sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 23 - Phần 1

Chương 23. C. GEORGE BOEREE HỌC THUYẾT SINH XÃ HỘI – SOCIOBIOLOGY

CÁC HỌC THUYẾT TÂM LÝ NHÂN CÁCH

1. Dẫn nhập

Kể từ khi Charles Darwin (1809 – 1882) giới thiệu thuyết Tiến hóa, chúng ta, kể cả chính ông đều bắt đầu suy nghĩ thật sâu về những hành vi có tính xã hội của chúng ta như cảm xúc, thái độ và những giá trị tinh thần khác. Phải chăng đây là những sản phẩm của quá trình tiến hóa? Nếu ta nhìn vào cơ thể của mình và hiểu được những vận hành của nó qua lăng kính sinh học, ta sẽ thấy mình là những sinh vật đã phát triển hoàn thiện hơn các động vật khác trong tiến trình tiến hóa.

Vậy những sản phẩm văn hóa tinh thần do con người tạo ra hôm nay liệu sẽ thay đổi hoặc thúc đẩy chúng ta tiến hóa nhiều hơn nữa hay không?

Nhà kiến thức học E. O. Wilson là người đầu tiên đã hệ thống hóa ý tưởng hành vi xã hội có thể được giải thích dựa trên thuyết tiến hóa và ông đã gọi học thuyết của mình là Học thuyết Sinh xã hội. Ban đầu học thuyết của ông chỉ gây được sự chú ý với các nhà sinh vật và đã có nhiều điều gây tranh luận. Khi các nhà xã hội học và các nhà tâm lý bị kéo vào thì những tranh luận bắt đầu tăng mạnh lên.

Dạo ấy ngành xã hội học chú trọng đến phạm trù cấu trúc–chức năng, bao gồm một số kiến thức có liên hệ từ chủ nghĩa Marxit và xu hướng đấu tranh bình đẳng cho phụ nữ. Trong khi đó tâm lý được các nhà hành vi học áp dụng các thuyết. Học tập, cộng với sự bắt đầu phát triển của nhánh tâm lý Nhân văn học. Vì thế sự xuất hiện của ý tưởng cho rằng con người đã chịu ảnh hưởng lớn từ quá trình tiến hóa sinh vật là điều xem ra không thể không đối diện với những chất vấn nảy lửa.

Theo thời gian, học thuyết Sinh xã hội của Wilson bắt đầu được nhiều nhà sinh vật học, các nhà tâm lý và các nhà nhân chủng học ủng hộ. Chỉ có ngành Xã hội học xem ra không chịu nhiều ảnh hưởng của học thuyết này.

2. Bản năng

Ta hãy bắt đầu quan sát những hành vi mang tính bản năng nhìn thấy ở nơi các động vật. Lấy ví dụ những con cá hồi, hàng năm chúng hành hương trở về nơi chúng sinh ra để sinh sản và rồi chết ngay tại nơi đã sinh ra chúng. Trứng của chúng nở và những chú cá hồi con sẽ bơi xuôi ra biển sống. Và khi cơ thể chúng đánh thức những con cá hồi này lại vượt thác ghềnh để trở về với cội nguồn chúng đã được sinh ra. Thực hiện y nguyên những hành vi mà thế hệ cha mẹ chúng đã làm. Hoặc từng đàn chim di cư theo mùa bay xa nửa vòng trái đất. Những con cóc tận tụy nghiến răng. Những con cọp cái bỏ đi thật xa để thách thức những con cọp đực đầy bản lĩnh có dám đi theo trước nghi thức giao hợp có thể xảy ra. Bức tranh hành vi bản năng của thú vật vô cùng sống động. Chúng có được ai dạy không? Phải chăng thầy dạy của chúng chính là bản năng được cài đặt từ bên trong.

Những nhà nghiên cứu hành vi thú vật học khi nghiên cứu các hành vi của thú vật trong đời sống hoang dã như Konard Lorenz đã giới thiệu một mô hình thủy học mô tả cách vận hành của bản năng trong đó những năng lượng được chuyển tải khi tiếp cận với môi trường qua van xả là cái vòi nước. Ông nghĩ rằng chúng ta có một khoản năng lượng nhất định cho hệ bản năng đặc trưng, giống như một bể chứa nước. ông tin rằng những cơ năng thần kinh cho phép những năng lượng này thoát ra khi có những kích thích cần thiết, như qua van xả vòi nước. Ngoài ra còn có những cơ năng sâu hơn, thuộc hệ thần kinh, hệ vận động và tuyến nội tiết, đã chuyển tải những năng lượng ấy trở thành những hành vi cố định. Tất nhiên mô hình bể chứa nước không được sắc bén lắm khi diễn đạt khái niệm quá trình xử lý thông tin, nhưng dù sao đấy cũng là một cố gắng giải thích trong thời điểm đó.

Có hai khả năng cho thấy sự liên hệ khác biệt giữa thú vật với con người:

(1) Có nhiều hành vi, không được thấy ở tất cả các loài, chứng minh cho thấy khả năng tự thăng tiến bản thân, đi tìm địa vị và những quyền lực ở dạng sơ khởi nhất, tập trung vào những khả năng hung bạo. Đây là những bản năng chủ động.

(2) Có những xu hướng hành vi tìm thấy nơi một số ít hơn những động vật như khả năng chăm sóc cho những đồng loại của mình, nhận ra qua cử chỉ như mẹ chăm sóc cho con cái. Đây là bản năng tình cảm.

3. Quá trình tiến hóa

Giải thích những cơ bản của quá trình tiến hóa tương đối đơn giản. Trước tiên, tất cả những thú vật có xu hướng sinh sản quá nhiều. Nhiều loại sinh ra cả hàng ngàn đứa con trong suốt cuộc đời của mình (cá, tôm, cua). Nhưng dân số của một loài thú vật thường có xu hướng ổn định giữa những thế hệ, tất nhiên là rất nhiều trong số những đứa con ấy đã không vượt qua được thử thách đầu tiên khắc nghiệt nhất của cuộc đời.

Thứ hai, ta thấy có tương đối nhiều dạng biến thể trong cùng một loài. Rất nhiều biến thể này có nguồn gốc di truyền được truyền từ thế hệ cha mẹ sang cho thế hệ con cái. Chứa đựng trong những biến thể ấy là những đặc tính đã giúp các cá nhân sống sót và sinh sản, kể cả những đặc tính kìm hãm sự phát triển chúng lại.

Khi phân tích đối chiếu hai ý tưởng trên, ta có khái niệm chọn lọc tự nhiên: Thiên nhiên ủng hộ sự tiếp nối sinh sản những đặc tính thuận lợi và không khuyến khích những đặc tính không có lợi của một loài. Khi những thế hệ có dạng biến thể tiếp tục sinh sản, thông qua kết hợp giao phối và đột biến, cùng với điều kiện hạn chế các nguồn cung cấp sự sống (thức ăn và địa hạt), quá trình tiến hóa vẫn tiếp tục phát triển để chọn ra những thế hệ có nhiều đặc tính ưu việt nhất.

Một nhà sinh xã hội học, David Barash, nêu ra câu hỏi rằng chúng ta sẽ căn cứ vào đâu để có những hiểu biết về nguồn gốc quá trình tiến hóa có thể xảy ra? Tại sao đường mía lại mềm và ngọt? Tại sao chúng ta hấp dẫn bởi vị ngọt của đường. Một giả thuyết cho rằng tổ tiên của chúng ta thường ăn trái cây như là nguồn dinh dưỡng chính của mình. Và trái cây chỉ giàu dinh dưỡng nhất khi đã chín mùi, chứa đựng lượng đường cao nhất. Nhiều loài có tổ tiên ăn trái cây sẽ rất thích vị ngọt của đường. Kết quả là đường ngọt cung cấp nhiều năng lượng sẽ dẫn đến cơ thể khỏe mạnh hơn, hấp dẫn hơn với những đối tác bạn tình. Những thế hệ cha mẹ này sẽ sinh sản ra những thế hệ con cháu thích ăn đường. Điều này trả lời câu hỏi hóc búa vì đâu thúng ta có những hành vi có động cơ thúc đẩy ăn đường. Một câu hỏi khác là những hành vi thích ăn đường ấy đã giúp tổ tiên chúng ta sống sót và sinh sản bằng cách nào?

Một điểm giải thích được đưa ra là cuộc sống hôm nay chúng ta đã chế tạo ra đường kết tinh, vốn là một phần trong chế độ ẩm thực rất xa lạ đối với cha ông của chúng ta, song là sản phẩm mà chúng ta để lại cho con cháu (tiếp nối truyền thống thích ăn đường từ cha ông). Tuy nhiên sự hấp dẫn của chúng ta với đường ngọt ngày hôm nay không còn phục vụ cho nhu cầu sinh tồn và sinh sản nữa.

Văn hóa phát triển nhanh hơn rất nhiều so với quá trình tiến hóa. Phải mất hàng triệu năm tổ tiên chúng ta mới phát triển được khả năng tiêu hóa đường một cách khỏe mạnh, nhưng chỉ cần một ngàn năm để làm suy giảm khả năng ấy nơi con cháu. Đời sống hiện tại đường ngọt đang được khuyến cáo như là một đối thủ đáng ngại của sức khỏe con người, nhất là đường được coi là nguyên nhân chính dẫn đến bệnh béo phì và bệnh tiểu đường.

4. Sự hấp dẫn

Hãy quan sát sự lựa chọn bạn tình nơi những sinh vật. Một điều hiển nhiên là con người có cảm giác thu hút hấp dẫn đối với một vài người nhiều hơn những cá nhân khác. Các nhà sinh xã hội học có cùng một giải thích cho câu hỏi này, vẫn dựa trên câu hỏi ban đầu: Tại sự đường nếm có vị ngọt? Chúng ta thường có những hấp dẫn tình dục với người có đặc tính nhằm tăng khả năng di truyền thành công nhất, nghĩa là người ấy sẽ cho chúng ta cơ hội có nhiều những đứa con khỏe mạnh, sống lâu, để tiếp tục sự nghiệp di truyền của chúng ta.

Chúng ta có thể tìm thấy những người hấp dẫn trong dáng dấp khỏe mạnh và ngược lại, có cả những người không khỏe mạnh nhưng vẫn hấp dẫn. Chẳng hạn như một cơ thể cân đối là hiện thân của vẻ đẹp và những dị tật là biểu hiện cho những điều kìm hãm cảm xúc muốn được gần gũi. Một số lớn trong chúng ta nhìn thấy sự hấp dẫn nơi sức mạnh, sự khỏe khoắn và những nét mạnh bạo tự tin. Tuy nhiên một số trong chúng ta tìm thấy sự hấp dẫn trong sự trung bình, không quá cao, quá gầy, quá thấp, quá mập. Và một điều dễ hiểu là nàng Bạch Tuyết, anh chàng gù Nhà thờ Đức Bà Quasimodo luôn luôn là những thái cực đại diện cho những giá trị hấp dẫn và không hấp dẫn.

Có lúc chúng ta hấp dẫn về một người bởi những lý do rất vô lý, song đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ, chẳng hạn như một cái răng khểnh hay một con mắt hiếng. Tuy nhiên phần đông phụ nữ vẫn thường quen với những anh chàng to lớn, vai thẳng, lưng rộng, cầm vuông. Nhiều chàng trai muốn có bạn gái nhỏ hơn mình, mềm mại hơn, tròn trịa và đầy những nét nữ tính.

Những sự khác biệt này đến từ hai phái trống và mái (đực – cái) được nhiều học giả coi là khái niệm lưỡng đối hình thái. Đây là khái niệm dẫn đến chọn lựa tính dục dựa trên nền tảng hấp dẫn. Những khác biệt về chức năng tuy nho nhỏ giữa hai phái có thể trở thành những khác biệt lớn lao sau nhiều thế hệ. Chẳng hạn như các loài chim mái thường không sặc sỡ như chim trống. Màu lông sặc sỡ của chim trống không hấp dẫn chim mái vì nét đẹp mà vì khả năng bảo vệ của các con chim trống trong việc đánh lạc hướng những thú săn nguy hiểm khi chim mái rất cần đến.

Con người tuy tính chất lưỡng đối hình thái không quá chênh lệch nhưng một chàng trai khi nhìn vào một cô gái sẽ ý thức rất sâu sắc về sự khác biệt cũng như một lực hút hấp dẫn khó giải thích nhưng định hình rất rõ.

Quá trình lưỡng đối hình thái không chỉ thể hiện qua nét mặt và vóc dáng. Sự khác biệt còn thể hiện qua hành vi nữa. David Barash đã viết: Đàn ông thường được điểm cao nhờ khả năng tiếp thị ga lăng, trong khi đó phụ nữ có nét hấp dẫn nhờ thái độ chống lại tiếp thị kín đáo. Phụ nữ thường đầu tư rất lớn vào tất cả những cơ hội xây dựng một quan hệ: vì họ chỉ có số lượng con cái nhất định (trong khi đó đàn ông – theo lý thuyết là có thể có rất nhiều con nếu như anh ta muốn và có khả năng chinh phục). Ngoài ra phụ nữ còn lo lắng đến quá trình mang thai, đau đớn, nguy hiểm khi sinh con, nhu cầu dinh dưỡng, nuôi con, nên hành vi chọn lựa bạn tình của phụ nữ thường cẩn thận hơn ở nam giới rất nhiều. Trong khi đó đàn ông có nhiều tự do và rất ít trách nhiệm trong những quan hệ giao hợp. Ví dụ điển hình nhất là ở loài ếch nhái, nhiệm vụ của chúng chỉ tưới tinh dịch lên đám trứng và xem như bổn phận gây giống nòi của chúng đã kết thúc.

Vì thế phụ nữ thường tỏ ra rất kỹ lưỡng về chuyện ai sẽ là người mà chị ta sẽ xây dựng những quan hệ. Họ thường rất nhạy cảm đối với những biểu hiện một chàng trai sẽ có những đóng góp nghiêm túc vào thiên chức sinh tồn di truyền. Đó là lý do tại sao nhiều loại động vật con mái chọn những đối tác lớn hơn, khỏe hơn mình, nhất là nhiều con cái (mái) chỉ chọn những con đực (trống) thắng cuộc như thấy ở một số loại tuần lộc và những loại thú vật có sừng.

Có thú vật đòi hỏi nhiều điều kiện hơn sức mạnh mà còn cần đến khả năng cung cấp thức ăn của con đực. Điều này nhìn thấy khá rõ ở động vật trong thời gian cho con bú tương đối dài, như ở nơi con người chẳng hạn. Đó là lý do tại sao các nhà sinh xã hội tin rằng nam giới nhắm tới nét trẻ trung khỏe mạnh như những nét hấp dẫn sinh lý, ngược lại phụ nữ thường nhắm đến những đàn ông chững chạc, điềm đạm, thành công. Vì thế việc tặng hoa, mời đi ăn cơm và tặng quà chính là sản phẩm của văn minh văn hóa mà còn có cả những giá trị thông điệp sinh sản di truyền khác nữa.

Hơn nữa các nhà sinh xã hội còn cho rằng phụ nữ thường chọn những người đàn ông trưởng thành vì anh ta chứng tỏ được mình là người có nhân cách an toàn, so với các chàng trai trẻ thường có biểu hiện của sự mạo hiểm xốc nổi. Một điểm khác biệt giữa hai phái là phụ nữ có xu hướng chấp nhận chia chung người chồng với các phụ nữ khác, ngược hẳn với đàn ông là họ không thể chấp nhận được tình trạng chia chung một bà vợ với những người đàn ông khác.

Và đây là điều khá khôi hài khi có ai đó đã nói rằng: Đàn bà mới thật sự biết được đâu là đứa con ruột của mình? Phải chăng vì thế mà đàn ông không muốn chia vợ với người khác? Phụ nữ thà chia chung chồng còn hơn là có nhiều chồng vì họ là người biết tính toán và cân nhắc: thà nhập vào nhóm các bà vợ đi theo một người chồng thành công, còn hơn là liên lụy với nhiều người đàn ông thất bại. Vì thế hiện tượng đa thê chiếm tỷ lệ rất lớn trong những vụ đa hôn. Hiện nay xã hội đa phu còn tồn tại ở một số nước như Tây Tạng, Toda ở Ấn Độ, bộ lạc Yobura và ở châu Phi. Song tất cả đều được thực hiện ở gia đình khi chồng chết, người phụ nữ sẽ lấy anh em ruột trong một gia đình.

Ngược lại ở một hướng khác đàn ông thường khó chấp nhận tình trạng ngoại tình hơn phụ nữ. Phụ nữ biết rõ con ruột của mình như đã nhắc ở phần trên, còn đàn ông thường không biết chân tướng của sự thật và hoài nghi những đứa con của mình. Vì thế xã hội truyền thống cái nhìn đối với phụ nữ ngoại tình vẫn lên án nặng hơn với người đàn ông. Và xét ở bình diện thói quen, chúng ta vẫn có nhiều người đàn ông với xu hướng muốn có nhiều con để tiếp tục sự nghiệp di truyền của họ. Nhiều nền văn hóa với phong tục làm dâu như một phương cách quản lý người phụ nữ, tránh trường hợp những đứa cháu nội của họ không có liên hệ huyết thống thực sự.

Với nhiều xã hội thì chuyện yêu đương lãng mạn có phần cởi mở hơn nhiều nền văn hóa khác. Nhiều nền văn hóa chuyện không động phòng được sẽ là nguyên nhân có thể dẫn đến ly dị hay li thân. Ở văn hóa phương Tây, trường hợp vô sinh và yếu sinh lý thường là nguyên nhân dẫn đến ly dị. Hẳn nhiên chuyện ấy xuất phát từ lý do sinh sản hay lý do thỏa mãn tình dục hiện nay vẫn chưa có kết luận chính thức nào được đưa ra.

Dĩ nhiên, có những giới hạn nhất định khi chúng ta cố gắng so sánh và kết luận về sự giống nhau giữa các hành vi của thú vật và con người, (hoặc so sánh giữa các loài vật với nhau), nhất là những hành vi tính dục. Con người là một sinh vật có nhu cầu tính dục rất cao. Nhiều loại động vật giới hạn hoạt động tính dục trong một khuôn khổ thời gian hạn hẹp, trong khi đó con người có thể thực hiện các thao tác tình dục trong bất cứ lúc nào khi điều kiện thuận tiện cho phép. Vì sao chúng ta lại có những hành vi và nhu cầu như thế? Phải chăng vì con người có một thời gian phát triển quá lâu trong thời gian thơ ấu, vì thế cấu tạo gia đình là điều cần thiết và khi các thành viên trong gia đình ở gần nhau mãi, một nhu cầu mới sẽ được nảy sinh, đó là nhu cầu tính dục đặc trưng: giao hợp không duy nhất vì mục đích sinh sản mà chỉ vì mục đích sống gần gũi với nhau trong một mái nhà.

5. Trẻ con

Mô hình gia đình đem người lớn lại gần với trẻ con hơn, dẫn đến việc trẻ em hấp dẫn người lớn và người lớn hấp dẫn trẻ con. Không chỉ ở nơi con người các trẻ sơ sinh mới đẹp và dễ thương, mà ngay cả cách chúng ta nhìn một chú vịt con, chú dế nhỏ, con chó bé, con gà mới nở như cuộn tơ vàng óng, tất cả đều rất đẹp. Theo các nhà sinh xã hội thì đây là một cơ năng đặc biệt có nhiệm vụ lớn trong quá trình tiến hóa, con người luôn hấp dẫn bởi những đứa con xinh đẹp của mình.

Trẻ sơ sinh, chính các em cũng bị hấp dẫn bởi những thứ khác. Konard Lorenz đã chứng minh một hiện tượng rất quan trọng. Ông cho rằng các trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng của vật đầu tiên mà chúng nhìn thấy. Thí nghiệm nơi các con ngỗng mới nở từ trứng, khi chúng nhìn thấy vật di chuyển trong hai ngày đầu tiên của cuộc đời và tin rằng đấy là mẹ của chúng. Và trong thí nghiệm của mình, đàn ngỗng con đã đi theo ông khắp nơi vì chúng tin ông là mẹ của chúng. Quá trình này ông gọi là in dấu. Nơi trẻ em, bé sẽ học về người mẹ qua đôi mắt, giọng nói và cách bồng nựng vuốt ve, mùi mồ hôi…

Những chú ngỗng con kia đã phản ứng với những vật thể có kích thích hình ảnh, nhất là những hình ảnh có kích thước lớn và di chuyển. Con người không có khả năng di chuyển theo vật thể này nên các em bé phải vận dụng đến những tín hiệu hấp dẫn khác để thu hút mẹ của em bằng một nụ cười không có răng mà cha mẹ các em hoàn toàn bị hấp dẫn bởi nụ cười ấy.

Các nhà sinh xã hội cho rằng các bà mẹ có xu hướng chăm sóc con cái cẩn thận và chu đáo nhiều hơn các ông bố. Các bà mẹ lớn tuổi càng thăm sóc con mình tốt hơn vì họ nghĩ rằng họ không còn nhiều cơ hội để sinh con và nuôi con nữa. Tương tự ta có thể hiểu được vì sao các em bé con một, hoặc trong gia đình có ít anh em thường được cha mẹ chiều chuộng nhiều hơn. Ngoài ra chúng ta thường lo lắng nhiều hơn đối với những đứa con đã lớn của mình (vì chúng đã chứng tỏ có khả năng chuẩn bị cho nhiệm vụ tiếp tục duy trì sinh sản). Và con người luôn tỏ ra có những quan tâm đặc biệt đến chuyện con cái họ có quan hệ tình cảm với một người nào đó. Chúng ta có thói quen chọn bạn đời cho con cái của mình để tìm ra một đối tượng có thể chăm sóc bảo vệ cho con cái chúng ta.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx