sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 23 - Phần 2

6. Giúp đỡ

Quan tâm là một hành vi mang tính giúp đỡ, một hoạt động liên hệ đến những quan hệ có sự xuất hiện của trẻ em, cha mẹ, vợ chồng và những quan hệ tình cảm gần gũi khác nơi con người. Tuy nhiên mức độ quan tâm sẽ giảm đi khi quan hệ huyết thống càng có ít liên đới như quan hệ anh em họ, chú bác, hàng xóm, bạn bè cơ quan. Song, quan tâm đến nhau là một đặc tính cơ bản nhất của con người. Câu tục ngữ lá lành đùm lá rách là một ví dụ rất điển hình.

Một loại hành vi quan tâm thật sự là những hành vi mang tính bầy đàn. Một số loài thú vật có nhu cầu được sống gần nhau rất cao và những tình huống nguy hiểm sẽ khiến chúng càng gần sát nhau hơn. Điều này tương đối dễ hiểu khi xích lại gần nhau, chúng sẽ càng giảm cơ hội bị tấn công bởi các loại thú lớn hơn. Nơi con người, có lúc ta muốn chạy trốn đồng loại của mình nhưng phần nhiều chúng ta vẫn liên hệ với người khác trên nhiều bình diện khác nhau.

Một dạng quan tâm khác gọi là sự quan tâm cùng có lợi. Chẳng hạn như ví dụ loài chó sói sống thành đàn trong đồng cỏ khi nhìn thấy một con báo sẽ vội vàng tru lên để cảnh báo cho cả đàn, mặc dù hành vi tru lên của nó sẽ thu hút sự chú ý của con báo.

Hành vi mang tính bầy đàn và quan tâm cùng có lợi có cách vận hành tương tự như chọn lọc dựa trên quan hệ huyết thống: cung cấp một mô hình gần gũi đặc biệt: một chút giảm sút trong khả năng sinh tồn của mình sẽ giúp quân bình lại cơ hội sinh tồn của các thành viên có chung huyết thống. Và từ đó người ta sẽ dễ nhận ra câu tục ngữ: Một giọt máu đào hơn ao nước lã. Nhiều động vật còn biết (dựa trên nền tảng bản năng) sự hy sinh của chúng bây giờ sẽ được đền đáp bởi những thành viên khác trong tương lai.

Robert Trivers đã cho rằng con người thường có những hình thái phát triển tinh vi của hiện tượng quan tâm cùng có lợi cao cấp hơn thú vật. Chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh cho bất cứ ai đó nếu ta hiểu người đó cũng sẽ hy sinh ngược lại cho chúng ta, hoặc ít nhất là những đầu tư dựa trên nền tảng hai bên cùng có lợi. Tất nhiên người đầu tư phải có kỹ năng để chọn đúng đối tượng và trao niềm tin.

Những nhà di truyền học chỉ ra rằng, nếu như có những hệ gien nào đó quyết định đến xu hướng giúp đỡ lẫn nhau, tất nhiên cũng sẽ có những hệ gien khuyến khích con người lợi dụng người khác và quên đi trách nhiệm và nghĩa vụ của mình. Và những kẻ lừa đảo là một hiện tượng mang tính hoàn cầu, bắt gặp trong mọi loài khác nhau. Nhiều nghiên cứu khác đã chứng minh được rằng những hiện tượng tha hóa, không có mặc cảm, gạt bỏ tất cả những nguyên tắc công bằng thường thấy xảy ra khá phổ thông nơi tất cả các hệ thống xã hội nơi con người.

Thật ra mức độ thật thà và gian lận không thể hoàn hoàn toàn tuyệt đối 100% mà có những thay đổi nhất định tùy theo mỗi người. Chúng ta không cổ xúy và nhất là thường bài xích hành vi gian dối, tuy chúng ta lại thường dễ mắc phải hành vi nói dối khi điều kiện thuận lợi xảy ra. Chúng ta có mặc cảm khi mình nói dối. Tuy nhiên một phần rất lớn năng lượng của con người dược sử dụng vào việc nói dối hoặc tính toán xem khả năng thành công hay thất bại mỗi khi ta nói dối.

7. Hành vi gây hấn

Giống nhiều khái niệm trong tâm lý xã hội, hành vi gây hấn có nhiều định nghĩa và có những giá trị khác nhau. Nhiều giá trị gây hấn được coi như những đức tính tốt như gặp ở các môi trường quân đội, thể thao, vận động viên, người tiếp thị, quảng cáo, người làm kinh tế, nhưng phần nhiều chúng ta coi gây hấn như những đại diện tinh thần bệnh hoạn, tiêu cực, tham lam, thấp hèn.

Tất nhiên con người là một sinh vật luôn đứng giữa những hai hệ giá trị gây hấn tích cực lành mạnh và gây hấn ích kỷ biến thái. Chúng ta cần đến cả hai giá trị này để thăng tiến bản thân. Mô hình gây hấn tích cực ta gọi là chủ động vốn giúp chúng ta thăng tiến, trong khi gây hấn thụ động ta gọi là bạo lực và có khuynh hướng biến con người trở thành một đối tượng mà xã hội né tránh.

Mặc dù đời sống của động vật có vẻ rất dã man, chúng ta cần cảnh giác tránh ngộ nhận quá trình săn mồi vì đấy là quá trình giết những con thú khác vì nhu cầu thức ăn, vì nhu cầu đời sống sinh tồn. Thực ra hành vi đi săn của loài ăn thịt như loài cọp có chức năng tương tự như hành vi của loài thú ăn cỏ như nai và bò – thuần túy là tìm nguồn dinh dưỡng. Ví dụ như mèo bắt chuột? Tại sao ta ủng hộ chúng? Vì thế con người thường không có một cảm xúc nhất quán về những khái niệm gây hấn. Chúng ta có thói quen não thức thường đánh giá về gây hấn dựa trên những giá trị nhu cầu lợi/hại khác nhau.

Hành vi gây hấn tồn tại nhằm đảm bảo được quá trình tồn tại của một loài, nhất là trong bối cảnh những nguồn thức ăn có giới hạn khan hiếm. Các loài vật vì thế phải cạnh tranh với những nguồn cung cấp giới hạn để tiếp tục sinh tồn và sinh sản. Hơn nữa các loại động vật không chỉ tranh giành với những chủng loại khác, mà chúng còn cạnh tranh bên trong cùng chủng loại. Không khí để thở có thể là vô hạn, nhưng thức ăn, nơi làm tổ, nguồn nước uống và những cơ hội tìm bạn tình là có giới hạn, vì thế các loại phải tự kiểm soát và điều tiết không trở nên rơi vào tình trạng lạm phát dân số.

Chọn lựa bạn tình là một quá trình diễn ra đòi hỏi kỹ năng gây hấn lớn nhất trong các loài động vật có vú, nhất là nơi các giống vật con đực. Tất nhiên các con cái sẽ rất cẩn thận vì quá trình mang thai cần đến rất nhiều cố gắng. Vì thời gian mang thai kéo dài nhiều tháng nên chúng cần nhiều năng lượng. Mang thai khiến con cái chậm chạp và có thể bị tấn công, nguy hiểm khi sinh con, rồi phải vất vả để nuôi con, vì thế chúng cần chọn một bạn tình thật kỹ. Vì giống cái cẩn thận trong chọn lựa nên giống đực phải thể hiện bản lĩnh. Con đực sẽ chứng minh khả năng phục vụ nhu cầu sinh tồn của con cái và cả nhu cầu sinh tồn của mình. Tất nhiên những hành vi này không phải do ý thức hoặc học tập được mà đây là những hành vi được điều khiển bằng một dụng cụ ta gọi là bản năng.

Quá trình gây hấn trong bối cảnh tính dục được điều khiển bởi nội kích tố nam testosterone. Trong thí nghiệm, khi chích loại kích tố nam này vào các con chuột cái, ta nhận thấy khả năng kìm hãm hành vi gây hấn nơi chúng giảm hẳn. Các con chuột cái sẽ dễ nổi xung hơn. Nếu chấm dứt testosterone nơi chuột đực bằng cách thiến chúng, khả năng kìm hãm hành vi gây hấn của chúng sẽ tăng lên. Các con chuột đực sẽ mất đi khả năng nổi xung của mình. Cần chú ý rằng kích tố nam testosterone không gây ra trạng thái nổi xung nhưng tiết tố này chỉ làm giảm khả năng kìm hãm trạng thái nổi xung.

Nhiều loại động vật có giống cái rất hung dữ như loại lợn guinea và một số loại động vật trong thời gian nuôi con (vì để bảo vệ con của chúng). Các nhà sinh xã hội chỉ ra rằng nơi con người, các hành vi nổi xung thường xảy ra ở nam giới nhiều hơn là ở nữ giới. Những tội phạm có tỷ lệ là nam giới cao hơn. Tuy nhiên dạo gần đây, do ảnh hưởng và đóng góp của phụ nữ vào khắp mọi ngõ ngách đời sống, những con số thống kê vì thế đã thay đổi. Chúng ta càng ngày càng có nhiều phụ nữ trở thành tội phạm. Và thời gian sẽ trả lời cho chúng ta biết xem, kích tố nam testosterone có thật sự là đại lượng duy nhất ảnh hưởng đến tính hung hăng nơi con người? Hay còn có những đại lượng khác đến từ ảnh hưởng của kinh tế xã hội mà chúng ta phải chờ đợi.

Tuy nhiên chúng ta thấy sự hiện diện của gây hấn rất rõ rệt nơi nam giới. Ví dụ cầu thủ Zidane của đội tuyển Pháp đã húc đầu vào ngực của cầu thủ Marco Materazzi đội tuyển Ý vào phút thứ 110 của trận chung kết World Cúp 2006. Đây là một bằng chứng cho thấy trạng thái nổi xung đã bất chấp tất cả các hậu quả tiêu cực khác. Ngay cả đây là trận đấu tạm biệt khán giả hâm mộ môn bóng tròn mà Zidane có thể sử dụng để xây dựng hình ảnh đẹp của mình.

Ta thấy những cuộc tranh hùng nơi các con đực giành các con cái thường không gay gắt và nguy hiểm, mà thường là những hành vi mang tính nghi thức nhằm trình bày những khả năng của con đực. Chúng thường cung cấp cho nhau những cơ hội rút lui bằng tín hiệu đầu hàng, càng kéo căng quá trình nổi xung sẽ không có lợi cho cả hai phe. Điển hình nơi loài rắn hổ mang, chúng chiến đấu bằng tín hiệu chứ không bằng cách cắn mổ nhau.

Lãnh địa và hệ thống địa vị cai trị, vốn là hai khái niệm được nhận ra trong bối cảnh nổi xung của động vật nhiều nhất. Các động vật thường tuân thủ theo qui định này một cách nghiêm túc trên tinh thần tôn trọng tự giác chứ không phải do cạnh tranh, trừ phi những điều kiện thuận lợi xảy ra có tác động can thiệp lên những cân bằng lãnh địa và hệ thống địa vị cai trị, ví dụ con đầu đàn chết sẽ có một con khác khỏe nhất đàn sẽ lên thay thế.

Thiếu thốn thức ăn xem ra cũng không phải là nguyên nhân dẫn đến nổi xung. Southwick đã làm thí nghiệm nơi loài khỉ Rheus tại sở thú ở London và phát hiện ra rằng khi giảm 25% lượng thức ăn, các chú khỉ này sẽ giảm thái độ nổi xung. Khi giảm 50% lượng thức ăn, các chú khỉ này sẽ bỏ hẳn thái độ nổi xung. Và những khám phá này tìm thấy tương tự ở những bộ lạc người nguyên thủy còn sót lại trên hành tinh chúng ta. Phải chăng có nhiều năng lượng sẽ dẫn đến tình trạng nổi xung. Hay muốn nổi xung phải có đầy đủ năng lượng.

8. Nổi xung nơi con người

Vậy tại sao có quá nhiều nổi xung nơi con người? Một trong những khả năng có thể xảy ra là sự thiếu thốn những khả năng kiềm chế. Các nhà sinh xã hội tin rằng những động vật không được trang bị khả năng nổi xung thường có khuynh hướng phát triển khả năng tín hiệu đầu hàng. Trong buổi đầu, con người là một trong những động vật phát triển theo xu hướng này. Tuy nhiên chúng ta vì có trí thông minh nên đã chế tạo ra nhiều sản phẩm kỹ thuật.

Khoa học kỹ thuật có những mặt mạnh và cả những mặt tiêu cực của nó. Khoa học kỹ thuật tiến hóa nhanh hơn tốc độ tiến hóa sinh học của con người. Khoa học do con người tạo ra đã cung cấp cho họ những cơ hội sống dẫn đến giảm khả năng kiềm hãm tính dễ nổi xung của mình. Vì quá quen với tiện nghi do khoa học đem lại, con người dần dần mất đi tính kiên nhẫn (một dạng khả năng kiềm chế nổi xung). Chẳng hạn máy xay sinh tố sẽ nhanh hơn giã hoa quả bằng cối rồi vắt bằng tay. Chính máy sinh tố đã biến con người trở nên mất kiên nhẫn. Khi máy xay sinh tố bị hư, chúng ta sẽ rơi vào một trạng thái bối rối lúc ta cần xay một nắm rau má – đến lúc đó ta mới thật sự nhận ra khả năng kiềm chế của mình là rất kém.

Một vấn đề khác, đời sống của con người không chỉ là thế giới vật chất mà còn là thế giới biểu tượng nữa. Các con sư tử chỉ nổi giận trong thời điểm điều kiện tức thời rất hiện sinh. Con người nổi giận về những sự kiện trong quá khứ hay ở tương lai, hay từ những sự kiện không ăn nhập gì đến chúng ta. Tương tự, sư tử chỉ nổi giận khi chúng bị quấy rối về mặt sinh lý, ngoài ra chúng không nổi giận khi chúng bị chê là miệng bị hôi hay lười biếng. Chỉ có con người mới có khả năng giận dữ cả về mặt sinh lý, giá trị vật chất và tinh thần.

Một con sư tử giận dữ khi đối diện với tình huống liên quan trực tiếp đến nó. Con người giận dữ về những chuyện liên quan đến ngôi nhà, chiếc xe máy, cộng đồng, đất nước, tôn giáo và những chuyện không liên quan đến mình. Chúng ta bất bình với những hành vi tội phạm ngoài xã hội, hay giận dữ vu vơ vô căn cứ với các đề tài liên quan một cách rất gián tiếp. Chúng ta mở rộng khái niệm cái tôi của mình ra nhiều lĩnh vực khác nhau lớn hơn và hiện diện bên ngoài chính con người chúng ta, vươn xa hơn đến những người thân cùng với những đại lượng mang giá trị tinh thần. Ví dụ như ta sẽ bất bình nếu như có ai đó đốt trường học, báng bổ đền chùa, xả rác, ăn nói tục tằn thô lỗ nơi công cộng…

Nếu như tính nổi xung là những nét cơ bản mang tính bản năng của con người, chúng ta có thể tin rằng những trạng thái nổi xung này có liên hệ đến với những kích thích mang tính dấu hiệu. Hai cá nhân A và B cùng muốn sở hữu một đối tượng giá trị C. Tất nhiên là giá trị C không thể chia cắt. Một trong hai người A hoặc B sẽ là người khó chịu vì không thể sở hữu giá trị C được kết luận là hành vi nhằm đạt được mục đích của con người khi bị cản lại sẽ dẫn đến trạng thái bức xúc. Kế đến là trạng thái nổi xung.

Các hình thái của bức xúc có thể rất đa dạng. Ta có thể nổi cáu khi một hành vi bình thường đang diễn ra bỗng bị chặn lại, hoặc ta có thể nổi cáu khi thời hạn mục đích đã ấn định trước nhưng bị ngưng lại, hoặc kéo giãn ra ngoài dự tính. Ví dụ như khi công việc bị cản trở, bị thay đổi kế hoạch vào giờ chót, bị người khác chen lấn ngang vào một hàng dài đang đợi, bị người khác thất hẹn… Nhìn chung, chúng ta là những sinh vật không có khả năng uyển chuyển cao và khả năng kiên nhẫn rất kém.

Tuy nhiên nhiều người sẽ cẩn thận và trạng thái nổi xung được kiểm soát một cách có ý thức. Nhiều phạm trù khác ngoài trạng thái bức xúc có thể dẫn đến trạng thái nổi xung. Chẳng hạn như một vận động viên quyền anh sẽ cố gắng hơn nữa vì giải thưởng? Hay trạng thái bức xúc có thể dẫn đến những trạng thái cảm xúc tinh thần khác. Chẳng hạn như một cô sinh viên có bức xúc vì hành vi chấm bài thiếu công bằng của một giảng viên đã trở nên trầm uất, chán nản, suy sụp. Như Fromm đã nói: Nổi xung và bức xúc xảy ra do chính từ cách nhìn của mỗi người chúng ta. Theo ông thì bức xúc là những lần kinh nghiệm đối diện với những tình huống thiếu công bằng hay những dấu hiệu mình bị từ chối và đó là nguyên nhân dẫn đến nổi giận.

9. Sinh xã hội học đối chiếu với văn hóa

Nhiều nhà tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học và những học giả khác rất cảnh giác về những giải thích của tâm lý xã hội, dù một số trong những giải thích này nhiều lúc nghe có vẻ tương đối thuyết phục từ các nhà sinh xã hội học. Trong những giải thích của nhánh này, chúng ta có những giải thích tương tự liên hệ đến phạm trù văn hóa. Tựu trung lại, phát triển văn hóa có lối vận hành gần giống như nguyên lý của quá trình tiến hóa vậy.

Có nhiều cách tiếp cận và xử lý một nhiệm vụ, tùy thuộc vào điều kiện phát triển vật chất của một môi trường và những phát triển văn hóa, nhiều người cho rằng có một cách thực hiện một nhiệm vụ tốt hơn những cách khác. Các nền văn hóa khác nhau luôn có những cách xử lý rất khác nhau. Nhiều người chủ trương rằng mỗi cách xử lý có những ưu điểm của nó. Vì thế họ không tin rằng sẽ có những cách làm tốt hơn. Vì mọi sự xung quanh đời sống chỉ có những giá trị tương đối, vận dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể của một nền văn hóa đặc trưng riêng biệt trong cuộc sống. Một điểm đáng chú ý là quá trình truyền đạt lại những cách làm từ thế hệ trước không là quá trình thụ động, mà là một quá trình mà các thế hệ sau phải cố gắng học tập.

Để một nền văn hóa có thể tồn tại, văn hóa phải dạy được những thành quả nhất định. Văn hóa chỉ có thể tiếp tục phát triển khi nó cung cấp cho con người những phương pháp tích cực trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên tinh thần một cách có hiệu quả. Vì thế các thành viên trong một nền văn hóa phải học tập qua nhiều lối tiếp cận lành mạnh hơn và nên kiềm chế những hành vi gây hấn như các nhà sinh xã hội đã giải thích.

Tất nhiên các thành viên trong một nền văn hóa cần nỗ lực học hỏi những cách xử thế giao tiếp để đạt được một mức độ hợp tác nhất định, thông qua việc học hỏi những hành vi mang tính xây dựng, tương trợ, cùng có lợi, áp dụng vào các mối quan hệ xã hội, nhằm bảo đảm duy trì được những cân bằng trong việc cùng nhau sử dụng những nguồn tài nguyên chung một cách công bằng và có trách nhiệm. Một nền văn hóa muốn tồn tại, cần thúc đẩy các thành viên của mình phải có ý thức duy trì một tỷ lệ dân sổ ổn định liên tục, nhanh quá hay chậm quá đều có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định. Những ổn định này có thể đạt được thông qua những kênh xây dựng gia đình và những mô hình sinh sản kế hoạch hóa có trật tự và lành mạnh mà các nhà sinh xã hội đã giải thích.

Nếu một xã hội muốn tồn tại, bao gồm tất cả những mô hình xã hội đang hiện diện cho đến thời điểm này cần phải tuân thủ những qui định và chức năng vận hành theo mô hình di truyền được chứng minh trong quá trình tiến hóa. Và vì giá trị của học tập được đánh giá là có tính năng uyển chuyển thích ứng nhất đối với mô hình tiến hóa. Hơn nữa học hỏi cho phép con người tiến bộ chủ động nhanh hơn để thích ứng với điều kiện hoàn cảnh mới. Vì thế văn hóa sẽ có thể thay thế yếu tố di truyền. Và văn hóa tóm lại vẫn là một quá trình tiến hóa, một hướng tiến hóa phi vật chất và chủ yếu nhắm vào đời sống giá trị tinh thần.

Vậy chúng ta có bản năng hay không? Nếu như bản năng được định nghĩa là những phản xạ tự động giống như những liên hệ nối kết, có lẽ chúng ta sẽ không có bản năng như thú vật. Có thể bản năng ấy của chúng ta đã bị mất trong quá trình tiến hóa. Nhưng nếu định nghĩa bản năng như xu hướng phát triển tư duy văn hóa được cài đặt bẩm sinh rất riêng trong mỗi chúng ta về những hành vi tinh thần trong một điều kiện môi trường nhất định – có lẽ chúng ta đang có những bản năng tinh thần này. Và điểm quan trọng then chốt về sự khác biệt giữa loài người và loài vật ở chỗ: Chúng ta có thể từ chối những hành vi mang tính bản năng. Chúng ta giao hợp không còn vì nhu cầu sinh sản. Chúng ta kiêng ăn để giảm cân đến độ gầy còm vì tiêu chuẩn cái đẹp đã bị các nhà thời trang chi phối. Giống như việc chúng ta có thể từ chối những hành vi mà chúng ta đã từng lệ thuộc. Ví dụ một chàng trai nghiện xì ke sẽ có thể cai nghiện hoặc một cô gái bán dâm có thể mạnh dạn nói với mình rằng: Tôi sẽ bỏ hẳn đời sống bia ôm và mại dâm để trở về với đời sông có nhân phẩm của mình. Mặc dù những ngày tháng trước mặt họ là những thử thách rất lớn và rất nhiều trong số họ sẽ làm được.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx