xã, con người không chỉ quan tâm đến bản thân mà cả những đồng nghiệp của mình nữa.

Trải qua hơn 500 năm, ý tưởng cá nhân, cùng với những tư tưởng và cảm giác về lương tâm đạo đức, giá trị của khái niệm tự do và trách nhiệm đã lần lượt đi vào hệ tâm thức của con người. Phải chăng chính khái niệm cá nhân đã đưa con người đến những phạm trù, địa hạt của sự cô độc, sự xa lánh co cụm, và cả những nổi loạn muốn khẳng định mình. Fromm cho rằng tự do là một điều thật khó định nghĩa chính xác hoàn toàn. Và có lúc con người đã trở nên phức tạp đủ để khước từ hay chạy trốn khỏi tự do.

Fromm đã diễn tả ba cách mỗi chúng ta đã tìm cách trốn thoát tự do:

1. Độc đoán: chúng ta né tránh tự do bằng cách hòa mình vào xã hội bằng cách tự nguyện trở thành một thành viên của một xã hội độc tài như thấy ở Trung Cổ. Có hai ngả dẫn đến trạng thái này: Một cá nhân qui thuận dưới quyền lực của người khác trở thành thụ động và phục tùng. Ngả thứ hai là trở thành người muốn cai trị người khác với những áp đặt. Dù đi qua ngả nào cũng thế, chúng ta vô tình đã né tránh việc khẳng định bản sắc cá nhân riêng rẽ cho mình một hình thái liên đới với một nhóm người (hay một tổ chức) trong xã hội.

Fromm đã cho rằng một mô thức thái quá của độc đoán là hiện tượng khổ dâm và bạo dâm khi cả hai cố gắng tìm đến trạng thái tách rời vai trò của mình. Chẳng hạn người bạo dâm có đầy quyền lực trên người chấp nhận khổ dâm nhưng anh ta đã không cưỡng được lại chính mình. Những hình thái tương tự có thể nhìn thấy qua ví dụ về mối quan hệ giữa các sinh viên và giáo sư. Mặc dù cả hai phía đều có những não trạng và cái nhìn rất khác nhau, sinh viên muốn học theo cách mới mẻ hơn nhưng vị giáo sư vẫn chăm chú vào giáo án cũ bao nhiêu năm của mình. Và ông giáo sư ấy thật ra vẫn lấn cấn về những phản đối trong lĩnh vực kiến thức chuyên môn, nhưng cả hai phía vẫn cứ phải ràng buộc gắn bó lấy nhau.

2. Sự hủy hoại tàn phá: theo Fromm, những kẻ thích quyền hành thường là người có vấn đề khi đối diện với hiện thực, và tất nhiên bước kế tiếp là tự đào thải. Nếu tôi không còn hiện diện nữa, chẳng còn điều gì có thể khiến tôi đau khổ được nữa? Hoặc có người sẽ phản ứng với nỗi đau bằng cách tấn công chống lại cả thế giới. Nếu ta tàn phá thế giới, sẽ chẳng còn ai có thể làm hại được ta. Đây là một cách chạy trốn khỏi tự do khi con người giam hãm mình trong những thành kiến và đối xử phân biệt. Khi đối điện với những điều họ không thích họ sẽ chuyển tải xúc cảm và năng lượng nơi bản thân qua những kênh hành vi nguy hiểm như tội ác đối xử tàn nhẫn, phá hoại của cải, lăng nhục người khác, khủng bố.

Fromm tin rằng một người có thái độ hằn học muốn tàn phá thế giới, nếu bị ngăn chặn bởi những hoàn cảnh hiện tại, những xung lực ấy sẽ quay ngược trở lại tấn công họ dẫn đến những hành vi tự hủy hoại mình. Ví dụ điển hình nhất là hành vi tự tử. Ngoài ra còn có những hình thức tự phá hủy khác như lo lắng đến độ gây nên bệnh tật, nghiện ngập, rượu chè và cả việc thích thú với những sản phẩm văn hóa đồi trụy, thu hẹp và co cụm. Ông đã lật ngược khái niệm bản năng được chết của Freud để tạo ra một khái niệm tự hủy hoại. Hẳn ta còn nhớ Freud cho rằng bản năng chết là trạng thái con người muốn tìm đến trạng thái không còn hiện diện để né tránh cuộc sống.

3. Tuân theo một cách máy móc: những người có não trạng độc đoán né tránh tự do bằng cách trốn tránh vào hệ thống văn hóa đại trà. Khi cần lẩn trốn cuộc sống, chúng ta tìm đến với những sản phẩm văn hóa do con người tạo nên. Chẳng hạn chuyện nhiều người phải chọn mãi mới lựa được một bộ quần áo đi làm vào buổi sáng. Có lúc ta chẳng biết chọn kênh ti vi nào để xem? Mua CD nhạc của ai đây? Và tại sao chúng ta phải mặc một mốt quần áo Hàn Quốc, xem cùng một kênh ti vi để có những đề tài để nói chuyện. Vì sao chúng ta lại nghe cùng một loại nhạc MTV. Và sau cùng là chìm hẳn vào dòng chảy của văn hóa tiêu thụ.

Những cá nhân sử dụng kênh tuân theo một cách máy mốc để tránh né tự do cũng giống như một con kỳ nhông trong xã hội. Họ luôn thay đổi màu sắc để hòa trộn vào môi trường xung quanh. Vì họ trông giống mọi người nên họ không còn cảm thấy mình cô đơn nữa. Anh ta tuy có vẻ không còn cô đơn nhưng thật ra cũng không còn là chính mình nữa. Những người tránh né tự do bằng cách hòa trộn mình vào dòng chảy văn hóa đại chúng chứng kiến một sự tách đôi giữa cảm xúc thực của mình và vỏ bọc bên ngoài của mình, giống như Horney đã đề cập đến.

Trên thực tế, bản chất tự nhiên của con người là tự do, vì thế tất cả những hình thức chạy trốn tự do nói trên đã khiến chúng ta trở thành xa lánh chính mình. Sau đây là những biện chứng của Fromm:

Con người sinh ra vốn là một hiện tượng rất khó hiểu, sinh ra trong tự nhiên nhưng lại vượt qua cả những giới hạn của tự nhiên. Họ luôn đi tìm những nguyên lý vận hành và cố gắng kiến tạo những mô thức để thay thế nguyên lý hoạt động của bản năng sinh học. Họ cần có một khung tư duy định hướng để có thể tổ chức một tình trạng nhất quán trong thế giới, nhằm hướng dẫn những hành động của mình. Họ không chỉ chiến đấu chống lại các sự nguy hiểm đến từ chết chóc, đói khát, bị đau đớn, bệnh tật… mà họ còn chống lại cả những điều đến từ chính hệ thống tư duy của mình. Họ sợ mình bị điên, họ không chỉ lo lắng mất đi tính mạng mà sợ mất đi cả tư duy của mình nữa.

Chúng ta có những khái niệm khác nhau về sự tự do, nhưng Fromm muốn nhắc đến sự tự do của cá nhân, chứ không phải là tự do hiểu theo nghĩa đen (vốn là độc lập). Một phần rất đông trong chúng ta chỉ nghĩ đến sự tự do theo nghĩa đen vì ở ý nghĩa này họ tin rằng họ có thể làm tất cả những gì họ muốn. Song khái niệm tự do của Fromm là một quyết định Ta có chấp nhận mình hay không. Ví dụ như ở người có bệnh cờ bạc, anh ta tuy rất vui vì thấy chính phủ cho phép tự do đánh bạc nhưng bên trong anh ta hoàn toàn không tự do vì anh ta đã bị nô lệ cho đam mê các môn cờ bạc. Nhiều người phấn đấu và đòi hỏi quyền tự do làm được điều gì đó nhưng khi được ban quyền tự do đó, họ lại rơi vào trạng thái thuần phục cho hệ thống luật lệ mới. Điều đó dẫn chứng rằng anh ta vẫn thuộc vào một hình thái mới của sự thiếu tự do. Nhiều người có quyền đi bầu cử nhưng lại không sử dụng quyền công dân ấy.

3. Đời sống gia đình

Cách chúng ta sử dụng để tránh né tự do có những ảnh hưởng rất lớn từ mô hình gia đình mà bạn đã sinh trưởng và lớn lên. Fromm đã hệ thống hóa hai loại môi trường gia đình có ảnh hưởng lên cách thức chúng ta né tránh tự do cá nhân của mình:

1. Gia đình hòa thuận gắn bó: là những mô thức trong đó hai thành viên trong gia đình sống không thể thiếu nhau. Nói khác đi các thành viên này đã hoàn toàn lệ thuộc vào nhau và vì thế họ không thể tự có khả năng phát triển nhân cách một cách độc lập được. Ví dụ như cha mẹ quá quan tâm hoặc quá hà khắc đến độ con cái chỉ là một phiên bản của họ. Trong nhiều xã hội điều này đã trở thành một hiện tượng văn hóa. Con cái lớn lên sẽ tiếp tục truyền thống của gia đình giống như cha mẹ của mình. Hoặc khi con cái có những ảnh hưởng lớn từ cha mẹ nên cha mẹ đâm ra lo lắng và chiều con quá đáng và đây là điều thường thấy ở các cậu con trai hay được các bà mẹ nuông chiều quá mức. Ta thấy điều này xảy ra ở xã hội hiện đại.

Trên thực tế, hầu như mọi người sống trong xã hội truyền thống sẽ học tập, rút kinh nghiệm qua hai cách: một là cai trị người khác. Hai là phục tùng người khác, và chúng ta thường rơi vào tình trạng mình ở trên người này nhưng lại ở dưới người khác. Hay trong tục ngữ Việt Nam có câu: Nhìn lên mình không bằng ai, nhìn xuống không ai bằng mình. Và như thế những người độc đoán đã ẩn mình vào môi trường xã hội họ đã sống. Tuy các xã hội văn minh cổ xúy sự công bằng, song ta vẫn thấy con người có những tư tưởng phân biệt cao thấp trong các quan hệ sinh hoạt hàng ngày.

2. Những gia đình co cụm: là những quan hệ gia đình trong đó các thành viên co cụm và không hề quan tâm đến cảm giác của nhau. Ví dụ điển hình là nơi các gia đình gia trưởng hoặc những gia đình nhà buôn bận rộn tất bật, con cái trong các gia đình nhà này phải nghe lời cha mẹ với những giáo huấn: Phải cố mà làm, đấy là tương lai của chúng mày cả. Hoặc là ở những nền văn hóa sử dụng mặc cảm và đè nén tình cảm như những hình thức kỷ luật. Bằng cách nào đi chăng nữa, trẻ em trong những mô hình xã hội này sẽ phấn đấu để thành công, dựa trên những tiêu chuẩn được xã hội đó đặt ra.

Lối vận hành của các gia đình theo tiêu chuẩn đạo đức một cách cứng nhắc đã khuyến khích né tránh tự do một cách nguy hiểm. Não thức né tránh tự do đã được nung nấu và ghi khắc vào tâm thức cho đến khi điều kiện chín muồi sẽ bùng lên. Đây là những gia đình sử dụng luật lệ khắt khe và luôn kỳ vọng sự cầu toàn, hoàn hảo nơi con cái. Khi luật lệ quan trọng hơn con người, nó sẽ hủy hoại con người và đây là điều không thể tránh khỏi.

Đời sống hiện đại, loại hình gia đình co cụm thường nhìn thấy ở những gia đình trong những xã hội phát triển đời sống văn minh, nhất là như thường thấy ở Hoa Kỳ khi cách nuôi dưỡng con cái đang dẫn nhiều người đến việc nhún vai chứ không có những biện pháp cứng rắn và người ta càng ngày càng cổ xúy việc nuôi con như những người bạn đồng lứa với mình. Ông bố cần phải là người bạn đồng chí của con trai, và người mẹ cần phải là người bạn tâm tình của con gái. Và khi các phạm trù sinh hoạt liên quan đến mảng cảm xúc thì cha mẹ có phần né tránh và hững hờ với con cái. Nhiều người tin rằng quan hệ cha mẹ và con cái trong những gia đình ở các xã hội phát triển đang trở thành quan hệ của những người sống chung trong một gia đình. Trẻ em bây giờ không còn có những hướng dẫn thực sự của người lớn, cuối cùng các em phải tìm đến với bạn bè và phương tiện truyền thông đại chúng khi các em xây dựng hệ giá trị tinh thần. Đây là những gia đình hiện đại, hời hợt – điển hình là những gia đình ta vẫn thấy trong ti vi với những kịch bản cha mẹ và con cái đối thoại ngang hàng.

Và cách các em chạy trốn tự do, điều đó thật hiển nhiên: các em tìm đến với tùng phục một cách tự động. Mô hình của các gia đình này là mối lo ngại của Formm vì ông tin đây là xu hướng dẫn đến thảm họa trong tương lai.

Vậy điều gì sẽ tạo ra một gia đình tốt lành, khỏe mạnh, hạnh phúc và có hiệu quả? Fromm đề nghị rằng đấy phải là một gia đình cha mẹ phải có trách nhiệm dạy dỗ con cái. Phụ huynh cần biết lý luận và cân nhắc trong một môi trường có tình thương. Trẻ em lớn lên trong những gia đình này sẽ có điều kiện và cơ hội phát triển và hiểu được giá trị tự do cá nhân. Từ đó các em sẽ sống có trách nhiệm với chính mình, sau cùng là với xã hội bên ngoài.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx