sachtruyen.net - logo
chính xáctác giả
TRANG CHỦLIÊN HỆ

Các Học Thuyết Tâm Lý Nhân Cách - Chương 27 - Phần 16

Self-esteem: Lòng tự trọng. Đây là nhu cầu cao hơn là nhu cầu được tôn trọng. Trong cuộc sống, đại đa số chúng ta nhắm đến được người khác tôn trọng. Tuy nhiên rất ít người có thời gian để tìm hiểu và nhận ra rằng để người khác tôn trọng mình, chúng ta phải biệt tự trọng mình trước. Nói khác đi tự trọng là bước đầu tiên để được tôn trọng. Khi mình biết tự trọng, lúc đó mình sẽ tôn trọng người khác. Như một hệ quả tất yếu, người khác sẽ bắt đầu tôn trọng chúng ta. Tự trọng chính là giữ cho mình có một nhân vị nhất quán.

Self-exammation: Nghiên cứu về bản thân mình. Đây là quá trình tự đánh giá. Chúng ta sẽ phân tích và kết luận về những gì mình có mình chưa có và những điều mình cần nên có. Nghiên cứu về bản thân đi xa hơn đánh giá bản thân. Trong nghiên cứu bản thân, chúng ta sử dụng cả những yếu tố nội tại và yếu tố ngoại cảnh để xác định được con người của mình giữa tương quan của thế giới nội tâm và thế giới ngoại cảnh.

Self-deafeating beliefs: Tư tưởng chống lại chính bản thân chúng ta. Đây là một dạng niềm tin lệch hướng. Những niềm tin sai lệch này có ảnh hưởng lên chúng ta nhưng chúng ta không biết. Đơn giản là chúng ta tin rằng những giá trị không lành mạnh là điều chúng ta cần. Vì thế chúng ta không nhận ra những tác hại của các tư tưởng này. Đây là một dạng thức được so sánh khi càng khát ta càng uống thêm nước muối và kết quả là ta càng khát thêm.

Self destructiveness: Tự tàn phá mình. Đây là hệ quả xảy ra khi một người có thái độ hằn học muốn tàn phá thế giới, nếu bị ngăn chặn bởi những hoàn cảnh hiện tại, những xung lực ấy sẽ quay ngược trở lại tấn công họ, dẫn đến những hành vi tự hủy hoại mình. Đây là một dạng thức so sánh khi chúng ta tự đặt bẫy hại người khác nhưng chính chúng ta đặt chân vào bẫy, gậy ông đập lưng ông.

Self-expression: Tự thể hiện mình. Gareth Costello đã có những nhận xét góp ý trong học thuyết của Maslow. Theo học giả này những nhà nghệ thuật có những cách diễn đạt bản thân nhiều hơn là những người đạt cảnh giới giác ngộ. Đây là một nhu cầu tâm lý tương đối phổ biến không chỉ nơi các nhà nghệ thuật. Chúng ta bằng lòng gia nhập vào những xu hướng văn hóa tiêu thụ đại trà là một cách thể hiện mình. Con người là một sinh thể rất cần được người khác chú ý đến mình.

Self-fulfilling prophecy: Khái niệm nhập tâm. Nhiều lúc ta mong đợi một điều gì đó sẽ xảy ra, và chúng đã xảy ra thật, đơn giản bởi vì những hiện tượng ấy xảy ra có sự gắn bó đến niềm tin và thái độ của chúng ta – một hiện tượng lý giải cho khái niệm nhập tâm. Cứ thế chúng ta do kỳ vọng nên thường không chú ý đến những hiện tượng khác mà chỉ đợi hiện tượng chúng ta kỳ vọng. Nói chung là chúng ta có xu hướng tin vào điều mình muốn tin.

Self-help: Thân chủ tự giúp mình. Đây là khái niệm cho biết các cá nhân có đủ khả năng và điều kiện để thăng tiến khi cá nhân đó có đủ can đảm và nhiệt tình. Theo các nhà liệu pháp hiện đại thì trình độ văn hóa của con người càng ngày càng cao, cộng với sự dồi dào phong phú của kiến thức, chúng ta có nhiều cơ hội để tự mình giúp mình nhiều hơn so với các thế hệ đi trước chúng ta.

Self-image: Chân dung về con người thực sự của mình. Đây là một khái niệm được chúng ta lưu giữ trong hệ tâm thức của mình. Chúng ta muốn công bố chân dung ấy với mọi người nhưng thường thì chúng ta không nhận được những phản hồi như ý. Đôi khi để bảo vệ tránh khỏi những tổn thương không cần thiết, chúng ta có xu hướng giữ lại chân dung về con người thật của mình.

Self-indulgence: Tự thỏa mãn. Đây là trạng thái khi cơ thể tin rằng mình cần tự thưởng và tự thỏa mãn cho mình; vì ngoài mình ra sẽ không có ai làm điều đó cho chúng ta. Đây là trạng thái đóng cửa lòng và thiếu khả năng tìm thấy giá trị nhân văn nơi thế giới bên ngoài. Họ thường có những cách đánh giá sai lệch và đặt nặng các giá trị thỏa mãn lớn hơn những giá trị tinh thần khác. Họ không thật sự nhận ra rằng cuộc sống có những giá trị khác tích cực hơn ngoài những thỏa mãn mà họ luôn coi là trung tâm ý nghĩa cuộc sống.

Self-interested. Trạng thái ích kỷ và chỉ biết quan tâm đến quyền lợi của bản thân mình. Không hiếm trong xã hội ta vẫn thấy có những con người luôn đặt quyền lợi của mình lên trên quyền lợi của người khác. Trong bối cảnh quan hệ tình cảm, họ là người chỉ biết nhận nhưng hà tiện trong việc trao ra. Một khuyến cáo của các nhà tâm lý thì thái độ ích kỷ sẽ khiến con người đau khổ và thất vọng nhiều hơn.

Self-management: Tự quản lý bản thân. Đây là khái niệm được áp dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta điều tiết những hoạt động của mình và luôn tìm ra những hướng xử lý ổn định có lợi nhiều nhất cho chúng ta. Tự quản lý bản thân có nghĩa chúng ta có trách nhiệm với những hành vi của cá nhân mình.

Self-mortification: Tự thánh hóa bản thân mình. Đây là khái niệm diệt dục và hướng vế đời sống tinh thần thánh thiện. Đây là khái niệm trong tôn giáo có ý nghĩa cá nhân dẹp bỏ những khát khao thuộc cõi dục vọng sinh lý để tìm đến với những giá trị hy sinh khắc khổ. Họ mong rằng qua những đè nén và tiết độ họ có thể đạt được những giới cảnh tinh thần lý tưởng.

Self-observation: Quá trình xu hướng tự quan sát mình. Đây là khái niệm khi chúng ta tập trung vào bản thân với những quan sát theo dõi nhằm đạt được tình trạng ổn định, tránh được những hành vi xốc nổi. Đây là dạng thức cảnh giác tinh thần.

Self-punishment. Tự phạt mình. Đây là trạng thái cá nhân tự kỷ luật khi cảm giác ân hận hoặc não thức mặc cảm bắt đầu xuất hiện. Cá nhân tự phạt mình vì họ tin rằng chính hình phạt này sẽ giúp họ đạt được trạng thái công bằng. Cần biết là tự phạt cũng có tác động như bị phạt bởi người khác. Nói chung là tự phạt có thể giúp chúng ta kỷ luật bản thân nhưng lạm dụng tự phạt sẽ dẫn đến tình trạng tiêu hao quá nhiều năng lượng vào hình phạt và quên đi rằng năng lượng có thể được chuyển tài vào những khu vực thăng tiến tinh thần quan trọng hơn.

Self-realization: Khái niệm nhận ra mình. Đây là cảnh giới khi cá nhân hiểu về con người của mình. Đây là cảnh giới khi chúng ta nhận ra những mặt mạnh và những điểm yếu của mình. Để từ đó chúng ta không huênh hoang hợm hĩnh nhưng cũng không mặc cảm yếm thế thái quá. Khi thật sự nhận ra mình, chúng ta sẽ không còn quá bận tâm về những nhận xét của người khác nữa, mặc dù chúng ta vẫn quan tâm đến; nhưng bây giờ chúng ta nhìn vào những nhận xét ấy bằng một lăng kính khách quan hơn nhiều.

Self-realized: Giác ngộ. Đây là khả năng nhận ra mình, một giới cảnh tinh thần phát triển ở một mức cao. Chúng ta hiểu mình nhiều hơn. Khi hiểu mình, chúng ta sẽ hiểu người khác kỹ hơn. Hiểu mình tức là nhận ra những điểm yếu và điểm mạnh, từ đó khi đánh giá hành vi của người khác, thái độ và cách nhìn của chúng ta sẽ bình tĩnh khách quan hơn.

Self-regulation: Khá năng tự quản. Tự kiểm soát. Đây là quá trình kiểm soát hành vi của chính chúng ta. Chúng ta sẽ điều tiết các hành vi của mình để đạt được trạng thái cân bằng lành mạnh. Khả năng tự quản tức là tự điều chỉnh các hoạt động trong chừng mực ứng xử hiệu quả và năng lượng được sử dụng một cách hiệu quả nhất.

Self-response: Cơ năng tự phản hồi. Nếu ta bằng lòng với việc so sánh với tiêu chuẩn của mình, ta sẽ tự thưởng mình qua cơ năng tự phản hồi. Nói khác đi đây là cơ năng chúng ta đối thoại với chính mình. Chúng ta cung cấp cho mình những đánh giá thông tin. Đây là một hành vi giúp chúng ta cân bằng lại hệ tâm thức vì không phải lúc nào chúng ta cũng được người chung quanh cung cấp cho mình những đánh giá đầy đủ và cần thiết.

Self-responsibility: Có trách nhiệm với bản thân. Đây là một não thức quan trọng. Não thức trưởng thành là điều cần thiết. Chúng ta cần có trách nhiệm với tư tưởng và hành vi của mình. Đây là nến tảng cần thiết để chúng ta tự trọng và tôn trọng người khác. Não thức này rất cần đến sự phát triển của lòng can đảm và tinh thần khách quan vô tư.

Self-reward. Tự thưởng. Đây là hành vi trái ngược với tự phạt mình. Tự thưởng là thái độ xây dựng tư tưởng của mình ở một khía cạnh tích cực. Chúng ta đánh giá cao bản thân mình và cho mình những cơ hội được quan tâm đến chính mình. Tự thưởng là thái độ trân trọng giá trị bản thân. Chúng ta chấp nhận sự yếu kém của mình và không từ bỏ mình vì những thiếu sót cố hữu. Đây là một dạng động cơ nội tại nhằm giúp chúng ta tiếp tục phấn đấu phát triển.

Self-sufficiency: Tự đạt hiệu quả. Đây là trạng thái bằng lòng với chính mình. Trạng thái này có được khi chúng ta phát triển những kỹ năng có thể đem lại sự ổn định về các tính năng hiệu quả của bản thân. Đây là một nhu cầu cần thiết để có một hệ tâm thức ổn định. Tuy nhiên nếu chúng ta quá dễ dãi với các tiêu chuẩn của mình, chúng ta sẽ rơi vào trạng thái tự mãn.

Self-sufficient: Khả năng tự mình có thể ổn định và hoàn toàn làm chủ bản thân. Trạng thái này đạt được khi chúng ta đạt được những não thức hiệu quả về bản thân. Đây là giai đoạn chúng ta có thể tự lực tự cường. Chúng ta có thể chủ động trong ứng xử và bình tĩnh trong tư duy của mình.

Self-theorist: Học thuyết bản thân. Đây là những học thuyết tâm lý đặc biệt chú ý đến những khả năng tiềm tàng bên trong cơ thể. Họ chú ý đến các lĩnh vực thuộc phạm trù bản thân cá nhân như ý thức trách nhiệm, tinh thần tự chủ, đam mê cá nhân, động cơ, và những phạm trù phát triển nhân cách.

Self-transcendence: Quá trình vượt qua chính bản thân mình. Đây là nét đặc trưng của những cá nhân đạt đến cảnh giới giác ngộ hay còn được biết qua khái niệm đắc đạo. Chúng ta luôn có khao khát đạt đến một cảnh giới hoàn toàn tự do không còn bị ràng buộc. Đây chính là cơ hội để chúng ta vươn lên những giá trị cao hơn và ở bên ngoài chúng ta. Cảnh giới này cho phép chúng ta nhìn mình từ lăng kính nội tại bên trong và từ lăng kính ở bên ngoài.

Self-understanding: Trạng thái hiểu biết chính mình. Thường thì chúng ta có một khái niệm sơ bộ và tương đối về bản thân chính mình. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể hiểu mình một cách toàn diện và đầy đủ. Trạng thái hiểu chính mình là một bước quan trọng trong tiến trình xây dựng định nghĩa tuyên ngôn sống của chúng ta. Hiểu chính mình tức đã đạt gần đến mức cân bằng cao nhất trong quan hệ giữa chúng ta và thế giới.

Self-worth: Giá trị bản thân. Theo Rogers đây là những giá trị có liên hệ đến bản thân cá nhân từng người như: lòng tự trọng, giá trị của bản thân, ý nghĩa làm người, những đức tính, các ưu điểm. Khi so sánh giữa mặt mạnh và mặt yếu, hiệu số giữa hai mặt mạnh và mặt yếu cho chúng ta một giá trị bản thân. Vì thế người càng có nhiều tư duy lành mạnh, khả năng xử lý thích hợp, hành vi hiệu quả sẽ có một giá trị bản thân tích cực hơn những cá nhân không có những thuận lợi này.

Selfish gene. Hệ gien ích kỷ. Theo Frankl, chúng ta thường có xu hướng quan tâm đặc biệt đến người thân của mình. Đây là hiện tượng chúng ta quan tâm một cách có chủ ý vì mục tiêu của chúng ta là giúp cho hệ gien của dòng họ mình được tiếp tục lưu truyền, vì thế hệ gien ích kỷ là động cơ khiến chúng ta quan tâm đặc biệt đến người thân của mình.

Scene: Hoạt cảnh. Đây là một khung hiện thực bao gồm những thông tin và dữ kiện xảy ra trong một thời điểm nhất định. Hoạt cảnh cung cấp những đơn vị dữ kiện ở dạng sơ khởi cơ bản nhất để chúng ta có những hướng xử lý cần thiết dựa trên những điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng cá nhân một.

Smantic engine: Động cơ (bộ máy) có ý nghĩa. Từ rất nhiều năm nay, nhiều người tin rằng bộ não con người là một cỗ máy có một hệ thống qui luật (syntactic engine) luôn hoàn thiện để trở thành một cỗ máy có ý nghĩa. Đây là một khái niệm cơ bản giải thích quá trình hình thành tư duy nhân cách của chúng ta. Ban đầu bộ não của chúng ta cung cấp những phương tiện cơ bản để hệ tâm thức có thể lưu trữ dữ kiện, nhưng sau đó chúng ta không ngừng phát triển hệ tâm thức vì những kinh nghiệm chúng ta đạt được trong cuộc sống.

Senescence: Phát triển trưởng thành. Đây là giai đoạn một phần dài còn lại của đời sống con người – đây là thời điểm (xét về mặt sinh lý) các bộ phận đã phát triển gần như kiện toàn và có xu hướng vận hành càng ngày càng xuống cấp. Tuy nhiên đây là giai đoạn hệ tâm thức và các giá trị tinh thần khác bắt đầu phát triển nhanh hơn.

Sensation and fellings – vedana: Cảm giác và cảm xúc. Những phản ứng giữa các bộ phận giác quan cơ thể và những đối tượng chung quanh tạo ra cảm giác và cảm xúc. Đây là một bộ phận quan trọng trong các sinh hoạt hàng ngày. Giả định rằng nếu các dữ kiện đời sống xảy ra nhưng không tạo ra bất cứ một hiệu ứng nào, đây là một điều rất đáng quan ngại xảy ra cho hệ tâm thức của chúng ta. Đây là khái niệm trong ngũ uẩn của Kinh Phật.

Sense of identity: Cảm giác mình có một nhân vị riêng. Đây là một cảm giác rất riêng mỗi chúng ta có được đối với chính mình. Cảm giác này giúp chúng ta nhận ra ý nghĩa giá trị của chính mình. Tôi là ai? Tôi có đóng góp gì cho xã hội. Đâu là mặt mạnh của tôi? Tôi có những điểm yếu nào. Đây chính là những câu hỏi được cảm giác có một nhân vị riêng trả lời cho chúng ta.

Sense of self: Cảm giác về bản thân. Đây là một trạng thái tinh thần chúng ta tiếp cận với chính mình. Đây là sản phẩm của quá trình tự đánh giá. Cảm giác này có thể là tiêu cực hoặc tích cực đến từ những kết luận đánh giá của chúng ta về bản thân. Khi không có cảm giác với với chính mình, nhiều cá nhân sẽ có hệ tâm thức của họ trở nên vỡ nát thành những mảnh vụn nhỏ. Cảm giác về bản thân vì thế chính là chất keo để hàn gắn hệ tâm thức của chúng ta lại với nhau.

Sense of personal identity: Cảm giác nhân vị cá nhân. Đây là cách chúng ta tiếp cận với chính mình. Những giá trị nội tại và những hệ cấu trúc tư duy chúng ta luôn đem theo mình. Cảm giác này cung cấp cho chúng ta một đẳng thức tinh thần khi các đại lượng được lắp thế vào sẽ cho chúng ta một nhận định nhân vị cá nhân của mình.

Semsori–motor skills: Kỹ năng thuộc hệ cảm giác–vận động có chức năng điều khiển các em bé. Đây là một giai đoạn phát triển khi các em nhận ra những tín hiệu khi cơ thể các em vận động. Đây là các kỹ năng phát triển từ rất sớm. Đây là khám phá của Piaget. Nhờ các kỹ năng này các em có thể khám phá ra thế giới chung quanh của mình.

Sensorimotor stage: Thời kỳ cảm giác–vận động. Theo Piaget thì đây là thời kỳ đầu tiên, từ lúc em bé vừa mới chào đời đến lúc em hai tuổi.

Sense of selfhood: Ý thức về bản thân kiếp người của chính mình. Đây là cảm giác về ý nghĩa hành trình làm người của mình. Cảm giác này gần với cảm giác về bản thân nhưng có hàm ý rộng hơn. Cảm giác ý thức về kiếp người giúp chúng ta có những cái nhìn rộng và xa hơn, bao quát hơn khi nhiều giá trị ý nghĩa thuộc các phạm trù đời sống được đưa vào hệ cấu trúc tâm thức của chúng ta.

Sensing: Cảm giác. Đây là quá trình chúng ta phản ứng, tiếp cận và xử lý các tín hiệu đến từ bên ngoài hoặc những phản ảnh của hệ tâm thức nội tại bên trong. Nhờ vào cảm giác chúng ta hiểu rõ thêm về mối liên hệ giữa bản thân và thế giới chúng ta đang sống, trong đó bao gồm cả hệ tâm thức của chúng ta.

Sensitive: Nhạy cảm. Đây là khái niệm cho thấy mức độ rung cảm và cường độ của cảm giác. Ngoài ra nhạy cảm còn được hiểu khi cá nhân có khả năng đồng cảm với người khác, họ là người có khả năng tiếp nhận những tín hiệu ở dạng nhỏ nhất. Họ tế nhị và luôn ứng xử rất sẵn sàng và họ thường sử dụng cảm tính và cảm xúc vì đây là những khu vực có khả năng nhận tín hiệu nhanh và trực tiếp hơn hệ tư duy.

Separateness: Sự tách rời. Đây là khái niệm đối ngược với sự liên hệ. Là con người, chúng ta ý thức được trạng thái tách rời giữa mình với người khác, vì thế chúng ta luôn muốn vượt qua điều này. Đây là khái niệm khoảng cách tinh thần mà nhiều người trong chúng ta, tùy theo nhu cầu của mình, đã cố gắng điều tiết để có một khoảng cách thích hợp nhất. Xin xem relatedness.

Separate existence: Một sự hiện diện tách rời. Đây là hiện tượng chúng ta tồn tại nhưng mức độ liên hệ với thế giới ở mức thấp nhất. Một ví dụ là chúng ta trở thành một tảng băng trôi trên đại dương, tồn tại trong thế giới nhưng là một sự tồn tại không có nhiều những liên hệ trực tiếp với những cá nhân khác.

Sequential activation: Hoạt động phản ứng chuỗi của những nhóm liên minh tế bào. Khi các tổ hợp tế bào thần kinh hoạt động, phản ứng chuỗi xảy ra và điều này cho phép các đơn vị thông tin dữ kiện được lưu trữ hoặc truy cập. Theo định nghĩa sinh học, trí nhớ chính là hệ quả của những hoạt động chuỗi của một nhóm tế bào thần kinh khi chúng cùng phản ứng đồng loạt cùng một lượt.

Seriation: Học theo mô hình hình chuỗi. Đây là khái niệm được Piaget giới thiệu trong đó chúng ta chủ yếu học qua những chuỗi các sự kiện có liên hệ với nhau. Trí nhớ của chúng ta được thiết lập khi sự liên hệ này trở thành có ý nghĩa đối với chúng ta.

Sex: Tính dục. Đây là một bộ phận đối tượng nghiên cứu quan trọng trong tâm lý học. Đây là một nhu cầu căn bản quan trọng trong đời sống của chúng ta. Tuy trực tiếp thuộc về mảng sinh lý nhưng tính dục có một tác động rất lớn đến hệ tâm thức, ý thức, và những hành vi của chúng ta. Đơn giản là tính dục có hai tuyến ảnh hưởng đó là tuyến ảnh hưởng lên cá nhân chúng ta và tuyến ảnh hưởng lên quan hệ giữa chúng ta và người khác.

Sexual impulses: Xung động tính dục. Đây là dạng năng lượng có nguồn gốc sinh lý sau đó được chuyển qua dạng năng lượng tâm lý có nội dung tình dục. Chính nguồn năng lượng này đã tác động lên tư duy và cảm xúc của chúng ta, kích thích chúng ta tham gia vào những quan hệ có nội dung tình dục.

Sexuality: Khái niệm tính dục. Đây là một khái niệm bao hàm có nhiều chức năng ý nghĩa khác nhau, thường thì đây là một phạm trù rộng lớn chứa đựng tất cả những khái niệm liên hệ đến tính dục.

Sex drive: Dục năng. Đây là nguồn năng lượng trực tiếp liên hệ đến các hoạt động tình dục của con người. Dục năng ngoài ra còn được coi là nguồn gốc của nhiều nan đề nếu như chúng không được điều tiết để duy trì ở mức độ cân bằng.

Sex hormone: Nội tiết tố sinh dục. Xét về mặt sinh lý, các nội tiết tố sinh dục có một tầm quan trọng đặc biệt đến các hành vi tính dục nơi con người. Ngoài ra các nội tiết tố này còn góp phần tạo nên những xu hướng tính dục rất phong phú khác nhau nơi con người.

Sexually attractive: Hấp dẫn tình dục. Theo các nhà tâm lý theo nhánh thuyết tiến hoá, hấp dẫn tình dục chính là những đặc tính nhằm tăng khả năng di truyền thành công nhất của mình. Chẳng hạn như nam giới muốn có các phụ nữ trẻ khỏe cân đối trong khi đó các phụ nữ thường nhắm đến những đối tượng đàn ông có khả năng chăm sóc con cái của họ.

Selves: Bản thân của chúng ta. Đây là danh từ số nhiều của self. Một khái niệm chung giành cho tất cả những nhân vị riêng khi được tổng hợp trong một bối cảnh chung.

Shadow: Bóng tối. Khái niệm này được Carl Jung đưa vào ngành tâm lý học. Theo ông, bóng tối là nơi tập trung những động năng tiêu cực. Với các nhà tâm lý hiện sinh thì bóng tối chính là trạng thái giam hãm không mở rộng mình ra với thế giới chung quanh.

Shallow: Không có chiều sâu. Đây là khái niệm chỉ về sự nông cạn, hờ hững thiếu phân tích và đánh giá. Cuộc sống chỉ hời hợt ở bề nổi và con người đã không tận dụng triệt để những cơ hội khám phá và phản tỉnh. Thật ra đời sống nội tâm của chúng ta là một thế giới phong phú, đầy màu sắc và ý nghĩa. Vì thế chúng ta cần dừng lại một phút để tìm hiểu kỹ hơn về chính chúng ta và những mối quan hệ liên đới với thế giới chung quanh.

Shamatha: Trạng thái bình an thật sự, một hình thái của tập trung tư tưởng hay con gọi là Chánh định. Khi chúng ta tập trung vào chính mình và nhận ra những giá trị chung quanh chỉ là tương đối và ý nghĩa làm người là một ý nghĩa hoàn thiện nhất, chúng ta không còn lệ thuộc vào những xúc cảm đam mê và những sân si dục vọng, lúc đó chúng ta sẽ trở nên thật sự có bình an.

Shame: Xấu hổ. Đây là một khái niệm quan trọng trong tâm lý học. Xấu hổ là một cảm xúc khi chúng ta nhận ra mình làm sai, làm chưa tốt, kém cỏi hơn người khác, lo lắng quá nhiều về các tiêu chuẩn thành công. Đây là trạng thái khi chúng ta có ý nghĩ rằng người khác sẽ có những cái nhìn tiêu cực nơi chúng ta. Xấu hổ giúp chúng ta cảnh giác hơn. Tuy nhiên xấu hổ cũng chính là nguyên nhân khiến nhiều người rơi vào trạng thái né tránh, co cụm.

Shaping: Tạo nếp. Đây là một khâu quan trọng trong quá trình học tập. Chúng ta tạo nếp khi những hành vi sau quá trình học hỏi được áp dụng đem lại những hiệu quả tích cực. Tạo nếp chính là hiện tượng phản xạ có điều kiện đã trở thành một thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.

Sharing resource: Cùng tôn trọng nguồn tài nguyên chung. Đây là một khái niệm trong kinh tế học. Chúng ta sống trong một thế giới khi các nguồn tài nguyên có giới hạn, vì để sinh tồn, chúng ta có khuynh hướng tranh thủ. Tuy nhiên theo các nhà tâm lý thì thái độ tranh thủ chỉ cần thiết khi chúng ta cố gắng phấn đấu để đạt được tích lũy một cách công bằng. Đây cũng chính là một thái độ nhân văn cần có khi chúng ta chia sẻ, giúp đỡ, và cùng cộng tác với những cá nhân khác.

Shine more freely: Ánh sáng hiện thân (light of dasein) tập trung vào một điểm gò bó, tại sao chúng ta không để ánh sáng hiện thân được tỏa sáng tự do. Đây là khái niệm cởi mở lòng mình ra với mọi người. Khi sống vì người khác, chúng ta cảm nhận được ý nghĩa và mục đích của mình ở giới cảnh cao nhất. Với những cá nhân trưởng thành thật sự, với họ ý nghĩa cho và nhận cao hơn những giá trị vật chất của những phương tiện cho và nhận đem lại.

Short–circuit: Phá vỡ vòng lẩn quẩn. Đây là một khái niệm quan trọng liệu pháp. Nhà trị liệu có thể ngăn chặn được vòng chu kỳ tâm thần luẩn quẩn của thân chủ. Đây là một khâu quan trọng trong trị liệu. Thân chủ có thể sẽ trải qua một kinh nghiệm lớn lao không dễ chịu lắm nhưng trên thực tế tương lai họ sẽ có rất nhiều lợi ích hiệu quả.

Shoulds: Điều nên làm. Đây là khái niệm chỉ về những điều nên làm vì các đặc tính tiêu chuẩn tích cực của chúng. Tuy nhiên một trở ngại là nhiều người đặt ra những tiêu chuẩn quá cao nên họ thường rơi vào trạng thái không thực hiện được những tiêu chuẩn này. Điều đó đồng nghĩa với hiện tượng họ đã tự làm khó mình.

Show–offs: Phô trương thanh thế. Đây là khái niệm trong sinh vật học được các nhà tâm lý theo thuyết tiến hóa sử dụng. Đây là hiện tượng khi các con thú giống đực phải thể hiện bản lĩnh của mình trong việc chinh phục các con thú cái cũng như việc tạo cho mình một vị thế trong cộng đồng và khẳng định quyền làm chủ của mình trên một khu vực môi trường mà ta quen gọi là lãnh địa. Xin xem ritual.

Siddhartha Gautama (655 – 486 B.C.). Người được coi là vị sáng lập ra Phật giáo được biết đến qua tước vị Phật. Các huấn giảng của ông đã có nhiều ảnh hưởng lên nhiều nhà tâm lý nhân cách buổi đầu. Theo nhận định chung, học thuyết nhân cách đi theo những tư tưởng trong Phật học thật sự có nhiều giá trị mang tính trị liệu rất cao.

Side effect: Phản ứng phụ của những vận hành của não. Nhiều nhà khoa học tâm thần đi quá xa và tin rằng các khía cạnh tinh thần của con người chẳng có giá trị đáng kể để ta phân tích vì họ cho rằng ý thức chỉ là những phản ứng phụ của các quá trình vận hành của não.

Science: Khoa học. Đây là khái niệm nói về một hệ thống kiến thức thuộc về một lĩnh vực đã được hệ thống hóa, có tính nhất quán, được kiểm chứng qua thí nghiệm và các qui luật. Xét từ những tiêu chuẩn đặc trưng này, tâm lý nhân cách thật ra chưa hẳn là một ngành khoa học, so với các ngành khoa học khác. Nhiều người tin rằng tâm lý nhân cách là bán khoa học và gần gũi với triết học nhiều hơn, nhất là tâm lý nhân cách thiếu hẳn tính nhất quán giữa các trường phái tư tưởng.

Sigmund Freud (1856–1939): Ông là người tiên phong và được coi là cha đẻ của ngành tâm lý phân tích. Rất nhiều khái niệm tâm lý được ông giới thiệu như xung động vô thức, cái tôi, cái tôi lý tưởng, cõi vô thức, và các cơ chế tự vệ. Ngoài ra các giai đoạn phát triển tâm tính dục của ông là những đóng góp quan trọng. Trong bối cảnh liệu pháp, ông đã có những đóng góp đáng kể về phân tích các giấc mơ, tự do liên tưởng, và môi trường thư giãn. Ông là người nổi tiếng với câu nói: Đem các nan đề từ cõi vô thức lên trên bề mặt cõi ý thức.

Sign stimuli: Kích thích hình ảnh, nhất là những hình ảnh có kích thước lớn và di chuyển. Đây là khái niệm quan trọng có ảnh hưởng lớn lên trí nhớ. Lorenz đã làm thí nghiệm cho các con vịt nhỏ mới sinh nhìn thấy ông khi chúng vừa nở ra. Kết quả là các con vịt này trong những ngày đầu tiên luôn luôn đi theo ông vì chúng tin rằng ông là mẹ của chúng.

Sign stimulus. Những kích thích mang tính dấu hiệu hình ảnh.


SachTruyen.Net

@by txiuqw4

Liên hệ

Email: [email protected]

Phone: 099xxxx