sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 14 - Phần 1

Chương 14. GEORGE KELLY THUYẾT CẤU TRÚC TÂM THỨC CÁ NHÂN

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Dẫn nhập

George Kelly đang dạy môn tâm lý tại trường đại học Tiểu bang Kansas. Ở Fort Hays vào thời điểm Hoa Kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông đã cảm thông được với nỗi đau khổ của những người nông dân vùng Trung Tây Kansas và đã quyết định làm một cái gì đó có ý nghĩa nhiều hơn với cuộc đời của mình. Ông bắt đầu xây dựng một phòng khám bệnh phục vụ cho những người dân nghèo ở đây.

Đây là một dịch vụ chẳng đem lại lợi nhuận gì cả. Rất nhiều thân chủ của ông nghèo đến độ chẳng có tiền bạc. Nhiều người không có cả phương tiện để đến với ông, vì thế ông và các học trò của mình phải tìm đến với họ, có khi họ phải mất hàng mấy giờ đồng hồ để đi thăm bệnh nhân.

Ban đầu, Kelly sử dụng tiêu chuẩn huấn luyện của phái Freudian mà tất cả các tiến sĩ tâm lý đều được trải qua trong thời kỳ đó. Ông đã có những thân chủ nằm trên ghế sôpha, liên tưởng tự do và kể cho ông nghe về những giấc mơ của họ. Khi ông phát hiện ra sự phản ứng ngược lại của các thân chủ về những biểu tượng tính dục và những nhu cầu gây hấn, ông liền kiên nhẫn giải thích cho họ về những luận điểm của ông. Thật bất ngờ khi ông nhận ra những người dân bình dị này có thể hiểu được những vấn đề của họ. Cuối cùng ông nhận ra rằng họ hiểu ra những điều sâu xa mà ông đã cắt nghĩa chỉ đơn giản vì họ tin tưởng tuyệt đối vào chuyên môn của ông. Dù sao ông cũng là một tiến sĩ(!).

Ngay chính Kelly còn ngờ vực về những cắt nghĩa của mình trong học thuyết của phái Freudian, nhất là những điều trong học thuyết thật khó áp dụng vào trình độ đời sống của những người nông dân hiền lành nơi đây. Theo thời gian, ông phát hiện ra những giải thích của mình không còn chính thống với tư tưởng ban đầu của Freud mà đang dần dần trở thành những lời giải thích nhào nặn. Các thân chủ của ông vẫn chăm chú lắng nghe như trước đó. Họ tin vào ông và kết quả trị liệu tuy chậm nhưng ổn định.

Cuối cùng ông nhận ra những con người bình dân ấy thật ra chỉ cần nghe những giải thích về những vấn đề khó khăn của mình và họ cần đến những giải thích ấy một cách đơn giản. Họ bằng lòng khi nhìn thấy tình trạng hỗn độn của họ được sắp xếp một cách có trật tự. Kết luận là bất cứ giải thích nào đem lại ổn định trật tự từ một người có học vị là họ tin cậy. Họ vui vẻ đón nhận những gì ông giải thích. Nhất là những giải thích của ông– đem lại hợp lý gần gũi với văn hóa và môi trường họ đang sống.

Từ những khám phá này, Kelly đã xây dựng học thuyết và triết lý sống của mình. Triết lý sống ấy ông đặt tên là quá trình thay đổi để xây dựng với quan niệm cho rằng đời sống là một thực tế. Thực tế này được những cá nhân trải nghiệm một cách khác nhau qua những cấu trúc tâm thức riêng của họ.

Ông cho rằng mọi người có những cấu trúc tâm thức về thực tế rất khác nhau. Hai thế hệ khác nhau (già và trẻ) sẽ có những hệ cấu trúc tâm thức rất khác nhau. Các em bé cũng có một hệ cấu trúc. Ngay cả những người bệnh tâm thần cũng sẽ có cấu trúc tâm thức rất riêng của họ.

Ý thức của chúng ta về sự khác biệt giữa các hệ cấu trúc tâm thức là có thực. Nhiều người có xu hướng tin rằng hệ cấu trúc của họ sẽ tốt hơn hệ cấu trúc của người khác. Chúng ta thường có khuynh hướng so sánh hệ cấu trúc tâm thức của mình với những người xung quanh. Chúng ta còn đối xử phân biệt uy tín của những hệ cấu trúc tâm thức khác nhau. Ví dụ khi có một vấn đề về sức khỏe, ta sẽ nghe theo lời khuyên của bác sĩ ngay chứ không thể nghe theo lời khuyên của một bác nông dân.

Theo Kelly thì chẳng ai có một hệ cấu trúc tâm thức hoàn thiện vì thế giới chúng ta đang sống quá phức tạp, quá rộng lớn để cho một cá nhân có thể dung nạp trọn vẹn và rồi có một cái nhìn hoàn hảo. Vì hệ cấu trúc tâm thức của mọi người không hoàn toàn đóng cửa, nên mỗi một cách nhìn là một lối tiếp cận về một thực tế đặc trưng với những hệ giá trị tư duy của người đó, mang đậm tính năng tức thời tại một nơi chốn vào một thời điểm nhất định.

Theo Kelly, chúng ta không có một con số hạn định những cấu trúc tâm thức để chúng ta trang bị cho mình. Vì thế ta sẽ thay đổi một lăng kính không phù hợp bằng một lăng kính khác. Ví dụ như người cận thị, anh ta sẽ chọn cho mình một mắt kiếng nhìn rõ nhất nếu anh ta có được những cơ hội lựa chọn ấy.

2. Tiểu sử của George Kelly

George Kelly sinh ngày 28 Tháng 4 năm 1905 trong một gia đình nông dân gần thị trấn Pert, tiểu bang Kansas. Ông là con một của Theodore và Elfleda Kelly. Cha ông ban đầu là một mục sư đạo Tin Lành, người đã bán đất vườn để giúp con trai thực hiện việc mở phòng mạch của mình. Mẹ ông từng làm giáo viên.

Trường học của George khi ông còn bé đã rất rối ren. Gia đình ông di chuyển bằng mót chiếc xe ngựa có mái che đến Tiểu bang Colorado để ông có một môi trường giáo dục tốt hơn. Nhưng sau đó cả nhà buộc phải dọn về quê cũ vì hạn hán ở Colorado. Kể từ đó ông đi học ở những trường học nơi mọi trình độ được dạy chung trong một căn phòng. May mắn là cả bố lần mẹ của ông đều quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của con trai. Năm cậu bé mười ba tuổi, cậu được gửi đi trường nội trú ở Wichita.

Học xong cấp ba, Kelly là một ví dụ cho người thấy cái gì cũng thích và không hề có bất cứ một định hướng nào. Ông tốt nghiệp cử nhân vật lý và toán từ trường Đại học Park năm 1926. Sau đó ông tốt nghiệp thạc sĩ xã hội học tại trường Đại học Tiểu bang Kansas. Rồi ông dọn đến Minnesota và bắt đầu dạy môn Thuyết trình công cộng cho những người làm công tác công đoàn lao động, những người làm việc ở ngân hàng và các lớp luyện thi vào quốc tịch Hoa Kỳ, dành cho người di dân đến Hoa Kỳ.

Sau đó ông dọn đến Sheldon, Tiểu bang Iowa, tại đó ông dạy và huấn luyện kịch nghệ ở một trường Đại học Cộng Đồng và gặp người vợ tương lai của mình là Gladys Thompson. Sau một thời gian làm việc với hợp đồng ngắn hạn, ông nhận được một chân giảng dạy tại Đại học Edinburgh và nhận được bằng cử nhân giáo dục Tâm lý. Năm 1931, ông nhận bằng tiến sĩ từ trường Đại học Tiểu bang Iowa.

Rồi khủng hoảng kinh tế xảy ra, ông làm việc với trường Đại học Tiểu bang Kansas ở Fort Hays. Tại đây ông xây dựng học thuyết và kỹ năng lâm sàng của mình. Trong thời gian Chiến tranh thế giới II, Kelly phục vụ trong quân đội như một chuyên gia tâm lý cho Hải quân, sau đó ông giảng dạy tại trường Đại học Maryland.

Năm 1946, ông rời Maryland rồi đến trường đại học Tiểu bang Ohio, đúng lúc Carl Roger rời trường này. Kelly trở thành người điều khiển chương trình Tâm lý lâm sàng ở đây. Tại đây học thuyết của ông bắt đầu chín mùi khi ông viết một bộ sách gồm hai tập, có tên Tâm Lý Cấu Trúc Cá Nhân. Trong thời gian giảng dạy ở đây, ông đã có nhiều ảnh hưởng lớn đến một số lớn những sinh viên hậu đại học.

Năm 1965, ông bắt đầu nhận một vị trí nghiên cứu tại đại học Brandeis, nơi Maslow đang làm việc. Thật buồn, ông đã qua đời sau đó không lâu vào ngày 6 tháng 3 năm 1967.

3. Học thuyết của Kelly

Học thuyết của Kelly bắt đầu bằng khái niệm ông gọi là sự ẩn dụ hiệu quả. Ông nhận ra rằng các nhà khoa học và các nhà trị liệu thời ấy thường có những thái độ rất xa lạ dị biệt về người khác. Họ xem nhẹ và coi thường thân chủ của mình. Họ thường cho rằng mình có địa vị cao hơn và đáng được nhận những đối xử phân biệt thứ bậc như thế. Họ coi những người bình dân là nạn nhân của năng lượng tính dục. Song Kelly với kinh nghiệm ở Kansas và các học trò của mình khi làm việc với những nông dân bình dị đã tin rằng người bình thường là những người có khát khao kiến thức khoa học. Ít nhất là họ đã cố gắng muốn tìm hiểu những vấn đề của mình qua lăng kính khoa học.

Vì thế những con người bình thường cũng giống như những nhà khoa học. Họ có những cấu trúc tâm thức về thế giới thực tế họ đang sống, giống như các nhà khoa học có những học thuyết cho riêng mình. Họ là những con người bình thường có những tham gia và những kỳ vọng như các nhà khoa học có những giả thuyết riêng. Họ nhập cuộc và thể nghiệm những kỳ vọng ấy, giống như các nhà khoa học đang làm thí nghiệm. Họ có tiến bộ trong cách nhìn mới về thế giới thực tế của mình dựa vào kinh nghiệm, giống như các nhà khoa học thay đổi học thuyết của mình để phù hợp với những dữ kiện thực tế. Từ sự so sánh ẩn dụ này đã nảy sinh ra toàn bộ học thuyết của Kelly.

4. Nhận định cơ bản

Kelly tổ chức học thuyết của ông qua khái niệm nhận định cơ bản và mười một quy luật hiển nhiên. Nhận định cơ bản của ông phát biểu rằng: Những quá trình hình thành cấu trúc tâm thức diễn ra bên trong một cá nhân luôn được phân kênh trên bình diện tâm lý bằng nhiều cách. Trong đó họ sẽ tiếp cận và xử lý những sự kiện trong cuộc sống bởi những kênh tâm lý phù hợp nhất. Đây là phong trào trung tâm – những thao tác khoa học – đi từ giả thuyết đến những thí nghiệm quan sát, tương tự như nhập cuộc tham gia vào vấn đề để sau đó rút kinh nghiệm và xây dựng nên những hành vi xử lý phù hợp.

Khi bàn về những quá trình hình thành cấu trúc tâm thức bên trong của một cá nhân, Kelly muốn nói đến những kinh nghiệm, tư tưởng, cảm giác, hành vi, và tất cả những phạm tâm lý trù khác. Những phạm trù này được cá nhân quyết định, hoàn toàn không phải từ thực tế ngoài kia, nhưng là từ những cố gắng nhập cuộc vào đời sống, liên đới với những người khác, với chính bản thân họ, liên tục trong đời sống của họ.

Ví dụ, khi nghe tiếng kêu chói tai dưới sân, ta nhìn ra ngoài cửa sổ xem chuyện gì xảy ra. Tất nhiên trong hệ cấu trúc tâm thức chúng ta đã có những dự đoán đây là: một con chim, một con mèo, hay một đứa trẻ, hoàn toàn không phải là chiếc xe tăng. Nhưng nếu đặt giả sử ta nhìn thấy một con đại bàng. Có lẽ ấn tượng ban dầu không thể tin được. Ở đây làm gì có đại bàng. Thế là ta sẽ vận dụng tất cả cách kênh thông tin để xử lý điều lạ ấy, và cuối cùng ta vuột miệng: Ô! Một con đại bàng. Thế là lần sau, khi nghe tiếng kêu chói tai, ta sẽ nhìn ra cửa sổ, và lần này trong phỏng đoán của ta sẽ có cả hình ảnh một con đại bàng, bên cạnh một con mèo, một con chim, hay một em bé.

5. Hệ cấu trúc hiển nhiên

Theo Kelly, một cá nhân đánh giá một sự kiện bằng cách lý giải những kinh nghiệm của chính họ. Điều này có nghĩa là ta xây dựng quá trình lý giải các sự kiện bằng cách dựa vào kinh nghiệm trong quá khứ. Theo ông, con người là một sinh thể có tính bảo thủ, chúng ta mong đợi các sự kiện xảy ra như đã từng xảy ra trong quá khứ. Chúng ta luôn đi tìm những xu hướng có tính nhất quán với những kinh nghiệm cũ của chúng ta. Nếu ta vặn đồng hồ báo thức ta mong chúng sẽ reo đúng lúc. Ta kỳ vọng vào ngày sinh nhật của mình sẽ được người thân và bạn bè tặng quà…

Đây là bước đi từ học thuyết đến giả thuyết, giống như từ hệ thống cấu trúc (kiến thức và trí hiểu) đến với quá trình hành động nhập cuộc.

6. Kinh nghiệm hiển nhiên

Theo Kelly, hệ thống cấu trúc tâm thức của một cá nhân thay đổi khi họ luôn luôn giải thích những kinh nghiệm liên quan đến các sự kiện. Khi các sự kiện xảy ra không đúng với những gì ta kỳ vọng, chúng ta phải thích nghi, phải tái thiết lại hệ cấu trúc. Kinh nghiệm mới mẻ này sẽ thay đổi cách ta tiếp cận với các sự kiện trong tương lai. Nói khác đi, chúng ta vừa học được một điều mới mẻ.

Đây là một biến chuyển từ thí nghiệm và quan sát sang đánh giá hay còn gọi là tái thiết lại hệ cấu trúc. Dựa vào nhiều kết quả từ thí nghiệm, đó là những hành vi chúng ta nhập cuộc hay nhiều quan sát mà những kinh nghiệm mới chúng ta có được. Kết quả sẽ là một niềm tin mới được ghi lại trong hệ thống tâm thức thực tế. Sau đó chúng ta sẽ thay đổi hệ thống tâm thức cũ cho phù hợp với tình hình thực tế. Và đây Kelly gọi là kinh nghiệm hiển nhiên.

7. Cấu trúc lưỡng cực hiển nhiên

Theo Kelly, hệ thống cấu trúc của một cá nhân được kết hợp từ vô số những cấu trúc có hai thái cực hiện diện cùng một lúc. Chúng ta lưu trữ kinh nghiệm của chúng ta dưới những hình thái cấu trúc, vốn được ông coi là những khái niệm có ích. Đây là những khung tiểu thuyết tiện nghi và những tờ giấy mẫu can trong suốt. Chúng ta đặt những tờ giấy can này lên cuộc sống để điều chỉnh những hành vi của chúng ta. Ông thường gọi chúng là những cấu trúc cá nhân, tập trung vào mấu chốt rằng đấy là hệ cấu trúc rất riêng của một cá nhân.

Ông sử dụng hiện tượng cấu trúc lưỡng cực hiển nhiên để nhấn mạnh đến tính năng hai thái cực đối nghịch, cho phép chúng ta so sánh giữa hai đại lượng đối nhau như: gầy và mập, xấu và tốt, giả và thật, cao và thấp. Nếu không có sự hiện diện của hai thái cực, một cực kia sẽ trở thành vô nghĩa. Ai cũng giàu có và không có người nghèo, giá trị giàu và nghèo tự nhiên sẽ không còn tồn tại nữa.

Đây là cách nhìn vào cuộc sống đã có từ lâu triết lý sống của Trung Hoa cổ đã có khái niệm âm dương gồm hai thái cực đối nghịch tạo nên một tổng thể. Gần đây hơn, Carl Jung đã nói về vấn đề này khá nhiều. Các nhà ngôn ngữ học và các nhà nhân chủng học chấp nhận điều này và coi đó là một phần của ngôn ngữ và văn hóa (đồng nghĩa và phản nghĩa).

Một số nhà tâm lý, nhất là nhóm thuộc phái Tâm Lý Tổng Thể đã chỉ ra rằng chúng ta không nên tách rời các sự kiện trong cuộc sống, vốn luôn luôn có những quan hệ hữu cơ rất thực. Đầu tiên, ta có thể nhìn thấy nhiều điểm khác biệt cùng tồn tại trong một tổng thể. Rồi chúng ta bắt đầu học hỏi chọn lọc những điểm có ý nghĩa, quan trọng tạo ra những nét riêng có ý nghĩa đối với chúng ta. Ví dụ, các em bé chẳng quan tâm đến chuyện béo gầy, da trắng hay da đen, giàu nghèo, cao thấp, xấu đẹp… cho đến khi người lớn quảng bá những thành kiến và các em bắt đầu nhận ra những giá trị khác biệt ấy.

Nhiều hệ cấu trúc lưỡng cực có thể lưu trữ và truy cập một cách dễ dàng qua những cặp tên gọi như: tốt – xấu, vui – buồn, hướng nội – hướng ngoại…, nhưng chúng ta thật sự không cần đến những định nghĩa cố định này. Kelly cho rằng các cặp tên của những thái cực này có thể được đặt lại. Chẳng hạn như thú vật có hai thái cực về thức ăn: ăn được và không ăn được. Thú vật không có khái niệm ngon và dở. Hoặc ở trẻ em, các em chỉ có hai thái cực về người đàn bà mà em gặp: đây là mẹ của em hay người đàn bà lạ. Em không nhìn xa hơn là mẹ thì gầy – còn bác kia thì béo.

Rất nhiều hệ cấu trúc tâm thức bên trong chúng ta không thể truy cập qua ngả ngôn ngữ. Nhiều hành vi của chúng ta không hề có tên gọi. Trong cuộc sống có rất nhiều hành vi chúng ta biết rõ chúng tồn tại nhưng không thể đặt tên cho chúng. Ví dụ như hệ thống tiêu hóa của con người, có biết bao nhiêu tên gọi cho từng bộ phận một nhưng chúng ta chỉ biết đến một số nhỏ như: răng, miệng, thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già. Hoặc là chúng ta yêu, cảm nhận được tình yêu nhưng không giải thích được.

Đây là cách Kelly liên hệ đến cõi vô thức: những hệ cấu trúc khó truy cập và không có tên gọi, tuy chúng không được nhìn thấy nhưng có những ảnh hưởng nhất định đối với chúng ta. Đối nghịch với cõi vô thức: là những hệ cấu trúc có thể truy cập được và có tên gọi. Chúng ta có thể đem chúng ra sử dụng trong giao tiếp với người khác và để liên hệ với chính mình.

Đôi lúc, theo Kelly, con người không sử dụng hệ cấu trúc tâm thức có tên gọi vì chúng ta muốn áp dụng một thái cực thành kiến trong tâm thức của chúng ta. Ví dụ khi ta nói: cuộc đời không có người xấu chỉ có người không biết làm mình đẹp. Đây là một hình thức biện chứng và Kelly tin rằng ta đang vùi chôn một thái cực - một hành vi tương tự quá trình cơ chế tự vệ dồn nén. Với những cá nhân này, thái cực xấu trên bề mặt ý thức đã trở thành vô nghĩa. Điều này xảy ra vì họ luôn có một hệ cấu trúc tin rằng chỉ có cái đẹp hiện diện. Song, khái niệm xấu vẫn tồn tại trong hệ tâm thức của họ. Và vì thế họ cần đến biện hộ khi diễn đạt. Nói khác đi khái niệm xấu chỉ bị vùi chôn vào tâm thức chứ không hẳn đã biến mất hoàn toàn. Ví dụ, khi đối diện với hai khuôn mặt khác nhau, họ nhất định sẽ không thể tránh khỏi những phản ứng so sánh phân biệt ở một chừng mực tối thiểu nào đó.

Kelly còn phân biệt giữa hai hệ cấu trúc: (1) cấu trúc vòng ngoài và (2) cấu trúc cốt lõi. Cấu trúc vòng ngoài bao gồm hầu hết những cấu trúc về thế giới xung quanh, về người khác, và về những khái niệm thứ yếu liên quan đến những sinh hoạt của chúng ta. Cấu trúc cốt lõi bao gồm những cấu trúc có ý nghĩa quan trọng nhất đối với chúng ta và cũng là những hệ cấu trúc làm nên định nghĩa tuyên ngôn con người của chúng ta. Nếu bạn lấy giấy và viết xuống mười đến hai mươi tính từ đầu tiên về cá nhân mình – đây có thể sẽ là hệ cấu trúc cốt lõi của bạn. Cấu trúc cốt lõi được Kelly sử dụng ở đây chính là khái niệm bản thân.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx