sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 27 - Phần 17

Signs: Những dấu hiệu có thể được nhìn thấy. Chúng ta cố gắng phấn đấu và làm tất cả những gì trong khả năng có thể để đạt được những dấu chỉ để người khác có thể nhìn thấy, từ một kiểu tóc, một bộ quần áo, một ngôi nhà, kiểu xe, kiểu máy điện thoại di động. Nhìn chung đây là một cách chúng ta mượn những giá trị vật chất để tạo ra giá trị của mình.

Single theme: Khung tư duy đơn. Binswanger cho rằng khi một cá nhân sống không trung thực với chính mình là chọn lựa trói buộc cuộc đời của mình trong một cái hộp kín hay một khung tư duy tẻ nhạt trong một góc nhỏ hẹp của mình.

Similarity: Điểm tương tự. Đây là khái niệm khi chúng ta so sánh những giá trị của mình với người khác. Khi các khoảng lệch xảy ra chúng ta có khuynh hướng điều tiết để giảm thiểu những khoảng cách. Nhìn chung thì chúng ta là những sinh thể muốn mình nổi bật được chú ý ở một vài khía cạnh nhưng chúng ta cũng rất mong mình được bình thường tương tự như những người khác.

Similarity pole: Cột tương đồng. Đây là một khâu trong liệu pháp ô rep của George Kelly. Ông muốn các thân chủ chọn ra hai mươi nhân cách sau đó sẽ chia ra làm hai cột gồm cột tương đồng và cột đối lập với chúng ta, sau đó thân chủ được hướng dẫn chọn ra cho mình một nhân cách hiệu quả nhất.

Simple pleasure: Lạc thú đơn giản. Nhiều người đi tìm sự hướng dẫn từ chính cơ thể của họ. Họ bắt đầu bằng cách đi tìm những lạc thú đơn giản. Đây là những niềm vui nho nhỏ, những điều bình dị, những niềm vui nhỏ bé. Chính những niềm vui nho nhỏ này là những lạc thú đơn giản có ý nghĩa đối với bản thân họ.

Simplicity: Người tự phát và là người rất đơn giản. Họ muốn mình là con người thật nhiều hơn là phải nói dối và giả tạo. Vì không còn câu nệ hay phải bảo vệ những giá trị xã giao, cá nhân thường nói thật ra những điều họ nghĩ.

Single mode: Não thức đơn mà chúng ta thường có. Các nhà tâm lý cho rằng có nhiều người sống với một não thức đơn và họ sống một mình, rất tự lực và có thể sinh hoạt độc lập – rất tôi. Có người sống với não thức đôi – có nghĩa họ sống rất tôi–và–bạn. Nhiều người sống với não thức đa điện với tâm thức tôi–bạn– và người khác.

Sisterhood: Tình đồng chí là các liên hệ với nhân loại. Đây là khái niệm giành cho các chị em phụ nữ nhiều hơn.

Situation: Tình huống đến từ cuộc sống thử thách. Đây là những hoạt cảnh bao gồm những dữ kiện tạo nên một sự kiện trong đó chúng ta sử dụng các khả năng tư duy của mình để tiếp cận và xử lý.

Situations: Các tình huống cụ thể. Khi chúng ta tiếp xúc với nhiều tình huống cụ thể có thể gây nên trạng thái mâu thuẫn giữa khái niệm tiêu chuẩn đạo đức (moral criterion) và hệ cấu trúc cốt lõi. Vì thế chúng ta cần xử lý từng tình huống cụ thể một cách khách quan. Cách tốt nhất là xử lý các tình huống dễ xử lý nhất, sau đó chúng ta sẽ xử lý các tình huống phức tạp hơn.

Slip of the tongue: Những câu nói lỡ miệng. Theo Freud thì những câu nói lỡ miệng thường có những thông tin rất quan trọng vì đây là những câu nói đến từ cõi vô thức khi ý thức chưa kịp cản lại. Trong liệu pháp, Freud đặc biệt quan tâm đến những câu nói lỡ miệng và những câu nói đùa. Theo ông những câu nói đùa thường đến từ cõi vô thức và vì mang nội dung khôi hài nên chúng được ý thức cho phép xuất hiện.

Slow–motion: Phim chiếu chậm. Đây là khái niệm khi chúng ta quay trở lại những kinh nghiệm trong quá khứ và đánh giá chúng. Đây là một quá trình cần đến thời gian vì chúng ta cần đến những xử lý của ý thức, vì thế diễn biến của các sự kiện kinh nghiệm quá khứ thường diễn ra và kéo dài chậm hơn thực tế.

Small picture: Bức tranh nhỏ. Costello tin rằng trong bức tranh nhỏ bé của những nhu cầu xã hội rất phổ biến và sự tồn tại của chúng là hiển nhiên. Nói chung đây là khái niệm những sinh hoạt bình thường quen thuộc của chúng ta. Bức tranh nhỏ là khái niệm được phân biệt với bức tranh lớn vốn là một thế giới rộng, đa diện, mang tính tổng thể và phong phú hơn những sinh hoạt thường nhật của chúng ta.

Sociability: Khả năng giao tiếp xã hội. Đây là khái niệm cho thấy những cá nhân có mức tự tin cao khi họ tiếp cận với xã hội. Họ thường nhiệt tình và khả năng giao tiếp của họ không bị giới hạn bởi những ưu tư lo lắng. Họ có khả năng điều tiết, thỏa hiệp, và đàm phán. Họ luôn nhận ra những cơ hội hợp tác và mong đợi những cơ hội được đóng góp của mình.

Social: Tính năng xã hội. Đây là một khái niệm đặc biệt quan trọng trong tâm lý học. Chúng ta là những sinh thể mang tính xã hội và có nhu cầu xã hội rất cao. Nhiều hệ cấu trúc tư duy của chúng ta có liên hệ trực tiếp đối với xã hội. Vì thế trạng thái cân bằng giữa chúng ta và xã hội là một trạng thái lành mạnh của sức khỏe tâm thần.

Social behavior: Hành vi xã hội. Đây là những hành vi mang tính xã hội. Khái niệm này phân biệt với những hành vi có ảnh hưởng riêng với đời sống chúng ta. Một điều cần nhận ra là các hành vi xã hội luôn có những ảnh hưởng lên các mối quan hệ đời sống. Hành vi xã hội vì thế có hai chiều kích ảnh hưởng lên bản thân chúng ta và ảnh hưởng đến những cá nhân khác.

Social concern: Quan tâm xã hội. Adler tin rằng những quan tâm xã hội không phải chỉ riêng bản năng hoặc chỉ được học tập trong cuộc sống. Quan tâm xã hội chính là nhận định chúng ta đúc kết được trong tiến trình xây dựng ý nghĩa giá trị bản thân. Quan tâm xã hội là một não thức đưa chúng ta đến cảnh giới hoàn thiện hơn. Chúng ta chỉ thực sự nhận ra ý nghĩa giá trị làm người khi chúng ta thật sự có những đóng góp cho xã hội. Vì thế dù là một giáo viên, một công nhân, một người vợ, một bác sĩ, một sinh viên…chúng ta luôn được mời gọi trong quá trình quan tâm chung đến xã hội qua những việc làm trong tinh thần xây dựng của chúng ta.

Social feeling: Cảm xúc xã hội. Đây là một khái niệm được Adler giới thiệu trong học thuyết tâm lý của mình. Theo ông cảm xúc xã hội chính là những ưu tư và quan tâm đến xã hội chung quanh. Chính nhờ vào cảm xúc xã hội mà chúng ta có cơ hội tìm hiểu và đóng góp với đời sống chung. Một điều cần nhắc là rất nhiều người trong chúng ta có cảm giác xã hội nhưng họ chưa thật sự nhận ra sự hiện diện và giá trị của những cảm xúc này.

Social interest: Khái niệm hứng thú xã hội. Adler cho rằng hứng thú xã hội đã khiến chúng ta quan tâm đến xã hội nhiều hơn. Các nan đề chung như môi trường vệ sinh, tình trạng tha hóa, hiện tượng nghiện ngập, điều kiện kinh tế, tình trạng điều kiện giáo dục…đây là những ví dụ của hứng thú xã hội mà nhiều người trong chúng ta luôn luôn quan tâm đến.

Social learning theory: Thuyết học tập xã hội. Các nhà tâm lý đi theo thuyết học tập xã hội tin rằng hành vi của chúng ta là kết quả của quá trình giao tiếp và thu thập được những kinh nghiệm trực tiếp đến từ môi trường xã hội. Học thuyết này cho rằng xã hội có ảnh hưởng lên mỗi cá nhân và chính những cá nhân đã có những ánh hưởng lên xã hội.

Social learning: Rút kinh nghiệm từ xã hội. Đây là khái niệm bao gồm chủ yếu những hành vi thao tác mang tính bắt chước. Chúng ta quan sát và thực hiện các thao tác được chúng ta tiếp cận. Đây là hiện tượng chúng ta làm những việc chúng ta tin rằng hợp lý vì mọi người cùng làm như thế. Rút kinh nghiệm từ xã hội là một nét chính của học thuyết tâm lý xã hội khi họ tin rằng phần lớn các kinh nghiệm học tập được đều diễn ra qua các liên hệ xã hội.

Social motivations: Động cơ có nguồn gốc xã hội. Đây là động cơ tùy thuộc vào từng mô hình và mức độ phát triển của xã hội mà cá nhân sống trong đó. Không phải xã hội nào cũng tạo ra những cơ hội cho các cá nhân có điều kiện tìm đến những động cơ này. Kiến thức và giáo dục chính là cửa ngõ đầu tiên để các cá nhân có được những động cơ xã hội qua những đặc tính quan tâm đến xã hội và muốn được góp phần xây dựng xã hội.

Social process: Các quá trình xã hội. Theo Kelly, khi chúng ta quan sát và giải thích những quá trình xây dựng cấu trúc nơi người khác, chúng ta thường áp dụng một quá trình xã hội liên hệ đến người đó. Nói khác đi chúng ta đánh giá hành vi của người khác không dựa trên những giá trị trong hệ tâm thức của chúng tà mà từ những giá trị tiêu chuẩn của xã hội.

Social psychologists: Nhà tâm lý trường phái xã hội. Hứng thú đặc biệt của các nhà tâm lý xã hội là việc tìm hiểu những giá trị và những động cơ của con người có nội dung liên hệ đến bối cảnh xã hội. Theo họ thì con người là những sinh thể có nhu cầu xã hội, phán đấu và cố gắng đều là những phản ứng của chúng ta có liên hệ đến xã hội.

Social unconscious: Vô thức xã hội. Đây là khái niệm cho rằng chúng ta đã có quá nhiều liên hệ với đời sống xã hội và những giá trị này đã trở thành một phần của đời sống chúng ta. Vô thức xã hội là hiện tượng chúng ta ứng xử một cách tự động, đôi khi không có sự tham gia của ý thức. Ví dụ như những đóng góp chung, nhiều lúc chúng ta tin rằng đó là bổn phận nghĩa vụ và ai cũng đều đóng góp như chúng ta. Hoặc những sự kiện lớn xảy ra trong xã hội, dù không liên hệ trực tiếp đến chúng ta nhưng chúng ta vẫn có những quan tâm không thể tránh được.

Social world: Thế giới xã hội, vốn là những phạm trù quan hệ cá nhân, cách nhìn và thái độ của thân chủ với cộng đồng, và các mảng văn hóa xã hội khác. Đây là khái niệm được định nghĩa để phân biệt với các thế giới khác như thế giới tâm lý, thế giới tinh thần, thế giới vật chất, thế giới nghệ thuật.

Socialism: Chủ nghĩa xã hội. Đây là một mô hình xã hội trong đó mọi người quan tâm đến lợi ích của những người khác. Xã hội bình đẳng, mọi người có trách nhiệm và quan tâm chung. Các thành viên trong xã hội đó luôn nghĩ đến lợi ích tập thể trước tiên.

Socially useful type: Tuýp có lợi cho xã hội. Theo Adler thì đây là mẫu người có những hứng thú đặc biệt đến phát triển đời sống xã hội. Họ tìm thấy giá trị nhân văn trong quá trình phục vụ xã hội. Họ ý thức được rằng trách nhiệm đóng góp của bản thân họ đối với xã hội là một trách nhiệm hiển nhiên. Họ quý mến tinh thần xây dựng và thường tìm thấy những ý nghĩa qua việc phục vụ chung. Họ thường không nghĩ đến xã hội đã làm gì cho họ nhưng họ luôn nghĩ mình đã làm được điều gì cho xã hội.

Society’s moral code: Giá trị đạo đức xã hội đã được tiêu chuẩn hóa. Theo Otto Rank thì nhiều tiêu chuẩn đánh giá được chúng ta sử dụng đến từ môi trường xã hội chung. Một phần lớn trong chúng ta tin rằng các tiêu chuẩn giá trị đạo đức trong xã hội là những tiêu chuẩn chuẩn xác cần được tuân thủ. Đây là nền tảng cơ bản cho các giá trị luật pháp được xây dựng. Công bằng và vô tư chính là những giá trị đạo đức xã hội đã được tiêu chuẩn hóa.

Sophisticated form: Hình thái phát triển hoàn thiện. Đây là hình thái phát triển ở mức độ cao. Trong bối cảnh phát triển tư duy, cá nhân đạt được não thức cộng tác qua các hành vi nhìn thấy trong hiện tượng quan hệ quan tâm cùng có lợi.

Solidity: Khát khao có được những khái niệm định hình chắc chắn. Đây là một nhu cầu quan trọng trong quá trình hình thành các khung tư duy chuẩn. Đây là những giá trị có tính thuyết phục, tính nhất quán, và tính ổn định.

Solicitous: Được chiều chuộng. Trong gia đình có ít anh em thường được cha mẹ chiều chuộng nhiều hơn. Khi xã hội đang phát triển với xu hướng số trẻ em được sinh ra trong một gia đình giảm xuống, quan hệ giữa cha mẹ và con cái có những thay đổi đáng kể so với các xã hội truyền thống. Điều này dẫn đến hiện tượng chúng ta chiều con hơn, đầu tư cho con nhiều hơn trước.

Solipsism: Cảm nhận cá nhân. Theo một số nhà tâm lý thì chỉ có một cá nhân mới cảm hiểu được thật rõ về thế giới này cũng như đấy chính là ý tưởng của riêng họ. Cảm nhận cá nhân là những giá trị rất chủ quan, rất riêng của mỗi người trong chúng ta. Và như thế sẽ khó có hai cảm nghiệm cá nhân giống nhau khi hai cá nhân này cùng tiếp cận một hiện tượng dữ kiện.

Solution: Cách giải quyết. Đây là khái niệm quyết định sau cùng khi các tác nhân đã được phân tích đánh giá. Thường thì chúng ta có xu hướng chọn ra một hướng xử lý có hiệu quả nhất. Đứng giữa hai cách giải quyết, chúng ta cần cách giải quyết nhanh, chuẩn, tiết kiệm nhất. Tuy nhiên nhiều yếu tố ngoại cảnh khác thường có ảnh hưởng và thay đổi những cách giải quyết mà hệ tư duy của chúng ta đã đề nghị trước đó.

Sophisticated survival machine: Mô hình bộ máy sinh tồn. Stapp đã đề nghị rằng ý thức rất khác xa với một mô hình máy móc. Ý thức được thiết kế một cách tinh vi nhằm phục vụ nhu cầu sinh tồn hay là một cái máy vi tính cực nhanh được cài đặt bên trong chúng ta. Ý thức là một sản phẩm cung cấp những khung cấu trúc tư duy để chúng ta có thể sử dụng khi tiếp cận với những điều kiện hoàn cảnh đặc trưng khác nhau.

Soul: Linh hồn hay tâm hồn. Nhiều nhà tâm lý hiện đại cho rằng giá trị linh hồn là một giá trị rất riêng. Tuy không được kiểm chứng rõ ràng nhưng ảnh hưởng của nó lên một bộ phận số đông trong chúng ta luôn hiện diện. Với phát triển của khoa học và kiến thức, nhiều người bắt đầu nhận ra ảnh hưởng của giá trị linh hồn lên tâm thức chúng ta đã đang giảm xuống.

Species: Chủng loại. Đây là khái niệm cho biết các sinh thể thuộc vào một chủng loại. Đặc tính của chủng loại là quá trình giao phối sẽ đem lại kết quả thụ tinh. Hai sinh thể khác chủng loại khi giao phối sẽ không đạt được kết quả thụ tinh. Chủng loại là khái niệm cho biết các sinh thể thành viên được thừa hưởng các giá trị di truyền như hệ gien và những bản năng đặc biệt khác.

Specific instinctual system: Hệ bản năng đặc trưng; giống như một bể chứa nước. Lorenz tin rằng những cơ năng thần kinh cho phép những năng lượng này thoát ra khi có những kích thích cần thiết.

Spirit: Tinh thần. Đây là khái niệm một dạo được coi là linh hồn. Hiện nay khái niệm này được coi như những giá trị không thuộc về thế giới vật chất nhưng có những năng lượng riêng thôi thúc hoặc ức chế những hoạt động của chúng ta. Đây là khái niệm có ý nghĩa tích cực nhiều hơn là tiêu cực.

Spiritual being: Thực thể tinh thần. Đây là khái niệm đại diện cho đời sống tâm linh của chúng ta là có thực. Không hẳn là chúng ta phải có những hoạt động tôn giáo mới có đời sống tâm linh. Nhất là khi tâm linh là khái niệm chúng ta có những liên hệ với các hiện tượng thiên nhiên vượt ngoài sự giải thích của chúng ta, chẳng hạn như sự liên hệ giữa chúng ta với người thân đã qua đời của mình, hoặc những lần chúng ta khao khát mơ ước mong đợi một điều gì đó xảy ra, mặc dù chúng ta biết khả năng xảy ra rất thấp.

Spiritual perspective: Lăng kính tinh thần. Đây là khái niệm cho biết khi chúng ta nhìn vào thế giới, chúng ta đánh giá những hiện tượng chung quanh qua một lăng kính với những giá trị thần học, những phạm trù siêu nhiên và những năng lượng phi vật chất. Đây là lăng kính gần gũi với các hiện tượng không có liên hệ gần gũi với các giá trị vật chất.

Spiritual level: Cấp độ đời sống tâm linh tinh thần. Đây là khái niệm phát triển đời sống tinh thần ở những cấp độ rất khác nhau. Nhiều cá nhân thật sự tin vào sự hiện diện của Tạo hóa trong khi đó một số khác coi Tạo hóa là một dạng thức phát triển rất cao của hệ tâm thức. Có người duy tâm nhưng có những người coi các hiện tượng siêu nhiên chỉ là những đối tượng tự nhiên chưa được giải thích. Đây không phải là xấu hay tốt, đúng hay sai mà hoàn toàn được coi là những cấp độ đời sống tâm linh phát triển khác nhau.

Spiritual power: Năng lực siêu nhiên. Đây là khái niệm mô tả về những hiện tượng thiên nhiên vẫn chưa được giải thích. Nhiều cá nhân tin rằng phải có một quyền lực hay một năng lực siêu nhiên nào đó điều khiển các hiện tượng này. Nhất là các hiện tượng này xảy ra khi chúng ta vẫn chưa có những giải thích thỏa đáng.

Split: Khái niệm bản thân hoặc nhân cách của cá nhân bị tách đôi. Đây là hiện tượng cá nhân cảm thấy hệ tâm thức của mình không còn giữ được tính năng nhất quán. Họ cảm thấy những hệ cấu trúc bắt đầu có những mâu thuẫn. Đây là trạng thái mất cân bằng và các giá trị hệ trong thống tâm thức nhân cách không còn những liên hệ mật thiết. Đây là hình thức mất ổn định có thể dẫn đến những rối loạn tâm thần.

Spontaneity: Người tự phát và rất đơn giản. Họ muốn mình là con người thật, hơn là phải nói dối và giả tạo. Đây là những cá nhân nói điều họ nghĩ, làm điều họ tin là phải. Họ thường không chú ý quan tâm đến những đánh giá của người khác. Đây là những cá nhân có rất ít khả năng điều tiết và kiềm chế. Tuy nhiên họ là những người cương trực và thẳng tính. Vì thế những kỹ năng giao tiếp xử thế của họ thường không được linh động và uyển chuyển lắm.

Stable: Ổn định. Đây là trạng thái cân bằng khi hệ tâm thức nhất quán với cuộc sống. Trong bối cảnh thuyết tiến hóa, khái niệm ổn định được coi là sự phát triển của một chủng loại được điều chỉnh đạt trạng thái cân bằng.

Stacks of constructs: Các khung tư duy có cấu trúc chồng xếp lên nhau. Theo George Kelly thì các khung tư duy của chúng ta có cấu trúc chồng xếp lên nhau, tầng sâu nhất chính là tầng chứa đựng những khung tư duy có giá trị cốt lõi trong đó những tầng trên cùng bao gồm các khung tư duy có chức năng xử lý các nan đề hiện thực bình thường của cuộc sống hàng ngày.

Stagnation: Tình trạng tù đọng. Đây là khái niệm cho thấy nhiều cá nhân không vượt qua được những nhu cầu của mình, họ thường rơi vào trạng thái tù túng, lẩn quẩn trong trạng thái bức bối vì sự tẻ nhạt. Trong giai đoạn phát triển từ khoảng 40 tuổi đến 65, theo Erick Erickson thì đây là thời kỳ các cá nhân thường hay đặt cho mình một câu hỏi xem họ đã đạt được mục đích nào trong hành trình ý nghĩa làm người.

Standards: Tiêu chuẩn. Đây là khái niệm các thang nấc đánh giá về các giá trị khác nhau. Thường thì các hành vi hay được đánh giá bởi các hệ giá trị tiêu chuẩn được xã hội đặt ra. Theo Rogers, chúng ta bắt đầu chỉ chấp nhận bản thân mình mỗi khi chúng ta đạt được những tiêu chuẩn mà những người khác áp đặt lên chúng ta. Vì thế nhiều cá nhân đã bỏ ra không ít công sức và năng lượng chỉ để sống bằng với tiêu chuẩn khách quan bên ngoài.

Standards procedure: Thủ tục thao tác được tiêu chuẩn hóa. Đây là một khái niệm quan trọng trong nghiên cứu khoa học. Thường trong các cuộc thí nghiệm nghiên cứu, các nhà khoa học luôn tuân theo những thủ tục thao tác được ấn định bôi cộng đồng các nhà khoa học. Điều này cho phép các nhà khoa học khác có cơ hội kiểm chứng, tiếp tục khảo cứu hoặc tái thực hiện các cuộc nghiên cứu này.

Statistical technique: Phương pháp thống kê. Trong nghiên cứu, phương pháp thống kê là một kỹ năng xử lý các dữ kiện thông tin bằng những phép tính để tìm ra các câu trả lời về các sự kiện hiện tượng trong cuộc sống. Đối tượng chủ yếu của nghiên cứu áp dụng thống kê là về dân số chung, trong đó nghiên cứu trên một mẫu thí nghiệm nhỏ hơn sau đó có những tiên liệu ước lượng lên toàn bộ dân số. Các cuộc nghiên cứu sử dụng các phương pháp thống kê được coi là có uy tín hơn những nghiên cứu không ứng dụng các phương pháp thống kê.

Status: Vị trí đẳng cấp. Đây là một đại lượng có nguồn gốc khá gần gũi với bản năng do chúng ta thừa hưởng được từ các thế hệ tổ tiên của mình. Quá trình khẳng định vị trí và đẳng cấp của chúng ta được thể hiện qua các hành vi tranh thủ, phấn đấu thiếu công bằng, đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người khác. Tuy nhiên đây cũng chính là động lực đã khiến nhiều phát minh quan trọng xuất hiện do các cá nhân luôn muốn thể hiện và khẳng định vị trí dẫn đầu của mình.

Stereotyping: Thành kiến phân biệt. Đây là khái niệm nhiều cá nhân có những phán đoán quyết định hoàn toàn dựa trên cơ sở lý luận từ khung tư duy một chiều chủ quan của mình. Họ không đánh giá khách quan và không nhìn thấy những tác nhân ngoại cảnh khác. Cần biết là hai hành vi hay hai sự kiện giống nhau hoàn toàn không có nghĩa là chúng sẽ có nguyên nhân và kết quả giống nhau.

Stop evaluating: Chấm dứt đánh giá. Theo một số nhà tâm lý, cách tốt nhất để đạt được và duy trì một sức khỏe lành mạnh là hãy chấm dứt đánh giá tất cả những giá trị viển vông tiêu cực. Đây là một lời khuyên hợp lý vì càng đánh giá những giá trị có tiêu chuẩn quá cao, chúng ta sẽ dễ đánh mất tính khách quan của các hiện tượng cuộc sống và càng rơi vào các vòng xoáy tiêu cực lẩn quẩn.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx