sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 14 - Phần 3

16. Cảm giác

Cho đến lúc này, học thuyết của Kelly có vẻ rất gần với trường phải nhận thức tập trung vào cấu trúc và quá trình kiến thiết. Nhiều người xếp ông vào phái nhận thức nhưng ông nói rằng mình không muốn là nhà học thuyết nhận thức. Ông khẳng định học thuyết cấu trúc của mình gần gũi hơn với tư tưởng truyền thống về cách nhìn, về hành vi và về cảm xúc hơn. Những khái niệm tình cảm mà chúng ta vẫn quen gọi là cảm xúc hay cảm giác, nhưng với Kelly thì đấy là quá trình chuyển tiếp giữa những hệ cấu trúc. Ví dụ khi chuyển từ cấu trúc bình thường sang cấu trúc vui vẻ, ta sẽ có cảm giác phấn chấn. Những cấu trúc này có liên hệ kinh nghiệm trong quá khứ. Chúng sẽ giúp chúng ta nhận ra cảm xúc của mình và của người khác.

Khi ta bất ngờ nhận ra những cấu trúc của mình không vận hành nhịp nhàng, ta cảm thấy lo lắng. Kelly cho rằng lúc ấy ta đã bị kéo xuống chung với những cấu trúc của mình. Chẳng hạn như ta bị bạn đồng nghiệp nói giỡn chơi quá lời, hoặc khi bị vu khống, bị chụp mũ hoặc đi lạc, nhận lầm người, quên trả tiền và được chủ quán nhắc nhở. Khi không tìm ra những câu trả lời cho những tình huống này, ta có cảm giác lo lắng, có thể dẫn đến tình trạng nhận thức bị rối tung.

Khi lo lắng xảy ra do tiếp cập với những thay đổi lớn có ảnh hưởng đến cấu trúc cốt lõi – vốn là những giá trị có nội dung quan trọng đặc biệt với chúng ta – sẽ dẫn đến tình trạng lo sợ (fear). Ví dụ khi thấy nhói trong ngực, ta đi khám bác sĩ. Và bạn quan sát thấy ông ta chăm chú, lắc đầu, thở dài, nét mặt đầy căng thẳng, lưỡng lự, có vẻ khó nói…những dữ kiện này khiến bạn chuyển từ cảm giác lo lắng sang trạng thái sợ hãi, nhất là khi ông ta nói rằng: Tôi phải tham khảo với các đồng nghiệp chuyên môn khác về trường hợp của bạn. Ngoài ra chúng ta thường lo sợ trước khi nhập cuộc vào những biến cố lớn lao như: lập gia đình, tốt nghiệp đại học, sinh con đầu lòng… Đây chính là những thay đổi quá lớn lao với chúng ta.

Khi giá trị cấu trúc cốt lõi có mâu thuẫn giữa khái niệm tôi là ai và tôi phải làm gì, chúng ta sẽ có những mặc cảm nhất định. Đây là một định nghĩa mới và có tính áp dụng cao trong khái niệm mặc cảm của Kelly. Mô hình mặc cảm của Kelly liên quan đến tình huống cụ thể gây nên trạng thái mâu thuẫn giữa khái niệm tiêu chuẩn đạo đức và hệ cấu trúc cốt lõi. Ví dụ không có tiền cho một người ăn mày khiến ta mặc cảm. Tuy chẳng phải lỗi của mình, nhưng nhìn thấy cảnh người ăn xin không được cho tiền đã tác động lên cái tâm hay thương xót của mình. Ta giận dữ khi kẻ ác làm hại với người khác (chứ không phải làm hại chúng ta). Đôi lúc ta có mặc cảm khi cha mẹ đau yếu, hoặc nhiều anh chồng mặc cảm khi vợ đau bụng chuyển dạ sinh con.

Thường thì chúng ta tìm cách thích ứng với môi trường khi những hệ cấu trúc tâm thức của mình không thể thích hợp với hoàn cảnh thực tế. Tuy nhiên nhiều cá nhân có khuynh hướng thay đổi môi trường cho phù hợp với các hệ thống tâm thức của mình. Kelly gọi đây là quá trình gây hấn với những biểu hiện không tôn trọng người khác. Ví dụ có người bạn cùng cơ quan xây dựng góp ý nhưng ta không chịu nghe theo, phản ứng tiêu cực gay gắt, có khi còn có tư tưởng trả đũa. Kelly khuyến khích chúng ta nên tranh thủ bồi dưỡng chủ động để cố gắng thay đổi mình nhằm khuyến khích hội nhập tốt hơn. Theo ông, nếu không có chủ động, xã hội sẽ không có những tiến bộ văn minh, tinh thần kỷ luật và trật tự.

Khi một tình huống liên hệ đến giá trị cấu trúc cốt lõi, thích gây hấn có thể dẫn đến trạng thái hiếu chiến. Khi cá nhân tin rằng hệ giá trị cấu trúc cốt lõi của anh ta là đúng đắn, bất biến, anh ta thường ương bướng kể cả trường hợp có chứng cớ chắc chắn là anh ta đã sai. Đây là những trường hợp làm càn, ương gàn, cãi lý và bừa bãi.

17. Nguồn gốc bệnh tâm thần và liệu pháp

Kelly đã định nghĩa về những rối loạn tâm lý như sau: Là người có những hệ cấu trúc tâm thức cá nhân luôn luôn đi ngược lại với những giá trị đã được xã hội công nhận. Những hành vi của người bị tâm thần, trầm cảm, sợ hãi, tâm thần phân liệt là những ví dụ. Hoặc những người có xu hướng bạo lực, ngang bướng, tội phạm, tham lam, nghiện ngập. Theo Kelly thì họ đã mất khả năng xử lý tốt, và mất đi khả năng học tập tiếp thu những cách tiếp cận mới có liên hệ với đời sống, vì thế họ đã sống chìm trong lo lắng hoặc bạo lực, nên họ cảm thấy bất hạnh. Chán nản và bạo lực là hai thái cực không lành mạnh khi hệ cấu trúc tâm thức không phù hợp với điều kiện hiện tại của cuộc sống.

Vì thế nếu một cá nhân có vấn đề với hệ thống cấu trúc của mình, cách giải quyết hiệu quả nhất là việc tái kiến trúc – một khái niệm mà Kelly đã sử dụng trong liệu pháp của mình. Liệu pháp phải tạo được cơ hội để các thân chủ có điều kiện xây dựng lại để cải tổ khả năng nhìn vào cuộc sống bằng một lăng kính mới mẻ. Họ cần tái kiến thiết một cách tiếp cận tích cực, để rồi tự họ có thể có những chọn lựa dẫn đến những kế hoạch hành động lành mạnh.

Nhà liệu pháp theo trường phái Kellians mời thân chủ hãy cùng làm thí nghiệm có liên hệ với những gì xảy ra xung quanh đời sống của thân chủ. Họ được khuyến khích trong việc nới lỏng các hệ cấu trúc, sắp xếp các trật tự mới, rồi thể nghiệm trước, sau đó cột thắt lại. Bắt đầu từ những phạm trù gián tiếp. Sau đó tiến dần đến phạm trù cốt lõi. Trọng tâm của liệu pháp là khuyến khích chuyển biến, một bước đi quan trọng cho mọi quá trình tiến bộ.

Vì có kinh nghiệm về mảng sân khấu kịch nên Kelly rất thích sử dụng thực hành qua hình thức đóng vai để kích thích chuyển biến nơi thân chủ. Ông có thể đóng vai người mẹ của thân chủ một lúc sau đó ông mời thân chủ đóng vai bà mẹ của mình để họ có thể tạo ra một cái nhìn trung thực hơn về hiện trạng của mối quan hệ mẹ con. Từ đó hệ thống cấu trúc tâm thức của thân chủ và hệ cấu trúc tâm thức của người mẹ sẽ xích lại gần hơn qua những điểm tương đồng. Kết quả là thân chủ sẽ hiểu nhiều hơn về thế giới quan của mẹ mình, từ đó anh ta sẽ có những điều chỉnh, hoặc có những thỏa hiệp, hoặc khám phá một cách nhìn hoàn toàn mới mẻ.

Liệu pháp của Kelly thường tập trung vào bài tập, đây là những yêu cầu mà ông sẽ đề nghị thân chủ mạnh dạn thử nghiệm bên ngoài môi trường liệu pháp như ở nhà, ngoài xã hội, hay tại cơ quan làm của thân chủ. Một kỹ năng liệu pháp nổi tiếng của ông có tên gọi là liệu pháp vai trò cố định. Bắt đầu, ông đề nghị thân thủ của mình hãy viết xuống chừng hai trang giây về bản thân họ qua cách nhìn từ người khác mà ông gọi là bản vẽ cá tính, sau đó ông tạo ra một mẫu người với hệ cấu trúc tâm thức tích cực, cộng với ý kiến góp ý của một đồng nghiệp mà ông gọi là bản vẽ vai trò cố định của một con người mới.

Bản vẽ vai trò cố định này được thiết kế thật cẩn thận dựa vào dữ kiện của bản vẽ ban đầu với những góc độ trực tiếp với cấu trúc tâm thức của thân chủ. Có nghĩa là cấu trúc mới sẽ hoàn toàn độc lập với cấu trúc cũ, nhưng được sử dụng với mô hình tương tự, cùng nằm bên trong những phạm vi những yếu tố cần điều chỉnh trong liệu pháp.

Ví dụ, cá nhân A sử dụng hệ cấu trúc lưỡng cực thông minh–ngu ngốc trong việc tiếp cận với người xung quanh, sẽ có rất ít khoảng trống cho người khác, cũng như hạn chế cách nhìn của anh ta. Nhất là khi con người có xu hướng sử dụng hệ cấu trúc của mình và tin rằng người khác sẽ có cùng hệ cấu trúc với mình. Vì thế họ không cho người khác những khoảng trống cần thiết, tự họ có một lối nhìn thành kiến hẹp hòi. Ví dụ nếu một ngày ta ký được một hợp đồng lớn với khách hàng, ta sẽ nghĩ mình là người thông minh. Nhưng vào những ngày không thuận lợi, ta chẳng có nhiều lựa chọn (vì thiếu khả năng mở rộng trong hệ cấu trúc) nên ta tự kết luận mình là người ngu ngốc. Cứ thế, nếu không thoát ra khỏi lực hút của thái cực ngu ngốc ấy, ta sẽ rơi vào trạng thái trầm uất, nhất là tình hình sẽ càng tệ hại hơn nếu chúng ta có lối sống co cụm khép kín.

Trong liệu pháp của mình Kelly sẽ viết kịch bản mới với mô hình cấu trúc như có kỹ năng – thiếu kỹ năng và đây là một hệ cấu trúc có vẻ tích cực hơn cấu trúc thông minh – ngu ngốc. Đây là cấu trúc tránh được những định kiến: Một cá nhân có thể có kỹ năng ở lĩnh vực này nhưng thiếu kỹ năng ở những lĩnh vực khác. Và như thế nếu sau khi xác định được khu vực ít kỹ năng, với cố gắng hợp lý và không quá cố chấp một cá nhân sẽ có thể phát huy những kỹ năng này.

Kelly mời gọi thân chủ của mình trở thành mẫu người trong kịch bản vai trò cố định chừng một đến hai tuần. Đây phải là một quá trình thực tập thật nghiêm túc 24/24 tại trường học, cơ quan làm việc, ở nhà, ngay cả lúc đang ở một mình nữa. Kelly đã tìm thấy đây là lối liệu pháp hiệu quả. Nhiều người đã có những chuyển biến rất tích cực, có lối sống lành mạnh hơn xưa.

Quá trình tập thể hiện vai trò theo Kelly không hẳn chỉ tạo ra một nhân cách mới mà mục đích chính là giúp thân chủ xác định rằng họ có khả năng và chọn lựa để thay đổi. Theo Kelly, nhân cách mới có thể thay đổi, và khả năng thay đổi sẽ ở lại mãi mãi với thân chủ. Một tư tưởng có tác động rất sâu lên tất cả những nhà trị liệu tương lai sau này.

Liệu pháp theo trường phái Kellian phấn đấu đạt mục đích khuyến khích con người hãy mở mình ra với những hướng lựa chọn khác nhau, giúp họ khám phá ra giá trị tự do đích thực của mình, giúp họ sống hiệu quả nhất với tiềm năng của bản thân. Vì những nét đặc trưng này, Kelly được coi là người có ảnh hưởng sâu đậm lên những nhà tâm lý theo trường phái nhân văn.

18. Vận dụng vào đánh giá

George Kelly được nhắc đến khá nhiều bởi vai trò của ông trong việc xây dựng bản trắc nghiệm vai trò cấu trúc tạp kỷ mà nhiều người gọi là ô vuông rẹp, tuy đây không phải thật sự là một bản trắc nghiệm hiểu theo ý nghĩa truyền thống mà gần gũi hơn một dụng cụ chẩn đoán, giúp tự khám phá, và để phục vụ mục đích nghiên cứu. Bản trắc nghiệm của ông đóng góp nổi tiếng là đã tạo ra nhiều ảnh hưởng trong tâm lý học nhiều hơn cả chính học thuyết của ông.

Đầu tiên, thân chủ sẽ chọn ra một danh sách tên hai mươi người, gọi là những nhân tố, gần giống với những giá trị gần gũi trong đời sống của thân chủ. Trong liệu pháp họ được xếp vào những nhóm đề nghị, chẳng hạn như: người yêu cũ của bạn, người mà bạn cảm thấy đáng thương, cha, mẹ, bạn thân, kẻ thù… tất nhiên bao gồm cả thân chủ trong danh sách hai mươi người ấy.

Sau đó nhà liệu pháp sẽ chọn ra ba mẫu người từ danh sách hai mươi người thành một nhóm và hỏi mẫu người nào giống và khác với thân chủ nhất. Sau đó nhà trị liệu sẽ yêu cầu thân chủ kể ra về những điểm tương tự, những điểm khác biệt, những điểm tương đồng được xếp vào cột tương đồng và những điểm khác biệt được gọi là cột đối nghịch. Sau đó cả hai cùng soạn thảo ra một cấu trúc áp dụng trong những quan hệ xã hội. Ví dụ cá nhân A nói rằng anh ta đang có quan hệ với người yêu hiện tại là chị B và cả hai đều trong tình trạng rất dễ lo lắng. Trong khi đó người yêu cũ của anh là chị C luôn tỏ ra rất bình thản. Ở đây cột tương đồng là dễ lo lắng và cột đối nghịch là bình thản. Từ đó ông sẽ có một hệ cấu trúc lo lắng – bình thản.

Tiếp tục với cách này, sử dụng ba mẫu người khác trong nhóm mới, cho đến khi tìm đủ được hai mươi điểm khác biệt. Sau đó bằng cách sử dụng kỹ năng thống kê, nhà liệu pháp sẽ chọn ra mười điểm khác biệt để giảm thiểu những điểm khác biệt trùng lặp.

Trong chẩn đoán và tự khám phá, thân chủ được khuyến khích sử dụng các cấu trúc tìm thấy nơi những hành vi và nhân cách của người khác trong danh sách hai mươi người. Trong nghiên cứu, thân chủ được trao cho những mẫu nguyên tố cấu trúc bất kỳ. Thân chủ được yêu cầu có những phản hồi về tất cả những mẫu nguyên tố.

Trong tâm lý công nghiệp, nhiều sản phẩm được thăm hỏi ý kiến để đảm bảo đạt yêu cầu tiếp thị trước khi được tung ra thị trường. Trong quá trình thuê người, các cấu trúc mẫu nguyên tố được áp dụng để tìm ra một nhân viên tuyển chọn thích hợp cho một vị trí thuộc ban điều hành công ty.

Trong liệu pháp, ô vuông rẹp cung cấp cho nhà trị liệu và thân chủ một bức tranh về nhãn quan của thân chủ về thực tế để sau đó những thảo luận và hướng xử lý được xúc tiến. Trong liệu pháp hôn nhân, hai người có thể làm việc trong cùng một ô vuông với những nhân tố, sau đó những cấu trúc của hai bên sẽ được đem ra so sánh và đối chiếu. Đây là loại hình trắc nghiệm rất hiệu quả trong môi trường trị liệu vì nó cho phép thân chủ được trực tiếp tham gia với nhà trị liệu. Hơn nữa đây không phải là một dụng cụ nhắm đến mổ xẻ tình trạng tâm thần mà chỉ là một dụng cụ chẩn đoán.

Trong nghiên cứu, kỹ thuật máy vi tính cho phép chúng ta đánh giá khoảng cách giữa những hệ cấu trúc và những nhân tố. Từ đó sẽ có những mô hình do chính thân chủ tự thiết kế trong thế giới quan của họ. Tất nhiên ta có thể quan sát và so sánh nhãn quan của nhiều người nếu họ sử dụng cùng hệ nhân tố. Ta cũng có thể so sánh tình trạng cấu trúc của một cá nhân trước và sau quá trình liệu pháp. Đây là một dụng cụ thú vị, một sự kết hợp độc đáo giữa hai khái niệm tâm lý là chủ thể và đối tượng áp dụng trong nghiên cứu.

19. Thảo luận

Sau những chất vấn khá gay gắt, Kelly xuất bản cuốn Tâm Lý Về Cấu Trúc Cá Nhân vào năm 1955, và học thuyết của ông bị rơi vào quên lãng, ngoại trừ một số học trò trung thành áp dụng chủ yếu vào môi trường trị liệu. Học thuyết của ông vì thế không đóng góp nhiều lắm vào tâm lý nhân cách. Tuy nhiên, học thuyết của ông khá thịnh hành tại Anh quốc, nhất là bởi các nhà tâm lý công nghiệp.

Có lẽ vào thời điểm đó các nhà tâm lý vẫn còn rất hấp dẫn với thuyết hành vi và chưa có đủ kiên nhẫn với mảng chủ thể của bức tranh tâm lý. Và bộ phận lâm sàng của ngành Tâm lý lúc bấy giờ có vẻ dễ đi theo Carl Roger hơn. Có thể nói là Kelly đã đi trước thời gian của mình 20 năm, và mãi cho đến khi phong trào nhận thức xuất hiện, người ta mới có cơ hội hiểu ông kỹ hơn.

Georege Kelly luôn trung thành với triết lý của ông về ứng dụng cải tổ thay thế những cấu trúc tiêu cực. Ông nói rằng nếu học thuyết của ông tồn tại thêm 10 đến 20 năm nữa và vẫn còn gần hơn với mô hình nguyên thủy thì đấy là điều đáng ngại. Vì theo ông, các học thuyết cũng giống như nhãn quan cá nhân về thực tế, nhất định phải thay đổi chứ không nên cứ giữ mãi nguyên trạng. Đây là một nét rất mới trong triết lý của ông, vì bất cứ nhà học thuyết nào cũng đều muốn học thuyết của mình là bất biến, đúng đắn và có giá trị không đổi với thời gian.

Kelly viết rất hay, ông chọn con đường xây dựng ngành Tâm lý từ nấc thang thấp nhất, kể cả việc có một hệ thống thuật ngữ rất riêng cho mình, kể cả những so sánh ẩn dụ và những hình ảnh mới. Ông rõ ràng không muốn mình có những liên hệ với những nhà học thuyết khác. Chính vì thế ông đã không hòa chung vào dòng chảy ngành tâm lý lúc ấy.

Khái niệm tiếp cận xử lý đã trở thành một khái niệm được sử dụng rộng rãi trong tâm lý chuyên ngành hôm nay. Các khái niệm cấu trúc, xây dựng cấu trúc, được sử dụng bên cạnh những khái niệm cách nhìn và hành vi một cách rất phổ biến. Tiếc thay, người ta sử dụng chúng nhưng quên rằng ông là cha đẻ của những khái niệm này. Có lẽ phần nhiều các nhà tâm lý thường không chú ý nhiều lắm về nguồn gốc xuất xứ của những tư tưởng lớn.

Ô vuông rẹp tương đối nổi tiếng, nhất là kể từ khi máy vi tính đã đơn giản hóa cách sử dụng trong việc áp dụng. Đây là mô hình nghiên cứu cho phép hai nhánh nghiên cứu tính chất và phản tỉnh mà nhiều người đã khó tìm ra những sơ hở của ông để phản bác lại.

20. Những liên hệ của các nhà học thuyết

Phần lớn trong học thuyết cấu trúc cá nhân của Kelly thiên về hiện tượng. Ông tỏ rõ thái độ của mình đối với những nhà học thuyết thiên về hiện tượng như Carl Rogers, Donald Snygg hay Arthur Combs và những nhà học thuyết bản thân như Prescott Lecky và Victor Raimy. Tuy vậy ông tỏ ra rất ngại với khu vực hiện tượng. Theo ông, hiện tượng là một hình thái chủ nghĩa phản tỉnh lý tưởng rất khó hiểu.

Tuy thế những nhà hiện tượng học tỏ ra trân trọng đối với học thuyết của Kelly. Ông đã nhận định rằng để hiểu được hành vi của con người, chúng ta cần hiểu được cách một cá nhân lý giải điều kiện thực tế, chẳng hạn như cách họ nhìn và hiểu về thế giới xung quanh như thế nào, thay vì chính bản thân của điều kiện thực tế. Ông vạch ra rằng nhãn quan của một người, ngay cả nhãn quan của một nhà khoa học cũng chỉ là một nhãn quan – không hơn không kém. Và vì thế chẳng có lý do gì để khiến ta phải lo lắng về khái niệm cái tôi. Chỉ có một cá nhân mới cảm nhận và hiểu được thật rõ về thế giới này cũng như đấy chính là ý tưởng của riêng họ. Nhãn quan phải thật sự hiện thân của thực thể phong phú đa dạng. Và đây cũng chính là ý nghĩa mà các nhà hiện tượng học nhắm đến.

Mặt khác, có những khía cạnh từ học thuyết của Kelly không hoàn toàn thân thiện đối với các nhà Hiện tượng học vì ông chính là một nhà xây dựng học thuyết với những chi tiết thiên về kỹ thuật trong những công trình nghiên cứu của mình. Đơn giản là các nhà Hiện tượng học thường né tránh một học thuyết cố định. Ngoài ra ông còn cổ xúy mạnh mẽ trong việc ngành tâm lý cần có những phương pháp nghiên cứu nghiêm túc hơn nữa, kể cả việc có những nhà khoa học thí nghiệm như ông trình bày qua khái niệm so sánh hiệu quả mà vốn các nhà Hiện tượng học đều e dè lưỡng lự.

Những luận điểm trong học thuyết mà Kelly cho là cần được quan tâm, và phương pháp nghiêm túc trong thí nghiệm đã đem Kelly gần gũi hơn với nhánh tâm lý nhận thức hiện đại. Tuy nhiên chỉ có thời gian mới chính thức công nhận xem ông là nhà Hiện tượng học hay thuộc một trong những nhà nhận thức học.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx