sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 14 - Phần 2

8. Tổ chức hiển nhiên

Theo Kelly, mỗi cá nhân đều trải qua quá trình tiến hóa trên bình diện cá tính, phục vụ họ trong quá trình tham gia vào các sự kiện sinh hoạt một cách tiện nghi nhất. Đây chính là một hệ thống có chức năng nối kết những quan hệ giữa những hệ cấu trúc khác trong đời sống.

Theo Kelly, các hệ cấu trúc trong tâm thức con người không ở trạng thái động. Nếu các hệ cấu trúc trôi nổi tự do, chúng ta sẽ không thể có khả năng sử dụng các đơn vị thông tin để truy cập những đơn vị thông tin khác. Và như thế chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể đánh giá được các sự kiện. Ví dụ, có người giới thiệu với bạn về một món hàng hiệu nhưng giá rất rẻ. Nhờ vào khả năng tổ chức hiển nhiên đúng, bạn sẽ kết gắn những dữ kiện lại. Món hàng rẻ mà tốt, nghe có vẻ khập khiễng hoặc khó thuyết phục, thế là bạn tiếp tục kết gắn các sự kiện tiếp theo. Món hàng rẻ mà tốt, có thể là có người đang muốn lừa bạn. Sau đó bạn sẽ có ý thức cảnh giác.

Nhiều hệ cấu trúc được thiết kế ở bậc thứ cấp nằm bên dưới những hệ cấu trúc khác. Kelly phân biệt ra những hình thái cấu trúc: (1) qua cách phân chia chủng loại theo tuyến dọc, ví dụ như cây cam sẽ nhìn phía dưới cùng của bảng phân loại đi ngược lên như mô hình minh họa dưới đây:

Sinh vật  thực vật  cây có hoa  bí tử  họ trái có axít citric  cây cam…

Đây chỉ là một ví dụ để ta dễ liên tưởng.

Ngoài ra còn có một hình thái cấu trúc thứ cấp thứ (2) gọi là cấu trúc nhóm, được gộp lại theo định nghĩa. Hình thái này liên quan đến những chồng cấu trúc xếp lên nhau với những cột thái cực xếp thành hàng. Trong ví dụ cây cam, chúng ta có những điểm định nghĩa để so sánh với những loại cây khác. Hãy so sánh cây cam với cây mía:

Cam: thân gỗ, lá có gân vòng, thân có gai, hoa có đài, rễ cọc.

Mía: thân mềm, lá gân thẳng, không có gai, hoa không có đài, rễ chùm.

Theo Kelly, đây chính là nền tảng cho những cơ hội thành kiến phân biệt được phát triển. Chẳng hạn ta thường nghĩ về mình tốt bụng, sạch sẽ, thông minh, đạo đức trong khi đó ta thường có xu hướng nhìn người khác không tốt bụng, không sạch sẽ, không thông minh và không được đạo đức lắm.

Nhiều hệ cấu trúc tất nhiên sẽ độc lập với nhau và chỉ liên kết thành tổ chức với những hệ cấu trúc khác. Ví dụ hệ cấu trúc thông tin của chúng ta về chuột và hệ cấu trúc đến từ cây cam sẽ không có sự liên hệ vì đây là đại diện của hai tuyến không có liên hệ so sánh. Một bên là thực vật và một bên là động vật. Tất nhiên cấu trúc con chuột sẽ đi ngược lên qua các hệ cấu trúc khác như: loài gặm nhấm, sinh con, động vật có vú, có xương sống rồi mới đến lớp cấu trúc trên cùng là động vật. Và ở trên thượng tầng ấy, hệ cấu trúc động vật và hệ cấu trúc thực vật lại có liên hệ với nhau qua hệ cấu trúc sinh vật: con chuột và cây mía đều là những sinh vật.

Nhiều hệ cấu trúc có liên hệ rất gần gũi và một cấu trúc khác, sẽ giúp gợi ra những liên hệ với cấu trúc khác. Ví dụ nếu ta sử dụng cấu trúc có những tên gọi tiêu cực hoặc tích cực với một người, ta thường có xu hướng kết luận vội vã từ những hệ cấu trúc có tên gọi được phân biệt về mặt giá trị. Ví dụ khi ta nói nhân vật A thành công, ta nghĩ ngay đến chuyện nhân vật A này là người giỏi.

Tiếp cận với các hiện tượng qua ngả khoa học, chúng ta rất cần đến những cấu trúc chặt chẽ, được gọi là suy nghĩ thật nghiêm túc và đây là điều cần thiết. Ví dụ đọc sách tham khảo bạn phải tập trung nhiều hơn là đọc một tiểu thuyết. Chẳng hạn, ta chỉ dám giao cho một bác sĩ có nhiều kinh nghiệm mổ quả tim của mình.

Nhưng khoảng cách giữa cấu trúc nghiêm túc và điều kiện thực tế thường rất ngắn và hẹp. Chính vì sự ngắn và hẹp này mà cơ hội cho bệnh lý dễ dàng xảy ra. Ví dụ thường thấy ở những người lo lắng thái quá, họ lên giường nằm sau năm đến bảy lần kiểm tra tắt bếp ga, khóa trái cửa nhưng vẫn nghĩ mình quên tắt bếp và khóa cửa.

Cũng có lúc liên hệ giữa những cấu trúc trở nên lỏng lẻo, không quá cứng nhắc đến độ tuyệt đối. Hệ cấu trúc lỏng thường uyển chuyển hơn. Và như thế trong hành xử có thể tránh được nguyên tắc cứng nhắc. Chẳng hạn khi đi đến một đất nước khác, ta thường có những định kiến. Nếu có hệ cấu trúc ngắn và hẹp sẽ dẫn đến những kỳ thị. Tuy nhiên với cấu trúc lỏng, ta sẽ ứng xử khách quan và ý thức trên tinh thần biết tôn trọng.

Chúng ta sử dụng cấu trúc lỏng khi thúng ta mơ mộng hay đi vào những vùng tưởng tượng, khi những tiến trình tham gia tiếp cận một đối tượng được giải phóng và những sự kết hợp bất ngờ xảy ra. Ví dụ như khi ta say rượu, ta sẽ trở nên dễ dãi và thả lỏng. Tuy nhiên nếu sử dụng cấu trúc lỏng quá thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng lộn xộn, đánh mất đi tính thực tế và tính năng uyển chuyển sẽ bị triệt tiêu.

Nhiều cá nhân sử dụng chu kỳ sáng tạo cần đến hệ cấu trúc lỏng vì sáng tạo cần đến sự uyển chuyển. Khả năng sáng tạo phải có được trạng thái xuất thần biến hóa giữa các hệ cấu trúc. Khi ta bất ngờ nắm bắt được một cấu trúc mới có vẻ mời mọc một hứa hẹn tiềm năng, ta sẽ tập trung vào nó và bắt đầu xiết các vòng cấu trúc lại. Chúng ta sử dụng chu kỳ sáng tạo trong nghệ thuật. Ban đầu người nghệ sĩ thả lỏng để cho sáng tạo đến từ cảm xúc đơn giản nhất, và sau đó sẽ khóa các cấu trúc lại để khả năng sáng tạo có được chất liệu. Chúng ta kiến tạo một ý tưởng, tiếp đó ta sẽ tìm ra một kênh diễn đạt cho ý tưởng đó.

Chúng ta cũng sử dụng chu kỳ sáng tạo trong liệu pháp. Chúng ta từ bỏ những mô hình liệu pháp áp dụng vào thực tế không thành công, để cho cấu trúc không hiệu quả tự động tan rã. Sau đó ta tìm một sự sắp xếp liên hệ mới, đưa chúng vào hệ thống làm việc một cách nghiêm túc, và rồi thử nghiệm xem mô bình mới này có hiệu quả hay không?

9. Phạm vi hiển nhiên

Theo Kelly, một cấu trúc sử dụng để đánh giá các sự kiện chỉ có một giới hạn phạm vi liên hệ đến những sự kiện đó. Vì thế không một cấu trúc nào hoàn toàn hiệu quả và áp dụng được cho tất cả mọi tình huống. Chẳng hạn trong hệ cấu trúc giới tính (nam - nữ hay đực – cái) chúng ta nói đến chuyện con ruồi có giống cái hay giống đực hay con gà này là con trống hay con mái. Chúng ta không nói chuyện giống đực hay giống cái với các đề tài khoáng chất và khí hậu. Những ví dụ này cho thấy giới hạn của cấu trúc giới tính chỉ gói trong khuôn khổ phạm vi tính dục, chức năng sinh sản hay quan hệ tình dục, yêu đương, hôn nhân, vai trò cha mẹ.

Nhiều cấu trúc mở rộng toàn diện bao hàm những ý rất rộng trong khả năng ứng dụng. Cụm cấu trúc hai cực tốt – xấu chính là một ví dụ của cấu trúc mở rộng toàn diện vì tính năng đa điện của nó, vì nó có thể áp dụng được hầu như với tất cả mọi hệ cấu trúc khác như từ kinh tế đến tôn giáo, địa chất đến thiên văn, lịch sử và văn hoá, từ sinh lý đến tinh thần, từ vật chất đến hiện tượng. Ở đâu cấu trúc tốt – xấu đều có thể áp dụng được.

Còn ví dụ cụm cấu trúc đắt – rẻ chỉ áp dụng được vào mua bán và giá cả mà thôi.

Tuy nhiên ta cần chú ý rằng một hệ cấu trúc có thể là mở rộng toàn diện với cá nhân A nhưng lại là cấu trúc hạn hẹp đối với cá nhân B. Chẳng hạn các sinh viên sư phạm khoa Sinh sẽ chú ý rất nhiều đến hệ cấu trúc giới tính [đực – cái] của ruồi, muỗi, thằn lằn, trong khi với các nhà thần học thì khái niệm giới tính nơi côn trùng xem ra không quan trọng lắm. Ngược lại các nhà thần học rất cẩn thận và khắt khe trong việc sử dụng hệ cấu trúc giá trị tốt xấu trong những hành vi nhất định nào đó, còn các sinh viên sư phạm khoa Sinh thường không quan tâm đến tốt xấu đối với loài ruồi

10. Hệ quả tất yếu trong điều chỉnh

Theo Kelly, những hình thái biến thể trong hệ thống cấu trúc tâm thức của chúng ta bị giới hạn bởi khả năng thẩm thấu tương tác của cấu trúc đó, vốn có ảnh hưởng đến mức độ năng động tư duy của con người. Nhiều cấu trúc khá đàn hồi, tự chúng có thể điều chỉnh, có tác động lan rộng. Nói khác đi là chúng có thể mở rộng phạm vi của mình. Nhiều cấu trúc không có khả năng này và tương đối cố định vì thiếu khả năng tương tác lan rộng.

Ví dụ cụm cấu trúc giá trị xấu – tốt có khả năng tương tác lan rộng tương đối cao. Có thể ta chưa bao giờ sử dụng một cái máy điện thoại di động bao giờ, nhưng khi mua một cái cho mình, chúng ta muốn mua ngay cho mình một cái TỐT và không thích mua một cái máy XẤU.

Hoặc khi cần đập vỡ một quá bàng, nếu cậu bé không có một cái búa, hay cục đá, cậu sẽ vận dụng chức năng cấu trúc thẩm thấu tương tác để kiếm dụng cụ để đập và nhờ chức năng liên kết, cậu sẽ có một danh sách dụng cụ có thể đập quả bàng khác nhau như: cái chày, khúc gỗ, cán dao, kể cả khả năng vung thật mạnh quả bàng xuống nền đất để quả bàng vỡ ra.

Cần biết nhiều hệ cấu trúc mở rộng toàn diện nhưng tính năng lan thấm thấp sẽ hạn chế khả năng mở rộng phạm vi. Chẳng hạn như hệ cấu trúc thật thà – giả dối, trong đó giá trị thật thà tuy tương đối rộng, nhưng khi đặt trong câu nói: Hết người thật thà vào thời buổi này rồi. Câu nói này đã giới hạn khả năng mở rộng của giá trị thật thà vì bị đóng khung trong bối cảnh thời buổi này.

Tuy nhiên một hệ cấu trúc hẹp nhưng có tính năng thẩm thấu cao sẽ giúp mở rộng phạm vi áp dụng. Chẳng hạn như trong hệ cấu trúc đắt – rẻ khi giá trị rẻ được sử dụng trong câu nói: Mọi sản phẩm tinh thần hiện nay đều là rẻ tiền và tạm bợ cả. Rõ ràng giá trị rẻ bây giờ đã được mở rộng phạm vi, liên quan đến mọi sản phẩm tinh thần. Từ đó ta có thể rút ra một kết luận rằng tính thẩm thấu có quyết định quan trọng đến khả năng mở rộng phạm vi của một cấu trúc.

Khi không thể kéo giãn một cấu trúc ra để mở rộng phạm vi được nữa, con người có thể phải nhờ đến những biện pháp quyết liệt hơn (để mở rộng phạm vi cấu trúc) của mình. Chẳng hạn bất ngờ gặp lại một người bạn đã quen sơ nhiều năm trước đó, ta cố gắng vận dụng hết khả năng để nhớ ra là đã gặp người đó ở đâu rồi? Tất nhiên não lúc đó sẽ vận dụng mọi khả năng liên kết và có thể sẽ là may mắn khi bạn cất tiếng: “A! Nguyễn Văn Quân đây rồi! Ngày xưa cùng học ở trường Nguyễn Trãi, tốt nghiệp năm 1987!” Và người kia sẽ gật đầu. Mà cũng có thể người kia lắc đầu vì một số cấu trúc tâm thức đã đánh lừa chúng ta.

Đôi lúc nhiều tình huống ép chúng ta thu hẹp phạm vi của một số cấu trúc lại một cách miễn cưỡng. Đây gọi là quá trình thu hẹp cấu trúc. Ví dụ khi ta thật sự tin vào triết lý bản tính con người là tốt bụng hiền lương sau một thời gian dài, nhưng sau đó ta chứng kiến cảnh chiến tranh chém giết từ hai phía, thế là ta bị sốc, tất cả những cấu trúc liên hệ đến bản tính tốt bụng hiền lương nơi con người của ta buộc phải thu hẹp lại thật nhanh. Theo Kelly thì quá trình mở rộng cấu trúc hay thu hẹp cấu trúc thuộc vào phạm trù cảm xúc của tâm thức. Ví dụ điển hình là trạng thái quá khích. Chẳng hạn khi hạnh phúc, ta có thể hét lên: Cuộc đời thật quá tuyệt vời, ta phải đập vỡ một cái gì đó mới được. Ngược lại với trạng thái quá khích là trạng thái trầm uất, khi cơ thể trải qua giai đoạn ức chế cấu trúc, nên các cấu trúc thu hẹp teo tóp. Họ sẽ mất đi khả năng ứng dụng tư duy, trở thành co cụm, chán nản, buông xuôi.

11. Hệ quả tất yếu trong lựa chọn

Theo Kelly, một cá nhân sẽ chọn lựa cho mình những hệ cấu trúc thay thế từ những hệ cấu trúc lưỡng cực nhằm giúp trong việc giải thích và nhập cuộc, tiến tới một khả năng cao hơn trong việc mở rộng định nghĩa những hệ thống tâm thức của mình.

Dựa vào một lượng lớn những hệ cấu trúc lưỡng cực và lọc ra tất cả những cột thái cực, chúng ta đã chọn cho mình một hệ tư duy biện hộ cho các hành vi xử thế. Kelly nói rằng chúng ta có xu hướng chọn những hành vi giúp chúng ta tiếp cận và nhập cuộc với khả năng hội nhập cao. Tuy nhiên hoàn cảnh thực tế đã giới hạn những cơ hội trải nghiệm cũng như khả năng ứng xử của chúng ta. Vì thế chúng ta luôn chọn lựa cách suy diễn để giải thích về những thực tế đã án ngữ khả năng của chúng ta lại.

Thông thường chúng ta sẽ lựa chọn một cấu trúc an toàn nhất giữa những cấu trúc mạo hiểm. Trong nhiều trường hợp chúng ta nhắm đến mở rộng khả năng hiểu biết của mình. Nói khác đi, đây là quá trình đầu tư vào những dữ kiện thông tin để giúp ta tiếp cận, xây dựng được một hệ tâm thức mới, né tránh những cơ hội tạo ra những hệ tâm thức nhầm lẫn.

Kelly bàn về tự do lựa chọn và những điều kiện đã được ấn định trước qua khái niệm tiền định. Cách ông nhìn vào tự do chỉ mang một giá trị tương đối. Theo ông chúng ta không hoàn toàn có được tự do hay hoàn toàn bị ràng buộc. Tuy nhiên, ông thừa nhận vài người trong chúng ta có nhiều tự do hơn người khác. Tuy nhiên chúng ta chỉ có thể tự do hơn người khác ở những tình huống nhất định nào đó. Chúng ta tự do hơn ở những phạm trù nhất định gần gũi với chúng ta, và tự do hơn ở những hệ cấu trúc mở rộng toàn diện.

12. Hệ quả tất yếu trong tính cách cá nhân

Theo Kelly, mỗi cá nhân đều có những cấu trúc tâm thức về cùng một tình huống xảy ra trong sinh hoạt rất khác nhau. Nói khác đi hai người sẽ có hai cách nhìn vào cùng một vấn đề sự kiện rất khác nhau. Vì mỗi người trong chúng ta có những kinh nghiệm khác nhau, nên cấu trúc tâm thức mà mỗi người chúng ta xây dựng rất khác nhau. Kelly cho rằng học thuyết của mình học thuyết cấu trúc cá nhân. Ông không chủ trương phân loại những hệ thống, từ đó hoạch định những tuýp nhân cách, hay những trắc nghiệm nhân cách.

13. Hệ quả tất yếu phổ cập

Theo Kelly, khi hai cá nhân cùng sử dụng một cấu trúc kinh nghiệm tương tự nhau, hai quá trình hình thành cấu trúc tâm thức của họ sẽ giống như nhau. Tuy chúng ta khác nhau, song điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể có những sự tương đồng. Nếu cấu trúc tâm thức của chúng ta (là cách chúng ta hiểu biết về thực tế) tương tự nhau, kinh nghiệm của chúng ta cũng giống nhau. Thỉnh thoảng ta vẫn thấy hiện tượng tâm đầu ý hợp như vẫn nghe nói: Chẳng ai hiểu em bằng bác! Hay như câu: nói ít hiểu nhiều. Nhất là nhiều người cùng chia chung một chuỗi kinh nghiệm, tiếp cận cùng chung một nguồn tác động, họ sẽ có xu hướng gặp gỡ nhiều điểm chung. Cần biết trong hàng trăm điều khác biệt, chúng ta vẫn có những hệ cấu trúc nào đó giống nhau.

Kelly cho rằng chúng ta đã tốn khá nhiều thời gian trong việc đi tìm sự đồng tình từ người khác. Ví dụ một chàng trai tiếp cận một cô gái trong quán bar sẽ có thái độ hành vi tùy thuộc vào thái độ của những người xung quanh. Nếu có người ủng hộ, anh ta sẽ tự nhiên hơn. Tuy nhiên nếu anh ta gặp những phản ứng ngược lại anh ta sẽ đè nén cái nhìn của mình lại. Tại nhiều môi trường khác như sân chơi mẫu giáo, doanh trại quân đội, cơ quan…những hành xử của các thành viên thường phụ thuộc vào các thành viên khác thông qua một hệ thống luật lệ nội quy của tổ chức ấy.

14. Hệ quả mảnh vỡ

Theo Kelly, một cá nhân có thể liên tục sử dụng những hệ cấu trúc của những tiểu bộ phận trong một hệ thống vốn không có những liên hệ suy luận với nhau. Theo mô thức hệ quả mảnh vở này, chúng ta sẽ có thể mâu thuẫn với chính mình. Vì thế rất ít người có thể hoàn toàn thống nhất trong tất cả các chức năng mọi nơi, mọi lúc để có một nhân cách nhất quán. Hầu như chúng giữ khá nhiều vai trò khác nhau trong đời sống. Một người đàn ông sẽ có những vai trò liệt kê dưới đây:

Tôi là một người đàn ông – người cha – người chồng – một ông chú – một ông cậu – một người anh – một người em – một đứa con – một đứa cháu – một cán bộ hành chính – một thành viên câu lạc bộ người nuôi chim – một tín đồ Phật giáo – một người hàng xóm – một người bạn – một bệnh nhân – một khách mời…Và danh sách sẽ còn dài, tùy thuộc vào sự tham gia và hội nhập của một cá nhân trong xã hội.

Các vai trò này được quyết định bởi hoàn cảnh. Ví dụ, ở cơ quan, bác cán bộ kia phảii nghiêm nghị với nhân viên dưới quyền, về nhà lại rất nể vợ. Bác ta có thể nghiêm khắc với cậu con trai nhuộm tóc xanh đỏ nhưng dịu dàng với cô con gái luôn là một học sinh giỏi. Vì các hoàn cảnh này được tách biệt riêng lẻ ra nên các vai trò thường không mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên nếu phải đứng giữa cậu con trai và cô con gái cùng một lúc, bác cán bộ kia sẽ không thể xử lý với cả hai cùng một lúc mà bác sẽ nói với con gái: “Con chịu khó ra kia để bố nói chuyện với anh con trước.” Vì vai trò nghiêm khắc và vai trò dịu dàng của ông bố không thể xuất hiện cùng một lúc được.

Một vài người đi theo Kelly đã giới thiệu lại một ý tưởng cũ tiếng quá trình nghiên cứu nhân cách, cho rằng mỗi chúng ta là một Cộng Đồng thay vì chỉ là một bản thân đơn giản. Điều này có vẻ thuyết phục, song nhiều nhà học thuyết khác tin rằng một nhân cách nhất quán sẽ tốt hơn. Và một cộng đồng sẽ bao gồm nhiều tiểu bản thân có vẻ giống với rối loạn đa nhân cách.

15. Hệ quả xã hội tất yếu

Theo Kelly, khi chúng ta quan sát và giải thích những quá trình xây dựng cấu trúc nơi người khác, chúng ta thường áp dụng một quá trình xã hội liên hệ đến người đó. Dù khác với một cá nhân, ta vẫn có thể liên hệ với họ được. Chúng ta thường cổ thói quen lý giải về cách người khác lý giải, hoặc muốn tìm hiểu xem trong đầu người khác đang nghĩ gì? Ta thường muốn biết xem anh ta từ đâu đến, có ý định gì, có kế hoạch nào? Kelly cho rằng chúng ta có thể đi vào hệ cấu trúc đối nghịch của mình qua hệ quả mảnh vỡ tất yếu để nghĩ như người đối diện.

Đây là một chức năng có tính quan trọng thiết yếu trong việc một cá nhân có thể đóng nhiều vai trò khác nhau. Vì khi bác cán bộ hành chính kia tiếp xúc với nhân viên dưới quyền, với vợ, với con, và những cá nhân khác, bác ta ít nhất phải có một vài khái niệm nhân cách của từng người để có hướng xử lý cụ thể thích hợp. Nếu chưa hiểu về người đối diện, ta chẳng thể nào sử dụng bất cứ một vai trò nào ngoài vai trò người lạ. Nói khác đi sẽ chẳng có nhiều biểu hiện nhân cách nào xảy ra khi hai người lạ gặp nhau ngoài một nhân cách muốn gây ấn tượng đầu tiên. Với chúng ta, một người lạ cũng như một cánh cửa đóng im. Đã có lúc Kelly tin rằng học thuyết của ông là học thuyết vai trò.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx