sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 09 - Phần 2

4. Xã hội vô thức

Các gia đình hiện đại phản ánh điều kiện xã hội văn hóa của thời đại. Fromm nhấn mạnh rằng nhiều người trong chúng ta cho rằng mình đang hành xử trên bình diện cá nhân, song đấy thật ra được điều khiển bởi những mong đợi của xã hội một cách vô thức. Tất nhiên chúng ta ý thức có nhiều cách tiếp cận nhưng luôn tin vào cách tiếp cận của mình là tốt nhất. Thật ra cách tiếp cận ấy không phải 100% của riêng ta mà có dấu ấn của xã hội trên bình diện vô thức. Tuy nhiên chúng ta thường không nhận ra điều ấy.

Fromm tin rằng khái niệm xã hội vô thức thể hiện rõ nhất khi quan sát hệ thống kinh tế xã hội và ông đã thiết kế năm tuýp nhân cách mà ông cho là chịu ảnh hưởng từ những mô hình kinh tế. Fonnm đã sử dụng một bản trắc nghiệm liệt kê một danh sách các tính từ để các cá nhân có thể tìm ra cá tính nhân cách của mình:

1. Xu hướng đón nhận: Đây là tuýp người kỳ vọng muốn có được những gì họ cần. Nếu không đạt được, họ sẽ chờ. Họ tin rằng tất cả những điều tốt lành và những thoả mãn đến từ bên ngoài. Đây là tuýp người hiền lành chất phác, gần gũi với nhà nông, quê mùa. Họ có thể thường tìm thấy ở những vùng tài nguyên thiên nhiên được ưu đãi và họ thường không quá băn khoăn về việc kiếm sống. Họ thường là những người có đời sống bình thản và ở tầng dưới cùng của xã hội như nô lệ, phục vụ, hưởng phúc lợi xã hội, dân di cư lao động, hưởng nhận sự bảo trợ của người khác. Đây là những gia đình có mô hình gắn chặt lấy nhau.

2. Xu hướng khai thác người khác: Là những người mong đợi sẽ chiếm dụng được những gì họ cần. Họ là người nhắm đến những mối lợi vật chất và chà đạp lên những giá trị công bằng để chiếm hữu của người khác. Với họ tài sản được coi như của cải chiếm dụng và biển thủ. Họ thích ăn cắp tư tưởng của người khác. Với họ tình cảm có được là do chiếm đoạt. Đây là tuýp người thường gặp nơi giới địa chủ, người cho vay lãi nặng, giới giàu có, đế quốc, và vị trí của họ là quyền lực áp đặt lên những người yếu thế hơn. Họ có thể cảm thấy thoải mái khi ra lệnh cho người khác. Họ là người lớn lên trong gia đình gắn chặt có xu hướng chi phối người khác (như cha mẹ thì nghiêm khắc còn con cái thì hằn học với cha mẹ). Nhìn chung họ là những con người có nhiều thủ đoạn để trục lợi một cách trơ trẽn. Nhẹ hơn thì ích kỷ và dửng dưng với người có nhu cầu cần được giúp đỡ.

3. Xu hướng hàng rào: Là tuýp người mong đợi sẽ sở hữu những gì họ nhìn thấy. Họ nhìn thế giới như là của cải sẽ thuộc về họ, ngay cả người thân yêu cũng sẽ là những cá nhân họ muốn sở hữu, kể cả việc mua chuộc. Fromm lấy ví dụ từ Karl Marx với những mẫu người trung lưu, những nhà buôn thuộc lớp giữa trong xã hội, những phú hộ giàu có và thành phần làm nghề thủ công. Họ là những người có thu nhập cao hơn những người ở tầng lớp thấp nhất của xã hội. Họ là những thành viên lớn lên trong gia đình co cụm. Họ là người nhắm đến cầu toàn hoàn hảo. Họ là người có xu hướng bướng bỉnh, keo kiệt và ít sáng tạo ở mức độ nhẹ hơn, họ là người tiết kiệm, thực tế, và khá kiên định.

4. Xu hướng tiếp thị: Là nhóm có khuynh hướng muốn thổi phồng về bản thân. Họ khẩn trương trong việc chuẩn bị như thế nào để trở thành một đối tượng thu hút và hấp dẫn người khác. Họ muốn mình có một dáng dấp, một vị trí, và có khuynh hướng tự quảng bá, khoe khoang về người thân, về công việc, các mối quan hệ, quần áo giống như việc họ tự quảng cáo và đánh bóng. Với họ, thì ngay cả chuyện tình cảm là một lần giao dịch. Họ nghĩ về hôn nhân như một hợp đồng, chẳng hạn như việc phân chia trách nhiệm và đóng góp. Nếu không có sự cân bằng về đóng góp, hôn nhân có thể được chấm dứt sòng phẳng, và chuyện chia tay tương đối dễ dàng, song không có thái độ hằn học. Theo Fromm thì mô hình này ta càng ngày càng nhìn thấy rất phổ thông trong xã hội hiện đại. Tuýp người hiện đại này đến từ những thành viên lớn lên trong gia đình co cụm với thói quen sử dụng phục tùng tự động như kênh né tránh tự do. Họ là người thích nắm bắt các cơ hội, và thường rất trực tính. Họ có những giá trị mới mẻ về thời trang, thể thao. Họ muốn mình trẻ mãi, thích mạo hiểm, gan dạ, mới lạ, ấn tượng, và rộng rãi trong quan niệm tình dục. Bề mặt phô trương bên ngoài là tất cả đối với họ.

5. Xu hướng hiệu quả: Theo Fromm đây là tuýp người lành mạnh là những người trung thực. Họ là mẫu người không chối bỏ tình trạng tự nhiên sinh học và xã hội của mình, và cũng không phủ trách nhiệm, trốn tránh nhiệm vụ. Họ đánh giá cao tự do cá nhân. Họ là người lớn lên trong một gia đình có sự thương yêu và không trải qua những sóng gió. Họ chú trọng đến tính hợp lý chứ không nặng nề với luật lệ cứng nhắc. Họ có ý thức tự do trong việc đi theo những qui luật chứ không bị ép bức. Một xã hội với những công dân tuýp nhân cách này chưa bao giờ thật sự tồn tại (theo cách nhìn của Formm). Theo ông đây là mô hình xã hội tập thể có tính nhân văn – một mô hình hoàn toàn trái ngược với hệ thống vận hành của chủ nghĩa tư bản. Theo ông mô hình xã hội này có ba bộ phận:

– Nhân văn: phục vụ con người.

– Cộng đồng: mang tính địa phương, tránh một xã hội rộng lớn.

– Xã hội: mọi người quan tâm đến lợi ích của những người khác.

Vì mô hình thứ năm quá lý tưởng, Fromm tin là một xã hội như thế thật sự chưa bao giờ tồn tại. Theo Formm thì xu hướng nhân cách đầu tiên có cơ hội dẫn con người đến những khủng hoảng mất cân bằng nhiều nhất. Đó là bốn xu hướng có cung cách vận hành trên nền tảng vật chất, tập trung vào tiêu thụ, chiếm hữu, và sở hữu. Đấy là những mô thức sở hữu. Con người theo những xu hướng này được định nghĩa bởi những gì họ sở hữu. Formm tin rằng ban đầu con người sẽ nói: Tôi đã sở hữu nó. Nhưng sau đó họ có thể nghĩ: Nó đã làm chủ tôi. Nhiều người thực ra bị điều khiển bởi những vật chất mà họ có được.

Xu hướng hiệu quả (thứ năm) có lối vận hành trên nền tảng giá trị tinh thần, có mô thức hiện diện. Anh là ai, và hành động của anh, đó mới là định nghĩa thực sự của một cá nhân trong môi trường anh ta đang sống. Anh ta không sống bằng mặt nạ. Anh ta trải nghiệm cuộc sống, liên hệ với con người, và luôn sống bằng con người thật của chính mình.

Fromm nói rằng phần nhiều trong chúng ta đã quá quen thuộc với mô thức sở hữu. Chúng ta đã quen sử dụng động từ có để diễn tả phần lớn những vấn đề trong cuộc sống:

Tôi có một Vấn đề – tôi có nợ người ta – tôi có những sự cố – tôi có một cuộc hôn nhân rắc rối…

Khi nói tôi có, – một người đã tự coi những vấn đề là một bộ phận bên ngoài, tách rời và họ thường không nhận ra rằng họ là một phần của những vấn đề đó. Theo Fromm, con người cần mạnh dạn nói rằng:

Tôi gặp rắc rối – tôi mắc nợ - tôi phạm phải một sai lầm –hôn nhân của tôi gặp những khó khăn…

Sau đây là bảng tóm tắt về xu hướng nhân cách, nhìn thấy trong xã hội, và cách họ tránh né tự do tinh thần vì lớn lên trong một môi trường gia đình:

Xu hướng

Xã hội Mô hình gia đình

Cách né tránh tự do tinh thần

Đón nhận

Nông nghiệp

Gắn bó (thụ động)

Chịu khổ

Khai thác

Quý tộc

Gắn bó (chủ động)

Thích áp bức

Hàng rào

Trung lưu

Co cụm (khắt khe)

Hoàn hảo và hủy hoại

Tiếp thị động

Hiện đại

Co cụm (lỏng lẻo)

Phục tùng tự

Hiệu quả

Xã hội cộng đông

Tình thương

Chấp nhận chính mình

5. Chân dung sự độc ác

Fromm có một hứng thú đặc biệt trong việc cố gắng muốn tìm hiểu nhưng con người cố ý độc ác trong xã hội chúng ta. Không phải là những người ngộ nhận, bị lôi kéo, hoặc ngốc nghếch đến độ gây tổn thương đến người khác. Fromm thật sự muốn hiểu những con người cố ý gây ra điều ác, cố tình gây ra những khổ đau cho đồng loại.

Tất cả năm xu hướng đã được thảo luận ở trên kể cả tuýp người hiệu quả và không có hiệu quả dựa trên mô thức sở hữu hay mô thức hiện diện, theo Fromm đều có một điểm chung: Tất cả đều là những cố gắng điều chỉnh trong cuộc sống. Giống như triết lý của Horney, Fromm tin rằng ngay cả những hành vi bệnh hoạn nhất vẫn là một lối tiếp cận đối diện với cuộc sống. Những xu hướng và mô thức trên đều phục vụ cho một hiện tượng mà ông đặt tên là tất cả vì sự sống.

Theo ông, còn có một tuýp người khác gọi là tuýp yêu sự chết. Họ là những người có một sự hấp dẫn nồng nàn đến điên cuồng về tất cả những gì liên hệ đến sự chết, mục nát, bệnh hoạn, thối rữa. Đây là một xu hướng đam mê muốn được nhìn thấy sự sống chuyển sang trạng thái chết chóc. Họ thích sự hủy diệt tàn phá chỉ vì mục đích giết chóc. Đây là một dạng hứng thú ngoại lệ hoàn toàn dựa trên nền tảng cơ năng bệnh lý, một tâm thức tràn đầy khát khao muốn được hủy diệt tất cả những sinh vật sống.

Những người thuộc nhóm này có thể nói là có tâm địa độc ác. Họ thường học hành không thành công lắm. Họ là người thích phim bạo lực đến thái quá, thường nghĩ ra các trò chơi chế tạo vũ khí chế bom, và thích sử dụng vũ khí. Họ thích các trò chơi điện tử chiến tranh. Họ thích hành hạ thú vật. Họ rất thích tìm tòi đủ mọi thứ về máy móc, và họ tỏ ra rất thạo về thao tác vận hành của những sản phẩm kỹ thuật mới mẻ, như máy móc, điện thoại di động…

Fromm đã đưa ra vài phỏng đoán vì sao một người như thế lại được sinh ra? Ông đề nghị rằng có thể vài biến đổi sai lệch nơi hệ gien đã ngăn cản họ trong việc có những cảm giác hay phản ứng với sự quan tâm đến người khác. Có thể trong cuộc sống của họ có quá nhiều điều bức xúc nên họ đã sống cả cuộc đời của mình trong sự thù hận. Và sau cùng, ông tin rằng những người này lớn lên dưới sự chăm sóc của một bà mẹ ưa chuộng sự chết nên đứa trẻ đã không có ai để học cách yêu thương. Đây là sự kết hợp của những giả thiết vừa nêu trên. Tuy nhiên ông bày tỏ nguyện vọng muốn nhìn thấy nhiều hơn nữa những cuộc nghiên cứu sâu rộng về hiện tượng này...

6. Nhu cầu của con người

Erich Fromm giống như nhiều học giả khác tin rằng chúng ta cần đi xa hơn những nhu cầu căn bản, vượt qua những nhu cầu sinh lý. Freud và những nhà học thuyết hành vi cho rằng bộ phận sinh học và phạm trù sinh lý có thể giải thích tất cả những hành vi của con người. Fromm có một cách nhìn khác, ông gọi những khao khát tinh thần nơi mỗi cá nhân là những nhu cầu của con người để phân biệt đối ngược với những bản năng của thú vật. Ông cho rằng nhu cầu con người có thể gói gọn trong một lời phát biểu: Đấy là nhu cầu đi tìm ra câu trả lời cho ý nghĩa hiện diện của chúng ta.

Fromm cho biết chúng ta có thể tìm ra câu trả lời qua những ý nghĩa phạm trù văn hóa. Ở một hướng nào đó, ông nói, tất cả những sản phẩm văn hoá, kể cả tôn giáo đã luôn cố gắng giải thích về ý nghĩa của đời sống. Tất nhiên là có những tôn giáo giải thích về ý nghĩa cuộc sống thuyết phục hơn những tôn giáo khác.

Ông tin rằng loạn thần kinh là một cố gắng để tự thỏa mãn những nhu cầu nơi con người khi những câu trả lời đã không thật sự thuyết phục được mục đích sống của chúng ta. Ông tin rằng tất cả những tình trạng loạn tâm thần là một dạng tôn giáo cá nhân riêng tư, khi các giá trị văn hóa đã không còn cung cấp những thỏa mãn cho cá nhân. Điên loạn là một cách cân bằng khi cảm giác trống vắng không thể lấp đầy và được thỏa mãn. Ông đã đề nghị năm nhu cầu căn bản nơi người:

1. Sự liên hệ: là con người, chúng ta ý thức được trạng thái tách rời giữa mình với người khác, vì thế chúng ta luôn muốn vượt qua điều này. Đó là lý do vì sao Fromm tin rằng con người có nhu cầu liên đới này. Chúng ta coi đó là nền tảng của các hình thái tình cảm được kết hợp với ai đó, với điều gì đó, bên ngoài cơ thể chúng ta. Dưới ảnh hưởng không muốn rơi vào trạng thái tách rời, vì thế ta vẫn giữ được giá trị nhất quán của riêng bản thân mình. Điều đó cho phép chúng ta vượt qua chính trạng thái cách ly của mình mà không đánh mất nét đặc trưng của mình.

Nhu cầu liên hệ này thật lớn đến độ thỉnh thoảng chúng ta đã tìm nó bằng mọi giá, kể cả những lối tiếp cận không lành mạnh. Ví dụ nhiều người tìm kiếm sự liên hệ bằng cách chịu lụy và phục tùng một người hay một nhóm. Hoặc họ sẽ tìm đến khái niệm Thượng Đế nhằm thoả mãn cho nhu cầu liên hệ này. Nhiều người khác xử lý tình trạng cô đơn của mình bằng cách chèn ép người khác. Với tất cả những cách này họ đều không tìm thấy sự thỏa mãn trạng thái tách biệt của họ.

Một cách khác để xử lý trạng thái tách biệt nhiều người áp dụng là từ chối hiện thực này một cách cố ý. Họ thay đổi nhu cầu liên hệ (thay vì muốn liên hệ với người khác) bằng cách quay lại yêu chính mình. Fromm gọi đây là hội chứng tự yêu mình. Đây là một não thức yêu mến chính bản thân con người của mình vốn là một trạng thái tự nhiên vẫn nhìn thấy nơi các trẻ sơ sinh, khi chúng chưa nhận thức được chúng là những chủ thể tách biệt với thế giới môi trường. Với người trưởng thành, hội chứng tự yêu mình là nguồn gốc gây ra những vấn đề tâm thần. Chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt, những người tự yêu mình chỉ có một thực tế hiện diện: Đó là thế giới tư tưởng của họ, những cảm giác, và những nhu cầu của riêng họ. Họ muốn thế giới thực phải trở thành điều mà họ muốn, vì thế họ mất đi sự liên hệ với thực tế.

2. Sáng tạo: Fromm tin rằng tất cả mỗi chúng ta đều có những khát khao đam mê vượt qua, chế ngự, và chinh phục những giới hạn của mình. Một não trạng luôn ám ảnh chúng ta: Tôi chỉ là một sinh vật thụ động. Fromm tin rằng mỗi người trong chúng ta đều muốn là người tạo dựng. Theo Fromm, có nhiều kênh để biểu diễn khả năng sáng tạo: Chúng ta sinh con, chúng ta gieo hạt, trồng cây chúng ta nặn tượng, nung đồ gốm sứ, vẽ tranh, viết sách, làm thơ, yêu đương. Theo Fromm, sáng tạo chính là một kênh diễn đạt của tình yêu.

Không may là nhiều người trong chúng ta không tìm ra được một địa hạt để cho khả năng sáng tạo vốn luôn tiềm tàng trong họ có được cơ hội triển khai. Bức bí, nên họ đã cố gắng vượt qua trạng thái thụ động của mình bằng cách hủy hoại những gì họ nhìn thấy. Chính phá hủy đã cho họ cảm giác mình ở thế chủ động và đây là một cách tư duy thiếu lành mạnh trong việc khỏa lấp nhu cầu sáng tạo. Họ tìm thấy ý nghĩa quyền lực từ những hành vi phá hoại ấy. Ghét và yêu là hai thái cực của cảm xúc. Chúng ta có thể yêu và ghét. Nhưng cuối cùng ghét vẫn không đem lại cảm giác vượt qua cho họ được.

3. Nguồn cội: chúng ta có nhu cầu cội rễ. Chúng ta có cảm giác mình có liên hệ với tổ tiên, nhân loại, môi trường và vũ trụ. Vì chúng ta luôn ý thức mình là một thực thể nên chúng ta luôn cảm thấy mình tách rời và xa lạ với thế giới tự nhiên.

Mô hình đơn giản nhất về nhu cầu gốc rễ là việc chúng ta duy trì quan hệ liên tục với mẹ của mình, nhưng khi lớn lên, điều đó đồng nghĩa với chia tay tình cảm thiết tha nồng ấm của mẹ. Nếu ở lại với mẹ thì không ổn, vì theo Fromm đây là một dạng loạn luân tâm lý. Để cân bằng và điều tiết trong đời sống trưởng thành, chúng ta đã tìm một hình thức cội rễ khác rộng lớn bao quát hơn. Chúng ta đi tìm đến những liên hệ khác qua tình bạn, tình đồng chí với nhân loại.

Nhu cầu này nếu xử lý không thỏa đáng có thể dẫn đến những não thức bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt cố gắng thu hẹp và ẩn mình trong thế giới co cụm như tử cung của người mẹ vì họ nghĩ rằng cuống nhau tâm lý đã thật sự chưa bao giờ bị cắt. Nhiều người vì thế rất sợ đi ra khỏi nhà. Nhiều người tin rằng họ hàng, dòng tộc, giáo xứ, đội banh của cơ quan… là những tổ chức quan trọng hơn tất cả và họ sẽ bảo vệ những tổ chức này đến cùng, vì đây là những tổ chức cung cấp cho họ cảm giác cội rễ nguồn gốc. Họ có khuynh hướng không tin vào tất cả những tổ chức khác, đôi khi họ còn coi những tổ chức khác là mối đe dọa của của những đoàn thể mà họ đang là một thành viên.

4. Cảm giác mình có một nhân vị: trong tác phẩm Xã Hội Tỉnh Táo, Fromm viết: Con người có thể được định nghĩa là một động vật biết nói chữ “Tôi”. Ông tin rằng con người có nhu cầu trang bị cho mình một nhân vị, một cảm giác cá nhân độc nhất để có thể duy trì tình trạng tỉnh táo.

Nhu cầu này rất lớn nên chúng ta luôn đi tìm nó, chẳng hạn như việc chúng ta làm tất cả những gì trong khả năng có thể để đạt những dấu chỉ của vị trí, hoặc bằng cách cố gắng khẩn trương để hòa nhập vào một trào lưu nào đó. Nhiều lúc chúng ta gạt bỏ con người thật của mình, đè nén mình lại để được gia nhập vào một nhóm nào đó. Tuy nhiên đây chỉ là một nhân vị giả tạo. Nhân vị giả tạo là nhân vị chúng ta vay mượn từ hư cấu, thay vì là một nhân vị của chính chúng ta. Tất nhiên là nhân vị vay mượn chẳng bao giờ thoả mãn nhu cầu làm người của chúng ta.

5. Nhu cầu về một khung định hướng: sau cùng, chúng ta muốn hiểu rõ cấu trúc và qui cách vận hành của thế giới xung quanh và vị trí của chúng ta trong thế giới ấy, nhất là trong phạm trù tôn giáo hay trong nền văn hóa chúng ta – vì đây là bộ phận thường cung cấp cho chúng ta những lý giải cần thiết. Ngoài ra các nguồn cung cấp lý giải quan trọng khác như thần thoại, triết lý, và khoa học đã cung cấp những cấu trúc để chúng ta xây dựng những tư tưởng của mình.

Fromm nói rằng nhu cầu có một khung định hướng thật ra có hai nhu cầu nhỏ hơn: (1) Chúng ta cần một khung định hướng, bất kể cấu trúc nào cũng được, vì ta nghĩ một khung không tốt nhưng vẫn hơn là không có một khung cấu trúc nào. Theo ông, con người thường rất nhẹ dạ. Chúng ta rất dễ tin, đôi lúc sẵn sàng đến độ cuống cuồng, nếu chúng ta không có một giải thích sẵn sàng, chúng ta nhất định sẽ tự tạo ra một cái gì đó – ít nhất là qua cách phân tích suy luận. (2) Theo Fromm, chúng ta muốn có một khung định hướng tốt, một khung có ích và chuẩn xác. Đây là lúc phân tích lý luận xuất hiện. Nếu ông bà cha mẹ chúng ta truyền lại những giải thích về thế giới chúng ta đang sống, bao gồm cả vị trí hiện diện của chúng ta, nhưng nếu những giải thích ấy không thuyết phục, chúng ta sẽ hoài nghi giá trị của chúng. Mặc dù có thể những giải thích của thế hệ ông bà đã tồn tại từ nhiều năm trước. Vì thế một khung định hướng của thế hệ ông bà hay từ người khác cần được phân tích và mổ xẻ để đạt được tính hợp lý.

Fromm giới thiệu thêm một điểm khác trong phạm trù nhu cầu con người rằng: chúng ta không chỉ cần một triết lý thuyết phục hay một khoa học đúng đắn về vật chất. Chúng ta cần có một khung định hướng để cung cấp chúng ta một hệ giá trị ý nghĩa. Chúng ta muốn hiểu, và chúng ta hiểu bằng sự lý giải của trí hiểu con người.

7. Thảo luận

Những điểm trong học thuyết của Fromm đã trở thành một giai đoạn chuyển tiếp hay có thể là một điểm hẹn cho nhiều học thuyết khác cùng gặp gỡ. Đóng góp rõ ràng nhất là ông đã kéo phái Freudians và nhóm tân Freudians lại gần nhau hơn. Nhất là nhiều người thuộc nhóm hiện sinh đã chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều.

Một ảnh hưởng lớn khác từ học thuyết của ông là những giải thích và ứng dụng mô hình kinh tế và nguồn gốc văn hóa của nhân cách nơi con người. Chưa ai trước ông đã đề cập đến những vấn đề này một cách trực tiếp như ông. Nhân cách của một cá nhân là một phần phản ánh đáng kể của giai cấp xã hội, tình trạng thiểu số trình độ giáo dục, tôn giáo và những phạm trù lý lịch khác. Đây là một khu vực trong tâm lý chưa được nhắc đến, có lẽ ông là người chịu ảnh hưởng của Chủ Nghĩa Mác nên đã đưa yếu tố xã hội vào học thuyết của mình.

Và học thuyết của ông luôn có những giá trị rất hữu dụng để chúng ta có dịp đối chiếu với những học thuyết có liên hệ gần gũi với sinh học. Và chính nhờ vào sự tiên phong của ông trong việc nhìn vào tâm lý học qua lăng kính kinh tế học, một kích thích đáng kể để chúng ta nhận thấy tâm lý có thể được tiếp cận qua nhiều kênh khác nhau.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx