Rồi một ngày, cơn gió bấc đầu tiên thổi tới. Đã lập đông. Tôi chợt nhớ phố phường Hà Nội, tiếng xào xạc của những vòm lá giữa ồn ào đô thị, làn bụi mờ dọc các đại lộ đông người xe qua lại và mùi hoa sữa ma quái như bùa mê. Ở tỉnh lỵ Q, từng đoàn thuyền cặp bến, chở hạt dẻ lẫn trám muộn cho những kẻ buôn hàng lâm sản vét nốt về miền xuôi. Lẫn vào các bao hạt dẻ và trám đã có những sọt măng khô, măng nứa, măng giang, măng le nhiều hơn là măng lưỡi lợn. Mẹ tôi mua trữ vài cân. Bố tôi đã bình phục hoàn toàn, ngày nào cũng đòi tôi ngồi tiếp dăm bảy ván cờ và nói chuyện thời sự. Ông cụ cứ tưởng đâu rằng hễ cứ ở thủ đô Hà Nội thì một cậu thợ in tráng phim quèn như tôi cũng biết đủ chuyện bàn tròn bàn vuông giữa Goóc- ba- chốp và Ri- gân. May sao, tôi vốn thích đọc. Sát hợp tác ảnh của ông chú tôi là nhà một bà vụ trưởng tuy đã già nhưng tính tình còn đỏm dáng. Bà này có thú chơi ảnh. Đi nước nào bà cũng chụp hàng chục cuộn phim. Khắp nhà bà, ảnh treo la liệt như một cuộc triển lãm nhiếp ảnh tự tạo. Cứ lâu lâu, bà lại hạ các khung kính xuống, bóc lớp ảnh cũ đi và thay vào đó lớp ảnh mới. Tháng nào tôi cũng nhận rửa phim, tráng phim, in ảnh cho bà. Nhờ thế, tôi sang nhà bà, thường xuyên đọc bản tin của thông tấn xã. Cái kho tư liệu tưởng như vô bổ ấy lúc này rất hữu ích.
Mỗi hôm tôi kể cho bố tôi nghe một ít, lần lượt theo trình tự của trí nhớ. Ông cụ nghe tất cả những tin tức ấy hau háu như trẻ con ngóng quà.
- Trời cho thằng cháu tôi cái dạ sáng như thần đồng. Từ hạt cát đến cái cây, từ chuyện đấu đá nhau bên Tàu đến chuyện bầu cử tổng thống ở nước Mỹ, không có gì lọt khỏi đầu nó.
Lúc nào tôi vắng nhà, cụ khoe với bè bạn, xóm giềng như thế. Khi tôi ở nhà, cụ xăng xái bày đủ trò nấu xôi, nấu cháo, làm nem, làm chả cho tôi ăn. Tôi yêu và thương cụ nhưng phải nghĩ tới ngày rời tỉnh lỵ Q trở lại Hà Nội. Vũ Sơn cũng bảo với tôi rằng anh đã tiêm hết số thuốc kháng sinh lẫn thuốc bổ đem theo. Thời gian rong chơi ở quê đủ rồi, quay về Thủ đô là hợp lý. Thanh Dương không nói gì. Anh ta đang rơi vào mê lộ của tình yêu, không sức mạnh nào kéo nổi. Vả lại, đã lâu nay, chỉ tôi và Vũ Sơn đi chơi với nhau. Có gặp chúng tôi, Thanh Dương cũng tìm đủ cớ thoái thác hoặc lẩn trốn. Một lần, Vũ Sơn bảo tôi:
- Thằng ấy bây giờ ăn cháo lú. Nói với nó làm gì cho mỏi miệng. Nhưng thế nào tôi cũng sẽ cho nó một trận ra trò. Anh bảo tôi thư thả cho anh thu xếp vài việc vặt trong nhà rồi chúng tôi sẽ rời Q, kệ cho Thanh Dương đi sau.
Hò hẹn xong, tôi về quê thăm đám bà con nội ngoại theo yêu cầu của bố mẹ tôi. Lúc trở về thị xã, hai chiếc túi da của tôi nặng trĩu những đỗ lạc, nếp, vừng, cả kê nấu chè lẫn mấy nải chuối đang dấm. Tôi chọn mỗi thứ một ít, đem sang cho Vũ Sơn. Lúc ấy khoảng ba giờ chiều, trời khá lạnh nhưng anh cởi trần giẫm bì bọp dưới hố. Chiếc kính cận gọng giả đồi mồi tụt xuống tận chóp mũi. Anh bảo tôi:
- Phải trát cho mẹ con nó cái vách chuồng lợn. Dạo này cô ta quen bà trưởng cửa hàng lương thực, mua được cám rẻ đâm ra xây mộng nuôi lợn làm giàu.
Tôi bảo:
- Tôi giúp anh một tay nhé.
Anh gạt phắt đi:
- Thôi khỏi, tôi trót đèo bòng cái của nợ vợ con thì tôi phải chịu trời hành. Cậu can cớ gì mà ghé vai vào. Lên nhà uống nước chờ tôi. Nửa tiếng nữa là xong.
Tôi xách chuối với mấy thứ lỉnh kỉnh vào nhà rồi tìm cuốn Tam quốc chí đọc lại. Lát sau thấy vợ Vũ Sơn dắt xe vào sân, dựng xe rồi chạy ra đường, khệ nệ lôi vào hai chiếc rọ tre đựng lợn con. Một con còn sống hếch mõm lên kêu. Con kia đã chết cứng, duỗi bốn cái cẳng chân hồng nhợt chỉ lớn hơn chiếc đũa cả chút xíu. Đang hì hục nhào vữa, Vũ Sơn ngẩng lên:
- Lợn ở đâu thế?
Vợ anh không trả lời, chị ngồi xuống khúc gỗ gần đấy.
Vũ Sơn nhắc lại:
- Lợn ở đâu?
Người đàn bà vẫn im lặng. Vẻ mặt chị nửa như hằn học, nửa như giận dỗi ai đó và cả hai thứ trạng thái ấy núp sau sự ù lì. Vũ Sơn sẵng giọng:
- Cô lịch sự với tôi một chút chứ, tôi đã hỏi lợn ở đâu?
Có lẽ, lúc áy mắt anh quắc lên dữ tợn sau tròng kính và người đàn bà bắt đầu sợ hãi. Chị đáp:
- Hợp tác xã Miễu Sơn.
Tôi thấy Vũ Sơn ném nắm vữa trong tay xuống hố nhảy phắt lên sân, anh cười nhạt một cách đáng sợ:
- Tôi biết mà, của thằng cha Hải phải không?
Vợ anh im lặng. Vũ Sơn bước lên vài bước chân, đứng trước mặt chị ta, cái lưng dài lom khom cúi xuống, và giọng nói bỗng trở nên thì thào ghê rợn:
- Hứa với nó là nhà em sẽ viết bài cho hợp tác xã chăn nuôi Chiến Thắng của anh, đúng không?… Anh cho em xin đôi lợn giống đúng không?… Rồi trước Tết, nó sẽ cho người mang biếu cô một con sáu chục cân vừa đủ xuất chuồng, với danh nghĩa là lợn thanh lý, đúng không?… Trông cái mặt cô, tôi đã đoán ra những trò đê tiện đó? Cô có biết thằng cha đó đã tham ô bao nhiêu tiền không? Cô có biết nó đã hiếp bao nhiêu đàn bà, con gái không? Cô có biết rằng những người lương thiện trong tỉnh này đang công phẫn vì sự bao che của ông chú ruột nó, phó chủ tịch tỉnh… Bây giờ, cô buộc tôi phải viết bài ca ngợi phẩm hạnh tài năng của nó, để giữ lại cho nó cái ghế đã bị cưa đứt ba chân?…
Vợ anh cúi mặt xuống. Có lẽ chị ta đã cảm thấy lờ mờ những tai họa phía sau việc làm vụ lợi của mình. Cũng có lẽ, chị ngửi thấy trước cơn giông tố sẽ ập đến mái nhà này bằng vào gương mặt tái mét của người chồng, bằng vào đôi tay run rẩy của anh, bằng vào giọng nói ghê rợn như hàm chứa nỗi đau khổ và xa xót đã chồng chất qua nhiều năm tháng. Tuy thế, chị cũng không biểu lộ một cử chỉ nào để ghìm giữ hoặc xoa dịu cơn giông tố ấy. Chị vốn luôn luôn có vẻ mặt ù lì. Tôi thấy những hơi thở dồn dập của anh vọng vào tận trong nhà, nơi tôi ngồi… Tôi thấy vệt bùn vữa bám trên tay anh run rẩy theo cơn run rẩy toàn thân. Thời khắc trôi qua nặng nề, rồi bất chợt Vũ Sơn gầm lên:
- Mang lợn đi trả.
Người đàn bà ngồi im.
- Tôi bảo cô mang lợn đi trả.
Vũ Sơn dằn từng tiếng một, đầu anh cúi thấp hơn nữa, sát vào bộ mặt vô cảm của chị vợ. Chị ta ngẩng lên, nhìn chồng và đứng dậy, lúng búng:
- Nhưng chết một con rồi.
Vũ Sơn đáp:
- Chết thì đền.
Đoạn, anh chạy xộc vào nhà. Vẫn cứ đôi tay lấm lem bùn vữa thế, anh thọc vào tất cả túi áo, túi quần treo trên mắc, móc toàn bộ số tiền có trong đó, từ đồng bạc trăm tới tờ hào lẻ. Ném cả mớ tiền ấy trước mặt vợ, anh quát:
- Cầm lấy, cầm lấy và đi ngay cho khuất mắt tôi.
Người đàn bà cúi xuống lượm đống tiền, làu bàu gì đó trong miệng nhưng không dám nói to. Rồi chị ta buộc hai cái rọ lợn lên xe, dắt khỏi cổng.
Vũ Sơn ngồi phịch xuống bậc thềm. Anh thở hộc lên từng hồi một, tấm lưng dẹt phập phồng, lấm tấm vệt bùn bám. Tôi bỏ cuốn Tam quốc, ra ngồi bên anh, lặng lẽ. Hồi lâu, anh hất mớ tóc trước trán lên và nói với tôi bằng một giọng chậm rãi:
- Phẩm hạnh của chúng ta, lương tâm nghề nghiệp của chúng ta, những ước vọng của chúng ta sẽ hư nát, sẽ thối rữa dần dà khi ta trói buộc số phận với một con đàn bà nào đó. Thoạt tiên, ta yêu nó vì gương mặt nó đẹp hay giọng nói nó vui tai, vì cái vẻ đần độn ma ta lầm tưởng là sự hiền thục hay thói ích kỉ mà ta ngỡ là sự căn cơ, ngăn nắp. Sau rồi, nó nắm lấy tóc ta mà lôi theo những ham muốn không cùng. Mỗi con đàn bà là một cái thùng không đáy rót vào đó bao nhiêu cũng chẳng đầy… Này Nam, tôi khuyên cậu nếu cậu muốn sống một cuộc sống có ý nghĩa toàn vẹn, chớ có bao giờ lấy vợ.
Khóe môi Vũ Sơn run run, tái nhợt. Tôi cảm thấy như trong mỗi lời nói, ứa r một giọt lệ nóng và đục. Để khỏa lấp trạng thái ấy, tôi lắc đầu cười:
- Tôi chẳng dại. Tôi chỉ làm nghề tráng phim, in ảnh loèn quèn, không ước vọng gì lớn. Tôi phải lấy vợ thôi, tôi sợ cô đơn lắm, nhà báo ạ…
@by txiuqw4